EU hướng đến một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 13/05/2023
Ngoại trưởng của khối 27 nước, họp hôm 12/05/2023, tại Stockholm, Thụy Điển, đã "nhất trí" với bản dự thảo điều chỉnh chính sách của Liên Âu với Trung Quốc, do cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đề xuất. Chính sách với Trung Quốc được điều chỉnh nói trên nhấn mạnh nhiều hơn đến việc coi Bắc Kinh như một "đối thủ mang tính hệ thống". Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và đòi hỏi Bắc Kinh kiên quyết hơn với Nga trong hồ sơ Ukraina là các nội dung chính.
Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chụp ảnh kỷ niệm trước cuộc họp, ngày 12/05/2023, Stockholm, Thụy Điển. AP - Jonas Ekströmer
Theo AFP, một trong những căng thẳng lớn nhất giữa Liên Âu và Trung Quốc là "lập trường mập mờ" của Trung Quốc về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, Bắc Kinh đã không lên án Nga trong lúc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã giúp Nga lách các trừng phạt của Châu Âu. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Joseph Borell, cảnh báo : "Chúng ta sẽ không thể có được quan hệ bình thường với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến tranh này".
Trả lời AFP, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna xác nhận : văn bản được cơ quan ngoại giao Liên Âu đề xuất đã được 27 ngoại trưởng Liên Âu thông qua. Theo ngoại trưởng Pháp, chính sách điều chỉnh đã được tất cả nhìn nhận là "hoàn toàn phù hợp".
Từ năm 2019, Liên Âu đã xác định chính sách ứng xử ba mặt với Bắc Kinh, khi coi Trung Quốc vừa là "đối tác" trong nhiều lĩnh vực, vừa là đối thủ cạnh tranh về các ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng cũng là "đối thủ mang tính hệ thống" về mô hình chính trị. Theo tài liệu của cơ quan ngoại giao Liên Âu, đường hướng chung nói trên không thay đổi, nhưng "cần được điều chỉnh" trong bối cảnh "thế đối địch với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây".
Văn bản vừa được các ngoại trưởng EU thông qua, trong ngày họp không chính thức đầu tiên theo công thức "Gymnich", là cơ sở cho chính sách chính thức với Trung Quốc, sẽ được các lãnh đạo 27 nước Châu Âu thông qua trong thượng đỉnh cuối tháng 6. Hội nghị không chính thức ngoại trưởng Châu Âu theo công thức Gymnich diễn ra hai năm một lần. Quốc gia chủ tịch luân phiên Liên Âu phụ trách tổ chức. Gymnich là tên của địa danh Đức, nơi diễn ra hội nghị đầu tiên năm 1974.
Trung Quốc kêu gọi Liên Âu "từ bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh"
Cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng EU diễn ra đúng lúc ngoại trưởng Trung Quốc có vòng công du Châu Âu. Hôm qua, tại Oslo, Na Uy, ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) cảnh báo "nếu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xảy ra, các hậu quả sẽ ghê gớm hơn" lần trước. Ông Tần Cương kêu gọi Liên Âu và Trung Quốc nên cùng nhau "từ bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh".
Trọng Thành
***********************
Chính sách với Trung Quốc : 27 nước Liên Âu tìm tiếng nói chung
Trọng Thành, RFI, 12/05/2023
Các ngoại trưởng của 27 quốc gia thành Liên Hiệp Châu Âu có cuộc họp không chính thức hai ngày tại Stockholm, Thụy Điển. Nội dung chủ yếu của ngày họp đầu tiên hôm 12/05/2023 là điều chỉnh lập trường chung của khối này đối với Trung Quốc.
Liên Âu siết chặt hơn nữa đối với đầu tư và xuất khẩu để giảm bớt sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
Hãng tin Anh Reuters tiếp cận được bản tài liệu 7 trang được dùng làm cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách với Trung Quốc, mà cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã chuyển đến các quốc gia thành viên. Từ năm 2019, Liên Âu đã xác định chính sách ứng xử ba mặt với Bắc Kinh, khi coi Trung Quốc vừa là "đối tác" trong nhiều lĩnh vực, vừa là đối thủ cạnh tranh về các ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng cũng là "đối thủ mang tính hệ thống" về mô hình chính trị.
Theo tài liệu của cơ quan ngoại giao Liên Âu, đường hướng chung nói trên không thay đổi, nhưng "cần được điều chỉnh" trong bối cảnh "thế đối địch với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây". Trong một thư đi kèm với tài liệu, cũng được gửi đến các ngoại trưởng 27 nước, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borrell nhấn mạnh "việc điều chỉnh" là cần thiết, đặc biệt do "gia tăng cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tác động đến tất cả các lĩnh vực chính trị".
Liên Âu "không thể để bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung", cho dù việc duy trì các hợp tác mật thiết với Hoa Kỳ luôn luôn là điều "căn bản" đối với Liên Âu, cũng là một điểm được nêu bật trong bản tài liệu của cơ quan ngoại giao Liên Âu.
Tài liệu này cũng nêu khả năng Liên Âu siết chặt hơn nữa đối với đầu tư và xuất khẩu để giảm bớt sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, đồng thời kêu gọi toàn khối "đa dạng hóa các nguồn cung ứng trong các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là những lĩnh vực hệ trọng đối với chính sách chuyển đổi sang kinh tế xanh và kỹ thuật số".
Theo AFP, ngày mai, các ngoại trưởng 27 nước Liên Âu sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh, với tâm điểm là căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, theo một giới chức cao cấp Châu Âu, cuộc họp ngày mai "sẽ thảo luận về xây dựng các quan hệ đối tác", và chủ trương của Liên Âu là "duy trì nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan để tránh căng thẳng gia tăng".
Trọng Thành
*************************
Châu Âu chuẩn bị đưa thêm trừng phạt mới đối với Nga, Trung Quốc cũng rơi vào tầm ngắm
Chi Phương, RFI, 09/05/2023
Tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga do xâm lược Ukraine, hôm 08/05/2023, Ủy Ban Châu Âu cho biết đã gửi tới các nước thành viên Liên Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm ngăn chặn Nga lách các trừng phạt. Trong danh sách gồm 542 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp Nga, lần đầu tiên có 9 doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc xuất khẩu cho Nga những mặt hàng điện tử hoặc chất bán dẫn, phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Cờ Liên Hiệp Châu Âu tại trụ sở Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles, Bỉ. Ảnh minh họa chụp ngày 01/03/2023. Reuters – Johanna Geron
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình :
"Ủy Ban Châu Âu đã gửi một đề xuất trừng phạt, tức gói trừng phạt thứ 11. 27 nước đã nhận được đề xuất này từ thứ Sáu tuần trước, nhưng không nước nào muốn chính thức xác nhận trong danh sách này có 9 doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Kông và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn. Tuy nhiên Ủy Ban Châu Âu bóng gió xác nhận rằng những trừng phạt theo kiểu mới này nhằm chống lại những doanh nghiệp của các nước khác ngoài Nga, đó là những doanh nghiệp dường như liên can tới việc lách các trừng phạt và hỗ trợ Nga. Phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu, Eric Mamer cho biết : "Quả thực, gói trừng phạt này tập trung vào việc thực thi các trừng phạt, hiệu quả của chúng và làm sao để ngăn chặn những trừng phạt này bị lách và làm sao để ngăn chặn những hàng hóa vốn đã bị cấm xuất khẩu sang Nga vẫn tìm được đường tới Nga để phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva".
Ngoài Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia ở vùng Kavkaz hay Trung Á là nơi có các công ty bị tình nghi đã giúp Nga lách các lệnh trừng phạt. Cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về gói trừng phạt thứ 11 này diễn ra vào ngày mai, 10/05, tại Bruxelles, trong cuộc họp giữa 27 đại sứ, đại diện thường trực của các nước thành viên Liên Âu".
Trước thông báo này, bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ có biện pháp trả đũa, nếu Châu Âu trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, và đề nghị Châu Âu "không nên đi nhầm đường". Hãng tin AFP trích dẫn một nguồn tin ngoại giao, cho biết sẽ cần nhiều cuộc họp để thông qua gói trừng phạt được cho là rất kỹ thuật này. Lãnh đạo 27 nước thành viên có thể sẽ thảo luận về gói trừng phạt này nhân thượng đỉnh Liên Âu ngày 30/06.
Chi Phương
**************************
Liên Âu cân nhắc trừng phạt công ty Trung Quốc giúp Nga trong cuộc chiến Ukraine
Trọng Nghĩa, RFI, 09/05/2023
Đúng vào lúc tân ngoại trưởng Trung Quốc lên đường công du Châu Âu với ba chặng ngừng là Đức, Pháp và Na Uy, truyền thông Anh ngày 08/05/2023 đã tiết lộ sự kiện Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu xem xét khả năng trừng phạt một số công ty Trung Quốc bị cáo buộc đã giúp Nga chế tạo vũ khí sử dụng trong cuộc chiến Ukraine.
Một quân nhân Nga đang chuẩn bị drone trinh sát Orlan-10. Ảnh do bộ quốc phòng Nga cung cấp ngày 08/08/2022. AP
Đây là một diễn biến mới có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, và ngay ngày 08/05, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên tiếng cảnh cáo Liên Âu là không nên "đi sai đường".
Danh sách đen các công ty Trung Quốc
Nhật báo Anh Financial Times là tờ đầu tiên cho biết là trong tuần này Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ thảo luận về một loạt trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và thực thể giúp Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Trong số các đối tượng bị trừng phạt, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc là đã bán qua Nga các thiết bị có thể được sử dụng trong vũ khí.
Hãng tin Anh Reuters sau đó đã trích dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao xác nhận rằng ngày 10/05, 27 thành viên EU sẽ bắt đầu thảo luận đề nghị của bộ phận đối ngoại thuộc Ủy Ban Châu Âu liên quan đến gói trừng phạt kể trên, trong đó có việc đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen bị Liên Âu phong tỏa tài sản.
Theo Financial Times, danh sách doanh nghiệp Trung Quốc bị EU đề nghị trừng phạt bao gồm hai công ty tại Hoa Lục - 3HC Semiconductors và King-Pai Technology, đều ở Thẩm Quyến – và năm công ty tại Hồng Kông : Sinno Electronics, Sigma Technology,Asia Pacific Links, Tordan Industry and Alpha Trading Investments. (Riêng hãng tin Pháp AFP còn nói đến một công ty thứ 8 : Allparts Trading ở Hồng Kông).
Đề xuất trừng phạt từ Ủy Ban Châu Âu chẳng hạn đã tố cáo công ty sản xuất chip máy tính 3HC Semiconductors là đã "cố trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để mua hoặc tìm cách mua các mặt hàng xuất xứ từ Mỹ để hỗ trợ cho quân đội và/hoặc các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga".
Trung Quốc giận dữ
Cho đến nay, Bruxelles vẫn tránh nhắm vào Trung Quốc, lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh trực tiếp cung cấp vũ khí cho Moskva. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà các doanh nghiệp Trung Quốc bị phương Tây trừng phạt về tội giúp Nga trên bình diện vũ khí.
Trong số 7 thực thể nằm trong danh sách đen của Liên Âu, có 4 công ty đã bị Hoa Kỳ trừng phạt : 3HC Semiconductors, King-Pai Technology ở Thẩm Quyến và Sinno Electronics, Sigma Technology ở Hồng Kông.
Theo bộ tài chính Mỹ, công ty King-Pai Technology chẳng hạn đã cung cấp cho Nga các linh kiện vi điện tử có thể được dùng trong việc chế tạo vũ khí như hệ thống dẫn đường cho tên lửa hành trình.
Đối với Financial Times, động thái của EU có thể sẽ khiến Trung Quốc tức giận vì cho đến nay, Bắc Kinh đang cố ngăn chặn việc Bruxelles đứng hẳn về phía Washington. Thông tin về khả năng EU trừng phạt các công ty Trung Quốc vì giúp Nga vừa được tiết lộ đã lập tức bị Bắc Kinh đả kích.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai, 08/05, phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã nhắc nhở EU là không nên đi theo "con đường sai lầm" và cảnh cáo rằng Bắc Kinh sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo nhân vật này thì "Trung Quốc phản đối mọi hành động sử dụng công cuộc hợp tác giữa Trung Quốc và Nga làm một cái cớ để áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp hoặc quyền tài phán ngoài lãnh thổ đối với Trung Quốc".
Linh kiện Trung Quốc trong vũ khí Nga ngày càng nhiều
Dẫu sao thì không có lửa làm sao có khói ? Hãng Reuters ngày 17/04 vừa qua đã trích dẫn nhiều nguồn tin từ phía Ukraine xác nhận rằng họ đã tìm thấy ngày càng nhiều các linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc trong vũ khí Nga dùng trên chiến trường Ukraine.
Trả lời Reuters, ông Vladyslav Vlasiuk, một cố vấn cấp cao thuộc văn phòng của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định : "Trong các vũ khí Nga tịch thu được trên chiến trường, chúng tôi tiếp tục tìm thấy các thiết bị điện tử khác nhau… Xu hướng bây giờ là linh kiện do phương Tây sản xuất ít hơn trong lúc linh kiện do một nước khác làm ra nhiều hơn - không khó (để) đoán đó là quốc gia nào - tất nhiên là Trung Quốc".
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc gửi thiết bị quân sự qua Nga kể từ khi Moskva tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Cuộc tấn công đã kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong đó có việc cấm gửi công nghệ quân sự và lưỡng dụng như các loại vi mạch có thể được sử dụng cả trong các thiết bị thông thường hoặc trong vũ khí.
Thông tin tình báo do các chuyên gia Ukraine thu thập từ chiến trường và chia sẻ với Reuters cho biết sản phẩm Trung Quốc đã được tìm thấy trong hệ thống định vị của loại drone Orlan trước đây sử dụng hệ thống của Thụy Sĩ. Linh kiện Trung Quốc cũng bị phát hiện trong hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng Nga, trước đây dùng các bộ phận do Pháp sản xuất.
Ukraine đã trừng phạt một công ty Trung Quốc
Về phần mình, ông Vlasiuk đã nêu đích danh hai nguồn cung cấp cho Nga : Tập đoàn sản xuất vũ khí Trung Quốc Bắc Phương Công Nghiệp (Norinco) ở Bắc Kinh, và nhà cung cấp thiết bị quân sự Tân Hưng Quảng Châu (Xinxing Guangzhou Import & Export Co). Tuy nhiên nhân vật này không nói họ đã cung cấp những gì.
Theo Reuters, Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty Comnav Technology của Trung Quốc vì đã cung cấp thiết bị định vị và radar cho Nga, những phương tiện có thể được sử dụng để hỗ trợ drone và tên lửa của Nga và Iran.
Reuters không thể kiểm chứng các thông tin tình báo nói trên, trong đó có việc làm rõ xem là liệu các linh kiện có liên quan đã được bán qua Nga để dùng cho mục đích dân sự, hay liệu đã được một bên thứ ba chuyển đến Nga.
Khi được hỏi liệu các công ty Trung Quốc có cung cấp linh kiện cho Nga để chế tạo vũ khí hay không, văn phòng phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết : "Trong suốt lịch sử của mình, Trung Quốc đã tiến hành hợp tác thương mại bình thường với tất cả các nước, kể cả Nga, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Đối với việc xuất khẩu các mặt hàng quân sự, Trung Quốc luôn có thái độ thận trọng và có trách nhiệm. Lập trường và hành động của Trung Quốc luôn như vậy".
Trọng Nghĩa