Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/05/2023

Cô giáo ngã xuống vực

Thụy Văn

Cách đây mấy hôm, cô giáo mầm non Mai Thị Yến ở trường mầm non Đường Thượng, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang trên đường từ trường về nhà đã bị ngã xuống vực.

cogiao1

Cầu qua suối mà các giáo viên vùng cao phải đi qua - Tác giả

Cô chết trong bệnh viện bốn tiếng sau đó. Chồng của cô, cũng là thầy giáo, người cầm tay lái chở cả nhà, bị dập nội tạng, phải cắt một quả thận. May mắn đứa con bốn tuổi của họ có lẽ được mẹ ôm trọn trong lòng khi lăn xuống vực nên chỉ bị xây xước, không nguy hiểm tính mạng.

Chiếc xe máy gia đình họ cùng nhau di chuyển trên đó, bị mất phanh khi đang trên đường đèo dốc.

Thầy cô giáo không tiếc mạng mình ư ?

Mới giữa tháng 10 năm ngoái, trên đường vào điểm trường ở sâu trong rừng, một cô giáo cắm bản ở vùng Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) liều lĩnh ôm thân cây để vượt qua con suối đang lũ dữ. Hình ảnh này được thầy giáo đi cùng chụp lại và lập tức gây bão.

Thân cây còn nguyên vỏ nằm dầm dề dưới trời mưa trơn nhầy nhẫy. Hai bàn tay bé nhỏ bám vào nó chẳng hề có tác dụng gì níu giữ nào hết. Dòng suối ngay dưới chân gầm réo lao đi, chỉ nhìn cũng đủ chóng mặt. Chỉ cần hai bắp đùi đang kẹp lấy thân gỗ bị trơn hoặc lệch ra khỏi điểm tì một chút và nghiêng đi, cô giáo sẽ toàn thân rơi xuống suối và bị dòng lũ cuốn phăng. Hầu như chẳng ai rơi xuống suối mùa lũ mà sống được, vì bị con nước vừa lôi đi vừa quăng quật vào khắp các tảng đá lởm chởm nhọn hoắt.

Ấy thế mà thời điểm đó rầm rĩ trên dư luận nhiều người tung hô thầy giáo và cô giáo trên là anh hùng, những giáo viên vĩ đại quên mình vì cái chữ của học sinh.

Và cũng rất nhiều người bàng hoàng trước sự tung hô đó.

Thầy cô giáo không tiếc mạng mình ư ?

Thầy cô giáo yêu thương học sinh đến nỗi chọn cách có thể hy sinh tính mạng để đổi lấy một buổi học của học sinh ư ?

Không !

Thầy cô cũng là người, thậm chí là những người đang còn gánh rất nặng gia đình cha mẹ già, con thơ. Họ cũng đều nghèo. Tôi cam đoan chẳng thầy cô nào không nghèo mà tự nguyện đi cắm bản cả. Dạy học, với họ là công việc để kiếm tiền nuôi gia đình, một công việc tử tế đàng hoàng. Họ làm việc tròn trách nhiệm và được trả lương, thế đã đủ được tôn trọng. Nếu yêu công việc, họ sẽ đạt được hạnh phúc và thành tựu. Nếu làm việc tồi tệ, họ cần bị chấn chỉnh hoặc sa thải. Không được lừa gạt họ và cả xã hội rằng giáo viên cắm bản là nghề dành cho những anh hùng, mà anh hùng thì phải chịu thiệt thòi, hy sinh, đau khổ, nghèo túng… để được xã hội vỗ tay.

Chọn lựa bám thân cây leo qua suối dữ là một quyết định bồng bột và nhất thời, đầy chủ quan rằng mình sẽ an toàn. Thật may mắn vì họ đều an toàn. Chứ nếu tuột tay rơi xuống, chắc chắn những phút giây cuối cùng trên đời của hai thầy cô chỉ còn ngập tràn hối hận và nuối tiếc.

Không có tấm bằng liệt sĩ hay phong tặng anh hùng nào đủ bù đắp cho gia đình họ người vợ, người chồng, người con, người cha, người mẹ.

Cũng không xã hội nào độc ác đến nỗi yêu cầu người thầy phải hy sinh tính mạng khi đi dạy học.

Những người ca ngợi sự hy sinh cần biết rằng chương trình học của Bộ giáo dục với những vùng khó khăn đặc biệt luôn được dành một khoảng thời gian dự phòng để học bù những ngày phải nghỉ học do thiên tai. Mưa gió lũ bão, học sinh và thầy cô cứ việc ở nhà, sau đó dạy bù. Thực tế cần quan tâm hơn và đau xót hơn một con suối ngày lũ dữ. Đó là cho dù những ngày không lũ thì các thầy cô giáo cắm bản vẫn đang phải đánh đu với tính mạng trên đường đi dạy hàng tuần.

Cái chết của cô giáo ở Hà Giang khiến nhiều đồng nghiệp của cô xót xa và chạnh lòng, vì nó thảm thương quá. Nhưng biết bao đồng nghiệp của cô hàng mấy chục năm qua cũng đã ngã nhào xuống vực, ngã dúi dụi dưới chân dốc, hụt hơi lăn tòm xuống suối khi khiêng xe qua… Có những người xe rơi chênh vênh bên bờ vực, may mà một chân còn đạp vào phanh giữ lại. Để cho cả người cả xe không bị lăn xuống vực, họ phải đứng giữ chắc chiếc xe như thế suốt một tiếng đồng hồ, cả người tê dại. Mãi đến khi có người trong bản đi ngang qua mới cứu được.

Con đường cô giáo Yến đi dạy ở điểm trường mầm non xã Đường Thượng tuy đã được trải nhựa nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm. Hãy hình dung một đoạn lò xo gấp khúc liên tiếp, vừa hết khúc ngoặt tay áo này đã là khúc ngoặt tay áo khác, kể cả lúc đang lên đèo hay xuống dốc. đột ngột. Vách núi cao sừng sững một bên. Bên kia là vực thẳm. Trên núi thường xuyên có mưa và sương mù, đất đá từ vách núi đổ xuống nhiều đoạn ngổn ngang hẳn cả một đoạn đường. Mặt đường bị tàn phá nhất là ở những đoạn rẽ ngoặt, lớp nhựa trên mặt bị bóc hẳn lên lộ ra mặt đất lởm chởm đá hoặc bùn nhầy nhụa. Đường núi thăm thẳm, không có hộ lan. Trâu bò thỉnh thoảng đi lại nghênh ngang giữa đường. Dốc vừa xấu, vừa trơn, vừa gấp, trượt bánh hay mất phanh là lăn nhào xuống vực. Trước, sau, hai bên, gần ngay trước mắt, xa tận chân trời đều mênh mông núi tai mèo nhọn hoắt liên tiếp điệp trùng. Tưởng như đi hoài, đi mãi, đi cả đời cũng không bao giờ ra khỏi núi.

Tại sao khổ cực, nguy hiểm thế mà các thầy cô vẫn cắm bản ?

cogiao2

Con đường qua núi. Ảnh : Tri Le

Xám xịt giữa núi rừng

Hãy nhìn xã Đường Thượng.

Nơi này là dải thung lũng dài hẹp nằm giữa bốn bề núi. Gần như không có đất. Kinh tế chủ đạo ở đây là cố gắng trồng cây lương thực để lấy cái ăn chống đói. Có 10 thôn, gần 900 hộ, toàn bộ dân số là đồng bào H’Mông. Diện tích gieo trồng vỏn vẹn trên 1.500 ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 17 triệu đồng/năm, đã là thành tích đáng mừng của địa phương so với các năm trước. Dân chẳng biết làm gì ngoài trồng lúa trên các ruộng bậc thang. Các rìa đất mỏng ven đường thì tranh thủ trỉa xuống ngô và đậu tương. Thiếu nước và phân nên cây trồng thấp cằn, bé nhỏ, xơ xác. Nhiều ngọn núi lớn đã biến thành ruộng bậc thang tất cả, từ trên cao nhìn xuống thấy trắng xóa một vùng. Xã này huyện này là xã nghèo, huyện nghèo từ hàng chục năm nay, luôn luôn trong danh sách điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Nằm lọt trong cao nguyên đá Đồng Văn, gần đó có vài di tích thắng cảnh nhưng không đặc biệt, đường đi lại quá xa và xấu nên khách du lịch chẳng ai đến. Chỉ lác đác vài phượt thủ ghé qua, không thể mang lại thay đổi về kinh tế cho dân địa phương.

Mấy năm nay trong xã có vài người dân đan quẩy tấu (gùi nhỏ), dệt lanh… mang đi bán ở chợ xa, tháng kiếm được 1-2 triệu đồng. Là số tiền nhiều lắm đó.

Ngoài ra, kinh tế chủ yếu của địa phương vẫn là khuyến khích nuôi trâu bò, lợn. Nhưng nuôi rồi bán cho ai ? Thương lái hiếm lắm mới có người vào tận nơi, cũng vì đường quá xa và xấu, cũng không có nông sản gì đặc biệt.

Nằm giữa núi rừng trông có vẻ xanh ngút ngàn nhưng rừng thật sự không còn mấy, chỉ còn toàn cây bụi. Xã Đường Thượng hầu hết là những ngôi nhà thấp, tường xây bằng gạch ba banh, mái lợp tôn fibre cement (fibro xi măng) xám xịt. Đường giao thông vỡ nát, đất lầy lụa bẩn thỉu vì nhà hai bên đổ thẳng nước ra đường. Một bức tranh buồn bã, xám ngoét vì đói nghèo.

Ở đó, thầy cô giáo sống ổn hơn mức bình quân vì có công việc ổn định, có thu nhập thường xuyên. Lương giáo viên cắm bản tính bằng Mức lương cơ sở x Hệ số lương + Chế độ phụ cấp ưu đãi được hưởng + Chế độ phụ cấp đối với người đang công tác tại vùng khó khăn + Phụ cấp thâm niên – Mức đóng Bảo hiểm xã hội. Tổng cộng tất cả, họ có thu nhập ít nhất khoảng gấp đôi so với giáo viên ở vùng bình thường. Cao nhất có thể vài chục triệu, giáo viên mới ra trường cũng 5-7 triệu đồng, ở miền núi là sống khỏe.

Vùng biên giới hải đảo rất ít việc làm nhưng giáo viên thì không thể thiếu. Cho nên dù khó khăn vất vả nhưng giáo viên là nghề nghiệp được ao ước ở những nơi này. Đó là một trong những lý do lớn nhất giải thích tại sao thầy cô giáo ở đây cố gắng bám nghề đến như vậy.

Nhìn sự việc một cách sòng phẳng sẽ thấy thiệt thòi mà giáo viên cắm bản phải chịu không đến từ thu nhập của họ.

Những con đường đắt nhất hành tinh

Giao thông khó khăn và nguy hiểm, thường xuyên phải sống xa nhà. Không đường nên cũng không chợ, không y tế, không nước sạch, không bưu chính, không có điều kiện nâng cao về chuyên môn và tinh thần, ngoài một chiếc điện thoại di động lên mạng. Đó mới là những vấn đề trầm trọng nhất trong đời sống người giáo viên cắm bản. Đó cũng là vấn đề chung của tất cả người dân sống nơi biên giới, hải đảo khó khăn, bất kể họ sinh sống bằng nghề gì.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận xét : "Do bị rút ruột lấy tiền bôi trơn lại quả nên đường sá Việt Nam đắt gấp đôi, gấp ba Mỹ, Trung Quốc (…). Dự án càng to quy mô tham nhũng càng lớn". Khi thảo luận tại quốc hội về Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cho biết các dự án đều tăng giá gấp ba so với ban đầu. Một km đường ở Việt Nam tốn 700-1.000 tỷ đồng, trong khi các nước khác chỉ tốn khoảng 300 tỷ. Tuổi thọ con đường của họ khoảng 50 năm, còn ở Việt Nam chỉ 2-3 năm đã xuống cấp.

Tháng 8 năm ngoái, thanh tra tỉnh Bình Định phát hiện gói thầu làm một tuyến đường chỉ dài hơn 1,2 km nhưng đã bị ăn bớt gần năm tỷ đồng.

Con đường ở xóm tôi vừa được nâng cấp trước Tết. Nhìn họ làm, cứ ngỡ mình đang ở thế kỷ trước. Nhựa đường nấu sôi lên trong thùng phi, gác ba ông táo đốt lửa rừng rực bên lề đường. Công nhân cầm gáo múc ra, tạt từng gáo lên mặt đường. Lúc đổ đá lên rồi lu mặt đường lại thì họ dùng cái xe lu nhỏ như đồ chơi, lu qua lu lại hoài không chặt mới đổi cái xe lu lớn hơn.

Vậy nhưng cũng làm xong, mặt đường cũng láng như ai, chỉ không biết được bao lâu.

Hai ba ngày sau, anh công nhân khác cầm cái chổi quét nhà nhúng vào một xô chứa chất gì đó đen đen, quét đi quét lại lên chỗ giáp mí giữa lòng đường cũ và mới. Dân xung quanh bu lại hỏi, công nhân này giải thích chất keo tốt lắm, quét lên là hai mí dính chắc lại với nhau liền, yên tâm, đường không bao giờ hư.
Xong rồi chổi quét nhựa, thùng phi nấu nhựa… cứ vậy vứt chỏng chơ bên lề đường.

Họ yên tâm làm một cách cẩu thả vì sẽ chẳng có ai chất vấn, kiểm soát. Người dân nhìn thấy hết nhưng báo với ai ? Có báo đi nữa thì ai nghe, ai sửa ? Đường mau hư hỏng cán bộ càng khoái, càng nhanh xin tiền dự án sửa chữa, lại ẵm được một mớ.

Ở thành thị, nơi đông người đã vậy, thì các công trình giao thông giữa núi non, nơi hàng chục km không có lấy một ngôi nhà, một bóng người, thử hỏi các quan còn tha hồ rút ruột đến cỡ nào.

cogiao3

Đường đi phải qua đồi núi, sông, suối hiểm trở. Những ngày mưa bão kéo dài, giáo viên phải đi từng tốp 3-4 người để hỗ trợ nhau vượt qua các con dốc cao trơn, trượt… Ảnh chụp 9/2022 tại Nghệ An

Miền núi chỉ cần có con đường thông suốt, an toàn. Kinh tế xã hội, mọi mặt sẽ từ đó phát triển thần tốc.

Từ mấy chục năm qua, ngân sách đổ ầm ầm vào giao thông miền núi. Những chủ đầu tư là chính quyền các tỉnh chi vào đó rất mạnh tay. Nhưng những cây cầu vừa xây xong vài tháng đã bị lũ cuốn phăng mất tích (vị trí đó nhà thiết kế đã ngăn cản nhưng chủ đầu tư vẫn quyết làm). Đường liên tiếp bị núi lở, nước cuốn trôi mất hẳn một khúc. Chẳng sao. Hoặc Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp bị kêu gọi, hoặc các nhóm thiện nguyện, các nhà từ thiện sẽ tiếp tục đổ tiền vào. Để rồi tiếp tục mất hút. Chẳng ai trách. Miền núi mà, đường đi phải khó khăn, giao thông nguy hiểm mới ra cái chất miền núi chứ !

Dư luận thương xót cô giáo ôm cây vượt suối, khóc than cô giáo ngã vực tử vong. Bộ Giáo dục tặng thư khen, chia buồn vài câu. Đồng nghiệp trẻ chưa trải sự đời thì thán phục sự hy sinh và biết đâu đấy-có nơi sẽ mang họ làm tấm gương kêu gọi mọi người học tập. Mọi sự cứ thế tiếp tục êm êm trôi trôi cho đến khi có những cú sốc mới.

Liệu có ai thấy rằng những sự liều lĩnh không đáng có của họ, sự hy sinh bắt buộc của họ, cái chết đau đớn của họ có nguyên nhân trực tiếp và sâu xa từ thảm trạng tham nhũng đang cắn ruỗng nát đất nước này ?

Thụy Văn

Nguồn : RFA, 13/05/2023

Tham khảo :

https://vietnamnet.vn/co-giao-roi-xuong-vuc-khi-den-truong-chong-phai-cat-bo-mot-ben-than-2140064.html

https://dantri.com.vn/phap-luat/cong-an-dieu-tra-du-an-duong-hon-1km-bi-rut-ruot-gan-5-ty-dong-20220823175118544.htm

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/duong-giao-thong-tien-ty-dung-que-cui-choc-cung-hong-20140820152845215.htm

https://vtc.vn/phu-tho-lu-cuon-troi-tru-cau-moi-khanh-thanh-chua-day-2-thang-ar696216.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy Văn
Read 254 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)