Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2023

Tây An và Hiroshima chát chúa chọi nhau

Hoàng Trường

Việt Nam đứng trước sự lựa chọn : Ủng hộ các nguyên tắc quốc tế có giá trị phổ quát, hoặc tham gia vào khối "Pax Sinica", mà thượng đỉnh Tây An chỉ là một biểu hiện. Đây là lần thứ ba Hà Nội đuợc G7 mời tham gia họp mở rộng. "Quá tam ba bận". Sau lần này, Việt Nam còn lưỡng lự chọn bên ?

Revendications territoriales et maritimes en mer de Chine (Carte BiG)

Tầm nhìn phù hợp với lợi ích của người dân Việt Nam tại Thượng đỉnh Hiroshima là, nhóm G7 bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngày đầu tiên của Thượng đỉnh Hiroshima, Bắc Kinh chỉ trích G7 phóng đại các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, can thiệp công việc nội bộ nước này. "Những gì G7 làm là cản trở hòa bình quốc tế, làm suy yếu ổn định khu vực và kiềm chế các nước khác phát triển…" Đây là tinh thần xuyên suốt bài xã luận ngày 20/5, dài gần 1300 từ của "Hoàn cầu thời báo", cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trước hôm khai mạc Thượng đỉnh, chỉ riêng ngày 18/5, tờ báo đã đăng cùng lúc 3 bài xã luận, đã kích gay gắt tất cả 7 quốc gia công nghiệp phát triển.

Nhưng mọi việc có đúng như sự mô tả cay cú của "Hoàn cầu Thời báo" khi tất cả các xã luận đều đưa ra thông điệp kép một cách dồn dập : "Tây An bơm dòng nước sạch hợp tác đa phương, Hiroshima phun luồng nước bẩn chính trị thù địch…" ? Có đúng là "khác với câu lạc bộ của giới thượng lưu G7, Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á đoàn kết, củng cố một thế giới đa dạng…" ? Có thể thấy gì từ tâm trạng bị kích động và khẩu khí "chiến lang" không che đậy của Bắc Kinh ?

Tầm nhìn mới về hai Thượng đỉnh

Tầm nhìn phù hợp với lợi ích của người dân Việt Nam tại Thượng đỉnh Hiroshima là, nhóm G7 bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Khẳng định rằng, các quốc gia G7 phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc. G7 cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho Ukraine chừng nào quân dân nước này còn phải đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp của Nga. Thông cáo chung nói rằng các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển. Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Quốc hãy gây áp lực buộc Nga "ngừng hành động gây hấn quân sự và ngay lập tức, rút toàn bộ quân khỏi Ukraine". G7 để ngỏ, sẽ tham gia cùng với Trung Quốc trong các lĩnh vực : khủng hoảng khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Thông cáo còn cho biết thêm, G7 sẽ tăng cường các nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới mục tiêu cuối cùng là một thế giới phi vũ khí hạt nhân, với an ninh không bị suy giảm cho tất cả mọi quốc gia. Đối với kinh tế toàn cầu, văn kiện cho biết nhóm sẽ tiếp tục theo dõi thị trường tài chính toàn cầu và sẵn sàng thực hiện các hành động thích hợp để duy trì ổn định. Thông cáo chung nói rằng, G7 sẽ khởi động một nền tảng chống lại điều được cho là "sự ép buộc kinh tế" bị áp chế để gây ảnh hưởng đến các chính sách hoặc ra quyết định của các quốc gia khác. Đây là nỗ lực rõ ràng để kiểm soát Trung Quốc. Nhóm cho biết, các quốc gia G7 sẽ giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về an ninh lương thực bằng cách cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đặc biệt tập trung vào Châu Phi và Trung Đông. Trong lĩnh vực kỹ thuật số, tài liệu cho biết, nhóm sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về quản trị trí tuệ nhân tạo toàn diện để đạt được mục tiêu chung về AI đáng tin cậy.

hiroshima2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 3 d) và những người đồng cấp từ các nước Trung Á gặp nhau tại Tây An vào ngày 19/05/2023 ở miền bắc Trung Quốc (Florence Lo/Pool/AFP)

Trong khi đó, theo giới quan sát, cuộc Thượng đỉnh đầu tiên của Trung Quốc với khối các quốc gia Trung Á không có sự tham dự của Nga – vốn được coi là quốc gia đàn anh, nhà bảo trợ chính – là một bước ngoặt lịch sử, một điều bất thường. Nhà nghiên cứu Thụy Điển Stefan Hedlund chuyên về các xã hội hậu Liên Xô ghi nhận việc ông Tập Cận Bình mời dàn lãnh đạo Trung Á, ngay sau chuyến công du Nga trở về, là một hành động "sỉ nhục" đối với lãnh đạo Nga. Dư luận nói đến việc Trung Quốc tranh thủ thời cơ Moskva sa lầy ở Ukraine, để hất cẳng Nga khỏi khu vực. Trên Euronews, chuyên gia Stefan Hedlund nhận định : "Lần đầu tiên Nga bị loại, trong lúc Nga duy trì thế độc quyền tại khu vực Trung Á trong nhiều thập niên, thậm chí từ hai thế kỷ nay. Điều này diễn ra khi tình hữu nghị với Nga trong khu vực bị suy giảm. Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội này để, đến lượt mình, trở thành thế lực độc quyền…".

Thượng đỉnh khối G7, do Nhật Bản nước Chủ tịch luân phiên tổ chức, có mục tiêu trước hết là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và thống nhất các đối phó với Trung Quốc. Một nội dung có tầm quan trọng không kém, đặc biệt về mặt dài hạn. Đó là nỗ lực vận động các nước Nam Bán cầu chung tay củng cố "trật tự thế giới, đang bị rung chuyển" bởi cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Nhân loại đang đứng trước "một bước ngoặt lịch sử" là khẳng định của Thủ tướng Kishida trong một phát biểu trước báo giới ít ngày trước khai mạc. "Bước ngoặt lịch sử" đòi hỏi các hành động có tầm vóc lịch sử. "Đoàn kết thống nhất" của cộng đồng quốc tế, với sự tham gia của Nam Bán cầu, là chìa khóa giúp cho việc chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga. Quan điểm này của Thủ tướng Nhật đã từng được công bố trong chuyến công du New Delhi từ hồi tháng 3/2023. Dịp ấy, lãnh đạo Nhật Bản đã đến tận New Delhi để chuyển tới Thủ tướng Modi lời mời tham dự thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.

Tổng thống Ukraine đến G7 đầy ấn tượng

Tổng thống Zelensky, xuất hiện đầy ấn tượng trong bộ quần áo theo mốt nhà binh quen thuộc, trở thành các tiêu đề chính trên các báo hàng đầu khi ông đáp máy bay của chính phủ Pháp tới thành phố Nhật Bản từng bị phá hủy bởi bom hạt nhân. "Nhật Bản – G7 : Các cuộc gặp quan trọng với các đối tác và bạn bè của Ukraine. An ninh và tăng cường hợp tác vì chiến thắng của chúng ta. Hôm nay, hòa bình sẽ trở nên gần gũi hơn," Tổng thống Zelensky viết trên Twitter ngay sau khi đến Hiroshima để tiến hành hàng loạt các cuộc gặp "chóng mặt" với các nhà lãnh đạo. Sự tham dự của Zelensky nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải duy trì sự thống nhất của phương Tây trước sự xâm lăng của Nga. Sau khi gặp lãnh đạo G7, nhà lãnh đạo Ukraine đã dự phiên họp về hòa bình và ổn định, với sự tham gia của lãnh đạo các nước khách mời của thượng đỉnh G7. Cùng ngày, ông đã có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Kishida.

hiroshima3

Tổng thống Zelensky, xuất hiện đầy ấn tượng trong bộ quần áo theo mốt nhà binh quen thuộc, trở thành các tiêu đề chính trên các báo hàng đầu khi ông đáp máy bay của chính phủ Pháp tới thành phố Nhật Bản từng bị phá hủy bởi bom hạt nhân.

Chiều 21/5, tại Hiroshima, Tổng thống Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Biden, vì sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ do Hoa Kỳ cung cấp, với tổng trị giá 37 tỷ USD, và về gói hỗ trợ quân sự mới. "Một lòng biết ơn to lớn từ người dân của chúng tôi. Tôi rất vui, vì chúng ta có mối quan hệ bền chặt như vậy," Zelensky nói và tuyên bố : "Chúng tôi đã thảo luận về sự hợp tác hơn nữa để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước chúng ta". Tổng thống Biden trước đó đã công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 375 triệu USD, bao gồm đạn dược, pháo binh và phương tiện. "Mỹ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để củng cố khả năng tự vệ của Ukraine," ông Biden nói, viện dẫn quyết định gần đây của ông cho phép các máy bay chiến đấu F16 đến Ukraine và huấn luyện các phi công Ukraine lái máy bay này tại Mỹ. Biden cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sẽ "đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục gây áp lực lên Putin để buộc những người ủng hộ ông ấy phải chịu trách nhiệm".

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề xuất một Hội nghị thượng đỉnh "Công thức Hòa bình" vào tháng 7 tới, thời điểm mang tính biểu tượng khi Ukraine sẽ đánh dấu 500 ngày chống trả cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Phát biểu tại Phiên họp thượng đỉnh có tên "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", với sự tham dự của các nước G7 và các đồng minh khác, ông Zelensky kêu gọi tất cả các bên "hãy quyết tâm chấm dứt cuộc chiến này". "Ngay cả khi chúng ta bị ngăn trở bởi khoảng cách, chúng ta không bị tách rời bởi sự hiểu biết chung", Zelensky nói và kêu gọi : "Bạn sẽ tự bảo vệ mình nếu nhà của bạn bị đột nhập, nếu kẻ thù đến trước cổng nhà bạn và trục xuất con cái của bạn. Bạn sẽ không đầu hàng thực dân, bạn sẽ đoàn kết toàn thế giới, bạn sẽ chiến đấu, như chúng tôi đang chiến đấu !" Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về "Hội nghị Thượng đỉnh", bao gồm cả địa điểm Zelensky hình dung sự kiện sẽ được tổ chức. Cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cũng cho biết Ukraine đang tìm cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tương tự với sự tham gia của Liên hợp quốc.

Việt Nam vẫn mập mờ về chọn bên

Trong ba ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã có 10 phiên họp về các loại chủ đề và ba phiên họp G7 mở rộng với lãnh đạo của tám quốc gia được mời gồm Việt Nam, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil... Bên lề hội nghị G7 còn có hàng loạt cuộc hội đàm cấp cao song phương và đa phương, trong đó có hội đàm thượng đỉnh "Bộ Tứ" (QUAD) và hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn.

hiroshima4

Nhìn bức hình ông Chính bắt tay Tổng thống Zelensky, người viết bài này ước có được cái máy đọc suy nghĩ của Tổng thống Ukraine khi gặp đại diện Việt Nam. - Thủ Tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) bắt tay Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima, Nhật. (Hình : Tin Tức)

Theo TTXVN, sáng 21/5, trong khuôn khổ G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại phiên họp "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Ông Phạm Minh Chính đã nêu bật ba thông điệp.

Thứ nhất, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại ; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ.

Thứ hai, ông Chính nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể ; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên.

Thứ ba, Thủ tướng Chính khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Xuyên suốt phát biểu tại phiên họp mở rộng, Thủ tướng Chính vẫn lặp lại lập trường mập mờ, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải (!?) Nhìn bức hình ông Chính bắt tay Tổng thống Zelensky, người viết bài này ước có được cái máy đọc suy nghĩ của Tổng thống Ukraine khi gặp đại diện Việt Nam. Với nụ cười biến dạng và gượng gạo, hình như ông Chính không dám nhìn thẳng vào mắt ông Zelensky… Cũng phải thôi, tôi nhớ lời của Phó Đại sứ Ukraine tại Hà Nội Nataliya Zhynkina khi Việt Nam sắp hàng sau Trung Quốc – Tập và Nga – Putin, chống lại cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân Ukraine thông qua nhiều lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc : "Việt Nam, Quê hương thứ hai của tôi ơi ! Thất vọng biết chừng nào !"

Hoàng Trường

Nguồn : VOA, 22/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Trường
Read 468 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)