Sau 15 tháng chiến tranh, trái với các dự báo ban đầu, không quân Nga vẫn không "làm chủ" được bầu trời Ukraine nói chung và Kiev nói riêng. Chẳng những thế, phi đội của Nga dường như vẫn "mất hút", không mấy khi "xuất đầu lộ diện".
Chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế "Army-2020", ở căn cứ không quân Kubinka, vùng Moskva, Nga, ngày 25/08/2020. Reuters – Maxim Shemetov
Có nhiều ý kiến cho rằng đây là một trong những điều bất ngờ trong chiến tranh Ukraine, bởi không quân Nga từ trước tới nay vẫn được xem là có khả năng ồ ạt tấn công đối phương, nhờ sức mạnh vượt trội hơn so với không quân Ukraine.
Vincent Tourret, nhà nghiên cứu hợp tác với Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp, phân tích trên đài France Culture ngày 19/05/2023 :
"Có thể đạt được ưu thế chiến lược nhờ không quân. Nhưng trên không, quan trọng là các thiết bị cảm biến hiệu quả đến đâu (…), có thể phát hiện một thiết bị đang tiến về phía mình hay không ? Phía Ukraine đã chứng tỏ họ rất giỏi về việc này. Thế nhưng, ở phía bên kia, các phi đội của Nga đông hơn nhiều, có thể tiếp cận và phát hiện các mục tiêu Ukraine ở khoảng cách xa hơn nhiều.
Phi đội của Nga, về lý thuyết, lẽ ra đã phải thắng lớn trong cuộc xung đột, thế nhưng họ đã tỏ ra thiếu năng lực, tự vô hiệu hóa mình. Không quân Nga cũng cho thấy những yếu kém về công nghệ, cho thấy họ không thể điều khiển thiết bị chính xác. Trái với ước đoán ban đầu, phi đội của Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu và trụ được".
Nhìn lại 1 năm chiến tranh, trang Futura Sciences ngày 16/02 nhận thấy rất hiếm khi không quân Nga tham chiến. Cả Nga và Ukraine đều không bên nào thực sự chiếm ưu thế trên không. Về phía Nga, các cuộc giao tranh chủ yếu do các lực lượng pháo binh và xe thiết giáp đảm nhiệm. Không giống như các phương tiện trên bộ và đặc biệt là xe tăng, mà theo ước tính là một nửa số xe của Nga hoạt động trên chiến trường Ukraine đã bị phá hủy, hoặc bị đối phương thu giữ, lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) vẫn còn gần như nguyên vẹn. Trên thực tế, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của Nga được sử dụng chủ yếu để phóng tên lửa tầm xa ngay từ lãnh thổ Nga.
Số lượng dồi dào
Ngoài những loại máy bay cũ đôi khi có từ thời Liên Xô, chẳng hạn như Su-25 và Su-30, Nga còn có một số "ngôi sao" mang tính biểu tượng như Sukhoi Su-57, còn được gọi là Felon. Được thử nghiệm vào năm 2018 tại Syria và chính thức được triển khai từ năm 2020, loại máy bay siêu thanh thế hệ thứ 5 này rất đa năng, tương tự như Rafale của Pháp. Sukhoi Su-57 đã được triển khai từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, nhưng không tiếp cận các vùng chiến. Nga sợ rằng Sukhoi Su-57 sẽ bị bắn hạ và đối phương có thể phân tích, tìm hiểu về loại phi cơ này dựa trên các mảnh vỡ. Vả lại, chỉ cần một máy bay Sukhoi Su-57 bị hư hại hoặc bị bắn rơi cũng đủ làm hoen ố vĩnh viễn danh tiếng của loại máy bay này, cũng như việc xuất khẩu chúng.
Về oanh tạc cơ, "ngôi sao" của Nga là máy bay ném bom BlackJack nổi tiếng, tức là Tu-160, còn được người Nga gọi là "Thiên nga trắng". Được đưa vào hoạt động vào cuối những năm 1980, BlackJack là oanh tạc cơ siêu thanh có năng lực hạt nhân có tải trọng nặng nhất hiện nay. Tốc độ tối đa của loại máy bay này khi ở chế độ siêu thanh là Mach 2,1, khoảng 1.000 km/h. Tu-160 có thể chở theo 40 tấn đạn dược. Đây chính là một trong những máy bay phóng tên lửa vào các cơ sở quan trọng ở Ukraine, có thể chở theo tới 12 tên lửa Kh-55. Tu-160 cũng có khả năng phóng tới 24 tên lửa Kh-15P. Đây là 2 loại tên lửa có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, biến Tu-160 thành máy bay ném bom hạt nhân chiến lược.
Dù là Felon hay "Thiên nga trắng", Moskva đều muốn quảng bá các máy bay hiện đại này để chứng tỏ khả năng chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, hiện tại, theo Futura Sciences, điện Kremlin không mạo hiểm điều những phi cơ này đến quá gần các vùng chiến trận, vì sợ mang tiếng nếu chúng bị bắn hạ hoặc trúng đạn.
Trong khi đó, báo Pháp Le Monde cũng có nhiều bài viết phân tích những lý do khác làm hạn chế khả năng tiêu diệt đối phương của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, cho dù số phi cơ của Nga dồi dào hơn Ukraine rất nhiều. Lực lượng VKS chưa bao giờ thực sự tìm cách chinh phục bầu trời Kiev, do đó cũng "chỉ" mất 82 chiến đấu cơ, chủ yếu là Sukhoï Su-25 và Sukhoï Su-34, và 87 máy bay trực thăng, nhất là Kamov Ka-52 "Alligator", theo trang Oryx, chuyên thống kê các thiệt hại vật chất của Nga và Ukraine, và được Le Monde ngày 19/05 trích dẫn.
Military Balance, báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh xuất bản, hàng năm vẫn nêu chi tiết về tình trạng kho vũ khí quân sự trên thế giới, cho biết, trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine, Nga có một phi đội gồm hơn 1.300 chiến đấu cơ.
Sai lầm về chiến thuật ?
Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở chiến thuật và năng lực, chứ không phải về số lượng. Về chiến thuật, khác với Tây phương, vốn dĩ coi việc kiểm soát bầu trời là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ hành động nào trên mặt đất, Nga chủ yếu coi lực lượng không quân là lực lượng hỗ trợ cho pháo binh. Do đó, Moskva đã không cho lực lượng không quân thực hiện các chiến dịch tấn công lớn vào thời điểm đầu chiến tranh Ukraine, điều mà theo Le Monde, lẽ ra đã có thể triệt phá năng lực phòng không, không quân của Ukraine. Vì thế, khi có máy bay địch thì tính cơ động của lực lượng Nga bị hạn chế. Yohann Michel, nhà nghiên cứu tại IISS, nhận định : "Các phi công Nga sẽ luôn gặp khó khăn khi tiếp cận mặt trận, nếu họ không ngăn cản được không quân Ukraine hoạt động, ít nhất là ở một vùng trời".
Theo một nguồn tin quân sự Pháp, ngay cả một phi công dày dặn kinh nghiệm cũng không muốn bay vào vùng mà đối phương trang bị tốt hệ thống phòng thủ địa đối không, nhất là khi tỉ lệ đánh chặn của lực lượng phòng không Ukraine là trên 75%, được xem là "rất tốt". Nhờ viện trợ của phương Tây, quân đội của Kiev có các thiết bị có khả năng đánh chặn "đa tầng" và chắc chắn. Không quân Nga có lẽ sẽ càng ít cơ hội hơn khi Ukraine tiếp nhận phi cơ F-16 do Mỹ chế tạo.
Tệ hơn nữa, kể từ khi xung đột nổ ra, các phi công Nga đã để lộ những thiếu sót, yếu kém đáng kể trong việc hỗ trợ các lực lượng mặt đất. Các phi công muốn tránh xa mặt trận, chỉ phóng tên lửa vào các vị trí cố định phía đối phương. Điều này trước hết là do thiếu sự huấn luyện phối hợp giữa các lực lượng, vốn là một đặc điểm nổi bật của quân đội Nga. Ngoài ra, không quân Nga cũng gặp khó khăn trong việc nhắm vào các vị trí của đối phương. Chuyên gia Vencent Tourret nhấn mạnh với Le Monde : "Nga có ít phương tiện xác định mục tiêu và thường là dùng tia laser, vốn chỉ hoạt động được trong điều kiện thời tiết quang đãng và ở các cự li gần. Chính vì thế, lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga VKS gặp rất nhiều khó khăn khi nhắm vào các mục tiêu di động". Việc thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang cũng làm tăng nguy cơ bắn nhầm vào đồng đội, một nỗi sợ hãi của các phi công Nga.
Năng lực kém ?
Giới phân tích cho rằng việc thiếu phi công có kinh nghiệm cũng làm giảm khả năng tác chiến của lực lượng VKS. Theo một báo cáo tổ chức tư vấn RUSI của Anh (Royal United Services Institute), được công bố hồi tháng 11/2022 : "Với số giờ bay hạn chế và thực tế huấn luyện tại các đơn vị, VKS bước vào cuộc xung đột chỉ với chưa đầy 100 phi công đã được huấn luyện đầy đủ và đang hoạt động. Kết hợp với chiến thuật quân sự thường giao nhiệm vụ nguy hiểm nhất cho phi hành đoàn dày dặn kinh nghiệm nhất, sự tiêu hao của lực lượng VKS đã ảnh hưởng mạnh đến đội hình, làm giảm hiệu quả tổng thể của lực lượng cũng như khả năng đào tạo đội ngũ phi công mới".
Những thiếu sót, yếu kém trong công tác bảo trì - vốn là "bảo trì trong điều kiện hoạt động" trong quân đội - cũng là một hạn chế của không quân Nga. Theo nhiều nghiên cứu, trước chiến tranh, tỷ lệ phi cơ sẵn sàng hoạt động được ước tính là dưới 50%, tương đối thấp so với ở các nước phương Tây. Tỉ lệ sẵn sàng hoạt động của phi đội chiến đấu cơ Pháp hồi năm 2021 là 81%, theo một báo cáo Quốc Hội Pháp công bố hồi tháng 02/2023. Le Monde trích dẫn nhà phân tích của IISS, "một cuộc chiến cường độ cao kéo dài 14 tháng là một thử thách đối với trang thiết bị và con người. Tỷ lệ sẵn sàng hoạt động của phi đội Nga từ trước chiến tranh đã không cao, và từ đó đến nay vẫn không được cải thiện".
Thùy Dương