Việc hãng xe taxi sử dụng toàn bộ phương tiện bằng xe hơi điện thương hiệu VinFast trong bối cảnh kinh doanh xe cộ ế ẩm như hiện tại là canh bạc đầy mạo hiểm.
Vốn để ở Vinfast thì không vay được đồng nào vì quá mức an toàn theo luật định
Một chuyên gia tài chính, và cũng từng quản lý về dịch vụ xe taxi đình đám một thời ở Sài Gòn việc VinFast cho ra đời một pháp nhân độc lập về xe taxi điện VinFast là nước cờ khó hiểu về mặt chính trị hơn là về đồng vốn.
Gọi là "chính trị", vì Việt Nam vẫn đang hướng đến chuyện ‘hình sự hóa’ của ‘đốt lò’ cho công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lâu nay với những ‘ưu ái’ khó hiểu về các dự án bất động sản của ông Phạm Nhật Vượng, chủ nhân của Vingroup, công luận đã đồn đoán rằng đây có thể là ‘cơ sở kinh tài’ hậu thuẫn cho nhóm quyền lực chóp bu nào đó trong đảng cầm quyền.
Sau dịch COVID, thị trường bất động sản ‘đóng băng toàn tập’ từ vụ đấu thầu giá một lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chắc hẳn mọi người đều đã có đọc (hoặc ít nhất là hình dung được) về tình hình tài chính của Vin/Vinfast, đặc biệt là về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu "siêu to khổng lồ" của họ.
Trong khi đó, khả năng thu hút vốn bổ sung của Vin đã bị thắt chặt đến ngặt nghèo với kênh trái phiếu đóng băng, hạn mức cho vay bất động sản của ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Thị trường bất động sản đóng băng nên bán sản phẩm hay sang nhượng dự án đều tắc, thị trường chứng khoán sụt giảm nên phát hành thêm cổ phiếu không mấy người mua.
Dự tính IPO công ty mới như Vinfast ở thị trường chứng khoán nước ngoài thì không chắc thành công, thậm chí kể cả khi đã "khoác áo ngoại". Trong chuyện IPO này thì ngay cả VinFast chọn "không làm gì thêm nữa" thì họa vẫn có thể đến tận nhà của Vingroup, khi mà những ngân hàng đầu tư quốc tế lớn nhất trong kế hoạch làm ăn của ông Phạm Nhật Vượng như Credit Suisse hay Deutsche Bank lần lượt sụp đổ hay lao đao.
"Một cơ thể lực sĩ vốn cần lượng máu khổng lồ mỗi ngày để vận động. Đùng một cái bỗng dưng lượng máu bị sụt giảm chỉ còn bằng lượng máu của một con chuột. Vậy thì lực sĩ ấy có còn khỏe không ? Oạch… Nhưng thế thì liên quan gì đến taxi nhỉ ?" – vị chuyên gia tài chính, và cũng từng quản lý về dịch vụ xe taxi kể trên phân tích :
Các hãng taxi khi đầu tư xe mới thì chỉ cần một số vốn đối ứng nho nhỏ mà thôi, từ 20 – 30% tổng giá trị, phần còn lại thì ngân hàng hay thuê mua tài chính sẽ giúp thu xếp.
Thế thì sao ? Chuyện gì sẽ xảy ra khi Vin mở một công ty kinh doanh taxi và bán xe Vinfast cho công ty ấy ?
Việc này mang lại mấy cái lợi sau đây : trước hết, biến giá trị tồn kho không bán được của Vinfast thành doanh thu. Đẹp sổ sách kinh doanh và hồ sơ IPO. Đẹp hồ sơ marketing rằng đã bán thành công nhiều trăm ngàn xe ra thị trường…
Nhớ rằng với một công ty khởi nghiệp thì niềm tin của nhà đầu tư về tương lai của doanh nghiệp sẽ quyết định về định giá ấy. Mà niềm tin thì bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mấy cái tồn kho và doanh thu trên sổ sách tính thuế này đấy.
Tiếp nữa, như đã nói ở trên, lượng vốn hãng taxi huy động được sẽ là từ gấp 3 đến gấp 4 lượng vốn tự có. Nghĩa là cùng 1 đồng vốn tự có ấy, để ở Vinfast thì không vay được đồng nào vì quá mức an toàn theo luật định rồi, còn để ở công ty taxi thì có thể vay được thêm 3-4 đồng. Chưa nói đến việc sau khi sổ sách của Vinfast đẹp hơn như tăng doanh thu nhanh, thì Vinfast lại có thể xin vay thêm nữa.
Điều quan trọng là các khoản vay ngân hàng, hay sử dụng kênh thu mua tài chính này lại không bị dòm ngó, hoặc đe dọa kiểm soát đặc biệt như khi phát hành trái phiếu, hay vay bất động sản…
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 29/05/2023