Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2023

Bộ Tài chính đem 1 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng, lãi 0,8%/năm

Trần Cảnh Chân

Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, vẫn phải đi vay các nước và khoảng nợ đang chịu lãi vay là hơn 3 triệu tỷ (khoảng 139 tỷ đô la), có những khoản vay với lãi suất lên tới 4%/năm. Trong khi đó, bộ Tài chính lại có dư 1 triệu tỷ (khoảng 48 tỷ đô la) nhưng không biết cách xài, gửi ngân hàng lấy lãi cực thấp : 0,8%/năm.

btc1

Tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại "đắp chiếu" ở Ngân hàng Nhà nước

Việt Nam đang phải vay nợ của Trung Quốc với mức lãi suất cao kèm theo nhiều ràng buộc bất lợi. Điển hình các khoản vay có điều kiện phải chịu chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể phục hồi sau đại dịch, phải tìm cách giãn nợ, trả lãi cao, thì việc bộ Tài chính mang một triệu tỷ đi gửi ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Quản lý vốn đã kém, nhưng muốn giải ngân số tiền này thì lại vướng phải hàng loạt thủ tục, quy trình rắc rối.

"Đây là một vấn đề nhức nhối khi nước ta còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không tiêu được", ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị nêu bất cập về tồn đọng ngân quỹ quốc gia. Ông Đồng ví đây là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Bởi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại "đắp chiếu" ở Ngân hàng Nhà nước và không quay lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.

Nền kinh tế đi xuống do các chính sách chống dịch sai lầm của đảng cộng sản, đã vậy còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin, khiến cho tổng cầu (tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân) giảm. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là chỉ có thể tăng tổng cầu để kích thích nền kinh tế, nhanh chóng giải ngân để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng giải ngân nhanh thì không biết cách, lại sợ sai, sợ tiêu cực, sợ thành "củi".

Theo Luật Đầu tư công hiện nay, phải có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án "tắc" sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo, như giải ngân vốn không thực hiện được. Ngoài ra, bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn cho rằng giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu là do phải có vốn mới có dự án, trong khi dự án phải có đủ thủ tục mới được bố trí vốn. Vì vậy muốn việc chi tiền trở nên dễ dàng thì phải thay đổi luật, còn nếu không đổi luật thì phải trông chờ vào khả năng thực thi chính sách của nhà nước.

"Phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này", ông Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, với những gì Quốc hội Việt Nam làm trong thời gian qua, có thể thấy rằng việc sửa luật sẽ mất rất nhiều thời gian. Còn muốn sửa nhiều luật như ý ông bộ trưởng bộ Tài chính thì chắc chắn phải trải qua nhiều khóa bầu cử đại biểu Quốc hội nữa.

Để giải ngân hiệu quả, hoặc nhanh chóng sửa đổi những điều luật vô lý, một chuyên gia phân tích chính sách (giấu tên) cho rằng tốt nhất là nên giải tán Quốc hội hiện nay. Cần phải bầu ra một Quốc hội dân chủ với những lá phiếu trung thực, phúc quyết lại Hiến pháp để xây dựng một nền tảng pháp luật của dân, do dân và vì dân. Đây là giải pháp căn cơ và triệt để nhất để giải quyết mọi nan đề tại Việt Nam.

Trần Cảnh Chân

Nguồn : VNTB, 28/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Cảnh Chân
Read 298 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)