Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, vẫn phải đi vay các nước và khoảng nợ đang chịu lãi vay là hơn 3 triệu tỷ (khoảng 139 tỷ đô la), có những khoản vay với lãi suất lên tới 4%/năm. Trong khi đó, bộ Tài chính lại có dư 1 triệu tỷ (khoảng 48 tỷ đô la) nhưng không biết cách xài, gửi ngân hàng lấy lãi cực thấp : 0,8%/năm.
Tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại "đắp chiếu" ở Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam đang phải vay nợ của Trung Quốc với mức lãi suất cao kèm theo nhiều ràng buộc bất lợi. Điển hình các khoản vay có điều kiện phải chịu chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể phục hồi sau đại dịch, phải tìm cách giãn nợ, trả lãi cao, thì việc bộ Tài chính mang một triệu tỷ đi gửi ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Quản lý vốn đã kém, nhưng muốn giải ngân số tiền này thì lại vướng phải hàng loạt thủ tục, quy trình rắc rối.
"Đây là một vấn đề nhức nhối khi nước ta còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không tiêu được", ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị nêu bất cập về tồn đọng ngân quỹ quốc gia. Ông Đồng ví đây là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Bởi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại "đắp chiếu" ở Ngân hàng Nhà nước và không quay lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.
Nền kinh tế đi xuống do các chính sách chống dịch sai lầm của đảng cộng sản, đã vậy còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin, khiến cho tổng cầu (tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân) giảm. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là chỉ có thể tăng tổng cầu để kích thích nền kinh tế, nhanh chóng giải ngân để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng giải ngân nhanh thì không biết cách, lại sợ sai, sợ tiêu cực, sợ thành "củi".
Theo Luật Đầu tư công hiện nay, phải có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án "tắc" sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo, như giải ngân vốn không thực hiện được. Ngoài ra, bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn cho rằng giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu là do phải có vốn mới có dự án, trong khi dự án phải có đủ thủ tục mới được bố trí vốn. Vì vậy muốn việc chi tiền trở nên dễ dàng thì phải thay đổi luật, còn nếu không đổi luật thì phải trông chờ vào khả năng thực thi chính sách của nhà nước.
"Phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này", ông Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, với những gì Quốc hội Việt Nam làm trong thời gian qua, có thể thấy rằng việc sửa luật sẽ mất rất nhiều thời gian. Còn muốn sửa nhiều luật như ý ông bộ trưởng bộ Tài chính thì chắc chắn phải trải qua nhiều khóa bầu cử đại biểu Quốc hội nữa.
Để giải ngân hiệu quả, hoặc nhanh chóng sửa đổi những điều luật vô lý, một chuyên gia phân tích chính sách (giấu tên) cho rằng tốt nhất là nên giải tán Quốc hội hiện nay. Cần phải bầu ra một Quốc hội dân chủ với những lá phiếu trung thực, phúc quyết lại Hiến pháp để xây dựng một nền tảng pháp luật của dân, do dân và vì dân. Đây là giải pháp căn cơ và triệt để nhất để giải quyết mọi nan đề tại Việt Nam.
Trần Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 28/05/2023
Bộ Tài chính "khoan sức cho dân" hay "khoan thủng túi dân" ?
Huy Đức, 22/01/2021
Bài báo của Bộ tự khen Bộ này có vẻ như đã không bám sát vào những gì đang diễn ra trong Bộ. Năm Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn trên Thế giới đều phải "khoan sức cho dân" để "làm kế" nuôi "rễ" những năm sau ; trong khi, các con số dưới đây, cho thấy Bộ Tài chánh nước ta lại đang làm ngược lại.
Năm 2020, vì dự đoán GDP sẽ tăng 6,8%, Quốc hội quyết định thu ngân sách 1,5 triệu tỉ đồng. Nhưng, vì Covid-19 và dù GDP chỉ tăng 2,91% (trên sổ sách), thu NSNN vẫn lên tới 1,481 triệu tỉ đồng (bằng 98% chỉ tiêu như là không Covid-19).
Một số bài báo mô tả Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng rất "phấn khởi", coi như đây là một thành tích của ông. Nhưng đối với những người có tầm nhìn thì việc để số thu cả năm, nhất là số thu quý IV-2020 - lên tới 435.000 tỉ đổng - cao hơn quý IV-2019 tới 54.000 tỉ đồng, là Bộ Tài Chánh đã đặt "thành tích" của mình cao hơn lợi ích lâu dài của nền kinh tế.
56/63 địa phương hẳn đã phải oằn lưng để Bộ Tài Chánh được phiếu "lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ".
Đúng cái năm mà cả nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp đang khánh kiệt này, tỷ lệ động viên vào NSNN vẫn lên tới 23,5% GDP trong khi mức động viên vào NSNN của năm 2017 chỉ là 7%.
Cũng năm 2020, cả nước có 101.719 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động (tăng 13,9%), trong đó : 46.592 DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn ; 37.663 DN ngừng hoạt động chờ giải thể ; 17.464 DN hoàn tất thủ tục giải thể… Hơn 830.000 người lao động mất việc làm. Chưa kể các trường hợp lao động tự do mất việc không được ngành thống kê ghi nhận.
Không phải con số 1,481 triệu tỷ đồng trên các báo cáo của ngành, các số liệu phản ảnh thảm trạng của doanh nghiệp và người lao động vừa dẫn ở đây mới đúng là "thành tích" của ngành Tài Chánh.
Huy Đức
Nguồn : osinhuyduc, 22/01/2021
***********************
Đoàn Trần, Thời báo tài chính, 17/01/2021
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài chính tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V (2021 - 2025). Ảnh : Đức Minh
Trong mọi hoàn cảnh gian khó, luôn là một Việt Nam với các chính sách "chớ để cạn dòng vốn của nhân dân" đúng như nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Tài chính gần 70 năm trước. Với những phong trào thi đua thiết thực và thành tích nổi bật trong điều kiện gặp nhiều thách thức, ngành Tài chính tiếp tục là minh chứng sống động cho lời dặn của Bác Hồ về thi đua yêu nước, càng khó khăn, càng ra sức thi đua.
Kể cả vào thời điểm ước tính hụt thu ngân sách năm 2020 có thể lên tới cả hai trăm nghìn tỷ đồng thì các giải pháp khoan thư sức dân vẫn liên tục được đề xuất, bàn thảo, quyết định và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chính phủ kiên định duy trì quan điểm có khoan thư sức dân thì mới có thể nuôi dưỡng nguồn vốn của nhân dân.
Lịch sử, lần đầu tiên !
Mùa hè năm 2020, trước nghị trường Quốc hội, trong một phiên họp được truyền hình trực tiếp tới toàn dân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thốt lên : "Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước đã trợ cấp trực tiếp bằng tiền đến tất cả những người lao động bị mất việc làm và không có thu nhập. Chúng ta thực sự đã thực hiện tốt mục tiêu phát triển bao trùm không để ai bỏ lại phía sau. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra về những gì làm được trong thời gian qua biến nguy thành cơ như quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ".
Điều "lần đầu tiên" mà đại biểu Cường nhắc đến đó chính là gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Cùng với gói hỗ trợ này, còn có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm thuế khóa. Hiếm có nhiệm kỳ nào mà báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính dày đặc danh sách các giải pháp miễn giảm thuế khóa đã thực thi như nhiệm kỳ này. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Từ đó, có ít nhất 8 nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành.
Có thể kể đến Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 ; Nghị quyết số 107/2020/Quốc hội14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025. Nghị quyết số 116/2020/Quốc hội14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng… Còn trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành 21 thông tư để sửa đổi 31 thông tư về phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí, có loại đưa về 0%.
Tài khóa phải là điểm tựa
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, mặc dù phải chịu áp lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, nhưng Chính phủ vẫn triển khai nhiều biện pháp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của Chính phủ cũng như ngành Tài chính là phải chung tay chia sẻ khó khăn với người nộp thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu.
Luôn sẵn sàng nhận trách nhiệm cao nhất của chính sách tài khóa là điểm tựa hỗ trợ người dân và thúc đẩy phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ : "Khó khăn và áp lực là không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy được động viên, khích lệ khi các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, trong đó có việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn lực tài chính, đã phát huy tác dụng. Cùng với đó, các giải pháp về tài khóa để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang được triển khai, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ".
Khép lại một nhiệm kỳ chất chồng gian khó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận : "Ngành Tài chính phải liên tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, có nhiều nguồn lực hơn cả tài chính lẫn con người, sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trong tương lai có thể ở quy mô lớn hơn, để trong mọi hoàn cảnh, luôn phải giữ gìn cho được sự ổn định, bền vững cho nền tài chính quốc gia cũng như đời sống của nhân dân, dòng vốn của nhân dân".
Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm. Trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng ; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, ngân sách nhà nước đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh ; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Cứu trợ như cứu hỏa
Nếu chống dịch được Chính phủ xác định là như chống giặc thì trong cứu trợ, phải như cứu hỏa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu, "những hỗ trợ, chính sách, giải pháp "chống dịch như chống giặc" phải thích ứng kịp với thời chiến, chứ không phải là những chính sách "biết rồi nói mãi". Chúng ta đã có những gói chưa từng có tiền lệ như gói "đùm bọc", "san sẻ" 62.000 tỷ đồng,... Còn "giặc" dịch bệnh thì còn cần chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chống "giặc" và các chính sách cần "tăng tốc" "đòn bẩy".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng quả quyết, "các chính sách tài khóa hoàn toàn có thể "tăng tốc", "đòn bẩy" đúng theo yêu cầu của Thủ tướng. Bởi, nhờ dư địa tài khóa tích lũy được trong quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2019, nên mặc dù thu năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cân đối được đủ nguồn ngân sách để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh.
Từ tinh thần như vậy, tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành và các văn bản pháp luật được bộ ban hành theo thẩm quyền, đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của những tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách.
Đoàn Trần
Nguồn : Thời báo Tài chính Việt Nam, 17/01/2021
Chính Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho vô số sắc thuế ‘kiến tạo’ của Bộ Tài chính đè đầu dân) - ông Đinh Tiến Dũng - đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017 : dù tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Sabeco, đã được bán với giá 5 tỷ USD.
Khi ‘Bộ bóp cổ’ phải thú thật
Sự thừa nhận trên hiện hình trong một cuộc báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018.
Trong khi đó, Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội đánh giá rằng thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
Mặc dù Ủy ban Tài chính và ngân sách không nêu cụ thể thực trạng ‘thấp hơn’ là bao nhiêu, nhưng một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80-85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.
Riêng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua - cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017.
Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra ‘kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng 7,31% GDP’ - gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2017 và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo ?
Ông Nguyễn Xuân Phúc có thể không thuộc bài ‘một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không thể là sự thật’, song sự thật của nền kinh tế mà đến nhiều địa phương ông Phúc đều hô hào là ‘đầu tàu kinh tế’ chỉ là sự cám cảnh của nạn suy thoái đã kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay - hoàn toàn trái ngược với hành vi ngụy tạo thành tích kinh tế nhằm động cơ chạy đua vào chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 của đảng cầm quyền vào năm 2021.
‘Bóp cổ’ dân !
Nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 ra sao ?
Phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu nhân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017, nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.
Vào năm 2017, ‘Bộ bóp cổ’ đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Năm 2017 lại là năm mà thị trường bất động sản ở Việt Nam được giới đầu cơ cá mập lẫn đầu cơ nhỏ lẻ ‘đánh lên’ ở nhiều tỉnh thành. Ở miền Nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở miền Trung như Đà Nẵng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt là ‘đánh lên’ dữ dội ở ba đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Mặt bằng giá đất được đẩy lên cao đến mức hoang tưởng - hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần.
Đó cũng là bối cảnh mà có đến 80 - 90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng cục Thuế một năm bội thu.
Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007 - 2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019, hoặc có thể ngay trong năm 2018.
Nếu nguồn thu từ đất giảm mạnh ?
Sự thừa nhận của Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ Đinh Tiến Dũng về tăng thu ngân sách chủ yếu do tăng tiền thu từ thuế đất cũng vô hình trung chứng minh cho một sự thật khác.
Một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước cộng sản : nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 - 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái. Vậy ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức ‘còn đảng còn mình’ mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi ?
Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình".
Nỗi lo lắng của Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ Đinh Tiến Dũng là hết sức ‘chính đáng’ : ngay vào năm 2018 này, trong khi Bộ Tài chính vẫn chưa thể hình thành khung luật cho thuế VAT vì bị dư luận xã hội lên án và chửi rủa ghê gớm, làm cách nào để đạt chỉ tiêu thu ngân sách mà Bộ Chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng đã giao và một quốc hội ‘bù nhìn’ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã ‘gật’ ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 25/05/2018