Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/01/2021

Túng quẩn hóa mê sảng : Nhà nước muốn móc túi dân

Huy Đức - Đoàn Trần

Bộ Tài chính "khoan sức cho dân" hay "khoan thủng túi dân" ?

Huy Đức, 22/01/2021

Bài báo của Bộ tự khen Bộ này có vẻ như đã không bám sát vào những gì đang diễn ra trong Bộ. Năm Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn trên Thế giới đều phải "khoan sức cho dân" để "làm kế" nuôi "rễ" những năm sau ; trong khi, các con số dưới đây, cho thấy Bộ Tài chánh nước ta lại đang làm ngược lại.

moctui1

Năm 2020, vì dự đoán GDP sẽ tăng 6,8%, Quốc hội quyết định thu ngân sách 1,5 triệu tỉ đồng. Nhưng, vì Covid-19 và dù GDP chỉ tăng 2,91% (trên sổ sách), thu NSNN vẫn lên tới 1,481 triệu tỉ đồng (bằng 98% chỉ tiêu như là không Covid-19).

Một số bài báo mô tả Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng rất "phấn khởi", coi như đây là một thành tích của ông. Nhưng đối với những người có tầm nhìn thì việc để số thu cả năm, nhất là số thu quý IV-2020 - lên tới 435.000 tỉ đổng - cao hơn quý IV-2019 tới 54.000 tỉ đồng, là Bộ Tài Chánh đã đặt "thành tích" của mình cao hơn lợi ích lâu dài của nền kinh tế.

56/63 địa phương hẳn đã phải oằn lưng để Bộ Tài Chánh được phiếu "lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ".

Đúng cái năm mà cả nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp đang khánh kiệt này, tỷ lệ động viên vào NSNN vẫn lên tới 23,5% GDP trong khi mức động viên vào NSNN của năm 2017 chỉ là 7%.

Cũng năm 2020, cả nước có 101.719 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động (tăng 13,9%), trong đó : 46.592 DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn ; 37.663 DN ngừng hoạt động chờ giải thể ; 17.464 DN hoàn tất thủ tục giải thể… Hơn 830.000 người lao động mất việc làm. Chưa kể các trường hợp lao động tự do mất việc không được ngành thống kê ghi nhận.

Không phải con số 1,481 triệu tỷ đồng trên các báo cáo của ngành, các số liệu phản ảnh thảm trạng của doanh nghiệp và người lao động vừa dẫn ở đây mới đúng là "thành tích" của ngành Tài Chánh.

Huy Đức

Nguồn : osinhuyduc, 22/01/2021

***********************

Tài chính vì mục tiêu thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững

Đoàn Trần, Thời báo tài chính, 17/01/2021

Trong cuộc "đại chiến" với đại dịch Covid-19, thế giới nhắc đến Việt Nam như là ngọn hải đăng - hiệu quả cao, chi phí thấp và đặc biệt nhân văn. Chính phủ kiên định duy trì quan điểm có khoan thư sức dân thì mới có thể nuôi dưỡng nguồn vốn của nhân dân.

moctui2

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài chính tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V (2021 - 2025). Ảnh : Đức Minh

Trong mọi hoàn cảnh gian khó, luôn là một Việt Nam với các chính sách "chớ để cạn dòng vốn của nhân dân" đúng như nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Tài chính gần 70 năm trước. Với những phong trào thi đua thiết thực và thành tích nổi bật trong điều kiện gặp nhiều thách thức, ngành Tài chính tiếp tục là minh chứng sống động cho lời dặn của Bác Hồ về thi đua yêu nước, càng khó khăn, càng ra sức thi đua.

Kể cả vào thời điểm ước tính hụt thu ngân sách năm 2020 có thể lên tới cả hai trăm nghìn tỷ đồng thì các giải pháp khoan thư sức dân vẫn liên tục được đề xuất, bàn thảo, quyết định và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chính phủ kiên định duy trì quan điểm có khoan thư sức dân thì mới có thể nuôi dưỡng nguồn vốn của nhân dân.

Lịch sử, lần đầu tiên !

Mùa hè năm 2020, trước nghị trường Quốc hội, trong một phiên họp được truyền hình trực tiếp tới toàn dân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thốt lên : "Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước đã trợ cấp trực tiếp bằng tiền đến tất cả những người lao động bị mất việc làm và không có thu nhập. Chúng ta thực sự đã thực hiện tốt mục tiêu phát triển bao trùm không để ai bỏ lại phía sau. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra về những gì làm được trong thời gian qua biến nguy thành cơ như quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ".

Điều "lần đầu tiên" mà đại biểu Cường nhắc đến đó chính là gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Cùng với gói hỗ trợ này, còn có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm thuế khóa. Hiếm có nhiệm kỳ nào mà báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính dày đặc danh sách các giải pháp miễn giảm thuế khóa đã thực thi như nhiệm kỳ này. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Từ đó, có ít nhất 8 nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành.

Có thể kể đến Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 ; Nghị quyết số 107/2020/Quốc hội14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025. Nghị quyết số 116/2020/Quốc hội14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng… Còn trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành 21 thông tư để sửa đổi 31 thông tư về phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí, có loại đưa về 0%.

Tài khóa phải là điểm tựa

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, mặc dù phải chịu áp lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, nhưng Chính phủ vẫn triển khai nhiều biện pháp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của Chính phủ cũng như ngành Tài chính là phải chung tay chia sẻ khó khăn với người nộp thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu.

Luôn sẵn sàng nhận trách nhiệm cao nhất của chính sách tài khóa là điểm tựa hỗ trợ người dân và thúc đẩy phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ : "Khó khăn và áp lực là không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy được động viên, khích lệ khi các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, trong đó có việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn lực tài chính, đã phát huy tác dụng. Cùng với đó, các giải pháp về tài khóa để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang được triển khai, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ".

Khép lại một nhiệm kỳ chất chồng gian khó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận : "Ngành Tài chính phải liên tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, có nhiều nguồn lực hơn cả tài chính lẫn con người, sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trong tương lai có thể ở quy mô lớn hơn, để trong mọi hoàn cảnh, luôn phải giữ gìn cho được sự ổn định, bền vững cho nền tài chính quốc gia cũng như đời sống của nhân dân, dòng vốn của nhân dân".

Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm. Trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng ; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, ngân sách nhà nước đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh ; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Cứu trợ như cứu hỏa

Nếu chống dịch được Chính phủ xác định là như chống giặc thì trong cứu trợ, phải như cứu hỏa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu, "những hỗ trợ, chính sách, giải pháp "chống dịch như chống giặc" phải thích ứng kịp với thời chiến, chứ không phải là những chính sách "biết rồi nói mãi". Chúng ta đã có những gói chưa từng có tiền lệ như gói "đùm bọc", "san sẻ" 62.000 tỷ đồng,... Còn "giặc" dịch bệnh thì còn cần chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chống "giặc" và các chính sách cần "tăng tốc" "đòn bẩy".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng quả quyết, "các chính sách tài khóa hoàn toàn có thể "tăng tốc", "đòn bẩy" đúng theo yêu cầu của Thủ tướng. Bởi, nhờ dư địa tài khóa tích lũy được trong quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2019, nên mặc dù thu năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cân đối được đủ nguồn ngân sách để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh.

Từ tinh thần như vậy, tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành và các văn bản pháp luật được bộ ban hành theo thẩm quyền, đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của những tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách.

Đoàn Trần

Nguồn : Thời báo Tài chính Việt Nam, 17/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, Đoàn Trần
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)