Một quốc gia mà từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền vừa đặt bẫy, dựng hàng rào để tạo ra vô số "khó khăn, vướng mắc" rồi cũng chính các hệ thống đó vừa thúc giục thành viên trong các hệ thống "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", thậm chí...
Một billboard ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Hình minh họa.
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa gửi Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự thảo nghị quyết liên quan tới "thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh" với "27 điểm" được gọi là "mới, đột phá" (1).
Trong ba thập niên vừa qua, hai cụm từ "đặc thù" và "đột phá" xuất hiện thường xuyên không chỉ trên môi miệng nhiều viên chức hữu trách mà còn liên tục được lặp đi, lặp lại ở nhiều nghị quyết và đủ loại văn bản. Nếu chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì "đặc thù" và "đột phá" đã được ngắt ra, gắn vào nhu cầu ổn định và phát triển của đô thị lớn nhất Việt Nam này ít nhất cũng hàng chục năm. Cần lưu ý, hồi 2017, Quốc hội Việt Nam từng ban hành nghị quyết dành riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh cơ chế "đặc thù" để "đột phá" nhưng sau sáu năm, giờ lại sắp phải "nhất trí thông qua" một nghị quyết nữa ! Giống như nhiều lĩnh vực, nhiều nơi ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước nay, những "đặc thù" và "đột phá" chỉ mang lại kết quả duy nhất là càng ngày càng nát !
***
Theo một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam thì nghị quyết mà các đại biểu quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) thông qua hồi 2017 nhằm tạo cơ chế "đặc thù", giúp Thành phố Hồ Chí Minh "đột phá" không đi đến đâu vì "vướng mắc" đủ thứ.
Chắc chắn lần này, ở Kỳ họp thứ 5, các đại biểu quốc hội khóa 15 (2021 – 2026) sẽ biểu quyết để ban hành một nghị quyết khác nhưng liệu "27 điểm mới",được khẳng định là đột phá" có khiến tình hình khả quan hơn không ?
Dường như là không ! Hồi thượng tuần tháng trước (4/2023), khi tham dự cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :Nếu mỗi quý là một trận đấu thì Thành phố Hồ Chí Minh đã thua đậm trận đầu. Dù đã dự đoán sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không thể ngờ kết quả (tốc độ tăng tổng sản phẩm – GRDP – trong quý 1 năm nay của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%) lại tụt xuống sâu như vậy (2) !
Đến trung tuần tháng trước, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam dẫn một phái đoàn vào làm việc với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh".
Tuy "Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của kinh tế trên các lĩnh vực, có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc. Nếu địa phương phát triển tốt thì cả nước nhận được tác động lan tỏa, nếu khó khăn, cả nước cũng bị ảnh hưởng khó khăn" (3) nhưng cứ như những tuyên bố, nhận định của các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương thì khó khăn chủ yếu khiến kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh không những không thể phát triển mà còn lụn bại là vì "vướng mắc", mà "vướng mắc" lại do chính các cá nhân và hệ thống tạo ra kể cả khi ai cũng biết "môi hở, răng lạnh" (Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mức độ đóng góp xấp xỉ 30% ngân sách quốc gia) !
Cách nay khoảng nửa tháng, một số người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau bản tóm tắt phát biểu của hai nhân vật có liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi đặt chúng cạnh nhau để độc giả tự so sánh(4).
Cả hai phát biểu đều là phát biểu chính thức, trong đó, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Kế hoạch và đầu tư), nhận định thế này khi giải trình với Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam :Riêng năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh hỏi Bộ Kế hoạch và đầu tư 584 văn bản, Bộ phải trả lời 604 văn bảnnhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ(5)...
Ít ngày sau, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, đáp trả thế này :Thứ nhất, có những vấn đề thực tiễn của thành phố phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi. Thứ hai, có những nhóm vấn đề đã có quy định nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi. Thứ ba, đã có quy định rồi nhưng cách hiểu khác nhau nên phải hỏi.Thứ tư, có những vấn đề rõ rồi nhưng do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi, nếu quy nhóm này sợ không dám làm là trúng nhưng các nhóm còn lại phải hỏi. Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết làmsao(6).
***
Một quốc gia mà từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền vừa đặt bẫy, dựng hàng rào để tạo ra vô số "khó khăn, vướng mắc" rồi cũng chính các hệ thống đó vừa thúc giục thành viên trong các hệ thống "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", thậm chí còn toan ban hành văn bản lập quy để khen thưởng, động viên các cá nhân đạp lên, vượt qua chủ trương, chính sách, quy định pháp luật(7), ngoài chỉ đạo "vướng mắc tới đâu, tháo gỡ tới đó", lãnh đạo các hệ thống không thấy, không nghĩ, không thể làm gì khác hơn thì làm sao giữ được sự ổn định để phát triển ? Chỉ với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền như vậy mới có "đặc thù", mới có "đột phá", mới có "tự hào" vì tạo ra cơ chế "đặc thù". Cứ "đột phá" như thế bao nhiêu lần nữa thì.. tan tành ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/05/2023
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-27-co-che-dac-thu-dot-pha-cho-tp-hcm-4609750.html
(3) https://vietnamnet.vn/thu-tuong-tp-hcm-gap-kho-khan-ca-nuoc-cung-bi-anh-huong-2133149.html