Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2023

Y tế tự phòng, y tế cơ sở Việt Nam

Quốc Phương

Điểm yếu ‘cố hữu’, cần thay đổi gấp !

Y tế dự phòng và y tế cơ sở ở Việt Nam là điểm yếu cố hữu và nhất thiết phải có sự thay đổi gấp để cải thiện tình hình, như phép thử Covid-19 vừa qua bộc lộ, một nhà quan sát y tế - xã hội chia sẻ với Đài Châu Á Tự Do trong dịp Quốc hội Việt Nam hôm 29/5/2023 có phiên họp toàn thể nhìn lại các nỗ lực về các mặt y tế, xã hội và quản lý nhà nước của nước này trong ứng phó đại dịch mấy năm qua, cũng như thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

covid1

Quốc hội Việt Nam họp tổng kết cống tác chống dịch Covid-19 hôm 29/5/2023 - Quốc Hội Việt Nam

"Chắc chắn hệ thống dự phòng của Việt Nam yếu kém, bởi vì Việt Nam không coi trọng đúng mức vấn đề y tế dự phòng, mặc dù lúc nào cũng ưa dùng khẩu hiệu, nào là ‘ưu tiên xây dựng y tế cơ sở’ nào là ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, thực sự Việt Nam mới đi vào phần ngọn và đi vào phần mà người ta thường ví như ‘ăn cháo nóng hổi’, chứ y tế dự phòng từ các vấn đề truyền thông sức khỏe liên quan thuốc lá, rượu bia trở đi, làm rất yếu, ấy là chưa kể tới ứng phó những bệnh truyền nhiễm nữa", từ Melbourne, Australia, hôm thứ Hai, bác sĩ Phan Đình Hiệp, nhà quan sát và bình luận chính sách y tế - xã hội Việt Nam nói với Đài Châu Á Tự Do vào lúc các Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 15 đang thảo luận và đề cập vấn đề y tế tại Hà Nội trong kỳ họp thứ năm.

Hôm 29/5, tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được cổng thông tin Quốc hội Việt Nam dẫn lời, nói :

"Nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay… Tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân. Máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng. Cuối cùng là lãng phí rất lớn… Trạm y tế xã có hai nhiệm vụ dự phòng như là tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền và điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước".

Bình luận về ý kiến này, từ Melbourne, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nói với Đài Châu Á Tự Do :

"Tôi đồng ý với ý kiến của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, điều mà ông nói cũng là những yếu kém cố hữu của hệ thống y tế nói chung ở Việt Nam bao nhiêu năm qua, đây không phải là yếu kém của mỗi cá nhân trong nền y tế, mà là yếu kém của cả hệ thống y tế Việt Nam nói chung. Và nếu Quốc hội và nhà nước Việt Nam nhìn nhận ra được vấn đề như Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói thì đó là điều tốt, và hy vọng là người ta nhìn ra rồi thì có ngay hành động để cải thiện, thay đổi gấp, kịp thời.

Điểm yếu thứ hai theo tôi là trong khi Việt Nam vẫn còn nghèo, chi phí cho chống dịch như Covid-19 vừa qua là gánh nặng rất lớn, nhưng rõ ràng việc phân bổ tài chính lại để xảy ra những khoản thất thoát, lãng phí vào tay của tham nhũng hay quyền lợi nhóm trong những vụ này kia như là vụ Việt Á, hay là vụ những chuyến bay giải cứu, chẳng hạn. Chúng ta đều thấy rằng hoạn nạn hóa ra lại thành cơ hội cho những kẻ thấy như vậy rồi biến đó thành cơ hội làm giàu bất chính, nhưng chính ở đó có vấn đề phân phối tài chính, nguồn lực.

Và chính sự phân phối tài chính không đồng đều này mà bị lạm dụng, đã làm át luôn một phần đáng kể công sức, nỗ lực chung về y tế và xã hội trong cộng đồng, trong cả nước, mảng tốt của ngành y tế cũng có, và người dân Việt Nam cũng đã rất cố gắng, nhưng những quan chức và những kẻ lợi dụng tình huống đã làm những điều quá sai trái, qua đó làm mất niềm tin của người dân quá nhiều".

covid2

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân. AFP

"Nguồn lực đã thiếu hụt, lại phân bổ không đều"

Cũng trong phiên thảo luận ngày 29/5 trước Quốc hội Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu được công thông tin của Quốc hội nước này dẫn lời nói thêm :

"Đặt câu hỏi, làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ Trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường. Đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ; cũng sẽ có buổi khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ… Đồng thời, giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế động viên họ để phát triển thế mạnh của mình. Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu".

Bình luận tiếp về ý kiến trên, Bác sĩ Phan Đình Hiệp từ Melbourne nói với RFA tiếng Việt :

"Một lần nữa, tôi xin đồng tình và chia sẻ với Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Và đây cũng liên quan đến điều thứ ba mà tôi muốn đề cập thêm ở đây là về lực lượng và nguồn lực cho y tế của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam, theo thông báo của Quốc hội, vẫn nói rằng có sự thiếu hụt về phân bố nguồn lực. Nhưng thực ra theo tôi thiếu hụt là một phần thôi, vấn đề là phân bố không đều, và trên thực tế Việt Nam đã phân bổ không đủ cho lực lượng y tế dự phòng. Ở những nơi như tuyến huyện, tuyến xã thực chất là tuyến đầu, mà lại không có đủ nguồn lực kinh phí.

Các bác sĩ, thầy thuốc là bạn bè, đồng nghiệp của tôi tại Việt Nam cho tôi biết rằng họ không có đủ khả năng và tài chính để ứng phó, như thế thì làm sao mà làm gì được. Và Việt Nam cũng luôn nói là ‘ưu tiên’ cho hệ thống ‘bác sĩ gia đình’ này kia, về mặt này, tôi xin nêu ra một ví dụ để tham khảo là ở nước Úc. Nước Úc là một nước rất khá, người bác sĩ mà làm việc ở hệ thống y tế địa phương, tức là người ta ra vùng nông thôn, vùng quê để làm việc, thì họ được trả lương hậu hĩnh hơn là bác sĩ làm việc ở trong thành phố. Có như thế người ta mới khuyến khích được thầy thuốc ra vùng nông thôn làm việc, về đó người ta được ưu tiên rất nhiều thứ, bệnh nhân thì luôn luôn đầy đủ, tiền nong lại được cao hơn và được chính phủ hỗ trợ rất nhiều.

Nhưng Việt Nam có hỗ trợ cho y tế của địa phương hay không ? Tôi nghĩ là không. Ở thành phố tại Việt Nam, khám bệnh với giáo sư, tiến sĩ, thì mức tiền khám là cao hơn, như thế là đi khuyến khích cho thầy thuốc đó làm giàu, chứ đâu có khuyến khích thầy thuốc phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe rộng rãi ra những vùng khác để giúp đỡ dân chúng ? Đó là khác biệt giữa hai hệ thống y tế mà chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ".

Bảo hiểm y tế phải đứng ra đàm phán và mua hàng hóa y tế

Về vấn đề khuyến khích bất hợp lý trong chính sách chăm sóc sức khỏe của y tế Việt Nam, cũng trong dịp này, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể) nêu quan điểm cá nhân của ông với Đài Châu Á Tự Do :

"Theo tôi, đối với nền y tế của Việt Nam, y tế công phải là chủ lực, trên khắp mạng lưới y tế từ trung ương, đến tỉnh, huyện, xã và cần phải tăng tỷ lệ ngân sách chi nhiều hơn cho vấn đề dự phòng, tức là phòng bệnh phải hơn là chữa bệnh.

Và tôi nhấn mạnh một điều là tuyệt đối cấm quảng cáo thuốc, quảng cáo thuốc ở trên truyền thông Việt Nam, như trên truyền hình hiện nay ở trong tình trạng ‘loạn xà ngầu’.

Bảo hiểm y tế phải là người mua duy nhất đứng ra đàm phán với những nhà cung cấp thuốc, nên nhớ rằng bảo hiểm y tế là một phần của bảo hiểm xã hội, đấy là một đơn vị công cho các công việc thuộc lĩnh vực công.

Bảo hiểm y tế là người mua, người thay mặt bệnh nhân đàm phán về giá của dịch vụ và giá của các hàng hóa y tế được cung cấp.

Không để cho chuyện bác sĩ ‘đồng lõa’ với bên ngành dược để kê toa càng nhiều thuốc càng tốt, để rồi ăn hoa hồng.

Ở đây có rất nhiều vấn đề, nhưng tôi chỉ nêu một vài vấn đề cốt lõi, trong đó còn một vấn đề nữa là cơ chế chi trả của bệnh viện ở Việt Nam hiện nay nhiều khi khuyến khích người ta càng nằm viện nhiều càng tốt".

Theo ông Nguyễn Quang A, có tình trạng trên là bởi vì "có càng nhiều người nằm viện, thì người ta sẽ thu càng nhiều", ông nói thêm với RFA tiếng Việt :

"Có nhiều việc được cho là đi vào chi tiết, kỹ thuật, nhưng tôi nghĩ đây là những chuyện cũng cần có những nghiên cứu thấu đáo hơn để có thêm được những đề xuất chi tiết được.

Và tôi xin nói thêm là y tế, sức khỏe cũng như giáo dục và đào tạo là hai trong số những nền tảng quan trọng nhất cho một quốc gia, trong đó có sự phát triển xã hội nói chung và phát triển kinh tế nói riêng, bởi vì người dân mạnh khỏe, được chăm sóc y tế sức khỏe tốt, với nhấn mạnh vào phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì người ta sẽ có nhiều điều kiện để làm việc và đóng góp tốt hơn cho cộng đồng, xã hội và đất nước, trong đó có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế".

Bình luận về ý kiến này của Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, đặc biệt ở khía cạnh mà nhà phản biện chính sách độc lập này đề nghị bảo hiểm y tế đảm lĩnh vai trò người đàm phán và người mua duy nhất, đại diện cho người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, từ Melbourne, bác sĩ Phan Đình Hiệp nói :

"Đây là một ý kiến rất đáng chú ý, riêng khía cạnh này, đây là một vấn đề ‘kinh niên’ trong y tế tại Việt Nam, bởi vì sửa chữa, điều chỉnh vấn đề này cũng liên quan xây dựng một hệ thống vừa có chính trị, vừa có chuyên môn, lại phải vừa có giám sát.

Ở Việt Nam, không có cơ chế giám sát, và do đó lâu nay đã tạo ra một vấn nạn là nạn ‘hoa hồng’, cái này trong cơ chế hiện nay sửa chữa rất khó, như là nạn trao nhận ‘phong bì’ trong khám chữa bệnh ở Việt Nam được cho là căn bệnh ‘cố hữu’, và một trong những nguyên nhân là vấn đề lương bổng.

Lương không đủ sống cho bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, thì sẽ còn có vấn nạn trên, lương là một yếu tố quan trọng hàng nhất. Ở bên Úc, nơi tôi đang làm việc, chưa bao giờ tôi nghĩ đến ‘phong bì’ hết, và tôi cũng không bao giờ nghĩ đến việc tôi kê thuốc cho bệnh nhân thì được hãng dược cho thêm một đồng hay hai đồng.

Tôi cũng chưa bao giờ ra y lệnh phải có thêm chụp cắt lát, scan này nọ để có thêm tiền. Và khi các thầy thuốc làm việc như vậy, bệnh nhân và cộng đồng, xã hội sẽ vô cùng tin tưởng, vì họ thấy rằng các bác sĩ, thầy thuốc khi làm việc, như bác sĩ kê đơn, không hề căn cứ vào đồng tiền, vào hoa hồng mà họ bỏ túi. Việt Nam chưa có cơ chế này".

Cần phải có vai trò của giám sát độc lập và "đối lập"

Theo bác sĩ Phan Đình Hiệp, một điểm đáng lưu ý mà Việt Nam cần tham khảo trong quản lý nhà nước, đó là tiến tới có giám sát độc lập, việc này theo ông có tính nguyên tắc và được áp dụng chung cho không chỉ y tế, mà còn toàn bộ các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, để tạo hiệu quả lâu dài, ông nói :

"Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A có đề cập vai trò của bảo hiểm y tế trong việc này, tôi cho rằng ý kiến đó là đúng, ở chỗ đúng là bảo hiểm y tế phải đứng ra chi trả và cần làm như thế nào cho hợp lý…, nhưng Việt Nam muốn chuyển sang mô hình với vai trò đó của bảo hiểm, tôi nghĩ là cũng cần có cơ chế giám sát cho hợp lý thêm.

Mà muốn có giám sát, theo tôi không chỉ riêng trong chuyện bảo hiểm y tế này thì bắt buộc phải có ‘đối lập’, không có ‘đối lập’, thì sẽ không bao giờ có giám sát khách quan, độc lập và hiệu quả. Tôi lấy ví dụ, trong ngành y ở Việt Nam, chẳng hạn có một vị Giáo sư, bác sĩ nọ mà làm bậy, làm gian lận, nhưng những người cấp dưới người đó nhiều khi lại không dám nói ra, vì họ sợ sệt quá, mà họ phải đợi đến bao giờ báo chí, truyền thông phanh phui nội vụ ra.

Điều này, như riêng tại Úc không hề có như vậy, ở hệ thống này người ta có lực lượng đối lập, tức là luôn luôn có một người ở đó, nếu ‘anh mà làm sai’, thì ‘tôi sẽ lên thay cho anh liền’, thì như thế những người kia mới sợ, và cái này là phải mở rộng ra, chứ không chỉ áp dụng riêng với ngành y tế, mà cho chung tất cả các lĩnh vực khác như là kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục v.v. trong toàn quốc gia.

Và cuối cùng tôi muốn nói cụ thể thêm rằng chính phủ và nhà nước ở Việt Nam đừng có hô hào không là chỉ cần ‘đốt lò’ như hiện nay là đủ, mà hãy để cho xã hội dân sự, hãy để cho tất cả mọi người cùng tham gia góp ý kiến xây dựng và chỉ ra những điểm yếu.

Không bao che đậy những khuyết điểm đó sẽ dần giải quyết được nhiều vấn đề, chẳng hạn, tôi nhắc lại như vụ Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 và những vụ chuyến bay giải cứu, vì chúng ta không có giám sát, không có đối lập, sẽ có chuyện có những việc sẽ bị rơi vào lợi ích nhóm, rồi lại tới khi xử lý, chúng ta lại có thể rơi vào lợi ích nhóm lần thứ hai nữa.

Đó là khi mà nhóm này thì bị xử, nhưng nhóm khác cũng mắc lỗi tương tự thì lại không sao, nếu giữ nguyên cách làm như thế, tôi nghĩ sẽ không thể triệt để được", bác sĩ Phan Đình Hiệp nêu quan điểm riêng với RFA tiếng Việt.

Cũng hôm thứ ba, vẫn theo cổng thông tin Quốc hội Việt Nam, tại phiên thảo luận tại Quốc hội liên quan tình hình y tế và chăm sóc sức khỏe người dân tại Việt Nam, nhân nhìn lại 3 năm đương đầu đại dịch Covid-19, ý kiến của Đại biểu Quốc hội đưa ra thừa nhận :

"Thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp…, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân ; nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện. Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng"., vẫn theo tường trình phiên họp từ Hà Nội, theo cổng thông tin của Quốc hội Việt Nam hôm 29/5/2023.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 29/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 227 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)