Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/06/2023

Gây hấn và quấy nhiễu trên Biển Đông, Bắc Kinh đổ vạ cho Mỹ

Trọng Nghĩa, Chi Phương, RFA

Trung Quốc đòi Mỹ chấm dứt các chuyến bay do thám ở Biển Đông

RFA, 01/06/2023

Trung Quốc hôm 31/5 yêu cầu Mỹ chấm dứt các chuyến bay do thám ở Biển Đông mà Bắc Kinh cho là hành động khiêu khích nguy hiểm và khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để bảo vệ chủ quyền của mình.

trungmy1

Máy bay chiến đấu của Mỹ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt ở Biển Đông hôm 10/4/2018 - AFP

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có vụ máy bay Trung Quốc bay sát nguy hiểm đối với một máy bay do thám của Mỹ hôm thứ sáu tuần trước ở Biển Đông.

Hoa Kỳ hôm 30/5 ra thông cáo cho biết phi công một chiếc máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc đã bay trực diện đến trước mũi chiếc máy bay RC-135 của Mỹ đang thực hiện hoạt động thường kỳ trên vùng trời quốc tế hôm 26/5.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ gọi hành động này của máy bay Trung Quốc là "nguy hiểm không cần thiết", đồng thời cho biết thêm là quân đội Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong năm năm trở lại đây với việc chặn máy bay và tàu chiến của Mỹ trong khu vực.

Vụ việc mới đây đã làm gia tăng thêm căng thẳng Mỹ Trung vào khi Mỹ ủng hộ một Đài Loan độc lập còn Trung Quốc tiếp tục khẳng định Đài Loan là một phần không thể tác rời của Hoa lục.

Căng thẳng giữa hai nước thêm gia tăng khi Trung Quốc mới đây cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này sẽ không gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Đối thoại an ninh Shangri-La, Singapore, diễn ra vào cuối tuần này.

Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông bất chấp việc Tòa Trọng tài Thường Trực ở La Haye, vào năm 2016, đã bác bỏ những yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trong một vụ kiện chống lại nước này của Philippines.

Nguồn : RFI, 01/06/2023

*************************

Biển Đông : Trung Quốc ngày càng hung hăng nhưng lại nói Mỹ cố tình khiêu khích

Trọng Nghĩa, RFI, 01/06/2023

Ngày 26/05/2023 vừa qua, khi đang hoạt động trong không phận quốc tế trên Biển Đông, một chiếc phi cơ do thám RC-135 của Mỹ đã bất ngờ bị một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc cắt ngang đường bay, gây ra vùng nhiễu động không khí khiến phi cơ Mỹ bị rung mạnh. Washington ngày 30/05 đã lên tiếng tố cáo một "hành động gây hấn không cần thiết" của Trung Quốc, và đã lập tức bị Bắc Kinh đáp trả với lời lên án Mỹ có các "hành vi khiêu khích" trên Biển Đông.

mytrung2

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn một tàu tuần duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023. AP - Aaron Favila

Theo giới quan sát, cho đến nay, Trung Quốc đã liên tục có những động thái hung hăng gây sự trên Biển Đông, không chỉ nhắm vào Mỹ, mà còn nhắm cả vào các nước bên trong hoặc bên ngoài khu vực khác bị Bắc Kinh cáo buộc là xâm phạm vùng biển của Trung Quốc, dựa trên chủ quyền mà chính Bắc Kinh tự nhận, bất chấp phán quyết ngược lại của quốc tế, cụ thể là của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Về sự cố mới nhất hôm 26/05, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Quân Đội Mỹ INDOPACOM đã khẳng định phi cơ trinh sát Mỹ RC-135 đang hoạt động một cách bình thường trong không phận quốc tế thì bị tiêm kích Trung Quốc sách nhiễu, "áp sát một cách nguy hiểm".

Ngược lại, đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 31/05, Mỹ đã thường xuyên triển khai phi cơ và chiến hạm áp sát Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Đối với phát ngôn viên này, bên gây nguy hiểm chính là Hoa Kỳ với các "hoạt động khiêu khích, nguy hiểm" vốn là nguyên do của các vấn đề an ninh trên biển.

Sự cố ngày 26/05 gần như là một kịch bản lập lại của một vụ đối đầu khác vào tháng 12/2022, khi cũng một chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát một chiếc phi cơ do thám RC-135 của Mỹ, buộc phi cơ Mỹ phải "thực hiện các thao tác đổi hướng để tránh va chạm".

Đối với giới phân tích, nếu trước đây tương đối hiếm hoi, thì trong thời gian gần đây, các sự cố trên không và trên biển ở Biển Đông do các hành vi "thiếu chuyên nghiệp" từ phía Trung Quốc ngày càng tăng.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp vào hôm qua ghi nhận với hãng tin Pháp AFP là số vụ can thiệp và đối đầu nguy hiểm trên biển do máy bay và tàu thuyền Trung Quốc đã "gia tăng một cách đáng báo động", với nguy cơ tiềm tàng là gây nên những "tính toán sai lầm hoặc sự việc không an toàn".

Điều đáng nói là khi nhận xét về hành vi của phi công Trung Quốc, quan chức Mỹ cho rằng đó không phải là những hành động tự phát, mà xuất phát từ một chiến thuật rộng lớn hơn. Đây là một chiến thuật hù dọa được Trung Quốc áp dụng không chỉ với Mỹ, mà cả với những quốc gia khác.

Trong một bài phân tích công bố hôm qua (31/05), trang mạng chuyên về quân sự Pháp Opex360 nhắc lại vào tháng 7 năm ngoái, ông Ely Ratner, một quan chức Lầu Năm Góc đã lưu ý : "Chúng ta đang chứng kiến ​​s gia tăng mnh ca các hành vi nguy him và thiếu chuyên nghiệp của tàu và phi cơ [Trung Quốc] không chỉ đối với lực lượng Hoa Kỳ mà còn đối với cả các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực".

Theo Opex360, Hải quân Pháp, cũng từng phải trực diện với lực lượng Trung Quốc khi tuần tra tại Biển Đông, có cùng một nhận định rằng Quân Đội Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến, đặc biệt là ở những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Trọng Nghĩa

***********************

Biển Đông : Mỹ tố cáo phi cơ Trung Quốc hung hăng gây nguy hiểm

Chi Phương, RFI, 31/05/2023

Quân đội Hoa Kỳ hôm 30/05 đã lên án hành động "hung hăng", "vô cớ" của một chiến đấu cơ Trung Quốc, khi tiến đến gần một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ, đang hoạt động tại trên không phận quốc tế ở Biển Đông. Hôm nay, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng Washington là bên "khiêu khích". 

mytrung0

Ảnh chụp từ video của Hải quân Mỹ cung cấp : Tiêm kích Trung Quốc J-16 bay sát gần phía trước máy bay do thám Mỹ RC-135 trên không phận quốc tế ở Biển Đông, ngày 26/05/2023. AP

Trong thông cáo, đăng tải ngày hôm qua, bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ cho biết máy bay Trung Quốc đã bay "ngay phía trước và cách mũi máy bay trinh sát RC-135 khoảng 120 mét vào thứ Sáu (26/05), buộc máy bay của Mỹ phải bay qua vùng nhiễu động".

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ xin giấu tên cho biết những vụ ngăn chặn, đối đầu nguy hiểm trên không và trên biển của tàu và máy bay Trung Quốc đã gia tăng đáng báo động. Vụ việc ngày 26/05 vừa qua không phải là một hành động độc lập của phi công Trung Quốc mà đã "lặp đi lặp lại trên quy mô lớn hơn". 

Hôm nay, Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả lcáo buộc của Hoa Kỳ. Phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng Mỹ nên chấm dứt những hành động khiêu khích nguy hiểm và khẳng định : "Việc Hoa Kỳ cử tàu và máy bay một cách thường xuyên và dài hạn (đến khu vực này) để giám sát chặt chẽ Trung Quốc, làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc… Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh của mình".

Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vốn đã căng thẳng, liên quan đến các vấn đề về Đài Loan hay vụ một khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ hồi đầu năm nay. 

Chi Phương

*************************

Chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Nam Thái Bình Dương và đối phó của G7

RFA, 30/05/2023

"Hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển Nam Thái Bình Dương, khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương có nhiều điểm tương đồng với những gì nước này đã làm ở vùng biển xung quanh Nhật Bản và Đài Loan". Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute nhận xét như trên về những động thái mới của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như khối G7 ở vùng biển Nam Thái Bình Dương. Theo nhà nghiên cứu ở Hudson Institute, những động thái của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có liên quan mật thiết tới Biển Đông vì cả hai đều nằm trong "chiến lược chuỗi đảo" của họ.

mytrung3

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Thủ tướng Papua New Guinea tại cuộc họp báo hôm 22/5/2023 - The US Department of State

Những điểm chung trong chiến lược bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc 

Điểm tương đồng đầu tiên của chiến thuật bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên cả ba vùng biển nói trên, Biển Đông, Hoa Đông và Nam Thái Bình Dương, là "coi thường luật pháp quốc tế hiện hành khi đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ mới". Ông nói : 

"Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku trước năm 1971, nhưng thái độ của họ đã thay đổi kể từ đó. Quần đảo Senkaku nằm ở vị trí chiến lược để gây sức ép với Đài Loan và có tiềm năng trữ lượng dầu mỏ. 

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã mở rộng yêu sách lãnh thổ, phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế và xây dựng các đảo nhân tạo. Và Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tên lửa và máy bay quân sự trên các đảo, mặc dù khẳng định chúng không có mục đích quân sự. 

Thật vậy, đây là mô hình tương tự mà Trung Quốc đã làm theo khi thiết lập một căn cứ quân sự ở Djibouti. Trung Quốc tiếp tục xâm nhập dọc theo biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, mặc dù chính phủ lưu vong Tây Tạng đã tuyên bố rằng những khu vực này thuộc về Ấn Độ. 

Trung Quốc đã phớt lờ luật pháp quốc tế hiện hành và mở rộng yêu sách lãnh thổ của mình ở cả ba khu vực nói trên".

Đặc điểm thứ hai của chiến lược mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc là chiến thuật lợi dụng tính thời điểm. Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng Bắc Kinh khai thác tình hình bất cứ khi nào họ tìm thấy một "khoảng trống quyền lực". 

Đối với Biển Đông, ông chỉ ra là chiến thuật "khai thác khoảng trống quyền lực" mà Trung Quốc thực hiện từ thập niên 1950s đến nay : 

"Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa ngay sau khi Pháp rút quân vào những năm 1950. Đến năm 1974—một năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam—Trung Quốc chiếm nửa quần đảo còn lại. Trong những năm 1980, Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động của mình ở quần đảo Trường Sa và chiếm đóng sáu thực thể ở đó vào năm 1988, ngay sau khi Liên Xô giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Việt Nam. Và vào năm 1995, Trung Quốc đã chiếm Đá Vành Khăn ba năm sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Philippines. Các hoạt động này cho thấy Trung Quốc có xu hướng mở rộng phạm vi lãnh thổ của mình khi phát hiện thấy thay đổi về cán cân quân sự và khoảng trống quyền lực theo hướng có lợi cho họ".

Trong hơn mười năm vừa qua, Trung Quốc đã mở rộng các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan, Nam Thái Bình Dương, biên giới Ấn Độ Dương và Ấn Độ Dương theo cùng một chiến thuật như trên, khi họ phát hiện thấy một khoảng trống quyền lực ở những khu vực này - Tiến sĩ Nagao Satoru nhận xét. Theo ông, có thể nhận thấy khoảng trống quyền lực này qua Cơ sở dữ liệu chi tiêu quân sự của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) : từ năm 2011-2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76%, nhưng trong cùng thời kỳ, Nhật Bản chỉ tăng 2,4% còn Hoa Kỳ giảm 10% chi tiêu.

Chiến thuật thứ ba của chiến lược mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc là kiểm soát phi quân sự. Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, Trung Quốc kết hợp chặt chẽ các quân bài kinh tế với mục tiêu mở rộng lãnh thổ : 

"Trung Quốc đã sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng nước ngoài—được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)—để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. 

Các quốc gia có khoản đầu tư và nợ đáng kể của Trung Quốc ngần ngại chỉ trích Trung Quốc, ngay cả khi nước này vi phạm các quy tắc quốc tế. Trung Quốc cũng đang sử dụng "ngoại giao vắc-xin" đối với Covid-19 để thúc đẩy thiện chí giữa các nước nhận viện trợ. Do đó, đối với Trung Quốc, các phương pháp phi quân sự như các dự án cơ sở hạ tầng, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và vắc-xin nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền lực của họ.

Ngay cả đối với các nước phát triển như Nhật Bản và Úc, Trung Quốc cũng sử dụng phương pháp kiểm soát kinh tế này. Ví dụ, khi Úc khăng khăng yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc của Covid-19, Trung Quốc đã trì hoãn xử lý hàng nhập khẩu của Úc như rượu vang và tôm hùm. Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là vũ khí lợi hại để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng, và cuối cùng là mở rộng lãnh thổ".

Các nước G7 "phản công"

Tiến sĩ Nagao Satoru cho biết hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima đặc biệt quan tâm đến khu vực Nam Thái Bình Dương. Các động thái xâm nhập vào vùng Nam Thái Bình Dương của Trung Quốc nằm trong tổng thể chiến lược bành trướng trên biển và đất liền của nước này, trong đó có Biển Đông, với những chiến thuật tương đối giống nhau. 

Ông Nagao Satoru cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Biden đã có kế hoạch thăm các lãnh đạo các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, ngay sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản để bàn cách đối phó với Trung Quốc. Tuy rằng vào phút chót, ông Biden đã phải hủy chuyến thăm này, trở về Thủ đô Washington DC để giải quyết vấn đề trần nợ công với Quốc Hội Mỹ nhưng theo Tiến sĩ Nagao Satoru, lịch trình sắp xếp trước đó của Tổng thống Biden cho thấy vùng Nam Thái Bình Dương quan trọng như thế nào với Hoa Kỳ và các nước G7. Lý do là sau khi chiếm thế thượng phong ở Biển Đông, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở vùng biển Nam Thái Bình Dương. 

"Chiến lược chuỗi đảo" của Trung Quốc

Về lý do Trung Quốc không ngần ngại thể hiện tham vọng ở các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, ông Nagao Satoru cho rằng có thể có hai lý do chủ yếu, một là các đảo này nhạy cảm về mặt địa quân sự với Hoa Kỳ và hai là vấn đề giữ thế mạnh ngoại giao cho Đài Loan. 

Theo ông Nagao các đảo Nam Thái Bình Dương tuy nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược và nhạy cảm. "Trong quá khứ, khi Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, quan hệ của Nhật với Mỹ và Australia xấu đi, và sự bành trướng này của Nhật thời đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến Thế chiến II". 

Ngoài ra, các đảo ở Nam Thái Bình Dương và các đảo trên Biển Đông có một mối liên hệ trong chiến lược phòng thủ bằng các chuỗi đảo trên biển của Trung Quốc. Các quan niệm về chuỗi đảo này được xây dựng bởi chiến lược gia Hoa Kỳ John Foster Dulles năm 1951 trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sau đó quan niệm này được Trung Quốc tiếp thu và phát triển. Các đảo trên Biển Đông là một phần của chuỗi đảo thứ nhất, còn các đảo ở Nam Thái Bình Dương thuộc về chuỗi đảo thứ hai và thứ ba. Tiến sĩ Nagao Satoru nhấn mạnh :

"Bây giờ, ở Trung Quốc, họ bắt đầu nói về chuỗi đảo thứ ba ở Thái Bình Dương, là tuyến phòng thủ của Trung Quốc với chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. 

Và Mỹ đã bắt đầu lo ngại rằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc sẽ mở rộng sang chuỗi đảo thứ ba. Nếu Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, Mỹ và Australia sẽ nhận thấy mối đe dọa của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn.

Ví dụ, nếu Trung Quốc thiết lập một căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ dễ dàng triển khai các tàu hải quân của mình đến Hawaii, Bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ và Úc, v.v. Mỹ và Úc cho rằng một động thái như vậy của Trung Quốc sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với họ".

Ngoài vấn đề phòng thủ thông qua kiểm soát các chuỗi đảo, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương còn liên hệ mật thiết tới sức mạnh ngoại giao của Đài Loan. Tiến sĩ Nagao nói :

"Điều gì sẽ xảy ra nếu Đài Loan mất hết các mối quan hệ ngoại giao chính thức ở Nam Thái Bình Dương ? 

Những năm gần đây, Trung Quốc thuyết phục Kiribati và quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương cắt quan hệ ngoại giao chính thức với nước này và thiết lập quan hệ với Trung Quốc. 

Hiện tại, Mỹ đã bắt đầu cho rằng Trung Quốc sẽ là đối thủ quan trọng nhất đối với Mỹ. Nếu Mỹ cần đối phó với Trung Quốc, Đài Loan rất quan trọng. Nếu Trung Quốc thuyết phục thành công các quốc đảo Thái Bình Dương vốn có các quan hệ ngoại giao với Đài Loan lâu nay cắt quan hệ, Đài Loan sẽ phải đối mặt với sự cô lập ngoại giao nghiêm trọng hơn. Nếu Đài Loan có đủ hỗ trợ ngoại giao, Trung Quốc sẽ khó xâm chiếm Đài Loan hơn. Nhiều nước cho rằng nếu Đài Loan bị cô lập về ngoại giao thì trong trường hợp Trung Quốc xâm lược nước này, sẽ có ít quốc gia chỉ trích hành động xâm lược của Trung Quốc. Lập luận của những nước ủng hộ Trung Quốc sẽ là hành vi xâm lược đó không vi phạm luật pháp quốc tế nếu Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập. Do đó, trạng thái quan hệ ngoại giao của Đài Loan là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cuộc xâm lược có thể có của Trung Quốc trong tương lai".

Khác Biển Đông, nơi Trung Quốc từ lâu đã chiếm đảo Hoàng Sa, cải tạo đảo và xây dựng hoàn tất cả căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa, trở thành tay chơi chiếm thế thượng phong trong vùng biển này, tại các đảo Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc chưa hoàn toàn chiếm thế thượng phong.

Về khả năng đối phó với Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng ngay cả khi Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng trong vùng, cũng không khó cho G7 xoay chuyển thái độ của các đảo này một lần nữa. Khác với các đảo ở Biển Đông nơi điều kiện tự nhiên vốn không thể duy trì cư dân cư trú, nhiều đảo Nam Thái Bình Dương là những quốc đảo dù quy mô của các đảo này rất nhỏ. Mỹ, Australia, Nhật Bản có thể chuẩn bị đầu tư quy mô tương đương với đầu tư của Trung Quốc. Ông cho biết :

"Đó là lý do tại sao sau hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Hiroshima thì hội nghị thượng đỉnh QUAD diễn ra tại Sydney vào ngày 24/5/2023 sẽ tập trung vào các vấn đề Nam Thái Bình Dương. Tổng thống Biden cũng đã lên kế hoạch thăm các lãnh đạo các đảo Nam Thái Bình ngay trước hội nghị thượng đỉnh QUAD. Dù sau đó ông Biden phải hủy bỏ chuyến thăm vì vấn đề quốc nội những những động thái này sẽ có ảnh hưởng tác động để xoay chuyển tình thế. 

Vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương sẽ đẩy Mỹ, Australia, Nhật Bản thậm chí cả Ấn Độ vào thế bị ép quá đáng và các nước này phải ra đòn đáp trả.

Hiện Trung Quốc đã mở 8 đại sứ quán và lãnh sự quán ở các đảo Nam Thái Bình Dương (Micronesia, Kiribati, Samoa, Papua New Guinea, Solomon, Vanuatu, Fiji, Tonga). Mỹ mở 9 đại sứ quán và lãnh sự quán (Micronesia, Marshal, Kiribati, Samoa, Palau, Papua New Guinea, Solomon, Fiji, Tonga). Do đó, mặc dù Trung Quốc có lợi thế trong một số lĩnh vực, nhưng Mỹ đang đáp trả".

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang ở Viện ISEAS của Singapore thì cho rằng các đảo ở Nam Thái Bình Dương quan trọng với Mỹ, nhưng đối với Úc thì còn quan trọng hơn. Do các đảo này nằm án ngữ vùng "phên dậu" của Úc. Sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng Nam Thái Bình Dương là lý do khiến cho Úc phải tăng cường phòng thủ, trong đó phải kể đến đại dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS hợp tác với Mỹ và Anh. 

So sánh về tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông với Việt Nam và các đảo trên vùng biển Nam Thái Bình Dương với Úc, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng mức độ quan trọng là như nhau vì cùng nằm án ngữ "phên dậu". Nhưng về mức độ kiểm soát đối với các đảo tiền tiêu này thì Việt Nam yếu hơn Úc. Từ sau 1945, Việt Nam chưa thực sự bao giờ kiểm soát hoàn toàn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi đó, Úc luôn coi Nam Thái Bình Dương như là "sân sau". Úc đã đầu tư vào các đảo này khá nhiều, hơn nữa, mỗi khi có bạo động ở những hòn đảo như Tonga hay Papua New Guinea thì toàn Úc và New Zealand gửi quân gìn giữ hòa bình đến. 

Khi Trung Quốc tìm cách lấn vào vùng Nam Thái Bình Dương, vùng ảnh hưởng và quan trọng về mặt an ninh của Úc cũng như Mỹ, vùng này sẽ có những rủi ro nhưng cũng được hưởng lợi vì được quan tâm đầu tư nhiều hơn, theo nhận xét của Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudon Institute :

"Nhìn từ lợi ích của các quốc đảo này, họ sẽ lo lắng "khi voi đánh nhau, cỏ bị giày nát". Tuy nhiên, đồng thời, đầu tư của hai phía đang kéo đến vì ở đó có sự cạnh tranh. Và vì quy mô của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương này, không có gì là quá muộn để Hoa Kỳ di chuyển vào khu vực. Trong tương lai gần, số lượng đại sứ quán và lãnh sự quán sẽ tăng lên và đầu tư cũng sẽ tăng lên".

Nguồn : RFA, 30/05/2023

****************************

Trung Quốc tiến hành khảo sát trong vùng EEZ của các nước ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương

RFA, 30/05/2023

Từ nửa đầu tháng 5/2023 trở lại đây, Trung Quốc liên tục đưa tàu khảo sát xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông và vùng biển Nam Thái Bình Dương cùng một lúc. 

mytrung4

Vị trí của 5 tàu khảo sát của Trung Quốc : Xiang Yang Hong 10, 14, 31, tàu Jia Geng ở Biển Đông và tàu Haiyang Dizhi 6 ở Nam Thái Bình Dương - Marine Traffic / RFA

Như RFA đã đưa tin, Trung Quốc tung tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng 10) xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam liên tục từ ngày 7 tháng 5 đến nay. Việt Nam điều tàu Kiểm Ngư 465 và 468 cùng tàu cảnh sát biển 7011 giám sát hiện trường. Đến hôm nay, tàu Xiang Yang Hong 10 vẫn đang khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Trong khi tàu Xiang Yang Hong 10 đang khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, hôm 10/5/2023, một tàu khảo sát khác là Xiang Yang Hong 31 cũng tiến từ đảo Hải Nam xuống căn cứ quân sự đá Xu Bi mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, rồi từ ngày 23/5 tiến xuống đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (cách đường cơ sở của nước này khoảng 120 hải lý.) Tàu Xiang Yang Hong 31 vẫn đang khảo sát ở đá Vành Khăn từ đó đến nay. 

Từ cuối tháng 4, trước khi tàu Xiang Yang Hong 10 tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tàu khảo sát Xiang Yang Hong 14 đã tiến đến căn cứ quân sự đá Xu Bi (Subi Reef) ở Trường Sa và di chuyển giữa đá Xu Bi và căn cứ quân sự đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Hôm nay, 30/5, tàu Xiang Yang Hong 14 vẫn đang ở căn cứ Xu Bi. 

mytrung5

Vị trí của tàu khảo sát Xiang Yang Hong 14 và 31 ở khu vực Trường Sa, Xiang Yang Hong 10 trong EEZ Việt Nam. Đồng thời, hiện nay tàu khảo sát Nga Akademik Oparin cũng đang hoạt động ở bãi Nam Côn Sơn trong một hợp tác giữa Việt Nam và Nga. (Ảnh : Marine Traffic / RFA)

Trong một diễn biến khác, trong khi Xiang Yang Hong 10 khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc tung tàu khảo sát khác là Jia Geng (Gia Canh) vào Biển Đông. Theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận được, tàu Jia Geng xuất phát từ Macao hôm 13 tháng 5, tiến vào Biển Đông từ ngày 14, rồi đi thẳng vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ngày 20 tháng 5.

mytrung6

Tàu khảo sát Jia Geng khảo sát trong EEZ của Philippines, cách đường cơ sở chỉ khoảng 50 hải lý. (Ảnh : Marine Traffic / RFA)

Tàu Jia Geng đã khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này đến 23 tháng 5 rồi tiến về phía nam. Trong thời gian đó, tàu Jia Geng có lúc khảo sát ở khu vực cách đường cơ sở của Philippines chỉ 50 hải lý. Hôm nay 30/5, tàu Jia Geng đi thẳng vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, khu vực đảo Ranai. Đảo Ranai có dân số hơn 20 ngàn người, là thủ phủ của quần đảo Natuna của Indonesia, có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng. 

Đây là lần Trung Quốc tiến hành xâm nhập và khảo sát đồng thời ở cả hai vùng biển là Biển Đông và biển Nam Thái Bình Dương cùng một lúc. Ông Raymond Powell, Giám đốc chương trình nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Stanford, cho biết trong khi các tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10, 14, 31 và Jia Geng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phillipines, Indonesia ở Biển Đông, thì Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Haiyang Dizhi Liuhao (Hải Dương Địa Chất Lục Hiệu, tức Hải Dương Địa Chất 6) tiến vào vùng biển Nam Thái Bình Dương, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc Palau từ ngày 24 tháng 5 vào khảo sát ở đó đến nay. Có thời điểm tàu Haiyang Dizhi này khảo sát cách đường cơ sở của Palau chỉ khoảng 50 hải lý. Ông Powell cho biết "đây không phải là lần đầu tiên tàu khảo sát Trung Quốc vi phạm vùng biển của Palau". Động thái này của Trung Quốc diễn ra chỉ sau hai ngày, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tham dự lễ ký kết Thỏa thuận Hoa Kỳ-Palau 2023  vào ngày 22 tháng 5. Ông Raymond Powell nhận xét :

"Trung Quốc thường xuyên sử dụng các hoạt động khảo sát để khẳng định chủ quyền của mình. Tất nhiên, điều đó không áp dụng cho các cuộc khảo sát từ tuần trước ở vùng biển của Palau, vì họ không đòi hỏi chủ quyền ở vùng biển đó. Nhưng họ biết rằng Palau có rất ít khả năng phản đối các cuộc khảo sát của họ".

mytrung7

Tàu khảo sát Haizang Dizhi Liuhao đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc Palau ở Nam Thái Bình Dương. (Marine Traffic / RFA)

Trở lại với Biển Đông, theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận được, có những thời điểm tàu Kiểm ngư của Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần nhau ở khoảng cách khoảng 300 mét đến 1.000 mét. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS của Singapore nhận xét về khả năng va chạm giữa hai bên trong thời gian tới, căn cứ vào những bài học trước đây và những động thái ngày càng gia tăng áp lực của Trung Quốc : 

"Hai tàu đi cách nhau 300 mét cũng chưa phải là một cái gì đó nguy hiểm. Trước đây, tàu hai bên có lúc còn phun vòi rồng và húc nhau

Có nhiều yếu tố tác động đến những chiến dịch xâm nhập EEZ Việt Nam như vậy của Trung Quốc, trong đó thời tiết là một yếu tố. Đợt xâm nhập 2019, Trung Quốc đã khảo sát EEZ Việt Nam từ tháng 7 đến 10. Từ nay đến tháng 7 là mùa biển lặng nên Trung Quốc có thể sẽ còn xâm nhập EEZ Việt Nam liên tục. Nếu hai bên không kìm chế, có thể tàu hai bên sẽ phun nước, húc nhau, dọa chĩa súng như một số lần trước".

Các nước ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương bị Trung Quốc xâm nhập trái phép cùng lúc nhưng không hành động cùng nhau để phản đối Trung Quốc. Mỗi nước có một cách riêng để chống lại "người khổng lồ" này. Philippines liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, Palau ký kết thỏa thuận tương trợ Hoa Kỳ - Palau. Ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nhận xét : 

"Các quốc gia trong khu vực hiếm khi cùng nhau hành động đối với các vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Điều này mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. Trung Quốc tuyên bố công khai là họ ưu tiên cho các cuộc thảo luận song phương. Họ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn cản những hành động tập thể trong khu vực".

Ông Raymond Powell nhận xét về cách phản ứng của Hà Nội với chiến dịch xâm nhập của Trung Quốc :

"Tôi nghĩ rằng, cho đến nay Hà Nội đã thực sự cố gắng giảm thiểu sự cố này để tránh leo thang. Chính phủ đã trì hoãn bình luận cho đến khi sự chú ý của quốc tế đạt đến mức mà tại đó họ không thể giữ im lặng một cách đáng tin cậy nữa. Ngay cả khi đó, báo chí do Nhà nước kiểm soát của Việt Nam cũng đề cập khá ít đến vấn đề này".

Nguồn : RFA, 30/05/2023

****************************

Tàu khảo sát Trung Quốc bám tại EEZ Việt Nam : Bắc Kinh muốn gì ?

RFA, 30/05/2023

Đến ngày 30/5, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

mytrung8

Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vẫn hoạt động trong vùng biển Việt Nam vào ngày 30/5. Ảnh : MarineTraffic

Theo thông tin từ trang web của nhà báo, nhà nghiên cứu Biển Đông Duân Đặng, ngoài hai tàu hải cảnh 5305 và 3303, cùng một số tàu dân binh, đội hình hộ tống của tàu Hướng Dương Hồng 10 dường như được bổ sung thêm tàu Hải cảnh 4103.

Về phía Việt Nam, hai tàu kiểm ngư KN-465 và KN-469 vẫn bám sát đội hình này.

Trung Quốc muốn gì ?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết theo luật quốc tế về biển thì tàu thuyền của các quốc gia khác được đi qua vùng biển của Việt Nam, nhưng phải tuân theo nguyên tắc "Đi qua không gây hại", nghĩa là không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của các quốc gia khác :

"Thế nhưng, trường hợp này nó (tàu Hướng Dương Hồng 10 - PV) không phải là đi qua mà nó đến đấy để thực hiện những hoạt động thăm dò không được phép và họ bảo rằng đó là biển của họ, thì đó là một hoạt động không còn là vô hại nữa".

Theo ông Hà Hoàng Hợp, hành động của Trung Quốc có bốn mục tiêu chính. Thứ nhất là Trung Quốc muốn quấy rầy, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam :

"Họ (Trung Quốc - PV) làm vậy để chứng tỏ đó cũng là vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, dù là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đưa các hoạt động thực địa ra để tái khẳng định cái đòi hỏi đó". 

Thứ hai, ông Hà Hoàng Hợp cho biết nếu để ý đường đi của tàu khảo sát thì "sẽ thấy rằng nó muốn phá các hoạt động khai thác dầu khí của Liên doanh Nga và Việt Nam.

Thứ ba là Trung Quốc muốn thử nghiệm một động tác mới, nằm trong tổng thể chiến thuật vùng xám của Trung Quốc :

"Cái mới ở đây là họ lần đầu tiên dùng các tàu cá có trang bị vũ trang của dân binh đi hộ tống. Từ trước đến nay chỉ có tàu hải cảnh của Trung Quốc đi kèm thôi".

Mục tiêu thứ tư, theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, là Trung Quốc liên tục sử dụng chiến thuật vùng xám thách thức Việt Nam, tuyên bố chủ quyền một cách vô lý, vô pháp của họ.

Nhận định về vụ việc lần này, giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, cho biết các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông là không có căn cứ theo luật pháp quốc tế, và trong trường hợp này là vi phạm quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển và tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình :

"Trung Quốc dường như đang phản ứng với các hoạt động thăm dò dầu mới ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Bằng việc cử một tàu khảo sát cùng với các tàu hộ tống, Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng họ không công nhận quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này".

Trả lời RFA qua email, ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College) cho rằng lần này, ngoài mục đích chính là khẳng định chủ quyền của họ trên biển Đông, Trung Quốc còn có một mục đích khác ít người đề cậđến :

"Đó là cho Việt Nam thấy rằng bất chấp Hà Nội đi tìm sự ủng hộ quốc tế với vấn đề Biển Đông, sẽ không có nước nào sẵn sàng đứng về phía Việt Nam và ủng hộ Việt Nam thực chất.

Mỹ, Ấn Độ, Úc, hay Nhật Bản đều có quyền lợi ca riêng họ, và không có lý do gì họ phải giúđỡ Việt Nam cả, và Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy là Việt Nam cô độc trên biển Đông và đừng nên đối đầu với Trung Quốc vô ích". 

Phá hoại hoạt động thăm dò dầu khí của Việt - Nga

Theo Reuters, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.

Nó cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tậđoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.

Theo ông Hà Hoàng Hợp, việc di chuyển lại gần khu vực khai thác nêu trên cho thấy Trung Quốc muốn quấy phá hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp của liên doanh Nga - Việt :

"Tính chất của việc làm này là rất nặng nề. Trung Quốc thấy rằng nước Nga đang gặp phải vụ rắc rối ở Ukraine cho nên họ quấy phá, họ muốn đuổi người Nga đi khỏi vùng này, nhưng mà không bao giờ có thể đuổi được Nga bởi vì Nga không có một thỏa thuận nào để rút khỏi cái vùng biển đó".

Phân tích thêm về việc Trung Quốc quấy rối trong lô dầu khí mà Nga và Việt Nam đang vận hành, giáo sư Carl cho biết, trong năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã phản đối các hoạt động thăm dò của Repsol của Tây Ban Nha và Rosneft của Nga ở vùng biển gần Bãi Tư Chính.

Năm 2019, Trung Quốc triển khai tàu khảo sát và hộ tống đến Bãi Tư Chính để quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Repsol của Tây Ban Nha. Trung Quốc được cho là đã đưa ra những lời đe dọa buộc lãnh đạo Việt Nam khi đó phải ra lệnh dừng hoạt động và trả tiền bồi thường cho Repsol.

Trong thời gian gần đây, các quan chức Chính phủ Nga đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc là ra lệnh cho Rosneft ngừng hoạt động. Tình hình lần này khác vì Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc do cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

Trong một bức tranh lớn hơn, tậđoàn Gazprom của Nga có lợi ích từ Lô Cá Ngừ của Indonesia. Tập đoàn này có kế hoạch dẫn khí đốt đến Việt Nam bằng cách kết nối với cơ sở hạ tầng trong khu vực Bãi Tư Chính. Trung Quốc muốn gây áp lực lên cả chính quyền Hà Nội và Jakarta để làm gián đoạn các kế hoạch vừa nêu.

Trung Quốc sẽ tăng cường quấy nhiễu

Theo Giáo sư Carl Thayer, khu vực chính mà Trung Quốc muốn nhắm đến hiện nay là Biển Tây Philippines, do hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Hoa Kỳ được tăng cường. Trung Quốc không có lợi khi kích động sự đối đầu ở vùng biển mà cả Philippines, Indonesia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Do đó, ông đưa ra dự báo :

"Trung Quốc có thể sẽ ưu tiên tăng cường áp lực lên Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bỏ mặc Việt Nam và Indonesia. Tàu Trung Quốc rất có thể sẽ quay trở lại đồng thời Trung Quốc sẽ đưa ra lời cảnh báo và áp lực ngoại giao đối với Jakarta và Hà Nội".

Ông Vũ Xuân Khang dự đoán, sắp tới, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền mà họ tuyên bố và cho Việt Nam thấy rằng Việt Nam không có cơ hội đối đầu với Trung Quốc trên biển :

"Cần nhớ rằng Việt Nam chưa bao giờ thắng một trận hải chiến ngoài khơi với Trung Quốc, nên Trung Quốc hoàn toàn tự tin vào khả năng bắt nạt Việt Nam trên biển". 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sử dụng chiến thuật vùng xám và chiến thuật này sẽ leo thang đến gần giới hạn giữa vùng xám và xung đột vũ trang :

"Trong trường hợđó, Việt Nam vốn là nước đã có kinh nghiệm trong việc tiến hành các biện pháđể phòng thủ quốc gia trong bối cảnh bất cân xứng, cho nên không có gì phải sợ cả. Tất nhiên là Việt Nam không bao giờ muốn phải đánh nhau, thế nhưng mà một khi đã bị tấn công thì ta sẽ đáp trả".

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hiện Việt Nam vẫn còn nhiều phương cách phi quân sự khác nhau, như là các biện pháp về đối ngoại Nhà nước, quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại nhân dân… để ngăn chặn xung đột từ sớm.

Nguồn : RFA, 30/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Chi Phương, RFA
Read 270 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)