Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2023

Lưới phòng thủ chống máy bay không người lái…

The Economist

Lưới phòng thủ có thể giúp chống máy bay không người lái tự sát hay không ?

Công nghệ này đã được sử dụng từ hàng thế kỷ nay

luoi1

Làm thế nào để có thể ngăn chặn máy bay không người lái tấn công ? Vũ khí tuần kích, là loại máy bay ném bom không người lái sử dụng một lần, đã được cả Nga và Ukraine triển khai để gây sát thương trong suốt cuộc chiến. Chúng rẻ và linh hoạt. Cũng giống như các mẫu máy bay không người lái cấp độ quân sự, cả hai bên đều đang gắn thuốc nổ lên các máy bay không người lái thương mại. Hàng trăm các máy bay không người lái tùy biến như thế có thể được sản xuất một cách nhanh chóng. Các binh sĩ phòng thủ có thể cố gắng gây nhiễu tín hiệu của các máy bay đang lao tới. Họ có thể bắn hạ hoặc hạ gục chúng trên trời bằng các máy bay không người lái khác. Nhưng đôi khi cách phòng thủ tốt nhất cũng là cách đơn giản nhất. Cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng lưới phòng thủ để bảo vệ vị trí của mình. Nhưng liệu hệ thống lưới phòng thủ có thể thực sự chống lại bom bay hay không ?

Tại Ukraine, việc sử dụng lưới phòng thủ được ghi nhận lần đầu tiên đã diễn ra trong một dịp tình cờ. Một đoạn video từ tháng 12/2022 cho thấy một báy bay không người lái Lancet của Nga đã rơi vào lưới ngụy trang của một chiếc xe tăng Ukraine đang đứng yên mà không phát nổ. Nhưng lưới phòng thủ có lịch sử lâu hơn vậy nhiều. Chúng xuất hiện từ những năm 1500 khi tàu chiến Mary Rose của Anh đã sử dụng lưới phòng thủ để ngăn thuỷ thủ địch leo lên tàu (khi tàu chìm, lưới đã làm hàng trăm thuỷ thủ trên tàu mắc kẹt). Vào cuối những năm 1800, lưới cũng đã được sử dụng để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng ngư lôi từ những tàu nhỏ. Trong Thế chiến I, các khinh khí cầu chứa đầy khí hydro được cố định xuống mặt đất, một số có lưới và dây buộc được chằng giữa hai khí cầu với nhau, được sử dụng để ngăn chặn máy bay địch. Chúng đã buộc các máy bay ném bom của Đức phải bay ở độ cao lớn hơn, khiến các máy bay này tấn công kém chính xác hơn cũng như dễ bị hoả lực phòng không tấn công (ở độ cao nhỏ hơn, máy bay ném bom chỉ có thể bị phát hiện khi đã đến rất gần). Các khinh khí cầu như vậy lại được triển khai một lần nữa trong Thế chiến II. Năm 1944, Đức đã triển khai bom không người lái V-1 tấn công Luân Đôn : chúng thiếu cảm biến để có thể phát hiện và tránh các dây buộc. Đến lúc cuộc chiến kết thúc, những quả khinh khí cầu đã hạ gục khoảng 200 quả bom như vậy.

Lưới phòng thủ vẫn là một cách phòng thủ hữu dụng. Máy bay không người lái ngày nay nhỏ và nhẹ. Một số chiếc chỉ nặng vài trăm gram. Máy bay Lancet của Nga là một trong những chiếc lớn nhất, nặng khoảng 15 kg. Tất cả đủ nhỏ để có thể bị chặn lại bởi hệ thống lưới chắc chắn. Vụ va chạm có thể khiến máy bay nổ tung ở một khoảng cách an toàn so với mục tiêu của chúng, hoặc lưới thường có thể ngăn chúng không phát nổ.

Samuel Bendett, thành viên của viện nghiên cứu chính sách CNA, cho rằng việc sử dụng lưới phòng thủ đang gia tăng, mặc dù không rõ mức độ phổ biến của việc sử dụng chúng. Các lực lượng Ukraine đã tái sử dụng lưới đánh cá và các hàng rào thép mỏng để xây dựng cấu trúc lưới kim loại thủ công. Các tài liệu về lưới phòng thủ cũng đang lan truyền trên các kênh Telegram của Nga, nhưng không rõ liệu các chỉ huy có ra lệnh sử dụng chúng hay không.

Zachary Kallenborn, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một viện nghiên cứu khác, cho rằng những lưới này có những hạn chế rõ ràng. Theo ông, chúng có thể bảo vệ các đơn bị nhỏ, cố định như các hệ thống radar, nhưng lại không phải là một cách thiết thực để bảo vệ những mục tiêu lớn hoặc những phương tiện đang di chuyển. Khi những chiếc lưới phòng không được sử dụng trong các thế kỷ trước, các biện pháp đối phó đã nhanh chóng được áp dụng. Một số ngư lôi đã được gắn thiết bị cắt dây để phá lưới phòng thủ. Các nhà sản xuất máy bay không người lái có thể sẽ phát triển công nghệ tương tự. Và cũng có những cách khác để bên tấn công giải quyết vấn đề : ví dụ như các đầu đạn được thiết kế để phát nổ ở một khoảng cách nào đó so với mục tiêu, trước khi vũ khí đó bị lưới chặn lại. Nhưng trước mắt, các lưới phòng thủ máy bay không người lái vẫn cung cấp một một biện pháp phòng thủ đơn giản trước các mối đe doạ đang tăng nhanh. Chúng có thể không hoàn hảo, nhưng có còn hơn không.

The Economist

Nguyên tác : "Can nets protect against kamikaze drones in Ukraine ?", The Economist, 17/05/2023

Tạ Hà Chi biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Tạ Hà Chi
Read 288 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)