Tập, Blinken đồng ý ổn định quan hệ Mỹ-Trung trong cuộc hội đàm hiếm hoi ở Bắc Kinh
Reuters, VOA, 19/06/2023
Trung Quốc và Mỹ ngày thứ Hai đồng ý cố gắng tìm cách ổn định sự cạnh tranh gay gắt của họ để tránh dẫn đến xung đột, nhưng không công bố bất cứ bước đột phá lớn nào trong chuyến thăm hiếm hoi tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tán dương "tiến bộ" sau khi bắt tay ông Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân, một hội trường lớn thường dành để tiếp đón các nguyên thủ quốc gia.
Ông Blinken, bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Mỹ hội kiến nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2018, nói với các phóng viên rằng ông đã nêu ra các vấn đề gây tranh cãi như Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.
Và dù ông nói rằng hai bên vẫn chưa tiến tới việc thiết lập liên lạc thường xuyên giữa quân đội với quân đội - một mối lo ngại lớn đối với thế giới rộng lớn hơn - ông dự kiến sẽ có thêm các quan chức cao cấp của Mỹ đến thăm Trung Quốc trong những tuần tới.
Trước đó đã có hi vọng rằng cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 30 phút của họ có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối năm.
Ông Biden và ông Tập gặp nhau lần gần đây nhất là bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết liên lạc thường xuyên hơn, dù quan hệ kể từ đó đã xấu đi vì vấn đề Đài Loan, các cáo buộc gián điệp và những lo ngại khác.
"Hai bên cũng đã đạt được tiến bộ và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể. Điều này rất tốt," ông Tập nói với ông Blinken trong cuộc hội kiến.
Ông Blinken đáp lại rằng hai nước "có nghĩa vụ và trách nhiệm" trong việc quản lý mối quan hệ của họ và Mỹ "cam kết thực hiện điều đó."
Các cuộc gặp gỡ của ông tại Bắc Kinh, bao gồm hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, là "thẳng thắn và mang tính xây dựng," ông nói thêm.
Không rõ ngay lập tức tiến bộ nào mà ông Tập nói tới trong phát biểu của mình, dù ông nói với ông Blinken rằng Trung Quốc "hi vọng nhìn thấy mối quan hệ Trung-Mỹ vững chắc và ổn định" và tin rằng hai nước "có thể vượt qua nhiều khó khăn," theo bản công bố của phía Trung Quốc về cuộc hội đàm.
Ông cũng kêu gọi Mỹ không "làm tổn hại các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc," một tín hiệu về các điểm nóng tiềm ẩn như Đài Loan.
Việc thiếu các kênh liên lạc thường xuyên và cởi mở giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã gây bất an trên toàn thế giới và việc Bắc Kinh ngần ngại tham gia các cuộc hội đàm liên quân đội thường xuyên với Washington đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại.
Trước đó trong ngày thứ Hai, ông Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc mở để quản lý sự cạnh tranh của hai nước trong hơn ba giờ hội đàm với ông Vương, mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là "có kết quả."
Mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp, ông Vương nói nguyên nhân sâu xa là nhận thức sai lầm của Mỹ về Trung Quốc.
"Chúng ta phải có thái độ có trách nhiệm đối với con người, lịch sử và thế giới, và đảo ngược vòng xoáy đi xuống của quan hệ Mỹ-Trung," ông Vương nói trong cuộc gặp với ông Blinken, theo một phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Chuyến đi của ông Blinken, bị hoãn lại vào tháng 2 sau khi một khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua không phận của Mỹ, đã được theo dõi sát khắp thế giới vì nếu quan hệ hai nước xấu đi hơn nữa thì có thể gây ra những tác động toàn cầu đối với thị trường tài chính, các tập tục và tuyến đường thương mại, cũng như chuỗi cung ứng.
Giọng điệu của Bắc Kinh về Đài Loan đặc biệt sắc bén trong suốt chuyến thăm của ông Blinken. Ông Vương nói "Trung Quốc không có chỗ cho sự thỏa hiệp hoặc nhượng bộ," theo bản công bố của Trung Quốc.
Mỹ từ lâu đã theo đuổi chính sách "mơ hồ chiến lược" về việc liệu họ có đáp trả quân sự trước một cuộc tấn công nhắm vào Đài Loan hay không, điều mà Bắc Kinh đã từ chối loại trừ khả năng.
Khi được hỏi vào năm ngoái, Tổng thống Biden nói Washington sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, dù các phụ tá của ông sau đó cho biết bình luận của ông không phản ánh sự khác biệt về chính sách đối với chính sách "một Trung Hoa" lâu nay.
Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập.
Các quan chức Mỹ đã hạ giảm triển vọng về một bước đột phá lớn trong các cuộc hội đàm, nhưng họ và các nhà phân tích dự liệu chuyến thăm của ông Blinken sẽ mở đường cho các cuộc gặp gỡ song phương nữa trong những tháng tới, bao gồm các chuyến đi khả dĩ của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 20/06/2023
**************************
Blinken thăm Trung Quốc : Washington và Bắc Kinh tìm được "nhiều điểm chung"
Thu Hằng, RFI, 19/06/2023
Ngày 19/06/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp xã giao. Ông Tập cho biết đã đạt được "nhiều điểm chung" với Washington. Trước đó, trong chuyến công du nhằm làm giảm căng thẳng song phương, ông Blinken đã gặp ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc và hội đàm với ngoại trưởng Tần Cương.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) tiếp đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken tại nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18/06/2023. Reuters – Leah Millis
Theo AFP, cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc được quyết định vào phút chót. Ông Tập Cận Bình hy vọng "qua chuyến công du này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có những đóng góp tích cực để ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung". Nguyên thủ Trung Quốc đánh giá những tiến bộ đạt được trước đó trong các cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc là "điều tốt".
Sáng 19/06, trước khi gặp chủ tịch Trung Quốc, ông Antony Blinken đã làm việc với ông Vương Nghị. Hai bên đã trao đổi lập trường chủ đề Đài Loan, tình hình Ukraine và nhiều hồ sơ khác.
Vấn đề Đài Loan cũng là điểm bất đồng trong cuộc hội đàm hôm trước giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Trung. Theo Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tần Cương nhấn mạnh rằng "Đài Loan là vấn đề cốt yếu trong những lợi ích cơ bản của Trung Quốc, là chủ đề quan trọng nhất trong mối quan hệ Trung-Mỹ và là mối nguy hiểm lớn nhất".
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng lưu ý mối quan hệ giữa hai nước đang "ở mức thấp chưa từng có" kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, theo tin nhắn trên Twitter của bà Hoa Xuân Oánh, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc được AFP trích dẫn. Hai nhà lãnh đạo ngoại giao đã nhất trí về 5 điểm, trong đó có việc duy trì trao đổi ở cấp cao giữa hai chính phủ "nhằm giảm nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai", theo ngoại trưởng Mỹ.
Một điểm tiến bộ được AFP nhắc đến là hai bên nhất trí về chuyến công du Washington trong thời gian tới của ông Tần Cương. Nhưng nhìn chung, không khí vẫn căng thẳng dù có những cái bắt tay. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
"Phía Mỹ ít dài dòng hơn. Chuyến công du được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước. Có thể sẽ biết thêm nhiều hơn từ phía Mỹ vào tối nay (19/06) trong buổi họp báo trước khi ngoại trưởng Mỹ lên đường đến Luân Đôn.
Cho nên, hiện giờ mới chỉ có những tường trình từ phía Trung Quốc, những hình ảnh tường thuật trên đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc và cái bắt tay sáng nay giữa ông Vương Nghị và ông Antony Blinken ở nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh.
Đây là nơi ông Blinken và ông Tần Cương đã gặp nhau hôm qua. Dường như hai nhà lãnh đạo ngoại giao đã có rất nhiều điều để nói. Hơn 5 tiếng trao đổi được báo chí Trung Quốc đánh giá là "thẳng thắn và xây dựng", có những "kết quả tích cực". Trong cuộc họp, hai nhà lãnh đạo cũng nêu tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nước.
Sau bữa ăn trưa, ông Blinken đã tham gia một cuộc trao đổi bàn tròn với sinh viên trong chương trình trao đổi Mỹ-Trung. Trong chiều 19/06, ông cũng tham gia một cuộc thảo luận khác với các chủ doanh nghiệp Mỹ".
Thu Hằng
************************
Ngoại trưởng Mỹ Blinken công du Trung Quốc : Ba ưu tiên chính trong nghị trình
Anthony Zurcher, BBC, 18/06/2023
Hôm 18/06/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc trong gần năm tháng qua, sau khi mối quan hệ song phương rạn nứt nghiêm trọng liên quan đến vụ khinh khí cầu tình nghi là do thám của Bắc Kinh.
Ông Blinken là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Biden đến thăm Trung Quốc, và đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh kể từ tháng 10/2018.
Chuyến đi của ông Blinken trước đó đã bị hủy vì vụ việc này, khi Bắc Kinh tuyên bố khinh khí cầu này dùng để giám sát thời tiết, và đã bị trôi dạt ngang qua vùng lãnh thổ của Mỹ trước trước khi bị máy bay quân sự Mỹ bắn hạ.
Chuyến đi của ông Blinken bao gồm các cuộc gặp với giới chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, nhưng chưa có tuyên bố liệu ông ấy sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, người trước đó đã có cuộc gặp với tỷ phú Bill Gates hôm thứ Sáu 16/06.
Hai siêu cường đã có một danh sách dài những vấn đề khiến đôi bên quan ngại, bao gồm những bất đồng nổi cộm cũng như những lĩnh vực tiềm năng có thể cùng hợp tác.
Đây là ba lĩnh vực chính có thể đứng đầu chương trình nghị sự.
Hàn gắn mối quan hệ
Trên hết, chuyến công du của ông Blinken là về việc thiết lập lại tương tác ngoại giao.
Hồi tuần rồi, đã có dấu hiệu tan băng đầu tiên trong mối quan hệ ngoại giao khi giới chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại thủ đô Vienna, Áo.
Nhưng ông Blinken là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Biden đến thăm Trung Quốc, và đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh kể từ tháng 10/2018.
Hiện nay là thời điểm tốt để hội đàm một lần nữa bởi vì điều này giảm nguy cơ xảy ra xung đột, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell thông tin trước chuyến đi.
"Chúng ta không thể để các bất đồng có thể chia rẽ chúng ta, ngăn cản con đường tiến đến những ưu tiên toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau hợp tác."
Tuy nhiên, phản ứng từ phía Trung Quốc đối với chuyến đi của ông Blinken là hơi lạnh nhạt.
Theo thông tin từ Trung Quốc về cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp Mỹ Blinken tối thứ Tư 14/06, thì ông Tần Cương được cho biết đã nói với ông Blinken rằng "rất rõ ràng ai phải bị lên án" về suy yếu gần đây trong mối quan hệ song phương.
"Mỹ nên tôn trọng những quan ngại của Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và chấm dứt việc gây tổn hại đến những mối quan tâm về chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc, nhân danh là sự cạnh tranh," ông Tần nói.
Mỹ đã hạ thấp những tuyên bố quan trọng này theo sau chuyến thăm. Dường như "thành quả" duy nhất từ những cuộc họp, theo cách nói ngoại giao, sẽ là tất cả các cuộc họp đã diễn ra.
Đừng mong chờ bất kỳ một dạng thức đột phá hoặc biến chuyển nào theo cách hai bên đối xử với nhau, ông Daniel J Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.
Nếu cuộc gặp lần này dẫn đến tương tác xa hơn giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, thì đây sẽ tạo nền tảng cho hai bên.
Giảm nhiệt căng thẳng thương mại
Mối quan hệ giữa Tổng thống Biden với Trung Quốc đã có một khởi đầu trắc trở, một phần bởi vì ông ấy đã không sẵn sàng hủy bỏ những biện pháp thuế quan thương mại do người tiền nhiệm Donald Trump ban bố.
Các biện pháp này bao gồm hàng tỷ USD giá trị thuế quan quan trọng áp đặt lên hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Trong một vài lĩnh vực, ông Biden thậm chí còn siết chặt hơn nữa, với những lệnh hạn chế sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc, nhằm duy trì vị thế thượng phong của Mỹ trong những ngành công nghệ điện tử tối tân nhất.
Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc ban hành lệnh cấm mua sản phẩm chip bộ nhớ máy tính từ tập đoàn Micron, một nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ.
Ông Campbell hiểu về những quan ngại của Trung Quốc nhưng cho biết Mỹ sẽ bảo vệ và giải thích những điều đã được thực hiện và những gì sắp tới.
Nếu công nghệ máy tính là một lĩnh vực phải chịu sự cạnh tranh dữ dội giữa hai siêu cường, thì nền thương mại liên quan đến thuốc cấm có thể mang đến không gian hợp tác.
Mỹ muốn hạn chế việc xuất khẩu các thành phần hóa học do Trung Quốc sản xuất, dùng để chế tạo fentanyl, một opioid tổng hợp, mạnh gấp nhiều lần so với heroin.
Số lượng người chết ở Mỹ liên quan đến sử dụng thuốc quá liều liên quan đến fentanyl đã tăng hơn gấp ba lần trong vòng bảy năm qua.
"Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và khẩn cấp đối với nước Mỹ," ông Kritenbrink nói, nhưng điều này cũng tự thân cho thấy những thách thức.
Ngăn chặn chiến tranh
Sau sự kiện khinh khí cầu, cũng có thông tin là Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí cho Nga, vốn sẽ có thể ngay lập tức được dùng trong cuộc chiến Ukraine.
Giới chức chính phủ Mỹ đã rút những cáo buộc, bãi bỏ những điều có thể được xem là một vấn đề đặc biệt đáng lưu tâm giữa hai quốc gia với rủi ro có thể biến cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thế nhưng chờ đợi ông Blinken hưởng ứng những cảnh báo được Mỹ đưa ra cho phía Trung Quốc tại Vienna về những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu Trung Quốc có trợ giúp tài chính và quân sự cho Nga.
Các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc đã có những màn đối đầu căng thẳng liên quan đến eo biển Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trong phần lớn khu vực ở Biển Đông, trong khi Mỹ khẳng định đây là vùng lãnh hải quốc tế.
Ông Blinken và đội ngũ ngoại giao của mình đã tuyên bố mục tiêu của chuyến đi là "giảm rủi ro" từ những căng thẳng, và cải thiện kênh liên lạc là điểm khởi đầu.
Để đạt được hơn điều này, hiện nay có thể là nhiệm vụ khó khăn - và hợp tác sâu rộng hơn có thể càng khó khăn hơn cho ông Biden khi ngôn từ chỉ trích Trung Quốc ở Washington chắc chắn sẽ 'tăng nhiệt' hơn khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang 'nóng' dần.
Một kết quả thỏa mãn từ chuyến đi cho cả đôi bên có thể chỉ đơn giản là mở lại các kênh liên lạc, nhằm giúp ngăn chặn xảy ra vụ việc dẫn đến xung đột quân sự.
Anthony Zurcher
Nguồn : BBC, 18/06/2023
*************************
Mỹ tỏ thiện chí tái lập các kênh thông tin ở cấp cao với Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 18/06/2023
Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc được lên kế hoạch vào tháng 02/2023, nhưng đã bị hoãn vì "khủng hoảng khinh khí cầu" Trung Quốc. Một trong những dấu hiệu thể hiện thiện chí của Washington là vào ngày 17/06, khi trên đường đến mit-tinh ở Philadelphia, tổng thống Joe Biden đã nhận định với báo giới là sự cố trên không nằm trong chủ ý của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và "họ không biết có gì ở trong, không biết chuyện gì xảy ra".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2023 Reuters – Leah Millis
Theo thông tín viên RFI Carrie Nooten tại New York, chuyến công du của ông Blinken là nhằm tái lập các kênh liên lạc ở cấp cao đã bị cắt giữa hai nước :
"Ông Antony Blinken biết rõ là quan hệ Mỹ-Trung bất ổn sẽ khiến phần còn lại của thế giới căng thẳng. Hai cường quốc kinh tế hàng đầu có những cách nhìn trái ngược nhau về nhân quyền, thương mại, công nghệ hoặc về việc bán vũ khí cho Đài Loan. Không nên để sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước trở thành xung đột. Vì thế, ngoại trưởng Mỹ muốn tận dụng chuyến công du chính thức để triển khai những cơ chế xử lý khủng hoảng. Các nước láng giềng Trung Quốc, đứng đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản, vô cùng lo lắng khi thấy Bắc Kinh cắt các kênh liên lạc quân sự.
Ông Blinken gặp đồng nhiệm Tần Cương vào ngày mai (19/06) và có thể sẽ tiếp kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Washington biết rằng Bắc Kinh đang trong thời kỳ muốn khẳng định cứng rắn, nên không trông đợi có được những tiến bộ thực sự. Nhưng chuyến thăm này có lẽ sẽ mở ra một giai đoạn giải tỏa ngoại giao và mở màn cho những chuyến công du chính thức khác, chí ít là của bộ trưởng Tài Chính và Thương Mại. Hôm qua (17/06), tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ hy vọng sớm gặp đồng nhiệm Trung Quốc".
Trước khi đến Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ tham vấn đồng nhiệm Nhật - Hàn
Trước khi đến Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ đã lần lượt điện đàm với hai đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản để tham vấn về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, một trong những chủ đề sẽ được đề cập với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ " sử dụng ảnh hưởng" đối với Bình Nhưỡng. Theo AFP, để trấn an hai đồng minh, ông Blinken tái khẳng định " tầm quan trọng" của quan hệ hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn, nhất là về mặt kinh tế ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Thu Hằng
*************************
Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du Trung Quốc : rủi ro cao, kỳ vọng thấp
RFA, 18/06/2023
Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào ngày chủ nhật 18/6 bắt đầu chuyến công du Trung Quốc hai ngày. Tại Bắc Kinh, ông Blinken gặp những quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc để bàn về kỳ vọng mở lại những kênh liên lạc từng có sau thời gian căng thẳng gia tăng giữa đôi bên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh ngày 18/6/2023 - Leah Millis/Pool/AFP
Ông Blinken là vị ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên công du Trung Quốc trong thời gian năm năm qua ; khi mà Bắc Kinh áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm nhặt trong đợt dịch Covid-19 và những căng thẳng về vấn đề đảo tự trị Đài Loan, cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, thành tích nhân quyền của Bắc Kinh, các động thái quân sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, cùng vấn đề mậu dịch công nghệ.
Trong hai ngày tại Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ có những cuộc đàm phán kỹ lưỡng với người đồng cấp Tần Cương, các quan chức khác và bữa ăn tối làm việc tại Nhà khách Nhà nước Điếu Ngư Đài. Cả hai vị ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không đưa ra bất cứ bình luận cụ thể gì khi họ bắt đầu cuộc đàm phán.
Vào ngày 19/6, ông Blinken có cuộc gặp với ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại của Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, Giới quan sát cho rằng một cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là thước đo về mong muốn của Bắc Kinh trong việc tái can dự với Washington sau những năm quan hệ bang giá.
Chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken diễn ra hầu như sau gần một năm căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Biden với Bắc Kinh do chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện lúc đó là bà Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022.
Ngoại trưởng Blinken hoản chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra hồi tháng hai vừa qua, sau khi xảy ra vụ kinh khí cầu của Bắc Kinh bị nghi làm công tác tình báo bay qua bầu trời của Hoa Kỳ rồi bị bắn rơi.
Chuyến công du lần này được thực hiện mặc dù có tin tiết lộ hồi đầu tháng này về một căn cứ gián điệp nhiều tỷ đô la của Trung Quốc tại Cuba.
Nguồn : RFA, 18/06/2023
***********************
Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Quốc, Bắc Kinh tiếp đón lạnh nhạt
Trọng Nghĩa, RFI, 18/06/2023
Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Bắc Kinh vào hôm nay, 18/06/2023 là nhà ngoại giao cấp cao đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018 đến nay. Bốn tháng sau chuyến công du bị hoãn vì vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên đất Mỹ, ngoại trưởng Blinken muốn xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa hai nước, nhưng theo giới quan sát, chuyến thăm này khó mang lại những đột phá cụ thể.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2023. Reuters - Leah Millis
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, chuyên cơ chở ngoại trưởng Mỹ đã hạ cánh xuống thủ đô Trung Quốc ngay từ sáng nay. Ra đón ông tại sân bay là một phái đoàn bao gồm đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns và ông Dương Đào (Yang Tao), Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Theo Stéphane Lagarde, Bắc Kinh không chỉ thể hiện thái độ "lạnh nhạt" khi đón tiếp ngoại trưởng Mỹ mà còn không ngần ngại tung tín hiệu cảnh cáo hướng về phía Washington ngay trước khi ông Blinken đến thủ đô Trung Quốc :
"Không có thảm đỏ ở dưới chân cầu thang máy bay của ngoại trưởng Mỹ sáng nay ở Bắc Kinh. Washington đã tự đứng ra cùng tổ chức chuyến thăm này mà theo tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc, không phải là theo lời mời của Bắc Kinh, mà là do "sự sắp xếp giữa hai bên".
Kể từ sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ trên bầu trời Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước đã nguội lạnh thêm. Hai bên đã đàm phán căng thẳng về mặt ngoại giao và phía Mỹ như đã phải nhượng bộ : Giảm bớt các biện pháp trừng phạt và đặc biệt là các tiết lộ liên quan đến hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Cuộc điện đàm nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức này giữa ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương đã bộc lộ những bất đồng lớn, và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng "Hoa Kỳ không nên có ảo tưởng là xử sự được với Trung Quốc trong thế mạnh". Đây cũng là những lời lẽ phi ngoại giao mà chúng ta đã nghe cách đây hai năm, khi hai cường quốc đầu tiên công khi tiết lộ những bất đồng của họ ở cuộc họp tại Anchorage.
Quan hệ Mỹ-Trung hiện bị vướng mắc trên nhiều vấn đề. Đầu tiên hết là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cho rằng việc chiến hạm Mỹ đi qua eo biển hoặc các chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Đài Loan là những hành động khiêu khích. Một bình luận trên tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định là nếu không có tiến bộ về vấn đề Đài Loan, chuyến thăm này sẽ chẳng ích lợi gì.
Ngoài ra hai bên cũng bất đồng trên các hồ sơ Ukraine, với việc Bắc Kinh ủng hộ Moskva, cũng như các căng thẳng liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tóm lại, chúng ta phải xem hai bên sẽ nói gì với nhau trong những cuộc họp kín, nhưng rõ ràng là mục tiêu chuyến thăm này trước hết là để tái lập đối thoại và mở đường cho các cuộc gặp song phương khác trong những tháng tới."
Trọng Nghĩa