Thủ tướng Campuchia ra lệnh tăng cường an ninh biên giới, ngăn người Việt có vũ trang đào tẩu
Quốc Phương, RFA, 16/06/2023
Thủ tướng Hun Sen ra lệnh cho Lực lượng vũ trang Campuchia và các cơ quan chức năng ngăn chặn "mạng lưới phiến quân người Việt Nam" có thể đang ẩn náu tại Campuchia, sau vụ tấn công hai trụ sở cơ quan công quyền ở Đắk Lắk.
Reuters
Chỉ thị miệng của ông Hun Sen đưa ra hôm 16/6 sau khi Bộ Công an Việt Nam đang tạm giữ gần 50 nghi phạm bị cho là có liên quan đến vụ việc, và truy tìm những người trốn thoát còn lại.
Theo Khmer Times, Thủ tướng Campuchia yêu cầu chính quyền hai tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri có biên giới với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam trực tiếp kiểm tra các làng mạc ở địa phương, không cho phép triệt để mạng lưới nổi dậy người Việt, những người có thể sống cùng người dân Campuchia.
Ngoài ra, ông Hun Sen cũng cảnh báo một số tổ chức quốc tế tại nước này tránh xa việc tiếp tay cho những nhóm này, nhấn mạnh đây là tội ác quốc tế và Campuchia không cho phép dùng lãnh thổ của họ để chống lại các quốc gia khác.
Còn theo tường thuật của Tân Hoa Xã, người đứng đầu Campuchia gọi các thành viên của nhóm có vũ trang là những kẻ khủng bố, ông nói thêm rằng những người chạy trốn sang đây sẽ bị bắt và đưa trở lại Việt Nam nếu bị phát hiện.
Ông cũng cảnh báo sẽ đóng cửa bất kỳ tổ chức quốc tế nào ở Campuchia nếu họ cho phép những người đào tẩu đó tị nạn.
"Phải làm mọi cách để không gây xung đột với Việt Nam"
Trước đó, hôm 13/6/2023, cũng tờ Khmer Times bằng tiếng Anh, trong bài viết có tựa đề ‘Phó Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia được giao kiểm tra biên giới Đông Bắc trong bối cảnh bạo lực ở Việt Nam’, cho hay Tướng Chhay Sinarith, Phó Giám đốc Cảnh sát Quốc gia đã được giao nhiệm vụ giám sát tình hình dọc biên giới ở tỉnh Mondulkiri và sẽ báo cáo chính phủ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, để có hành động kịp thời.
"Sự hỗn loạn đang xảy ra ở Việt Nam, nhưng chúng ta phải cẩn thận với những người đến đất nước chúng ta", ông nói. "Chúng ta cần giữ liên lạc với phía Việt Nam để bảo vệ an ninh và phải làm mọi cách để không gây xung đột với Việt Nam".
Theo một bài báo khác trên kênh UCông anNews của Liên đoàn Tin tức Công Giáo Châu Á, người Dega, được coi là một phần của cộng đồng bộ lạc người Thượng, đã chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong Chiến tranh Việt Nam, bài báo này viết :
"Nhiều người đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo và hiện đang phàn nàn về các chính sách đàn áp như đàn áp tôn giáo và chiếm đoạt đất đai của các quan chức địa phương. Thông thường, người Thượng tìm kiếm nơi trú ẩn trong thời kỳ khó khăn ở nước láng giềng Campuchia...
Lực lượng an ninh "đã bắt giữ, đánh đập, tra tấn chúng tôi. Họ đã phá hủy nhà cửa của chúng tôi. Họ đã phá hủy các nhà thờ của chúng tôi", người Dega địa phương cho kênh UCông anNews biết trong một tuyên bố vào ngày 11/6/2023.
Tuyên bố trên, theo UCông anNews, cũng cho biết đất canh tác của những người sắc dân bản địa "đã bị tịch thu và mùa màng bị phá hủy, trong khi người Dega đã bị bắt cóc và bán sang các nước khác".
Vẫn theo kênh này, danh sách những khiếu nại của họ, ít nhất một phần, đã được hỗ trợ bởi các nhóm nhân quyền, trong khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York (HRW) cho biết người Thượng đã bị "giám sát liên tục và chịu các hình thức đe dọa khác".
"Điều này bao gồm chỉ trích công khai, bắt bớ tùy tiện và ngược đãi trong khi giam giữ khi chính quyền thẩm vấn họ về quan điểm tôn giáo và chính trị, cũng như nỗ lực chạy trốn khỏi Việt Nam do Đảng Cộng sản cai trị".
Để trấn an người Thượng, Bộ Công an Việt Nam đã khuyến cáo người dân giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của chính quyền.
Trong một bản tin được cho là sớm được loan báo ra quốc tế không lâu sau vụ các vụ nổ súng gây nhiều thương vong xảy ra ở hai xã Ea Tiêu and Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thuộc Tây Nguyên của Việt Nam, hãng tin Pháp AFP ngay hôm 11/6/2023, được tờ báo South China Morning Post (SCMP) của Trung Quốc tại Hong Kong dẫn lại, đưa ra bình luận :
"Tây Nguyên, nơi sinh sống của một số sắc dân thiểu số, được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền chuyên quyền độc đoán của Việt Nam và từ lâu đã là điểm nóng của sự bất bình về các vấn đề bao gồm quyền sử dụng đất.
Một số bộ lạc trong khu vực - được gọi chung là người Thượng - đã đứng về phía miền nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ của Việt Nam. Một số đang kêu gọi quyền tự trị nhiều hơn, trong khi những người khác ở nước ngoài ủng hộ nền độc lập cho khu vực…".
Từ London, Anh quốc, hôm 16/6/2023, khi được RFA Tiếng Việt đề nghị bình luận về biến cố này, Tiến sĩ Bill Hayton, cựu nhà báo lâu năm của BBC, người từng có thời làm việc với tư cách phóng viên biệt phái tại Việt Nam và Myanmar, nay là học giả tại Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về quan hệ quốc tế (Chatham House), nói :
"Tôi e rằng tôi không biết nguyên nhân. Thế nhưng tôi không thể tin rằng điều này đến từ hư không !"
Còn theo báo Đắk Lắk online cùng ngày 16/6 cho biết :
"Hiện lực lượng Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng liên quan theo đúng quy định pháp luật ; triển khai đồng bộ các biện pháp loại trừ nguy cơ vụ việc tương tự, lợi dụng vụ việc này để kích động gây mất an ninh trật tự ; chỉ đạo rà soát các phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh trên địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm ; nắm chắc tình hình tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, loại trừ những yếu tố tiềm ẩn, phức tạp phát sinh từ sớm, từ xa", báo Đắk Lắk dẫn lời Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, trong một ‘thông báo nhanh’ cho hay.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 16/06/2023
****************************
Vụ Đắk Lắk : Thủ tướng Hun Sen ra lệnh truy lùng nghi phạm có thể chạy sang Campuchia
VOA, 16/06/2023
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa ra lệnh cho lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng nước này lục soát những ngôi làng vùng biên giới để truy tìm những kẻ tình nghi sau vụ tấn công bằng súng vào hai trụ sở xã ở Việt Nam làm ít nhất 9 người thiệt mạng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Theo Khmer Times, lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban hành vào ngày 16/6, vài ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, khiến 4 công an, 2 quan chức địa phương và một số người khác thiệt mạng hôm 11/6.
Trong một bài phát biểu trước các công nhân may mặc, Thủ tướng Hun Sen mô tả vụ nổ súng ở Việt Nam là một "cuộc tấn công khủng bố" và suy đoán rằng những kẻ chịu trách nhiệm có thể đang lẩn trốn ở Campuchia, AFP tường thuật.
Ông ra lệnh cho các lực lượng vũ trang ở khu vực đông bắc "kiểm tra kỹ lưỡng các ngôi làng" dọc theo biên giới với Việt Nam.
"Tôi lo ngại rằng những người này đang lẩn trốn trong dân làng", AFP dẫn lời ông Hun Sen nói. Ông cũng nói thêm rằng chính quyền Campuchia phải bắt giữ và bàn giao họ cho Việt Nam nếu bắt được.
Tính đến ngày 16/6, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hơn 50 nghi phạm được cho là đã trực tiếp tham gia vụ tấn công hai trụ sở xã, VnExpress dẫn thông tin từ Bộ Công an Việt Nam cho biết. Bộ này nói hầu hết nghi phạm còn rất trẻ, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và họ khai bị "lôi kéo, xúi giục, kích động".
Hiện cơ quan công an Việt Nam vẫn đang tiếp tục truy lùng thêm các nghi phạm khác.
Thủ tướng Hun Sen hôm 16/6 ra lệnh cho chính quyền các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri, cũng như chính quyền các tỉnh có biên giới với Việt Nam, trực tiếp kiểm tra các làng trong khu vực địa lý của họ, tuyệt đối không cho phép mạng lưới "những kẻ nổi dậy người Việt" sống cùng người dân Campuchia trong các ngôi làng, Khmer Times cho biết thêm.
Ban tiếng Khmer của VOA dẫn lời thủ tướng của Campuchia nói rằng "Cho dù chúng ta sử dụng bao nhiêu binh sĩ để bảo vệ biên giới thì cũng sẽ không đủ. Đường biên giới dài hàng trăm cây số nên họ có thể vượt biên và trú chân trong các bản làng. Tôi tin rằng có những mạng lưới ở Campuchia giúp đỡ những người nổi dậy ở Việt Nam. Trường hợp này đã từng xảy ra trước đây khi những phiến quân này trốn đến sống ở tỉnh Ratanakiri và tỉnh Mondulkiri rồi tị nạn vào các năm 2003, 2004 và 2005".
Ông Hun Sen cho biết chính quyền Campuchia đã hợp tác với Việt Nam kể từ sau vụ tấn công.
Khu vực Tây Nguyên lâu nay vẫn được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền cộng sản tại Việt Nam. Đây cũng được xem là điểm nóng của những bất bình giữa người dân và chính quyền liên quan đến các các vấn đề như đất đai, tôn giáo, sắc tộc...
Trong những năm qua, nhiều người Thượng ở Tây Nguyên đã phải trốn sang Campuchia để thoát khỏi sự phân biệt đối xử ở Việt Nam và xin tị nạn tại cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh.
Ông Hun Sen hôm thứ Sáu cảnh báo cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế cần theo dõi các nghi phạm và đề nghị không giúp đỡ họ, theo tin của VOA tiếng Khmer.
"Tôi muốn cảnh báo các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Campuchia tránh phạm tội giúp đỡ những người nổi dậy. Nếu giúp đỡ họ, làm như thế là phạm tội với nhân dân Việt Nam. Tôi cảnh cáo quý vị rằng chúng tôi có thể đóng cửa tất cả các văn phòng của quý vị ở Phnom Penh vì vi phạm các quy tắc quan hệ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế", ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh thêm rằng đây là tội ác quốc tế và Campuchia không cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để chống lại các quốc gia khác, theo Khmer Times.
Am Sam Ath, Giám đốc phụ trách các vấn đề chung của Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (LICông anDHO), nói với Ban tiếng Khmer của VOA rằng những phát biểu của ông Hun Sen về lệnh bắt giữ tội phạm hoặc phiến quân nhập cảnh Campuchia bất hợp pháp và trả họ về nước là "không có gì mới" và "không có gì phải lo lắng".
"Chúng tôi chỉ hoạt động dựa trên sứ mệnh của tổ chức, vốn đã được nêu rõ với Bộ Nội vụ. Vì vậy, trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam, chúng tôi là một tổ chức xã hội dân sự địa phương ở Campuchia, chúng tôi không liên quan gì đến phe nổi dậy. Chúng tôi chỉ làm việc dựa trên sứ mệnh của tổ chức của chúng tôi tại Campuchia".
Nguồn : VOA, 16/06/2023