Một thời tạo điều kiện cho tự do ngôn luận tại Việt Nam, Facebook nay tiếp tay kìm hãm nó
Rebecca Tan, VOA, 21/06/2023
Khi Facebook xuất hiện ở Việt Nam khoảng một thập niên trước, nó giống như một "cuộc cách mạng", hai trong số các nhân viên đầu tiên của công ty ở Châu Á nói với tờ Washington Post. Lần đầu tiên, mọi người trên cả nước có thể trao đổi trực tiếp về các vấn đề thời sự. Người dùng đã đăng bài về sự lạm dụng của công an và sự lãng phí của chính phủ, chọc thủng lỗ hổng trong tuyên truyền của Đảng cộng sản cầm quyền. Một trong những nhân viên của Facebook nói với Washington Post : "Nó giống như một sự giải phóng, và chúng tôi là một phần trong đó".
Biểu tượng của Facebook và Meta, công ty mẹ của Facebook.
Nhưng khi mức độ phổ biến của Facebook bùng nổ ở Việt Nam, nhanh chóng đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ bảy trên toàn thế giới của Facebook thì Hà Nội ngày càng yêu cầu nhiều hạn chế hơn, theo Washington Post.
Kể từ đó, công ty truyền thông xã hội khổng lồ Meta, sở hữu Facebook, đã nhiều lần nhượng bộ chính phủ độc tài Việt Nam, thường xuyên kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến và buộc những người bị chính phủ coi là mối đe dọa phải rời khỏi nền tảng, theo bốn cựu nhân viên của Meta, các tổ chức nhân quyền, các nhà quan sát trong lĩnh vực này và các nhà vận động hành lang.
Vẫn theo bài tường thuật trên Washington Post, công ty Meta đã chấp nhận một danh sách nội bộ của các quan chức Đảng cộng sản Việt Nam không thể để bị chỉ trích trên Facebook, hai cựu nhân viên ở Châu Á cho biết với điều kiện giấu tên để tránh bị trừng phạt. Danh sách này, được giữ kín ngay cả trong công ty và chưa từng được phúc trình công khai trước đây, được đưa vào các hướng dẫn được dùng để kiểm soát nội dung trực tuyến và phần lớn được định hình bởi chính quyền Việt Nam, các cựu nhân viên nói với tờ Washington Post và cho biết một danh sách như vậy là duy nhất chỉ có tại Việt Nam trong khu vực Đông Á.
Bây giờ, chính phủ đang thúc đẩy các giới hạn thậm chí còn nghiêm ngặt hơn. Meta đang chuẩn bị thắt chặt kiểm soát nội dung hơn nữa sau khi được các quan chức cho biết trong những tháng gần đây rằng họ sẽ phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ bên trong Việt Nam, làm dấy lên cảnh báo về quyền riêng tư và bảo mật thông tin, theo những người hiểu biết về các cuộc thảo luận nội bộ của công ty được Washington Post trích dẫn.
Các giám đốc điều hành của Meta không trả lời trực tiếp các câu hỏi về kiểm duyệt, về việc bịt miệng người dùng hoặc về danh sách các quan chức của Đảng cộng sản vừa kể. Trong một tuyên bố, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công của Meta tại Đông Nam Á, cho biết công ty tự hào về các khoản đầu tư của mình tại Việt Nam. Washington Post dẫn lời ông rằng : "Trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo càng nhiều người Việt Nam càng tốt có thể sử dụng nền tảng của chúng tôi để xây dựng cộng đồng và bày tỏ bản thân".
Công ty Meta không phải là công ty duy nhất bị yêu cầu gỡ bỏ nội dung nhạy cảm ở Việt Nam. Kể từ năm 2019, Google, công ty sở hữu YouTube, đã nhận được hơn 2.000 yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc gỡ bỏ nội dung ở Việt Nam và đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu đó, theo dữ liệu của công ty được Washington Post trích thuật. TikTok cho biết họ đã xóa hoặc hạn chế hơn 300 bài đăng ở Việt Nam vào năm ngoái vì vi phạm luật địa phương. Cả hai công ty đều nói họ coi trọng quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Việt Nam, Facebook đồng nghĩa với internet. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 70% trong số 97 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook để chia sẻ nội dung, điều hành doanh nghiệp và gửi tin nhắn. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nền tảng này có nhiều người dùng hơn bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào khác và thống trị chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số.
Vẫn theo tường thuật của Washington Post, mặc dù các chính phủ trên khắp thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung, nhưng những nhượng bộ mà Meta đã thực hiện để duy trì quyền truy cập của mình tại Việt Nam — quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới — vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác tại Đông Á, theo các chuyên gia tư vấn và nhân viên cũ (Facebook không hoạt động ở Trung Quốc).
Ông Trần Duy Đông, thứ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư của Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng đã có "sự hợp tác tốt" với Meta trong việc loại bỏ nội dung "không phù hợp". "Càng ngày, họ càng hiểu rõ hơn các yêu cầu của luật pháp Việt Nam", ông được tờ Washington Post dẫn lời.
‘Những công ty này sẽ cúi mình’
Theo tường thuật của Washington Post, cho đến vài năm trước, các quan chức Việt Nam lo lắng rằng các công ty ở Thung lũng Silicon sẽ áp dụng đường lối cứng rắn bảo vệ tự do ngôn luận mà từ chối các yêu cầu của chính phủ về kiểm soát nội dung, theo năm chuyên gia tư vấn nước ngoài và địa phương có liên hệ thường xuyên với các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam. Đó không còn là một mối quan tâm nữa, các chuyên gia tư vấn nói với Washington Post.
Một chuyên gia tư vấn đã làm việc với các công ty công nghệ ở Châu Á và phát biểu với điều kiện giấu tên để bảo vệ lợi ích kinh doanh cho tờ báo biết rằng : "Người Việt Nam hiện nay có cảm giác rằng [chính phủ] đã thách thức các giới hạn và họ đã chiến thắng. "Mọi người hiểu rằng các công ty này sẽ cúi mình".
Meta đã theo dõi các yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ tại Việt Nam từ năm 2017, theo các phúc trình minh bạch của công ty. Tính đến tháng 6 năm ngoái, Meta đã chặn hơn 8.000 bài đăng trong nước, hầu hết bị cáo buộc chứa "nội dung chống Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam" hoặc thông tin "xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm" các tổ chức hoặc cá nhân, Washington Post dẫn các phúc trình cho biết.
Các hạn chế đạt đỉnh điểm vào năm 2020 với 3.044 lượt xóa trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam năm 2021, sau đó giảm xuống trong năm 2021. Dữ liệu chưa được công bố trong 11 tháng qua, nhưng Bộ Thông tin Việt Nam cho biết từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 năm nay, chính phủ coi hơn 400 bài đăng trên Facebook là lừa đảo hoặc "chống phá nhà nước". Meta đã loại bỏ 91 phần trăm trong số đó, Washington dẫn thông tin từ Bộ này cho biết.
Meta nói vào năm 2021 rằng họ kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam để tránh bị chặn hoàn toàn trong nước. Ông Frankel, giám đốc chính sách công, nói công ty "tự hào rằng nền tảng của chúng tôi đã giúp hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ Việt Nam phát triển và thịnh vượng", vẫn theo Washington Post.
Bà Trần Phương Thảo, vợ ông Đặng Đình Bách, một luật sư môi trường Việt Nam đang thụ án 5 năm tù về tội trốn thuế, nhớ lại trước khi bị kiểm duyệt chặt chẽ ở Việt Nam, Facebook là một trong những không gian duy nhất cho tự do ngôn luận. Bà Thảo, 29 tuổi, nói khi nền tảng này trở nên hạn chế hơn, "không ai có thể lên tiếng ủng hộ ông Bách".
"Tôi chỉ có một mình", bà nói với Washington Post.
Mười ba nhà hoạt động độc lập ở Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post rằng Meta đã tăng cường kiểm duyệt kể từ năm 2017. Họ kể những câu chuyện tương tự về việc bị buộc tội bất công vì vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook và các bài đăng của họ bị gỡ xuống hoặc tài khoản của họ bị đóng băng mà không có lời giải thích nào.
Washington Post dẫn lời các nhà hoạt động cho biết từ năm 2018 đến năm 2021, một số nhân viên trong bộ phận nhân quyền và chính sách công của Facebook còn hồi đáp những lời kêu cứu từ người dùng ở Việt Nam nhưng nhiều đường dây trong số đó đã không còn hoạt động.
Ông Dân, 34 tuổi, một nhà hoạt động bắt đầu sử dụng Facebook ở độ tuổi 20, nói với Washington Post rằng : "Facebook và chính phủ của chúng tôi đã bắt tay". Trong số các đồng nghiệp của ông, nhiều người hiện đang ngồi sau song sắt hoặc đang lẩn trốn. Mười năm kéo dài từ 2008 đến 2018 được coi là thập niên lên tiếng, ông nói.
Những năm sau đó mang một cái tên khác : thập niên im lặng.
Đối mặt với một chế độ quyết đoán hơn
Trên khắp thế giới, các chính phủ có thể yêu cầu Meta gỡ bỏ đối với nội dung mà họ cho là bất hợp pháp. Mỗi yêu cầu được đánh giá bằng cách sử dụng các nguyên tắc cụ thể của quốc gia và tại Việt Nam, những yêu cầu này bao gồm danh sách các quan chức cấp cao nhất của đảng, cựu nhân viên của công ty nói với Washington Post. Những cá nhân này, những người đã rời công ty từ năm 2018 đến năm 2023, cho tờ báo biết họ chia sẻ thông tin chi tiết về hoạt động nội bộ tại Meta vì lo ngại về những nhượng bộ của công ty đối với chính quyền Việt Nam và khả năng của Meta kháng cự áp lực thêm từ chính phủ sau những đợt sa thải gần đây.
Các bài đăng chỉ trích bất kỳ ai trong danh sách này thường bị xóa, các cựu nhân viên cho Washington Post biết, mặc dù một số trường hợp được chuyển đến các nhóm pháp lý và nhân quyền để đánh giá. Một cựu nhân viên nói những người đưa ra quyết định nhận ra cái giá của quyền tự do ngôn luận và "không ai xem nhẹ điều này".
Các nhà hoạt động xác nhận với tờ Washington Post rằng họ thường thấy các bài đăng chỉ trích các quan chức cấp cao bị gỡ xuống.
Vào năm 2020, các giám đốc điều hành của Meta nói với Los Angeles Times rằng họ đẩy lùi các yêu cầu gỡ bỏ nội dung khi các nhà chức trách đi quá xa. Nhưng trong ba năm qua, các nhà phê bình nói, sự phản kháng của công ty đã yếu đi khi chính phủ ngày càng đàn áp hơn, vẫn theo tường thuật của Washington Post.
Được khuyến khích bởi một phe bảo thủ trong đảng đã loại bỏ những người theo chủ nghĩa cải cách, bộ máy an ninh của Việt Nam hiện nắm giữ nhiều quyền lực hơn so với những gì họ có trong một thập niên, các học giả cho biết. Ban đầu bị cản trở bởi sự phát triển bùng nổ của internet, chế độ này đã khẳng định quyền kiểm soát lĩnh vực kỹ thuật số, ban hành một loạt luật để kiểm soát nội dung trên mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến, vẫn theo Washington Post. Các nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch tại Đại học Oxford và các nơi khác đã tìm thấy bằng chứng tại Việt Nam về một đội quân mạng gồm 10.000 người được giao nhiệm vụ kiềm chế những lời chỉ trích trực tuyến.
Tháng 9 năm ngoái, nhà chức trách đã thông qua một đạo luật do Bộ Công an soạn thảo đưa ra các yêu cầu bao gồm việc các công ty công nghệ phải thành lập các thực thể địa phương và lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ địa phương.
Theo các cựu nhân viên được Washington Post trích dẫn, mối đe dọa của việc bản địa hóa đã gây ra sự hoảng loạn tại Meta về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Nhưng ông Vũ Tú Thành, đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, cho biết ý định của luật đơn giản hơn nhiều : gây áp lực buộc các công ty phải thắt chặt kiểm duyệt.
Trong các cuộc họp riêng, chính phủ đã nói với Meta rằng họ sẽ chỉ buộc phải bản địa hóa dữ liệu nếu vi phạm luật về nội dung, các cựu nhân viên và các chuyên gia tư vấn công nghệ nói với Washington Post. Đáp lại, Meta đã nỗ lực đổi mới để tăng cường kiểm soát nội dung.
Meta nói họ không lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam nhưng từ chối cho biết liệu họ có kế hoạch làm như vậy trong tương lai hay không.
Ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu chú trọng vào Việt Nam tại Viện ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở tại Singapore, được Washington Post dẫn lời rằng bất chấp kêu gọi của các tổ chức nhân quyền, phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với cuộc đàn áp quyền tự do ngôn luận của Việt Nam đã bị hạn chế. Washington thỉnh thoảng đưa ra các tuyên bố nhưng không gây áp lực rõ ràng về ngoại giao hay tài chính, ông Giang nói, thay vào đó đặt ưu tiên cao hơn cho việc cải thiện quan hệ với Việt Nam như một phần trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Ông Cameron Thomas-Shah, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói các quan chức Hoa Kỳ đã "trực tiếp, công khai và thẳng thắn" bày tỏ quan ngại về nhân quyền với Việt Nam, theo bài tường thuật trên Washington Post.
Đại sứ Liên hiệp Châu Âu Giorgio Alberti thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ Việt Nam đã không tuân thủ đầy đủ những lời hứa với EU để cải thiện nhân quyền. Nhưng ông nói thêm, sẽ là "thiển cận" nếu chỉ tập trung vào điều đó, xét đến tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam, Washington Post trích lời ông Alberti.
Công ty im lặng
Năm 2018, sau khi viết một bài quan điểm trên tờ Washington Post về việc Facebook bị tràn ngập bởi "các tổ chức quấy rối và các đội quân trên mạng" ở Việt Nam, nhà hoạt động nhân quyền Mai Khôi, 39 tuổi, đã được mời gặp đại diện công ty ở Menlo Park, California. Bà cho biết đã trình bày các ví dụ về các mạng ủng hộ chính phủ lạm dụng nền tảng của Facebook để nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến và kêu gọi công ty làm nhiều hơn để bảo vệ người dùng, theo tường thuật của Washington Post.
Sau cuộc gặp đó, bà Mai Khôi vẫn giữ liên lạc với bộ phận nhân quyền của Meta, đồng thời thông báo cho bộ phận này khi tài khoản của các nhà hoạt động mà bà biết bị đóng băng một cách sai trái. Nhưng phản hồi từ công ty chậm lại, sau đó dừng lại hoàn toàn khiến bà thôi không cố gắng nữa, Washington Post dẫn lời bà Mai Khôi cho biết.
Meta không hồi đáp yêu cầu bình luận của Washington Post về câu chuyện của bà Mai Khôi hoặc khiếu nại của bà với công ty.
Với doanh thu giảm, Meta đã sa thải hàng chục nghìn công nhân trên toàn thế giới và để cho các sáng kiến hết hiệu lực, những hành động mà các chuyên gia cảnh báo có thể ảnh hưởng đến khả năng giải quyết các vấn đề như thông tin sai lệch và các thách thức về quy định.
Ở Châu Á, một nhóm làm việc với các nhóm xã hội dân sự để đảm bảo các cuộc bầu cử gần đây đã bị sa thải cùng với ít nhất hơn chục nhân viên nghiên cứu các quy định, định hình chính sách công và theo dõi sự lạm dụng của chính phủ đối với các nền tảng của Meta trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả ở Việt Nam, cựu nhân viên cho Washington Post biết. Một số nhân viên từng giúp giải quyết các khiếu nại từ người dùng và từ các tổ chức ở Việt Nam về vấn đề kiểm duyệt đã bị sa thải, vẫn theo tường thuật của Washington Post.
Công ty cho biết họ vẫn có các nhóm làm việc về những vấn đề này ở Châu Á. Nhưng tại Việt Nam, một số người đầu tiên sử dụng nền tảng này nói rằng mọi việc đã đi quá xa.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, 51 tuổi, từng dựa vào Facebook để tổ chức các sự kiện và tuyển thành viên cho tổ chức phi lợi nhuận của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh đấu tranh về vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng sau khi tổ chức CHANGE của bà bị đưa vào danh sách đen của chính phủ, bà Hồng nói, phạm vi tiếp cận của tổ chức trên Facebook đã giảm từ hàng nghìn người dùng xuống còn một số ít và bà bị cấm mua quảng cáo trên nền tảng này để quảng bá cho các sự kiện của mình, theo tường thuật của Washington Post. Năm ngoái, bà đã đóng cửa tổ chức.
"Thật đau đớn vì chúng tôi đang xây dựng một phong trào", bà Hồng nói vào tháng Tư năm nay, vài tuần trước khi bà bị bắt vì tội trốn thuế – cùng những cáo buộc đã được đưa ra chống lại luật sư Bách.
"Tôi ước mong chúng tôi có thể tiếp tục", bà Hồng nói, "Tôi ước gì Facebook giúp chúng tôi tiếp tục".
Rebecca Tan,
Nguyên tác : "Facebook helped bring free speech to Vietnam. Now it’s helping stifle it", The Washington
*************************
Tại sao Facebook "xoay chiều", kìm hãm tự do ngôn luận tại Việt Nam ?
RFA, 21/06/2023
Cách đây chừng một thập niên, Facebook từng góp phần giúp đem lại tự do ngôn luận cho nhiều người dân tại Việt Nam… thì nay Facebook lại đang giúp Chính phủ Hà Nội bóp nghẹt nó. Washington Post hôm 19/6/2023 có bài viết nhận định như trên, dẫn lời của hai người từng làm việc với Facebook trong thời kỳ đầu tại Châu Á.
AFP Photo
Facebook "bắt tay" với Việt Nam
Theo hai cựu nhân viên Facebook chia sẻ trên Washington Post, khi Facebook bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, nó giống như một ‘cuộc cách mạng’, lần đầu tiên, mọi người ở đất nước này có thể trao đổi trực tiếp về các vấn đề thời sự. Người dùng đã đăng bài về sự lạm dụng của cảnh sát và sự lãng phí của chính phủ, chọc thủng lỗ hổng trong tuyên truyền của Đảng cộng sản cầm quyền…
Nhưng khi mức độ phổ biến của Facebook bùng nổ ở Việt Nam, nhanh chóng đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ bảy trên toàn thế giới của công ty, chính phủ Việt Nam lại ngày càng yêu cầu nhiều hạn chế hơn.
Việc "cấm cản" càng siết chặt kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu tháng 1 năm 2019 đến nay, dẫn đến tình trạng có nhiều tài khoản mạng xã hội trên Facebook bị khóa và bị mất.
Một số người rơi vào hoàn cảnh "bị khóa" Facebook từng chia sẻ với RFA rằng, Facebook đã không giúp đỡ họ, ngay cả khi họ thông báo với về tình trạng trên.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hôm 21/6 xác nhận với RFA Facebook đã không tôn trọng tuyệt đối người dùng ở Việt Nam. Ông nói tiếp :
"Trong thực tế, nhà nước Việt Nam không phải là nhà nước dân chủ, họ yêu cầu Facebook làm những việc trái với nguyên tắc tự do ngôn luận. Cho nên Facebook phải thực hiện những yêu cầu của nhà nước Việt Nam, một số người dùng Việt Nam rất hay bị mất Facebook, bị cấm, bị ngăn chặn, hạn chế trong một thời gian ngắn, dài tùy trường hợp và có khi bị khóa tài khoản rất lâu, thậm chí khóa vĩnh viễn… Facebook nói họ vi phạm tiêu chuẩn này kia nên bị như thế, có một số do đăng những vụ việc ảnh hưởng đến nhà nước Việt Nam".
Cũng theo bài viết ngày 19/6, Washington Post dẫn nguồn từ bốn người từng làm việc cho Hãng Meta, công ty mẹ của Facebook, các nhóm nhân quyền, giới quan sát và những nhà vận động hành lang cho biết Facebook phải nhượng bộ nhiều lần trước yêu cầu của chính phủ toàn trị Hà Nội. Facebook thường xuyên kiểm duyệt giới bất đồng, và buộc loại trừ những người dùng bị chính phủ xem là mối đe dọa cho chế độ ra khỏi nền tảng mạng xã hội này.
Hãng Meta thông qua một danh sách nội bộ những quan chức đảng cộng sản không được chỉ trích trên Facebook. Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ Meta và chưa hề được báo cáo trước đây. Danh sách còn có những hướng dẫn trong việc kiểm soát nội dung trên mạng Facebook ; và những hướng dẫn này phần lớn do các giới chức Việt Nam soạn thảo.
Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho biết, việc Facebook gỡ bài, mặc dù nội dung không vi phạm quy định cộng đồng, là chuyện xảy ra thường xuyên, trong đó có chính bài viết của ông :
"Việc mà Facebook gỡ bài thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. Tôi có rất nhiều người bạn và bản thân tôi cũng thế, cũng bị gỡ bài một cách oan uổng. Facebook cũng áp dụng biện pháp là ẩn, xóa bài và treo bút, ví dụ 3 ngày, 1 tuần, hay là 1 tháng…v.v. Bản thân tôi cũng đã bị một lần".
Đòn bẩy kinh tế để "đôi bên cùng có lợi" ?
Vào tháng 5 năm 2020, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, có hai bài của ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do bị Facebook giới hạn truy cập tại Việt Nam. Cụ thể là bài, ‘Thủ tướng Việt Nam kêu gọi người Việt nước ngoài chung tay chống dịch COVID-19’ được đăng vào ngày 21/4 và bài ‘Yêu cầu nhân sự Trung ương khóa XIII của ông Trọng : "Sự chỉ đạo cũ rích !"’ đăng ngày 27/4.
Phía Facebook đưa ra lý do cho việc giới hạn này qua tin nhắn chung : "Vì những hạn chế pháp lý của địa phương, chúng tôi giới hạn quyền truy cập vào bài đăng của quý vị tại Việt Nam". Nhà báo Võ Văn Tạo trả lời RFA khi đó cho rằng việc cơ quan truyền thông như Đài Á Châu Tự Do bị Facebook giới hạn nội dung tại Việt Nam đã đi ngược lại với tiêu chí khách quan, công bằng mà tập đoàn này đề ra trong quá trình thành lập thương hiệu của mình. Ông Tạo cho rằng, việc Facebook nhân nhượng với chính quyền Việt Nam, tập đoàn này đã thiên về phía lợi nhuận khi họ đặt điều này lên bàn cân với quyền tự do ngôn luận.
Khi được hỏi nhận định của mình về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 21/6 khẳng định, Facebook đã trở thành một kênh truyền thông phổ biến của nhiều người Việt. Từ mạng xã hội này, người Việt dùng để kết nối lẫn nhau, và thực hiện các hoạt động từ chia sẻ thông tin, quan điểm, vận động cộng đồng, cho đến thương mại. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, dựa vào Facebook để quảng cáo và thực hiện các giao dịch thương mại. Sự gia tăng lượng người dùng cũng như là sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam đã giúp đóng góp một doanh thu đáng kể cho Facebook. Theo Ông Vũ, Việt Nam giờ đã trở thành một trong những thị trường lớn của Facebook.
Tiến sĩ Vũ cho rằng, khi Việt Nam đóng góp một lượng đáng kể doanh thu cho Facebook thì đến lượt nó-giới cầm quyền của Việt Nam, có một đòn bẩy để áp lực Facebook thực hiện những yêu cầu của họ. Chẳng hạn như gỡ bỏ những bài mà giới cầm quyền không thích hoặc cho rằng nó ảnh hưởng đến chế độ chính trị xã hội. Ông Vũ nhận định tiếp :
"Tuy vậy, Facebook cũng đối mặt với một vấn đề riêng của chính họ. Nếu mà Facebook gỡ quá nhiều bài thể hiện quan điểm của người dùng chỉ để thoả mãn yêu cầu của nhà cầm quyền thì lúc đó mạng xã hội Facebook sẽ trở nên buồn chán vì người dùng không còn tin tức gì hấp dẫn để đọc, dần dần người ta sẽ thấy đây là nơi toàn những thông tin tuyên truyền, chứ không phải là một không gian tự do để bày tỏ quan điểm. Khi người dân cảm nhận như vậy thì họ sẽ dần dần bỏ Facebook mà chuyển sang một mạng xã hội khác và Facebook sẽ chết. Do đó Facebook đã đi dây trong chính sách của họ. Họ cố gắng gỡ một số thông tin dưới áp lực của nhà cầm quyền, nhưng mặc khác vẫn cố gắng tạo một sân chơi tương đối tự do cho các quan điểm được trình bày".
Trong trường hợp nếu chính quyền Việt Nam đe doạ đòi cấm Facebook, không cho hoạt động ở Việt Nam nữa thì theo Tiến sĩ Vũ, không những là Facebook thiệt phần doanh thu mà chính quyền Việt Nam cũng sẽ gặp những rắc rối lớn không kém. Ông Vũ phân tích thêm :
"Thứ nhất, các doanh nghiệp nhỏ mất đi một kênh quảng cáo và bán hàng. Khi mà mạch máu giao thương bị chặn lại, kinh tế sẽ nhanh chóng suy giảm.
Thứ hai, trong suốt một thời gian dài, nhiều người Việt Nam đã quen thuộc với Facebook như một không gian bày tỏ quan điểm tương đối tự do. Dẹp bỏ Facebook, cũng tương tự như việc chặn lại những phát ngôn của một đa số người dân, điều này có thể dẫn đến một sự phản đối và cuối cùng có thể dẫn đến chống đối chế độ.
Và cuối cùng, Facebook còn là một kênh để nhà cầm quyền theo dõi những động tĩnh và quan điểm của xã hội để kịp thời điều chỉnh và tương tác. Việc thiếu nắm bắt quan điểm của xã hội có thể khiến nhà cầm quyền lúng túng khi phải đối phó với những phản ứng đột ngột của người dân và điều này là một mối nguy của chế độ".
Do đó ông Vũ cho rằng, những nhà hoạt động xã hội cần thuyết phục với Facebook rằng sự cởi mở về thông tin là có lợi cho cả Facebook và cả xã hội Việt Nam. Việc cấm Facebook hoạt động ở Việt Nam nó có thể làm giảm doanh thu của Facebook nhưng ngược lại nó có hại nhiều hơn cho chính đảng cầm quyền. Và vì vậy theo ông Vũ, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không muốn cấm Facebook hoạt động ở Việt Nam dù bề ngoài họ luôn dùng luận điệu đó như đòn bẩy để ép buộc Facebook thực hiện những yêu cầu kiểm duyệt của họ.
Theo số liệu mới nhất do Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore) công bố hôm 12/6/2023, Việt Nam với 66,2 triệu người dùng cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới.
Washington Post trong bài viết hôm 19/6 cho hay Hãng Meta chưa trả lời trực tiếp những câu hỏi của báo này nêu ra về biện pháp kiểm duyệt, việc bịt miệng người dùng hay danh sách các quan chức cộng sản Việt Nam không được bình luận trên Facebook.
RFA hôm 20/6/2023 cũng đã liên lạc Facebook qua email để yêu cầu bình luận về việc này, nhưng chưa nhận được phản hồi. Chúng tôi sẽ cập nhật khi có thông tin.
Nguồn : RFA, 21/06/2023