Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2023

Sau một thập niên, Tập lại bất ngờ đề xuất chia đôi thế giới với Mỹ

Katsuji Nakazawa

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trái Đất đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc

Một trong những cụm từ chính mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh là, "Hành tinh Trái Đất đủ lớn để đáp ứng sự phát triển và thịnh vượng chung của cả Trung Quốc và Mỹ".

tcb0

Trong đề xuất mới nhất của mình, Tập Cận Bình nhìn thấy Trung Quốc và Hoa Kỳ đang phát triển và thịnh vượng bằng cách chia sẻ hành tinh, không chỉ Thái Bình Dương. (Ảnh nguồn Reuters)

Đối với các nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung trong những năm qua, phát biểu này đã gợi nhắc về quá khứ. Tập từng đưa ra nhận xét tương tự cách đây 10 năm, trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên với tư cách nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Tháng 6/2013, ông đã gặp Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California, và đề xuất "một quan hệ cường quốc kiểu mới" giữa hai nước.

Giải thích về khái niệm này, Tập nói với Obama, "Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho cả hai nước lớn".

Ý tưởng của Tập là muốn Mỹ chấp nhận sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu và thậm chí chia đôi lợi ích.

Điều đó tương đương với việc đề xuất một Nhóm Hai nước, hay G2 – một khái niệm đang được thảo luận rộng rãi ở thời điểm đó.

tcb2

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo trong khuôn viên The Annenberg Retreat tại Sunnylands ở Rancho Mirage, California vào ngày 8/6/2013. Tập phát biểu rằng Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho cả hai nước. © Reuters

Sau một thời gian cân nhắc đề xuất của Tập Cận Bình, chính quyền Obama đã quyết định nói không. Đối với người Mỹ, phân chia đại dương đồng nghĩa với một nỗ lực thay đổi hiện trạng và thách thức Mỹ.

Tổng thống Mỹ hiện tại Joe Biden, khi đó là phó tổng thống của Obama, đã trực tiếp chứng kiến các diễn biến.

Khi nhìn lại, việc Obama từ chối đề xuất G2 là khởi đầu cho căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, vốn vẫn tiếp diễn cho đến nay. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh của mình, thực hiện các động thái hung hăng chưa từng có ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Và Mỹ không thể chấp nhận mọi chuyện như một điều bình thường mới.

Câu nói của Tập với Blinken là sự lặp lại của nhận xét quan trọng, đã từng được sử dụng này. Giờ đây, thuật ngữ "Thái Bình Dương rộng lớn" đã được thay thế bằng "Hành tinh Trái Đất", báo hiệu rằng phạm vi hiện tại đã lớn hơn đôi chút so với 10 năm trước.

Chưa bàn đến tính tốt xấu, thì tư duy cơ bản của Tập Cận Bình vẫn không hề thay đổi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, xét đến việc đội ngũ cố vấn đối ngoại và an ninh của ông đều là những người đã làm việc từ một thập niên trước.

tcb3

Antony Blinken đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu mà Tập Cận Bình thường dành cho các nguyên thủ quốc gia. © AP

Một điểm khác biệt giữa đề xuất đầu tiên và đề xuất hiện tại là lần này Tập đã lưu ý rằng Trung Quốc và Mỹ có thể phát triển và đạt "thịnh vượng chung".

Câu nói này nghe giống như lời đáp của Tập đối với phân tách Mỹ-Trung. Ông nhìn thấy một thế giới trong đó Trung Quốc và Mỹ có thể chia sẻ lợi ích và cùng tồn tại.

Để nhấn mạnh bản chất ôn hoà trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tập nói với Blinken rằng Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ và "không tìm cách thách thức hoặc thay thế" Mỹ

Nhưng ông lại thêm rằng, "Theo đó, Mỹ cũng cần tôn trọng Trung Quốc và không được làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc".

Nếu quan ngại duy nhất giữa hai cường quốc là không xâm phạm lợi ích của nhau, thì nó cũng tương đương với việc chia đôi thế giới – khái niệm mà chính Obama đã bác bỏ.

Để tránh vô tình xảy ra đụng độ, thì việc hạ nhiệt cạnh tranh Mỹ-Trung là điều quan trọng, nhưng nếu mục tiêu cuối cùng của Tập là G2, thì về cơ bản, sẽ rất khó cải thiện quan hệ Mỹ-Trung.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin cực kỳ chi tiết về chuyến thăm Bắc Kinh của Blinken. Các bản tin này khiến ta liên tưởng đến chuyến thăm của một tổng thống Mỹ. Kể từ khi Blinken đến Bắc Kinh vào Chủ nhật (18/06/2023), các mạng xã hội trực thuộc chính phủ Trung Quốc đã đưa tin về mọi động thái của ông.

Sau cuộc gặp kéo dài với Tần Cương, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc, Blinken bước ra khỏi cổng Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh vào lúc đêm muộn. Ngay cả cảnh quay chiếc xe của Blinken rời khỏi toà nhà cũng được phát sóng trực tiếp.

tcb4

Sắp xếp chỗ ngồi để hạ nhục đối thủ ? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 19/6. © Reuters

Sự chú ý quá mức này có vẻ kỳ lạ, nếu xét đến các luận điểm hiếu chiến – gọi là chính sách ngoại giao "chiến lang" – thường được chĩa vào Mỹ

Nhưng Trung Quốc đang tìm kiếm một chiến thắng ngoại giao. Ấn tượng mà Bắc Kinh muốn để lại trong lòng công chúng là việc nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cuối cùng đã đến thăm Bắc Kinh, quỳ gối và cúi đầu, trước khi được phép tiếp kiến Tập.

Trong cuộc họp của họ, Tập ngồi ở một đầu của chiếc bàn hội nghị dài, còn Blinken và những người khác ngồi ở hai bên, ngước nhìn ông, như thể một chủ tịch công ty đang nghe báo cáo từ cấp dưới.

Tuy nhiên, một chuyên gia về kinh tế và ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng tình trạng thực sự của Trung Quốc đã được hé lộ trong một cuộc gặp riêng khác của Tập.

Hôm thứ Sáu (16/06/2023), Chủ tịch Trung Quốc đã gặp Bill Gates và nói với người đồng sáng lập Microsoft rằng "Ông là người bạn Mỹ đầu tiên tôi gặp ở Bắc Kinh trong năm nay".

tcb5

Bill Gates là "người bạn Mỹ đầu tiên" mà Tập Cận Bình gặp ở Bắc Kinh trong năm nay, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. © Tân Hoa Xã/AP

Gates là một nhân vật nặng ký trong giới kinh doanh Mỹ và cũng quen thuộc với nền kinh tế Trung Quốc. Điều đáng chú ý là người gặp Gates lại là nhà lãnh đạo hàng đầu Tập Cận Bình, chứ không phải Thủ tướng Lý Cường, người phụ trách nền kinh tế.

Cuộc gặp đã diễn ra tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, nơi Trung Quốc dành để chiêu đãi các vị khách cấp nhà nước.

Hơn nữa, các quan chức ngồi cùng Tập trong cuộc gặp với Gates là Ngoại trưởng Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị.

Đây không phải là lần đầu tiên Tập ngồi lại với Gates. Cả hai từng gặp nhau trong một hội nghị thường niên của Diễn đàn Châu Á Bát Ngao ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vào tháng 4/2013, ngay sau khi Tập trở thành chủ tịch nước.

Trong chuyến công du Mỹ năm 2015, Tập thậm chí đã đến thăm tư gia của Gates. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng từng đến thăm ngôi nhà sang trọng này trong chuyến đi Mỹ năm 2006.

Nhưng kể từ năm 2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, chứ không phải Tập, mới là người luôn gặp Gates mỗi khi ông trùm kinh doanh Mỹ đến thăm Bắc Kinh.

tcb6

Elon Musk và Tần Cương, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc, bắt tay nhau. (Ảnh chụp màn hình từ tài khoản Weibo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Cuộc họp Tập-Gates tuần trước có liên quan đến nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã trở thành vấn đề lớn. Số liệu chính thức ghi nhận hơn 20%. Tình hình bây giờ còn nghiêm trọng hơn so với trước tháng 12, khi Trung Quốc huỷ bỏ chính sách zero-COVID hà khắc, vốn đã làm suy yếu nền kinh tế.

Nếu môi trường kinh tế xung quanh Trung Quốc ngày càng xấu đi do quan hệ căng thẳng với Mỹ, thì an ninh của Trung Quốc – theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, tức gồm "an ninh quốc gia" và "an ninh chế độ" – có thể bị ảnh hưởng.

Chế độ cộng sản cực kỳ coi trọng an ninh quốc gia và an ninh chế độ.

Dù là người phụ trách ngoại giao, Tần Cương mới đây cũng đã gặp một vị khách khác đến từ giới kinh doanh Mỹ – Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, vào ngày 30/5. Không lâu trước đây, một cuộc gặp kiểu này sẽ hoàn toàn nằm ngoài nhiệm vụ của Tần.

Nhưng các cuộc gặp gần đây cho thấy Gates và Musk là những nhân tố quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc.

Trong khi đó, hôm Chủ nhật, Thủ tướng Lý Cường đã lên đường tới Đức và Pháp để duy trì quan hệ của Trung Quốc với hai thành viên chính của Liên minh Châu Âu.

tcb7

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Đức vào ngày 19/6. © Reuters

Trong thời gian Lý vắng mặt, Tập đã đích thân thay thế ông, để giám sát mối quan hệ quan trọng nhất của Trung Quốc, quan hệ với Mỹ.

Đứng trước Blinken, Tập đã truyền đạt quan điểm của mình về thế giới và Mỹ. Những quan điểm này đã không thay đổi đáng kể trong thập niên vừa qua. Đây là lý do tại sao đề xuất chia đôi Thái Bình Dương năm 2013 của ông đã quay trở lại.

Trung Quốc đã bắt đầu khám phá khả năng hiện thực hóa cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tập và Biden, trước thềm hai hội nghị quốc tế lớn sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Hai nhà lãnh đạo đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên tại Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.

Một trong hai hội nghị đó là thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, vào tháng 9 này. Hội nghị còn lại là thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC tại California, Mỹ, vào tháng 11.

Nhưng trước khi Tập và Biden có thể thảo luận về việc chia đôi thế giới, thì "Hành tinh Trái Đất", vốn dĩ luôn là một chiến trường chính trị, sẽ còn tạo ra nhiều biến động.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "After a decade, Xi floats ‘G2’ world with U.S. again", Nikkei Asia, 22/06/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/06/2023

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Katsuji Nakazawa
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)