Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/06/2023

Tập đoàn Wagner và cuộc binh biến 24/06/2023

The Economist,

Nhìn lại toàn cảnh cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner

The Economist, Phan Nguyên, Nghiên cứu quốc tế, 26/06/2023

Vladimir Putin dường như đã sống sót qua mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ của ông. Nhưng trong bao lâu nữa ?

wagner1

Mối đe dọa từ cuộc binh biến chống lại Vladimir Putin đã biến mất vào ngày 24 tháng 6 một cách đột ngột và kịch tính như khi nó nổ ra. Vào buổi sáng, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đã đưa các đội hình xe bọc thép của mình tham gia cuộc hành quân 1.000 km tiến về Moskva, tuyên bố đã áp sát trong vòng 200 km và gây ra báo động ở Điện Kremlin. Nhưng đến tối, ông ra lệnh cho các cựu chiến binh thiện chiến của mình quay trở lại, nói rằng ông không muốn làm đổ máu người Nga. Các báo cáo trên mạng xã hội cho thấy các chiến binh của ông đang bắt đầu rút lui. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết ông Prigozhin sẽ tới Belarus.

Chính xác những gì ông Prigozhin hy vọng đạt được thông qua cuộc nổi dậy của mình, và những gì ông ấy thực sự có thể đã đạt được, vẫn chưa rõ ràng. Một cách diễn giải là Prigozhin đã cúi đầu trước sức mạnh của nhà nước Nga và may mắn sống sót. Mặt khác, nếu xét sự dễ dàng bất ngờ trong việc ông ta hành quân tiến về Moskva, ông ta có thể đã đạt được một số thỏa thuận chưa được công bố rõ ràng, chẳng hạn như về giới lãnh đạo quân sự. Dù theo cách nào, Putin đã cho thấy ông không còn có thể duy trì được trật tự giữa các lãnh chúa của mình. Ông đã bị suy yếu rất nhiều bởi thách thức này—và trong thế giới của ông, sự yếu đuối có xu hướng dẫn đến bất ổn hơn nữa.

Cáo buộc quân đội chính quy tấn công lực lượng của mình, Wagner đã nổi dậy một ngày trước đó, vào ngày 23 tháng Sáu. Với rất ít hoặc không hề có đổ máu, họ đã giành quyền kiểm soát trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov – một trung tâm chỉ huy và hậu cần cho cuộc chiến ở Ukraine – và nhanh chóng lên đường hành quân về Moskva. Video trên mạng xã hội sau đó cho thấy giao tranh lẻ tẻ với quân đội chính quy ở vùng Voronezh, cách đó khoảng 600 km về phía bắc. Các báo cáo chưa được xác nhận cho rằng Wagner đã bắn hạ một số máy bay quân sự của Nga. Gạt phăng những chiếc xe tải đặt trên đường để cản đường họ, các đơn vị của Wagner được cho là đã di chuyển đến vùng Lipetsk, nơi các video cho thấy máy xúc đang đào đường để làm chậm đà tiến đoàn xe của Wagner.

Trong một bài phát biểu được sắp xếp vội vàng trước toàn quốc, vị tổng thống đang trong cơn bối rối đã cáo buộc Wagner "đâm dao sau lưng" quân đội đang chiến đấu ở Ukraine và thề sẽ có một phản ứng "mạnh mẽ". Prigozhin vặn lại rằng binh sĩ của ông là "những người yêu nước" chiến đấu vì tương lai của nước Nga. Tại Moskva, Quảng trường Đỏ đã bị đóng cửa khi thị trưởng Sergei Sobyanin tuyên bố "các chiến dịch chống khủng bố". Điện Kremlin bác bỏ suy đoán rằng ông Putin đã rời Moskva, sau khi dữ liệu theo dõi máy bay cho thấy máy bay của tổng thống đã bay về phía bắc trước khi tắt bộ phát đáp và không còn có thể theo dõi được nữa.

Sự xáo trộn trong hàng ngũ của Nga đã khiến Ukraine vui mừng. Liệu các lực lượng của họ có thể khai thác nó về mặt quân sự hay không vẫn còn chưa rõ ràng. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, nói rằng "những người chọn con đường xấu xa sẽ tự hủy hoại chính mình". Cuộc phản công của Ukraine, được phát động vào đầu tháng này, chỉ đạt được tiến bộ chậm chạp. Nga tuyên bố quân đội Ukraine đang "lợi dụng sự khiêu khích của Prigozhin" bằng cách tập trung vào cuộc tấn công gần Bakhmut, nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh đẫm máu có sự tham gia của Wagner. Các chỉ huy Ukraine cho biết họ vẫn chưa triển khai phần lớn lực lượng của mình và vẫn đang thăm dò các điểm yếu của Nga. Tuy nhiên, có vẻ như họ đã gây đủ áp lực lên Nga để gieo rắc sự hỗn loạn giữa các chỉ huy quân sự của nước này.

Mâu thuẫn giữa ông Prigozhin và bộ chỉ huy quân sự Nga đã rõ ràng trong nhiều tháng. Prigozhin đã phát triển một sự sùng bái cá nhân đối với bản thân, đặc biệt là trong số những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc. Lực lượng của ông, ban đầu được sử dụng cho các chiến dịch quân sự ở Châu Phi, Syria và các nơi khác, đã đảm nhận một vai trò nổi bật ở Ukraine khi cuộc xâm lược của Putin bị đình trệ. Cùng với những cựu tù nhân được hứa hẹn sẽ được ân xá trong tương lai, những tân binh của Wagner thường tỏ ra là những chiến binh giỏi hơn các đơn vị chính quy của Nga. Trong các đoạn video, Prigozhin cáo buộc những người như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov là bất tài, hèn nhát và cố tình không cung cấp vũ khí và đạn dược cho Wagner (ông thường cẩn thận không chỉ trích trực tiếp tổng thống Putin). Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn rõ rệt sau khi Wagner tuyên bố đã chiếm được Bakhmut hồi tháng Năm. Những người lính đánh thuê rút khỏi mặt trận khi quân đội cố gắng kiểm soát họ.

Tuy nhiên, các video của ông Prigozhin vào ngày 23 tháng 6 rất đáng chú ý ngay cả khi xét đến các tiêu chuẩn thiếu tế nhị của ông. Ông đặt câu hỏi về cơ sở cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông Putin, cách Nga gọi cuộc xâm lược, nói rằng không có mối đe dọa thực sự nào đến từ Ukraine. Thay vào đó, các lãnh đạo Nga đã đưa đất nước vào chiến tranh vì lý do tham nhũng và hư vinh. Ông cũng khẳng định rằng các lực lượng Ukraine đang có bước tiến, trái với tuyên bố của Nga là đã đẩy lùi cuộc phản công ; và rằng nhiều người Nga đã chết hơn con số mà Điện Kremlin thừa nhận.

Cơn thịnh nộ của ông trở nên đáng ngại khi ông tuyên bố rằng hàng nghìn chiến binh Wagner đã bị giết bởi một cuộc tấn công bằng tên lửa không phải do Ukraine tiến hành ở mặt trận, mà là "từ phía sau", bởi các đơn vị quân đội Nga. Thề rằng Wagner sẽ "đáp trả sự ác ôn này", ông tuyên bố một cuộc "hành quân vì công lý" chống lại quân đội Nga, nhưng vẫn cẩn thận nói rằng đó không phải là một "cuộc đảo chính" chống lại ông Putin. Thay vào đó, ông chỉ đích danh ông Shoigu, tuyên bố rằng ông này đã ra lệnh thực hiện cuộc không kích được cho là nhằm vào Wagner và sau đó "bỏ chạy như một con chó đẻ để tránh phải giải thích lý do tại sao ông ta cử trực thăng đến tiêu diệt các chàng trai của chúng ta".

Prigozhin thề sẽ đưa 25.000 chiến binh đến nói chuyện phải quấy với kẻ thù của mình. "Cái ác do giới lãnh đạo quân sự đất nước mang lại phải bị ngăn chặn". Và không nói chính xác mình sẽ làm gì, ông nói thêm : "Tôi yêu cầu không ai chống lại. Chúng tôi sẽ coi tất cả những ai chống cự là mối đe dọa và tiêu diệt họ ngay lập tức". Các nguồn tin quân sự Ukraine ước tính rằng ông Prigozhin có khoảng 30.000 chiến binh dưới quyền, trong đó có lẽ 5.000 người đã tham gia vào cuộc nổi dậy.

FSB, cơ quan an ninh chính của Nga, tuyên bố sẽ truy tố ông Prigozhin "vì kêu gọi nổi dậy vũ trang". Tướng Sergey Surovikin, phó chỉ huy chiến dịch Ukraine của Nga (có thời điểm là người chỉ huy toàn bộ chiến dịch), ngồi với khẩu súng trường tấn công trên đầu gối khi cầu xin các đơn vị Wagner : "Tôi yêu cầu các bạn dừng lại. Kẻ thù đang mong đợi tình hình chính trị ở đất nước chúng ta trở nên tồi tệ hơn".

Nhưng không có kết quả. Sau khi nắm quyền kiểm soát trụ sở quân sự ở Rostov vào ngày 24 tháng 6, Prigozhin đã xuất hiện trên video mắng các tướng lĩnh Nga là "những tên hề". Ông tuyên bố rằng họ sẽ được phép tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, nhưng yêu cầu các Tướng Shoigu và Gerasimov đến nói chuyện với ông.

Sau vài giờ trì hoãn, Putin đã xuất hiện trên truyền hình. Ông cho biết đã liên lạc với các chỉ huy quân đội và an ninh, đồng thời tố cáo "sự phản bội nhân dân chúng ta" xuất phát từ các "tham vọng và lợi ích cá nhân quá đà".

Ở một đất nước nơi lịch sử được đánh dấu bằng các cuộc nổi dậy và cách mạng vũ trang, ông Putin đã gợi lại bóng ma của cuộc cách mạng Bolshevik và những năm nội chiến sau khi đế quốc Nga rút khỏi Thế chiến I. "Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra lần nữa", ông Putin tuyên bố.

Ông Prigozhin nhanh chóng trả lời : "Tổng thống đã mắc sai lầm sâu sắc khi nói về tội phản quốc. Chúng tôi là những người yêu nước, chúng tôi đã chiến đấu và đang chiến đấu vì tổ quốc. Chúng tôi không muốn đất nước tiếp tục sống trong tham nhũng, dối trá và quan liêu".

Khi các nhà lãnh đạo phương Tây theo dõi tình hình, một số người lo ngại về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân Nga, vốn do tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng kiểm soát. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo phương Tây về "bất kỳ ý định nào nhằm lợi dụng tình hình trong nước của Nga để đạt được các mục tiêu bài Nga của họ".

Đến tối, các sự kiện dường như đang đến hồi gay cấn. Các báo cáo cho rằng các chiến binh Chechnya – cho đến nay vẫn trung thành với ông Putin – đang tiến vào Rostov. Các nhà ga trong và xung quanh thành phố chật ních người cố gắng rời đi. Trong khi đó, bên ngoài Moskva, quân đội vội vã thiết lập các trạm kiểm soát và chất các bao cát bên ngoài thành phố.

Sau đó, tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, một đồng minh của Nga, người có nguy cơ mất quyền lực nếu ông Putin bị lật đổ, tuyên bố ông đã làm trung gian cho một thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng do "việc tiến hành một cuộc thảm sát đẫm máu trên lãnh thổ Nga là không thể chấp nhận được". Wagner đã đồng ý dừng cuộc hành quân của mình và "thực hiện các bước tiếp theo để giảm căng thẳng", ông nói ; Wagner đã được cung cấp một "lựa chọn hoàn toàn có lợi và có thể chấp nhận được", và các chiến binh của họ được đảm bảo an ninh.

Bản thân ông Prigozhin ngay sau đó đã phát đi một đoạn băng ghi âm tuyên bố "hiểu được trách nhiệm nếu làm đổ máu người Nga ở bất cứ bên nào, chúng tôi đang quay đầu các đoàn xe của mình và quay trở về doanh trại dã chiến theo kế hoạch". Kế hoạch đó có thể là gì vẫn còn là một bí ẩn. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, cho biết các cáo buộc hình sự đối với ông Prigozhin sẽ được bãi bỏ và nhà lãnh đạo Wagner sẽ tới Belarus. Không có điều kiện nào được nêu ra. Các chiến binh Wagner không tham gia cuộc nổi dậy sẽ được đưa vào quân đội.

Prigozhin tuyên bố ông không có ý định lật đổ ông Putin mà muốn cải cách ban lãnh đạo quân đội. Liệu ông có thể đòi được Tướng Shoigu hay Gerasimov ra đi như một phần của thỏa thuận rút quân hay không vẫn chưa rõ ràng. Có thể thấy, họ đã không xuất hiện trong suốt cuộc khủng hoảng và việc loại bỏ được một trong hai người sẽ là một thành công đối với Prigozhin. Các câu hỏi khác chưa được trả lời là liệu Wagner có duy trì được bất kỳ sự tự trị nào hay không và liệu Prigozhin có tiếp tục đóng vai trò trong lực lượng đó hay không.

Cho đến nay, Putin đã cho phép Prigozhin một mức độ tự do bất ngờ trong việc chỉ trích chiến dịch của mình ngay cả khi những người gọi nó là một "cuộc chiến tranh" đang bị bỏ tù. Giờ đây, Wagner dường như đã có thể tổ chức một cuộc nổi dậy vũ trang và bị Putin gọi là kẻ phản bội mà không hề phải chịu hậu quả – ít nhất là cho tới lúc này. Giống như một sa hoàng đứng trước những cậu bé ngỗ ngược, ông Putin có thể thích các cấp dưới của mình kèn cựa lẫn nhau hơn là quay lại nhắm với ông sau nhiều thất bại trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng 24 giờ nổi loạn vừa qua chắc chắn không phải là những gì ông tưởng tượng. Lần đầu tiên kể từ khi trở thành người cai trị nước Nga vào năm 2000, Putin dường như đã kề cận việc đánh mất vương miện của mình.

The Economist

Nguyên tác : "The Wagner Group halts its march on Moscow", The Economist, 24/06/2023.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/06/2023

****************************

Vì sao trùm Wagner lại mâu thuẫn với giới lãnh đạo quân sự Nga ?

The Economist, Tạ Hà Chi, Nghiên cứu quốc tế, 24/06/2023

Yevgeny Prigozhin, chỉ huy của một lực lượng lính đánh thuê Nga, đang mất dần tầm ảnh hưởng

wagner2

Rất nhiều thi thể chất đống là bối cảnh khác thường cho một đoạn độc thoại. Vào ngày 5/4, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo của Wagner, một nhóm lính đánh thuê Nga, đã đứng giữa thi thể của hàng chục chiến binh khi ghi lại một lời công kích kịch liệt nhắm vào Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tư lệnh lực lượng vũ trang Valery Gerasimov. Ông tuyên bố rằng bộ đôi lãnh đạo này đã trì hoãn phát đạn dược cho lính đánh thuê của ông tại Bakhmut, một thị trấn ở miền đông Ukraine mà Nga đã cố gắng chiếm giữ từ nhiều tháng nay. Sau đó, ông cũng cảnh báo Wagner sẽ rút lui nếu nguồn tiếp tế không sẵn sàng. Sự bộc phát cơn giận của Prigozhin là một phần của diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài giữa ông và các nhà lãnh đạo quốc phòng Nga. Vì sao họ lại có mâu thuẫn và diễn biến này nói lên điều gì về tình trạng chỉ huy quân sự của nước này ?

Mối bất hòa này phản ánh sự thất bại của điện Kremlin trong việc tạo ra một cấu trúc chỉ huy rõ ràng ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không chỉ định một tổng tư lệnh cho cuộc xâm lược cho đến tháng 4 năm 2022, hơn một tháng sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Tướng Alexander Dvornikov ban đầu được giao trọng trách này. Nhưng vị trí này đã thay đổi 3 lần : đầu tiên là tướng Gennady Zhidko được bổ nhiệm vào tháng 5, sau đó đến tháng 10 là tướng Sergei Surovikin, và cuối cùng là tướng Gerasimov vào tháng 1 năm 2023. Phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho thấy các vị trí quan trọng khác như các vị trí tư lệnh vùng cũng đang bị luân chuyển nhiều.

Tình trạng luân chuyển lòng vòng này đã tạo ra các phe phái. Điều này có thể đúng với mong muốn của điện Kremlin là không cho phép bất kỳ một cá nhân nào có quá nhiều quyền lực, nhưng điều đó lại hầu như không cung cấp nền móng cho chiến lược quân sự hiệu quả. Sự hiện diện trên chiến trường của vài nhóm lính đánh thuê Nga làm cục diện trở nên phức tạp hơn. Wagner là nhóm nổi bật nhất. Prigozhin, một cựu tội phạm bị kết án, là bộ mặt công khai của nhóm và hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với các chỉ huy từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nga (GRU).

Vận may lên xuống thất thường của ông Prigozhin phản ánh diễn biến của cuộc chiến. Khi cuộc xâm lược của Nga bị đình trệ, vận may của ông đã nổi lên. Mùa hè năm 2022, tổn thất ngày càng gia tăng và điện Kremlin cần binh sĩ. Ông Putin dường như đã cho phép ông Progozhin mở rộng lực lượng của mình : các video xuất hiện với cảnh ông chủ Wagner nói với các tù nhân rằng họ có thể được trả tự do nếu đăng ký tham gia chiến đấu.

Cuối mùa hè và mùa thu năm 2022, Ukraine đã thực hiện các cuộc phản công thành công tại hai tỉnh Kharkiv và Kherson. Theo ISW, những thất bại này của Nga đã dẫn đến sự nổi lên của một phe cánh trong nội bộ bộ quốc phòng chỉ trích tướng Gerasimov và các cộng sự. Sự bất đồng này có lợi cho Prigozhin. Ông đã hoan nghênh việc bổ nhiệm vào tháng 10 của tướng Surovikin – người được cho là có thái độ thân thiện với Wagner – để lãnh đạo cuộc chiến tại Ukraine. Sự hợp tác giữa quân đội và Wagner được tăng cường và các chiến binh của Prigozhin đã nhận trách nhiệm tiên phong tại Bakhmut. Ông được cho là đã hứa với điện Kremlin rằng Wagner sẽ đem lại chiến thắng đầu tiên cho Nga sau nhiều tháng.

Tuy nhiên, khi cuộc tấn công kéo dài mà đạt rất ít thành công, vị trí của Prigozhin rõ ràng trở nên mong manh. Vào tháng 1, tướng Gerasimov thay thế tướng Surovikin đứng đầu chiến dịch tại Ukraine, một đòn giáng thấy rõ vào phe chống Gerasimov. Ngay sau đó, Prigozhin đã lên tiếng cáo buộc ông Shoigu và tướng Gerasimov trì hoãn cung cấp tiếp tế cho lực lượng Wagner (Trên thực tế, các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng các tướng lĩnh Nga có lẽ đang cố gắng tiết kiệm đạn dược để chuẩn bị đối phó với một cuộc phản công khác của Ukraine).

Wagner vẫn giữ vai trò quan trọng với Nga. Các quan chức quân đội Ukraine nói rằng các đơn vị của nhóm này là những đơn vị hiệu quả nhất của Nga, đặc biệt là vì họ sẵn sàng hy sinh binh lính của mình. Trong khi đó, Re:Russia, một viện nghiên cứu khác, lưu ý rằng, theo Prigozhin, tướng Surovikin đã bắt đầu đại diện cho các lợi ích của Wagner trong hàng ngũ chỉ huy cấp cao của Nga.

Tuy nhiên, tương lai của ông Prigozhin vẫn chưa rõ ràng. Bởi lẽ, cuộc tấn công mùa đông của Nga rõ ràng là một sự thất vọng, và các nhà phân tích nghi ngờ rằng ông Putin hiện tại đang phân chia trách nhiệm cho các phe phái đối địch trong quân đội. Các tướng lĩnh ủng hộ chiến thuật tàn bạo của Wagner có thể lấy lại ảnh hưởng của mình. Nhưng có thể chính những nhân vật quân đội đó lại đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát đối với Wagner, trái với mong muốn của người sáng lập Prigozhin, người ngày càng trở nên khó đoán. Điều đó có thể là lý do cho những tuyên bố quyết liệt của ông Prigozhin.

The Economist

Nguyên tác : "Why the boss of Wagner Group is feuding with Russia’s military leaders ?", The Economist, 11/05/2023

Tạ Hà Chi biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/10/2022

***************************

"Nếu không có Wagner thì Nga không còn là một thế lực quân sự đáng gờm"

Sebastian Beug, Nguyễn Xuân Hoài, Nghiên cứu quốc tế, 08/07/2022

Marat Gabidullin đã chiến đấu bốn năm trong hàng ngũ nhóm Wagner khét tiếng của Nga ở Ukraine và Syria. Vị cựu chỉ huy này đã rời nước Nga. Là cựu lính đánh thuê, ông là người đầu tiên tiết lộ chi tiết về "nghề" phục vụ Điện Kremlin của mình.

wagner3

Marat Gabidullin gia nhập nhóm Wagner khi đã 43 tuổi. Đây là một đội quân tư nhân chiến đấu theo lệnh của Điện Kremlin ở Ukraine, Syria, Mali và nhiều nơi khác, nhưng chính thức thì tổ chức này không tồn tại. Gabidullin làm việc cho Wagner trong bốn năm, cuối cùng ông chỉ huy một đơn vị trinh sát 95 người.

Ông thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình tại Ukraine. Ông từng đóng quân ở Syria bốn đợt. Năm 2016, Gabidullin bị thương nặng trong trận chiến giành Palmyra. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Nga, ông đã viết lại những kỷ niệm về những chuyến công tác của mình. Năm 2019, Gabidullin rời nhóm Wagner. Hồi ký của ông được xuất bản ở Nga và Pháp trong năm nay và sẽ được xuất bản ở Đức trong tuần này.

Sinh năm 1967, Gabidullin đã có 10 năm làm quân nhân chuyên nghiệp trong Binh chủng lính dù của quân đội Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông dính líu đến mafia Nga và bị tù 3 năm về tội giết người. Sau đó Gabidullin từng làm vệ sĩ và phục vụ các cơ quan an ninh trước khi gia nhập nhóm Wagner. Báo WELT (Thế giới) đã có cuộc gặp vị cựu binh đánh thuê để thực hiện một cuộc phỏng vấn qua video.

Hỏi : Ông Gabidullin, ông từng là một người lính, từng làm công tác an ninh ở Nga. Ông đã chuyển sang Nhóm Wagner năm 2015 như thế nào ?

Đáp : Năm 2015 tôi đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn trong cuộc đời mình. Tôi rất chán nản, không thấy triển vọng và không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Một người bạn kể với tôi về một tổ chức quân sự có tên là Wagner. Đây sẽ là cơ hội để tôi bắt đầu làm lại cuộc đời của mình. Tôi từng phục vụ trong quân đội Nga, tôi muốn tận dụng cơ hội này. Tôi đến trại ở Molkino, ghi danh và trở thành một phần của nhóm Wagner.

Hỏi : Quá trình tuyển dụng diễn ra như thế nào ?

Đáp : Đại để nó giống như người ta đi xin việc bình thường vậy. Tôi mang theo các loại giấy tờ và họ đã kiểm tra các dữ liệu đó. Sau đó làm bài kiểm tra. Tôi đã thể hiện mình có kiến thức về quân sự. Sau đó là bài kiểm tra về năng khiếu, về thể chất và y tế. Nếu mọi thứ đều ổn, thì bạn sẽ trở thành thành viên của nhóm.

Hỏi : Wagner tìm kiếm loại người như thế nào ?

Đáp : Khi đến đó, người ta thông báo chúng tôi sẽ tham gia vào cuộc chiến. Chúng tôi có thể bị chết, bị sang chấn tâm lý hay bị thương. Họ yêu cầu chúng tôi suy nghĩ kỹ, nếu chấp nhận các điều trên thì có thể được tiếp nhận và làm việc trong nhóm Wagner.

Hỏi : Nó có thực sự chỉ là một loại công việc bình thường ? Hay tại sao những người đàn ông lại nộp đơn vào nhóm Wagner ?

Đáp : Cái này phụ thuộc vào động cơ sống của mỗi người. Mong muốn của tôi là thoát khỏi tình trạng trầm cảm và cuộc khủng hoảng của mình và có một mục tiêu mới trong cuộc sống, tất nhiên ở đây còn có vấn đề tiền bạc.

Hỏi : Mỗi tháng người ta trả ông bao nhiêu ?

Đáp : Năm 2015, là 80.000 rúp (hiện tương đương 1.400 euro) mỗi tháng cho những người lính đánh thuê bình thường khi ở trong trại ở Nga. Nếu thực hiện một nhiệm vụ ở nước ngoài, thì được nhận 180.000 rúp (khoảng 3.200 euro). Còn nếu trực tiếp tham gia chiến đấu, thì 240.000 rúp (khoảng 4.200 euro) mỗi tháng. Tôi nghĩ thang lương hiện nay vẫn như vậy.

Hỏi : Tại Wagner, tất cả binh lính đều có bí danh. Ông có tên là "Ded", tức ông nội ?

Đáp : Trong đơn vị tôi là người lớn tuổi nhất. Đó là lý do tại sao tôi có tên là "Ông nội".

Hỏi : Ông kể nhiệm vụ đầu tiên của ông là ở Ukraine vào năm 2015, đã diễn ra không mấy tốt đẹp. Tại sao ?

Đáp : Khi tôi ở cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk, tôi nhận ra rằng trên thực tế, những gì tôi nhìn thấy tại đây không tương xứng với những gì được tuyên truyền, như chúng tôi từng nghe. Quản lý các thực thể này là những người hoạt động như những chỉ huy Hồng quân đầu thế kỷ 20. Những kẻ thua cuộc nào cũng được trao cơ hội để thực hiện tham vọng của mình. Dân chúng bị bắt bớ và sau đó đã phát triển cái gọi là Hội chứng Stockholm.

Hỏi : Dmitri Utkin là người đứng đầu Nhóm Wagner, bí danh của ông ta là Wagner. Y được coi là một tên tân quốc xã. Ông từng làm việc dười quyền ông ta ở Syria. Ông ta là loại người như thế nào ?

Đáp : Ông ta là một người rất kiên quyết, một nhà tổ chức tốt. Về hệ tư tưởng, tôi thấy ông ta có xăm những biểu tượng của Đức Quốc xã. Một số người trong nhóm Wagner, giống như ông ta, là những người theo thuyết Rodism. Đây là một dòng ngoại giáo có yếu tố Quốc xã. Điều này bao gồm niềm tin người Nga là dân tộc siêu đẳng và bài Do Thái. Tôi chưa bao giờ phục tùng ý thức hệ này. Tôi nghĩ đó là điều tào lao, vớ vẩn.

Hỏi : Trong nhóm Wagner có lính đánh thuê nước ngoài không ? Người Đức chẳng hạn ?

Đáp : Ở Ukraine có những người Serbia trong đơn vị của tôi. Ngoài ra tôi không gặp bất kỳ người nước ngoài nào khác. Năm 2017, Wagner quyết định không cho người nước ngoài hoạt động ở nước ngoài, kể cả các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập), do liên quan đến vấn đề về đi lại và kiểm soát biên giới.

Hỏi : Và tôi nghĩ cũng không có phụ nữ ?

Đáp : Không có, Nga vẫn có đủ đàn ông để bù đắp cho sự thiếu hụt trong hàng ngũ Wagner. Nhưng tôi nghĩ ngày phụ nữ tham gia nhóm Wagner không còn xa khi số nam giới chết trận không ngừng tăng lên.

Hỏi : Có nguồn tin cho rằng lính đánh thuê Wagner phạm tội ác chiến tranh, chẳng hạn như hãm hiếp. Ông có tham gia vào những vụ như vậy chưa ?

Đáp : Khi tôi ở Ukraine, tình hình thực tế đã rất yên bình. Còn khi ở Syria, không có dân thường trong khu vực có chiến sự. Bất kể chúng tôi đang ở đâu, trên núi cao hay trong sa mạc, đâu đâu cũng không có một bóng dân thường.

Hỏi : Nhưng đồng đội của ông chắc có tiếp xúc dân thường. Có một đoạn video từ Syria cho thấy một người dân thường bị lính đánh thuê chặt đầu. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?

Đáp : Tôi hiểu các vị đang đề cập đến cái gì. Đây là hai chiến binh đã rời bỏ hàng ngũ. Tôi thấy điều đó thật tàn bạo và vô nhân đạo, nhưng đây chỉ là một trường hợp cá biệt. Tôi nhắc lại, chúng tôi không có liên hệ với dân thường.

Hỏi : Sự khác nhau giữa lính đánh thuê Wagner và lính chính quy là như thế nào ?

Đáp : Bản thân họ có lẽ không quá khác biệt so với những người trong quân đội Nga. Nhưng nói chung lính đánh thuê thường nhiều tuổi hơn lính thường trong quân đội. Họ tham gia chiến trận nhiều hơn, dày dạn kinh nghiệm trận mạc hơn. Còn sự khác biệt giữa Wagner và Quân đội Syria là ở chỗ, quân Wagner biết chiến đấu còn Quân đội Syria thì không.

Hỏi : Tại sao ông lại quyết định bỏ tất cả để chuyển sang viết sách ?

Đáp : Đó là một chuỗi sự kiện. Tôi càng ngày càng ít thông cảm hơn với ban chỉ huy. Giọt nước tràn ly là những hoạt động an ninh của Wagner. Họ tìm số điện thoại của một đồng nghiệp và lục tung cả đồ đạc của tôi trong lúc tôi không có mặt ở đó. Họ coi đó là chuyện bình thường, nhưng tôi thì không.

Hỏi : Năm nay ông đã rời nước Nga và chuyển sang Pháp. Tại sao vậy ?

Đáp : Tôi sợ rằng tôi sẽ không còn được rời nước Nga khi cuốn sách của tôi được phát hành và quảng bá ở Pháp. Do đó chúng tôi đã quyết định rời khỏi đất nước.

Hỏi : Bà nhà và cô con gái có đi cùng với ông không ?

Đáp : Tôi không muốn đề cập tới gia đình mình, đến việc họ là ai và đang ở đâu.

Hỏi : Ông sợ bị bắt hay bị đánh thuốc độc như các ông Alexei Navalny hay Alexander Litvinenko ?

Đáp : Tôi nghĩ điều đó là có thể. Tôi nên đề phòng và phải cẩn thận.

Hỏi : Vậy tại sao ông lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình ?

Đáp : Một người có điều gì đó muốn nói thì không được phép im lặng.

Hỏi : Có thể ông muốn đề cập đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó có sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê Wagner. Ông nghĩ sao về điều đó ?

Đáp : Phải, ý tôi là cuộc chiến ở Ukraine, một sự kiện bi thảm trong lịch sử của đất nước tôi. Nga xâm lược Ukraine, đây là một cuộc can thiệp vũ trang. Thái độ của tôi đối với cuộc chiến tranh này tất nhiên là tiêu cực. Người ta bịa đặt ra các nguyên nhân khác nhau. Mục tiêu thực sự của cuộc chiến tranh này hoàn toàn khác. Nhưng người dân Nga bị tung hỏa mù và bị tác động mạnh mẽ bởi bộ máy tuyên truyền.

Hỏi : Tại sao người của Wagner và Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov lại hoạt động ở Ukraine ? Phải chăng vì quân đội Nga có quá yếu ?

Đáp : Nếu không có Wagner và không có Kadyrov, thì quân đội Nga không phải là một thế lực quân sự đáng gờm. Quân đội Nga mà không có lực lượng Wagner thì khó có thể thu được thắng lợi ở Ukraine.

Hỏi : Trong giới quân sự Nga hoặc trong nhóm Wagner có một phong trào muốn chấm dứt cuộc chiến này hay đây chỉ là mong muốn của riêng ông ?

Đáp : 80 đến 85% dân chúng Nga tin tưởng vô điều kiện vào bộ máy tuyên truyền. Có lẽ chỉ có khoảng 15 đến 20% là có khả năng có chính kiến riêng và hiểu những gì đang diễn ra. Đối với Wagner tình hình cũng tương tự.

Hỏi : Theo ông liệu cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào ?

Đáp : Để có thể tiên lượng, người ta cần phải thấy trước các hành động của Tổng thống Nga. Nhưng ông ta đang ở trong thế giới của riêng mình. Ông ấy mơ về một sứ mệnh lịch sử. Rất khó đoán định ông này sẽ đưa đất nước đi tới đâu.

Sebastian Beug

Nguyên tác : Ex-Söldner : "Ohne Wagner ist die russische Armee nicht ernstzunehmen", WELT, 05/07/2022.

Nguyễn Xuân Hoài biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/07/2022

************************

Tại sao lính đánh thuê Wagner của Nga sẽ gặp khó khăn ở Ukraine ?

The Economist, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 07/04/2022

Đầu tiên, nhìn vào góc trên cùng của bức ảnh, nơi có bốn người đàn ông mặc quân phục và khung cảnh có vẻ thật nhẹ nhàng. Một người mỉm cười. Một người khác vừa phì phèo điếu thuốc, vừa trừng mắt nhìn vào ống kính. Rồi hãy nhìn xuống chân họ, và bạn sẽ thấy một cái đầu bị chặt rời nằm trên sàn bê tông. Trước khi chặt đầu nạn nhân, những người đàn ông này đã quay một đoạn video, ghi lại cảnh họ cười cợt trong lúc dùng búa tạ đập vào tay và chân nạn nhân. Vụ việc xảy ra ở Syria vào năm 2017. Nạn nhân được cho là đã đào ngũ khỏi quân đội Syria, và những kẻ giết anh nhiều khả năng là người Nga. Ít nhất một trong số họ đã được xác định là đặc nhiệm của Tổ chức Wagner, một đơn vị lính đánh thuê Nga có mối liên hệ với tình báo quân đội nước này. Tổ chức này bị tình nghi, không phải lần đầu tiên, là đang hoạt động ở Ukraine.

wagner4

Là nhóm lính đánh thuê nổi tiếng nhất của Nga, Wagner có liên hệ trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin. Đơn vị này lần đầu tiên nổi lên ở Ukraine vào năm 2014, khi Nga cố gắng chia cắt khu vực Donbas ở miền đông. Lúc ấy, Wagner cung cấp một trong những dịch vụ mà Putin cần từ lính đánh thuê : khả năng phủ nhận. Lính đánh thuê có thể đảm nhiệm vai trò chiến binh ly khai một cách đáng tin hơn những người lính Nga thực sự. Kể từ đó, đơn vị này đã được triển khai tới một loạt quốc gia, bao gồm Syria, Libya, Mali, và Cộng hòa Trung Phi, cũng như ở Sudan và Venezuela, để hỗ trợ hoặc dựng lên những nhà độc tài mà Putin ủng hộ.

Ngày nay, ở Ukraine, Putin không còn có thể hy vọng vào khả năng phủ nhận mà Wagner mang lại, cũng không thể thu lợi từ một dịch vụ khác của lính đánh thuê – đó là cắt giảm con số thương vong của những người lính mà gia đình họ có thể thắc mắc tại sao thân nhân của họ phải hy sinh. Vì Nga hiện có khoảng 190.000 quân ở Ukraine, nên dù có tận dụng vài nghìn lính đánh thuê Wagner đi chăng nữa thì cơ hội thay đổi kết quả của cuộc chiến vẫn là rất nhỏ. Tuy nhiên, họ có thể khiến cách thức tiến hành chiến tranh trở nên man rợ hơn. Để thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine, các nhà tuyển quân Nga đã tiếp cận với những người từng bị từ chối trong quá khứ, vì có quá ít kinh nghiệm hoặc có lý lịch đáng ngờ. "Họ đang tuyển bất cứ ai có thể", Ilya Rozhdestvensky, một nhà báo Nga có kinh nghiệm theo dõi lính đánh thuê lâu năm cho biết.

Tổ chức này được cho là lấy tên theo nhà soạn nhạc yêu thích của Hitler, Wagner, cũng là mật danh của người sáng lập, Dmitry Utkin. Utkin là một cựu binh thuộc lực lượng tình báo quân sự Nga, GRU, người đã chiến đấu trong cả hai cuộc chiến tranh Chechnya, và sau đó trở thành chỉ huy một đơn vị tinh nhuệ Spetsnaz, hay còn gọi là lực lượng đặc nhiệm. Còn rất nhiều liên hệ giữa Wagner với quân đội Nga. Trại huấn luyện ở Nga của tổ chức này nằm gần một căn cứ GRU. Tại Libya, Syria, và Venezuela, máy bay quân sự Nga đã tham gia vận chuyển các đặc nhiệm Wagner ; còn tại Libya, quân đội Nga cũng được cho là đã tiếp tế đầy đủ cho lực lượng này. Một danh sách mua sắm khí tài quân sự, bao gồm xe tăng, hệ thống radar tiên tiến, và hàng trăm khẩu súng trường Kalashnikov đã được tìm thấy trong một tài liệu của Wagner được thu hồi ở Libya. Một số thiết bị nhiều khả năng chỉ có thể được cung cấp bởi quân đội Nga. Các đặc vụ Wagner thường sử dụng hộ chiếu được cấp bởi một cơ quan đặc biệt có liên hệ với Bộ Quốc phòng – đây cũng chính là nơi cấp hộ chiếu của hai kẻ đã âm mưu ám sát Sergei Skripal ở Anh vào năm 2018. Năm 2020, khi Belarus bất ngờ bắt giữ 33 người Nga được cho là thuộc Wagner, Putin đã bày tỏ sự quan tâm cá nhân, và giúp họ được trả tự do. Kimberly Marten của Trường Barnard thuộc Đại học Columbia, tóm tắt rằng : "Nhóm này hoàn toàn không độc lập".

Giống như tất cả các lực lượng đánh thuê khác ở Nga, Wagner không chính thức tồn tại, vì luật pháp Nga không cho phép hoạt động đánh thuê. Tuy nhiên, vào năm 2018, Putin đã thừa nhận sự tồn tại của tổ chức này, ẩn ý rằng công việc của họ là không có vấn đề gì, miễn là chúng nằm bên ngoài biên giới Nga. Ông nói : "Họ có quyền được làm việc và thúc đẩy lợi ích kinh doanh của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới". Điều đáng ngạc nhiên là các nhà chức trách Nga tỏ ra không mấy quan tâm đến việc buộc lực lượng Wagner phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ, bao gồm cả vụ tra tấn ở Syria.

Khoảng 10.000 người được cho là đã làm việc cho Wagner kể từ khi tổ chức này thành lập, hầu hết trong số họ là cựu binh Nga có kinh nghiệm chiến đấu. Những người tuyển quân được cho là ưa thích những ứng viên có kỹ năng quân sự chuyên biệt và không có tiền án. Công việc này được trả lương khá cao : những người lính đánh thuê phục vụ ở Châu Phi nhận được tới 4.000 USD/tháng. Dù lính đánh thuê Wagner được cử đi thực hiện các nhiệm vụ phục vụ lợi ích địa chính trị của Nga, tổ chức này cũng đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ các hoạt động liên quan. Tại hầu hết các nơi Wagner hoạt động, chẳng hạn như Mali hoặc Cộng hòa Trung Phi, nhóm này được chính quyền địa phương trả tiền. Đôi khi, thỏa thuận còn bao gồm cả việc cấp quyền kiểm soát các mỏ vàng hoặc kim cương cho Wagner, hoặc cho các công ty có liên hệ với nhà bảo trợ chính của tổ chức này, Yevgeny Prigozhin. Ở Syria, Prigozhin đang thu lợi từ các mỏ dầu, còn ở Mali, Wagner được cho là bỏ túi 10 triệu USD/tháng.

Đôi khi, Prigozhin cũng có căng thẳng với một số quan chức Nga, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu. Năm 2018, các đợt không kích của Mỹ đã giết chết khoảng 200 lính đánh thuê Nga, những người đã tấn công một tiền đồn của người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, nằm gần Deir al-Zour ở miền đông Syria. Quân đội chính quy của Nga được cho là đã làm rất ít để giúp lính của Wagner tránh được cuộc tàn sát này. Tuy nhiên, Wagner dường như vẫn có thể phục hồi sau những thất bại như vậy, có lẽ là nhờ các mối quan hệ của Prigozhin trong Điện Kremlin.

Khi còn là một thanh niên, Prigozhin từng thụ án trong một nhà tù Liên Xô, và sau khi ra tù, ông ta mở một quầy xúc xích ở St. Petersburg. Từ khởi đầu khiêm tốn đó, ông bắt đầu đa dạng hóa, kinh doanh các nhà hàng thu hút giới thượng lưu của thành phố. Sau khi Putin trở thành tổng thống vào năm 2000, ông bắt đầu đưa các vị khách quyền lực đến nhà hàng của Prigozhin. Tổng thống George W. Bush được cho là đã dùng bữa tối với patê gan vịt, trứng cá muối đen, và bít tết cùng nấm bụng dê tại New Island, một nhà hàng nổi trên sông Neva thuộc quyền sở hữu của Prigozhin. Những hợp đồng béo bở cho phép Prigozhin cung cấp thức ăn cho quân đội đã sớm theo sau. Dần dần, ông được giao những nhiệm vụ quan trọng hơn, bao gồm nhóm lính đánh thuê mà sau này sẽ trở thành Wagner, và một đội quân chiến binh mạng (troll farm) trên Internet – có tên chính thức là Cơ quan Nghiên cứu Internet, vốn bị Robert Mueller, một công tố viên đặc biệt, truy tố vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Dù có các hoạt động mang về nhiều lợi nhuận, ‘thành tích’ của Wagner không hẳn là tốt. Tổ chức này đã giúp hiện thực hóa các mục tiêu của Putin tại Donbas vào năm 2014, cũng như trong giai đoạn sau đó. Và ở Syria, lính đánh thuê Wagner được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái chiếm thành phố cổ Palmyra từ tay Nhà nước Hồi giáo, và giúp quân đội Nga duy trì quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng vào năm 2019, khi Wagner được thuê để chống lại các chiến binh thánh chiến ở miền bắc Mozambique, nhóm này đã rút lui nhanh chóng sau khi ít nhất 7 người trong số họ bị giết. Tại Libya, khoảng 1.000 lính đánh thuê Nga đã chiến đấu cùng Khalifa Haftar, một vị tướng nổi dậy, chống lại chính phủ không được công nhận. Họ đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ và bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, gồm cả việc sát hại dân thường. Tại Cộng hòa Trung Phi, khoảng 2.000 lính đánh thuê Wagner đang hỗ trợ Tổng thống Faustin-Archange Touadéra. Tuy nhiên, họ còn lâu mới diệt trừ được những kẻ nổi loạn đang muốn lật đổ ông.

Trong vòng sáu tháng qua, khoảng 1.000 đặc nhiệm Wagner đã đến Mali. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, họ đã bị buộc tội tham gia cùng với binh lính Mali trong một vụ hành hạ khoảng 30 người, tưới xăng và thiêu sống họ. Trong lúc đó, các chiến binh thánh chiến vẫn tiếp tục tiến lên.

Các báo cáo về việc lính Wagner đến Ukraine xuất hiện chỉ vài ngày sau khi xảy ra cuộc xâm lược. Cơ quan an ninh Ukraine thông báo rằng lính đánh thuê đã được điều động đến Kyiv để ám sát Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng như các quan chức cấp cao khác. Tuy nhiên, không có xác nhận độc lập nào để kiểm chứng những khẳng định đó, và các nhà phân tích và nhà báo theo dõi Wagner cho rằng việc sử dụng đơn vị này cho một nhiệm vụ nhạy cảm như vậy là không chắc chắn. Lính đánh thuê có vẻ không chiến đấu cùng với các đơn vị quân đội chính quy Nga tiến đánh từ Nga, Belarus, và Crimea. Các cơ quan an ninh Ukraine đã tiết lộ thông tin về chỉ hai người lính có mối liên hệ với Wagner trong số những người Nga bị bắt làm tù binh ; thậm chí hai người đó còn khai rằng, dù đã chiến đấu cho Wagner trong quá khứ, nhưng nay họ đến Ukraine trong hàng ngũ quân đội chính quy của Nga.

Thay vào đó, người ta cho rằng lính đánh thuê đang được điều động đến các khu vực Donetsk và Luhansk, để tăng cường cho các lực lượng ly khai đang cố gắng phá vỡ các phòng tuyến mà Ukraine thiết lập. Bộ Quốc phòng Anh ngày 28/03 cho biết họ dự kiến Wagner sẽ triển khai hơn 1.000 lính đánh thuê ở miền đông Ukraine, bao gồm cả các chỉ huy cấp cao.

Cho đến nay, những người được cử đến Ukraine dường như không thuộc nhóm Wagner nòng cốt, mà chỉ là lính mới, tham gia các nhiệm vụ đột xuất. "Họ đang sử dụng cơ sở hạ tầng cũ của Wagner – căn cứ, các kênh tuyển dụng", Ilya Barabanov, một nhà báo người Nga đã đưa tin nhiều về nhóm này cho biết. "Nhưng đó không phải là những gì chúng ta quen gọi là ‘Wagner’". Tình báo quân sự Ukraine đã gọi những người lính đánh thuê hoạt động trong cuộc chiến hiện tại là "Liga", tiếng Ukraine có nghĩa là "liên quân". Các tân binh này được trả 200.000 rúp (2.367 USD) mỗi tháng, hơn gấp nhiều lần so với những gì mà lính chính quy thông thường nhận được.

Phía Nga cũng có thể chuyển hướng sang những binh sĩ đến từ Syria hoặc những nơi khác, vốn đã từng chiến đấu cùng với Wagner. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tuyên bố với Putin rằng 16.000 "tình nguyện viên" từ Trung Đông đã sẵn sàng đến chiến đấu ở Ukraine. Các video từ Cộng hòa Trung Phi cũng chứa hình ảnh các nhóm nhỏ đàn ông Châu Phi có vũ trang tuyên bố họ muốn chiến đấu cho Nga ở Ukraine. Dù cho đến nay có rất ít bằng chứng về việc có một lực lượng đáng kể đang hướng về Ukraine, nhưng các chiến binh nước ngoài vẫn có thể giúp tăng quân số, bên cạnh việc dùng lính đánh thuê. Tuy nhiên, họ có thể không thực sự có động lực chiến đấu. Marten lập luận rằng nhiều người có thể bị "cưỡng ép" chiến đấu, giống như đã từng xảy ra khi Nga cử lính Syria đến hỗ trợ Haftar trong nỗ lực thất bại ở Libya. Trong suốt một thập niên nội chiến tại quê nhà, binh lính Syria cho thấy họ giỏi trộm cắp đồ gia dụng và buôn bán ma túy hơn là chiến đấu.

Tình báo phương Tây cho rằng một số lính đánh thuê của Wagner có thể sẽ rời Libya đến Ukraine. Thậm chí một số có thể khởi hành từ Cộng hòa Trung Phi. Nhưng hiện tại, các dấu hiệu của việc chuyển quân vẫn còn hạn chế. "Không ai hủy bỏ hợp đồng thương mại ở những nơi khác", Barabanov lưu ý. Thật vậy, ngay sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, Wagner đã cử thêm nhiều lính đánh thuê tới Mali, nâng tổng số lính ở đó lên khoảng 1.000 người, một quan chức quân đội Pháp cho biết. "Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không có tác động lớn tới việc triển khai lính đánh thuê ở Mali và Cộng hòa Trung Phi", quan chức này nói thêm, dù bản thân ông tin rằng Wagner cũng sẽ có thể hoạt động ở Ukraine. Ngay cả khi thực sự có thêm nhiều lính đánh thuê Nga đến Ukraine, hồ sơ cho thấy những đóng góp của họ cho động lực của cuộc xung đột sẽ ít hơn là cho danh sách tội phạm chiến tranh đang ngày một kéo dài.

The Economist

Nguyên tác : "Russia’s brutal mercenaries will struggle to make their mark in Ukraine", The Economist, 03/04/2022.

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Phan Nguyên, Tạ Hà Chi, Sebastian Beug, Nguyễn Xuân Hoài, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)