Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2023

Phạm Minh Chính sang gặp Thủ tướng Trung Quốc : bị gọi hay tự nguyện ?

Nguyễn Nam, Trọng Nghĩa

Những quân cờ sắp đặt

Nguyễn Nam, VNTB, 27/06/2023

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam diễn ra trong lúc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và hai hộ tống hạm của Hoa Kỳ đang có chuyến thăm Đà Nẵng trong 5 ngày, bắt đầu từ 25/6.

Liệu đó có phải là trùng hợp ngẫu nhiên ?

tqvn2

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn coi trọng duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc

Theo tường thuật từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 26/6, hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường diễn ra sau lễ đón chính thức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Cường cũng khẳng định Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng ; luôn ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế.

Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ; duy trì trao đổi và đẩy mạnh giao lưu.

Trong đó, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, quốc phòng, an ninh ; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực và giao lưu hữu nghị giữa các địa phương và các đoàn thể nhân dân.

Hai bên nhất trí xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ; kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển ; tăng cường phối hợp trong các diễn đàn quốc tế, khu vực.

Phía Việt Nam bày tỏ sớm ký kết Thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn trên biển ; khôi phục toàn diện các chuyến bay thương mại ; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong – Lan Thương.

Trước đó, cũng trong tháng năm 2023 đã diễn ra một loạt sự kiện ngoại giao nổi bật của Việt Nam với 4 nước thuộc Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) là Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thăm Việt Nam từ ngày 3-4 tháng 6. Tiếp theo là Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thăm Việt Nam từ ngày 7-10 tháng 6, và sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Ấn Độ từ ngày 17-20 tháng 6. Trong hai chuyến thăm cấp cao này, Ấn Độ tặng Việt Nam tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan.

Nhật Bản với tàu khu trục chở máy bay JS Izumo (có khả năng đóng vai trò tàu sân bay với tiêm kích F-35) và JS Samidare đã cập cảng Cam Ranh từ ngày 20 đến 23 tháng 6.

Khi tàu sân bay Nhật Bản JS Izumo rời Cam Ranh thì nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển lên hướng bắc khá gần căn cứ Cam Ranh, cách khoảng 50 hải lý, trên đường di chuyển đến Đà Nẵng. "Khả năng cao là hai tàu này sẽ diễn tập ở gần Cam Ranh. Chỉ là không biết Việt Nam có tham gia, và nếu tham gia thì có công bố hay không thôi" – một nhà báo nhận xét.

Cũng theo quan sát của nhà báo này khi ông có mặt với tư cách khách mời báo chí trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan hôm 26/6, thì đây là hiện thân của sức mạnh Mỹ đến Việt Nam trong hòa bình. Càng có ý nghĩa hơn khi nó đến vào dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

"Có mặt ở Đà Nẵng những ngày này, chứng kiến sự nhộn nhịp của các dịch vụ hậu cần, lưu trú, và sôi nổi của thành phố mới thấy các chuyến thăm của tàu sân bay không chỉ bao hàm yếu tố chính trị, an ninh mà còn cả góc độ kinh tế.

Mấy khi có cơ hội đón tiếp hơn 5.000 du khách trong lúc du lịch vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Ngoài ra là hàng trăm lượt tàu, xe trung chuyển tấp nập… Đó là một cơ hội kinh tế cần được đặt lên bàn cân để tăng cao hơn nữa tần suất của các chuyến thăm" – vị nhà báo bình luận.

Nhìn chung, các chuyến thăm chính thức cấp cao và giao lưu quân sự không dễ chuẩn bị trong thời gian ngắn. Những chuyến thăm này diễn ra sau một thời gian dài lên kế hoạch. Như vậy có thể là một sự tình cờ nhưng lại mang tính sắp đặt theo kịch bản nào đó giữa các bên liên quan ; và hàng loạt diễn biến ấy xem ra sẽ thêm vốn liếng trên bàn ‘hòa đàm’ của Thủ tướng Việt Nam với gã hàng xóm thích dùng vũ lực để bắt nạt láng giềng.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 27/06/2023

****************************

Trung Quốc đề nghị Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quân sự, tránh làm "phức tạp" tình hình Biển Đông

Nhân chuyến công du của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (25-28/06/2023), Trung Quốc đã đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ hơn với nhau về mặt quân sự, đồng thời thúc giục Việt Nam sớm đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông (COC) và tránh làm tình hình Biển Đông "phức tạp" thêm.

tqvn1

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và động nhiệm Trung Quốc Lý Cường duyệt đội danh dự tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/06/2023 via Reuters - Pool

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, thành viên phái đoàn thủ tướng Việt Nam, đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc, ngày hôm nay 27/06/2023, tại Bắc Kinh. Lãnh đạo bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tăng cường liên lạc ở cấp cao và hợp tác giữa quân đội hai nước.

Đối với ông Lý Thượng Phúc, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang hỗn loạn và an ninh của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, "Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục hợp tác và đoàn kết chặt chẽ với nhau trong một hành trình mới của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lợi ích chiến lược chung của hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực".

Bộ trưởng Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa quân đội hai nước đã phát triển tốt đẹp, và phía Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao mới.

Theo Reuters, cuộc tiếp xúc giữa hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan vừa ghé cảng Đà Nẵng của Việt Nam ngày 25/06 trong một chuyến thăm thứ ba của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ kể từ khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc.

Chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông, một vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên phần lớn diện tích, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ ít lâu sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc liên tục đưa tàu xâm nhập vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội sớm đúc kết COC

Tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc về Biển Đông dĩ nhiên cũng được hai bên đề cập đến nhân chuyến công du của thủ tướng Việt Nam.

Theo Reuters, hôm 26/06/2023, nhân cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Minh Chính tại Bắc Kinh, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để quản lý các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông.

Theo báo chí chính thức Trung Quốc, trong phần liên quan đến Biển Đông, ông Lý Cường còn nói thêm : "và tránh các hành động có thể làm tình hình phức tạp hoặc nghiêm trọng thêm".

Về phía Việt Nam, báo chí trong nước ghi nhận là thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông" đồng thời cho rằng hai bên cần : Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau ; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 ; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển ; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy Tắc ứng Xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trọng Nghĩa 

Nguồn : RFI, 27/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Trọng Nghĩa
Read 16899 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)