Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2023

Vụ Wagner nổi loạn : cuộc dàn xếp đầy nghi vấn

Minh Anh

Lãnh đạo Wagner biện minh cho cuộc nổi loạn

Minh Anh, RFI, 27/06/2023

Trang mạng Flightradar 24 theo dõi không lưu cho biết lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin, hôm 27/06/2023, đã đáp máy bay sang Belarus tị nạn, theo như một thỏa thuận đạt được hôm thứ Bảy 24/6, với tổng thống Nga nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn

noiloan1

Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Yevgueny Prigojine phát biểu trong đoạn video ở Rostov trên sông Đông, Nga ngày 24/06/2023. AP

Tuy nhiên, trong một tin nhắn âm thanh dài 11 phút đăng trên mạng Telegram tối thứ Hai 26/6, mà thời điểm ghi âm không thể xác định, lãnh đạo Wagner một lần nữa khẳng định cuộc nổi loạn của ông không nhằm lật đổ chế độ. 

Từ Moskva, thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri tường thuật : 

"Ông ấy luôn nói rằng không muốn làm chính trị nhưng Yevgeny Prigozhin giải thích là ông đã nhận được hơn 1000 thắc mắc về điều gọi là xin trích, "những biến cố". Một lần nữa, ông giải thích là bộ quốc phòng muốn phá vỡ Wagner và ngăn chặn cuộc hành quân của các chiến binh Wagner tiến về thủ đô. Ông ta rút ra những kinh nghiệm dưới dạng các bài học cho quân đội. 

Yevgeny Prigozhin nói : "Cuộc hành quân vì công lý đã cho thấy được nhiều điều mà chúng tôi đã nhiều lần nói đến như những vấn đề an ninh nghiêm trọng trên toàn lãnh thổ. Chúng tôi đã có thể chặn tất cả các đơn vị quân đội và sân bay nằm dọc theo con đường của chúng tôi và trong vòng 24 giờ, chúng tôi đã đi được một quãng đường mà quân đội Nga đã thực hiện ngày 24/02/2022. Nếu như hôm đó, chiến dịch này được thực hiện bởi một đơn vị như Wagner với một mức độ huấn luyện, tinh thần chiến đấu và quyết tâm cao, thì chiến dịch đặc biệt này có lẽ chỉ sẽ kéo dài trong một ngày. Đương nhiên là còn có những vấn đề khác, nhưng chúng tôi muốn chỉ cho thấy cấp độ tổ chức mà quân đội Nga lẽ ra phải có". 

Như một sự trêu tức sau cùng : Yevgeny Prigozhin nói rằng đoàn quân của ông đã được người dân vẫy hoa và cờ đón tiếp tại mỗi nơi họ đi qua". 

Minh Anh

**************************

Tổng thống Nga cáo buộc phương Tây muốn người Nga "chém giết nhau"

Minh Anh, RFI, 27/06/2023

Hôm 26/06/2023, tổng thống Nga có bài phát biểu đầu tiên kể từ khi nhóm binh sĩ Wagner rút lui. Ông cáo buộc Ukraina và các nước đồng minh phương Tây muốn người Nga "chém giết nhau" trong cuộc nổi loạn cuối tuần qua.

noiloan2

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva, Nga ngày 24/06/2023. AP - Gavriil Grigorov

Trong bài diễn văn truyền hình ngắn, tổng thống Vladimir Putin khẳng định là đã "trực tiếp" đưa ra những biện pháp ngay từ đầu xẩy ra biến cố, nhằm tránh "một cuộc đổ máu huynh đệ tương tàn" quy mô lớn. Theo ông, đây chính là điều mà "kẻ thù của Nga" - những kẻ tân phát xít ở Kiev và các nước bảo trợ phương Tây – rất muốn nhìn thấy, muốn "người Nga chém giết nhau". 

Nguyên thủ Nga ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình liên đới của người dân và cảm ơn các quan chức an ninh đã hoàn thành công việc trong một cuộc họp với giới chức an ninh, có sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigu.

Ông Putin đưa ra ba lối thoát cho các chiến binh Wagner : Hoặc ký hợp đồng, gia nhập quân đội Nga, hoặc sang Belarus hoặc trở về nhà. 

Trả lời đài RFI, chuyên gia Cyrill Bret, Viện Jacques Delors, nhận định, đề xuất này của tổng thống Putin muốn cơ cấu lại, đặt dấu chấm hết cho cách thức tổ chức, lãnh đạo nhóm vũ trang Wagner như hiện nay. Ông phân tích : 

"Đây là hồi kết của Wagner theo cách tổ chức lính đánh thuê được thành lập hồi năm 2014. Bài phát biểu của tổng thống Nga đã đánh dấu rõ số mệnh các chiến binh của Wagner : Bất kể quân phục họ mặc là gì, bất kể họ được triển khai ở mặt trận nào, hay họ được mang tên là gì đi nữa, số nhân sự này phải được hội nhập vào lực lượng vũ trang đặt dưới sự chỉ huy chính quy, như thông lệ, của quân đội Nga.

Họ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ lợi ích của Nga tại Châu Phi hay ở những nơi khác. Vladimir Putin hiểu rằng tôn ti trật tự trong bộ máy quân sự hùng mạnh đã không thể duy trì được nữa và trở thành một mối họa.

Điều này đã được triết gia Machiavel hiểu rõ khi ông nhắc lại rằng số mệnh tất yếu của các nhóm lính đánh thuê là cuối cùng, chúng sẽ chống lại kẻ chỉ huy. Tôi nghĩ rằng Vladimir Putin giờ đã rút ra các bài học. Ông ấy cho sáp nhập tất cả các lực lượng vũ trang vào cùng một hệ thống chỉ huy dưới sự chỉ đạo và quyền lực của ông". 

Minh Anh

*********************

Nga dỡ bỏ "chế độ chiến dịch chống khủng bố" tại Moskva

Minh Anh, RFI, 26/06/2023

Chính quyền Nga hôm 26/06/2023, thông báo dỡ bỏ "chế độ chiến dịch chống khủng bố", cho phép mở rộng quyền hạn của các lực lượng an ninh tại vùng Moskva và Voronej, phía nam thủ đô Nga. Những biện pháp an ninh nghiêm ngặt này đã được thiết lập hôm thứ Bảy 24/6 do vụ nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner. 

noiloan3

Lực lượng thực thi pháp luật Nga được triển khai bảo vệ an ninh ở thủ đô Moskva, ngày 24/6/2023. (Ảnh : AFP/TTXVN)

AFP nhắc lại, khi tiến hành cuộc nổi loạn, lãnh đạo tập đoàn Wagner tuyên bố "giải phóng nhân dân Nga", khi nhắm đến bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigu và tham mưu trưởng Valéri Guerassimov, mà ông Yevgeny Prigozhin tố cáo đã hy sinh hàng ngàn binh sĩ Nga tại Ukraina. 

Cũng trong ngày hôm nay, lần đầu tiên sau 48 giờ nổi loạn của Wagner, ông Choigu đã xuất hiện trước công chúng. Truyền hình Nga phát hình ảnh bộ trưởng quốc phòng đến thăm các binh sĩ tại Ukraina. 

Nếu như chính quyền Nga đang cố gắng thể hiện cuộc sống trở lại bình thường, cuộc tiến quân ngoạn mục về Moskva của Prigojine cùng các binh sĩ được trang bị tốt hôm thứ Bảy vẫn còn gây sốc cho người dân Nga và thủ đô Moskva. 

Thông tín viên Anissa El Jabri tại Moskva gởi về bài tường trình : 

"Làm thế nào điều đó đã có thể xảy ra ? Câu hỏi được nghe rất nhiều trong suốt cuối tuần qua và còn nhiều nhiều câu hỏi khác : Làm sao mà thủ đô nước Nga lại có cảm giác rằng thành phố sẽ chao đảo hay có nguy cơ chìm trong "bể máu" ? Nhưng nhất là làm thế nào chính quyền đi đến nông nỗi này ?

Người dân Moskva, vốn chỉ biết thông tin qua lời nhắn âm thanh của Prigojine, một nhân vật mà họ ít biết đến và họ thường xem như là một tên xã hội đen, đã không chấp nhận điều đó. Và nhất là việc phát hiện nhà nước, bộ máy quyền lực của Nga, bị tước vũ khí, đã làm cho người dân thủ đô sửng sốt, cảm thấy bị sốc và bị xúc phạm. Thật là xấu hổ ! 

Sáng nay, người ta vẫn cảm thấy trạng thái mơ hồ. Truyền thông tỏ ra dè dặt trong việc diễn giải sự việc. Một tờ báo nhấn mạnh rằng phát biểu kịp thời của tổng thống Nga hôm thứ Bảy, 24/6, có một vai trò quan trọng.

Nhưng một báo khác ngay từ sáng Chủ Nhật đã dẫn tin của New York Times, theo đó, cơ quan an ninh Mỹ đã có thông tin về những kế hoạch của nhà sáng lập tập đoàn Wagner, và họ đã cảnh báo cho các lãnh đạo bộ quốc phòng cũng như cho Quốc Hội Mỹ. Tờ báo này lưu ý rằng kẻ thù số một còn có nhiều thông tin hơn là ở Nga. Họ không thể nào tàn nhẫn hơn đối với nhà nước". 

Minh Anh

*************************

Quyền lực của Putin sẽ còn được củng cố hơn ?

Minh Anh, RFI, 26/06/2023

Cuộc nổi loạn của Wagner tuy ngắn ngủi, nhưng làm lộ rõ những chia rẽ trong thượng tầng lãnh đạo của Nga. Nhưng nghịch lý thay, biến cố này lại có thể tạo điều kiện để Vladimir Putin củng cố quyền lực và kéo dài sự sống còn của chế độ do chính ông tạo ra. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Anatol Lieven, trên trang mạng Responsible Statecraft ngày 25/06/2023. 

noiloan4

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 24/06/2023 via Reuters - SPUTNIK

Cuộc tấn công của lãnh đạo Wagner đã làm tổn hại cho hình ảnh của chế độ, do uy tín mà Wagner đã tích lũy được ở Nga nhờ vào những thành tích chiến đấu tại Ukraina, và do những lời chỉ trích của ông về cơ bản là hoàn toàn đúng.

Ông Yevgeny Prigozhin lên án sự kém cỏi và liều lĩnh của bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigu và tổng tham mưu trưởng Valeri Guerassimov trong việc lập kế hoạch tấn công từ sự hỗn loạn, thiếu hụt hậu cần, thiếu phối hợp và tình trạng của quân đội. Lãnh đạo Wagner tố cáo nạn tham nhũng trong giới thượng lưu, trốn thuế và tránh nghĩa vụ quân sự của kẻ giầu. Và nhất là, tuy tránh tấn công trực diện Putin, ông chỉ trích những lời dối trá chế độ đưa ra để biện minh cho cuộc chiến xâm lược. 

Cuộc nổi loạn của Yevgeny Prigozhin trên thực tế là bị thôi thúc bởi nỗi lo Choigu và Guerassimov dùng sức mạnh vượt trội của quân đội để tiêu diệt hay ám sát ông. Nỗi sợ này càng bị thôi thúc trước tuyên bố của ông Putin ngày 14/6 kêu gọi đặt Wagner dưới sự kiểm soát hoàn toàn của bộ quốc phòng Nga. Điều này cho thấy Putin đã vượt qua được rào cản và đứng về phía Choigu và Guerassimov chống lại Yevgeny Prigozhin. 

Tuy nhiên, để cho cuộc nổi loạn được thành công, lãnh đạo Wagner phải hội đủ hai điều kiện : Thứ nhất, phải có đủ số quân chính quy của Nga nổi loạn và tham gia cùng Wagner, và thứ hai, tinh thần Putin không vững và sẽ "đầu hàng" trước những yêu cầu của Yevgeny Prigozhin. Nhưng rủi thay, cả hai yếu tố này đều không có khi chúng ta nghe phát biểu của tướng Serguei Surovikin, kêu gọi lính Wagner và những binh sĩ Nga nào tham gia nổi loạn quy hàng, cũng như bài phát biểu cứng rắn của tổng thống Nga ngày 24/06, lên án cuộc nổi dậy là phản quốc.

Theo nhà địa chính trị Anatol Lieven, cuộc nổi loạn này đã làm nổi rõ một số đặc điểm chính trong cách tiếp cận của ông Putin về thực thi quyền lực. Điều thứ nhất mà rất nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã nhanh chóng quên, đó là Vladimir Putin, qua huấn luyện và với bản năng, là một người hoạt động bí mật, chứ không phải là người lính.

Phương pháp hành động của ông có nhiều lựa chọn : Tàn nhẫn nhưng gián tiếp, nửa bí mật và có thể phủ nhận khi cần. Do vậy, ông có thể hậu thuẫn cho Wagner, với tư cách là một "công ty quân sự tư nhân", để có thể đeo đuổi các mục tiêu của Nga ở Donbass, Syria và Châu Phi, trong khi vẫn cho phép chính phủ Nga duy trì khoảng cách chính thức với các hành động của mình. 

Thứ hai, nếu như phương Tây vẫn luôn xem Vladimir Putin như là một nhà độc tài chuyên chế, thì trên thực tế, tổng thống Nga hoạt động gần giống như là "chủ tịch" một tập hợp các nhà tài phiệt nhà nước hay tranh cãi. Khuyến khích các hiềm khích giữa họ là một phần của chiến lược "chia để trị" và ông chỉ can thiệp để giải quyết khi các hiềm khích đó có nguy cơ bộc phát trước công chúng và đe dọa chính quyền. Riêng trong trường hợp này, ông đã để quá muộn. Và nhất là Vladimir Putin còn là bậc thầy trong việc phân phối bổng lộc nhằm bảo đảm lòng trung thành của các hội viên. 

Cuộc nổi loạn ngắn ngủi này để lại nhiều nghi vấn chưa có lời giải, nhất là liên quan đến quyền lực cá nhân ông Putin. Liệu sau khi đàn áp Yevgeny Prigozhin, số phận của hai vị lãnh đạo quân đội Nga cũng bị lung lay, hay là tổng thống Nga vẫn sẽ bị ràng buộc chặt chẽ với những người này và những người bạn thân khác ?

Trái với nhiều suy nghĩ cho rằng cuộc nổi loạn của ông Yevgeny Prigozhin là một đòn nặng, ảnh hưởng đến uy tín của chủ nhân điện Kremlin, rằng ông có thể sẽ phải quyết định không ra tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, thì nhà nghiên cứu Anatol Lieven nhận định, biến cố nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của cá nhân ông đối với hệ thống chính trị do chính ông tạo ra : Nghĩa là các cộng sự của ông có thể phải cầu xin ông ở lại, vì sợ rằng nếu không có Putin, họ sẽ không thể dàn xếp hòa bình cho sự cạnh tranh giữa chính họ ! 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 256 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)