Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2023

Báo chí gì cũng thế thôi !

Phạm Trần

Làng báo cộng sản Việt Nam dược lệnh phải tăng cường bảo vệ nền tang tư tưởng Đảng, ưu tiên Chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng.

baochi1

Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước, phát tại Hội nghị kỷ niệm 98 năm ngày "Báo chí cách mạng Việt Nam" (21/6/2023)  - Ảnh minh họa

Nội dung này đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đưa ra tại Hội nghị kỷ niệm 98 năm ngày được gọi lả "Báo chí cách mạng Việt Nam" (21/06/1925 - 21/6/2023).

Ngày 21/6/1925 là ngày Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Hồ Chí Minh lãnh đạo chính thức ra đời. Mục đích của ông Hồ là dung Thanh Niên làm vũ khí tuyên truyền đưa Chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, và đặt nền tảng cho công tác xây dựng đảng.

Do đó, thế hệ báo chí cộng sản sau này được dùng để tuyên truyền là chính trong hai cuộc chiến gọi là "chống Pháp dành độc lập (1945-1954)" và "chống Mỹ cứu nước" (1954-1975).

Tuy nhiên, bên cạnh công tác thông tin và tuyên truyền, làng báo cộng sản đã vào hùa với Đảng trong nỗ lực xuyên tạc sự thật và phản bội nhân dân trong hai tội ác lịch sử của đảng trong vụ Cải cách Ruộng đất từ 1953-1956 tại miền Bắc Việt Nam và thảm sát Mậu Thân năm 1968 ở Huế và khắp miền Nam.

Vì vậy, những "nhà báo cộng sản", vì là đảng viên nên phải viết theo lệnh Đảng. Họ chính là "cán bộ báo chí", hoạt động dưới quyền của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đảng cũng độc quyền báo chí khi không cho tư nhân ra báo, hay lập đài Truyền hình và Phát thanh để cạnh tranh với báo nhà nước.

Do đó, nói rằng báo chí ở Việt Nam hoàn toàn tự do theo tiêu chuẩn chung của các nền báo chí văn minh là sai sự thật.

Bằng chứng "ăn theo"

Bằng chứng là báo chí nhà nước chỉ thông tin theo Công an trong vụ nổi loạn tấn công của đồng báo Thượng vào 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào khoảng 0g35 ngày 11/6 (2023) làm 9 người chết và 2 người bị thương.

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết : "Qua khai thác ban đầu, số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều là đối tượng trẻ, thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng và bị kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số.."..

Ông nói : "Theo đánh giá bước đầu, nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài".

Bách khoa Toàn thư mở viết : "Mặt trận Thống nhất đấu tranh của các Sắc tộc bị áp bức, hoặc FULRO (đọc là Phun-rô, tiếng Pháp : Front Uni de Lutte des Races Opprimées) là liên minh chính trị - quân sự của các sắc tộc Cao nguyên Trung phầnChămKhmer tồn tại từ năm 1964 đến 1992.

Tổ chức này chủ trương đấu tranh cho quyền tự quyết của các sắc tộc thiểu số, thực hiện chiến tranh du kích để ly khai vùng Tây Nguyên khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài tin của Công an, làng báo cộng sản Việt Nam đã không dám cử phóng viên đi điều tra hư thật vụ nổi loạn. Đây là vụ tấn công đầu tiên từ sau cuộc biểu tình đòi đất bị chiếm và chống đản áp tự do thờ phượng, tôn giáo của 30.000 đồng bào thiểu số tại Ban Mê Thuột (Đắk Lắk) trong những năm 2001 và 2004.

Mặc dù theo thống kê chính thức của báo Xây dựng đảng, vào năm 2022 cả nước có : 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.

Với số lượng khổng lồ này, mỗi năm người dân phải đóng bao nhiêu tiền thuế để nuôi sống những người làm báo ? Trong khi dân không được hưởng lợi gì do những cơ quan này mang lại cho Đảng.

Vậy mà Đảng vẫn cấm không cho tư nhân ra báo, lập hội, hội họp tự do và lập đảng chính trị, nói chi đến một "kênh ngôn luận đối lập".

Vẫn chưa hài lòng ?

Tuy nhiên, trong Diễn văn ngày 21/06/2023, ông Võ Văn Thưởng, một mặt tán dương những thành tựu của báo chí nhà nước trong chặng đường dài 98 năm, nhưng đồng thời cũng chỉ thị báo chí phải làm những việc sau đây :

Trước hết, tôi đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc "làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng", "nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng".

Thứ hai, đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí.

Thứ babáo chí phải là ngọn cờ đầu, kết nối và huy động các nguồn lực, bao gồm trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân ; nuôi dưỡng, khơi gợi, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc ; xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước. Trong bối cảnh thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều, nhiều vấn đề mới, chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch, mưu đồ lợi dụng tự do dân chủ để đi ngược lại các giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng đã và đang phấn đấu, báo chí cần chủ động, nhạy bén, phát hiện và dự báo các vấn đề, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh sắc bén với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần củng cố, vun đắp niềm tin của nhân dân. Báo chí tiếp tục là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, tệ nạn xã hội.

Ông Võ Văn Thưởng đã có thời giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo lâu năm nên ngôn ngữ ông không hề thay đổi khi nói chuyện với những người làm báo đảng.

Do đó, không lạ khi nghe ông chỉ thị các nhà báo phải :

- Đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân lên từng trang viết, từng sản phẩm báo chí ;

- Hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với vị thế của một nền báo chí sắp tròn 100 năm tuổi.

Tát nước theo mưa

Người kế nhiệm ông Thưởng cầm đầu Ban Tuyên giáo Trung ương là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa đã "tát nước theo mưa" khi nói với báo chí trong nước : "Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học-công nghệ, báo chí Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm tốt việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hấp dẫn, góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin, phản bác hiệu quả những thông tin sai trái, những luận điệu thù địch của các thế lực phản động ở trong và ngoài nước, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng".

Lời yêu cầu của ông Nghĩa đã phản ảnh sự lo âu lan rộng trong đảng hiện nay về sức mạnh của "mạng xã hội". Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và truyền thông đã không cao kiểm soát được những thông tin phát tán trên "không gian mạng internet", mặc dù Việt Nam đã có Luật an ninh mạng và Bộ Công an vào cuộc đấu tranh lọc tin.

Như vậy thấy rõ, dù Ban Tuyên giáo và Nhà nước có "ba đầu, sáu tay" cũng không ngăn chặn đường trào lưu của truyền thông đại chúng trong thời đại ngày nay. Chuyện này cũng giống như cuộc "phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" và "đề phòng tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, dù rất vất vả mà vẫn chỉ "tiến được một bước".

Do đó, việc kỷ niệm 98 năm "ngày báo chi cách mạng Việt Nam" chả có ý nghĩa gì quan trọng, ngoài thực tế là "báo chí cách gì cũng thế thôi".

Phạm Trần

(28/06/2023)

*************************

‘Lằn ranh đỏ’ giữa thông tin và tuyên truyền của báo chí Việt Nam

RFA, 27/06/2023

Cổng thông tin điện tử của Cơ quan Tuyên giáo Việt Nam mới đây có bài cho rằng, trong bất cứ bối cảnh nào, mục đích quan trọng nhất của những người làm báo chí vẫn phải là vì con người, vì công chúng, lấy công chúng làm trung tâm trong phát triển báo chí hiện đại.

baochi2

Một sạp bán báo ở Việt Nam. AFP Photo

Với việc kiểm soát hoàn toàn báo chí như tại Việt Nam, thì báo chí phục vụ công chúng như thế nào ? Giới hạn ra sao ? Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 27/6 nhận định với RFA từ Sài Gòn :

"Tạm chia báo chí là giải trí và tin tức thời sự. Về giải trí có thể nói là thừa mứa, ê hề và thậm chí công chúng bội thực với rất nhiều sản phẩm nhảm nhí, cổ suý cho cách sống ích kỷ và đạo đức giả. Họ đưa những nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực từ nghệ sĩ cho đến doanh nhân… cổ suý cho cách sống để trở thành những người thành công. Hầu hết có một khuôn mẫu giàu có, xe hơi nhà lầu… họ lấy những câu phát ngôn của giới này làm châm ngôn cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ… Họ ru ngủ vào cách sống đó, thậm chí có những vị trọc phú phát ngôn rất ngớ ngẩn, không giúp ích được gì cho giới trẻ".

Về tin tức thời sự, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, dù cho báo chí truyền hình đưa một đề tài về chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục hay đối ngoại… thì người dân cũng chỉ nhận được những sản phẩm rất nghèo nàn, chậm chạp, khô cứng vì định hướng phải phục vụ cho đảng là tuyệt đối. Ông Già nói tiếp :

"Điều này Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã thừa nhận. Nói chung cả hai đề tài giải trí và tin tức thời sự, thì báo chí Việt Nam cung cấp những sản phẩm cho người dân… nếu gọi là món ăn thì đó là những món ăn không sạch, thực phẩm biến đổi gien… Ban đầu nó tốt đối với họ vì định hướng được dư luận, kiểm soát được tư tưởng toàn dân. Rõ ràng từ năm 1975 đến nay đảng đã làm được điều này".

Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cái mà Nhà nước Việt Nam cho là tốt vì đã ổn định chính trị, nhưng về lâu dài sẽ nguy hại. Ông Già cho rằng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên suy nghĩ việc này. Đó là gần nửa thế kỷ qua, cái tốt đó đã làm tha hóa về phẩm giá làm người và bệ rạc về tri thức. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói thêm :

"Chính hai điều này đã làm cho đất nước khó phát triển. Bởi vì sự phát triển chỉ là bề nổi, quan trọng là phẩm giá của một quốc gia ngày càng xấu đi trong mắt quốc tế. Thứ hai là năng lực của người dân ngày càng bạc nhược, đó là hai mấu chốt quan trọng mà báo chí đã góp tay làm mài mòn hai tính chất này rất lớn. Và đây chính là mối nguy hại cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam".

baochi3

Một người bán báo tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP Photo.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Một người dân ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 27/6 :

"Tôi phân biệc thành hai loại, thứ nhất là truyền thông, thứ hai là tuyên truyền. Việt Nam thì nặng tính tuyên truyền hơn là truyền thông. Nếu là truyền thông thì phải có lợi cho Nhà nước, nhưng nếu có lợi cho Nhà nước thì lại mang tính tuyên truyền, chứ không phải là truyền thông. Truyền thông là phải đa chiều, nhưng tuyên truyền thì chỉ có một chiều. Tôi có cảm giác những thông tin người ta muốn tìm hiểu, thì phải đọc báo nước ngoài để tìm hiểu truyền thông đa chiều. Còn đọc báo trong nước chỉ mang tính tuyên truyền có lợi cho nhà nước thôi, không có lợi cho người dân".

Tuyên truyền là công cụ rất hữu hiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Ban Tuyên giáo là cơ quan chỉ huy toàn bộ việc tuyên truyền của Đảng, hay nói cách khác là công tác tẩy não người dân, thuyết phục người dân, tin tưởng và theo Đảng Cộng sản. Dù thông qua internet và mạng xã hội, nhiều người cũng đã có được thông tin xác thực. Tuy nhiên một số đông người ở Việt Nam vẫn bị lừa bởi sự tuyên truyền của Ban Tuyên giáo thông qua báo chí nhà nước.

Tiến sĩ - nhà báo Hồ Bất Khuất, Trưởng ban biên tập Tạp chí "Gia đình và Trẻ em", khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho biết :

"Làm báo là phải tuân theo nguyên tắc đầu tiên đó là tôn trọng sự thật, chỉ nói sự thật thôi. Còn có những sự thật không nói được thì thôi, đành thế, rất tiếc là sự thật đấy không nói được. Thứ hai là báo chí Việt Nam thì có tổng biên tập, mình có thể viết nhưng người ta không in, biết chắc người ta không đăng cho mình thì cũng chả viết làm gì, thành ra nhiều sự thật đáng tiếc là chưa nói được".

Theo Nhà báo Hồ Bất Khuất, báo chí Việt Nam chỉ chưa nói hết được sự thật thôi. Theo ông Khuất, báo chí Việt Nam rất thận trọng, nhiều tin tức gì rõ ràng, được phép rồi mới đăng, mới nói… Nhưng ông Khuất cho rằng, nếu cứ kéo dài như thế thì sẽ không làm báo được. Vì một trong những chức năng của báo chí là thông tin phải nhanh, chính xác.

Nguồn : RFA, 27/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần, RFA tiếng Việt
Read 258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)