Chuyến thăm đánh dấu quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt ‘rất tốt đẹp’
Sự kiện tàu sân bay của Hoa Kỳ USS Ronald Reagan và nhóm tàu chiến hộ tống thăm Đà Nẵng từ ngày 25-30/6/2023 đánh dấu quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang ở mức ‘rất tốt đẹp’ và cho thấy hai quốc gia từng đối đầu trong quá khứ chiến tranh, nay đã trở thành ‘những người bạn tốt’ của nhau. Một chuyên gia về pháp lý, an ninh, chính trị khu vực và Biển Đông nói với Đài Á Châu Tự Do, ngay sau khi thăm Hàng không Mẫu hạm của Mỹ và dự sự kiện do hải quân Mỹ tổ chức tại Đà Nẵng.
- Ảnh Đại sứ quán Mỹ
"Chuyến thăm này rõ ràng đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng là quan hệ quốc phòng ở mức độ cao giữa Mỹ với Việt Nam đã có những bước tiến rất tốt", luật gia Hoàng Việt nêu quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt hôm 27/6, và ông chia sẻ cảm tưởng :
"Khi lần đầu tiên tôi được lên tàu sân bay USS Ronald Reagan, mà theo như phát biểu của Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper đây là tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ, khi lên đến nơi thì tôi cảm thấy một sự choáng ngợp, bởi vì con tàu này giống như một hòn đảo di động với 5.000 thủy thủ trên đó. Để duy trì được con tàu này, đòi hỏi phải có một lực lượng với sức người người, sức của rất lớn. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được lên một con tàu hàng không mẫu hạm mà đầy uy lực như vậy".
Về thông điệp chính mà hai phía Mỹ và Việt Nam đưa ra trong chuyến thăm của tàu USS Ronald Reagan khi tham dự sự kiện và thăm tàu, ông Hoàng Việt nói :
"Có bốn phát biểu, một là phát biểu của thuyền trưởng tàu sân bay này, thứ hai là của chỉ huy lực lượng hải quân số 5 của Mỹ trên con tàu hộ tống thuộc nhóm tàu hộ tống tàu sân bay, có hai tàu sân bay hộ tống USS Ronald Reagan ở Đà Nẵng, thứ ba là phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, và thứ tư là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh.
Tựu trung lại, những ý chính và nổi bật nhất là con tàu này là biểu tượng về sức mạnh và công nghệ của Hoa Kỳ với một tiêu chí là duy trì trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế nói chung, và trong đó có Công ước Luật biển (UNCLOS, 1982).
Cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhắc đến thông điệp này, hai bên đều vui mừng thúc đẩy chuyến thăm như là một dấu mốc trong sự phát triển nền quan hệ quốc phòng giữa hai bên và đặc biệt trong năm kỷ niệm quan hệ 10 năm đối tác toàn diện song phương và nói như phía Mỹ là không chỉ kể tới mốc đó, mà phải kể tới 28 năm khi hai bên bắt đầu bình thường hóa quan hệ.
Thế thì đó cũng là một bước tiến rất tốt, mặc dù trước đây Việt Nam và Mỹ đã từng là cựu thù của nhau, nhưng bây giờ hai bên đã trở thành những người bạn tốt của nhau và đặc biệt là hai bên tìm thấy những điểm chung, trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương quốc tế Liên Hiệp Quốc, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia đối với cả hai bên".
‘Việt Nam, Hoa Kỳ tìm thấy được nhiều điểm chung’
Đánh giá về quan sát của quốc tế và khu vực về sự kiện bang giao an ninh, quốc phòng Việt – Mỹ này, ông Hoàng Việt nói :
"Nói chúng, đây cũng là một sự kiện lớn bởi vì hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng kèm theo một loạt hoạt động giao lưu, trong đó có một số giao lưu giữa thủy thủ đoàn với những hội nhóm ở Thành phố Đà Nẵng.
Chuyến thăm này, như chúng ta biết, diễn ra trong bối cảnh thế giới đầy những biến động và đặc biệt trên khu vực Biển Đông, có đầy những căng thẳng, nên đây cũng là một thông điệp quan trọng của cả hai bên. Đó là bên Hoa Kỳ là cường quốc biển mạnh nhất thế giới bây giờ, với sức mạnh về quân sự, cũng như sức mạnh về chính trị và địa chính trị, nhưng Hoa Kỳ cam kết tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đương nhiên, Việt Nam tìm thấy điểm chung ở Hoa Kỳ, trong đó có việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chúng ta thấy trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt qua cuộc chiến ở Ukraine, rằng nhiều cường quốc trên thế giới phớt lờ luật pháp quốc tế và họ có thể làm những gì mà họ muốn. Trong bối cảnh đó, những quốc gia có thể nêu cao tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như Công ước Luật Biển, thì đó là một điều hết sức quan trọng.
Và chắc chắn với sức mạnh của Hoa Kỳ, cũng như căng thẳng trên thế giới mà chúng ta đã biết đến là cuộc đối đầu quyết liệt giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, trong đó các nước ASEAN được mô tả là đôi khi bị áp lực phải chọn bên, mà chắc chắn là Việt Nam đã tuyên bố là không chọn bên nào. Việt Nam chỉ muốn đây là một hoạt động bình thường nâng cao mối quan hệ, cũng như đúng với chủ trương của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ".
Ngay trước sự kiện tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tới thăm Đà Nẵng, một tàu chiến và tàu khu trục trực thăng của Nhật Bản cũng đã cập cảng Cam Ranh, cùng với một loạt hoạt động khác nữa, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, các diễn biến này cho thấy Việt Nam đã giữ đúng tôn chỉ và nguyên tắc về quan hệ quốc tế của mình, ông nói :
"Chắc chắn là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung như vậy, sẽ có những đánh giá khác về sự kiện này. Và đặc biệt, người ta đang nhìn vào xem phản ứng của Trung Quốc nhân dịp này như thế nào".
Bình luận về chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cùng trong thời điểm này, ông Hoàng Việt nói :
"Thực ra Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc, rõ ràng là với phía Trung Quốc, quan hệ với Việt Nam chưa hẳn là quan hệ quan trọng nhất, nhưng đối với Việt Nam, quan hệ đối với Trung Quốc rất quan trọng, bởi vì Việt Nam là một quốc gia nằm cạnh Trung Quốc, mà Trung Quốc là một cường quốc đang lên với đầy sức mạnh.
Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc và dự Diễn đàn WEF cho thấy một mặt phía Việt Nam thể hiện quan điểm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, Việt Nam không nghiêng về một bên nào, Việt Nam cũng không chỉ đón tàu sân bay của Mỹ, và mặt khác, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Trung Quốc, ngoài việc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đó cũng là một dịp Việt Nam muốn nói với Trung Quốc rằng Việt Nam luôn luôn coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng đó là thông điệp lớn nhất của chuyến đi, mặc dù có thể nói chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều mục tiêu kèm theo, song đó là thông điệp quan trọng trong bối cảnh này".
Toàn cảnh tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023. Hình : Đại sứ quán Mỹ
‘Quan hệ Việt – Mỹ ấm lên, Trung Quốc chắc chắn không hài lòng’
Khi được hỏi về khả năng phản ứng của Trung Quốc sẽ ra sao với chuyến thăm của tàu USS Ronald Reagan tới Đà Nẵng nói riêng và quan hệ nhiều mặt, trong đó có quan hệ an ninh, quốc phòng Việt – Mỹ mà theo giới quan sát đang có những dấu hiệu ‘ấm lên’ và ngày một ‘khăng khít’ hơn, ông Hoàng Việt đáp :
"Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không hài lòng với chuyện đó, thứ nhất là vì trong bối cảnh mà giữa họ và Mỹ đang cạnh tranh nhau quyết liệt và tranh giành nhau ảnh hưởng trên toàn thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á này.
Và thứ hai, Trung Quốc luôn luôn đổ lỗi cho Mỹ là một nguyên nhân quan trọng trong các nguyên nhân gây căng thẳng trên Biển Đông, cho nên Việt Nam, một quốc gia láng giềng với Trung Quốc, mà phát triển quan hệ với Mỹ, thì rõ ràng sẽ tạo ra việc không hài lòng đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên phản ứng của Trung Quốc như thế nào, chúng ta cần quan sát thêm, bởi vì một mặt Trung Quốc có thể có những phát ngôn tỏ ra ‘kiềm chế’, nhưng trong thực tế Trung Quốc có thể sẽ có những phản ứng theo kiểu khác.
Ví dụ như trên thực địa mà chúng ta đã thấy là những con tàu như tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn đang ở vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, sau đó đi vào vùng thềm lục địa của Malaysia, vậy thì Trung Quốc có thể phản ứng bằng việc những đội tàu của họ tiếp tục quay trở lại, như là cách mà họ đã làm với tàu Hướng Dương Hồng 10, hoặc là có những cách khác, v.v. Đó là những cách thức mà Trung Quốc phản ứng mà Việt Nam cần theo dõi thêm".
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 28/06/2023