Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/06/2023

Báo Trung Quốc bình luận việc Hàn Quốc liên kết Việt Nam khai thác đất hiếm

Trương Tĩnh

Ngày 26/6, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đăng bài viết của Trương Tĩnh, phóng viên tại Hàn Quốc của báo này dưới tiêu đề "Hàn Quốc bắt tay Việt Nam khai thác đất hiếm nhằm mục đích gì ? Truyền thông Hàn Quốc làm rùm beng vấn đề "Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc". Nguyên văn bài báo như sau.

hanquoc1

Ngày 24/6, tại Trung tâm R&D Samsung Electronics, Hà Nội, Việt Nam, Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (trái) giới thiệu robot di động đa hướng với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (giữa). Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kết thúc bằng việc "củng cố quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và mở ra một kỷ nguyên hợp tác hướng tới tương lai mới" — báo Korea Herald ngày 25/6 bình luận.

Theo tin của báo này, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Việt Nam đã nhất trí thực hiện các biện pháp nhằm củng cố hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi giữa hai nước. Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết trong một tuyên bố chung rằng hạng mục quan trọng nhất trong hiệp định là việc hai nước quyết định thành lập một trung tâm cung cấp khoáng sản cốt lõi liên quan đến khai thác đất hiếm ở Việt Nam.

Theo báo "Dong-A Ilbo" của Hàn Quốc, "Sự hợp tác của Hàn Quốc và Việt Nam trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như đất hiếm là để giảm sự phụ thuộc [của Hàn Quốc] vào Trung Quốc về vật liệu cốt lõi bán dẫn". Liên quan đến thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Việt Nam về việc thành lập trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng như đất hiếm, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói với Hãng thông tấn Yonhap rằng hành động này "không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào" và chỉ hy vọng chuỗi cung ứng công nghiệp của Hàn Quốc sẽ ổn định hơn.

Là nguyên liệu cốt lõi của các ngành công nghiệp tiên tiến như chất bán dẫn và pin xe điện, đất hiếm được gọi là "Gạo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Theo tin của báo "Nihon Keizai Shimbun" (Tin tức Kinh tế Nhật Bản), hiện nay các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng các khoáng sản chính được sử dụng để sản xuất những sản phẩm như xe điện, chất bán dẫn và điện thoại thông minh.

Hàn Quốc là một bên quan trọng tham gia các lĩnh vực nói trên, nước này có Hyundai Motor và nhà sản xuất chip lớn Samsung là những công ty phụ thuộc vào nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, do thiếu khoáng sản và nguyên liệu khác cần thiết để sản xuất các sản phẩm này, Hàn Quốc phải tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài.

Năm ngoái, Việt Nam sản xuất 4.300 tấn đất hiếm, gấp 10 lần so với năm 2021, theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Năm 2022, sản lượng khoáng sản đất hiếm toàn cầu sẽ là 300.000 tấn. Do tăng cường khai thác và cải thiện chỉ tiêu bóc tách, sản lượng đất hiếm của Trung Quốc sẽ đạt 210.000 tấn vào năm 2022, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của thế giới. Mặc dù sản lượng khai thác đất hiếm của Việt Nam hiện nay kém xa Trung Quốc nhưng trữ lượng của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đến cuối năm 2022, trữ lượng đất hiếm đã được xác minh của thế giới sẽ là 130 triệu tấn, trữ lượng của Trung Quốc sẽ đạt 44 triệu tấn và trữ lượng của Việt Nam là 22 triệu tấn, bằng một nửa của Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc, vào năm 2021, mức độ phụ thuộc (của Hàn Quốc) vào Trung Quốc về đất hiếm nam châm vĩnh cửu dùng trong xe điện là 86%, mức độ phụ thuộc về đất hiếm cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn là 54%. Ngoài ra, mức độ phụ thuộc Trung Quốc về lượng lithium, coban và mangan cần thiết cho vật liệu lưỡng cực của pin năng lượng mới lần lượt là 84%, 69% và 97%.

Nhật báo "Dong-A Ilbo" đưa tin rằng điều này có nghĩa là hầu hết các khoáng sản cốt lõi của Hàn Quốc đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài không mấy lạc quan về việc Hàn Quốc quay sang Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung đất hiếm thay thế cho Trung Quốc. Trang web "Ohmynews" của Hàn Quốc dẫn lời Jiang Mingjiu, giáo sư tại Đại học Thành phố New York, Mỹ, nói rằng Mỹ và Châu Âu sử dụng "giảm rủi ro" thay vì "cắt đứt" để định vị quan hệ kinh tế và thương mại của họ với Trung Quốc : Một trong những lý do quan trọng là quyền quyết định tuyệt đối của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm. Khi nhu cầu toàn cầu về đất hiếm tiếp tục tăng, Trung Quốc kiểm soát việc sản xuất đất hiếm toàn cầu, hiện tại không quốc gia nào có thể thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Trương Tĩnh

Nguyên tác : 韩国联手越南开发稀土,意欲何为?韩媒炒"降低对华依赖", , Global Times, People's Daily Online, 26/06/2023.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Tĩnh
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)