Việt Nam ngày càng gần Mỹ hơn, không mong đợi nhiều từ ASEAN ?
Khánh An, VOA, 01/07/2023
Những bước tiến ngày càng mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Việt Nam với "những người bạn của Mỹ" như Nhật, Úc, Philippines…, đặc biệt trong hợp tác an ninh, quốc phòng và đối phó với Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, đang ngày càng làm lu mờ vai trò của ASEAN trong việc giúp giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển giữa các thành viên với Trung Quốc, đồng thời đặt ra câu hỏi phải chăng Việt Nam đang xích lại gần Mỹ hơn thông qua những đồng minh của họ ?
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đến Đà Nẵng hôm 25/6/2023 được xem là một sự kiện quan trọng, cho thấy mối quan hệ đang được thúc đẩy tăng cường mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
ASEAN "không có vai trò quan trọng"
Hôm 23/6, Indonesia, quốc gia giữ quyền chủ tịch ASEAN năm 2023, thông báo quyết định dời địa điểm tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lần đầu tiên của khối 10 quốc gia Đông Nam Á sang một địa điểm cách xa Biển Đông. Động thái này không gây ngạc nhiên đối với giới nghiên cứu trong bối cảnh khối này luôn bị Trung Quốc tác động chia rẽ mạnh mẽ. Thêm vào đó, nguyên tắc "không can thiệp lẫn nhau" càng làm cho vai trò trung gian của khối càng trở nên mờ nhạt.
Cuộc diễn tập phi chiến đấu lần đầu tiên của khối ban đầu được dự định diễn ra tại vùng cực nam của Biển Đông, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, từ ngày 18-25/9. Tuy nhiên, cuộc tập trận đã được chuyển hoàn toàn ra khỏi tuyến đường thủy chiến lược tới Biển Nam Natuna trong hải phận của Indonesia. Quân đội Indonesia nói quyết định di chuyển địa điểm là một quyết định độc lập và "không có sự can thiệp" từ các quốc gia khác, theo Reuters.
"Người ta và ngay cả Việt Nam cứ nói về hợp tác với ASEAN bởi vì ASEAN là một khối, nhưng thực chất nó không có nhiều vai trò, không có vai trò quan trọng trong việc giúp cho những chuyện Trung Quốc gây rắc rối ở Biển Đông được giảm đi. Và rõ ràng Trung Quốc họ chia rẽ ASEAN rất mạnh, chia rẽ rất tốt", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói với VOA.
Đơn cử về việc đàm phán đã kéo dài 2 thập niên giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc ở Biển Đông, nhà nghiên cứu đang sống tại Hà Nội cho rằng đây sẽ là một viễn cảnh xa vời vì phía Trung Quốc chỉ "nói mà không làm" hoặc luôn đưa ra những yêu cầu "không thể chấp nhận được" khi ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù vậy, hai phía vẫn "giả bộ" thông báo về những "tiến triển" trong tiến trình đàm phán của họ, vẫn theo lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói với VOA, rằng "Trung Quốc không quan tâm đến việc thỏa hiệp. Điều đó đã không thay đổi, vì vậy tôi thấy rất ít hy vọng về một COC mạnh mẽ sẽ sớm được ký kết".
Tuy vậy, động thái hợp tác thúc đẩy COC giữa Việt Nam và Philippines vẫn rất ý nghĩa, theo giải thích của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Ông nói : "Đây là phép thử của lòng kiên nhẫn, mặc dù nhìn thấy là có rất ít xác suất hay khả năng tiến lên trong việc có được một COC với Trung Quốc, nhưng Việt Nam, Philippines và các nước khác vẫn phải cố gắng đóng góp cho nó, vì lập trường sẵn sàng đàm phán là một trong những điểm mạnh thể hiện trong tinh thần của Công nước về Luật biển (UNCLOS) 1982".
Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục không muốn tiến tới để có một COC hợp lý, hợp pháp và mang tính ràng buộc, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói con đường cuối cùng là ASEAN sẽ phải chờ đến khi có một sự thay đổi nào đó về mặt thể chế ở Trung Quốc.
Trung Quốc đang đẩy Việt Nam gần Mỹ hơn ?
Khi được hỏi liệu những hành vi gây hấn, cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây có đang đẩy Việt Nam đến gần với Mỹ hơn không, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng "không hoàn toàn như vậy" vì Việt Nam đã tính toán một chiến lược "tầm xa" và "lâu dài" trong việc đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không phủ nhận thực tế về việc tiến tới một mối quan hệ tốt hơn giữa Việt Nam và Mỹ đang được thúc đẩy "nhanh hơn trước".
"Nói cụ thể, nếu Trung Quốc càng gây ra nhiều chuyện với Việt Nam thì người Việt Nam sẽ gần gũi hơn với những người bạn của Mỹ, và chắc chắn sẽ gần lại với người Mỹ", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.
Tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Hai bên đã nhất trí cùng chung tay giải quyết những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.
"Một trong những lợi thế đáng kể nhất là việc hợp tác với Nhật Bản có thể giúp thế cân bằng bên ngoài của Việt Nam hiệu quả hơn", Tiến sĩ Ching-Chang Chen, Giáo sư Chính trị Quốc tế - Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề toàn cầu của Đại học Ryukoku tại Nhật, nói với VOA.
Theo Giáo sư Chen, với tư cách là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong khu vực, Nhật Bản có thể giúp cho Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản gần đây giới thiệu chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) cho các đối tác có cùng chí hướng đối mặt với "những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực". Chương trình này có thể tạo điều kiện cho Nhật Bản chuyển giao thiết bị và bí quyết cho Việt Nam để giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng vì Việt Nam và Nhật Bản đều có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc trên Biển Đông và quần đảo Senkaku, nên cả hai được xem như "những đồng minh tự nhiên".
"Nhật Bản, với tư cách là một nền kinh tế lớn, hỗ trợ cho Việt Nam về an toàn, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật hàng hải, bao gồm đào tạo, chuyển giao công nghệ và tặng tàu tuần tra biển. Cả hai đều có chung lợi ích để duy trì tự do hàng hải", Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales ở Australia, nhận định với VOA.
Tuy nhiên theo ông, "điều bất lợi chính là việc hợp tác hàng hải Nhật Bản-Việt Nam có thể bị Bắc Kinh xem là bắt tay chống lại Trung Quốc, và do đó có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt".
Mặc dù vậy, Giáo sư Thayer cho rằng cả Nhật Bản và Việt Nam đều thành thạo trong việc quản lý mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam là thành viên của ASEAN và khối này có cơ chế cộng 3 để giải quyết các vấn đề về kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh Nhật Bản, Việt Nam trong những năm qua cũng đẩy mạnh việc hợp tác với Philippines, một đồng minh lâu năm khác của Mỹ trong khu vực.
Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền vào năm ngoái, Philippines bắt đầu có những động thái cương quyết hơn đối với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình trên biển. Giữa bối cảnh thuận lợi này, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, "đương nhiên Việt Nam sẽ tranh thủ mối quan hệ cả về kiến thức cũng như vị thế của Philippines để làm sao thúc đẩy được lợi ích cũng như lợi thế của cả hai bên".
"Việc có một chính phủ Philippines đứng lên bảo vệ chính mình có lợi cho Hà Nội vì cách duy nhất để đẩy lùi thành công sự cưỡng ép của Trung Quốc là tham gia vào liên minh các quốc gia có cùng chí hướng", chuyên gia Poling của CSIS nhận định thêm với VOA.
Khánh An
Nguồn : VOA, 01/07/2023
**************************
Ngoại giao hải quân dồn dập giúp gì cho Việt Nam trên Biển Đông ?
VOA, 29/06/2023
Những hoạt động ngoại giao hải quân của Việt Nam với Nhật, Ấn và nhất là chuyến cập cảng của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan là hậu thuẫn quan trọng đối với Việt Nam trên Biển Đông, nhất là trong bối cảnh nước này bị tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, các nhà phân tích nói với VOA.
Một sĩ quan Mỹ đứng trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan nhân chuyến cập cảng Đà Nẵng từ ngày 25 đến 30/6
Ghé vào Đà Nẵng kể từ ngày 25 đến 30/6, USS Ronald Reagan là chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam trong thời hậu chiến, sau các tàu USS Carl Vinson hồi năm 2018 và USS Theodore Roosevelt hai năm sau đó.
Trước tàu sân bay Mỹ 5 ngày, tàu JS Izumo, khu trục hạm trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cũng đã ghé cảng Cam Ranh trong ba ngày ‘nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do’, các quan chức Nhật được tờ Nippon dẫn lời nói.
Một ngày trước chuyến thăm của tàu JS Izumo, hôm 19/6, tại New Delhi, Ấn Độ đã trao tặng cho Việt Nam tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Đây là tàu chiến nhỏ chủ yếu dùng cho mục đích phòng thủ bờ biển.
Hai chiến hạm Ấn Độ là INS Delhi và INS Satpura cũng đã cập cảng Đà Nẵng từ ngày ngày 19 đến 22/5 để thăm xã giao. Ngoài ra, tàu chiến các nước Anh, Pháp, Úc… cũng đã từng đến thăm và giao lưu với Hải quân Việt Nam trước đây.
Những chuyến ghé cảng này đều đã được lên kế hoạch từ lâu trước đó và không liên quan gì đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc tàu nghiên cứu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia mà VOA liên hệ cho biết.
Theo thông báo chính thức thì Mỹ gửi USS Ronald Reagan là để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ còn chiến hạm Ấn Độ đến Việt Nam trong bối cảnh hai nước vừa đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 2022.
"Việt Nam lên kế hoạch rất cẩn thận cho các chuyến viếng thăm của tàu chiến nước ngoài để đảm bảo cân bằng", Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, nói với VOA. "Thời điểm xảy ra những sự việc này chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp với việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông".
Đại tá về hưu Raymond Powell, lãnh đạo dự án Myoushu vốn theo dõi các hoạt động trên Biển Đông thuộc trung tâm Gordia Knot về Sáng tạo An ninh Quốc gia, Đại học Stanford, Mỹ, nhận định với VOA thời điểm USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng là ‘rất có ý nghĩa’ vì nó diễn ra ngay sau chuyến khảo sát dài ngày của tàu Hướng Dương Hồng 10 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Cam kết đến đâu ?
Trả lời câu hỏi mức độ cam kết của các cường quốc Mỹ, Nhật, Ấn đến đâu để chống lại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Carl Thayer nói ba nước này sẽ thể hiện năng lực tập thể đẩy lùi Trung Quốc bằng các cuộc tập trận chung trên Biển Đông và các cử chỉ của họ ‘cho thấy họ ủng hộ an ninh trên biển của Việt Nam trước sự bắt nạt ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trước khi đến Việt Nam, USS Ronald Reagan và JS Izumo đã có các cuộc diễn tập phối hợp trên Biển Đông hôm 11/6 để đối phó với các ưu tiên chung về an ninh biển và tăng cường tính phối hợp hoạt động trên biển.
"Đồng thời, Mỹ, Nhật và Ấn sẽ tiếp tục có sự hậu thuẫn chính trị và ngoại giao mạnh mẽ cho chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và trợ giúp Việt Nam xây dựng năng lực để duy trì an ninh trên biển", Giáo sư Carl Thayer nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ba cường quốc này sẽ không đi xa đến mức kích động một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra sự liên kết chính trị-ngoại giao giữa các cường quốc để đối phó Bắc Kinh trên Biển Đông, đáng chú ý nhất là việc các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan đã triển khai chiến hạm đến Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc sử dụng vũ lực và tàu chiến Châu Âu cũng đã tham gia tập trận liên tiếp với hải quân Mỹ, Nhật và Úc.
"Chúng ta đã chứng kiến sự liên kết lịch sử giữa các cường quốc biển để đẩy lùi Trung Quốc trên Biển Đông", ông nhận định và nhấn mạnh Việt Nam cũng có thể tận dụng sự hiện diện tăng cường của các cường quốc Châu Âu bằng cách cho tàu chiến của họ cập cảng và yêu cầu họ hỗ trợ năng lực.
Về phần Washington và Tokyo, ông Thayer cho rằng hai nước này đang ‘thiết lập sự hiện diện hải quân thường xuyên trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển lớn’.
‘Việt Nam cần hỗ trợ’
Trao đổi với VOA, ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là nhà nghiên cứu về Biển Đông, nhận định rằng điểm yếu về an ninh của Việt Nam đến từ trên biển và nước này không có nhiều tiềm lực và năng lực để phòng vệ cũng như khai thác biển nên ‘rất cần sự giao lưu và giúp đỡ của các cường quốc biển’.
Ông nhắc lại không chỉ Ấn Độ tặng chiến hạm cho Việt Nam, trước đây Mỹ và Nhật cũng đã từng viện trợ tàu cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
"Các diễn biến gần đây thể hiện rõ chủ trương của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ, đa dạng hóa quan hệ với các nước, đặc biệt là các quốc gia có sức mạnh trên biển", ông Việt nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng do chính sách ngoại giao ‘bốn không’ của Việt Nam, thì ‘chắc chắn sẽ không có chuyện Hà Nội liên minh quân sự với cường quốc nào đó để đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông’.
"Trong bối cảnh địa chính trị thế giới đầy biến động như hiện nay, đặc biệt là sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam phải rất là cẩn trọng trong việc tính toán vì Trung Quốc luôn lo ngại nếu Việt Nam có các hoạt động chung về quân sự và quốc phòng với các cường quốc", giảng viên này nhận định.
Mặc dù không liên minh quân sự nhưng Hà Nội vẫn có thể tham gia tập trận trên Biển Đông và có sự phối hợp về chính trị-ngoại giao với các cường quốc để ngăn cản tham vọng của Bắc Kinh, cũng theo lời ông Hoàng Việt.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải trấn an Trung Quốc và luôn thể hiện cho Bắc Kinh thấy rằng họ luôn ‘đặt quan hệ với Trung Quốc ở mức độ rất cao’, ông nói và chỉ ra chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào lúc này để ‘cân bằng quan hệ giữa các cường quốc’.
‘Sự giúp đỡ quan trọng’
Đại tá Raymond Powell cho rằng món quà tàu hộ vệ tên lửa mà Ấn Độ tặng cho Việt Nam vào lúc này ‘rất có ý nghĩa’ bởi vì Nga, nhà cung cấp vũ khí lâu năm cho Việt Nam, đang gặp nhiều vấn đề.
"Nga cần vũ khí cho cuộc chiến của họ ở Ukraine", ông chỉ ra. "Các nước mua vũ khí Nga có nguy cơ bị Hoa Kỳ trừng phạt và các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ khiến Nga khó lòng mua được phụ tùng để chế tạo vũ khí".
"Do đó, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều khoảng trống để Ấn Độ lấp đầy", ông Powell nói.
Giáo sư Carl Thayer thì cho rằng sự kiện hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng ‘chỉ là một bước nhỏ để tái điều chỉnh quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược vào cuối năm nay’.
"Vào những lúc mà Bắc Kinh tăng cường áp lực và Moscow bị cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam đã mở cửa để hợp tác quốc phòng rộng hơn với Mỹ", ông nói.