Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2023

Tiền bạc trong quan hệ giữa điện Kremlin và Wagner

Thanh Hà

Nga chi gần một tỷ đô la một năm để "mượn" quân của Yevgeny Prigozhin chiến đấu ở Ukraine, cắm rễ tại Trung Đông, tạo ảnh hưởng ở Nam Mỹ, "tham gia" khai thác vàng, kim cương, gỗ quý… ở Châu Phi.

tienbac1

Biểu tình phản đối Pháp và ủng hộ Nga tại Bamako, Mali, ngày 22/09/2020. AP

Vậy, dùng công ty lính đánh thuê Wagner, điện Kremlin "có lãi" hay không ? Thu nhập của Wagner từ đâu ra để có thể hiện diện từ Trung Đông đến Venezuela cùng lúc ? Tại sao ngoại trưởng Nga bảo đảm là Wagner tiếp tục hoạt động tại Châu Phi, đặc biệt là ở Mali và Cộng Hòa Trung Phi ?

Ba ngày sau cuộc binh biến bất thành của lực lượng Wagner, hôm 27/06/2023 tổng thống Vladimir Putin xác nhận sử dụng "ngân sách của Bộ quốc phòng và của Nhà nước để tài trợ toàn bộ" công ty do Yevgeny Prigozhin đứng đầu. Chỉ riêng trong giai đoạn "từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023 công ty Wagner nhận 86 tỷ 262 triệu rúp" -tương đương với gần một tỷ đô la Mỹ.

Chủ nhân điện Kremlin còn đi sâu vào chi tiết khi cho biết số tiền rót cho Wagner chủ yếu là "tiền mặt". Ngoài ra, nhờ hàng loạt các hợp đồng với bên quân đội Nga, công ty mẹ của Wagner là Concord Management and Consulting, trong năm vừa qua "lãi 80 tỷ rúp". Khoản tiền lãi đó như vây cao gần bằng khoản tài trợ của chính phủ Nga cho công ty lính đánh thuê mà Yevgeny Prigozhin chính thức điều hành từ 2014.

Wagner do Nhà nước Nga tài trợ

Trước chiến tranh Ukraine, tổng thống Vladimir Putin luôn mạnh mẽ bác bỏ mọi liên hệ giữa Nhà nước Nga với công ty lính đánh thuê Wagner do Yevgeny Prigozhin sáng lập từ 2014 nhằm "bảo vệ lợi ích quân sự của nước Nga ở hải ngoại". Ngay từ đầu, ai cũng biết rằng Wagner là cánh tay nối dài của Bộ quốc phòng và tình báo quân đội Nga nhưng phải đợi đến tháng 9/2022 nhà tỷ phú Prigozhin, chủ nhân hệ thống nhà hàng Concord có nhiều hợp đồng với các bộ, các cơ quan Nhà nước Nga nhờ quen biết với ông Putin mới nhận là "ông chủ" công ty quân sự tư nhân mang tên Wagner.

Công ty lính đánh thuê này hoạt động tại Ukraine từ 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, rồi hỗ trợ các lực lượng nổi dậy thân Nga trong "chiến tranh vùng Donbass". Tháng Giêng 2019 khi tình hình tại Venezuela nóng bỏng, lính của Wagner đã đổ bộ Caracas, bảo vệ tổng thống Nicolas Maduro. Năm 2020 tình báo Mỹ khẳng định Wagner nhận tiền của các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất để can thiệp vào Lybia (từ 2016). Trên mạng xã hội Vkontakte (tháng 9/2022), Yevgeny Prigozhin đã xác nhận tất cả những điều này. Tháng 2/2022 tổng thống Vladimir Putin "mở chiến dịch quân sự đặc biệt", chiến binh Wagner một lần nữa được triển khai tại Ukraine với nhiệm vụ ban đầu cuộc chiến, theo tiết lộ của tạp chí Times, là "trừ khử" Volodymyr Zelenski và giải tán chính quyền Kiev. 

Moskva đã "nuôi dưỡng" Wagner dưới những hình thức nào ? Chủ nhân điện Kremlin đã cho biết : Bộ quốc phòng và Nhà nước Nga "trả thù lao và tiền thưởng cho các chiến binh" và ngoài các khoản trợ cấp đó, thì chính phủ ký nhiều hợp đồng với công ty mẹ của Wagner hay với các hãng có liên hệ với Yevgeny Prigozhin.

Truyền thông quốc tế và giới quan sát cho biết thêm : Trong thời gian từ 2011 đến 2019 - tức là trước khi chính thức lập ra Wagner, "quỹ đạo làm ăn" của Prigozhin đã ký ít nhất "3 tỷ đô la hợp đồng với điện Kremlin để cung cấp các dịch vụ ăn uống". Thế nhưng trên đài truyền hình France 24, nhà nghiên cứu Thierry Vircoulon thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI chuyên về khu vực Trung và Nam Phi lưu ý, Yevgeny Prigozhin không chỉ làm giàu nhờ các nhà hàng và công ty cung cấp các dịch vụ ăn uống.

"Wagner không chỉ là một lực lượng bán quân sự, mà là một holding, tức là một công ty mẹ với rất nhiều các công ty con hoạt động tại Nga và ở nước ngoài. Đây là cả một mạng lưới các doanh nghiệp, một công ty đa quốc gia với những hoạt động bất hợp pháp. Holding đó do chính quyền Nga lập ra, do Nhà nước Nga điều hành dưới sự dẫn dắt của GRU - Cơ quan tình báo của bên quân đội Nga. Wagner được Nga tài trợ và cung cấp trang thiết bị quân sự. Điều đó đã được chính tổng thống Vladimir Putin xác nhận rằng Wagner là nước Nga và Nga tài trợ để "nuôi Wagner".

Dịch vụ nhà hàng, tấm bình phong

Các hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ ăn uống là vỏ bọc bề ngoài. Vế bảo vệ an ninh mới là cột trụ của quỹ đạo Wagner. Chiến binh Wagner khi thì "bảo vệ" các chính khách - như trong trường hợp bảo vệ tổng thống Venezuela, tổng thống Cộng hòa Nam Phi… , lúc thì "đào tạo" các lực lượng quân sự tại những nơi mà quân của Prigozhin can thiệp, hay bảo đảm an ninh cho các cơ sở kinh tế tại những quốc gia này.

Năm 2021 Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt một loạt các công ty bảo đảm dịch vụ nhà hàng Evro Polis, Mercury và Velada. Lý dó đó là những "tấm bình phong cho phép Wagner can thiệp vào Syria" từ 2015. Theo báo tài chính Anh Financial Times, Yevgeny Prigozhin đã dễ dàng "đánh thuế" 25 % doanh thu của các tập đoàn khai thác và sản xuất dầu khí Syria nhờ bảo đảm an ninh cho các khu vực này. Hoạt động đó cho phép Evro Polis riêng trong năm 2020 thu vào 130 triệu đô la cùng với thêm 90 triệu tiền lãi.

Nhưng Wagner không chỉ hiện diện tại Syria. Đất dụng võ chính của công ty bán quân sự này là Châu Phi. Thierry Vircoulon thuộc viện IFRI giải thích tiếp :

"Như vừa nói Wagner là một tập đoàn đa quốc gia với những hoạt động phi pháp, bao gồm từ buôn lậu vàng bạc đá quý đến buôn lậu gỗ, dầu hỏa, vũ khí… Tổ chức này hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới và có thể nói, đó là cả một mạng lưới quốc tế. Không biết được một cách chính xác là những hoạt động đó cho phép thu về bao nhiêu tiền và tập đoàn Wagner phải tài trợ đến mức nào cho các chiến dịch quân sự, như là ở Ukraine hay Châu Phi… Chỉ biết rằng, Yevgeny Prigozhin và thuộc hạ của ông ta không hưởng trọn gói lợi lộc từ những hoạt động phi pháp đó. Nguồn thu nhập này được san sẻ cho những người thân cận với Vladimir Putin bởi đơn giản đây là cả một chiến dịch do điện Kremlin điều khiển".

Lybia, Soudan, Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso, Mozambic hay Madagascar, Mali… Vòi bạch tuộc của Wagner đã vươn ra khoảng 15 quốc gia tại Châu Phi, một Châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên… Cộng hòa Trung Phi là điểm khởi đầu khá thành công của tập đoàn bán quân sự trong tay Yevgeny Prigozhin.

Châu Phi, "mỏ vàng" Wagner chia sẻ với điện Kremlin ?

Hôm 26/06/2023 ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định các chiến binh Wagner "đương nhiên tiếp tục công tác" tại Mali và Cộng hòa Trung Phi, hai "nước bạn" của Moskva đang bị "Châu Âu và Pháp bỏ rơi" nên đã phải cầu viện đến Wagner để đào tạo cho quân đội hai quốc gia này và bảo đảm an ninh cho giới lãnh đạo ở Bamako (thủ đô Mali) cũng như ở Bangui (thủ đô Cộng hòa Trung Phi).

Điều ông Lavrov không nói ra ở đây là cả Mali lẫn Cộng hòa Trung Phi vừa là bệ phóng để mở rộng ảnh hưởng chính trị, chiến lược của Nga tại Châu Phi, vừa là những địa bàn hoạt động kinh tế của tổ chức Wagner.

Le Monde (28/06/2023) ghi nhận, Prigozhin đã len lỏi vào trung tâm quyền lực Bangui từ 2018 một cách đơn giản : bảo vệ an ninh cho chính quyền, bảo vệ các chuyến chở hàng, đưa gỗ quý, kim cương, khoáng sản từ Cộng hòa Trung Phi sang Cameroon và đến cả vùng Vịnh. Đổi lại Wagner được quyền khai thác một phần các mỏ vàng, mỏ kim cương và nhiều hợp đồng kinh doanh màu mỡ khác.

Do là một tổ chức với nhiều hoạt động "mờ ám" không một thống kê nào xác định được rõ ràng về thu nhập của Wagner và nhóm này đã phải "nộp lại" cho giới thân cận với điện Kremlin là bao nhiêu. Song Mathieu Olivier phóng viên của báo Jeune Afrique, tác giả một cuộc điều tra mang tựa đề : Các nguồn tài trợ của Wagner : Cộng hòa Trung Phi và Cameroon, đất dụng võ của Yevgeny Prigozhin, trên đài truyền hình Pháp TV5Monde cho biết về hoạt động cụ thể của Wagner tại Cộng hòa Trung Phi :

"Ban đầu đây là một thỏa thuận giữa nhóm vũ trang UPC của thủ lĩnh Ali Darassa. Mỏ vàng Ndassima nằm trong khu vực nhóm vũ trang này kiểm soát. Tuy nhiên từ trước đến nay quân của Darassa chỉ khai thác một cách rất thủ công. Năm 2018 chính quyền Bangui ngầm thỏa thuận với Wagner để thuyết phục thủ lĩnh nhóm vũ trang UPC ký hòa ước với lại chính quyền trung ương ở Bangui, vãn hồi hòa bình tại Trung Phi. Nhờ qua trung gian của toán Wagner mà các bên đã ký được hiệp định Khartoum-Sudan vào tháng 2/2019. Đó chính là điểm khởi đầu cho phép lực lượng Wagner bắt rễ sâu hơn vào Cộng hòa Trung Phi và bắt đầu kiểm soát mỏ Ndassima. Đây là mỏ vàng lớn nhất và cũng là mỏ duy nhất làm ăn có lãi tại quốc gia này".

Nhà báo Pháp nghi nhận thêm càng phải can thiệp nhiều tại Ukraine, các hoạt động của Wagner tại Châu Phi càng tăng tốc :

"Từ một năm nay, nhất là từ đầu chiến tranh Ukraine, sự hiện diện của Wagner tại Cộng hòa Trung Phi càng rõ rệt hơn. Vì sao ? Do trước hết là lợi ích về kinh tế. Tập đoàn Wagner lâu nay đã xây dựng cả một mạng lưới doanh nghiệp, như là Lobaye Invest trong lĩnh vực quặng mỏ, hay Red Wood chuyên khai thác gỗ quý. Ngoài ra còn có rất nhiều các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực vận tải, xuất nhập khẩu hay là sản xuất rượu-bia…".

Trong bài tham luận hồi tháng 12/2021 chuyên gia về Nga ông Emmanuel Dreyfus thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường quân sự Pháp IRSEM ghi nhận : Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin từ những năm 2014-2015 chú trọng nhiều vào "Chính sách ngoại giao quốc phòng có nghĩa là tăng cường hiện diện tại một quốc gia qua một công cụ quân sự". Để hiện diện tại Châu Phi, đặc biệt là với những quốc gia ở phía nam sa mạc Sahara - trong số này bao gồm từ Mali đến Cộng hòa Nam Phi, Mozambic hay Sudan, Cameroon… , công cụ quân sự đó là tổ chức Wagner của Yevgeny Prigozhin. Moskva đã ký kết hơn 20 hiệp ước quân sự với các quốc gia trong vùng.

Vế kinh tế quan trọng không kém đối với điện Kremlin : phần lớn trong số những quốc gia vừa nêu là những "khách hàng mua vũ khí của Nga cần được quan tâm". Năm 2010 Châu Phi nam Sahara là nguồn tiêu thụ 10% xuất khẩu vũ khí của Nga, tỷ lệ đó đến cuối 2022 là 30%, theo tổng kết của Emmanuel Dreyfus viện IRSEM .

"Công tác tư tưởng" tại những vùng có xung đột

Đương nhiên bên cạnh đó còn có khía cạnh địa chính trị. Trong bối cảnh từ 2014 Moskva bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và nhất là từ đầu chiến tranh Ukraine tháng 2/2022 Nga lại càng cần đến Châu Phi hơn bao giờ hết - nhất là khi mà một số nơi như Mali hay Sudan là những điểm đối đầu trực tiếp giữa chính quyền Putin với phương Tây.

Trong hoàn cảnh đó đương nhiên Moskva duy trì các hoạt động của Wagner tại châu lục này. Hơn nữa ngoài hoạt động về quân sự, kinh tế, mọi người thường quên mất một chức năng thứ ba cũng lợi hại không kém của các chiến binh Wagner, như giải thích của nhà chính trị học Niagalé Bagayoko, chủ tịch công ty tư vấn African Security Sector Network với đài truyền hình France24 :

"Nói đến Wagner người ta chỉ tập trung vào vế quân sự và gọi đó là một tập đoàn lính đánh thuê mà quên mất rằng tổ chức này bao gồm ba hoạt động khác nhau. Một là công tác đào tạo các chiến binh như đã thấy tại Châu Phi, hai là Wagner tham gia vào các đường dây buôn lậu vũ khí, khai thác tài nguyên, vàng bạc, gỗ quý… thông qua hàng loạt các chi nhánh địa phương ở Châu Phi nhưng tất cả đều có liên hệ chặt chẽ với các công ty của Nga. Nhiệm vụ thứ ba rất quan trọng của Wagner là công tác tuyên truyền. Điểm này ít được nhắc đến. Chỉ riêng tại Mali, Wagner có khoảng từ 1.000 đến 1.200 "phần tử" có nhiệm vụ gây ảnh hưởng trong công luận, để trà trộn-thâm nhập vào các tổ chức hội đoàn trong xã hội dân sự, nằm vùng trong các tòa báo… Những thành phần đó không được tính trong danh sách các chiến binh của Wagner".

Với ngần ấy "công tác" tại những điểm "nóng" để phục vụ lợi ích của nhà nước Nga, không chắc rằng cái giá gần một tỷ đô la để đài thọ cho Wagner là quá đắt đối với Moskva.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 04/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 10635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)