Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2023

Căn cước - Nơi cư trú : Hậu quả do không rành tiếng Việt

Nguyễn Ngọc Già

Theo Sắc lệnh số 175-b ngày 6/9/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thẻ Công dân được sử dụng thay cho thẻ căn cước [1]. Thẻ công dân chứng nhận về nhân thân và những đặc điểm riêng của mỗi công dân, bao gồm : họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp... do Ủy ban hành chính xã, thị xã hoặc thành phố, nơi nguyên quán hoặc trú quán của công dân cấp cho công dân Việt Nam tuổi từ 18 trở lên.

cancuoc1

Thẻ Căn cước - chỉ với 3 con chữ, đủ nói về gốc tích và nhân thân của một con người - vốn được sử dụng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cho đến biến cố 30/4/1975. Lúc bấy giờ, Thẻ Căn cước được cấp cho từng người, khi lên 15 tuổi - ngưỡng tuổi chưa đủ để gọi là "Công dân", dù bất cứ dưới chế độ nào. Bởi một công dân, được biết có đầy đủ quyền với đặc trưng về "quyền bầu cử", được phép lái xe gắn máy và nhiều quyền khác, cũng như phải tự chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề trong cuộc sống và về pháp luật.

Bắt đầu từ năm 1976, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xóa bỏ "Thẻ Căn cước" để thay bằng "Giấy Chứng minh nhân dân" trên toàn cõi Việt Nam. Giấy này được cấp cho người đủ 14 tuổi trở lên. Tới năm 1999, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bỏ chữ "GIẤY" để rút gọn còn "Chứng minh nhân dân". Mất hơn 20 năm cùng tốn kém tiền của - nhân lực, người dân trút bớt gánh nặng "GIẤY" đè lên cuộc đời. Người đời cười cợt : Không lẽ, một trẻ sơ sinh chào đời cho đến dưới 14 tuổi, chúng nó không phải là "nhân dân", cho đến khi được "nhà nước" cấp cho miếng giấy bọc nhựa hình chữ nhựt, nhằm xác nhận chúng nó đích thực là "nhân dân" của "TA" (?). Sau câu chuyện cười cợt, "nhân dân ta" tập quen dần và không thôi thắc mắc nữa. Bởi cuộc sống vào lúc bấy giờ, miếng ăn - manh áo - thuốc men, cùng vô số khốn khó bủa vây và chiếm lấy tâm trí của hầu hết "nhân dân... TA" ! 

Tới ngày 1/7/2012, Bộ Công an chính thức phát hành "Chứng minh nhân dân" bằng thẻ nhựa, thay cho thẻ giấy - có bọc nilon và có mã vạch.

Kể từ năm 2016, Luật Căn cước Công dân ra đời. nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chính thức xóa bỏ tên gọi "Chứng minh nhân dân" và gọi tên "Căn cước công dân". Rất tiếc ! Người được cấp thẻ cũng phải từ đủ 14 tuổi trở lên. Như vậy, bọn trẻ dưới ngưỡng tuổi này, kể cả trong độ tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi, chúng chưa thể làm "Công dân" và chúng cũng không còn được gọi là "Nhân dân" từ lâu rồi ! Có vẻ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng hiểu ra sự rối rắm - luộm thuộm và vô tình bỏ lọt thành phần "Mầm non của đảng", vốn chiếm giữ vai trò quan trọng vô cùng cho... "sự nghiệp cách mạng" (!), nên Bộ Công an đề xuất đổi "Căn cước công dân" thành... "Căn cước". Ôi Trời ! Mất gần nửa thế kỷ, tính từ 1975, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tốn biết bao nhiêu "mồ hôi - công sức - trí tuệ - tiền của", rồi cũng quay về sử dụng khái niệm quen thuộc những tưởng là quá vãng - khép màn từ lâu của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.

Mới đây, báo Tuổi Trẻ ra ngày 4/7/2023 cho biết : Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định, trong dự thảo "Luật Căn cước" được sửa đổi từ "Luật Căn cước công dân" không bắt buộc phải đổi "Căn cước công dân" thành "Căn cước", một khi người dân không có nhu cầu [2]. Người dân thật sự mệt nhoài, với việc sửa tới sửa lui chỉ có mấy con chữ tiếng Việt !

Chưa hết, ngày 21/6/2023, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an tiếp tục để xuất sửa "nơi thường trú" thành "nơi cư trú" trong căn cước. Ông Lâm giải thích : "...thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú…".

Trong tiếng Việt, chữ "trú" đã là nơi ở nhưng mang tính chất tạm bợ, như : "trú mưa" (chỉ trong quãng thời gian ngắn), "trú ngụ" (ở một nơi nào đó tạm thời), "hầm trú bom" (tạm lánh thân cho an toàn, với những đợt thả bom) hoặc "tá túc" (qua đêm, do lỡ đường, tại nhà bạn bè hoặc thân quen) v.v... Vì vậy, khi ghép chữ "trú" vào sau các chữ : "thường" - "tạm" - "cư", nghĩa là không hiểu gì về tiếng Hán - Việt, vốn dĩ tiếng Việt hiện đại vẫn buộc phải dùng mà không thể thay thế. Bởi thay thế không khéo sẽ rất thô kệch, như : Tú tài (một dạo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chối bỏ, để thay bằng Tốt nghiệp phổ thông trung học - vừa dài dòng vừa rối rắm lại vừa xấu xí) hoặc chữ "Cử nhân kinh tế" (bị thay bằng "Kỹ sư kinh tế"), "Thủy quân lục chiến" (bị thay bằng "Lính thủy đánh bộ"), v.v...

Việc thay đổi "Căn cước" và các chi tiết liên quan đến nó, ảnh hưởng quá lớn đến hàng chục triệu người dân và vô cùng tốn kém - phiền phức. Đáng buồn, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và Bộ Công an tỏ ra hời hợt trong suy nghĩ - yếu kém trong tiếng Việt, cho một việc rất cần am tường chữ nghĩa và một đầu óc khoa học - có tầm nhìn xa trông rộng.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 04/07/2023

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A9ng_minh_nh%C3%A2n_d%C3%A2n

[2] https://tuoitre.vn/khong-bat-buoc-doi-can-cuoc-cong-dan-thanh-can-cuoc-2...

[3] https://tuoitre.vn/doi-noi-thuong-tru-thanh-noi-cu-tru-tren-can-cuoc-con...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già
Read 337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)