Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2023

Biển Đông : Trung Quốc phá hoại tiến trình COC

Thành Châu

Các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN nhóm họp lại ở Jakarta vào tuần này, từ ngày 11 đến 14 tháng 7 tại Jakarta, một trong những nội dung quan trọng mà các bên sẽ trao đổi, đó chính là tiếp tục đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

ASEAN PMC dengan China

ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về Hướng dẫn thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông (SCS) trong cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Wang Yi, tại Jakarta (13/7) (Ảnh: Bộ Ngoại giao Indonesia)

Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN đã đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không mang tính ràng buộc vào năm 2002. Khi DOC không thể làm giảm bớt nguy cơ đối đầu trên Biển Đông, Trung Quốc và ASEAN quyết định bàn thảo về việc ký kết COC. Các cuộc tham vấn về văn bản COC đã được khởi động vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn tiến triển chậm.

Trong diễn biến mới nhất của năm 2023, Trung Quốc và ASEAN đều thể hiện mong muốn đẩy nhanh đàm phán COC. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm nay, Indonesia cũng tập trung thúc đẩy các cuộc đàm phán này.

"Chúng tôi lạc quan rằng chúng tôi có thể tăng tốc các cuộc thảo luận", Sidharto Suryodipuro, Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN của Bộ ngoại giao Indonesia cho biết như vậy (1 ).

Tuy nhiên, nhiều người sẽ không cảm thấy lạc quan như vậy. Từ đầu năm nay, Biển Đông đã luôn nổi sóng.

"Trung Quốc đang ngày càng quấy rối các tàu và máy bay hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế khi nước này gia tăng các chiến thuật bắt nạt đối với các nước láng giềng", Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết tại cuộc hội thảo Biển Đông mới đây do CSIS tổ chức (2 ).

Một học giả cũng là cựu quan chức Trung Quốc mới đây cho rằng, ASEAN và Trung Quốc có thể hợp trác trên nhiều lĩnh vực ở Biển Đông (3 ).

Nhưng nhiều quốc gia ASEAN liên quan đến tranh chấp Biển Đông cảm thấy không thể tin tưởng được điều này. Yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết diện tích Biển Đông đã khiến một số nước ASEAN tức giận. "Đường chín đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông có hình giống như lưỡi bò cắt vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Philippines. Tòa trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 đã ra phán quyết, theo đó cái gọi là "quyền lịch sử""của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng nước bên trong đường chín đoạn là vô giá trị.

Nhưng Trung Quốc tiếp tục khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông bằng cách gia tăng các hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo không có người ở cùng việc gia tăng các tàu xâm phạm và đe doạ các quốc gia ASEAN trên EEZ của họ.

Philippines là một trường hợp cụ thể. Dù dầu năm nay, Tổng thống Marcos đã có có chuyến công du Bắc Kinh, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó nhắc tới nhiều hoạt động hợp tác trên biển, thế nhưng, hồi cuối tháng 6, Lực lượng vũ trang Philippines đã tố cáo Trung Quốc tập trung 48 tàu cá xâm phạm trái phép EEZ của Philippines (4). Hồi tháng 2 năm nay, Philippines cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng đèn chiếu laser làm mù tạm thời một số thuỷ thủ của Philippines khi họ đang di chuyển tại khu vực Bãi Cỏ Mây (5). Năm 2022, Philippines đã gửi 193 công hàm để phản đối sự vi phạm của các tàu Trung Quốc đối với EEZ của họ (6).

Philippines không phải là quốc gia duy nhất chịu đựng các hành vi quấy rối này của Trung Quốc. Hồi tháng 5, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu đoàn tàu Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp EEZ của họ phải rời đi. Nhóm tàu của Trung Quốc chỉ rời khỏi EEZ của Việt Nam sau khi đã quấy rối 28 ngày trên vùng biển của quốc gia ASEAN này.

Malaysia và Indonesia cũng là nạn nhân tương tự của các hành động quấy rối này từ phía Trung Quốc.

Nền kinh tế Malaysia phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác dầu khí, chính vì vậy, Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng kinh tế của nước này. Đó là lý do Petronas tiến hành các hoạt động thăm dò trên biển, điều này đã làm Trung Quốc tức giận.

Trung Quốc đã cử các tàu hải quân đến "giám sát" Petronas khi tập đoàn này tiến hành thăm dò trong khu vực.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng xuất hiện gần khu vực thăm dò khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi Sarawak (Malaysia), nơi có trữ lượng khí đốt ước tính 3.200 tỷ foot khối và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2023. Kasawari dự kiến sẽ sản xuất 900 triệu foot khối tiêu chuẩn khí đốt và 3,5 triệu thùng khí ngưng tụ hằng ngày (7).

Trung Quốc cũng luôn nhăm nhe khu vực biển Bắc Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền. Hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã cho tàu hải cảnh CCG 5901, đi vào Biển Natuna đặc biệt là gần Mỏ Tuna do Indonesia quản lý.

Trung Quốc đã đồng thuận với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, một văn bản không hề có tính ràng buộc, và vẫn đang trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) mạnh mẽ hơn. Điều đáng nói là dù có giải thích thế nào đi nữa, Trung Quốc đã vi phạm DOC vốn cấm "các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp" và việc chiếm giữ lãnh thổ mới. Kể từ năm 2002, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự mới trên hàng trăm mẫu đất ở Biển Đông cũng như chiếm đóng Bãi cạn Scarborough, nằm trong EEZ của Philippines và là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.

Trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã cản trở tiến trình xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa, và thậm chí là cố gắng xói mòn nội dung của mọi thỏa thuận được đề xuất.

Bắc Kinh có vẻ thoải mái với việc "nói không đi đôi với làm". Một mặt, nước này có những động thái cho thấy họ sẵn sàng dùng bạo lực tàn nhẫn nếu cần thiết, trong khi các phát biểu nhằm tô vẽ và duy trì hình ảnh một Trung Quốc hiểu chuyện và không hề không hung hăng.

Với hành động của Trung Quốc như vậy, việc đàm phán COC khó mà thực hiện được trong tương lai.

Thành Châu

Nguồn : RFA, 13/07/2023

Tham khảo :

1. https://jakartaglobe.id/news/asean-to-hold-south-china-seas-code-of-conduct-talks-next-week

2. https://news.usni.org/2023/07/03/china-upping-bullying-tactics-against-neighbors-says-top-state-department-diplomat

3. http://comment.cfisnet.com/2023/0705/1328194.html

4. https://news.usni.org/2023/07/07/philippine-forces-spots-48-chinese-fishing-vessels-guarded-by-warships-in-its-eez

5. https://edition.cnn.com/2023/02/13/asia/philippines-china-coast-guard-laser-intl-hnk-ml/index.html

6. https://news.abs-cbn.com/news/12/19/22/philippines-filed-193-note-verbales-vs-china-in-2022

7. https://www.freemalaysiatoday.com/category/nation/2023/05/08/anwars-dilemma-over-malaysia-china-og-cooperation-in-south-china-sea/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thành Châu
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)