Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2023

Chuyến bay giải cứu : Cán bộ cộng sản cao cấp để lô chân tướng

Quốc Phương - JB Nguyễn Hữu Vinh

Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’ : Nhiều điều nực cười đến khó tin !

Quốc Phương, RFA, 13/07/2023

"Phiên tòa xét xử vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, mà thực chất ra có thể gọi là ‘chuyến bay cướp bóc’, bộc lộ nhiều điều nực cười". Đó là nhận xét của Luật sư Nguyễn Văn Đài với Đài Á Châu Tự Do trong ngày 13/7.

chuyenbay1

Phiên tòa xử 54 bị cáo tại Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" hôm 11/7/2023. Hình của TTXVN via AFP

Nhiều chuyện "nực cười"

Vị luật sư từ Đức quốc đồng thời cho rằng vụ xét xử trên cũng như các vụ xử án khác tiếp sau đó, trong chiến dịch đốt lò, sẽ được đưa ra xét xử tới đây, cũng sẽ không thể giúp nạn tham nhũng ở Việt Nam giảm đi.

Vẫn liên quan đến vụ án này, công luận đang đặt nhiều dấu hỏi về vấn đề liệu có ‘vùng cấm’ hay không trong vụ xử án này, khi mà một quan chức thứ trưởng Bộ Y tế có cấp dưới là thư ký nhiều lần nhận ‘hối lộ’ tới 253 lần với giá trị tiền bạc lớn đến 42,6 tỷ đồng như cáo buộc, lại không bị liên đới trách nhiệm nào (?!) trong khi đó, theo nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang, người có một chục năm kinh nghiệm làm hội thẩm nhân dân ở Tòa án nhân dân địa phương, nói với RFA Tiếng Việt rằng "…điều đó được hiểu như một cách ‘thách thức dư luận’.

Từ góc nhìn của mình qua phiên tòa xét xử vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, luật sư Nguyễn Văn Đài nêu thêm quan điểm riêng của ông :

"Rõ ràng ở đây, từ khi làm ra chính sách thực hiện ‘chuyến bay giải cứu’ những nhóm lợi ích trong bộ máy cầm quyền đã ngầm cấu kết với nhau để thông qua doanh nghiệp, móc tiền túi của người dân Việt Nam rồi, cho nên theo quan điểm của tôi, đây không phải là ‘chuyến bay giải cứu’ mà là ‘chuyến bay cướp bóc’, và chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam ở đây là họ đưa ra chính sách cho các quan chức và giới doanh nghiệp cấu kết với nhau, gọi là những nhóm lợi ích, để mà thông qua chính sách, thực hiện chính sách đó, mà lấy tiền của người dân, chứ không còn phải là giải cứu nữa…".

Luật sư Đài nhận xét rằng có rất nhiều chuyện buồn cười trong vụ xét xử này. Ông đưa ra ví dụ như trường hợp ông cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ông này khai nhận nhận hối lộ tới 37 lần, tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng VN, nhưng tại tòa ông cho rằng ông không nhận thức được đó là hành vi phạm pháp.

"Đây là một chuyện rất buồn cười, vì quan chức của tất cả các nước tự do, dân chủ trên thế giới không được phép nhận 'cảm ơn' từ các doanh nghiệp, cũng như từ người dân, thông qua những công việc mà anh có chức trách để phục vụ, bởi vì với các quan chức ở các nước dân chủ, bản thân họ phải hàm ơn người dân đã bầu cho họ, hay đã trao trách nhiệm cho họ, đấy là một vinh dự để họ phục vụ dân và đất nước", luật sư Đài giải thích.

Theo luật sư Đài, qua riêng vụ án này, và những hành vi được khai báo ban đầu trong phiên sơ thẩm trước tòa, có thể phần nào thấy được một vấn đề mà theo ông là ‘không thể chấp nhận’ được đối với nhiều quan chức trong chế độ, ông nói tiếp :

"Hay là ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chẳng hạn, ông ấy nói rằng ông nghĩ đấy không phải là tiền của ngân sách, nên ông nhận (tiền) rất là tự do. Một điều một quan chức tối thiểu phải hiểu là nếu như anh lấy tiền đó từ ngân sách để bỏ túi của mình, thì anh phạm tội tham ô, còn nếu anh nhận tiền từ người dân và doanh nghiệp để bỏ vào túi của mình, thì đó là tiền hối lộ. Hai điều đó được quy định rõ ràng ở trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, nhưng họ lại cố tình ‘không hiểu’. Ở đây, chỉ qua lời khai của hai quan chức như vậy, có thể thấy rằng nhận thức của họ rất ấu trĩ, không xứng đáng, mặc dù họ ít nhất phải tốt nghiệp đại học, cho đến có trình độ thạc sĩ ở Việt Nam. Rồi trải qua quá trình họ là đảng viên Đảng cộng sản, họ đã phải trải qua bao nhiêu lớp như là sơ cấp, trung cấp lý luận, với hàm Thứ trưởng, hay Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phải học đến cao cấp lý luận thì mới được vào (những vị trí) đó. Họ được huấn luyện rất bài bản, rồi họ còn được học tập ‘tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh’ nữa, thế thì tại sao những suy nghĩ của họ vẫn giống như những đứa trẻ thơ được sinh ra hồi đầu thế kỷ 20 ? Như thế không thể chấp nhận được !"

chuyenbay2

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng ra hầu tòa vụ "chuyến bay giải cứu" ở Hà Nội hôm 11/7/2023. AFP

Vẫn còn vùng cấm ?

Từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhà báo Võ Văn Tạo, cựu viên chức từng làm việc trong Bộ Thương Mại của Việt Nam thời kỳ trước đây, chia sẻ góc nhìn cũng trên quan điểm riêng của ông với Đài Á Châu Tự do :

"Tôi đơn cử và nhấn mạnh trường hợp của ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế. Những người chức vụ cao hơn ông dính dáng đến vụ án này, tuy rằng chưa đến mức độ phải đưa ra vành móng ngựa xét xử về tội trạng, nhưng cũng đã bị ‘cách chức’, mà người cao nhất là ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, rồi hai ông phó thủ tướng, trong đó có ông Phó Thủ tướng thường trực, Ủy viên Bộ Chính trị, là ông Phạm Bình Minh, rồi một ông Phó Thủ tướng nữa là ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng v.v…, những quan chức (bị xử lý) rất là nhiều, ví dụ như Bộ trưởng Bộ y tế, rồi Chủ tịch UBND Hà Nội v.v… Nhiều (trường hợp) lắm, thế nhưng người ta hỏi ông Tuyên là cái gì mà lại được như thế, rõ ràng đây là một trường hợp có thể coi như là ‘vùng cấm’".

Ông Tạo cho rằng đây là một công tác, một công vụ điều tra sơ hở, mà phải nói rõ là thách thức dư luận một cách trắng trợn.

"Tôi tin rằng với chức năng của mình, Hội đồng xét xử trong quá trình xét xử phải luôn luôn lưu ý những trường hợp bỏ sót người, lọt tội. Và nếu như Hội đồng xét xử này mà công minh, thì người ta có thể khởi tố vụ án, tuyên bố ngay rằng ông Thứ trưởng ‘thiếu tinh thần trách nhiệm’ liên quan vụ này. Nhưng tôi chưa hiểu là Hội đồng xét xử này làm việc có công tâm không, hay là có ‘chỉ đạo’ gì không ? Còn đến bây giờ, dư luận vẫn còn bán tín, bán nghi, và phần lớn trên mạng, người ta cũng nói là ông Tuyên 'chắc thoát, chứ không dính đâu'. Thì đó là những cái gay cấn nhất ban đầu. Tất nhiên là 54 bị cáo, quan chức nhiều bộ ngành khác nhau, đưa ra xét xử trong một vụ lớn như thế này, mà cơ quan điều tra làm không được kín cạnh, cho nên sẽ còn nhiều cái công luận đặt dấu hỏi". 

Từ những nhận định trên, ông Võ Văn Tạo cho rằng, những vụ xét xử như vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ không thể giải quyết được vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, ông lý giải tiếp quan điểm của mình :

"Hệ thống công quyền của Việt Nam có một đặc thù là không ai sống bằng đồng lương hết, và mọi quan chức của nhà nước đều coi rằng việc kiếm chác là chuyện tất nhiên, còn ai đó bị bắt là chuyện rủi ro, xui xẻo mà phải chịu thôi, họ đều coi chuyện ấy là chuyện bình thường, để tồn tại, để sống được".

Cũng theo ông Tạo, chiến dịch đốt lò đã có từ cách đây mấy năm rồi, chứ không phải đến đợt dịch Covid-19 mới xuất hiện. Tuy nhiên, ông cho rằng vì là chuyên án nên người ta chỉ mở đến chuyện này thôi, không có chuyên án nào có thể mở được hết tội trạng của các quan chức Việt Nam, nếu đối chiếu pháp luật.

"Cho nên chúng ta cũng đành hài lòng với chuyện lâu lâu lại ‘làm điểm’ như thế này thôi. Còn tôi cho rằng, ngay cả phiên tòa này nữa, thậm chí nhiều quan chức đi tù, thì nạn đó (nạn tham nhũng-PV) vẫn không thể chấm dứt được, bởi cơ cấu chính trị Việt Nam không có đối lập, chính trị không có đối trọng, không có tam quyền phân lập, cũng không có tự do báo chí, cho nên những tiêu cực, tham nhũng là quy luật tất yếu". - Ông Tạo kết luận.

Cũng về khía cạnh này, trên góc nhìn riêng của mình, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói :

"Tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng cho dù những ngày này họ đang xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’, rồi ít bữa nữa họ sẽ xử vụ Việt Á test-kit, vụ FLC, vụ Tân Hoàng Minh, hay là vụ Vạn Thịnh Phát… cho dù bao nhiêu vụ án đi chăng nữa, thì nó cũng không giúp cho vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam dừng lại và giảm đi. Bởi vì vấn nạn tham nhũng này đã được ‘thiết kế’ từ khi họ thành lập chế độ rồi".

Giải thích rõ hơn về nhận xét của mình, LS Đài nói :

"Để chống tham nhũng, chúng ta biết rằng phải có nhiều yếu tố nền tảng của nó :

Thứ nhất là hệ thống thang bảng lương phải làm sao bảo đảm cho các quan chức có thể đảm bảo cuộc sống, cũng như những nhu cầu thiết yếu của họ, như ở Singapore chẳng hạn, lương của họ rất cao, làm cho quan chức không muốn, hay không cần phải tham nhũng ; với mức lương của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, bản thân cuộc sống của họ (quan chức) còn khó khăn, trong khi đó quyền lực thì nhiều. Chỉ cần sử dụng một chút quyền lực thôi họ có thể kiếm được rất nhiều tiền, thì tại sao họ lại không tham nhũng.

Vấn đề thứ hai tôi cũng nghĩ là phải có đa đảng đối lập, đó là cơ chế để kiểm soát tham nhũng, thứ ba là vấn đề tam quyền phân lập, chính trị phải được phân nhánh ra như vậy để giám sát lẫn nhau. Thứ tư là phải có tự do báo chí, để báo chí cùng với người dân giám sát các quan chức trong quá trình tham nhũng. Và cuối cùng là vấn đề xã hội dân dự, cái này phải được đề cao nhất. Và thiếu tất cả những cơ chế nói trên, không một quốc gia nào có thể chống tham nhũng được cả, mà Việt Nam là một thí dụ điển hình nhất".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 13/07/2023

***********************

Vài suy nghĩ trước phiên tòa kỷ lục hôm nay

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 12/07/2023

Ngày hôm nay, tiếp tục phiên tòa xử 54 cán bộ, đảng viên là quan chức quyền lực ở các cơ quan trung ương và các địa phương ở nhiều Bộ, nhiều tỉnh, nhiều Ủy Ban, nhiều Thành phố trong cả nước. Đi cùng với các giám đốc các doanh nghiệp tham gia những chuyến bay mang tên "giải cứu" khi cả đất nước đang khủng hoảng cùng cực trong đại dịch Covid-19.

chuyenbay3

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khai nhận 21,5 tỷ đồng 'vì nể nang'

Nhận tiền thêm chỉ có… 7 lần. Mỗi giờ làm việc nhận hối lộ 16,6 triệu đồng.

Báo chí tha hồ khai thác những điều "được phép khai thác" đã vẽ nên một bức tranh gớm guốc mà nhìn vào đó, người ta có nhiều cảm xúc khác nhau. Những lời khai trước tòa, những chi tiết vụ án, những nét mặt bị cáo, những lời lẽ của quan chức rất hào sảng, rất đạo đức được nhắc lại trên mặt báo. Điển hình có lẽ chỉ cần nêu ví dụ như việc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khi nhận tiền doanh nghiệp hối lộ đã nói rằng : "Lần sau đừng đưa tiền nữa", nhưng, nói chỉ để mà nói, sau đó, Tô Anh Dũng đã nhận tiền thêm chỉ có… 7 lần.

Với 54 bị can được đưa ra trước vành móng ngựa hôm nay, dư luận đồn rầm rĩ rằng : đây chỉ là mấy con tốt thí, con số không thể và không chỉ là chừng đó. Ở đây chỉ là những thanh củi nhỏ thôi, còn những khúc củi lớn khác, hẳn là đã bằng "nhiều biện pháp nghiệp vụ" để tránh bị lộ đợt này. Chẳng hạn, người ta thắc mắc rằng Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chỉ từ tháng 9/2020 đến tháng 01/2022 tương đương với khoảng 320 ngày làm việc, anh ta đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng.

Như vậy, tính ra mỗi lần, anh ta nhận hối lộ trung bình 168,4 triệu đồng. Và tính đều cho 320 ngày làm việc, mỗi ngày anh ta nhận hối lộ 133,125 triệu đồng. Và tính trung bình cho mỗi giờ làm việc, anh ta nhận 16,6 triệu đồng.

Thế nhưng, người dân chưa rõ bằng "biện pháp nghiệp vụ" nào, mà Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lại lọt lưới trong vụ này ? Vậy ông ta trong sạch, ông ta không biết, hay ông ta không phải chịu trách nhiệm ít nhất là của người đứng đầu ? Hay tay Thư ký này nhận được hối lộ thì ăn "Cả giày lẫn tất" ?

Vậy cho nên, dư luận nhân dân khẳng định rằng con số, ẩn số chưa phải chỉ có ở đây.

Bằng chứng là chính Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, tuyên bố với báo chí rằng là con số tiền của thu lợi bất chính qua các vụ "Giải cứu" là hơn 4.000 tỷ với hơn 2.000 chuyến bay. Thế mà ở đây, con số nhận hối lộ chỉ mới có hơn 200 tỷ thì số còn lại đang nằm ở đâu ? Ai đang giữ nó ?

Với những tình tiết được phép đưa lên mặt báo, người ta đã có thể hình dung được nhiều điều của vụ án và qua đó, người ta có thể hình dung được hệ thống chính trị thể hiện qua các quan chức của chế độ đã thối nát và mục ruống như thế nào.

Kỷ lục ?

Đây có thể là một phiên tòa chứa nhiều "kỷ lục" trong lịch sử ngành Tòa án Việt Nam. Kỷ lục ở đây không phải là số bị can đứng trước vành móng ngựa hoặc một con số nào đó định tính rõ ràng hay được xét xử nghiêm minh.

Mà ở đây rất có thể đạt kỷ lục ở những mặt khác.

Trong khi cả thế giới đang bằng mọi cách đổ tiền của, tập trung mọi nguồn lực để cứu trợ người dân sinh sống, vượt qua những khó khăn trong đại dịch. Nhiều cuộc cứu trợ, nhiều khoản tiền rất lớn từ các chính phủ trên thế giới đã đổ ra cho mọi người dân giúp họ vượt qua đại dịch. Nhiều tình người, nhiều sự hy sinh của nhiều cá nhân, tập thể, quốc gia trên thế giới được hệ thống truyền thông nâng cao, nêu gương cho cả thế giới thấy rằng dù trong cơn khó khăn, quẫn bách bởi đại dịch lan tràn và nguy hiểm, thì tình người vẫn còn đó, trách nhiệm của những chính phủ, của những quan chức thật sự của dân, do dân và vì dân mặc dù ở đó, họ không cần một khẩu hiệu, một lời tự ca ngợi hoặc một hành động vinh danh hay "tự sướng" nào.

Đó là kỷ lục của sự tàn nhẫn, bất lương của những kẻ lợi dụng dịch bệnh để cướp nốt những đồng tiền cuối cùng trong cơn quẫn bách trước vấn đề sinh tử của người dân.

Đó là những đồng tiền của những người đã bỏ quê hương đất nước, bỏ con dại cái thơ, bỏ chồng con ở lại với cha mẹ già ốm đau để ra nước ngoài bán thân, bán sức lao động, bán mồ hôi máu xương và thậm chí cả nhân phẩm để kiếm mấy đồng bạc gửi về nước, giờ đảng và nhà nước với danh nghĩa "giải cứu" đã đến móc tận đáy túi họ những đồng cắc cuối cùng bằng được.

Đó là những đồng tiền của những học sinh ở xa đất nước vừa đi học vừa đi làm thêm để lo học phí, lo ăn lo ở, tích lũy kiến thức để về xây dựng đất nước. Thế rồi tin lời đảng, lời lãnh đạo rằng "Chẳng có đâu an toàn bằng Việt Nam", rằng "Nếu cột điện ở Mỹ có chân, nó cũng về Việt Nam" nên đám con cháu, học sinh đã bị lừa đôn đáo kiếm đường về quê hương.

Và đảng đã không tha, vẫn moi của mỗi đứa đủ 500 đola mới được đặt chân lên máy bay.

Đó cũng là những tù nhân ở Malaysia, vì sinh kế, vì biển nhà đã cạn kiệt nguồn sinh vật, bị cấm bởi "bạn vàng" kiếm không ra ăn phải đi biển xa và lạc vào biển của những đất nước lạ như Malaysia để bị bắt giam không ai biết. Đến khi dịch bệnh thân tàn ma dại bị chủ nhà đuổi ra khỏi tù, thì cán bộ của đảng đã kịp thời nặn đủ số tiền hàng ngàn đola của người nhà mới được về đất nước.

Có thể kể đến rất nhiều những trường hợp, những hoàn cảnh thảm thương của người dân Việt khi đảng và nhà nước gia ân "Giải cứu" trong dịch bệnh. Ở đó, hệ thống cán bộ đảng và nhà nước đã nhanh chóng, kịp thời tổ chức ngay lập tức những đường dây hết sức tinh vi, nhằng nhịt từ trung ương đến địa phương để bóp nặn người dân đến tận cùng.

Người ta nói rằng : Giá như những vấn đề quốc kế, dân sinh có lợi cho đời sống người dân, mà đảng và hệ thống cán bộ đảng, cán bộ nhà nước phát huy kịp thời như vậy, thì đâu có tình cảnh đất nước như hiện tại.

Phiên tòa này cũng có thể lập nên kỷ lục mới, đó là sự chứng minh nhanh nhất, rõ nét nhất bản chất của những cán bộ cộng sản, giữa lời nói và việc làm của họ.

Đến đây, hẳn phải nhắc lại một lần nữa của Cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa : "Đừng nghe lời Cộng sản nói, hãy xem việc Cộng sản làm".

Phiên tòa này cũng là một chứng minh điển hình của sự cạn ráo lương tâm con người không thể biện minh ở những quan chức cộng sản. Những lời khai của các bị can trước tòa khi đi xin giấy phép đã nói lên cái "lề lối làm việc" mà Hồ Chí Minh kêu gọi sửa đổi từ cách đây cả 2/3 thế kỷ. Để đến hôm nay, cách làm việc của cán bộ là quát tháo thẳng thừng rằng "mỗi chuyến bay phải có đủ 10.000 đola nộp vào đây mới nói chuyện".

Kết quả là gì ?

Một "Đại án" được khua chiêng gõ mõ khi khởi tố, công an, lãnh đạo đất nước tưng bừng quảng cáo việc khởi tố này rầm rộ, cứ như là họ bắt được kẻ thù là Đế quốc Mỹ hoặc Thực dân Pháp hay Phát xít Nhật nào đó, (trừ Bạn vàng của đảng) đã gây ra vụ "Giải cứu" này, chứ không phải do hệ thống cán bộ, đảng viên của Đảng đã nhanh chóng lập nên "chiến công" này vậy.

Nhưng kết quả đưa ra được những ai trước tòa hôm nay ? Với những kẻ đó, có đủ khả năng vận hành được bộ máy khắp cả nước với hơn 2.000 chuyến bay từ khắp thế giới về Việt Nam ?

Và phải chăng, vụ giải cứu này, chỉ xảy ra hối lộ, tiêu cực, chặt chém chỉ có mấy quốc gia loanh quanh Việt Nam thôi, còn từ Châu Âu, Châu Mỹ và nhiều nơi khác, người dân bỏ ra hàng chục lần tiền vé mới có một chiếc vé về quê hương thì sao ? Ai đã tổ chức những vụ đó ?

Và những lời lẽ rằng "kiên quyết, quyết liệt…" được nhắc đi nhắc lại đến mòn cả lưỡi, thì đến nay, mọi sự đã dần rõ ràng. Đó sẽ là kỷ lục của sự dối trá trước mắt của người dân rằng thì là "Không có vùng cấm, không chừa một ai" chỉ là sự lừa bịp hết sức trắng trợn như đã từng trắng trợn xưa nay.

Ở đây, những nạn nhân của hệ thống cán bộ, đảng viên của đảng, là những người dân thấp cổ bé họng, là giai cấp vô sản của đảng. Vậy nên, đây cũng là kỷ lục của việc minh chứng cách rõ ràng những lời tuyên truyền về "đội quân tiên phong của giai cấp công nhân" – một định nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam – chỉ là những sự bịp bợm với những người thiếu hiểu biết để bị lợi dụng mà thôi.

Vấn đề đặt ra, là Tòa cho rằng, số tiền 226 tỷ đồng đưa hối lộ là của doanh nghiệp nên sẽ tịch thu cùng với số tiền quan chức nhận hối lộ đã nôn ra, giờ sẽ đưa vào đâu ? Hẳn nhiên là không thể đưa vào Nhà nước. Bởi Nhà nước lấy số tiền đó, khác chi Nhà nước lại đi trấn lột lại của đám trấn lột kia.

Câu hỏi cuối cùng là để bảo đảm công minh, công bằng, thì những nạn nhân đã bị đám cán bộ đảng viên này gây thiệt hại, con số hơn 200.000 người, họ có được đền bù, trả lại tiền đã bị cướp đoạt nhân danh đảng "Giải cứu" mình hay không ?

Cứ chờ xem. Nhưng đừng hy vọng.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 12/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 317 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)