Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch.
Các hành khách chuẩn bị đáp một chuyến bay giải cứu về Việt Nam.
Đại án "chuyến bay giải cứu" đang khép lại. Nhà nước coi như đã xong việc của mình khi "dằn mặt" được một số quan chức hư hỏng và ban phát được một ít "công lý" cho người dân đang ngập tràn bức xúc. Với các nạn nhân, tòa tuyên cần : "liên hệ với các doanh nghiệp" để đòi lại quyền lợi của mình.
Một vụ án có số lượng người bị "móc túi" lớn đến như vậy thì các nạn nhân nên nghĩ đến việc khiếu nại, khiếu kiện tập thể để đòi lại quyền lợi. Sau đây là một số phân tích về pháp lý của Việt Nam và Quốc tế về vấn đề khởi kiện tập thể nhằm giúp các nạn nhân lựa chọn hành động.
Khởi kiện tập thể là gì ?
Theo Adam Hayes thì Kiện tập thể, hay còn gọi là – Class Action Lawsuits – là thủ tục pháp lý trong đó một hoặc nhiều nạn nhân thay mặt cho một nhóm các nạn nhân tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại một hoặc một số bị đơn đã gây ra thiệt hại cho nhiều người.
Nguyên đơn có thể là người tiêu dùng, người lao động, nhà đầu tư hoặc tập thể bệnh nhân. Bị đơn có thể là các công ty, các tập đoàn lớn và cả chính quyền.
Kiện tập thể có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ luật pháp Anh Mỹ (Common Law) nhưng đối các quốc gia theo hệ thống dân luật (Civil law) hay còn gọi là Luật lục địa (Continental law) thì luật pháp được thiết kế không theo hướng ủng hộ các loại hình kiện tập thể này.
Tuy vậy,luật pháp đang thay đổi và Châu Âu gần đây khuyến khích các nạn nhân riêng lẻ liên kết với nhau để tiến hành các vụ kiện chống lại các công ty đa quốc gia ngay tại chính các nước theo hệ thống dân luật, đặc biệt là để bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nạn nhân của những thảm hoạ môi trường do các công ty này gây ra.
Tại sao phải khởi kiện tập thể ?
Trong nhiều trường hợp phải tiến hành việc khởi kiện tập thể vì nói chung dân chúng ngại việc kiện cáo, nhất là khi lợi ích bị xâm hại không quá lớn. Việc khởi kiện tập thể, nếu theo luật pháp Mỹ, thì chỉ cần 2-5 người đại diện tiến hành việc kiện cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nạn nhân. Ví dụ trong trường hợp "chuyến bay giải cứu" thì chỉ cần một nhóm 3-5 người là có thể thay mặt cho toàn bộ - hơn 200.000 nạn nhân đã tham gia các chuyến bay.
Đặc điểm quan trọng nhất của việc kiện tập thể là bị đơn chỉ làm việc với một số người đại diện các nguyên đơn đứng ra khởi kiện mà thôi. Có nghĩa là các công ty bị kiện sẽ phải đối mặt với một bó đũa thay vì có thể "xẻ lẻ" hoặc bẻ gãy từng chiếc.
Kiện tập thể cho phép các thành viên mà lợi ích bị xâm hại liên kết lại với nhau cùng đòi quyền lợi lớn hơn vượt xa các chi phí kiện tụng. Một vài người hoặc luật sư có thể ứng trước chi phí và khi thắng kiện thì sẽ thu hồi phần đã chi, sau đó phân chia phần vòn lại cho tất cả nạn nhân.
Như đã đề cập, các hệ thống pháp luật khác nhau có cách tiếp cận về kiện tập thể khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì hình thức khởi kiện tập thể thông thường là Opt-out class actions (Lựa chọn không tham gia), nghĩa là khi một hành vi bị khởi kiện, tất cả những người bị thiệt hại đều đương nhiên trở thành nguyên đơn trừ khi họ xác định họ không muốn tham gia vụ kiện đó (opt-out).
Đối với các nước Châu Âu hay Nhật Bản thì hình thức khởi kiện tập thể là Opt-in class actions (lựa chọn tham gia) - nghĩa là một nhóm cùng khởi kiện hoặc uỷ quyền cho đại diện đứng ra kiện và chỉ những người tham gia hoặc uỷ quyền mới được xác định là nạn nhân.
Đối với Mỹ, khi khởi kiện, số lượng nạn nhân thường chưa được xác định cụ thể, thậm chí nạn nhân còn chưa biết họ là nạn nhân cho đến khi có phán quyết của tòa án, trong khi các nước Châu Âu thì cần đơn kiện hoặc văn tự uỷ quyền và thẩm phán biết rõ con số nạn nhân trước khi tiến hành xét xử.
Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam
Đối với thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, luôn có những cá nhân hoặc văn phòng luật sư tìm kiếm nạn nhân, xác định thiệt hại của họ để bỏ tiền "đầu tư" vào vụ kiện tập thể và hàng trăm vụ kiện lớn đã thành công.
Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có các căn cứ pháp luật cụ thể nào để tiến hành các vụ kiện tập thể.Điều 42 Bộ luật tố tụng Dân sự có quy định về việc "nhập vụ án" khi nhiều người cùng khởi kiện một cá nhân, hoặc một cơ quan tổ chức. Nghĩa là các cá nhân phải tiến hành nộp đơn khởi kiện riêng và Tòa có thể nhập các vụ án vào với nhau.
Trên thực tế, năm 2010, Vedan đã chấp nhận bồi thường 220 tỷ cho gần 8.000 nông dân sau khi hơn 4.000 lá đơn được nộp. Năm 2016, Formosa cũng đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho 4 tỉnh miền trung vì gây ra thảm hoạ môi trường. Tuy nhiên đó là những vụ "bồi thường thiệt hại ngoài toà". Nhà nước tiếp nhận các khoản bồi thường, tự đứng ra đánh giá mức độ thiệt hại và giải ngân tiền bồi thường mà bị đơn trả cho những nạn nhân.
Bên cạnh đó có nhiều vụ như "Nước Sông Đà nhiễm dầu" hoặc "Cháy nổ ở nhà máy phích nước Rạng Đông" tuy cũng gây ra thiệt hại cho nhiều người dân nhưng không có khởi kiện tập thể và dân chưa được đền bù.
Trong những năm gần đây, có nhiều vụ án liên quan đến đầu tư bất động sản - các nhà đầu tư cùng góp tiền để làm dự án nhưng cuối cùng dự án bị bỏ dở, không giao nhà hoặc nhà kém chất lượng, cho dù các nạn nhân đã gửi đơn kiện tập thể nhưng cuối cùng, chủ đầu tư, chính quyền, kể cả tòa án cùng tách bó đũa ra và "bẻ gãy từng chiếc".
Ví dụ có vụ án 76 người đã đầu tư vào Dự án bất động sản 584 Lilama SHB - dự án xây dựng căn hộ. Sau nhiều năm chậm trễ, vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư không trả tiền, cũng không giao nhà nên họ cùng nhau kiện tập thểnhưng cuối cùng họ vẫn thua cuộc, tòa phúc thẩm đã "chẻ" vụ kiện trên thành các vụ án riêng lẻ, bó đũa bị tách ra.
Đối với vụ "chuyến bay giải cứu" những người sử dụng dịch vụ, có thể tiến hành khiếu nại tập thể tại Việt Nam theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Các nạn nhân có thể tập hợp các chứng từ để chứng minh mua vé từ đâu, giá bao nhiêu, thiệt hại ra sao khi nộp đơn đòi bồi thường. Điều 5 của Nghị định vừa dẫn cho phép các nạn nhân "có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho luật sư" thực hiện khiếu nại. Luật pháp không giới hạn một văn phòng luật sư có thể nhận uỷ quyền cho bao nhiêu người nên luật sư có thể nhận uỷ quyền không giới hạn để tiến hành kiện về "cùng một nội dung".
Xác định đối tượng khởi kiện và cơ quan tài phán
Tuy nhiên trong vụ "chuyến bay giải cứu", các nạn nhân sẽ khó bồi thường thiệt hại của họ ở tại Việt Nam. Bởi vậy họ có thể tìm kiếm một hãng luật ở nước ngoài và khởi kiện tại một cơ quan tài phán ở nước ngoài, cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.
Để tiến hành các vụ kiện chống lại một pháp nhân nào đó theo luật pháp Hoa Kỳ, trước hết phải xác định pháp nhân ấy có hiện diện vật lý tại Hoa Kỳ không ? Có trụ sở và có đăng ký hoạt động theo luật pháp Mỹ không ? Hành vi gây thiệt hại có thực hiện trên lãnh thổ của Hoa Kỳ hay không ?
Ví dụ trong vụ "chuyến bay giải cứu" cần phải xác định đối tượng để khởi kiện là "chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp được cho phép thực hiện các chuyến bay combo hay là Vietnam Airlines ? Muốn vậy phải chứng minh chính phủ (bao gồm các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài) có can dự vào việc gây ra thiệt hại thông qua các chỉ đạo, yêu cầu hay không ? Các doanh nghiệp đã "phối hợp" những chỉ đạo, yêu cầu của chính phủ với tình thế lúc ấy để bắt chẹt người có nhu cầu như thế nào ? Vietnam Airlines liên quan ra sao - chỉ là bên được các doanh nghiệp có giấy phép thực hiện "chuyến bay giải cứu" thuê mướn hay cũng góp phần vào việc điều phối các chuyến bay ?
Bởi có hàng trăm ngàn nạn nhân nên sẽ có hàng ngàn tình tiết khác nhau, chi phí - thiệt hại khác nhau, và có lẽ chỉ những nạn nhân thực sự dám làm việc với luật sư mới giúp xác định đối tượng cần khởi kiện là pháp nhân nào ? Biết đâu sau khi tìm hiểu tất cả các yếu tố có liên quan, các hãng luật sẽ gợi ý một vụ kiện "combo" ?
Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch. Con đường sẽ rất dài và không dễ dàng nhưng những ai yêu mến công lý vẫn có thể liên hệ các hãng luật tại Mỹ để nhờ xem xét việc khởi kiện để bảo đảm sẽ không bao giờ có đại án nào kiểu như "chuyến bay giải cứu" trong tương lai nữa.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 10/08/2023
Các nạn nhân đi trên chuyến bay giải cứu đều nói với VOA rằng họ bị đại sứ quán của Việt Nam bỏ mặc, bị vắt kiệt tiền bạc, bị đối xử tàn tệ ở các trại cách ly và lên án những quan chức ‘ăn trên xương máu đồng bào’ nhân phiên tòa sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu vừa kết thúc.
Các hành khách chuẩn bị đáp một chuyến bay giải cứu về Việt Nam
‘Chuyến bay giải cứu’ là chính sách được cho là ‘nhân đạo’, ‘nghĩa tình đồng bào’ của chính quyền Việt Nam hồi cao điểm đại dịch Covid-19 để cứu những người Việt bị kẹt lại nơi xứ người, lâm vào cảnh khốn đốn.
Tuy nhiên, hành động ‘nhân đạo’ này hóa ra là cơ hội để các quan chức Việt Nam kiếm chác hàng trăm tỷ đồng từ các chuyến bay giải cứu bị tố cáo là ‘ăn tiền cắt cổ’. Tổng cộng đã có 54 quan chức và các chủ doanh nghiệp phải ra tòa về các tội ‘Hối lộ’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Môi giới hối lộ’ và ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn’, trong đó có bốn án chung thân được tòa tuyên hôm 28/7.
‘Đại sứ quán dửng dưng’
"Hành động đó được xếp vào diện đỉa hút máu người. Trong khi các nước khác hỗ trợ công dân người ta thì nước mình lợi dụng việc đó để trục lợi, đẩy người dân vào tình huống dở khóc dở cười", bà Nguyễn Minh Huệ, một nạn nhân chuyến bay giải cứu, bức xúc nói với VOA từ Hà Nội.
Lúc dịch bệnh bùng phát, bà Huệ ở Pháp cùng chồng và con nhỏ. Chồng bà là công dân Thụy Sỹ sống ở Pháp. Bà đi trên chuyến bay giải cứu từ Paris về thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11 năm 2021.
Bà nói vợ chồng bà đã mua vé máy bay về Việt Nam vào cuối tháng 7 năm đó nhưng khi ra đến sân bay thì được thông báo là ‘thời điểm đó Việt Nam không cho bất cứ người nào về’. Khi đó, bà đã phát hoảng và cùng chồng đến tòa đại sứ Việt Nam ở Paris nhờ giúp đỡ.
"Lên đấy bọn mình không được bất cứ sự trợ giúp gì của Đại sứ quán cả. Họ hầu như dửng dưng trước sự việc. Họ coi như họ không có trách nhiệm, mặc dù chồng mình cầu xin".
Bà nói lúc đó bà xem tin tức thì được biết chính quyền trong nước có chủ trương mở ‘chuyến bay giải cứu’. Khi bà hỏi Đại sứ quán thì được trả lời rằng ‘trên tivi nói thì lên tivi mà hỏi’.
Chồng bà do có công việc đầu tư ở Việt Nam nên đã xin được giấy phép lao động để được vào Việt Nam. Nhưng họ chỉ cho mỗi chồng bà về chứ ‘nhất định không cho vợ con về cùng’ dù bà có hộ chiếu Việt Nam, bà cho biết.
Vợ chồng bà đã bốn lần lái xe hơn 100 km từ nhà đến đến tòa đại sứ ở Paris để nhờ giúp đỡ, bà kể, và dù bà đã trình bày hoàn cảnh là visa sắp hết hạn, không biết lái xe, không biết tiếng, không có người thân ở Pháp và có con nhỏ nhưng họ vẫn nói ‘không’.
"Đại sứ quán bảo việc đó là việc của mình. Mình muốn được giải cứu thì phải nhờ người ở Việt Nam. Bao giờ họ nhận được công văn gửi sang Đại sứ quán nói đồng ý cho Đại sứ quán cấp cho giấy thông hành thì mình mới được phép bay trên chuyến bay giải cứu", bà Huệ kể.
Theo lời bà miêu tả thì ở tòa đại sứ Việt Nam ở Paris khi đó ‘có rất đông người đến xin cứu giúp’ và tất cả đều đứng ở sảnh hỏi vào. "Người ta còn không thèm tiếp mình, chỉ có một người thò đầu qua cửa kính, ai hỏi gì thì đưa văn bản vào cho họ đọc xong rồi trả lời, chứ hỏi miệng họ không thèm trả lời, gửi email không hồi âm, gọi điện không ai nhấc máy".
‘Lo lót ở Việt Nam’
Không được giúp đỡ, chồng bà khi đó đã quyết định về Việt Nam trước một mình, để hai mẹ con bà ở lại Pháp. Về đến Việt Nam, chồng bà đã nhờ người thư ký ‘chạy chọt lo lót thế nào đó’ để đưa vợ con về.
Bà nói mặc dù Đại sứ quán ở Pháp cho biết ‘nhiều người đăng ký quá nên chuyến bay giải cứu không còn chỗ’ nhưng khi ‘lo ở Việt Nam xong thì có suất về ngay’.
Đến đầu tháng 11 thì người thư ký của chồng bà mới báo là ‘đã lo xong’ và bà Huệ đã được cho về. Lúc đó bà mới nhận được email của Đại sứ quán ở Pháp thông báo giờ giấc chuyến bay và yêu cầu phải thanh toán tiền ở Việt Nam ngay lập tức thì mới được xuất vé. Ngoài tiền vé máy bay và chi phí cách ly mà người quen của bà thanh toán ở Việt Nam, bà nói còn phải chi thêm ‘tiền bồi dưỡng’. Tổng cộng hai mẹ con bà về hết gần 200 triệu đồng.
Cùng hoàn cảnh với bà Huệ, một nạn nhân chuyến bay giải cứu khác là bà Quỳnh nói với VOA rằng khi dịch bùng phát bà đang đi công tác ở Vilnius, Lítva, và bị kẹt ở đó. Bà Quỳnh nói với VOA từ Hà Nội nhưng không chịu tiết lộ đầy đủ họ tên vì ‘sợ bị chính quyền trừng phạt’.
Khi đó, visa của bà đã hết hạn và chính quyền nước sở tại do thông cảm với hoàn cảnh của bà đã gia hạn thêm cho ba tháng nữa. Bà nói bà đã cố gắng liên lạc các đại sứ quán Việt Nam trên khắp Châu Âu để xin về vì ở các nước Baltic, Việt Nam không đặt tòa đại sứ.
"Các tòa đại sứ đều trả lời rằng vì tôi chưa tiêm vaccine nên không được bay giải cứu", bà kể. Do đó, bà đã đến trung tâm tiêm chủng ở Vilnius để xin chích ngừa thì được họ yêu cầu là cần có xác nhận từ Đại sứ quán Việt Nam nhờ giúp đỡ công dân thì họ sẽ chích.
"Người ta kêu là người ta không có trách nhiệm hỗ trợ công dân trong việc tiêm vaccine như thế này", bà Quỳnh thuật lại câu trả lời của Đại sứ quán Việt Nam ở Thụy Điển.
Sau đó, bên trung tâm tiêm chủng nói rằng họ không cần giấy tờ, chỉ cần người của Đại sứ quán Việt Nam gọi sang xác nhận thôi thì họ sẽ cho tiêm nhưng đại sứ quán vẫn nói là ‘chúng tôi không biết’, bà nói thêm.
Đối đế, bà Quỳnh phải ra trung tâm y tế địa phương khai là dân vô gia cư để được chích ngừa. Nhưng vì chích chui nên bà cũng không được cấp mã QR, điều kiện để được tự do đi lại cũng như lên máy bay, bà cho biết.
"Họ gây khó khăn để mình không đăng ký được chuyến bay giải cứu do Đại sứ quán tổ chức", bà lên án Đại sứ quán Việt Nam.
Lúc đó, bà đọc được quảng cáo về dịch vụ chuyến bay giải cứu trên các hội nhóm trên Facebook. Họ bán vé về từ Đức hơn 80 triệu, bà nói, nhưng do bà không có mã QR nên sợ không được cho vào Đức. Họ khuyên bà mua vé bay từ Litva về Malaysia, vì lúc đó Malaysia cho vào tự do, sau đó đăng ký lên chuyến bay giải cứu ở Malaysia về Việt Nam.
Tiền vé bay từ Litva về Malaysia thì bà phải tự mua. Số tiền bà trả để được bay giải cứu về Việt Nam từ Malaysia là 69 triệu đồng, cộng thêm ‘tiền bồi dưỡng’ mười mấy triệu nữa tổng cộng gần 90 triệu đồng, bà kể, so với giá trọn gói bao gồm cách ly do Đại sứ quán ở Thụy Điển đưa ra là hơn 2.000 euro mà không có chỗ. Tuy nhiên, khác với đại sứ quán, dịch vụ bên ngoài không đòi hỏi gì về chích ngừa hay xét nghiệm. "Chỉ cần đóng tiền xong là xuất vé đi luôn", bà nói.
"Họ nói nếu chích ngừa rồi thì họ thu xếp cho cách ly chỉ một tuần thôi, thay vì hai tuần, nhưng phải trả đủ tiền cho hai tuần".
Chuyến bay giải cứu từ Malaysia về Cam Ranh, Khánh Hòa, mà bà Quỳnh đi hồi cuối tháng 12 năm 2021 ‘không còn một chỗ trống’, bà nói.
Khi được hỏi cảm giác khi về đến Việt Nam, bà Quỳnh bày tỏ : "Ối giời ơi, kiểu như xúc động ấy. Rất cảm ơn Đảng, Chính phủ đã cho mình về nước".
"Ở lại Lítva sẽ chết, visa thì không được gia hạn nữa, không có tiền bạc để sống, không kiếm được tiền, công việc ở nhà không bỏ được, con nhỏ ở Việt Nam thì mới vài tháng tuổi nên bắt buộc phải về", bà giãi bày. "Trong tình thế đó, có phải bỏ ra bao nhiêu tiền để được về cũng phải chịu".
"Lúc đó cứ tưởng Nhà nước mở chuyến bay đó phải bỏ ra rất nhiều tiền, phải trợ giá nên mới được giá như vậy", bà nói về cảm giác biết ơn lúc đó và cho biết bình thường đi từ Liva về Việt Nam ‘chỉ mười mấy, hai mươi triệu thôi’.
‘Cách ly tồi tệ’
Bà Quỳnh được đưa về cách ly ở Cam Ranh trong một tuần. Cách ly xong, bà mua vé bay về Hà Nội. Bà mô tả khu cách ly ‘mang tiếng là khách sạn mà như nhà trọ, rất tồi tàn’.
"Nó xuống cấp nhìn rất gớm, nhà vệ sinh rất tệ", bà nói. "Hai người vào một phòng. Cơm hộp ngày ba suất. Ngày nào cũng bị chọt mũi test nhanh".
Về phần mình, bà Nguyễn Minh Huệ đặt vấn đề trên chuyến bay của bà toàn bộ là người từ Châu Âu, trong đó có Đức, Ba Lan, Hungary…, về Hà Nội nhưng ‘tại sao lại đưa chúng tôi về thành phố Hồ Chí Minh ?’
Những hành khách trên chuyến bay của bà sau đó được đưa đến trung tâm cách ly vốn là ký túc xá dành cho sinh viên ở Bà Rịa. Bà cùng 5 người khác vào cùng một phòng trên tầng 5 mà bà mô tả là ‘giống như trại tập trung’.
Giường ngủ là giường có thanh sắt chỉ trải một tấm chiếu lên trên. "Họ lợi dụng cái đấy để bán cho mình đệm bông. Giá thị trường giỏi lắm chỉ 40-50 ngàn một chiếc mà họ bán đến 340 ngàn nhưng cuối cùng ai cũng phải mua", bà kể.
Do có con nhỏ mà không được cấp nước nóng nên bà phải bỏ ra 380 ngàn đồng mua một chiếc bình đun siêu tốc. Khi ra khỏi trại, bà nói bà phải bỏ lại bình nước đó để họ lấy lại ‘bán tiếp cho người đến sau’.
Về khẩu phần ăn uống ở trại cách ly, bà mô tả là ‘cực kỳ khủng khiếp’, đến nỗi bà phải đi hái thêm rau, đu đủ ở xung quanh trại và phải trả thêm 450 ngàn mua một con gà cho con ăn mà ‘dai nhai không nổi’.
"Đói quá ai cũng phải mua thêm đồ ăn. Mà đâu có ai đem theo tiền Việt thì trong đó họ có dịch vụ đổi euro, đổi đô la, bao nhiêu cũng đổi hết".
Trải nghiệm kinh hoàng nhất, theo lời bà, là khi kết quả xét nghiệm cho thấy ai đó bị dương tính mà bà mô tả là ‘bị đối xử như tội phạm’.
"Chỉ cần có một người bị nghi nhiễm thì thôi rồi. Họ phóng loa, gõ kẻng inh ỏi, sau đó họ dùng hết tất cả chất khử trùng phi vào phòng có người nhiễm xịt thẳng vào người, đem hết chăn chiếu ném ra ngoài sân, lùa hết mọi người trong phòng đó đi đến một khu khác", bà kể.
Bà Huệ tố cáo ‘trại cách ly cố tình giữ kết quả xét nghiệm lần cuối’ để đến ngày cuối cùng mới thông báo khiến cho mọi người phải cập rập đặt vé bay về Hà Nội vào phút chót và phải chịu mức giá gấp hai, gấp ba lần.
‘Muốn được bồi thường’
Theo dõi phiên tòa chuyến bay giải cứu, bà Huệ nói bà thấy rất ‘uất ức’. "Cái dã man là chính những người đang trong tình cảnh khốn khổ nhất thì bị lợi dụng nhất", bà bức xúc nói.
"Người Việt mình bị chính người Việt lột xương lột da. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, nhưng có gia đình có đến ba con nhỏ khốn khổ vô cùng".
Bà nói bà ‘rất mong được bồi thường’ nhưng thừa nhận ‘khác nào hái trăng trên trời’ nên bà cũng đành ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’.
Bà Quỳnh bày tỏ bà ‘không hài lòng với các bản án được tuyên’. "Vụ này lớn, người ta quan tâm nên xử rình rang như vậy thôi", bà nói và cho rằng án chung thân thì chỉ sau vài năm nếu cải tạo tốt hay chạy chọt thì sẽ được ra tù.
Các bị cáo bị đưa ra xử có cả đại sứ và nhân viên sứ quán Việt Nam ở Nhật, Malaysia, nhưng nhiều nạn nhân, trong đó có bà Quỳnh, bà Huệ, khẳng định còn rất nhiều tòa đại sứ Việt Nam ở các nước khác, nhất là ở Châu Âu và Mỹ, ‘chưa bị lôi ra ánh sáng’.
Bà Quỳnh nói bà ‘không quan tâm lắm đến án chung thân hay tử hình’ mà ‘chỉ mong họ trả tiền lại cho các nạn nhân’.
"Nói không phải chứ đi ăn cướp của người đi ăn cướp thì cũng là ăn cướp thôi", bà nói, ý nhắc đến việc các bị cáo nộp tiền vào công quỹ để được giảm án.
Nguồn : VOA, 06/08/2023
Vụ án "Chuyến bay giải cứu" khép lại sau 18 ngày xét xử, sớm 12 ngày so với dự kiến kéo dài một tháng. Có bốn bản án cao nhất được tuyên là chung thân đối với cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng ; nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ hơn 25 tỷ ; nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an Vũ Anh Tuấn nhận hối lộ hơn 27 tỷ và điều tra viên Hoàng Văn Hưng tội lừa đảo chiếm đoạt 800 ngàn đô la, tương đương hơn 18 tỷ đồng.
Xét nghiệm người dân hàng loạt theo chủ trương của chính phủ - AFP
Dư luận xã hội cho đây là ‘phiên diễn hài’ giữa 54 bị cáo hầu hết là đảng viên với hội đồng xét xử bởi những bản án tử hình được mua chuộc bằng tiền một cách công khai, chính thức trong pháp đình. Đặc biệt là hàng trăm ngàn nạn nhân là người dân bị thiệt hại tiền bạc vì phải mua những chiếc vé máy bay với giá trên trời, đã không được nhắc đến trong phiên tòa, và cuối cùng tiền của họ bị gọi là tài vật của vụ án đã chui vào túi Nhà nước với danh nghĩa ‘xung công quỹ’.
Với những phiên xử những đại án sắp tới như Tân Hoàng Minh, FLC…, đặc biệt là Việt Á với dàn bị cáo là những quan chức, những đảng viên và nhân dân là bên chịu thiệt hại vì những quyết định liên quan, liệu sẽ ra sao ?
Trao đổi với RFA về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh, tương tự vụ án "Chuyến bay giải cứu" vừa được xét xử sơ thẩm đã gạt bỏ hơn 200.000 nạn nhân ra bên lề phiên tòa, thì theo đó, nếu vụ án "Việt Á" không kết nối được sự lũng đoạn chính sách của các quan chức chính quyền làm lợi cho Việt Á gây chết oan cho hàng vạn đồng bào vô tội, thì đó chẳng phải là công lý mà là sự nhạo báng công lý một lần nữa mà thôi. Ông nói tiếp :
"Hỗ trợ việc kinh doanh của Việt Á, chính quyền chính thức ban hành các quy định buộc người dân trong tất cả tỉnh thành trong cả nước phải tham gia xét nghiệm Covid trong rất nhiều lần, nhiều ngày… để tạo cơ hội cho đơn vị y tế sử dụng kit test của Việt Á cung cấp.
Về phương diện y tế, việc xét nghiệm Covid trong một số trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc buộc người dân phải chịu sự xét nghiệm tràn lan bằng cách tập trung đông người trong cộng đồng dân cư đã gây lây nhiễm với mức độ không thể kiểm soát. Nhiều người bị lây nhiễm trong hoàn cảnh chưa được chích ngừa hoặc chích ngừa vắc-xin chưa đủ liều đã tử vong vì tình trạng lây nhiễm như vậy.
Đến nay, sau khi khởi tố hình sự đối với Công ty Việt Á và khoảng 30 vụ án khác có liên quan. Điều dễ dàng nhận ra là cơ quan điều tra chỉ điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của Việt Á như hối lộ, vi phạm đấu thầu… mà thôi. Trong đó, những quan chức chính quyền nhân danh phòng chống dịch để ban hành quy định gián tiếp hỗ trợ việc kinh doanh của Việt Á làm chết oan hàng vạn đồng bào đã được bỏ qua một cách cố ý như nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Từ "Chuyến bay giải cứu" đến "Việt Á" cho thấy, cán bộ từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo cao cấp đến nhân viên quèn, từ bộ này đến ngành khác, từ địa phương này đến tỉnh thành khác... hết thảy, đều chỉ chực chờ ăn cướp của dân lành mà thôi".
Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Việt Á) bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và lại quả cho các đối tác 800 tỷ đồng. Đến nay đã có gần 150 người bị khởi tố, trong đó có gần 100 quan chức ở cấp trung ương và địa phương, có cả những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ bao gồm : cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
Sau phiên xử "chuyến bay giải cứu’, một số chuyên gia trong ngành tư pháp cho rằng cần cải tổ lại toàn bộ nền tư pháp Việt Nam, nhất là nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ bị cho là không thống nhất trong cách hiểu của những người cầm cân nảy mực nơi pháp đình. Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông :
"Với những đại án sắp tới chưa xét xử thì mình cũng không nên suy luận theo kiểu bất lợi cho nhà nước theo kiểu ‘nền tư pháp này thế nọ thế kia…’. Nhưng thực tế qua vụ án này, niềm tin vào công lý của người dân đã bị sứt mẻ rất lớn. Tôi không tin vào khả năng sửa chữa vì bản chất và nền tảng pháp luật của những người tiến hành tố tụng là ‘án bỏ túi’. Bản án đã được quyết định ở những cấp cao hơn rồi. Đây là vấn nạn đáng buồn của công lý Việt Nam.
Gần như những lời góp ý, những phơi bày từ chính bị cáo như cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng mà đại diện Viện Kiểm sát không tranh luận nổi, cuối cùng vẫn kết tội ông này. Lẽ ra nên tách phần Hoàng Văn Hưng ra để bổ sung, điều tra lại. Việc này không trái quy định nhưng họ không làm. Điều này gây thất vọng với đa số người dân và đặc biệt với giới luật sư".
Luật sư Lê Quốc Quân cho RFA biết, ông không ủng hộ án tử hình, nhưng cách phiên tòa dừng xét xử để các bị cáo nộp tiền khắc phục rồi được giảm án làm mất tính nghiêm minh của tòa án. Ông nói thêm :
"Với phiên xử những đại án sắp tới thì tôi thấy cũng tương tự vụ án giải cứu này thôi vì đây là chủ trương của Đảng cộng sản rồi. Trung ương Đảng cộng sản có ban hành một Chỉ thị ngày 2/6/2021 nói về việc khắc phục hậu quả phải tiến hành quyết liệt. Nó được thể hiện rất rõ trong vụ án vừa qua. Cho nên ở đấy rộ lên tính chất mua bản án một cách công khai.
Do đó, tôi nghĩ tinh thần xét xử các vụ án sắp tới, đặc biệt là vụ án Việt Á nó cũng thế thôi. Mục tiêu vẫn là thu hồi lại tiền nhưng có thể không trắng trợn như phiên tòa vừa rồi. Theo tôi, cách thu hồi nên làm là bắt nộp phạt. Nộp phạt có thể cao hơn số tiền tham nhũng, và bị cáo không được giảm án với tội tham nhũng khi nộp tiền khắc phục. Điều 35 Bộ luật hình sự có nói quyết định mức phạt bổ sung căn cứ vào mức độ nguy hiểm và tài sản của người phạm tội. Họ chỉ ghi mức tối thiểu là 1 triệu. Không ghi mức tối đa. Cứ việc phạt mức thật cao, cao hơn số tiền đã tham nhũng thì mới diệt được tham nhũng".
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng tư diễn ra chiều 5/5/2023 tại Hà Nội, Phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, kết luận điều tra vụ án Việt Á phải kéo dài sang quý II năm nay chứ chưa thể hoàn tất trong quý I như dự kiến. Lý do của sự chậm trễ theo ông Tô Ân Xô là vì tính chất phức tạp của vụ án Việt Á và hiện có quá nhiều vụ án phải điều tra.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 04/08/2023
Bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi : Xét xử một đại án lớn đến như vậy, hàng trăm ngàn nạn nhân bị "trấn lột" giữa cơn quẫn bách nhưng giờ này họ đang ở đâu ?
Quang cảnh vụ xét xử "chuyến bay giải cứu". (Hình : Nguyễn Ngân)
Thế là "đại án" chuyến bay giải cứu đã khép lại bằng một bản án sơ thẩm với 3 án chung thân mà không có án tử hình. Số tiền tham nhũng vẫn chưa được thu hồi hết trong khi số tiền phạt bổ sung cho mỗi bị cáo nhận hối lộchỉ ở mức 100 triệu đồng.
Đối với quyền lợi của khách hàng đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay Combo, hồ sơ vụ án không có cho nên tòa không xem xét giải quyết. Tòa dành cho công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Trước đó khi bị đề nghị án tử, bị cáo Nguyễn Trung Kiên, đã nộp thêm 7 tỷ tiền khắc phục và đã thoát khỏi mức án phạt cao nhất. Ngày 17/7phiên tòa cũng đã tạm dừng để cho các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả ngay trước khi Viện kiểm sát đề nghị mức án.
Sau đó, Viện kiểm sát đã đề nghị giảm án cho một số người. Dự luận rộ lên vì tính chất "mua bán án" công khai và lo sợ điều đó sẽ trở thành thông lệ.
Sao không phạt gấp một ngàn lần số tiền tội phạm ?
Một điểm quan trọng là sự khác nhau giữa tiền "tội phạm" và "tiền phạt". Đồng tiền mà các bị cáo đã "đưa và nhận" trong vụ án hối lộ chính là phương tiện phạm tội, phải bị tịch thu.
Theo luật hình sự Việt Nam thì "phạt tiền" có thể là hình phạt chính hoặc là hình phạt bổ sung, đối với những vụ án tham nhũng thì hình phạt bổ sung, trong đó bao gồm cả "tịch thu tài sản" và "phạt tiền".
Khoản 3, Điều 35 Bộ luật hình sự cho phép các thẩm phán lựa chọn quyết định mức phạt bổ sung dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm và khả năng tài sản của người phạm tội. Luật pháp chỉ ghi mức tối thiểu mà không quy định mức tối đa.
Vì vậy các thẩm phán hoàn toàn có quyền ra một bản án bao gồm một khoản tiền phạt bổ sung đủ lớn, thậm chí lên đến 1.000 lần số tiền tham nhũng ngoài việc tịch thu toàn bộ phương tiện phạm tội tức là số tiền đưa và nhận hối lộ.
Thông thường các thẩm phán là người giàu có ở đô thị nên số tiền họ đang nói đến sẽ thấy bình thường nhưng khi lượng hình thì cần phải so sánh với toàn bộ đời sống của người dân Việt Nam.
Hãy nghĩ đến những đồng bào ở vùng sâu vùng xa, nhìn những công nhân lao động vất vả và số tiền lương lương hàng tháng họ nhận được để thấy rằng số tiền lấy số tiền chục tỷ, trăm tỷ nó lớn đến nhường nào.
Như vậy một bản án nghiêm khắc với hình phạt bổ sung một khoản tiền lớn mới đủ sức răn đe đối với quan chức và có khả năng tiêu diệt ham muốn phạm tội của người khác.
Công lý theo ý của Đảng
Điều 2 Luật tổ chức Tòa Án ghi rõ "Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý".
Bản án của tòa không đại diện cho ý chí của số đông, cho lương tâm và luật pháp bởi hơn 200.000 nạn nhân bị ngắt ra khỏi vụ án để phải tự kiếm tìm công lý cho riêng mình.
Nhiều người dân còn khẳng định đây là cách Nhà nước lấy lại tiền đã bị "trấn lột" của người dân giữa cơn hoạn nạn.
Giữa lúc rất nhiều người nghèo, người bất đồng chính kiến đang bị án nặng mà không thể tự giải cứu mình trong khi các quan chức có rất nhiều "tình tiết giảm nhẹ. Khoản 1, Điều 51 của Bộ luật hình sự quy định đến 22 tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Một quan chức bình thường khi đứng trước vành móng ngựa đều có thể kiếm ít nhất 2-3 tình tiết như"thành khẩn khai báo, có thành tích xuất sắc trong công tác, gia đình có công với cách mạng, bồi thường khắc phục hậu quả…". Nếu có hơn 2 tình tiết giảm nhẹ thì tòa có thể chuyển hình phạt xuống khung liền kề.
Một người dân thường sẽ "không có thành tích trong công tác" và việc khắc phục hậu quả bằng tiền là rất khó khăn. Đối với những người bất đồng chính kiến thì đã tự ý thức được công việc của mình làm nên không có cái gọi là "ăn năn" hoặc thành khẩn khai báo. Do vậy họ có tình tiết tăng nặng thay vì giảm nhẹ và thường bị án cao hơn nhiều.
Việc "khắc phục hậu quả" gần đây lại càng được triển khai mạnh theo chỉ thị04/CT-TW ngày 02/6/2021 của Trung ương Đảng cộng sản. Thu hồi tiền đang được coi như một chủ trương quyết liệt của công cuộc đốt lò nhằm thu hồi tiền tham nhũng.
Sợ hãi lấn át việc đòi tiền
Khi đóng cửa bầu trời để các chuyến bay "combo" xuất hiện là lúc chính phủ tung một tấm lưới vét khổng lồ giữa trời quang để những quan lùa các nạn nhân vào đó. Đầu tiên hành khách phải đi trên đường bay từ Mỹ hoặc Châu Âu về đi của một hãng hàng không nước ngoài với chỗ ngồi rộng rãi, cách ly đúng chuẩn nhưng khi đã bắt đầu về đến "Nhật bản hay Hàn Quốc" thì tất cả được túm lại, nhồi nhét lên Vietnam Airlines, không có một chiếc ghế trống.
Mỗi một chuyến bay "giải cứu" được thực thi xong tất cả các thành viên tham gia trên chuyến bay đều phải tập trung lại giơ tay cám ơn. Sau khi xuống khỏi chuyến bay "giải cứu" thì bị "hành" trong đó có việc "ngoáy mũi" hàng tiếng đồng hồ tại sân bay trước khi đưa về nơi cách ly mà điều kiện sống không khác tù nhân giam lỏng.
Rất nhiều nạn nhân đã chứng kiến việc vô lý xảy ra với mình hôm nay nhưng chưa một ai dám đứng ra để làm đơn kiện các cơ quan chính phủ trả lại tiền. Trong mấy chục năm cầm quyền bằng chuyên chính vô sản, chính quyền đã tạo ra một nỗi sợ hãi của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.
Nhưng ít nhất thì bây giờ trong bản án, tòa đã dành cho họ quyền được liên hệ với các doanh nghiệp để đòi lại quyền lợi của mình. Tôi đã liên hệ thăm hỏi với 3 nạn nhân mà mình biết để vận động đứng ra làm đơn kiện nhưng chưa một ai dám.
Họ sợ. Nỗi sợ đã ăn sâu vào tất cả những người con dân Việt Nam, ngay cả việc đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Hình như luật pháp và tòa án có vẻ vẫn là nỗi khiếp đảm của công dân.
Những câu hỏi còn lại
Công lý chính là lý chung được mọi người thừa nhận dựa trên hạt nhân là đạo đức và niềm tin vào pháp luật. Khi luật pháp đang tách những người có quan chức và quyền lực ra để được đối xử theo một hướng riêng bằng ý chí của đảng và bỏ lại các nạn nhân thì bản thân nó đã tạo ra sự bất công. Khi luật pháp bất công thì không còn là luật pháp. (Unjust laws are not laws).
Khi nhìn vào đại án chuyến bay giải cứu, ta mong muốn đi kiếm tìm công lý cho tất cả, nghĩa là tìm kiếm sự công bằng ai đã làm gì, hậu quả ra sao thì nhận được mức độ trừng phạt tương ứng. Tiếc rằng chúng ta chỉ thấy sự bất công dâng tràn ở mức cao nhất.
Bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi : chỉ có các vụ trưởng, thứ trưởng bị xét xử, 2 phó thủ tướng bị thôi chức, thế còn thủ tướng thì sao ? Thủ tướng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng vì những hành vi của cấp dưới của mình ?
Bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi : Xét xử một đại án lớn đến như vậy, hàng trăm ngàn nạn nhân bị "trấn lột" giữa cơn quẫn bách nhưng giờ này họ đang ở đâu ? Họ là sinh viên, người lao động và thậm chí cả tù nhân… những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của họ giờ đang ở đâu ?
Bao nhiêu người trong ngành tư pháp phải đặt lại vấn đề vềnguyên tắc "suy đoán vô tội" đã được quy định tại điều 13 - Bộ luật tố tụng hình sự ? Chiếc va li mã số 104 thực sự chứa 450 ngàn đô la hay chỉ có 4 chai rượu vang ?
Tiền lệ này không hề mới với những người bất đồng chính kiến mà đảng muốn tiêu diệt, nhưng sẽ là câu hỏi nhức buốt tinh khôi với tất cả quan chức mà đảng cũng đang muốn loại trừ.
Bản án của tòa đã không đại diện cho công lý. Nó chỉ thỏa mãn một phần bức xúc nhỏ nhoi trong đời sống của người dân Việt Nam, ngược lại, một chiều kích khác, nó gợi lên những suy nghĩ sâu sắc để chống lại bất công.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 02/08/2023
Phiên tòa xét xử đại án "Chuyến bay giải cứu" đã kết thúc, nhưng vấn đề được nhiều người dân quan tâm đó là liệu những nạn nhân, những người đã phải chi trả một khoản tiền quá mức cho vé và các dịch vụ khác sẽ được bồi hoàn hoặc bồi thường ra sao thì vẫn chưa được giải đáp.
Vậy triển vọng để những nạn nhân đòi lại công lý và lấy lại tài sản đã mất như thế nào ?
Mời quý vị theo dõi Hội luận sau cùng hai khách mời là Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ và Luật gia Bùi Quang Thắng từ Hà Nội.
Nguồn : RFA, 02/08/2023
Hơn 2.000 chuyến bay "giải cứu" suốt quãng thời gian dài, lại liên quan đến nhiều bộ ngành từ trung ương xuống địa phương, như thế mà tại sao không phát hiện kịp thời để ngăn chặn khi tham nhũng mới trong "tổ kén" ? Không ! Với trình độ nghiệp vụ "nhất nhì thế giới", Công an nhiều khả năng biết từ trước. Nhưng họ cần "nuôi án" ; có "nuôi án" mới có "án" và "chạy án"…
Cựu Thứ trưởng ngoại giao Tô Anh Dũng (giữa) bị công an dẫn giải ra ngoài toà ở Hà Nội hôm 28/7/2023
____________
Về vụ "chuyến bay giải cứu" vừa xử, giới chuyên gia sẽ còn "nâng lên đặt xuống" rất nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng quan trọng, cũng cốt yếu để phục vụ cho công cuộc "diệt chuột nhưng không được vỡ bình" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không hiểu sao lại có sự trùng hợp… Ngày "khai án" 11/7/2023 lại cũng đúng vào ngày một Quy định mới của Bộ Chính trị có hiệu lực. Cái Quy định 114-QĐ/TW về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm được cho là để chống chạy chức, chạy quyền (1).
Quy định gồm năm chương, 16 điều, nhưng không thấy điều khoản nào chống "chạy án" cả. Trong khi giới phân tích trong nước dự đoán rằng, sau vụ "chuyến bay" đã qua sơ thẩm và vụ "test kit Việt Á" sẽ xử nay mai, thị trường "nuôi án" và "chạy án" sẽ ngày càng tinh vi, sôi động chứ không hề giảm sút như Ban Nội chính Trung ương kỳ vọng.
Theo rò rỉ từ nội bộ – sau ba tuần xét xử tại Tòa Hà Nội như báo Điện tử Chính phủ công bố chiều 28/7 (2) – kết quả nghị án không phải là quyết định của Viện kiểm sát hay của Hội đồng xét xử. "Bay giải cứu" là một đại án được cho là thuộc "loại bỏ túi", nghĩa là, kết quả xét xử đã được Ban Nội chính Trung ương đưa ra trước ngày "khai án". Có như thế, chúng ta mới hiểu được phần nào bao điều phi lý và tréo ngoe diễn ra giữa chốn công đường, suốt cả ba tuần lễ. Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ với bình luận sắc sảo và chính xác của Gió Bấc's blog : Cuối cùng thì tòa cũng tuyên án theo hướng mà dư luận đã dự đoán và nghi ngại. Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều lần nhất, với số tiền lớn nhất trong số các bị can, đã được thoát chết. "Phạm Trung Kiên thoát chết, nhưng công lý bị treo cổ. Công lý bị treo cổ, nhưng kẻ thủ ác lại chính là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng" (3). Có nghĩa là các bị can tại phiền tòa chưa phải là những chính phạm trong vụ án, nếu không có những "chủ trương lớn" từ trên Trung ương và Chính phủ…!
Mà đằng sau bất cứ chủ trương nào của Ban Chỉ đạo, của Trung ương, kể cả của Bộ Chính trị, lập tức "đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/cao hơn núi, dài hơn sông"; với chí lớn… "ta đi tới không thể gì chia cắt". Bộ Chính trị muốn "chấn chỉnh" cái lập trường của một "bò đỏ cao cấp" nọ khi thị này phán "con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc" thì Trung ương mới ban hành Nghị định 114 do bà Trương Thị Mai ký nói trên.
Nhưng theo FB Nguyễn Huy Cường, "mặt trận tham nhũng" có vô vàn những thiết chế uyển chuyển và mềm mại, nguy hiểm và kín đáo, không nhất thiết phải qua con cái hay họ hàng. Các Quy định của bà Mai sẽ không thành công, bởi vì, cơ chế tham nhũng tinh vi và có "trăm lẻ một" cách vượt thoát các Quy định đó (4). Những "chiến sĩ tiên phong" này của Đảng không nhất thiết phải kết nối với người nhà, mà các đồng chí tập trung vận động, lobby những viên chức có thể từng là học trò, có thể là đồng hương đồng khói, từng làm với nhau trong một cơ quan cũ, hay cùng là "anh/chị/em "xã hội"…
Ngược đời nhất trong nhóm "đưa và nhận hối lộ" ở vụ án này là "ông tướng" Công an chức to tổ bố (ai biết giá cái ghế Phó Giám đốc Công an Hà Nội bao nhiêu triệu ông Washington ?) mà phải chạy tới nhờ một ông em "trung tá" quèn (mà cũng chỉ là ‘em xã hội’) và chịu để "thằng em" nó điều khiển (ít nhất là theo lời khai của ông Thiếu tướng).
Mượn ngôn ngữ "Những người khốn khổ" từ Victor Hugo (Pháp), chúng ta có thể đặt câu hỏi : "Liệu từ sâu thẳm những tâm hồn đen đúa nọ, có một thứ tòa án lương tâm nào sẽ được thiết lập nên để xử tiếp vụ chuyến bay giải cứu ?". Trường hợp này, hỏi là đã trả lời : "Chắc chắn là không !".
Bị cáo Trần Văn Dự tự thú nhận : "Số tôi đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được". Một lời gián tiếp tự thú rằng, những chuyến trước đây y đã lọt lưới pháp luật ? Đến cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 37 lần nhận hối lộ khi cấp phép các "chuyến bay giải cứu", tổng cộng 21,5 tỷ đồng mà vẫn khẳng định "không có mưu đồ, không đòi hỏi" chỉ là do "không nhận thức được" việc nhận tiền là vi phạm (!?). Biết bao nhiêu câu phát biểu ngô nghê đến độ khó tin từ những người cách đây một thời gian từng đóng vai trò quan trọng trong bộ máy quyền lực tại Việt Nam, thậm chí còn đại diện cho Đảng/Nhà nước trên trường quốc tế (Tô Anh Dũng đã cầm quyết định bay sang Nhật làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (!?).
Một khi khi Đảng đã ban phép cho tất cả bọn người này "chung lưng mở một ngôi hàng"… thì lập tức, những Bạc Bà, Bạc Hạnh cùng các Mã Giám Sinh ngửi ngay thấy "hơi đồng". Một mạng lưới cộng sinh xuất hiện, càng liên hoàn qua nhiều khâu càng tốt. Mỗi "chốt" có một VIP cầm đầu càng hay. Khó lộ và dễ bảo vệ nhau. Tại sao họ không sợ Công an ? Vì Công an cũng nằm trong đường dây.
Tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài bao giờ chả có vài ba anh an ninh. Họ là người của Bộ Công an khoác áo Ngoại giao nằm ngay trong Đại sứ quán, theo dõi luôn cả các Đại sứ. Không chuyện gì xẩy ra trong Đại sứ quán mà họ không biết. Riêng chuyện tăng giá visa, hộ chiếu và vé máy bay để ăn chặn tiền của kiều bào, đặc biệt là các "Việt kẹt" (do dịch bệnh), thì phải có sự thống nhất giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Khó mà có Đại sứ nào dám "một mình chống lại Mafia".
Cho nên mới có chuyện 2.000 chuyến bay mà chỉ có 700 chuyến bị thanh tra. Lạy Chúa lòng lành, gần hai phần ba các bị can tiềm năng thoát tội !
Rồi nữa, đúng như Xuan Vuong Nghiem mỉa mai trên "Tôi và Sứ quán" : "Nếu lấy số tiền nộp lại để làm thước đo giảm án thì đừng nói chống tham nhũng, hối lộ nữa. Những cán bộ chưa bị lộ sẽ yên tâm băm chém mạnh hơn" (5).
Hải Triều
Nguồn : RFA, 31/07/2023
Tham khảo :
(1) https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chay-an-van-beo-bo/7193738.html
(3) https://www.rfavietnam.com/node/7719
(5) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/?locale=vi_VN
Phạm Trung Kiên thoát chết nhưng công lý bị treo cổ
Gió Bấc, RFA, 29/07/2023
Đến hẹn lại lên, cuối cùng tòa cũng tuyên án theo hướng mà dư luận đã dự đoán, nghi ngại. Phạm Trung Kiên thoát chết, so với mức đề nghị của Viện Kiểm Sát, một số bị cáo bị tuyên phạt nặng hơn, có đến bốn án chung thân. Nhưng bản án đầy rẫy bất mình, né tránh vấn đề cốt lõi là quyền lợi của những khách hàng bị hút máu. Công lý bị treo cổ, kẻ thủ ác chính là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Không ai muốn ông Phạm Trung Kiên phải bị tử hình. Nhưng hành vi nhận hộ của Phạm Trung Kiên quá sức tàn nhẫn, mức hối lộ khủng khiếp lên hơn 41 tỉ đồng.
Dù biết trước nhưng người dân vẫn phải theo dõi vở đại hài kịch "xử án vụ chuyến bay giải cứu đến phiên cuối cùng" để rồi sự phẫn nộ, khinh bỉ những con thú đội lốt người nhân thảm họa đại dịch sử dụng quyền lực hút máu dân sang những người quyền cao chức trọng "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Bản án thật sự bùng nổ sự căm phẫn trong dư luận. Không thể quy kết đó là những thế lực thù địch lợi dụng phiên tòa để bôi xấu chế độ. Đây là tiếng nói của những công dân có trách nhiệm, có liên quan đến đại dịch và nền tư pháp.
Đồng tiền nhuộm máu dân
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, một "hiệp sĩ áo trắng" trong thời đại dịch vừa triển khai chương trình hỗ trợ oxy miễn phí cho người dân, vừa trực tiếp đi cứu chữa bệnh ở các khu cách ly, vừa liên tục đăng ý kiến phản biện với các biện pháp chống dịch hình thức, cực đoan, giả dối hành dân như ngoáy mũi, cách ly tập trung… đã bày tỏ sự bất bình cao độ với bản án. Bác sĩ Võ Xuân Sơn bày tỏ bất bình trên fb cá nhân :
"Lẽ ra, sẽ phải có rất nhiều án tử hình. Lẽ ra, sẽ phải có thêm nhiều người đứng trước vành móng ngựa. Lẽ ra, những kẻ đề bạt, theo dõi, quản lý số cán bộ này phải lãnh trách nhiệm về những việc làm của những kẻ này… Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở những kẻ được đưa ra xử mà thôi. Những đồng tiền nhuốm máu người dân được sử dụng để "khắc phục hậu quả", để giảm án cho bọn người vô nhân tính này.
Nói chung, thì còn nhiều cái để các bạn có thể bất bình lắm, hơn là việc đòi hỏi "gái điếm phải còn trinh".
Nhưng vụ án này cho thấy một vấn đề khác. Đó là chẳng mấy kẻ sợ cái lò đang cháy rừng rực cả. Cứ có cơ hội là chúng đớp, giống như bầy cá dồ, mới lấp ló là đã nhảy lên đớp. Ngày cả khi đám cá dồ này bị truy tố, thì lại có một đám cá dồ khác ngửi thấy mùi, và "đớp" để chạy án. Chúng chẳng sợ bị bắt, chẳng sợ bị lộ, chẳng sợ cái lò đốt cả củi tươi của bác tổng" (1).
Tâm trạng của bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng là ưu tư chung của nhiều người về phiên tòa và bản án sơ thẩm này. Vấn đề không chỉ là án nặng án nhẹ với người này hay người khác mà điều đáng thất vọng là qua phiên tòa này một lần nữa cho thấy trong thể chế Việt Nam, công lý không được thực thi, các cơ quan pháp luật không răn dạy người ta ăn ngay làm phải mà ngược lại.
Hình phạt nhân văn, không để có thêm một Xiêng Pênh !
Án tử hình là hình phạt nghiêm khắc, có phần man rợ mà nhiều nước đã bãi bỏ. Không ai muốn ông Phạm Trung Kiên phải bị tử hình. Nhưng hành vi nhận hộ của Phạm Trung Kiên quá sức tàn nhẫn, mức hối lộ khủng khiếp lên hơn 41 tỉ đồng. Chỉ là người thư ký, trung chuyển hồ sơ xin cấp chuyến bay mà mỗi mình Kiên đã cưỡng ép các doanh nghiệp chi số tiền khổng lồ như vậy. Cấp trên của Kiên, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, người có thẩm quyền ký duyệt lại trong veo, không tơ hào một xu nào thật đáng kính phục. Những sự việc nhận tội và nộp tiền 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả của Kiên trơn tuột, gọn ghẽ đến mức khó tin.
Dư luận chờ đợi bản án tử vì nhớ tới vụ lời khai trước pháp trường của tử tội Xiêng Pênh đã chỉ ra "ông trùm" ma túy cựu đại úy Vũ Xuân Trường. Nhưng mong muốn như vậy thôi, vì ai cũng biết Đỗ Xuân Tuyên quê ở Hưng Yên đồng hương với Bộ trưởng và hai Thứ trưởng Bộ Công an nên mãi mãi sẽ là người trong sạch.
Nhà báo Mai Bá Kiếm, nguyên Thư ký tòa soạn báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, đã bình luận rất dí dỏm, nhẹ nhàng mà sắc sảo : "Bị Viện Kiểm sát cáo buộc đã nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng và đề nghị mức án tử hình ! Nhưng, gia đình Phạm Trung Kiên đã nộp 42,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nên Tòa tuyên Phạm Trung Kiên mức án chung thân. Nếu Kiên không kháng cáo án sơ thẩm, coi như manh mối "trùm cuối" không còn. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên không phải là người thường, mà thành người cõi trên, vì có thư ký Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, mà ông vẫn giữ mình trong sạch vững mạnh, nên đạo đức sáng ngời, công đức vô lượng !" (2).
Lê Lai ngày xưa phải chết để cứu Lê Lợi. Ngày nay thì không cần. Đã có những Lê khác đứng sau dàn xếp.
Tăng án chung thân vì hát cương sai kịch bản !
Ở chiều ngược lại. Cái án chung thân của cựu trung tá Hoàng Văn Hưng càng làm dư luận bức xúc, bất mãn. Không ai tin Hưng bị oan, không ai than phiền bản án nặng nhẹ. Thái độ, bản lĩnh điềm tĩnh tự tin, sắc sảo của Hưng trước phiên tòa càng thuyết phục công luận Hưng là tay lão làng trong lĩnh vực điều tra và không thể nào vô tội. Nhưng điều dư luận bất bình là cung cách buộc tội của cơ quan tố tụng. Chỉ dựa theo niềm tin nội tâm và suy đoán có tội mà thiếu chứng cứ vững chắc.
Nhà báo Nguyen Yen, nguyên Thư ký tòa soạn mãng Nội Chính báo Lao Động đã có ý kiến nhẹ nhàng lưng lơ :
"Cãi phăng phăng tại tòa hẳn cũng là một lựa chọn "được cân nhắc" khá kỹ của một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm như Hưng.
Cũng hơi thắc mắc, sao Hưng không đề nghị thực nghiệm 4 chai rượu vang đặt trong chiếc cặp tài liệu.
Giá như nói rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo luôn tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội và dẫn chứng bằng số liệu thì rất thuyết phục rằng là vô tội. Án chung thân hẳn là Hưng không nghĩ đến".
Ý kiến này thu hút nhiều bình luận, trong đó nick Ky Mai đã thẳng thắn bày tỏ :
"Không phục nhất là cái án chung thân dành cho Hưng, thực sự ko dựa trên các chứng cứ mạnh mẽ mà gần như chỉ là sự trả đũa của tòa án với một bị cáo không chịu nhận tội.
Bị cáo có quyền bảo vệ mình và không nhận tội trong khi trách nhiệm chứng minh bị cáo phạm tội là của bên công tố (chứ cũng ko phải của thẩm phán). Việc kết án nặng họ với lý do "ngoan cố, không ăn năn hối cải" mang tính chủ quan nặng nề và có xu hướng đẩy nhiều người vô tội (ở đây ko nói tới trường hợp của Hưng) phải nhận tội để tránh bị xử nặng hơn (và nhiều án oan cũng từ đó mà ra). Các kết quả về phía tòa án sẽ "đẹp" hơn (vì họ xử được nhiều án hơn, không có án đọng, án tồn…) nhưng cán cân công lý đã bị đặt nặng quá ở một bên từ trước, ko còn là cái cân của một vị nữ thần Công lý bịt mắt" (3).
Đó có thể xem là ý kiến cảm tính, chủ quan của dư luận xã hôi. Nhưng với giới luật sư, những người am hiểu pháp luật thì mức độ bức xúc với bản án càng cao hơn và có căn cứ pháp lý, có lập luận phản bác rất vững vàng. Luật sư Trịnh Đình Dũng có bài viết trên FB với tưa đề :
‘Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng bị buộc "nhận 450 ngàn USD" lãnh án chung thân : Nền tố tụng hình sự như bị "đóng đinh" thêm "Tiền lệ suy đoán có tội"’
Bài viết này có 268 like, 60 bình luận và 18 lượt chia sẽ cho thấy sự quan tâm, đồng tình của xã hội rất cao.
Điểm qua tình tiết vụ án, Luật sư Trịnh Đình Dũng cho rằng : "….ề niềm tin nội tâm, mọi người đều cho rằng bên trong không thể chứa 04 chai rượu vang mà phải là mấy xấp USD. Niềm tin như thế là rất xác đáng, đúng với sự việc.
Nhưng dù sao thì cơ quan công tố không đưa ra chứng cứ có tính quyết định rõ trong vali chứa 450 ngàn USD, kiểu như ảnh chụp được ông Hưng mở vali lấy xấp USD.
Phía công tố lập luận theo hướng "xâu chuỗi các sự kiện" và "tin bên trong có chứa 450 ngàn USD".
Các sự kiện xâu chuỗi như : Thời gian nhiều lần gặp gỡ, nhờ vả, trao đổi, hướng dẫn, nhiều lần gặp tại, không ai biếu rượu vang mà mua vali samsonite đắt tiền để chứa, một trưởng phòng nghiệp vụ điều tra viên cao cấp không thể nhân ái đến mức nhiều lần gặp gỡ hướng dẫn cho bị cáo mà chính mình đang phụ trách điều tra chỉ để nhận 04 chai rượu vang, khi nhận ra đường đứng đợi nôn nóng…
Tòa đã đồng ý với lập luận của phía công tố và buộc cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng có "nhận 450 ngàn USD".
Suy đoán có tội
Luật sư Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến nguyên tắc pháp lý quan trọng là "Pháp luật luôn "nhắc nhỡ" bằng các quy định để người tiến hành tố tụng, đặc biệt là các thẩm phán, không được suy đoán có tội mà phải suy đoán vô tội.
Bởi suy đoán có tội có khi xử oan người vô tội. Tôi thử ví dụ trong trường hợp (nhưng khó tin trong thực tế nó xảy ra), nếu ông Tuấn lúc đầu thỏa thuận chuyển ông Hưng 450 ngàn USD nhưng nổi lòng tham đã tráo vào đó 04 chai rượu vang thì sao ? Nếu nó xảy ra thật thì có oan cho ông Hưng không ? Ví dụ như vậy chỉ để nhằm nói rõ hơn tính nguy hại của "suy đoán có tội"…
Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng lãnh án chung thân, thực ra cũng không ai thương tiếc gì, nhưng những người làm công tác liên quan đến tố tụng hình sự cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh vào bộ mặt tố tụng hình sự nước nhà" (4).
Hơn thế nữa, trong trường hợp này cả Viện, Tòa đều bỏ lửng số phận pháp lý của khoản tiền chênh lệch 1,8 triệu USD.
Suốt phần xét hỏi, Hưng nhiều lần thắc mắc, đề nghị Viện kiểm sát làm rõ mâu thuẫn "về số tiền ông Tuấn đưa cho Hưng là hơn 2,65 triệu USD, trong khi Viện kiểm sát chỉ cáo buộc Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Vậy hơn 1,8 triệu USD còn lại đang ở đâu ?".
"Tôi đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh số tiền 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không ?", bị cáo Hưng nói và đặt dấu hỏi rằng nếu ông Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD thì "có phải cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?" (5).
Bản án đã chấp nhận cho ông Tuấn nộp khoản tiền khổng lồ này mà không xem xét việc ông Tuấn đã dùng nó vào việc gì ?
Hợp pháp hóa tội ác hút máu dân trong mùa dịch
Nhưng điều đáng nói nhất là Hội đồng xét xử và cả Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dân sự hóa, hợp pháp hóa cho sai phạm pháp lý khổng lồ là việc lợi dụng dịch bệnh và danh nghĩa chuyến bay giải cứu để cưỡng đoạt tài sản người Việt ở nước ngoài bằng giá dịch vụ cao cắt cổ.
Tiền tham nhũng hối lộ mà tòa thu hồi từ các bị cáo không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ của ông của cha các bị cáo để lại. Tất cả đều đươc tính vào giá dịch vụ "giải cứu". Thế nhưng bản án nêu với quyền lợi của khách hàng đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, "hồ sơ vụ án không có tài liệu ; cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua. Chẳng hạn, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác. Do đó, Hội đồng xét xử nói không có cơ sở xem xét, giải quyết tại vụ án này.
Tòa dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi cho mình theo quy định pháp luật" (6).
Diễn nôm lại tuyên bố trên có thể nói gọn lại là "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túí"
Hành vi nâng giá dịch vụ người dân rên siết ai cũng biết nhưng công an không khởi tố, điều tra thì lấy đâu ra tài liệu hồ sơ.
Theo quy định tố tụng dù chưa đủ chứng cứ, nhưng phát hiện dấu hiệu tội phạm, Hội đồng xét xử vẫn có quyền ra quyết định khởi tố tại tòa. Thế nhưng trước tội ác tày trời, Tòa không khởi tố mà nói văn vẻ dành cho dân quyền yêu cầu giải quyết quyền lợi là cách phủi trách nhiệm, a tòng với tội ác.
Ban chỉ đạo là tổng đạo diễn
Đại án này do Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo, nên tất cả các động thái phủi tay của Công an, Viện, Tòa đều nằm trong tầm kiểm soát của Ban.
Như vậy sau khi năm Bộ kết nhau tống tiền doanh nghiệp thì lần này, đến lượt Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng công khai cho phép múc túi dân.
Nhiều ngày trước khi tòa tuyên án Luật sư Đặng Bá Kỹ đã dự đoán kết quả này và có bài viết : "Đòi lại tiền chênh lệch trong vụ chuyến bay giải cứu" : đường xa vạn dặm !".
Những người dân đã bỏ tiền ra để được "giải cứu" thông qua việc xác lập hợp đồng dân sự với doanh nghiệp. Vào thời điểm các bên xác lập hợp đồng, thì giao dịch này không bị khống chế về mức trần giá cả như các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá khác do Nhà nước kiểm soát như xăng, điện. Nên giả định rằng, nếu không xảy ra vụ án hình sự nêu trên, thì giao dịch dân sự mà các bên đã xác lập và thực hiện hoàn thành, coi như xong. Tuy nhiên, vụ án hình sự xảy ra, với những khoản tiền chung chi, với những lời khai của các bị cáo – Hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng : Đã có việc đẩy giá vé lên cao một cách bất thường, nhằm để doanh nghiệp có những khoản tiền chung chi. Hay nói cách khác, là các bị cáo đã có hành vi biến tài sản hợp pháp của người dân trở thành "công cụ phương tiện phạm tội" trọng vụ án hình sự đang xét xử nêu trên. Hiểu na ná như : A trộm xe của B, sau đó dùng xe này đi cướp giật tài sản của C, thì A phạm cùng lúc hai tội trộm cắp và cướp giật tài sản, riêng chiếc xe là công cụ phương tiện phạm tội, nhưng vì là xe của B, B là bị hại trọng vụ án trộm cắp, nên phải trả lại xe cho B (Giả dụ lúc đầu xe là của A thì xe này sẽ bị tịch thu)" (7).
Còn nhiều và nhiều vấn đề trong phiên tòa này nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy bản án đã treo cổ công lý. Nhưng Hội đồng xét xử của màn kịch này cũng chỉ là một nhóm diễn viên được phân vai. Kẻ thủ ác treo cổ công lý chính là Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, đạo diễn đứng sau sân khấu.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 29/07/2023
1. https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid02ogjFotrJZYm92JSsB3jJg...
2. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid04J6JVbzroZXwBoD5...
6. https://vnexpress.net/toa-tuyen-an-vu-chuyen-bay-giai-cuu-4635009.html
7. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0ErYShQC4wVeLhE2B...
*************************
Quốc Phương, RFA, 28/07/2023
Phiên tòa sơ thẩm vụ "Chuyến bay giải cứu" đã kết thúc trong sự bất cập về cả ba mặt là chính trị, tuyên truyền và tư pháp. Đó là chia sẻ của một nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam với Đài Á Châu Tự Do trong ngày 28/7/2023.
AFP
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập (IDS-đã tự giải thể) bình luận với Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội tuyên án :
"Bốn án chung thân, tức là một án kiến nghị ‘tử hình’ đã được chuyển thành ‘chung thân’, cho nên có ba người mà chắc là Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án ‘chung thân’, nên mới thành ra bốn án chung thân ; tôi nghĩ rằng thấp hơn so với khung hình phạt của luật. Bởi vì trong khung hình phạt của luật rất khắc nghiệt. Và tôi nghĩ cuộc xử này đối với hơn 50 bị can trong vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ như vậy đã kết thúc phiên sơ thẩm và dẫn đến những hình phạt cũng khá là nặng đối với những bị cáo như vậy".
Từ Hà Nội, tiến sĩ Quang A, đánh giá tác động về mặt được cho là có tính tuyên truyền thông qua đại án này và cũng được coi là nằm trong khuôn khổ chiến dịch ‘Đốt lò’, đặc biệt thể hiện qua báo chí, truyền thông chính thống của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, rằng :
"Tôi nghĩ một mặt những báo chính thống là cánh tay tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam, cái đó là điều không bao giờ người ta giấu giếm cả, người ta tuyên bố thẳng thừng là như vậy, thì hiển nhiên là báo chí chính thống hết lời ca ngợi, và những ca ngợi như thế tôi nghĩ có ảnh hưởng tới suy nghĩ của rất nhiều người Việt Nam hiện nay. Trong chừng mực đó, có thể nói rằng việc tuyên truyền ấy là có hiệu quả đối với người dân, bởi vì người ta được trấn an, được mơn trớn rằng tất cả mọi thứ đều rất là nghiêm túc. Nhưng mặt khác, nếu chúng ta xét lại những sự tréo ngoe của phiên tòa này, thì chúng ta thấy rằng nền tư pháp của Việt Nam còn có những sự bất cập hết sức nghiêm trọng.
Điểm thứ ba nữa cũng chưa chắc là với người dân, sự tuyên truyền ấy như là phần thứ nhất tôi nói là ‘được rất nhiều người tin’, nhưng mà nó cũng có mặt trái của nó là sự tuyên truyền, nhưng người dân thấy rằng toàn những quan chức cấp cao mà sao ‘ăn bẩn như vậy’, mà sao ‘tham nhũng như thế’, mà sao ‘thối tha như vậy’ ; thì mặt trái của sự ‘thành công tuyên truyền’ ấy lại nhen nhóm một sự nghi ngờ trong người dân rằng : ‘hóa ra hệ thống này rất tham nhũng’, và người ta có thể xem xét rằng ‘nguyên nhân sâu xa của nó là vì sao ?’"
Đề cập đến một số khía cạnh mà ông gọi là tréo ngoe hay bất hợp lý, bất cập trong đại án này, ông Nguyễn Quang A nói :
"Trong vụ chuyến bay giải cứu này có một hiện tượng rất nổi bật, đó là việc ông Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, tức là một quan chức công an, tố bị cáo Hoàng Văn Hưng rằng trong một cái cặp có hơn 400.000 đô-la, ông Hưng, cũng là một quan chức công an khác (nguyên Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an), cựu sĩ quan an ninh điều tra của chính vụ án này, ông Hưng này đã rất hùng hồn bào chữa rất đanh thép rằng ‘bằng chứng đâu’ ; Viện Kiểm sát chỉ nêu ra lời khai của ông Tuấn rằng đấy là ‘tiền’, còn ông Hưng bảo đấy là ‘bốn chai rượu’. Nếu thực sự ở một nền tư pháp độc lập, phải ‘trọng chứng hơn là trọng cung’ và trong trường hợp ấy, tòa sẽ phải tuyên ông Hưng là ‘vô tội’ hoặc trả lại hồ sơ, để điều tra tiếp, để tìm ra bằng chứng thật là ông ấy đã nhận số tiền hối lộ mà người của ông Tuấn đưa cho".
Theo ông Quang A, đây cũng là một nội dung được mạng xã hội Việt Nam trong thời gian diễn ra phiên tòa bàn luận nhiều và ông cho rằng việc công luận bàn tán như vậy là đúng đắn, ông nói tiếp :
"Tôi nghĩ người ta bàn tán như thế là đúng, để nó nêu rõ một khía cạnh rất bất cập của nền tư pháp hiện nay, là trọng lời khai hơn là trọng chứng cứ, mà không coi ‘một người mà chưa có bằng chứng thực sự là phạm tội’ là vô tội, thì rất trớ trêu khi hai ông công an tố lẫn nhau, và nó bộc lộ một điểm rất bất cập của nền tư pháp (Việt Nam) hiện nay. Và tôi nghĩ, Viện Kiểm sát tất nhiên nói là họ có đủ chứng cứ để tuyên phạt ông Hưng là phạm tội, thì điều đó giống hệt như vô số các vụ án trước đây không chỉ đối với các nhà hoạt động, mà đối với rất nhiều người khác.
Tức là người ta không trọng chứng, người ta chỉ dựa vào một phán xét của một cơ quan hay một người nào đấy nói rằng ‘cái này là phạm tội’. Tôi nói ví dụ như với Điều 117 (Bộ luật Hình sự), với Điều 335 (Bộ luật Hình sự), thường người ta lấy ý kiến của Sở thông tin & truyền thông của nơi làm việc ấy, người ta nhận xét rằng bài đăng này, hay lời nói này ‘là vi phạm’, tức là không có bằng chứng rõ ràng, nhưng chỉ dựa vào phán xét của một cơ quan mà thực sự ngoài bộ máy tư pháp, để kết tội những người như vậy. Thế thì tranh luận giữa ông Tuấn và ông Hưng gợi nên, nêu ra một vấn đề hết sức bất cập của nền tư pháp này, mà tôi nghĩ rằng bản thân Quốc hội cũng cần xem xét lại và cải tổ lại toàn bộ nền tư pháp Việt Nam".
Lấy thêm một ví dụ khác, liên quan trường hợp của cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Linh, người bị cáo buộc đã có năm lần nhận hối lộ với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng, và bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A nói tiếp :
"Cả bộ máy tư pháp đều dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mà cụ thể là dưới sự chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, và người ta dừng ở việc ‘tin 100%’ vào lời khai của ông Trợ lý Phó Thủ tướng thường trực rằng số tiền ông nhận hối lộ là ông ‘dành một mình’ cho ông ấy, nói rằng ‘không đưa cho ai cả’, thì người ta tin ngay vào điều ấy, nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng, có thể nảy sinh ra bằng chứng rằng ‘ông ấy lại còn đưa cho ai đó’. Tất nhiên, nếu ‘đưa cho ai đó’, thì không thể đưa cho cấp dưới của ông ấy được, mà có thể là chỉ có (đưa cho) cấp trên của ông ấy thôi. Mà như thế, nó sẽ phơi bày phần chìm của tảng băng ra. Người ta chỉ muốn xử phần ngọn của tảng băng, còn phần chìm của tảng băng đó thì rắc rối. Và chính vì thế mà người ta dừng, người ta ‘tin 100%’ vào lời khai của ông Trợ lý Phó Thủ tướng".
Bình luận về chi tiết được truyền thông Việt Nam đề cập là hai trong số những người có ‘quyền lợi, nghĩa vụ liên quan’ là các ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y Tế, và ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ‘vắng mặt’ tại phiên xử, kể cả cho tới phiên bế mạc của tòa sơ thẩm, ông Quang A tiếp tục nêu quan điểm riêng :
"Tôi nghĩ rằng họ vắng mặt là chủ ý vắng, bởi vì nếu có mặt sẽ rất khó xử, bởi vì lúc ấy lại phải khuấy ra ‘phần dưới’ của tảng băng chìm".
Qua chi tiết trên, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng có nhiều ‘ông trùm’ ở các bậc khác nhau của các nhóm lợi ích khác nhau. Bởi lẽ, ông phân tích tiếp :
"…ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, là một ông Thiếu tướng, nhưng mà lại đi đưa ‘hối lộ’ ông Hoàng Văn Hưng, là một cấp có quân hàm thấp hơn nhiều so với ông Tướng, thì nó biểu lộ một sự một ‘chéo ngoe’, và nó cho thấy rõ rằng hóa ra quyền lực nhiều khi không phụ thuộc vào chuyện cấp bậc. Trong vụ cụ thể này, một người điều tra viên có thể tác oai, tác quái, khiến một ông Thiếu tướng trên mấy cấp phải đi ‘giúp người khác hối lộ’ cho ông này. Như thế, nó làm nảy sinh rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải suy ngẫm và cần phải sửa đổi, cải thiện để làm sao để cho toàn bộ nền tư pháp này hoạt động tốt hơn".
Theo ông Nguyễn Quang A, tới đây, trong khuôn khổ của chiến dịch xử lý ‘tham nhũng’ được gọi là ‘Đốt lò’ do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản Việt Nam và ban lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tiến hành, tiếp tục sẽ có thêm các vụ án, vụ việc khác, trong đó có các ‘đại án’, chẳng hạn như vụ ‘Que thử Việt – Á’, được đem ra xét xử, và ông đưa ra dự đoán của mình :
"Dự đoán của tôi là nó cũng sẽ diễn ra na ná như kiểu của vụ ‘chuyến bay giải cứu’ này, tức là sẽ dừng lại ở một số vị trí nào đó, trên mức ấy cũng sẽ dừng lại, và cũng sẽ bộc lộ một loạt những sự tréo ngoe trong các vụ án, như là ‘trọng cung hơn trọng chứng’ và không đặt nặng vấn đề ‘có lợi cho bị can’".
Bình luận vẫn trên quan điểm riêng của mình về việc có ý kiến cho rằng ban lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thông qua chiến dịch ‘đốt lò’ và các phiên tòa xét xử như với vụ ‘chuyến bay giải cứu’, đang sử dụng chiến dịch này như một ‘chiêu thức’ để chứng minh ‘tính chính danh’ của chính quyền, mà lâu nay được thiết lập không cần thông qua các cuộc bầu cử dân chủ, tự do, công bằng, có cạnh tranh đảng phái đối lập, theo chuẩn mực chính trị quốc tế, và do đó có thể ‘kéo dài’ bao lâu (cũng được) sự lãnh đạo của mình tùy ý, ông Nguyễn Quang A, nói :
"Tôi nghĩ bảo rằng người ta để cho người dân xem hết ‘bộ phim này’ đến bộ phim khác (trình diễn chống tham nhũng), thì tôi nghĩ rằng không có đâu, chỉ cho xem những phần phim mà người ta muốn cho người dân xem thôi. Bởi vì nếu cho xem tất cả, tôi nghĩ câu hỏi tự có câu trả lời. Bởi vì lúc ấy, nó phơi bày tất cả khuyết tật của hệ thống ra, mà để giải quyết toàn bộ hệ thống này, thì phải từ bỏ những cái mà người ta coi là rất ‘thiêng liêng’ của chính hệ thống ấy.
Ý kiến của tôi là thế này, riêng vấn đề chống tham nhũng, chỉ có thể giảm tham nhũng mà thôi, và độc quyền vẫn có thể chống tham nhũng được. Nhìn vào tấm gương của Singapore. Singapore cũng là một nước có độc tài, vấn đề ở đây là vấn đề quản trị công. Quản trị công tốt là gì ? Tức là những quan chức nhà nước phải tận tâm với việc quản trị đất nước của mình, không có liên quan gì đến đa đảng, hay là dân chủ ở đây cả. ‘Good governance’ là một lĩnh vực có đầy sách và theo tôi là những nhà ra quyết định của Việt Nam biết về lĩnh vực ấy chứ không phải là không".
Ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng muốn chống tham nhũng, cần phải có quản trị tốt, cộng với lương công chức ‘tử tế’, tư pháp độc lập hay nói cách khác là cần nền pháp trị với tinh thần và nguyên tắc ‘không ai, cơ quan, cá nhân nào được đứng trên luật pháp’, phải có minh bạch, báo chí độc lập và xã hội dân sự lành mạnh. Tuy nhiên, ông nói tiếp :
"Rất đáng tiếc, ở Việt Nam, xét các nguyên tắc ấy, chúng ta thấy rằng thiếu nền pháp trị, thiếu tư cách độc lập, lương công chức thấp, không có báo chí độc lập, xã hội dân
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 28/07/2023
Viện sĩ Hoàng Xuân Phú từng viết : "Mọi hoạt động chống tham nhũng phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, đúng với quy định của pháp luật. Nếu cầm quyền mà hành xử phi pháp, thì xét về phương diện pháp lý, cũng chẳng hơn gì kẻ tham nhũng" (1).
Phiên xử sơ thẩm vụ án Chuyến bay giải cứu ngày 11/07/2023 - Hình : Phạm Kiên/TTXVN
Đại án vắng bóng "đại trung tâm"
Phiên tòa sơ thẩm vụ "Chuyến bay giải cứu" đã kết thúc trong sự bất cập về cả ba mặt là chính trị, tuyên truyền và tư pháp (2). Người dân có thể được trấn an, được mơn trớn phần nào rằng, Đảng quyết tâm xử tham nhũng "không có vùng cấm". Tuy nhiên, nhìn vào những sự tréo ngoe của phiên tòa, có thể thấy, nền tư pháp của Việt Nam là hết sức bất cập và vắng bóng kẻ bị hại. Bị can – Bị hại như là những tác nhân, những "đại trung tâm" của bất cứ vụ án lớn nào. Nhưng trong đại án vừa xử hoàn toàn vắng bóng các tác nhân bị hại. Cái kết luận của tòa hết sức vô trách nhiệm : Hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng hơn 200.000 hành khách đã trả giá cao trong thời điểm dịch bệnh khó khăn trên hàng ngàn chuyến bay hồi hương sẽ tiếp tục mờ tịt về việc có được bồi thường hay không (3).
Vụ án vừa khép lại sớm 12 ngày so với kế hoạch có nhiều "chiều kích" đáng bàn. Nếu như chỉ tiêu nào trong các Nghị quyết của Đảng cũng "vượt mức" như thế này thì ai dám bảo, Việt Nam sẽ thua xa Campuchia và Thái Lan trong nhiều lĩnh vực của sinh hoạt xã hội. Chẳng qua điều không may lần này là Đảng đã chọn sai thời điểm (bad timing). Xử đại án đúng vào lúc Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen đang làm lễ "truyền ngôi" cho Thái tử. Còn Thái Lan thì sau các cuộc bầu cử có ý nghĩa bước ngoặt, dường như người dân và tân chính quyền đang muốn "quay xe" sang dân chủ… Hai sự kiện này càng làm nổi bật lên "sự hụt hơi" cũng như nhiều bất cập trong tính tiên phong của Đảng trên các "đường đua" của khu vực Đông Nam Á (4).
"Sự sửa phạt" lần này ở pháp đình không đến nỗi quá nặng và chủ trương của Đảng vẫn giữ được "chừng mực" đối với các phán quyết. Các thế lực thù địch không thể xuyên tác tính nhân văn, nhân ái mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nhấn mạnh mỗi khi ông "chất củi vào lò". Chẳng qua là vì Đảng đã "nhỡ" tuyên bố về vai trò lãnh đạo "tuyệt đối và toàn diện" của mình,nên mọi quyết định ở tòa đều vướng vào "gậy ông đập lưng ông". Thâm tâm, Ban Nội chính Trung ương chẳng bao giờ muốn để lộ ra việc "chạy án" giữa pháp đình như vừa qua. Nay kéo dài nữa thì kẹt, mà "nghỉ giải lao" lâu quá càng bất tiện. Thôi đành che miệng thế gian bằng cách "đánh bùn sang ao" như thế này vậy. Cho đến giờ này thì ai ai cũng thấy, hiếm có quốc gia nào có câu chuyện những chuyến bay giải cứu như Việt Nam trong đại dịch. Sự kiện mà rất nhiều người phải vay nóng, cầm cố, bán tài sản… trong khi cá c quan chức nhà nước, cả trung lẫn cao cấp, "ngạo nghễ" kiếm chác trên những nối bất hạnh của công dân mình.
Tòa án lương tâm sẽ xử tiếp
Tòa án lương tâm là thuật ngữ dùng để chỉ các chuẩn mực và những giá trị đích thực của nền công lý mà không phải bao giờ cũng được chứng minh xác đáng thông qua quy trình xét xử bởi các tòa thông thường, tức là tòa án tư pháp (judicial courts) hay bán tư pháp (semi-judicial courts) được thành lập theo luật. Vụ án "chuyến bay giải cứu" diễn ra trông giống như một cái chợ, xét từ góc nhìn "mua bán", "mặc cả" công khai giữa cơ quan tố tụng và các bị can (5). Hẳn nhiên, vì thế mà phiên tòa thiếu vắng nhiều chuẩn mực và các giá trị nói trên. Cho nên vụ án này sẽ không dừng ở phiên sơ thẩm vừa diễn ra, hay kể cả phiên phúc thẩm sau này. Thay vào đó, tòa án lương tâm, lương tri sẽ còn xử tiếp cả bị can lẫn những kẻ nhân danh công lý để thực thi pháp luật…
Cả lương tâm lẫn lương tri trên pháp đình bao giờ cũng đòi hỏi "trọng chứng hơn trọng cung", phải quán triệt nguyên tắc "suy đoán vô tội". Ấy vậy nhưng tại phiên tòa vừa qua, mọi quy trình có lúc bị đảo ngược. Kiến thức pháp lý của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng – nay đã trở thành "idol" của giới khoa bảng – có vẻ không thể địch lại nổi các lập luận của các cơ quan tố tụng, nhất là một khi giữa họ đã có sự thống nhất cao. Hội đồng xét xử vẫn nhận định, hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng đủ yếu tố cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (6). Nhưng có dư luận cho rằng, bản án tòa danh cho Hưng cũng không hẳn trên cơ sở trọng chứng hay trọng cung, mà thực chất cũng như bao vụ án từ trước đến nay, đó là thông điệp Đảng gửi đến toàn dân. Khi ra trước chốn pháp đình thì tốt nhất là không nên cãi lý với tòa. Điều này nhắc nhở mọi người nhớ lại phát biểu của cựu Chánh án Tòa án Nhân d ân Tối cao Trịnh Hồng Dương :"Luật của ta xử thế nào cũng được" (7).
Tính Đảng cao nhất tại phiên tòa chính là màn "vách áo cho người xem lưng" trong các lời cáo buộc sinh tử giữa Hưng, Tuấn và Hằng. Những rường cột của các lực lượng tư pháp lại chính là những con "mối chúa" có thành tích chạy án "dày", đục ruỗng nền pháp lý xã hội chủ nghĩa… Mở ra phiên tòa là Đảng muốn chứng minh cho tính chính danh trong chiến dịch đột lò của ông Trọng. Nhưng sau 18 ngày theo dõi phiên tòa, người dân mới tá hỏa tam tinh rằng, tòa xử mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân, lại còn trưng ra bao nghịch lý (8). Kẻ chức tước cao (Thiếu tướng) lại phải "chạy vạy" cấp dưới (Trung tá) cho thấy các giá trị đảo lộn đến nhường nào ? Các cơ quan tố tụng nghĩ gì về các khoản tiền lớn hiện chưa biết đang nằm ở đâu ? 2000 chuyến bay mà chỉ thanh tra có 700 chuyến thì những bị can tiềm năng nào đã được "ưu tiên" cho lọt tội ? Nay mai, nếu có chuyện gì xảy ra với Hoàng Văn Hưng thì tòa tính sao ?
Các bị cáo chưa phải là chính phạm
Những tình tiết nghi vấn còn nguyên trong vụ đại án như : chứng cứ nào để biết trong cặp có tiền, hay các Thư ký ăn hối lộ một mình chứ không hề chia chác, cho thấy có một tổng đạo diễn "vô hình" đằng sau cả "dây chuyền tham nhũng" ở Việt Nam xảy ra giữa dịch giã Covid-19. Đó là kịch bản giống nhau đến kỳ lạ giữa "chuyến bay giải cứu" và "kit-test Việt Á" ! (9). Theo đó, cả 2 công ty Bluesky và Việt Á làm nên 2 đại án kéo theo hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng xuống bùn đen đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh nhưng lại được chọn để thực thi chủ trương lớn của Bộ Chính trị ! Nếu theo dõi quá trình hình thành một "giai cấp mới" – tức là tầng lớp quan liêu, tầng lớp hưởng đặc quyền đặc lợi của Đảng cộng sản, theo định nghĩa "chỉ mặt đặt tên" của Milovan Dijlas – thì chúng ta mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang hàng ngày sinh sống (10).
Theo bình luận của Thiên Hành trên RFA, sự tha hóa ở đây là tất yếu. Không ai khác, chính Đảng/Nhà nước đã ấn các điều kiện để dễ dàng tha hóa vào tay các cá nhân và bộ máy thực thi quyền lực. Những tuần qua người dân Việt Nam chứng kiến sự tha hóa của cả một tập thể các cán bộ lãnh đạo cao cấp tại nhiều cơ quan nhà nước trọng yếu. Những thái độ, những câu nói trơ trẽn tột độ của họ, đối lập gay gắt với chức vụ rất cao mà họ từng giữ khiến những người dân thường hết "trồi" từ sự ngạc nhiên này lại "sụt" xuống sự sững sờ khác. Nhưng chỉ có những lương dân mới sững sờ thôi. Còn họ, các quan chức sống và làm việc theo cơ chế "còn Đảng còn mình" thì họ quan niệm "làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền" là "chuyện thường ngày ở huyện" (11). Hơn thế, đó cũng chính là nguyên tắc sống còn và lý do tồn tại của Đảng, là nơi thể hiện tập trung nhất tính đảng, tính "giai cấp mới " của bộ máy !
Một câu nói được cho là của Karl Marx : "Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình…". Nhưng súc vật chỉ quay lưng thôi, chứ chúng không nỡ lợi dụng đau khổ của đồng loại để hút máu và ăn thịt.Nhưng suy cho cùng,cácbị cáocủa đại ánchưa phải là chính phạm trong "chuyến bay giải cứu" (12). Chúng chỉ là hệ quả phái sinh của "cơ chế xin – cho" mà Đảng cộng sản Việt Nam đã sinh hạ và nuôi dưỡng. Còn độc tài đảng trị, còn trò hề "công cuộc đốt lò", thì tham nhũng, hối lộ còn sinh sôi nảy nở. Nhưng nếu Đảng chỉ "nới trói" một chút, "cho dân mở mồm" thì may ra "con bệnh" mới qua được những phút "lâm chung" hiện nay. Hãy để cho báo chí góp phần phát hiện tham nhũng khi nó còn trong kén. Hãy để cho truyền thông giúp thanh lọc bộ máy. Hãy thực hiện điều Hiến pháp đã cho phép lâu nay để người dân được lập các hội thân hữu, tạo n ên những luồng gió mới tươi mát đẩy lùi các xú uế của nhũng lạm và hành dân.
600 năm trước Nguyễn Trãi từng dạy : "Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân". Tiếc rằng, bài học ấy của tiền nhân Đảng ngồi trong những resort "được lại quả" thì không có cách gì mà nhớ được, chứ chưa nói đưa ra thực thi để cứu Đảng, cứu chế độ !
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 31/07/2023
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxrxgql7g0yo
(4) https://www.voatiengviet.com/a/tu-viet-nam-nhin-sang-bau-cu-campuchia/7195222.html
(7) https://sangtao.org/2012/02/15/dung-nhan-cua-dang-dien-mao-ke-thu-ii/
(9) https://vietnamthoibao.org/vntb-trum-cuoi-nao-se-lay-kieu/
Vụ chuyến bay giải cứu : Công lý cũng khuyến mãi
Trân Văn, VOA, 28/07/2023
"Vụ nộp lại tiền ăn hối lộ, nói văn hoa là "khắc phục" để được giảm án, làm nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909) : Có tiền việc ấy mà xong nhỉ / Đời trước làm quan cũng thế a ? Hai chữ "đời trước" hoàn toàn có thể đổi thành "đời sau"
Cựu quan chức Hà Nội Chử Xuân Dũng trong phiên tòa hôm 18/7/2023 ở Hà Nội.
Tuần này, tuy Hội đồng xét xử vụ án "giải cứu" rút vào hậu trường để nghị án nhưng những hoạt động "giải cứu" hàng trăm ngàn người Việt ở ngoại quốc lúc Covid 19 trở thành đại dịch toàn cầu vẫn là một trong những chủ đề chính trên mạng xã hội.
Những thông tin như các bị cáo và thân nhân của họ đang hối hả trả lại khoản tiền đã nhận hối lộ(1) hay 71 cán bộ - giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Lợi ở Hà Đông gửi "tâm thư" xin Hội đồng xét xử khoan hồng cho ông Chử Xuân Dũng - cựu Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, sau này là Phó Chủ tịch Hà Nội nhận hối lộ hơn hai tỉ đồng(2) đã khiến công chúng buộc phải chú ý và thảo luận nhiều hơn về loại công lý có tính chất khuyến mãi ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
***
Khó mà đếm xuể số người đã bày tỏ sự bất bình, thậm chí phẫn nộ với "tâm thư" của 71 nhà giáo xin Hội đồng xét xử vụ án "giải cứu" giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng. Có người như ông Chu Mộng Long nêu thắc mắc :Nhận hối lộ tiền tỉ, Viện Kiểm sát chỉ đề nghị phạttừ ba đến bốn năm tù mà còn đòi giảm án nữa thì giảm bao nhiêu so với tội trộm vịt của anh nông dân nghèo khổ với bản án 30 năm tù ? Ông Long nhấn mạnh : Tôi, theo cách của nhà giáo Chu Văn An, đối lập với "tâm thư" trên, viết bài này như là "trảm sớ", đề nghị Tòa xử bị cáo Chử Xuân Dũngthật nặng. Nguyên nhà giáo mà để tâm hồn, nhân cách bẩn thỉu thì phải phạt nặng gấp mười lần các bị cáo khác để làm gương cho những nhà giáo khác và đặc biệt làm gương cho trẻ em.Nếu "tâm thư" đó khiến Tòa phải cân nhắc thì Tòacũng nên quan tâm đến "trảm sớ" viết bằng máu của 40.000 nạn nhân và nước mắt của người viết bài này. Tôi đang chờ xem Tòa vì ông Dũng và 71 nhà giáo kia hay vì 40.000 nạn nhân và đồng bào cả nước (3)...
Có người như ông Võ Đức Phúc bình :Cảm động thiệt. Chỉ không hiểu tạisao các cán bộ, giáo viên này lại im lặng trong vụ cô giáo Lê Thị Dung ở Nghệ An bị cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng, bị tòa cấp sơ thẩm phạtnăm năm tù và chodù cô giáo Dung một mực kêu oan nhưngkhông thấy cáccán bộ giáo viên thương xót viết tâm thư.Chẳng lẽ trước sựnghiệt ngã của số phận, chuyệnmột đồng nghiệp đối mặt với lao lý, các giáo viên này không có cảm xúc bằng một ngườitừng là giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo ?Cũng không hiểu 71 cán bộ, giáo viên này có mối quan hệ gì với bị cáo Chử Xuân Dũng mà động lòng trắc ẩn viết "tâm thư" trong khi lẽ ra nếu cựu cán bộ nàycó nhiều đóng góp thì chính ngành giáo dục phải là nơi đầu tiên mới là đúng nghĩa tình chứ(4) ? Xin lưu ý thêm là mới đây, theo một số nguồn thạo tin,một số giáo viên của trường Trung học phổ thông Lê Lợi khẳng định họ không ký "tâm thư", một số bảo rằng họ ký nhưng do lãnh đạo trường bảo ký chứ không rõ nội dung, một số thì tiết lộ BanGiám hiệuvừa ra lệnh thực thi "luật im lặ ng" (5).
***
Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát, "tâm thư" vẫn chưa đáng bận tâm bằng quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát – cơ quan đại diện nhà nước, nhân danh lợi ích công cộng để thực hiện quyền công tố.
Tuan Ngo – một luật sư chuyên về hình sự - phân tích :21/54 bị cáo trong vụ án bị truy tố về tội "nhận hối lộ" theo Điều 354 Luật hình sự với số tiền nhận hối lộ thấp nhất là 437 triệu đồng (bị cáo Lý Tiến Hùng), cao nhất là 42,6 tỷ đồng (bị cáo Phạm Trung Kiên). Căn cứ vào số tiền họ nhận hối lộ để áp dụng vào Điều 354 một cách cơ học, tôi tự liệt kê và nhận thấy :Khôngcó bị cáo nàobị truy tố theo Khoản 1 (số tiền nhận hối lộ từ 2 triệu tới dưới 100 triệu đồng, mức án từ 2năm đến 7 năm tù). Có một bị cáo bị truy tố theo Khoản 2 (số tiền nhận hối lộ từ 100 triệu đồng tới dưới 500 triệu đồng, mức án từ 7năm đến 15 năm tù). Có hai bị cáo bị truy tố theo Khoản 3 (số tiền nhận hối lộ từ 500 triệu đồng tới dưới 1 tỷ đồng, mức án từ 15 năm đến 20 năm tù). Có 18 bị cáo bị truy tố theo Khoản 4 (số tiền nhận hối lộ từ trên 1 tỷ đồng, mức án từ 20 năm tù tới chung thân, tử hình).Thế nhưng, thật bất ngờ khi đại diện Việnkiểm sát đề xuất mức án gây ngạcnhiên cho nhiều người, cụ thể :Có mộtbị cáo phải chịu tr áchnhiệm ở mức hình phạt trong khung truy tố (Khoản 4). Có hai bị cáo được đề nghị mức án ở Khoản 3. Có bảy bị cáo được đề nghị mức án ở Khoản 2. Có 11 bị cáo được đề nghị mức án ở Khoản 1.
Tuan Ngo lưu ý :Như vậy, chỉ duy nhất 1/21 bịcáo bị đềnghị hình phạt giống mức truy tố, còn 20/21 bị cáo khác đều được giảm ít nhất là một khung hình phạt, cụ thể :Hạ một khunglà ba người (từKhoản 4 xuống Khoản 3là một người, từ Khoản 2 xuống Khoản 1là hai người). Hạ hai khunglà chín người (từKhoản 4 xuống Khoản 2là bảy người, từ Khoản 3 xuống Khoản 1là hai người). Hạ ba khunglà tám người (tất cả đều từ Khoản 4 xuống Khoản 1).Con số tính toán cho thấy rõ : Hành vi phạm tội bị truy tố là ở khung cao chót vót nhưng khi đề nghị mức hình phạt thì thấp lè tè. Tại sao lại thế ?Tại sao mức án của các bị cáo lại được đề nghị giảm sâu tới vậy ?Trong vụ án, các bị cáo có khá nhiều tình tiết giảm nhẹ nên theoLuật Hình sự (Điều 54 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), nhiều người được giảm tới một, hai khung là điều dễ hiểunhưng có tới 8/21 bị cáo được giảm ba khung hình phạt thì quả là điều hiếm thấy.
Theo Tuan Ngo, điều ông băn khoăn là : Ngoài các tình tiết giảm nhẹ, không biết các cơ quan điều tra, kiểm sát đã xem xét kỹ các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo khi cá thể hoá hành vi của từng người một cách triệt để hay chưa vì theo tôi, có vài tình tiết sau đây có thể áp dụng cho khá nhiều bị cáo : Phạm tội hai lần trở lên (nhận hối lộ nhiều lần). Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (lợi dụng tình hình dịch bệnh).Nếu đã xem xét kỹ các tình tiết tặng nặng và "đối trừ" nó khi xem xét, đề xuất mức hình phạt thì hẳn rằng, mức hình phạt của các bị cáo sẽ được neo ở mức cao vời vợi hoặc ở mức chơi vơi chứ không tà tà dưới mặt đất.Có một số người hay nhắc tới việc khắc phục trên 3/4 hậu quả, tôi xin giải thích thêm : Việc khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ chứ không phải là bảo bối trong mọi hoàn cảnh. Việc khắc phục hậu quả này chỉ là "kim bài miễn tử" cho người phải chịu mức hình phạt cao nhất (tử hình) mà không cần phải chờ đặc ân mang tí nh may rủi từ Chủ tịch Nhà nước. Như vậy, dù lý giải theo cách nào đi chăng nữa, thì việc đề nghị các mức án nhẹ tênh như trên đều "có vấn đề" và cần xem xét lại một cách cẩn trọng và khách quan hơn.
Xác định vụ án "giải cứu" thu hút sự chú ý cao độ của công chúng, đồng thời còn là vụ án thể hiện quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền trong công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước nhưng Tuan Ngo cho rằng :Dù bản án chính thức chưa được côngbố nhưng đa số đều thấy rõ, bản án không đủ sức răn đe. Gần như chắc chắn 100% sẽ không có ai bị tử hình vì chỉ có mộtngười bị đề nghị mức án đó và cũng đã khắc phục hậu quả (còn thêm một điều kiện nữa là tích cực phối hợp với cơ quan thẩm quyền... vốn chỉ mang tính chất cảm tính và dễ xử lý, hợp thức), những người còn lại được đề xuất mức án tương đối nhẹ.Không biết vô tình hay hữu ý mà tại tòa, một bị cáo kểlà đã bảo vợ chuẩn bị tiền và ông ấy đi nghỉ dưỡng một thời gian(6).
Cho dù không phân tích cặn kẽ như Tuan Ngo nhưng qua mạng xã hội, rất nhiều người chứng tỏ họ cũng đủ khả năng nhận ra bản chất hoạt động xét xử vụ án "giải cứu". Chẳng hạn Doan Khac Xuyen nhận định thế này :Vụ nộp lại tiền ăn hối lộ, nói văn hoa là "khắc phục" để được giảm án, làm nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909) :
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a ?
Hai chữ "đời trước" hoàn toàn có thể đổi thành "đời sau" (7) !
Hay Trinh Phuc Nguyen viết thế này :CỤ TỔNG NÓI "Tiền nhiều để làm gì". Thì để chạy án và khắc phục hậu quả (8). Hoặc cảnh báo như Nguyễn Hồng Lam :Công lý buộc kẻ phạm tội phải trả giá nhưng không chấp nhận mặc cả. Không làm như thế, giảm án, xử dưới khung, giảm sâu mức án so với luật chỉ vì bị cáo đã nộp lại một phần nhỏ số tiền phạm tội mà có, phiên tòa sẽ bị biến thành phiên đấu giá công lý. Luật pháp đang bị bỡn cợt. Đó là cách dung dưỡng những mầm tội phạm khác của tương lai. Luật pháp đang tự giảm quyền năng răn đe và làm suy yếu tính chất, rời xa trách nhiệm ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ công lý của mình(9).
***
Trần Trung Đạo – một người Việt tuy đã rời Việt Nam khoảng năm thập niên nhưng vẫn dõi theo các diễn biến tại Việt Nam - vừa bày tỏ suy nghĩ của ông về phiên xử những cá nhân lợi dụng hoạt động "giải cứu" để trục lợi :Các nhà sinh vật học rất khó tìm những con thú không có tình đồng loại nhưng nếu muốn tìm những con người không có tình đồng bào thì rất dễ, chỉ cần đến Việt Nam theo dõi phiên tòa "chuyến bay giải cứu".Người viết đã viết nhiều lần, những hiện tượng bất nhân, độc ác đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả, chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa, sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại(10).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/07/2023
Chú thích
(5) https://www.facebook.com/footballvshqm/videos/297875486078810/
(10) https://www.facebook.com/trantrungdao/posts/6554279701274891:6554279701274891
*************************
Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội được giáo viên xin giảm án, đừng tưởng chuyện tào lao !
Gió Bấc, RFA, 27/07/2023
Người vô can, không liên quan, xin giảm án cho bị cáo là chuyện hiếm trên thế giới. Nhưng xứ thiên đường thì đó là chuyện bình thường. Quan phó tổng đốc Hà Thành nhận hối lộ trên 2 tỉ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu, lại được tập thể giáo viên của một trường xin giảm án vì ngưỡng mộ thành tích quan khi còn làm giám đốc Sở Giáo Dục, cứ tưởng chuyện tào lao, hoang đường, nhưng hóa ra bên trong có nhiều dích dắc.
Cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội : Rất đau xót khi là tội đồ của thành phố
Trong thời gian Hội Đồng Xét Xử đang nghị án, cân nhắc "cò kè bớt một thêm hai" tội, tiền đã nộp, xem xét mức án thì báo chí đồng loạt rộ lên thông tin 71 cán bộ, giáo viên thuộc Trường Trung học phổ thông Lê Lợi (Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) đã viết đơn, tâm thư xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Báo chí lề phải đồng loạt dẫn lời ông Lê Xuân Trung, hiệu trưởng trường này, cho rằng giáo viên tự nguyện làm đơn vì ngưỡng mộ tài đức công lao của ông Dũng trong thời gian làm Giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo, mà không thấy có ý kiến phản biện.
Giáo viên giải cứu quan tham vì thương tài mến đức ?
Ngược lại, mạng xã hội lại sôi sục phản ứng với tâm thư xin xỏ này. Nhà giáo Chu Mông Long phê phán trên Facebook cá nhân là "Theo tôi, việc trả ơn thầy, lãnh đạo của mình là điều tốt trong đạo lý truyền thống. Tôi cũng đánh giá cao lời nhận tội và xin lỗi chân thành, có văn hoá của ông Chử Xuân Dũng so với đám cẩu quan khác. Nhưng nhận hối lộ tiền tỉ, Viện Kiểm sát chỉ đề nghị 3 đến 4 năm tù mà còn đòi giảm án nữa thì giảm bao nhiêu so với tội trộm vịt của anh nông dân nghèo khổ với bản án 30 năm tù ?" (1).
Nhà báo Thái Hạo, một Facebooker có 55.000 người theo dõi cũng bức xúc, phê phán việc xin xỏ, thương mây khóc gió lãng nhách này là : "Hàm hồ, cảm tính, thương vay khóc mướn cho một kẻ vì tiền mà đẩy mấy chục nghìn người vào cảnh đau thương khốn cùng, cái ‘tình’ của các vị là thứ tình ích kỷ, độc ác và cũng táng tận lương tâm không khác gì ông Chử Xuân Dũng này.
Qua cái "tâm thư" này, lộ rõ 71 cán bộ, giáo viên này cũng là những người vô pháp, vị thân bất nghĩa. Trong công vụ và giảng dạy, họ sẽ hành xử và truyền đạt thứ đạo lý nào, nếu không phải là vun vén, bao che, dung túng cho cái ác ?" (2).
Trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Việt Nam Độc Lập có bài viết với tựa đề thú vị là "Giải cứu tham quan : nhiệm vụ chính trị mới của giáo viên".
Trong bài dẫn ý kiến một nhà hoạt động xã hội giấu tên, nêu quan điểm, "trước đây đã có nhiều bê bối liên quan tới việc lạm dụng giáo viên để làm công tác chính trị như phân công nữ giáo viên đi "tiếp khách" phục vụ bia rượu và hát hò cho các quan chức : hoặc chỉ đạo giáo viên làm "dư luận viên" để định hướng dư luận trên mạng xã hội. Và bây giờ không khó để suy luận rằng 71 cán bộ giáo viên này cũng đang làm công tác chính trị khi ký đơn giải cứu cựu phó chủ tịch Hà Nội" (3).
Dư luận mạnh mẽ đến mức, cơ quan truyền thông quốc tế là đài VOA đã đăng tin thời sự "Xin giảm án cho cán bộ tham nhũng, hàng chục giáo viên bị ‘búa rìu dư luận’" (4).
Sao chỉ có một trường ?
Điều quái lạ là cái đức độ tài năng, ơn mưa móc của ông cựu Giám đốc Sở, cựu Phó Chủ tịch này sao không rải đều cho nhuần khắp các trường, các ngành các giới. Lòng ngưỡng mộ yêu thương của giáo viên chỉ xảy ra ở mỗi một trường Lê Lợi ?
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng khuấy động dư luận vì trót tin lời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, nói không với tiêu cực thi cử, đã giải đáp câu hỏi này trên Facebook và được nhiều người dẫn lại rằng, "71 giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Lợi khẳng định không hề ký tá đơn xin giảm án cho nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng. Đơn đó đó hiệu trưởng Lê Xuân Trung mạo danh.
Lê Xuân Trung được điều về làm hiệu trưởng trường Vân Tảo của tôi từ 2000 Ninh Bắc sau vụ tôi tố cáo tiêu cực thi cử Phú Xuyên A.
Tôi tố cáo rất nhiều tội của ông này như quan hệ bất chính có con riêng ngoài giá thú, đuổi học mỗi năm hàng trăm học sinh trái quy định, cưỡng ép 100% học sinh học thêm, cưỡng ép cả giáo viên học thêm mức phí những 180.000₫/ buổi học. Lừa đảo học sinh thu tiền và thu tiền bất chính rất nhiều khoản" (5).
Chưa thể kiểm chứng thông tin trên nhưng con người ngay thẳng, cả đời lên bờ xuống ruộng vì nói thật như thầy Đỗ Việt Khoa và sự phù hợp logic của nó ta có thể tạm tin là đúng.
Gia đình bị hại xin còn không được xét
Nhưng thực tế cho thấy, nhiều vụ án việc xin xỏ tào lao không được tòa xem xét như vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội cùng 9 người bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó, ông Cảm bị cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù.
Sau đó, ông Cảm được 42 Phó Giáo sư, Tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc gửi đơn xin giảm nhẹ. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án 10 năm tù với Nguyễn Nhật Cảm.
Đặc biệt, vụ án bác sĩ Hoàng Công Lượng ở bệnh viện Hòa Bình bị buộc trách nhiệm về cái chết của các bệnh nhân lọc thận, dù chính gia đình các bị hại làm đơn xin giảm án, nhưng vẫn không được xem xét.
Vấn đề đặt ra là ông Hiệu trưởng mạo nhận hay vận động giáo viên làm đơn xin giảm án nhằm mục đích gì ?
Cái vi diệu ở đây là thực tế có vụ án khủng, tội bằng trời, đáng lẽ phải được cho tiêm thuốc nhưng nhờ có xin xỏ tào lao mà tòa cho hưởng mức án nhẹ như lông hồng. Đó là vụ án đình đám AVG, Phạm Nhật Vũ đã đầu trò thương vụ gian dối, gây thiệt hại hơn 6000 tỉ đồng, đưa hối lộ 6,2 triệu đô la. Vũ bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự, bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Nhờ cúng dường nhiều, án khủng, được giảm tối đa !
Nhưng nhờ có đơn xin giảm án của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Vũ đươc Viện Kiểm Sát đề nghị xem xét triệt để các tình tiết giảm nhẹ với tội danh Đưa hối lộ. Tòa sơ thẩm ghi nhận, bị cáo Vũ có thái độ thành khẩn, nhân thân tốt, chủ động tích cực đàm phán, trả toàn bộ số tiền mua bán cổ phần và chi phí chuyển nhượng. Là công dân có nhiều văn bản tuyên dương của Bộ ngành, các cấp. Gia đình bị cáo có công với cách mạng. Bị cáo là người thường xuyên làm công tác xã hội, tri ân, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều tổ chức cá nhân, đại sứ, doanh nhân trí thức khác, ngoài ra còn nhiều bị cáo khác đều xin giảm nhẹ cho Vũ.
Đó là các tình tiết để Hội đồng xét xử cân nhắc, giảm nhẹ cho bị cáo. Đặc biệt, Hội đồng xét xử còn xem xét việc bị cáo khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án.
Điều đáng nói là, thông thường việc giảm nhẹ hình phạt không được thấp hơn mức thấp nhất trong tội danh bị truy tố. Phạm Nhật Vũ bị tuyên án ba năm tù, thấp hơn rất nhiều lần so với khung hình phạt bị truy tố nhờ Điều 51 Bộ Luật Hình Sự là : Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó, khoản 2 điều 51 quy định : 2. "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án" (6).
Về trường hợp cựu Phó chủ tịch Hà Nội, đơn xin của 71 giáo viên có được xem xét theo điều 51 hay không ?
Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, phân tích việc 71 cán bộ, giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Lợi, Hà Đông gửi đơn không nằm trong các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 51 quy định về việc Tòa án có thể xem xét các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. "Vì vậy, những lá đơn của các cán bộ, giáo viên về việc xin giảm nhẹ hình phạt này có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ nếu Tòa án chấp thuận" (7).
Xin tào lao là "các tình tiết khác" !
Luật pháp Việt Nam rất vi diệu, đã mở ra khái niệm "các tình tiết khác", hoàn toàn tùy thuộc vào đánh giá của Hội Đồng Xét Xử. Phạm Nhật Vũ được hưởng thì tại sao Chử Xuân Dũng không được hưởng ?
Có điều, Phạm Nhật Vũ chi rất mạnh tay theo luật của Năm Cam : "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền". Vũ từng dám chi hối lộ khi mua bán AVG lên đến 6,2 triệu đô la, lẽ nào Vũ không dám mạnh tay móc hầu bao mua tự do cho bản thân mình ?
Có lẽ Chử Xuân Dũng đã học bài học đó. Lá đơn, tâm thư hoàn toàn không phải chuyện tào lao nếu gửi theo kênh của "cơ chế cảm ơn" đúng giá. Tâm thư đã gửi đúng lúc, tình cảm trong thư đã dạt dào, chỉ còn lại là chuyện cảm ơn. Nếu Chử Xuân Dũng được tuyên án treo hoặc miễn phạt tù, đó cũng là chuyện tình thường !
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 27/07/2023
Chú thích :
3. https://vietnamthoibao.org/vntb-giai-cuu-tham-quan-nhiem-vu-chinh-tri-moi-cua-giao-vien/
4. https://www.voatiengviet.com/a/7199363.html
6. https://luathoangsa.vn/dieu-51-cac-tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-nd76812.html
7. https://laodong.vn/phap-luat/cuu-chu-tich-avg-pham-nhat-vu-bi-tuyen-phat-3-nam-tu-775115.ldo
****************************
Tâm thư có chữ ký 71 giáo viên trường Lê Lợi, Hà Nội là… dàn dựng ?
Nguyễn Nam, VNTB, 27/07/2023
Trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 27/7/2023 có bài viết Đừng tiếp tục "ăn mày quá khứ". Một nguồn tin khả tín cho biết, khi báo chí đưa tin về "tâm thư" đó, nhiều giáo viên có tên trong tâm thư đã lên tiếng khẳng định họ không hề ký vào văn bản nào có nội dung như báo chí đăng khi tường thuật về vụ án "chuyến báy giải cứu".
Hãy xem hành vi tạo ra một bản "tâm thư" là một hành vi tiếp sức cho bị cáo Chử Xuân Dũng.
Nếu các tin tức mà báo chí Việt Nam và tác giả bài viết Đừng tiếp tục "ăn mày quá khứ" chuyển tải đều có căn cứ về "nguồn tin", vậy thì ở đây xem ra có dấu hiệu của gần với tội "Làm giấy tờ giả, mạo danh chữ ký" trong luật hình sự. Phía cơ quan cảnh sát điều tra cần nhanh chóng làm rõ bản chữ kiến nghị này có chi chít chữ ký ấy có phải "mượn" danh nghĩa giáo viên trường Lê Lợi, Hà Nội.
Các giáo viên bị hệ lụy vụ này có thể kiện hiệu trưởng vì hậu quả không nhỏ. Bởi rất có thể hàng ngàn phụ huynh học sinh đang rất hoang mang, bất bình khi họ trao gửi con em, họ cho những giáo viên đã ký vào văn bản bất lương, bất minh này nếu vụ việc không được làm sáng tỏ.
Tính đến cuối giờ chiều ngày 27/7/2023 thì mới có 1 người chính thức lên tiếng với báo chí về bản "tâm thư" trên. Theo lời kể của bà Đinh Thị Điệu – phó hiệu trưởng trường Lê Lợi : Hôm đó cán bộ, giáo viên của trường đi du lịch hè. Trong bữa ăn trưa thì một người có chuyền tay cho những người khác bức tâm thư.
"Tôi thấy mọi người đều ký. Bản thân tôi cũng ký. Tôi khẳng định tôi không hề bị ép, tôi ký vì tôi thương thầy Dũng", bà Điệu nói.
Trao đổi về nghi vấn trên, luật sư T.Th., một thân hữu trang Việt Nam Thời Báo nói rằng theo diễn giải pháp lý thì chữ ký là một biểu tượng viết tay của con người, có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ để thể hiện dấu ấn của một người. Do vậy, chữ ký của mỗi người sẽ do chính người ấy sáng tạo ra nên thường khó có sự trùng lặp.
Giả mạo chữ ký được hiểu là hành vi tạo ra biểu tượng viết tay không thực của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác. Chủ thể thực hiện hành vi này gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn và những người không có chức vụ, quyền hạn.
Theo đánh giá của luật sư T.Th., giả dụ như tâm thư kể trên là giả chữ ký, có lẽ vị hiệu trưởng có "chủ mưu" đi nữa thì cũng khó có thể đối mặt tù tội, vì pháp luật cho rằng trường hợp này là đã thực hiện việc ký, nhưng việc làm này không nhằm mục đích vụ lợi vật chất, do vậy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự, mà chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội giả mạo trong công tác :
"1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm :
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu :
b) Làm, cấp giấy tờ giả :
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm :
a) Có tổ chức :
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu :
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
…
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng".
Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên thì ai đó giả mạo chữ ký nếu là hiệu trưởng trường Lê Lợi, tức thỏa mãn yêu cầu "có chức vụ quyền hạn", song ở vụ việc này vẫn chưa rõ về hành vi được gọi là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện việc giả chữ ký của người khác trong khi thực hiện công việc" : bởi "tâm thư" không phải là "phận sự" của hiệu trưởng.
Tuy nhiên dù xét trên bất kỳ phương diện nào đi chăng nữa thì cũng cần làm rõ về các chữ ký ở "tâm thư giải cứu Chử Xuân Dũng" là có những toán tính lợi ích gì ?
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 27/07/2023
*****************************
Từ ‘chuyến bay giải cứu’, nhìn lại ‘chống phá’ và ‘thủ đoạn’
Trân Văn, VOA, 27/07/2023
Quyết định đóng không phận đã trao thẩm quyền xem xét – phê duyệt việc thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam vào tay năm bộ (Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải).
Cựu quan chức Hà Nội Chử Xuân Dũng được điệu tới phiên tòa hôm 18/7/2023 ở Hà Nội.
Tờ Công an Nhân dân vừa cảnh báo việc "lợi dụng việc xét xử vụ án ‘giải cứu’ để chống phá đảng, nhà nước" và "đòi hỏi mỗi người phải luôn nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động, biến thành những con rối". Có lẽ chỉ "báo chí cách mạng" ở Việt Nam mới dám "đòi hỏi" như vậy(1) !
Cứ như nhận định của tờ Công an Nhân dân thì bất kỳ ai nêu cảm nhận về những thông tin có liên quan đến việc tổ chức hoạt động "giải cứu" những người Việt bị mắc kẹt ở ngoại quốc khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và những tình tiết đã cũng như đang diễn ra tại pháp đình – nơi xét xử 54 cá nhân dính líu đến vụ án "giải cứu" – đều là "lợi dụng" hoặc để bị... "lợi dụng" nhằm... "hạ uy tín, phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của đảng, làm lung lay quyết tâm của đảng, nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng". Chưa kể đó còn là... "lợi dụng những hạn chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ta để kích động, hỗ trợ các phần tử phản động trong và ngoài nước gia tăng hoạt động chống phá tinh vi, xảo quyệt hơn, từ đó tác động để cán bộ, đảng viên ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa, dẫn đến nguy cơ tự sụp đổ từ bên trong".
Nhận định của tờ Công an Nhân dân khiến kẻ viết bài này nhớ tới facebooker Nguyễn Viết Sơn... Ngày 9/2/2020, chính quyền Việt Nam tổ chức chuyến bay "giải cứu" đầu tiên – điều động một chiếc Airbus loại A321 của Vietnam Airlines sang Trung Quốc, đưa 30 người Việt đang kẹt tại Vũ Hán về nước(2). Ngay sau đó, ông Nguyễn Viết Sơn viết như thế này trên trang facebook của ông...
"Ngạo nghễ Việt Nam". Hãy nhìn trực diện chiếc máy bay Airbus 321 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam để thấy được sự ngạo nghễ ấy ! Bay thẳng vào tâm dịch để đón 30 công dân của mình về nước chăm sóc ! Chỉ có thể là Việt Nam ! Trong tất cả các mối quan hệ, có lẽ chỉ có bậc làm cha, làm mẹ mới có thể lo lắng, cưu mang những đứa con đi làm ăn xa xứ của mình với tất cả tình cảm yêu thương, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh lớn lao đến như vậy. Tự hào chính phủ Việt Nam ! Tự hào dân tộc Việt Nam ! Tự hào tình người Việt Nam ! Lũ "dân chủ", phản động vẫn thường rao giảng rằng : Đừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn những gì cộng sản làm... hãy tự lấy tay chọc nát lỗ tai mình và mở to mắt ra mà chứng kiến sự ngạo nghễ đầy nhân văn của cả một dân tộc được lãnh đạo bởi đảng cộng sản(3).
Nếu bây giờ – lúc công an nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân đã và đang cùng nhau vén tấm màn che hậu trường hoạt động "giải cứu" lên cho thiên hạ thưởng lãm - ông Nguyễn Viết Sơn mới đưa "Ngạo nghễ Việt Nam" lên mạng xã hội thì việc diễn đạt nội dung y hệt như thế để ca ngợi... "sự ngạo nghễ đầy nhân văn" có phải là "âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" chăng ?
***
Chính quyền Việt Nam ra lệnh đóng không phận vào tháng 3/2020 và đến tháng 2/2022 mới mở lại không phận cho các chuyến bay thương mại đến và đi một cách bình thường. Quyết định đóng không phận đã trao thẩm quyền xem xét – phê duyệt việc thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam vào tay năm bộ (Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải). Đại diện của cả năm bộ cùng đem "quyền hạn" trong phạm vi trách nhiệm của mình ra bán nhưng chỉ mới có viên chức đại diện cho bốn bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, riêng Bộ Quốc phòng vẫn "thủ khẩu như bình", chưa nói gì về việc điều tra – xử lý những viên chức "nhúng chàm". Ai lựa chọn những cá nhân nay là bị cáo và trao quyền lực vào tay những cá nhân ấy ? Tại sao tất cả cùng lấy công quyền làm phương tiện cưỡng đoạt tài sản của đồng loại đang trong thảm nạn ?
Tờ Công an Nhân dân cho rằng không thể "đánh lận hiện tượng để quy kết bản chất", không nên "suy diễn thành lỗi hệ thống", không được "vẽlên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo" nhưng nếu không thể, không nên, không được như thế thì vì sao chẳng có cá nhân nào được Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn để tham gia lãnh đạo xứ sở này, dân tộc này khi tham gia vào việc tổ chức hoạt động "giải cứu" trong sạch ? Vì sao bên cạnh "giải cứu" còn có "Việt Á" chưa kể vô số chuyện "kinh thiên, động địa" khác ? Ai vẩy bùn lên bức tranh màu hồng "Ngạo nghễ Việt Nam" mà facebooker Nguyễn Viết Sơn vừa vẽ, vừa tô ? "Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị" đâu có "tài tình, sáng suốt" đến mức "gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở".
Theo tờ Công an Nhân dân, bất kể thế nào thì việc tổ chức hoạt động "giảicứu" vẫn "thể hiện tính nhân đạo của đảng, nhà nước ta luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài" và "được thế giới công nhận là ‘hình mẫu’ nhân văn, nhân ái, thể hiện bản chất chế độ xã hội mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có thể làm được trong bối cảnh đại dịch Covid19". Diện mạo của đảng nào, bản chất của nhà nước nào cũng do các thành viên của đảng đó, nhà nước đó phác họa và thể hiện. Vụ án "giải cứu" có... "nhân đạo" không ? Vì sao những người Việt mắc kẹt ở nước ngoài và thân nhân của họ liên tục kêu cứu về chuyện bị bắt chẹt khi muốn hồi hương suốt hai năm mà "đảng, nhà nước ta" không đáp ứng ? Nếu thật sự "quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài", thật sự "nhân văn, nhân ái" thì "giải cứu" đâu có trở thành đại án.
Khi biện bạch cho "đảng, nhà nước ta", tờ Công an Nhân dân có vài điểm đúng nhưng theo hướng ngược lại. "Giải cứu" đúng là "hình mẫu" và "thể hiện bản chất chế độ xã hội mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có thể làm được trong bối cảnh đại dịch Covid19". Tuy cũng lúng túng và khốn khổ vì đại dịch Covid 19 nhưng sau đại dịch này, không quốc gia nào trên thế giới có những đại án như "giải cứu" và "Việt Á".
Công cuộc phòng chống tham nhũng đã được triển khai vài thập niên nhưng kết quả chỉ là những đại án mà sự táo tợn, mức độ càn rỡ càng ngày càng trầm trọng, tại sao không được "hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của đảng và nhà nước ta hiện nay" ? Tại sao công dân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được hoài nghi dù họ không phải là nô lệ ? Tại sao "quần chúng nhân dân" phải "đoàn kết vớicán bộ, đảng viên" phải "đồng thuận" với thể chế đã, đang góp phần tạo ra bị cáo của hàng loạt đại án tham nhũng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/07/2023
Chú thích
Đừng tiếp tục "ăn mày quá khứ"
Thới Bình, VNTB, 27/07/2023
Chuyện giảm án vào dịp 30 tháng 4 hay trễ lắm cũng sẽ vào Quốc khánh 2/9/2024 với ông Chử Xuân Dũng gần như "trong tầm tay".
Bị cáo Chử Xuân Dũng tại phiên toà. Ảnh: Phương Nguyễn
Tập thể 71 cán bộ và giáo viên thuộc trường Trung học phổ thông Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) đã gửi tâm thư đến hội đồng xét xử, bày tỏ mong muốn cấp sơ thẩm xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Trong đơn, 71 giáo viên và cán bộ trường cho biết khi còn làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, ông Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp ngành giáo dục xây dựng thành công mô hình Trung học phổ thông công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cuối năm 2020.
Trong quá trình công tác, đơn viết rằng ông Dũng luôn là người thầy có tâm đức trong sáng, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạt được nhiều thành tích. Các giáo viên cùng cán bộ trường Trung học phổ thông Lê Lợi cũng cho rằng ông Dũng đã có đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Hà Nội.
Lá đơn được đánh máy và phần ký tên vào lá đơn được ‘kẻ khung’ để ghi nhận các chữ ký. Không rõ trên thực tế đây là những chữ ký tự nguyện hay được sự vận động nào từ phía trường Lê Lợi. Thắc mắc này còn là vì chưa ghi nhận thêm có trường Trung học phổ thông nào khác trên địa bàn Hà Nội ở thời gian mà ông Chữ Xuân Dũng làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội.
Gián tiếp, về tình và lý thì lá đơn này cho thấy một điều rất rõ là cả 71 giáo viên và cán bộ trường Trung học phổ thông Lê Lợi đã có ý xem thường công tác tổ chức quy hoạch cán bộ lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội ; bởi những cống hiến trong ngành giáo dục của ông Chử Xuân Dũng đã được ghi nhận nên mới có việc ông được tín nhiệm trong chọn ông Chử Xuân Dũng vào vị trí phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Trên cương vị mới, ông Chử Xuân Dũng đã vấp sai lầm đưa đến việc đối mặt tù tội trong vụ án "chuyến bay giải cứu", lại cho thấy có thể là một sai sót của Thành ủy Hà Nội trong chuyện "quản trị nhân sự", khi đã đánh giá không trúng về sự liêm chính của một cán bộ khi được cất nhắc lên chức vụ cao hơn.
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng khi duyệt và ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tại Hà Nội.
Ông Dũng bị viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội nhận hối lộ. Hiện ông và gia đình đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả.
Nói lời sau cùng, cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói bản thân phạm tội từ những sai phạm trong công tác xử lý công việc, đây là sai phạm rất nghiêm trọng, làm sụp đổ toàn bộ quá trình 29 năm công tác, mất đi toàn bộ nỗ lực của bản thân.
Bị cáo Chử Xuân Dũng gửi lời xin lỗi chân thành, sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân vì sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của dân tộc. "Những ngày vừa qua là những ngày đau khổ nhất trong cuộc đời bị cáo. Sau đây, tòa có thể tuyên án thấp với sai phạm của tôi nhưng từ nay đến hết cuộc đời là phán xét của lương tâm" – ông Dũng giãi bày và cho biết rất đau xót, ăn năn, hối cải, mong hội đồng xét xử "mở lượng hải hà" để sớm trở về với gia đình.
Tình tiết của vụ án cho thấy khả năng "mở lượng hải hà" sẽ không dừng ở phiên sơ thẩm, mà còn có thể là luôn cả phiên phúc thẩm nếu ông Chử Xuân Dũng có kháng cáo ; và ngay cả việc thi hành án sau đó, thì trong khung bản án tuyên, chuyện giảm án vào dịp 30 tháng 4 hay trễ lắm cũng sẽ vào Quốc khánh 2-9-2024 với ông Chử Xuân Dũng gần như "trong tầm tay".
Với những nhận định trên cho thấy "kịch bản 71 chữ ký" tạo dư luận, không chỉ là… thừa thãi mà còn đưa đến thắc mắc vì sao người cộng sản đến nay vẫn thích "ăn mày quá khứ" kiểu "kể công trạng" như vậy ?
Trần Cảnh Chân, VNTB, 27/07/2023
Đại án "Chuyến bay giải cứu" càng xử càng lộ ra nhiều bất ngờ khiến dư luận vô cùng phẫn nộ khi nhìn thấy cả một bộ máy suy đồi, tha hoá. Một trong những bất ngờ không tưởng nhất là việc 71 giáo viên, cán bộ của trường Trung học phổ thông Lê Lợi (Hà Nội) gửi đơn tới Tòa án nhân dân Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch Hà Nội.
Không biết là tự nguyện hay do bị áp lực làm theo chỉ đạo mà có tới 71 giáo viên và cán bộ phải ký tên vào tâm thư xin giảm án cho đại tham quan này. Trong thư, 71 người này nhận xét rằng khi còn làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp nhà trường xây dựng thành công mô hình Trung học phổ thông công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2020 ; có đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Hà Nội.
"Có thể nói, ở cương vị công tác nào, thầy giáo Chử Xuân Dũng luôn là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, thầy đã vô tình vi phạm pháp luật khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".
Căn cứ vào bản chất và những đóng góp to lớn của ông Chử Xuân Dũng trong quá trình công tác, tập thể giáo viên, cán bộ Trường Trung học phổ thông Lê Lợi kiến nghị Hội đồng xét xử mở lượng khoan hồng, giảm nhẹ mức án cho ông Dũng, để ông Dũng sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm vi phạm, phấn đấu trở thành công dân tốt", nội dung tâm thư của 71 công chức ngành giáo dục tại Hà Nội viết.
Một nhà hoạt động xã hội giấu tên nêu quan điểm : "trước đây đã có nhiều bê bối liên quan tới việc lạm dụng giáo viên để làm công tác chính trị như phân công nữ giáo viên đi "tiếp khách" phục vụ bia rượu và hát hò cho các quan chức ; hoặc chỉ đạo giáo viên làm "dư luận viên" để định hướng dư luận trên mạng xã hội. Và bây giờ không khó để suy luận rằng 71 cán bộ giáo viên này cũng đang làm công tác chính trị khi ký đơn giải cứu cựu phó chủ tịch Hà Nội".
Nhà hoạt động này đánh giá rằng Chử Xuân Dũng không thể chỉ mới ăn hối lộ trong vụ "chuyến bay giải cứu" này mà đã "ăn" nhiều lần trước đó, ở những chức vụ khác chứ không phải tới khi lên làm phó chủ tịch mới "ăn". Ở vai trò Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại tham quan này không thể thanh liêm mà luồn sâu leo cao được. Cho nên cần phải coi lại nguyên nhân nào khiến 71 cán bộ giáo viên này phải ký tâm thư. Nếu cần thiết thì phải công khai danh tính 71 người này để rộng đường dư luận.
Đánh giá về tâm thư này, võ sư Đoàn Bảo Châu cho rằng các cán bộ, giáo viên có trái tim nhưng quên mất não. Ông viết trên facebook cá nhân : "Qua đại dịch, những khuôn mặt ‘lưu manh giả danh cán bộ’ đã lộ diện. Thực ra thì không mấy người ngạc nhiên, bởi không có dịch thì tình trạng bắt chẹt doanh nghiệp, cố tình gây khó dễ để ăn tiền, khai khống hóa đơn để bòn rút tiền ngân sách, vòi vĩnh ‘quà’… đã xảy ra quá nhiều, quá thường xuyên và quen thuộc ở ‘thiên đường’ này".
Theo ông Châu, các cán bộ đã rủ nhau hư hỏng hàng loạt và coi sự hư hỏng và ăn bẩn ấy như một sự thức thời, sự biết sống nhưng khẩu hiệu "do dân, vì dân" vẫn luôn được các cán bộ hô to, hát to như đúng rồi.
"Các vị là cán bộ, giáo viên, các vị có trái tim nhưng các vị quên mất não khi viết tâm thư. Các vị không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Các vị làm trong ngành giáo dục mà các vị lại mơ màng, cảm tính và vô lý như vậy thì các vị sẽ đào tạo ra những học sinh thành những con người như thế nào ? Nếu học sinh hỏi tại sao các vị làm vậy, các vị sẽ trả lời sao cho thấu đáo để những người trẻ ấy thấy việc làm của các vị là đúng ?
Tôi xin các vị hãy mang theo não, hãy dùng đến não của mình trước khi đặt bút viết tâm thứ. Tình cảm là cần nhưng không đủ để làm các cán bộ hay giáo viên trong ngành giáo dục. Các vị không thể chỉ dạy học sinh các dùng đến trái tim mà còn cần dạy chúng cách dùng đến não sao cho đúng đắn". Võ sư Đoàn Bảo Châu viết trên trang cá nhân.