Đừng tiếp tục "ăn mày quá khứ"
Thới Bình, VNTB, 27/07/2023
Chuyện giảm án vào dịp 30 tháng 4 hay trễ lắm cũng sẽ vào Quốc khánh 2/9/2024 với ông Chử Xuân Dũng gần như "trong tầm tay".
Bị cáo Chử Xuân Dũng tại phiên toà. Ảnh: Phương Nguyễn
Tập thể 71 cán bộ và giáo viên thuộc trường Trung học phổ thông Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) đã gửi tâm thư đến hội đồng xét xử, bày tỏ mong muốn cấp sơ thẩm xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Trong đơn, 71 giáo viên và cán bộ trường cho biết khi còn làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, ông Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp ngành giáo dục xây dựng thành công mô hình Trung học phổ thông công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cuối năm 2020.
Trong quá trình công tác, đơn viết rằng ông Dũng luôn là người thầy có tâm đức trong sáng, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạt được nhiều thành tích. Các giáo viên cùng cán bộ trường Trung học phổ thông Lê Lợi cũng cho rằng ông Dũng đã có đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Hà Nội.
Lá đơn được đánh máy và phần ký tên vào lá đơn được ‘kẻ khung’ để ghi nhận các chữ ký. Không rõ trên thực tế đây là những chữ ký tự nguyện hay được sự vận động nào từ phía trường Lê Lợi. Thắc mắc này còn là vì chưa ghi nhận thêm có trường Trung học phổ thông nào khác trên địa bàn Hà Nội ở thời gian mà ông Chữ Xuân Dũng làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội.
Gián tiếp, về tình và lý thì lá đơn này cho thấy một điều rất rõ là cả 71 giáo viên và cán bộ trường Trung học phổ thông Lê Lợi đã có ý xem thường công tác tổ chức quy hoạch cán bộ lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội ; bởi những cống hiến trong ngành giáo dục của ông Chử Xuân Dũng đã được ghi nhận nên mới có việc ông được tín nhiệm trong chọn ông Chử Xuân Dũng vào vị trí phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Trên cương vị mới, ông Chử Xuân Dũng đã vấp sai lầm đưa đến việc đối mặt tù tội trong vụ án "chuyến bay giải cứu", lại cho thấy có thể là một sai sót của Thành ủy Hà Nội trong chuyện "quản trị nhân sự", khi đã đánh giá không trúng về sự liêm chính của một cán bộ khi được cất nhắc lên chức vụ cao hơn.
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng khi duyệt và ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tại Hà Nội.
Ông Dũng bị viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội nhận hối lộ. Hiện ông và gia đình đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả.
Nói lời sau cùng, cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói bản thân phạm tội từ những sai phạm trong công tác xử lý công việc, đây là sai phạm rất nghiêm trọng, làm sụp đổ toàn bộ quá trình 29 năm công tác, mất đi toàn bộ nỗ lực của bản thân.
Bị cáo Chử Xuân Dũng gửi lời xin lỗi chân thành, sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân vì sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của dân tộc. "Những ngày vừa qua là những ngày đau khổ nhất trong cuộc đời bị cáo. Sau đây, tòa có thể tuyên án thấp với sai phạm của tôi nhưng từ nay đến hết cuộc đời là phán xét của lương tâm" – ông Dũng giãi bày và cho biết rất đau xót, ăn năn, hối cải, mong hội đồng xét xử "mở lượng hải hà" để sớm trở về với gia đình.
Tình tiết của vụ án cho thấy khả năng "mở lượng hải hà" sẽ không dừng ở phiên sơ thẩm, mà còn có thể là luôn cả phiên phúc thẩm nếu ông Chử Xuân Dũng có kháng cáo ; và ngay cả việc thi hành án sau đó, thì trong khung bản án tuyên, chuyện giảm án vào dịp 30 tháng 4 hay trễ lắm cũng sẽ vào Quốc khánh 2-9-2024 với ông Chử Xuân Dũng gần như "trong tầm tay".
Với những nhận định trên cho thấy "kịch bản 71 chữ ký" tạo dư luận, không chỉ là… thừa thãi mà còn đưa đến thắc mắc vì sao người cộng sản đến nay vẫn thích "ăn mày quá khứ" kiểu "kể công trạng" như vậy ?
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 27/07/2023
************************
Giải cứu tham quan : nhiệm vụ chính trị mới của giáo viên
Trần Cảnh Chân, VNTB, 27/07/2023
71 cán bộ giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Lợi (Hà Nội) đang làm công tác chính trị khi ký đơn giải cứu cựu phó chủ tịch Hà Nội.
Đại án "Chuyến bay giải cứu" càng xử càng lộ ra nhiều bất ngờ khiến dư luận vô cùng phẫn nộ khi nhìn thấy cả một bộ máy suy đồi, tha hoá. Một trong những bất ngờ không tưởng nhất là việc 71 giáo viên, cán bộ của trường Trung học phổ thông Lê Lợi (Hà Nội) gửi đơn tới Tòa án nhân dân Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch Hà Nội.
Tâm thư giải cứu tham quan
Theo cáo trạng, lúc đang tại chức, phó chủ tịch Chử Xuân Dũng nhận hối lộ số tiền 2 tỷ đồng trong quá trình duyệt cách ly người hồi hương từ các "chuyến bay giải cứu". Ông Dũng bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Chử Xuân Dũng và gia đình bị cáo đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả.
Không biết là tự nguyện hay do bị áp lực làm theo chỉ đạo mà có tới 71 giáo viên và cán bộ phải ký tên vào tâm thư xin giảm án cho đại tham quan này. Trong thư, 71 người này nhận xét rằng khi còn làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp nhà trường xây dựng thành công mô hình Trung học phổ thông công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2020 ; có đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Hà Nội.
"Có thể nói, ở cương vị công tác nào, thầy giáo Chử Xuân Dũng luôn là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, thầy đã vô tình vi phạm pháp luật khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".
Căn cứ vào bản chất và những đóng góp to lớn của ông Chử Xuân Dũng trong quá trình công tác, tập thể giáo viên, cán bộ Trường Trung học phổ thông Lê Lợi kiến nghị Hội đồng xét xử mở lượng khoan hồng, giảm nhẹ mức án cho ông Dũng, để ông Dũng sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm vi phạm, phấn đấu trở thành công dân tốt", nội dung tâm thư của 71 công chức ngành giáo dục tại Hà Nội viết.
Nhiệm vụ chính trị mới của người giáo viên
Một nhà hoạt động xã hội giấu tên nêu quan điểm : "trước đây đã có nhiều bê bối liên quan tới việc lạm dụng giáo viên để làm công tác chính trị như phân công nữ giáo viên đi "tiếp khách" phục vụ bia rượu và hát hò cho các quan chức ; hoặc chỉ đạo giáo viên làm "dư luận viên" để định hướng dư luận trên mạng xã hội. Và bây giờ không khó để suy luận rằng 71 cán bộ giáo viên này cũng đang làm công tác chính trị khi ký đơn giải cứu cựu phó chủ tịch Hà Nội".
Nhà hoạt động này đánh giá rằng Chử Xuân Dũng không thể chỉ mới ăn hối lộ trong vụ "chuyến bay giải cứu" này mà đã "ăn" nhiều lần trước đó, ở những chức vụ khác chứ không phải tới khi lên làm phó chủ tịch mới "ăn". Ở vai trò Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại tham quan này không thể thanh liêm mà luồn sâu leo cao được. Cho nên cần phải coi lại nguyên nhân nào khiến 71 cán bộ giáo viên này phải ký tâm thư. Nếu cần thiết thì phải công khai danh tính 71 người này để rộng đường dư luận.
Đánh giá về tâm thư này, võ sư Đoàn Bảo Châu cho rằng các cán bộ, giáo viên có trái tim nhưng quên mất não. Ông viết trên facebook cá nhân : "Qua đại dịch, những khuôn mặt ‘lưu manh giả danh cán bộ’ đã lộ diện. Thực ra thì không mấy người ngạc nhiên, bởi không có dịch thì tình trạng bắt chẹt doanh nghiệp, cố tình gây khó dễ để ăn tiền, khai khống hóa đơn để bòn rút tiền ngân sách, vòi vĩnh ‘quà’… đã xảy ra quá nhiều, quá thường xuyên và quen thuộc ở ‘thiên đường’ này".
Theo ông Châu, các cán bộ đã rủ nhau hư hỏng hàng loạt và coi sự hư hỏng và ăn bẩn ấy như một sự thức thời, sự biết sống nhưng khẩu hiệu "do dân, vì dân" vẫn luôn được các cán bộ hô to, hát to như đúng rồi.
"Các vị là cán bộ, giáo viên, các vị có trái tim nhưng các vị quên mất não khi viết tâm thư. Các vị không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Các vị làm trong ngành giáo dục mà các vị lại mơ màng, cảm tính và vô lý như vậy thì các vị sẽ đào tạo ra những học sinh thành những con người như thế nào ? Nếu học sinh hỏi tại sao các vị làm vậy, các vị sẽ trả lời sao cho thấu đáo để những người trẻ ấy thấy việc làm của các vị là đúng ?
Tôi xin các vị hãy mang theo não, hãy dùng đến não của mình trước khi đặt bút viết tâm thứ. Tình cảm là cần nhưng không đủ để làm các cán bộ hay giáo viên trong ngành giáo dục. Các vị không thể chỉ dạy học sinh các dùng đến trái tim mà còn cần dạy chúng cách dùng đến não sao cho đúng đắn". Võ sư Đoàn Bảo Châu viết trên trang cá nhân.