Thiếu điện gây cản trở cho tham vọng về môi trường của Việt Nam
Eric Mottet, Thu Hằng, RFI, 24/07/2023
Việt Nam được đánh giá cao tại Hội nghị COP26 về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow năm 2021 khi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam cũng nằm trong số ba nước trên thế giới (Nam Phi và Indonesia) được nhóm G7 viện trợ (15,5 tỉ đô la) để giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tỉnh Hải Dương, Việt Nam, ngày 12/06/2023. AP - Huy Han
Nhưng từ đó, kế hoạch được ngưỡng mộ dường như giậm chân tại chỗ, trong khi tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu đang khiến Việt Nam thúc đẩy nguồn nhiệt điện.
Hạn hán nghiêm trọng trong tháng 06/2023 đã khiến miền bắc Việt Nam chịu cảnh cắt điện luân phiên do các nhà máy thủy điện không có nước hoạt động. Thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo vài năm trước, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường, được trang VnExpress trích dẫn ngày 14/06/2023, nhưng để đưa vào được nguồn điện phải cần ít nhất 3-4 năm, thậm chí lâu hơn. Chưa kể nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ nhiều năm so với quy hoạch được phê duyệt.
Điện là điều kiện cơ bản, tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng thiếu điện do hạn hán có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu, nhiệt điện (than, dầu, khí) được đẩy mạnh hết công suất, và như vậy, chưa thể thực hiện ngay những tham vọng trung hòa khí phát thải. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII, được công bố sau thời gian dài trì hoãn, vẫn tập trung sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài than, khí hóa lỏng trở thành một phần cơ bản của cơ cấu năng lượng, trong khi đây cũng là một nguồn nhiên liệu góp phần làm Trái đất nóng lên.
Phải giải thích nghịch lý và vòng luẩn quẩn này như thế nào ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Eric Mottet, giảng viên Trường Đại học Công giáo Lille, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).
RFI :Nhóm G7 cam kết tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỉ đô la Mỹ để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050. Nhóm G7 đặt ra những điều kiện gì ? Và Việt Nam cam kết gì ?
Eric Mottet : Đúng là có một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với nhóm được gọi là "các đối tác quốc tế". Hai bên nhất trí một hợp tác đối tác (JETP) trị giá 15,5 tỉ đô la đầu tư công và tư, từ 3 đến tối đa là 5 năm, có nghĩa là tới khoảng năm 2028. Điều thú vị trong hợp tác đối tác này là một nửa ngân sách là do các đối tác quốc tế công cấp, như Ngân hàng Phát triển Châu Á. Nửa còn lại, khoảng 7,75 tỉ đô la, là từ các ngân hàng tư nhân của Châu Âu, Châu Á hoặc Mỹ. Nhưng khoản đầu tư 7,75 tỉ đô la, tương đương khoảng 50% tổng ngân sách, sẽ chỉ được giải ngân nếu như lĩnh vực công đầu tư ồ ạt vào các chương trình giúp Việt Nam bắt đầu chuyển đổi năng lượng.
Đổi lại, Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu gì ? Thực ra những yêu cầu đó không quá đáng. Đây là điểm đáng ngạc nhiên. Nhóm G7 yêu cầu cho đến năm 2030, Việt Nam giảm 30% lượng khí thải CO2, tăng thêm 47-48% lượng điện từ năng lượng tái tạo và giảm lượng điện than. Và để thực hiện được những mục tiêu đó, các nước G7 sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai toàn bộ khung pháp lý mới, thực hiện chuyển hóa xanh, nền kinh tế xanh của Việt Nam. Việt Nam được yêu cầu cải thiện hiệu quả năng lượng và tăng cường mạng lưới điện. Cải thiện hiệu quả năng lượng có nghĩa là Việt Nam phải tiêu thụ ít điện hơn. Đây là điều mà chúng ta đã thấy phần nào trong thời gian vừa qua.
RFI : Quy hoạch Điện VIII đặt trọng tâm vào sự kết hợp các loại năng lượng, trong đó có khí hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, việc vận chuyển và chuyển đổi khí LNG đặt ra vấn đề về phát thải khí CO2 !
Eric Mottet : Đúng là hiện giờ Việt Nam, ít hướng đến tiêu thụ khí hóa lỏng, đã triển khai một dự án đầy tham vọng bởi vì có đến 13 trạm vận hành sẽ được xây dựng để tiếp nhận khí hóa lỏng. Nhưng việc này cũng đặt ra vấn đề về chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, như chị nêu. Đúng là khí hóa lỏng không gây ô nhiễm môi trường như than, ít hơn 50% so với than, nhưng sẽ phát thải nhiều khí CO2, kể cả khí metan, trong quá trình sản xuất, vận tải và tiêu thụ. Đó là một nguồn năng lượng gây ô nhiễm.
Nhưng đáng tiếc, tôi cho rằng hiện giờ Việt Nam không có quá nhiều lựa chọn do khó khăn trong cung ứng khí đốt tự nhiên của Nga, bị trừng phạt do chiến tranh Ukraine. Nhưng qua sự kết hợp các nguồn năng lượng tương lai này, Việt Nam cho thấy quyết tâm đa dạng hóa các nguồn năng lượng tiềm năng, trong đó có khí hóa lỏng được xếp ngang với điện gió, điện mặt trời.
Đúng là nghịch lý khi muốn sử dụng khí hóa lỏng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng phải nói là hầu hết các nước Đông Nam Á đều gộp khí hóa lỏng vào chiến lược chuyển đổi năng lượng của họ, cho nên Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt. Đó là điều mà người ta thường thấy ở khắp Châu Á.
RFI :Miền bắc Việt Nam bị cắt điện luân phiên vào đầu mùa hè. Tình hình chỉ có thể ổn định trở lại vào cuối năm. Hạn hán là một trong nhưng nguyên nhân gây thiếu điện. Điện than được huy động để bù phần nào. Thế nhưng đây lại cũng là một nghịch lý giữa thực tế và mục tiêu môi trường được vạch ra trong chiến lược chung ?
Eric Mottet : Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đã xảy ra, nhất là ở miền bắc Việt Nam nơi nhiều nhà máy thủy điện bị giảm sản lượng 30-40%. Vấn đề này là rất lớn bởi, vì cần biết là khoảng 40-50% điện ở miền bắc Việt Nam là nhờ vào thủy điện. Tình trạng này diễn ra theo chu kỳ, có nghĩa là sẽ kéo dài vài tháng, gây khó khăn cho sản xuất điện và kéo theo hệ quả nghiêm trọng về cung cấp.
Ngoài khó khăn của thủy điện, phải nói thêm khó khăn về cung ứng than mà Việt Nam gặp phải, nhất là than nhập từ Indonesia không đến đúng hạn. Vừa bị hạn hán khiến sản lượng điện giảm, vừa bị chậm trễ trong nhập khẩu than nên các nhà máy nhiệt điện không hoạt động hết công suất, dẫn đến hệ quả là cắt điện hàng loạt, đôi khi không báo trước. Chúng ta đã thấy có rất nhiều phàn nàn từ các nhà công nghiệp nước ngoài gửi đến chính phủ Việt Nam để nói rằng chuyện cắt điện là không bình thường, hoặc nếu phải cắt thì ít ra họ phải được báo trước.
Vấn đề này mang tính tình thế. Than được tiêu thụ nhiều hơn để sản xuất điện vì các nhà máy thủy điện không còn khả năng cung cấp đủ lượng điện cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đúng là có một nghịch lý, nhưng chính phủ Việt Nam tỏ ra khá yên tâm, vì đây chỉ là vấn đề tạm thời. Tình hình sẽ cân bằng trở lại vào cuối năm, ít ra là hy vọng thế !
RFI : Các loại hình năng lượng tái tạo đã phát triển ở Việt Nam từ nhiều năm qua, nhưng dường như không được khai thác một cách hợp lý. Người ta nói đến lãng phí. Phải giải thích hiện tượng này như thế nào, trong khi Việt Nam lại bị thiếu điện ?
Eric Mottet : Đối với những người biết Việt Nam thì hiểu rằng việc này có lẽ do mạng lưới vận tải và lưu trữ điện và năng lượng vô cùng yếu kém. Theo một nghiên cứu mới được công bố, chính phủ Việt Nam thẩm định là từ nay đến năm 2030, có lẽ cần phải đầu tư 15 tỉ đô la để xây dựng và hiện đại hóa khoảng 36.000 km đường điện trung thế và cao thế. Ngoài ra, cũng cần kinh phí để xây dựng hoặc chuẩn hóa 170.000 trạm biến thế giúp lưu trữ phân phối điện. Chúng ta thấy rõ là có một nhu cầu lớn về mặt hiện đại hóa vấn đề tải điện. Đây đúng là một vấn đề lớn cho Việt Nam với những đợt cắt điện nghiêm trọng. Cho nên hiện giờ, Việt Nam đang cố dựa vào nhiều đối tác khắp thế giới. Tôi thấy Nga vừa mới ký một thỏa thuận với Việt Nam để hiện đại hóa hệ thống vận tải điện.
Phải giải thích hiện tượng này như thế nào ư ? Hệ thống hiện đang đặt ra vấn đề và phần nào khiến cả chính phủ cũng như các đối tác chán nản. Chúng ta thấy hiện tượng thừa ở nhiều vùng sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Nhưng mạng lưới điện đang bị quá tải và không thể quản lý được lượng điện dư thừa này hay đơn thuần là chỉ chuyển đến các khu vực tiêu thụ. Đây là một ví dụ về khó khăn, có những vùng sản xuất quá nhiều điện nhưng lại không thể chuyển điện đến những vùng bị thiếu, nhất là ở miền bắc hiện nay.
Do đó, Việt Nam đang suy tính để cùng với các đối tác nước ngoài đầu tư những khoản tiền lớn để có thể chuyển điện từ vùng này sang vùng khác trong tương lai và tránh lặp lại vấn đề thiếu điện như ở miền Bắc Việt Nam hiện nay.
RFI :Ông nêu ở trên là các nước G7 đề nghị Việt Nam giảm tiêu thụ điện. Chúng ta cũng đã nói đến tình trạng thiếu điện. Những vấn đề này có thể tác động đến sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong khi Việt Nam vẫn còn bất cập về quỹ đất cho doanh nghiệp nước ngoài ?
Eric Mottet : Về mặt chính thức, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các ngành công nghiệp giảm 2% lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm cho đến năm 2030. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đã trao đổi với một số người và họ cho biết một số ngành công nghiệp được yêu cầu giảm 10% lượng điện tiêu thụ, thay vì 2%. Việc này đã gây ra một vài căng thẳng nhỏ và lo lắng trong một số lĩnh vực công nghiệp mới chỉ bắt đầu hoạt động ở Việt Nam được vài năm, từ gia công đến các ngành công nghiệp nặng như luyện thép, sản xuất nhôm cần tiêu thụ lượng điện lớn. Công ty Điện lực Việt Nam bị yêu cầu giải trình và đưa ra biện pháp khắc phục. Nhiều lĩnh vực công nghiệp chất vấn Công ty Điện lực tại sao họ bị cắt điện và yêu cầu được bồi thường.
Có thể nói là đang có một số vấn đề có thể rất nghiêm trọng trong tương lai đối với Việt Nam. Việt Nam đã triển khai chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài trên toàn lãnh thổ nhưng hiện giờ lại không thể cung cấp điện theo tỉ lệ thông thường. Về lâu dài, việc này có thể khiến các tập đoàn lớn đã hoạt động ở Việt Nam như Samsung hay Apple dời một phần hoạt động khỏi đất nước. Và như vậy sẽ không thuyết phục được những doanh nghiệp khác đến Việt Nam hoạt động.
Vì vậy, năng lượng là một vấn đề vô cùng nhạy cảm ở Việt Nam, có thể dẫn đến việc giảm đáng kể đầu tư vào Việt Nam và như vậy tác động đến phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên cần phải theo dõi vấn đề này. Cách đây 3-4 năm, tôi nói vấn đề của Việt Nam liên quan đến đất đai, có nghĩa là quản lý đất như thế nào, hoặc việc thu hồi đất gây ra hàng loạt vấn đề. Hiện giờ, vấn đề đất đai vẫn còn đó, nhưng tôi cho là đã bị đẩy xuống hàng thứ hai, sau những khó khăn về năng lượng và cung cấp điện cho các nhà máy phải hoạt động 24/24 giờ để có thể có lãi.
Chính phủ Việt Nam dường như hiểu hết vấn đề này. Họ đang cố tìm kiếm các đối tác nước ngoài để có thể giúp Việt Nam sản xuất điện một cách ổn định. Nhưng mọi chuyện chưa được giải quyết và sẽ cần đến những khoản đầu tư khổng lồ. Cần phải hiểu khoản đầu tư 15,5 tỉ đô la của nhóm G7 chủ yếu là các khoản vay, rất ít viện trợ. Dù có lãi suất rất ưu đãi so với tỉ giá trên thị trường chung, đó cũng là những khoản tiền phải hoàn trả.
Tôi cho là tình hình hiện giờ khá là kịch tính. Nhưng chính phủ Việt Nam sẽ phải rất lanh lợi, mở rộng được các mối quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực để có thể tiếp tục có chính sách phát triển dựa trên đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó thu hút các công ty nước ngoài vào Việt Nam.
RFI : RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn ông Eric Mottet, giảng viên Trường Đại học Công giáo Lille, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 24/07/2023
*************************
Vì sao ngành điện trì trệ ?
RFA, 22/07/2023
Hôm 10/7/2023, Bộ Công thương Việt Nam hoàn thành kết luận thanh tra việc cung ứng điện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN.) Bản kết luận thanh tra này cung cấp nhiều thông tin về tình trạng ngành điện Việt Nam. Truyền thông trong nước có tường trình nhưng không nêu đầy đủ về bản kết luận này. Văn bản này cũng không nhắc đến những điểm thắt nút có tính chiến lược đang hạn chế sự phát triển của ngành điện ở Việt Nam. RFA trao đổi với một số nhà nghiên cứu về các vấn đề của ngành điện Việt Nam căn cứ trên những thông tin của chính bản kết luận thanh tra này.
Cuối tháng 6/2023, các hồ thủy điện miền Bắc Việt Nam đã có đủ nước sau nhiều tháng nước xuống dưới mức có thể phát điện - Quốc hội Việt Nam
Lệch quan hệ cung cầu
Nhà nghiên cứu Việt Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện từ tháng 5, 2023 đến nay ở miền Bắc Việt Nam. Đó là những nguyên nhân khách quan như chi phí nhiên liệu than nhập khẩu tăng (gây thua lỗ cho EVN), hạn hán gây thiếu hụt sản lượng điện thủy điện, sự quá tải của hệ thống truyền tải Bắc Nam 500kW. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt năng lượng nêu trên còn có những nguyên nhân chủ quan nữa. Đó là sự mất cân đối trong quy hoạch vùng, miền và cơ cấu nguồn điện phía Bắc. Ở phía Bắc, phần lớn nguồn điện là nhiệt điện than và thủy điện. Đây là hai nguồn điện thiếu ổn định và có nhiều rủi ro : thủy điện bị ảnh hưởng khi mất nguồn nước, còn nhiệt điện than bị ảnh hưởng khi giá than nhập khẩu tăng.
Bản kết luận thanh tra cho biết, "Cuối tháng 5 năm 2023, các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà về gần mực nước chết, ảnh hưởng đến việc sẵn sàng phát điện, cung cấp điện cho hệ thống điện ; chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình giữ được mực nước cao sẵn sàng phát điện đáp ứng điều chỉnh tần số của hệ thống điện và cung cấp điện miền Bắc".
So sánh với một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, nhà nghiên cứu Việt Hoàng chỉ ra là công suất nguồn điện của Việt Nam (khoảng 80 ngàn MW), đang đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia, và cao hơn hơn Thái Lan (khoảng 55.000MW), Malaysia (khoảng 50.000MW). Việc phụ thuộc đáng kể vào điện than lý giải cho việc EVN lỗ nặng 2 năm qua trong mùa dịch Covid, do phải nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, giá cao gấp 3 lần so với trước dịch bệnh (phải mua hơn 300 USD/tấn).
Méo mó quan hệ cung cầu
Bản kết luận thanh tra EVN cũng cho thấy hai vấn đề lớn. Một là, tại miền Bắc, hầu như không có nguồn cung điện mới. Nguồn cung điện chủ yếu đến từ miền Trung và miền Nam. Hai là, mặc dù điện miền Bắc cần được bổ sung phụ tải bằng cách truyền tải từ các nguồn điện dư thừa ở miền Trung, miền Nam, đường dây truyền tải từ Nam ra Bắc cũng chỉ có giới hạn. Như vậy, cả việc phân bố nguồn cung phát điện và bảo đảm năng lực cho đường dây truyền tải điện đều có vấn đề bất ổn.
Bản kết luận thanh tra cho biết, "lưới điện 500kV từ miền Nam ra miền Trung đã hình thành 4 mạch đường dây 500kV hiện đáp ứng yêu cầu vận hành (giới hạn truyền tải khoảng 4000-4500 MW)". Tuy nhiên, đoạn tiếp theo, từ Trung ra Bắc thì "nút thắt nằm ở cung đoạn 500kV Vũng Áng, Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan" với năng lực truyền phụ tải không đáp ứng được nhu cầu. Bản kết luận cho biết "để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc thời điểm nắng nóng, với tình hình vận hành tải cao, đã xuất hiện một số điểm phát nhiệt của dao cách ly tại một số trạm biến áp 500kV, các điểm phát nhiệt này đã được EVNNPT khẩn trương tập trung xử lý kịp thời".
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, cũng từng nêu vấn đề trên truyền thông trong nước hồi tháng 5, 2023, rằng mạng lưới đường dây truyền tải "có những thời điểm vẫn phải truyền tải tới 2.600MW, trong khi để lưới truyền tải vận hành an toàn chỉ quanh mức 2.200MW". Theo ông Sơn, trong những năm tới, khi vấn đề này còn chưa được giải quyết, đây sẽ là khó khăn rất lớn cho Việt Nam.
Nguyên nhân trì trệ : EVN độc quyền cả ba mảng ngành điện
Ngành điện lực có 3 hệ thống : hệ thống phát điện, hệ thống truyền tải điện (từ nơi phát điện đến khu vực có nhu cầu) và hệ thống phân phối (đến từng khách hàng cụ thể.)
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân trì trệ của ngành điện ở Việt Nam là do tình trạng độc quyền. Vấn đề "độc quyền" ở đây không phải là chỉ có một mình EVN tham gia thị trường điện. Thực tế nhiều năm nay đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào mảng sản xuất điện. Nút thắt cổ chai của tình trạng độc quyền nằm ở chỗ EVN nắm cả 3 mảng của ngành điện : phát điện, truyền tải điện và phân phối điện.
Bản kết luận thanh tra ngành điện cho thấy EVN nắm cả 3 hệ thống nói trên. Trong đó, mảng phát điện ngoài EVN có vai trò chính, đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp khác như PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), các đối tác trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, EVN độc quyền ở hai hệ thống là truyền tải điện và phân phối điện.
Toàn bộ nguồn điện phát ra từ các nhà máy điện sẽ phải đi qua hệ thống truyền tải để cung cấp điện cho hệ thống phân phối. Đối với hệ thống truyền tải, EVN năm 100%. Và EVN cũng năm độc quyền 100% hệ thống phân phối điện. Bằng cách nắm hai hệ thống truyền tải và bán lẻ, EVN kí hợp đồng mua điện độc quyền với các nhà sản xuất khác để bán lại cho người tiêu dùng trong toàn xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc EVN kiểm soát chính cả 3 mảng (hệ thống) đã gây ra tình trạng trì trệ của ngành điện và khiến nó không thể phát triển linh hoạt.
Nhà nghiên cứu Việt Hoàng nhận xét rằng trong cơ cấu vận hành nói trên, giá bán điện sẽ là giá phát điện cộng với chi phí truyền tải. Còn khi phân phối ra toàn xã hội, EVN sẽ tính thêm phần lợi nhuận cộng thêm thuế, thành giá (bán lẻ) điện phân phối. Do chiến lược phát triển và bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giá bán lẻ điện bình quân từ EVN ra xã hội được duy trì ở mức 9 USCent/ kWh (~ 1.850 Đồng/kWh). Sau khi bị lỗ lớn, EVN và Bộ Công Thương đề nghị tăng giá nhưng Chính phủ không chấp thuận với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội như nêu ở trên đây.
Việc chia tách ngành điện thành 3 mảng (hệ thống) là sản xuất điện, truyền tải điện, và phân phối điện là cơ chế phổ biến ở các nước phát triển. Cơ chế này giúp cho ngành điện phát triển lành mạnh. Tuy vậy, không dễ để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển do vấn đề không đơn giản. Ở phần tiếp theo, RFA phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội về mô hình quản lý "chẻ ngành điện làm ba", một mô hình tất yếu do đặc thù của ngành điện tạo ra.
Nguồn : RFA, 22/07/2023
*************************
Cải cách ngành điện : Chẻ làm 3
RFA, 23/07/2023
RFA trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS ở Hà Nội, về cách thức quản trị ngành điện ở các nước phát triển.
Đường dây truyền tải 500 KV Bắc Nam (ảnh minh họa)-EVN
Như phần trước đã nếu, Bản kết luận thanh tra EVN của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy việc thanh tra nhằm vào cả 3 khâu trong ngành điện : sản xuất, truyền tải, phân phối. Và EVN (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) đều nắm phần lớn và độc quyền cả 3 hệ thống này.
Trong khi "độc quyền" là vấn đề mấu chốt của ngành điện thì văn bản Kết luận thanh tra ngành điện hôm 10/7/2023 không nhắc đến từ "độc quyền". Văn bản cũng không nói đến mô hình chia tách 3 hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối để chống độc quyền.
Tại sao cần tách ngành điện thành 3 hệ thống độc lập ?
RFA đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A là về mặt kĩ thuật và kinh doanh, khi chia tách làm 3 mảng sản xuất, truyền tải, phân phối, thì các công ty thuộc 3 hệ thống đó hoạt động ra sao. Khi chia tách ra như vậy thì khả năng phối hợp của 3 hệ thống có bị ảnh hưởng hay không ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A giải thích rằng quản trị ngành điện trên thế giới, hệ thống điện thường được chia tách làm 3 mảng vì ha lý do sau. Một là để cho rạch ròi giữa 3 công đoạn là phát điện ; truyền tải và phân phối. Hai là để xóa độc quyền và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh (tức là dùng cơ chế thị trường để điều tiết) ở nơi có thể điều tiết. Và ba là để tạo các khuyến khích cho tiết kiệm và đổi mới sáng tạo.
Ông giải thích : Cơ chế này chia ngành điên làm 3 mảng (hệ thống) chứ không đơn giải là chia làm "3 công ty", dù bản thân EVN có thể bị chia làm 3 công ty.
Nhiều doanh nghiệp khác nhau có thể tham gia vào cả mảng phát điện. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều công ty tham gia : EVN, Than Khoáng sản, Dầu khí và khá nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước đầu tư vào điện gió, điện mặt trời…
Thị trường phát điện có thể phần lớn do cơ chế thị trường điều tiết. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, ví dụ thủy điện lớn còn phải tính đến nước cho nông nghiệp, chống lũ lụt… cho nên không thể hoàn toàn do thị trường quyết định. Trong trường hợp này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng "không có cái gọi là thị trường tự do vì các quy định, các chính sách luôn là cái tạo ra thị trường".
Trong khi mảng phát điện thì đã có nhiều "tay chơi" tham gia, hai mảng còn lại thì vẫn trong tình trạng độc quyền tuyệt đối. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp nên được tham gia vào mảng phân phối, buôn và bán lẻ điện.
Có thể có nhiều công ty tham gia bán buôn điện và rất nhiều công ty bán lẻ điện. Do phải kéo đường dây đến người tiêu dùng cuối cùng, nên các công ty bán lẻ thường gắn với một khu vực địa lý. Điều này tạo ra hiện tượng "độc quyền tự nhiên" nên phải bị điều tiết, dù nhưng không nhất thiết điều tiết về giá, chứ không thể thả lỏng.
Mảng truyền tải điện có hai mặt. Một là mạng xương sống tải điện (thí dụ các đường dây 500 KV và các đường cao áp khác cùng các thiết bị kết nối) là mảng độc quyền tự nhiên do địa lý. Vì vậy, phần này nên tách khỏi EVN và tạo thành một công ty công ích do Nhà nước sở hữu. Công ty này hoạt động như một công ty cung cấp dịch vụ truyền tải, thu phí trên lượng điện của các công ty phát điện truyền đi, và phí mà các công ty phân phối nhận điện từ công ty truyền tải : phí đảm bảo sao cho công ty truyền tải có thể hoạt động hiệu quả, có lời và có tích lũy.
Mảng truyền tải (last mile) là đường dây và thiết bị (hạ áp chẳng hạn) cũng mang tính độc quyền địa phương. Mảng này thường do các công ty bán lẻ quản lý nhưng cũng có thể hình dung trong tương lai như nhiều công ty công ích địa phương quản lý. Có thể làm cho các công ty bán lẻ cạnh tranh nhau trên cùng một hạ tầng truyền tải đến người dùng cuối cùng.
Ba mảng đó cần sự phối hợp rất nhịp nhàng và chặt chẽ với nhau. Việc đó phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ và kỹ năng của những người làm công việc điều phối đó.
Như thế sự cải tổ ngành điện cũng phải làm từ từ, chứ không thể làm trọn gói một lúc được, như nhiều người nghĩ. Tóm lại là phải tạo cơ hội cho sự thử nghiệm.
Đối với câu hỏi của RFA về khả năng Việt Nam có thể tham khảo bài học cụ thể nào từ các nước phát triển hay không, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông không thể trả lời chi tiết do không phải là chuyên gia sâu về ngành năng lượng. Tuy vậy, ông cho rằng chắc chắn Việt Nam có thể tham khảo và nên tham khảo kinh nghiệm của các nước khác, kể cả Mỹ. Ông nêu một điểm cần lưu ý là tham khảo, học hỏi nhưng chưa chắc đã có thể hay nên sao chép, vì trình độ kỹ thuật, con người và rất nhiều yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến sự cải tổ ngành điện.
Nguyên nhân trì trệ kéo dài
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh vấn đề mấu chốt là phải hiểu rõ mục đích. Ông cho rằng cần có tư duy mới, coi hạ tầng cơ sở năng lượng (trong đó có điện) là hạ tầng cốt lõi để phát triển đất nước. Cơ sở hạ tầng năng lượng không phải là công cụ cho bất kể tổ chức nào để điều khiển "nền kinh tế" theo ý của mình.
Theo ông, đây là vấn đề bắt nguồn từ nhận thức và ý thức hệ, dẫn đến ý chí muốn xây dựng các tập đoàn nhà nước như các công cụ để thực hiện chính sách kinh tế.
Ngoài vấn đề ý thức hệ, cơ chế bộ chủ quản (các bộ trung ương quản lý trực tiếp đối với doanh nghiệp lớn của nhà nước) là một cơ chế không tốt. Hơn thế nữa, cơ chế "thủ tướng chủ quản" được đưa vào từ 2006, với việc lập các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, thì còn tồi hơn rất nhiều. Sau sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines, v.v, người ta đã có điều chỉnh một chút nhưng chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ở đây, quyền lực là một yếu tố rất quan trọng cho sự trì trệ này. Các cơ quan, như các bộ chẳng hạn, ở bất kỳ đâu, thời nào, cũng muốn quyền lực, trước hết là quyền lực về kinh tế, (và sau đó không chỉ là kinh tế) của mình càng nhiều càng tốt.
Do đó, cần có quyết tâm chính trị của lãnh đạo và áp lực công chúng, ví dụ như của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, thì mới cải cách được cơ cấu ngành điện. Việt Nam đã có nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) lập các liên minh như năng lượng, môi trường… đáng tiếc là Nhà nước không khuyến khích họ hay cho hoạt động đúng cách. Không có áp lực từ bên ngoài, trong khi ý chí chính trị thì không đủ, nên trì trệ vẫn nguyên trì trệ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh : "Nói thế không có nghĩa là Việt Nam không có biến chuyển hay tiến bộ gì, nhưng chỉ tiếc là sự trì trệ quá lâu, làm hại đến sự phát triển của đất nước".