Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2023

"Thầy chùa" ăn thịt chó

Ngọc Lan

Cơ quan chức năng khẳng định các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ là do ông Phúc tự làm giả

thaychua1

Ông Nguyễn Minh Phúc tự in danh thiếp xưng là "Hòa thượng Thích Tâm Phúc, trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung Ương

Vụ việc được "xới lại" khi mới đây có một vị trong trang phục nhà sư hiện diện ở một buổi tiệc có dấu hiệu sử dụng ma túy.

Theo đó, khuya 22/7/2023, Công an quận Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn. Clip có sự xuất hiện của một người đàn ông đầu trọc, mặc đồ giống nhà sư gây xôn xao dư luận.

Sau đó một ngày, ông Nguyễn Minh Phúc (người đàn ông mặc đồ giống nhà sư) xuất hiện trên mạng xã hội kể lại vụ việc. Theo lời ông Phúc, ông được một người "đệ tử" mời đến chơi sinh nhật tại đây. Sau khi vào quán ông Phúc được nhiều người nhận ra, xin chụp hình chung. Tại đây, người đàn ông chỉ ngồi chơi, uống nước lọc.

Từ đầu năm 2021, ông Nguyễn Minh Phúc được nhiều người biết đến với biệt danh "thầy chùa ăn thịt chó". Thời điểm đó, ông này được nhiều YouTuber tìm đến và quay lại các video với nội dung ăn thịt chó, bún đậu, vịt quay, hột vịt lộn… Trong các video clip, ông này tự xưng mình là đại đức Thích Tâm Phúc và là trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung Ương trên địa bàn huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Biên tập viên, người dẫn chương trình Nhã Quỳnh, nhận xét : "Khi xem các video nói về ông Nguyễn Minh Phúc trong vụ "thầy chùa ăn thịt chó", tôi thấy sợ những người tạo ra các kênh YouTube kiếm tiền kiểu giật gân câu khách này. Tôi sợ họ gây tạo nghiệp quá lớn, hậu quả gánh chịu khó nghĩ bàn. Và trước mắt, những nội dung đại loại như vậy có thể dẫn đến mất niềm tin đối với Phật tử sơ cơ hoặc gây hiểu lầm về Phật giáo, về người tu đối với người thế gian, chưa hiểu đạo.

Đa số công chúng khi xem một thông tin liên quan tới tôn giáo thường đánh đồng cá nhân với tập thể, tò mò với những thông tin sốc siếc… Do vậy, ngoài đòi hỏi sự trung thực, tính chọn lọc nội dung của các kênh YouTube thì chính mỗi người tiếp cận thông tin cũng cần có cái nhìn sâu sắc.

Chẳng hạn, khi xem các biểu hiện, cách nói chuyện của ông Minh Phúc, phải nhận ra ngay đây là người có vấn đề ; đồng thời thấy được cách thể hiện, phô bày nội dung của các YouTuber là giật gân, câu khách, không đáng quan tâm…".

Tháng 4/2022, ông Nguyễn Minh Phúc lại làm mạng xã hội xôn xao với hình ảnh trong trang phục cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp của trường Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng về vụ việc này. Theo đó, ông Phúc có đến chúc mừng một sinh viên của trường này trong ngày tốt nghiệp rồi thuê đồ của những người làm dịch vụ chụp ảnh dạo bên ngoài trường để chụp ảnh.

Tuy nhiên, đại diện Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lễ phục mà ông Phúc thuê không phải là lễ phục của nhà trường.

Một báo cáo do thượng tọa Thích An Thường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi ký, cho biết : Thời gian qua trên mạng xã hội truyền tải rất nhiều video clip ông Nguyễn Minh Phúc, ngụ tại nhà số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung (tự xưng là "chùa Hoằng Pháp Trung Ương") giả dạng tu sĩ Phật giáo.

Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi đã triệu tập các cuộc họp xử lý vụ việc, với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng như Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công an ; Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin, Chi cục thuế huyện Củ Chi và xã Tân Phú Trung cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi.

Qua thẩm tra khẳng định các loại giấy tờ chứng minh là tu sĩ, các quyết định bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983) với chữ ký của hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự Trung ương, khuôn dấu của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông Phúc tự làm, giả mạo.

Các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cũng được cơ quan chức năng khẳng định là do ông Phúc tự làm giả.

Cũng theo thượng tọa Thích An Thường, vụ việc ông Nguyễn Minh Phúc, từ năm 2014, được thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận không phải là tu sĩ xuất gia ở chùa Hoằng Pháp và thông báo rộng rãi lưu ý đừng để Nguyễn Minh Phúc lừa gạt.

Tuy nhiên với những gì diễn ra suốt thời gian dài sau đó, nếu đặt trong một so sánh với nhóm tu sĩ Phật giáo ở tịnh thất Bồng Lai - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (Đức Hòa, Long An), cho thấy hành vi của ông Nguyễn Minh Phúc dường như được "dung dưỡng – nuôi dưỡng" nhằm tạo một cái nhìn méo mó, phản cảm về tu sĩ Phật giáo.

Một so sánh : Những tu sĩ ở tịnh thất Bồng Lai không thấy phạm giới, chỉ là không thuận theo việc gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như từ chối việc phụ thuộc vào trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh, vậy là họ bị dàn dựng với nhiều cáo buộc theo điều luật hình sự 331.

Còn với người khoác áo nhà sư như Nguyễn Minh Phúc, mặc dù cũng có nhiều phát ngôn cho thấy nằm trong chế tài của điều 331 Bộ luật hình sự, nhưng nhà chức trách lại… làm lơ (!?).

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 27/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Lan
Read 386 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)