Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2023

Khi quan chức thay đổi quan niệm sống

JB Nguyễn Hữu Vinh

Phiên tòa với nhiều điều không bình thường

Theo dõi phiên tòa xét xử 54 bị can trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" ngoài những màn thể hiện cảm xúc của các quan chức cộng sản như khóc lóc, kêu oan, đổ lỗi hoặc thanh minh thanh nga cho hành động tội ác của mình là trục lợi trên chính sinh mạng đồng bào, trên nỗi đau đồng loại và thảm họa của dân tộc, của đất nước… thì người ta thấy những điều không bình thường khác.

nhantien1

Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại phiên xét xử (Ảnh : Hải Nam)

Một trong những sự khác thường đó, là rất nhiều cán bộ cao cấp của đảng, từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, rồi các trợ lý Thứ trưởng, các cục, vụ trưởng đến Đại sứ Việt Nam tại các nước ngoài những người trắng trợn ra giá hẳn hoi cho mỗi chuyến bay hàng trăm triệu đồng hoặc tính đầu người mỗi người 3 triệu… phần còn lại, nhiều bị cáo đã cho rằng mình không nhận hối lộ, mình chỉ nhận tiền "cảm ơn" của các doanh nghiệp mà thôi. Thậm chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Tân, còn hết sức vô tư nhận tiền, chỉ bởi đó là tiền từ doanh nghiệp, không phải tiền từ ngân sách nhà nước, nên chẳng tội tình gì.

Điều đó, cho thấy vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn rất nhiền những vụ tham nhũng, hối lộ thường bị phát hiện trong xã hội Việt Nam.

Đó là vấn nạn quan chức từ lớn đến nhỏ và nói chung là xã hội đã không còn cảm thức về tội hối lộ và tham nhũng trong đời sống xã hội. Có nghĩa là việc nhận hối lộ, việc tham nhũng là chuyện không có gì phải lăn tăn, phải phân vân mà đã là chuyện hết sức bình thường trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Nó bình thường đến mức, người ta không nhận ra rằng đó là vi phạm luật pháp, có nghĩa là hành động tội ác, hành động đó, lẽ ra tự tiềm thức mỗi người đều biết và tự ngăn chặn bản thân mình.

Quà tặng cảm ơn và hối lộ

Hầu hết các bị cáo trong vụ án, đều chỉ khai nhận rằng họ chỉ nhận quà cảm ơn của các doanh nghiệp, thậm chí họ còn lý giải rằng việc doanh nghiệp đưa quà cảm ơn họ, là việc tự nguyện nên họ nhận chẳng có gì phải suy nghĩ, phải lăn tăn là vi phạm luật pháp. Thậm chí, họ còn nại ra rằng họ hoàn toàn không đòi hỏi, không ra giá, không yêu cầu mà doanh nghiệp tự mang tiền đến cho họ.

Và cái sự "cảm ơn" ấy với phần đã được phát hiện, đã diễn ra đến 515 lần với tổng cộng 165 tỷ đồng (trung bình 320 triệu đồng mỗi lần) trong vụ án. Điển hình là một cá nhân Phạm Trung Kiên, chỉ là thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế nhận "cảm ơn" đến 253 với 42,6 tỷ đồng. Tính ra trong suốt hơn 1 năm trời dịch bệnh, tính 320 ngày làm việc, Phạm Trung Kiên nhận trung bình mỗi ngày 133 triệu đồng và mỗi giờ làm việc, trung bình Kiên nhận 16,6 triệu đồng tiền "cảm ơn".

Cảm ơn, là hành động của người chịu ơn tiến hành đối với người đã làm ơn cho họ.

Như vậy, trong vụ việc nhận "cảm ơn’, người ta thấy được quan niệm của quan chức nhà nước hiện nay. Rằng việc họ thi hành phận sự khi là công chức, được lĩnh lương và hưởng mọi bổng lộc từ dân, là việc họ làm ơn cho người dân chứ không phải là trách nhiệm, nhiệm vụ của họ. Bởi vì họ làm ơn, nên họ mới nhận "cảm ơn", còn nếu họ coi đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của họ, thì việc nhận "cảm ơn" sẽ là việc nhố nhăng.

Điều này không chỉ trong hệ thống quan chức công quyền qua vụ "Chuyến bay giải cứu’ mà trong xã hội, đã trở thành chuyện bình thường.

Cứ nhìn hệ thống công an hiện tại, chúng ta sẽ rõ về quan niệm hiện nay. Có thể nói, xã hội Việt Nam đã ngày càng trở nên bạo lực, bất ổn và đủ mọi thứ tệ nạn, tội phạm hoành hành. Điều này không phải do cảm tính mà hoàn toàn là tiếng nói của những con số. Tệ nạn ma túy dày đặc khắp mọi nơi mọi chỗ, trộm cướp, lừa đảo đủ mọi thể loại, đủ mọi cách. Hệ thống công quyền tham ô nhũng lạm mọi nơi mọi chỗ… hoàn toàn có trách nhiệm của hệ thống công an, cảnh sát.

Hệ thống này được nuông chiều và ưu ái đến mức không thể tưởng tượng được trong đời sống xã hội bình thường. Chỉ cần nhìn con số ngân sách hàng năm cho ngành Công an cao gấp 11 lần ngân sách cho ngành Y tế, đủ để biết mức độ tiêu tốn tiền của ở đó ra sao. Đó là chưa kể hàng loạt các khoản tài chính khác đổ về ngành công an như tiền phạt người vi phạm Giao thông, đủ mọi loại nguồn thu khác, kể cả kinh doanh trong hệ thống nhà tù…

Thế nhưng, việc bảo đảm an ninh xã hội, trấn áp tội phạm nhiều khi được xử sự như không hề phải là của ngành công an. Xã hội hỗn loạn với đủ mọi loại tội phạm, công an chẳng hề hấn gì, coi như chuyện của người khác. Dù công an vẫn lĩnh lương gấp đôi xã hội, vẫn đều đều đủ mọi thứ ưu tiên và tiêu chuẩn, mặc kệ xã hội ra sao. Thậm chí rỗi rãi, công an còn làm đủ trò tội phạm khác như công an lừa đảo, công an chạy án, chạy việc, công an bảo kê ma túy, công an bảo kê tội phạm… đủ cả.

Nhưng, mỗi khi công an tham gia một vụ việc nào đó như bắt cướp, bắt trộm hoặc phòng cháy chữa cháy, thì y như rằng ngay lập tức phải có việc thưởng nóng, thưởng nguội, được ca ngợi như họ đang làm phúc, đang làm hộ xã hội những việc không phải trách nhiệm và phận sự của họ vậy. Người ta đặt câu hỏi : Vậy liệu nếu không có thưởng, không có cảm ơn, thì công an sẽ không làm những việc đó sao ?

Đó cũng là quan niệm đã trở thành chung của xã hội hiện nay.

Trong xã hội, hầu như ai cũng biết một điều rằng : Nhận hối lộ là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp nhận hoặc sẽ nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác hay gián tiếp nhận thông qua bên trung gian để làm, không làm hay sẽ làm một hay nhiều việc có lợi cho bên đưa hối lộ một cách trái pháp luật.

Vậy thì chắc chắn một điều rằng, những cán bộ đã nhận tiền "cảm ơn" từ các doanh nghiệp họ đều hiểu rằng, họ có vai trò nào đó trong trách nhiệm của mình với hoạt động của doanh nghiệp đi giải cứu, nên họ mới nhận được hàng tỷ đồng, bằng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm lương của mình, bằng hàng chục gia sản nhiều đời của người dân.

Và hậu quả

Thế nhưng, đến nay, cái quan niệm đó đã bị đảo ngược. Những kẻ tự xưng làm "công bộc" của dân, ngày nay đã trở thành những người làm ơn cho người dân… và họ cho rằng họ nhận cảm ơn là chuyện "xứng đáng".

Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đã nhận hối lộ tổng cộng 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp được cấp phép "Giải cứu" đã hồn nhiên nói rằng : "Sau khi các doanh nghiệp tổ chức bay xong thì họ chủ động liên hệ bị cáo. Bị cáo không có mưu đồ, không đòi hỏi gì. Doanh nghiệp họ đến tiếp xúc bị cáo để cảm ơn" nên "không nhận thức được" việc nhận tiền là vi phạm".

Như vậy, qua những ngày xét xử tại phiên tòa "Giải cứu", điều người ta thấy được thì nhiều, nhưng điều đáng lo ngại như đã nói, đó là việc cảm thức tội ác, tội lỗi đã mất đi trong một bộ phận lớn những công bộc, những cán bộ của đảng.

Và vì thế, họ ngang nhiên bóp nặn những đồng tiền của những công dân từ khắp nơi trên thế giới nghe theo lời hò hét, tự sướng của đảng để bằng mọi cách về Việt Nam. Vì "Dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được" (Vũ Đức Đam). Và khi đó, cả thế giới cũng đang nghe lời Nguyễn Xuân Phúc : "Nếu cột điện ở Mỹ có chân, nó cũng sẽ về Việt Nam".

Và cứ vậy, những đồng tiền chui vào túi quan chức là từ người dân, với con số bị cướp bất chính là hơn 4.000 tỷ đồng.

Đó là những đồng tiền của những du học sinh, sang nước người tìm đường học hành, tu dưỡng trau dồi kiến thức để mai đây về xây dựng quê hương, đất nước, để nuôi đảng và nhà nước. Nay chúng muốn được "Giải cứu" thì chúng phải nôn ra đủ 500 đola mỗi đứa ngoài tiền vé thông thường. Đó là số tiền chúng đã phải nhịn ăn nhịn mặc, cày cuốc lao động làm thêm đủ mọi thứ ngoài giờ học, hoặc nếu không thì đó là tiền bố mẹ chúng phải gửi đến cho chúng.

Đó là những đồng tiền của những công dân Việt Nam được đưa ra nước ngoài bán sức lao động, làm nô lệ xứ người để mong có được những đồng tiền đẫm mồ hôi nước mắt, nay gặp cơn đại dịch đã phải dốc toàn bộ hầu bao, hoặc vay mượn để đủ chiếc vé trở lại quê hương với gia đình, chồng con bao năm mong đợi và lo lắng.

Đó là những đồng tiền của những tù nhân, những người dân đi làm ăn, đi lao động bán sức lao động, xương máu ở xứ người hoặc ngư dân đánh cá lạc vào lãnh hải nước ngoài bị bắt, nay dịch bệnh thì được thả ra. Khi đó, các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo đã kịp thời buộc họ gọi điện cho người nhà đóng đủ mấy chục triệu đồng trước khi các cán bộ "Giải cứu".

Đó là những đồng tiền của những người đã chết, đã thiêu xác ở nước ngoài, nay muốn về quê hương, phải đóng đủ cho sứ quán số tiền khổng lồ từ tiền hỏa táng cho đến chuyên chở, vận chuyển…

Nghĩa là đảng và cán bộ nhà nước đã giải cứu tất cả những đồng tiền của người trẻ đến người già, đàn ông đến phụ nữ, người ốm đến người chết… tất cả chẳng có tha ai.

Và đó chính là cái mà người dân vẫn quen miêng trở thành khẩu ngữ rằng : Ơn đảng, ơn chính phủ.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 27/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)