Ukraine hy vọng là tại thượng đỉnh Vilnius, Litva, hôm 11-12/07/2023, NATO mở ra cho Kiev một lịch trình cụ thể để gia nhập Liên Minh. Thế nhưng, chuyện đó đã không xảy ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, ngày 12/07/2023. Reuters – Yves Herman
Tư cách thành viên của Ukraine trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, mà Kiev yêu cầu từ nhiều năm nay, nhất là từ khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02/2022, cũng đã không được đưa ra bàn thảo trong hai thượng đỉnh đầu tiên của NATO được tổ chức sau khi nổ ra chiến tranh Ukraine (lần triệu tập họp khẩn cấp vào tháng 03/2022 và thượng đỉnh Madrid tháng 06/2022).
Trong bài viết "NATO và Ukraine : Mọi chuyện sẽ đi về đâu sau thượng đỉnh Vilnius ?" đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 24/07/2023, nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, giáo sư hợp tác với trường ESCP Business School, nhắc lại là tại những thời điểm đó, sự ủng hộ ngay tức khắc dành cho Ukraine đã được nêu lên, thay vì những tính toán để bảo đảm an ninh dài hạn hơn. Tuy nhiên, thượng đỉnh Madrid khi đó đã tạo điều kiện để khởi động việc Phần Lan gia nhập khối NATO, chính thức có hiệu lực vào tháng 04/2023, và sự gia nhập của Thụy Điển. Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa phê chuẩn hiệp ước để Stockholm gia nhập NATO.
Theo nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, từ nguyên tắc mơ hồ về việc để "cửa ngỏ", với hội nghị thượng đỉnh Bucarest vào tháng 04/2008, khả năng Ukraine và cả Georgia (Gruzia) gia nhập NATO là một triển vọng có thực. Vào thời điểm đó, bất chấp sự phản đối của Pháp và Đức về việc đưa ra một "kế hoạch hành động để gia nhập" khối NATO cho Ukraine và Georgia, mà chính quyền Mỹ của tổng thống Bush mong muốn, hội nghị thượng đỉnh Bucarest 2008 đã đưa ra tuyên bố rõ ràng : "NATO hoan nghênh nguyện vọng của Ukraine và Georgia muốn gia nhập Liên Minh. Hôm nay, chúng tôi đã quyết định rằng các nước này sẽ trở thành thành viên của NATO". Thế nhưng, vài tháng sau đó, cuộc chiến Nga- Georgia đã nổ ra, tạo cơ hội cho Moskva thể hiện ưu thế chiến lược của Nga trong khu vực.
Hồ sơ gia nhập NATO của các ứng viên Ukraine và Georgia về cơ bản không tiến triển nhiều từ sau thượng đỉnh 2008. Sự hợp tác của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương với hai nước này đã được tăng cường, lời hứa để họ gia nhập khối đã được triển hạn, nhưng không có bước tiến cụ thể nào để Ukraine và Georgia trở thành thành viên NATO.
Georgia tỏ ra ít vội vàng hơn sau sự ra đi của tổng thống Saakashvili vào năm 2013. Về phần mình, Ukraine từ năm 2014 đã phải đối đầu với chính sách dùng vũ lực của Moskva (bị Nga thôn tính bán đảo Crimea, mất một phần vùng Donbass), nên đến năm 2019, trước kỳ bầu cử đưa Zelensky lên làm tổng thống, Kiev đã ghi vào Hiến pháp mục tiêu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Cho dù trước đó, việc gia nhập NATO từng là một mục tiêu gây tranh cãi ở Ukraine, không giống như việc gia nhập Liên Âu được gần 2/3 người dân ủng hộ.
Cuộc chiến tranh do Nga phát động vào tháng 02/2022 lại càng củng cố mong muốn của Ukraine được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bảo vệ trong tương lai. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ truyền thống từ một số đồng minh, đặc biệt là Anh Quốc và các nước Đông Âu, Hoa Kỳ lại đưa ra tín hiệu về một lập trường có tính kiềm chế cao trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thẳng là Ukraine "chưa sẵn sàng".
Đức theo quan điểm thận trọng của Mỹ, trong khi Pháp, theo phát biểu của tổng thống Macron hôm 31/05 tại Bratislava, tiếp tục theo hướng quyến rũ các nước Đông Âu, đã bày tỏ lập trường ủng hộ sự gia nhập của Ukraine. Theo nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, trên thực tế chắc chắn nhiều quốc gia thận trọng là vì hiệp ước kết nạp thành viên mới phải được từng nước thành viên phê chuẩn. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển đã cho thấy không phải quốc gia nào cũng dễ dàng thông qua hồ sơ gia nhập của các ứng viên.
Kết quả của thượng đỉnh Vilnius, khiến Ukraine thất vọng, trước hết phản ánh lập trường của Mỹ. Mặc dù khả năng NATO kết nạp Ukraine đã được tái khẳng định ("tương lai của Ukraine là ở trong khối NATO"), nhưng không có quy trình gia nhập cụ thể nào được khởi động, NATO chỉ xác định là khác với Georgia, Ukraine sẽ được miễn trừ "kế hoạch hành động để gia nhập".
Về việc Kiev muốn được NATO mời gia nhập, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trả lời ngắn gọn rằng Ukraine sẽ được mời "khi các nước Đồng Minh quyết định và khi các điều kiện được đáp ứng" (mà không nói cụ thể là điều kiện gì). Nói cách khác, việc kết nạp Ukraine vào NATO hay không và khi nào sẽ chỉ do Liên Minh quyết định. Bù lại, NATO đã quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ với Kiev, nhất là với việc thành lập Hội đồng NATO-Ukraine.
Nỗi sợ đụng độ hạt nhân
Theo tác giả bài viết, sự từ chối mời Ukraine gia nhập NATO cần được giải thích ở hai cấp độ : từ quan điểm về sự can dự của NATO vào cuộc xung đột và từ quan điểm về giải pháp mà NATO có thể đưa ra để giải quyết xung đột.
Trước tiên, có một sự thật hiển nhiên : NATO không phải là bên tham chiến. Đây là cuộc chiến Nga chống Ukraine, chứ không phải Nga chống lại phương Tây. Trong khi việc một số quốc gia, chẳng hạn như Belarus, cho phép quân đội Nga đi qua lãnh thổ của họ, có thể bị xem là bên tham chiến, thì việc phương Tây giao vũ khí cho Ukraine lại không bị xem là tham chiến. Và phương Tây cũng tỏ ra hết sức thận trọng về cung cấp các loại vũ khí tấn công (xe tăng, tên lửa, máy bay) có khả năng tấn công trực tiếp vào nước Nga.
Mặc dù có sự phối hợp sơ lược trong khuôn khổ NATO ("nhóm Ramstein"), nhưng việc giao vũ khí cho Ukraine có xu hướng đi vòng, tránh thông qua NATO, mà trong khuôn khổ quan hệ song phương (giữa một nước nào đó với Ukraine), hoặc thông qua Liên Hiệp Châu Âu (với sự tài trợ của Quỹ Liên Âu vì hòa bình), hoặc thông qua sự phối hợp trong nhóm G7 (cam kết hỗ trợ Ukraine lâu dài và chống lại một cuộc tấn công mới của Nga trong tương lai đã được quyết định tại Vilnius, nhưng là trong khuôn khổ nhóm G7 chứ không phải trong khuôn khổ NATO).
Lý do NATO né tránh cũng rất dễ hiểu, bởi vì bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào dù là giữa phương Tây với Nga, hay giữa NATO với Nga, hay giữa Hoa Kỳ với Nga, đều có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột hạt nhân. Nga đã nhiều lần truyền đi thông điệp công khai rằng họ không sợ leo thang hạt nhân. Theo nhà nghiên cứu Maxime Lefebvre, như vậy rất có thể là Nga cũng đã gửi đi những thông điệp tương tự trong các cuộc đối thoại với Mỹ. Nhiệm vụ chính của NATO là phòng thủ tập thể cho các thành viên. Đây cũng là một nội dung chính của thượng đỉnh Vilnius vừa qua.
Trong tương lai, Ukraine có thể được hưởng sự bảo đảm an ninh mà NATO dành cho các thành viên của Liên Minh hay không ? Câu hỏi này đã gây ra một cuộc tranh luận thực sự trước thềm hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Điều khó là việc áp dụng cơ chế bảo đảm an ninh được quy định trong Điều 5 của Hiệp định thành lập NATO (Điều khoản phòng vệ tập thể) đối với một nước không kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ của họ. Không có quốc gia thành viên NATO nào rơi vào tình huống này (Chypre thuộc Liên Âu nhưng không thuộc NATO).
Trong trường hợp đó, tối thiểu cũng cần diễn giải Điều 5 theo hướng việc bảo đảm an ninh chỉ áp dụng cho các vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát được, và với mục đích phòng thủ, chứ không áp dụng cho các vùng lãnh thổ của Ukraine nhưng đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, để tránh nguy cơ NATO bị lôi kéo ngoài ý muốn vào chiến dịch thu hồi các vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga chiếm đóng.
Mô hình Israel và Hàn Quốc
Nhiều khả năng lựa chọn đã được đưa ra. Chẳng hạn như mô hình của Hàn Quốc, nước đã ký một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ từ năm 1953. Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc trong khi bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt và chưa có hiệp ước hòa bình. Hoặc như trường hợp của Israel, được Hoa Kỳ hỗ trợ an ninh thông qua nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng.
Hiện giờ, "các bảo đảm an ninh" mà phương Tây đề xuất với Kiev (như trong tuyên bố của nhóm G7 tại Vilnius) đều chưa đạt đến mức như trên. NATO không dự kiến triển khai binh sĩ của các nước đồng minh trên lãnh thổ Ukraine. Họ cũng không dự kiến điều khoản về hỗ trợ quân sự chống xâm lược. Và ngay cả nếu NATO cam kết hỗ trợ an ninh cho Ukraine theo diện rộng và lâu dài, như Hoa Kỳ đang làm với Israel, thì Ukraine cũng đang ở một vị thế rất khác biệt : Kiev không có vũ khí hạt nhân và ngay cả khi Ukraine được phương Tây trang bị vũ khí, thì chỉ với quân đội của Ukraine, họ cũng không thể chiếm ưu thế chiến lược đối với nước láng giềng Nga.
Yếu tố cuối cùng phải được tính đến : Nga luôn phản đối Ukraine gia nhập NATO. Lấy việc NATO kết nạp Ukraine làm lối thoát cho chiến tranh không hẳn là sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến, mà ngược lại có thể thúc đẩy Moskva tiếp tục cuộc chiến để ngăn chặn kết cục đó.
Việc gia nhập NATO cũng có nghĩa là Ukraine phải đáp ứng được nhiều điều kiện : Ukraine cần thu hồi phần lãnh thổ đủ nhiều để khiến Nga có thể đồng ý thông qua lệnh ngừng bắn ; Điều 5 cần được giới hạn ở phần lãnh thổ do Ukraine kiểm soát (điều này dẫn đến việc ít nhất là tạm thời Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ được quốc tế công nhận nhưng giờ đây không còn nắm quyền kiểm soát, ví dụ như bán đảo Crimea hoặc một phần vùng Donbass đã bị Nga thôn tính) ; Nga cũng phải xem là họ đã thất bại đủ để chấp nhận một lệnh ngừng bắn với những điều khoản rất bất lợi (giảm bớt quyền kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine, việc Ukraine gia nhập NATO, về mặt logic là NATO sẽ triển khai quân ở những điểm quan trọng), điều này chắc chắn cần có một sự thay đổi quyền lực ở Moskva.
Nhưng vì Nga là một cường quốc hạt nhân, nên yếu tố chiến lược nền tảng của cuộc xung đột này là NATO không thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga và cần đặt ra giới hạn về thất bại mà Ukraine có thể gây ra cho Nga. Chuyên gia Maxime Lefebvre kết luận đó là lý do vì sao các chiến lược gia ở Washington muốn để ngỏ mọi cánh cửa để tìm lối thoát cho cuộc xung đột, điều mà thượng đỉnh Vilnius hướng tới.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 31/07/2023