Tròn 100 tuổi, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cách đây hai tuần đã tới Trung Quốc để hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình và một số bộ trưởng Trung Quốc. Báo Pháp Le Figaro hôm 01/08/2023 đăng bài phỏng vấn Jérémie Gallon, tác giả cuốn sách "Henry Kissinger, một người Châu Âu", đề cập đến quan điểm của Kissinger về quan hệ Trung - Mỹ, cũng như về vai trò của Châu Âu trên trường thế giới. RFI xin giới thiệu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuộc gặp ngày 20/7/2023 tại Bắc Kinh (Ảnh : AFP).
RFI : Hôm 20/07/2023, Tập Cận Bình đã tiếp Henry Kissinger tại Bắc Kinh. Chuyến đi này mang ý nghĩa gì ?
Jérémie Gallon : Henry Kissinger hoàn toàn tự tin rằng ông vẫn có thể đóng một vai trò tích cực trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vào thời điểm quan hệ song phương cực kỳ căng thẳng và mong manh. Suy nghĩ này thực sự chính đáng, khi vào thời điểm hiện tại ở Trung Quốc, không có quan chức Mỹ nào được tôn trọng như Kissinger. Và mọi người không nên nghĩ rằng Kissinger thực hiện chuyến đi này vì háo danh : ông đã 100 tuổi, và việc đến Bắc Kinh là một hành trình đòi hỏi rất nhiều sức lực. Sở dĩ ông cố gắng như vậy, vì ông ấy tin rằng nó có thể mang tính xây dựng. Hơn nữa, ông sẽ không bao giờ làm một hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Chuyến thăm của Kissinger có thể đã làm dấy lên sự ganh tị ở Washington, nhưng ông đã không sang Bắc Kinh nếu Nhà Trắng phản đối.
Đúng là Trung Quốc đã tạo ra một sự tương phản rất rõ ràng giữa cách họ đón tiếp Kissinger và thái độ lạnh nhạt khi họ đón tiếp một số nhà lãnh đạo khác của Mỹ khi đến Bắc Kinh trong thời gian gần đây, như bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, ngoại trưởng Antony Blinken, John Kerry, đặc phái viên của Hoa Kỳ về khí hậu – tới Bắc Kinh cùng thời điểm với Kissinger - hay Bill Burns, lãnh đạo CIA. Kissinger đã có cuộc hội đàm với Tập Cận Bình, ông đã gặp ngoại trưởng Vương Nghị, cũng như bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc, mặc dù ông Lý đang là mục tiêu bị nhắm đến của các biện pháp trừng phạt từ phía Hoa Kỳ, gần đây đã từ chối gặp đồng nhiệm Mỹ, Lloyd Austin.
Đây là cách để Trung Quốc cho phương Tây thấy rằng họ có khả năng đối xử một cách trân trọng với một chính khách Mỹ, tìm cách hiểu lập trường của Trung Quốc. Có một biểu tượng rất lớn trong vấn đề này : Tập Cận Bình đã tiếp Kissinger tại Điếu Ngư Đài, nơi ông Kissinger đã gặp thủ tướng Chu Ân Lai trong chuyến công du đầu tiên của ông tới Bắc Kinh hồi năm 1971. Do đó, đây là chuyến thăm rất mang tính biểu tượng, nhưng không phải tất cả đều trống rỗng về thực chất.
RFI : Liệu có thể hy vọng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cải thiện hay không ?
Jérémie Gallon : Châu Âu thường có cảm tưởng rằng Washington có quan điểm đơn điệu về Trung Quốc ; một quan điểm có phần cực đoan trên mặt ý thức hệ. Tuy nhiên, những chuyến đi gần đây của tôi tới Washington đã cho tôi thấy rằng lập trường của Mỹ có nhiều sắc thái hơn. Chắc chắn có một tâm lý thù địch mạnh mẽ đối với Trung Quốc, mà chúng ta đặc biệt nhận thấy trong Quốc hội lưỡng viện, trong cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân Chủ, với những luận điệu rất hiếu chiến. Thế nhưng mặt khác, chính quyền Biden tỏ ra hòa hoãn hơn nhiều : họ hiểu rằng Hoa Kỳ đã đi quá xa khiến căng thẳng leo thang và Nhà Trắng biết về những nguy hiểm tiềm tàng trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ ngưng đối thoại.
Giờ đây, các cộng sự thân cận nhất của Biden đang tìm mọi cách để xuống thang căng thẳng mà không tỏ ra ngây thơ ; họ vẫn muốn thiết lập một chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, đặc biệt trong việc kiểm soát xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến. Khó khăn lớn mà chính quyền Biden gặp phải là nước Mỹ đang bước vào một chiến dịch bầu cử, và đảng Cộng Hòa, đặc biệt là Donald Trump, sẽ nắm lấy cơ hội nhỏ nhất để đả kích điều mà họ cáo buộc là thái độ mềm yếu của chính quyền Biden đối với Trung Quốc. Tìm được một sự cân bằng quả là khó.
RFI : Tuy nhiên, Kissinger không quá lạc quan về Trung Quốc. Gần đây, ông đã đề cập đến tình hình "tiền Thế Chiến Thứ Nhất" giữa hai quốc gia…
Jérémie Gallon : Kissinger không ngây thơ về Bắc Kinh ; ông biết rất rõ rằng Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc mà ông từng biết. Trung Quốc giờ đây đã hung hăng hơn nhiều ; Trung Quốc đã thực sự trở thành một đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt kinh tế, và Bắc Kinh đang trong quá trình tăng cường khả năng quân sự. Có thể nhìn vào những năm trước Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất : Cường quốc thống trị là Hoa Kỳ - tương đương với Đế quốc Anh vào thời điểm đó – chứng kiến sự thống trị của mình bị thách thức bởi những cường quốc mới trỗi dậy, Trung Quốc và Đức vào đầu thế kỷ 20.
Đối với Kissinger, hai nước thực sự có khả năng xung đột. Mặc dù cả Mỹ lẫn Trung Quốc hiểu rất rõ rằng một cuộc xung đột sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp, song Kissinger lo ngại rằng hàng loạt sự cố vượt ra ngoài tầm kiểm soát có thể dẫn đến việc xung đột bùng nổ. Để tránh xảy ra điều này, việc tái tạo các kênh liên lạc là vô cùng cần thiết.
RFI : Trong chuyến đi tới Thái Bình Dương, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tìm kiếm một giải pháp thay thế cho sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Kissinger đánh giá như thế nào về vai trò của Châu Âu trong quan hệ Trung-Mỹ ?
Jérémie Gallon : Để tiếng nói có trọng lượng trong chính sách đối ngoại, trước tiên cần phải vững chắc trong nội bộ. Luận điểm này là cốt lõi trong suy nghĩ của Kissinger, thường xuyên bị các nhà lãnh đạo lãng quên. Để tiếng nói của một cường quốc có trọng lượng, nước đó phải có sức mạnh về kinh tế, công nghệ và quân sự phù hợp với tham vọng của mình. Hiển nhiên là một mình Pháp không thể có một vai trò quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng các nước Châu Âu thì có thể. Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi liệu đây có phải là lĩnh vực mà Châu Âu có những đòn bẩy có tầm ảnh hưởng nhiều nhất hay không. Điều này không chắc chắn.
Thay vào đó, Châu Âu giờ đây thực sự có thể có ảnh hưởng trên các vấn đề kinh tế và thương mại, kể cả trên trục Moskva – Bắc Kinh. Về vấn đề này, tôi hoan nghênh tất cả những gì Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã làm trong 18 tháng qua để tìm ra những công cụ phòng vệ thương mại, chiến lược an ninh kinh tế gần đây do Ủy Ban Châu Âu đề xuất, quyết tâm bớt ngây thơ trong việc kiểm soát các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu cũng như các công nghệ mà chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc.
RFI : Vậy có phải kinh tế sẽ luôn đóng vai trò quyết định ?
Jérémie Gallon : Mọi người ở Pháp ít đề cập đến hai bài phát biểu rất quan trọng ở Hoa Kỳ. Bài phát biểu đầu tiên là của bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Bà nhắc lại rằng bất chấp những căng thẳng song phương, nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ vẫn hết sức phụ thuộc lẫn nhau và do đó, việc kêu gọi tách rời các nền kinh tế này là vô trách nhiệm. Đây là một tiến bộ lớn vì Hoa Kỳ cuối cùng đã công nhận những gì Châu Âu nói trong một thời gian dài. Sau đó là bài phát biểu quan trọng vào ngày 27/04 của Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia rất có ảnh hưởng. Ông không đề xuất gì khác ngoài một "đồng thuận Washington" mới.
Lần đầu tiên sau ít nhất hai thập kỷ, một chính quyền Mỹ đã trình bày rõ ràng một chiến lược bao gồm những vấn đề chính trị, địa chính trị, an ninh quốc gia, kinh tế và thương mại. Nói một cách cụ thể hơn là ông Jake Sullivan đã nhấn mạnh đến cái chết của "đồng thuận Washington", đồng thuận mà từ cuối những năm 1980, đã khẳng định rằng sức mạnh của Mỹ trên thế giới dựa trên tự do hóa kinh tế, tự do thương mại và giảm thiểu vai trò của Nhà Nước. Đồng thuận này đã bị nhiều tổng thống Mỹ khác nhau, nhất là Trump, phá hỏng, nhưng rốt cuộc không có gì thực sự thay thế được nó.
Jake Sullivan đã trình bày đồng thuận mới mà Hoa Kỳ muốn thiết lập. Để đối mặt với những thách thức lớn, Hoa Kỳ cho rằng Nhà Nước giờ đây phải can thiệp sâu hơn nhiều vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, điều đó phải thông qua việc thiết lập các chính sách công nghiệp đầy tham vọng. Và tất cả những điều đó có liên hệ mật thiết với chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Các chiến lược gia Mỹ tin rằng chính nhờ sự đồng thuận Washington mới này mà mai đây họ sẽ có thể cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, các nước Châu Âu.
Chiến lược bao hàm một chính sách công nghiệp thực sự, sẽ buộc chúng ta phải thực hiện chính sách công nghiệp một cách triệt để hơn so với những nỗ lực đã manh nha trong những tháng gần đây. Vấn đề bây giờ là liệu đồng thuận Washington mới này có được thực thi hay không, và liệu các đồng minh của Hoa Kỳ như Châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản có sẵn sàng tham gia hay không.
Phan Minh
Nguồn : RFI, 03/08/2023