Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2023

Sau những năm phá hoại núi rừng, Tây Nguyên ngày nay còn lại gì ?

Lâm Viên, Cảnh Chân, Trương Văn Vinh

"Tây Nguyên sẽ ‘chết’ vì… khai thác bô-xit"

Lâm Viên, VNTB, 03/08/2023

Dồn dập nứt đất

Sáng 2/8/2023, ông Trần Vĩnh Phú – Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) – cho biết, hiện tượng nứt gãy, sạt lở đất tại khu vực bon Bu Krắc (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) tiếp tục nứt rộng hơn và xuất hiện một số vết nứt mới.

taynguyen1

Liệu có phải khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là lý do tiềm ẩn khiến cho đất ở Lâm Đồng, Đắk Nông bị nứt gãy ? Ảnh minh họa

Trước đó, vào khoảng 23g ngày 31/7 và 1g sáng 1/8, trên địa bàn bon Bu Krắc (xã Quảng Trực) đã xảy tiếng nổ lớn. Đến sáng 1/8, phát hiện nứt gãy đất, chiều dài đoạn nứt gãy khoảng 200m.

Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, thống kê sáng 2/8 của lực lượng chức năng, vết đất nứt gãy đã mở rộng khá lớn và kéo dài thêm hơn 120m qua phạm vi bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực. Bon này nằm bên cạnh bon Bu Krắc. Ngay trong sáng 2/8, lực lượng chức năng đã tiếp tục di dời 11 hộ, 48 khẩu của bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.

Cũng trong sáng 2/8, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức di dời 16 hộ dân ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành. Những hộ dân này có nhà ở phía ta luy âm của đoạn đường Hồ Chí Minh mới bị sụt lún.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, chiều tối ngày 2/8 và thời gian tới sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40/80mm, có nơi trên 100mm.

Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng

Sau nhiều ngày mưa, hồ thủy lợi Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã xuất hiện vết nứt nghiêm trọng về phía thượng lưu công trình. Ghi nhận ngày 2/8, nứt đất ở công trình thủy lợi này khiến khu vực dân cư xung quanh (2,5 ha) mất an toàn.

Các vết nứt có chiều rộng từ 5cm đến 10cm, kéo dài sang khu vực sinh sống của hai hộ gia đình. Khi cơ quan chức năng đang khắc phục vụ nứt ở hồ thủy lợi Đông Thanh thì xuất hiện thêm các vết nứt rộng đến 30 cm và lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án.

Con đường dân sinh của thôn Đông Anh (Đông Thanh) men theo hồ chứa vào khu sản xuất nông nghiệp bị sụt lún từ 1 – 1,5m. Ngoài ra 500m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sụt trượt. Theo lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất đang ảnh hưởng trên diện tích 2,5 ha, và có 2,8 ha có nguy cơ sụt lún.

Đến chiều 2/8, 500m đường tránh ngập có khả năng bị sạt trượt đất nếu tiếp tục mưa lớn và không khắc phục được các vết nứt ở phần thân đập.

Hậu quả của tàn phá môi trường

Nghi vấn đặt ra : có phải cảnh báo "Tây Nguyên sẽ ‘chết’ vì… khai thác bô-xit" đang dần hiện thực ?

Đây không phải là cảnh báo của "tự diễn biến – tự chuyển hóa" hay từ "thế lực thù địch", mà là những nhà khoa học tại hội thảo với chủ đề "Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô-xit, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ" do UBND tỉnh Đắc Nông, Viện Tư vấn và phát triển (CODE) và Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức ngày 22/10/2008 tại tỉnh Đắc Nông.

Khi ấy bài phản biện dài 75 phút của ông Nguyễn Thành Sơn – giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, thuộc TKV – bác bỏ gần như hoàn toàn dự án này và cho rằng đây là một sai lầm chiến lược chứa đựng những rủi ro không thể lường hết.

Ông Sơn đánh giá quy hoạch khai thác quặng bô-xit được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao TKV làm đầu mối để triển khai ở Tây Nguyên là quá nhiều tham vọng. Bởi vì nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bô-xit là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam.

Theo ông Sơn, kế hoạch của TKV mới chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành alumin để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các đại gia luyện nhôm nước ngoài vốn không muốn tốn nhiều chi phí cho việc khai thác.

Chưa kể chương trình khai thác, chế biến quặng bô-xit của TKV chứa đựng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được. Nhu cầu nhôm trong nước không nhiều và cũng không thể có đủ điện để có thể xây dựng các nhà máy luyện nhôm phục vụ xuất khẩu.

Trong khi đó, quá trình khai thác đòi hỏi một nguồn vốn lớn, một nền tảng khoa học công nghệ cao sẽ đặt Việt Nam vào thế phụ thuộc nước ngoài. Đặc biệt, các rủi ro về môi trường, sinh thái bị hủy hoại đến nay chưa được nghiên cứu, chưa được đề cập đến nơi đến chốn.

Ông Sơn kiến nghị lập ngay một ủy ban quốc gia về phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, đồng thời tổ chức những cuộc tranh luận khoa học "đến đầu đến đũa" các tác động của việc khai thác bô-xit đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong khi tranh luận chưa ngã ngũ thì các dự án đang triển khai phải dừng lại để hạn chế những hậu quả đáng tiếc.

Theo ông Phạm Quang Tú – Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển : giá trị của alumin chỉ bằng khoảng 11-14% giá trị nhôm kim loại. Việt Nam chừng nào chưa giải quyết triệt để được tình trạng thiếu điện thì chưa thể điện phân nhôm, vì mỗi tấn nhôm sản xuất theo công nghệ Bayer tiêu hao tới 14.000 KWh điện.

Lâm Đồng đề nghị dừng dự án bô-xít

Thời sự mới nhất liên quan chuyện khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là UBND huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế đưa vào thăm dò, cấp phép khai thác, chế biến bô-xít ở Bảo Lâm.

Theo đó việc cấp phép khai thác bô-xít sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước của khu vực trung tâm huyện vì có hệ thống các ao, hồ lớn như hồ Cai Bảng, hồ Lộc Thắng, hồ Bảy Mẫu là nguồn cung cấp nước cho dân cư của thị trấn Lộc Thắng và các vùng lân cận…

Một cảnh báo khác cho thấy có thể liên tưởng đến nhiều ‘thảm họa thiên nhiên’ ở Lâm Đồng gần đây, đó là Lâm Đồng nguy cơ tiếp tục mất gần 5.000 ha rừng do khai thác bô-xít. Trong 21.170 ha đất đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô-xít ở Lâm Đồng, có khoảng 4.906 ha rừng, trong đó 2.397 ha rừng tự nhiên.

Thông tin được nêu trong văn bản của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm tra, rà soát quy hoạch khai thác khoáng sản bô-xít trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Sở này xác định trên địa bàn có khoảng 21.700 ha đất thuộc các xã Lộc Ngãi, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Tân và thị trấn Lộc Thắng thuộc huyện Bảo Lâm ; một số tiểu khu thuộc xã Đinh Trang Thượng, Tâm Lâm, huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô-xít.

Hai dự án bô-xít Tây Nguyên, gồm dự án bô-xít nhôm Lâm Đồng (alumin Tân Rai) và nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), có công suất thiết kế mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm, tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.

Tháng 4/2022, Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ chấp thuận nâng công suất hai dự án này lên 800.000 tấn alumin mỗi năm. Tập đoàn cho rằng, nếu được chấp thuận nâng công suất hai dự án sẽ tận dụng được mặt bằng, hạ tầng cơ sở đã đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 03/08/2023

********************************

Vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc : Dù vườn sầu riêng là của ai thì lỗi cũng là của Đảng

Cảnh Chân, VNTB, 01/08/2023

Dựa vào những hình ảnh được công bố, dư luận chỉ ra rất nhiều sai phạm như : phá rừng trồng sầu riêng tại khu vực đất bazan yếu, dễ sạt lở ngay bên con đường có lưu lượng giao thông lớn ; xây trạm cảnh sát giao thông ngay dưới khoảng rừng bị phá mà không có taluy hay tường chắn bảo vệ công trình. Có thể thấy toàn bộ khu vực sạt lở nằm lọt thỏm trong khoảnh đồi trồng sầu riêng, tuy nhiên lãnh đạo địa phương phủ nhận lý do này và cho rằng vườn sầu riêng được trồng đúng quy trình quy định.

taynguyen2

Vườn sầu riêng được trồng đúng quy trình quy định.

Trả lời vòng vo không biết đồi sầu riêng của ai và do ai trồng

Báo Tuổi Trẻ dẫn câu trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở để kết luận khu trồng sầu riêng phía sau trạm là nguyên nhân chính gây sạt lở. "Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực", vị lãnh đạo này cho biết.

Qua các câu trả lời mập mờ, vòng vo, cho thấy nhà chức trách thậm chí không biết vườn sầu riêng nay là của ai, do ai trồng. Ông Vũ Đình Cường, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết : "Phần đất đó trước đây nằm ở vị trí làm trạm cảnh sát giao thông nên ngành tài nguyên và môi trường ở địa phương nơi đó sẽ quản lý. Còn phần đất phía sau trạm có giai đoạn giao về cho chính quyền quản lý nên địa phương sẽ nắm rõ nhất đất đồi sầu riêng thuộc loại đất gì, của ai quản lý. Kiểm lâm chỉ quản lý chung các đơn vị chủ rừng…".

Ông Lê Bình Minh, chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, thì nói : "Tôi chỉ mới về nhận nhiệm vụ nên chưa nắm rõ đơn vị nào quản lý. Có nghe một số anh em nói trước đây là vườn điều. Tôi sẽ kiểm tra và thông tin lại sự việc này. Vì hiện nay đang phối hợp với các lực lượng khác dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc".

Lãnh đạo mập mờ vòng vo, báo chí cũng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin mảnh đất này. Báo Tuổi Trẻ thì viết rằng vườn sầu riêng là do người đàn ông tên Bi (cơ quan chức năng đang xác minh) cư trú trong miếu Ba Cô trồng từ năm 2019. Còn báo Dân Trí dẫn lời ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) cho biết vườn sầu riêng này thuộc sở hữu của bà Đặng Thị L. (trú thị trấn Đạ M’ri).

Dù vườn sầu riêng là của ai thì lỗi cũng là của Đảng

Theo tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 4 nhóm khu vực có nguy cơ gây sạt lở. Bao gồm, khu vực có triền dốc, taluy cao ; khu vực dốc nhưng không còn rừng để giữ đất ; khu vực cheo leo nhưng lại xây dựng dưới chân đồi và cuối cùng là khu vực thay đổi các kết cấu tự nhiên như bê tông hóa, chặt cây nhưng thiếu hệ thống thoát nước".

Như vậy khảnh đồi trồng sầu riêng này có đủ tất cả các điều kiện nguy hiểm nhưng vẫn tồn tại trong suốt khoảng thời gian dài. Hơn thế nữa, vườn sầu riêng nằm trong khu vực rừng phòng hộ đèo Bảo Lộc. Nếu không được phép thì ai dám phá rừng ngay phía sau trạm cảnh sát giao thông ?

Theo ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, toàn bộ khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, vườn sầu riêng này được ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Chị M.H, một người dùng facebook bình luận rằng "sạt lở là do họ đã phá rừng phòng hộ để trồng sầu riêng, cần phải xem xét coi ai, quy định nào đã cho phép việc này xảy ra". Ngoài ra chị này cũng đặt câu hỏi rằng tại sao lại dám đặt trạm cảnh sát giao thông ngay dưới khu vực có nguy cơ sạt lở cao như vậy ?

Đèo Bảo Lộc là một đoạn đường cực kỳ nguy hiểm, không chỉ bởi đèo dốc, gấp khúc, mà còn nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao do kết cấu đất bazan yếu, tơi xốp và lượng mưa lớn hàng năm. Chính vì vậy rất cần thiết phải bảo tồn rừng phòng hộ hoặc trồng rừng giữ đất, nhất là những mảnh rừng gần đường có lưu lượng giao thông cao. Thế nhưng nhà chức trách lại cho phép phá rừng trồng sầu riêng ngay trên khúc cua nguy hiểm này. Chẳng những vậy mà họ còn dám xây trạm cảnh sát giao thông ngay dưới khoảnh đồi bị phá mà không có tường chắn để bảo vệ công trình được xây bằng tiền thuế của dân. Liệu đây có phải cái gọi la "đỉnh cao trí tuệ" mà đảng ta luôn tự hào ?

Cảnh Chân

Nguồn : VNTB, 01/08/2023

**************************

Vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc : Để nỗi đau không lặp lại !

Trương Văn Vinh, Người Đô Thị, 31/07/202

Lời tòa soạn : "Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan", Tiến sĩ Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến với Người Đô Thị về nguyên nhân gây ra vụ sạt lở thương tâm ở đèo Bảo Lộc vào ngày 30/7. Vị chuyên gia cũng cho biết, theo bản đồ kiểm kê rừng tháng 3/2015, toàn bộ diện tích vườn sầu riêng tại khu vực sạt lở nằm trong lâm phận rừng phòng hộ đầu nguồn, mã mục đích sử dụng là rừng phòng hộ đầu nguồn... (Người Đô Thị)

taynguyen3

Toàn cảnh vụ sạt lở nhìn từ trên cao. Ảnh : Vnexpress

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc lúc 14g45 chiều 30/7/2023 đã gây thiệt hại lớn về người. Ba cảnh sát giao thông và một người dân đã vĩnh viễn rời xa người thân của họ.

Tấm hình do báo chí chụp lại hiện trường đã tạo ra nhiều hoài nghi của dư luận về việc "mặc dù xung quanh là rừng, nhưng liệu khu trồng sầu riêng nằm sau lưng khu vực sạt lở có phải là nguyên nhân ?". 


Trả lời báo Tuổi Trẻ online chiều ngày 31/7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng : nói nguyên nhân do khu trồng sầu riêng là "không có cơ sở. Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực".

Tôi cho rằng, nói như vậy là chưa chính xác.

Nguyên nhân chính gây nên sạt lở là do mưa lớn nhiều ngày đã làm cho kết cấu đất yếu đi, dẫn đến sạt lở. Ngoài ra, vị trí sạt lở có địa hình dốc, thêm thảm thực bì bị mất trước đó khiến cho nguy cơ sạt lở càng cao hơn.

Một vấn đề khác cũng cần được minh định :

taynguyen4

Dựa trên ảnh vệ tinh (Google Earth), diện tích đất trồng cây sầu riêng sau lưng khu vực sạt lở thực ra đã được người dân khai hoang và trồng cây công nghiệp lâu năm từ trước năm 2006. Điều này cho thấy, việc trồng cây công nghiệp của người dân ở khu vực này trước đây không phải là nguyên chính/trực tiếp, mà là nguyên nhân phụ/gián tiếp đến vụ sạt lở vào chiều ngày 30/7. 

taynguyen5

Cũng theo ảnh vệ tinh, trước tháng 4/2019 khu vực này chưa bị tác động.

taynguyen6

Nhưng đến trước tháng 1/2021, khu vực này đã bị tác động mạnh, cụ thể là taluy núi đã bị đào xới, khoảng 0,22 hectares.

taynguyen7

Đến tháng 10/2022, tại khu vực sạt lở đã xuất hiện ngôi nhà có mái màu đỏ. Điều này cho thấy, khả năng cao việc sạt lở ngày 30/7/2023 là do những tác động của con người vào thời điểm trước tháng 1/2021.

taynguyen8

Dựa trên những minh chứng từ ảnh vệ tinh nói trên, có thể thấy nguyên nhân của việc sạt lở không phủ nhận là do có phần do thiên nhiên nhưng đừng bỏ qua những tác động của "nhân tai".

Ngoài ra, thông tin tôi nắm được : theo bản đồ kiểm kê rừng tháng 3/2015 (*), toàn bộ diện tích vườn sầu riêng tại khu vực sạt lở nằm trong lâm phận rừng phòng hộ đầu nguồn, mã mục đích sử dụng là rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc khoảnh 1, tiểu khu 581B, thị trấn Đạ M’ri.

Cấu trúc của rừng tự nhiên là đa tầng tán với nhiều loài cây đan xen, cùng với lớp thực bì và thảm mục dày. Hệ rễ lúc này phát triển thành một mạng lưới chằng chịt, đâm sâu xuống lòng đất, bám chặt lấy đất, giúp cây đứng vững, cố định đất và giữ cho đất không bị rửa trôi, sạt lở.

Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan.

Do đó, để bảo vệ nguồn nước, tài sản và tính mạng con người trước những hiểm hoạ của thiên nhiên, chúng ta cần thúc đẩy việc quản lý, bảo vệ và trồng mới các loài cây bản địa để nâng cao năng lực phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.

Đúng là biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng cực đoan hơn, khó lường hơn, vì thế mà thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết cực đoạn ngày càng lớn. Nhưng không phải bất cứ vấn đề, vụ việc nào cũng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Hãy chung sống hoà hợp với thiên nhiên để được Mẹ thiên nhiên chở che và bảo vệ. Cần nương tựa vào thiên nhiên để sống. Và đừng bao giờ nghĩ con người là chủ nhân của hành tinh này, mà trước hết, cần tồn tại ở hành tinh này bằng tâm thế tương sinh.

Trương Văn Vinh 

Tiến sĩ, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Người Đô Thị, 31/07/2023

Chia sẻ với Người Đô Thị, anh Ka Diếp, một người dân người Châu Mạ ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, cho biết : xưa nay người đồng bào vẫn thường làm rẫy, trồng lúa, ngô sắn, cây ăn trái ở cả khu đất bằng hoặc triền núi. Tuy nhiên, dù canh tác ở triền núi nhưng người dân vẫn luôn giữ lại các cây cổ thụ ở trong rẫy và trồng trọt theo truyền thống nên không gây ra tình trạng sạt lở. Việc dùng máy móc hiện đại hiện nay như làm taluy rất dễ gây ra tình trạng sạt lở.

L.Q

_______________

(*) Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 28.01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên, Cảnh Chân, Trương Văn Vinh
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)