Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2023

Hà Nội hết chối cãi Việt Nam không có nạn buôn người

Hoàng Mai - Trần Dzạ Dzũng

Việt Nam cấp tập lên tiếng cảnh báo về nạn buôn người

Hoàng Mai, VNTB, 03/08/2023

Trong Báo cáo năm 2023 công bố tháng 6 vừa qua, Hoa Kỳ đã nâng bậc xếp hạng Việt Nam từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 cần theo dõi. Gồm các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn để loại bỏ nạn buôn người, nhưng đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận để đáp ứng các tiêu chuẩn.

buonnguoi1

Hoa Kỳ đã nâng bậc xếp hạng Việt Nam từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 cần theo dõi về nạn buôn người.

Thống kê của Bộ Công an cho hay tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố và tiếp tục điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người ; đưa ra xét xử 43 vụ/107 bị cáo… Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người ; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân…

Một ghi nhận từ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nói rằng, nếu năm 2004 tỷ lệ nạn nhân là nam giới và trẻ em trai chỉ là 13% và 3% thì đến năm 2020, 23% nạn nhân bị mua bán là nam giới và 17% là trẻ em trai. Tỷ lệ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái giảm đi nhưng nạn nhân là phụ nữ bị bạo lực thể chất gấp 3 nạn nhân nam giới, trẻ em bị bạo lực gấp đôi người lớn.

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, mua bán người trong nội địa chiếm 15%, nạn nhân là nam giới chiếm 10% ; giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2022, mua bán người trong nội địa chiếm 34%, nạn nhân là nam giới chiếm 27% ; tuy nhiên, tính riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người trong nội địa và nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%.

Đại diện tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận định tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có…, sau đó tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp…

"Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình" – vị đại diện tổ chức đoàn thể nêu trên, kết luận.

Còn theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, qua 1 năm thực hiện kế hoạch số 1326 (từ tháng 6/2022 đến 6/2023) về phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại địa bàn biên giới giữa lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, trao đổi thông tin đấu tranh 65 vụ/ 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân ; trao đổi 496 thông tin liên quan đến nạn nhân và nghi vấn vụ mua bán người ; phối hợp xác lập, triệt phá thành công 7 chuyên án và 15 vụ án mua bán người.

Điển hình các địa phương : Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau.

Ngoài ra, Công an, Biên phòng các địa phương đã phối hợp tiếp nhận 9.716 công dân xuất nhập cảnh trái phép do Trung Quốc, Campuchia, Lào trao trả và xác minh thông tin, tiếp nhận 9.389 công dân xuất nhập cảnh trái phép tự trở về…

Nổi lên là các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài thành lập các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật…

Các loại tội phạm "nguồn" của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ với mục đích thương mại ; mua bán bộ phận cơ thể người cũng có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 03/08/2023

*********************

Việt Nam không phủ nhận vấn nạn buôn người đang ngoài tầm kiểm soát

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 02/08/2023

Việt Nam đã ký Công ước Palermo (United Nations Convention Against Transnational Organised Crime, tức Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia).

buonnguoi2

"Dù cơ quan chức năng các nước đã rất nỗ lực ngăn chặn, triệt phá những đường dây buôn người nhưng hoạt động này vẫn xảy ra".

Việt Nam bị đẩy xuống hạng 3 trong bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người năm 2022.

Chính phủ Việt Nam, mà cụ thể là Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã thừa nhận trong một báo cáo, rằng, "từ bẫy việc nhẹ lương cao cho tới những lời hứa đổi đời, nhiều người cả tin, đặc biệt là phụ nữ ở những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người bất lương. Dù cơ quan chức năng các nước đã rất nỗ lực ngăn chặn, triệt phá những đường dây buôn người nhưng hoạt động này vẫn xảy ra".

Một tài liệu của cơ quan chuyên trách nói trên cho biết điểm đến của những kẻ buôn người đang thay đổi, sau khi Trung Quốc thiết lập hàng rào khổng lồ dọc biên giới phía nam giáp Việt Nam, Lào và Myanmar.

Hàng rào dây thép gai này cao 3m được trang bị cảm ứng, và dài ít nhất 1.000km. Hàng rào ngăn cản người dân Việt Nam sang các vùng đất giáp ranh thuộc Trung Quốc để thu hoạch ngô hoặc bán dược liệu. Hàng rào này được ví như "nhà tù", theo lời của một người dân Việt Nam sống ở Lào Cai.

Hàng rào thép gai dường như cũng góp phần kiểm soát đường biên nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, nhập cư, mặc dù Bắc Kinh luôn cho rằng hàng rào biên giới này là để ngăn Covid ở thời gian mà nước này theo đuổi chiến lược ‘zero Covid’.

Tổng cộng biên giới của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trải dài từ Myanmar, Lào tới Việt Nam dài khoảng 5.000km. Đây cũng là chiều dài bức tường phía nam mà Chính phủ Trung Quốc bắt đầu xây dựng từ năm 2020, khi đại dịch bùng phát.

Tư duy ngăn chặn nguy cơ từ xa bằng một bức tường vật lý tất nhiên không có gì mới ở Trung Quốc. Các vương triều trong lịch sử nước này đã tốn nhiều công sức và thời gian suốt nhiều thế kỷ để xây dựng Vạn Lý Trường Thành bằng đá ở phía bắc, với mục đích bảo vệ lãnh thổ chống các bộ lạc du mục hung hãn.

Ngày nay, trong khi Vạn Lý Trường Thành đã nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, thì ở phương nam một bức tường mới đang mọc lên. Dân Trung Quốc gọi bức tường cao khoảng 3m, bên trên có cuộn dây thép gai đó là Vạn Lý Trường Thành phương Nam.

Trên mạng, nhiều người Trung Quốc tán dương tốc độ xây dựng thần tốc của bức tường, nhất là khi so với nỗ lực thất bại và đầy tranh cãi của Mỹ khi xây bức tường phía nam với Mexico để ngăn chặn người nhập cư.

Khác hẳn nhân khẩu học ở hai bên bức tường biên giới Mỹ – Mexico, cư dân sống ở khu vực nam Trung Quốc – bắc Đông Nam Á gồm nhiều dân tộc thiểu số là người bản địa lâu đời như người H’Mông, Dao đỏ, Dao đen, Tày, Giáy, Mường, Thái và Xa Phó.

Họ đã sinh sống ở vùng đó suốt nhiều thế kỷ trước khi trở thành công dân của các quốc gia – nhà nước hiện đại. Theo tập quán và truyền thống, họ sống lẫn ở cả hai bên biên giới, và nay cuộc sống đấy đang buộc phải thay đổi với bức tường dây thép gai vừa dựng lên.

Trong số người dân bị buộc thay đổi đó, có không ít người Việt Nam sinh sống gần biên giới Trung Quốc, từng dựa vào việc di cư và làm việc phi chính thức ở Trung Quốc, từ khi có hàng rào, họ không còn dễ dàng di chuyển, và rơi vào cảnh kiệt quệ tài chính. Đây chính là cơ hội để những kẻ buôn người giăng bẫy "việc nhẹ lương cao".

Ông Michael Brosowski, người sáng lập Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation), tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Hà Nội chuyên giải cứu các nạn nhân của nạn buôn người, nhìn nhận : "Hàng rào biên giới khiến những kẻ buôn người khó đưa nạn nhân vượt biên hơn.

Trước đây, chúng sẽ đưa nạn nhân băng qua các con đường mòn trên núi và qua sông để vào Trung Quốc mà không bị phát hiện. Nhưng bây giờ, chúng không thể làm như vậy. Những kẻ buôn người đã mở thêm điểm đến mới để đưa nạn nhân tới. Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng hoạt động buôn người đến miền bắc Myanmar, Campuchia và cả ở Lào".

Theo tổ chức Rồng Xanh, nhiều nạn nhân người Việt bị bán sang bang Shan nằm ở phía bắc Myanmar, các nhóm vũ trang ở đây cho phép nhà chứa và sòng bạc bất hợp pháp hoạt động.

"Việc những người Việt thoát khỏi các bang phía bắc Myanmar để trở về quê nhà là cả một hành trình dài xuyên rừng, vượt núi, băng sông. Tất cả đều có nguy cơ bị bắn, bị bắt lại, và bị bán lần nữa. Những gì đang xảy ra ở khu vực này là rất sốc, nhưng thế giới lại hầu như không biết đến", ông Brosowski nói.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 02/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Mai, Trần Dzạ Dzũng
Read 294 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)