Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2023

Du lịch Việt Nam có đủ nguồn lực chuyên môn cao ?

Jean-Yves Puyo , Thu Hằng

Du lịch Việt Nam đủ nguồn lực chuyên môn cao để hướng đến khách "giàu" ?

Việt Nam muốn tái cơ cấu ngành du lịch, trong đó chú trọng thị trường có khả năng chỉ trả cao. Một trong các nút thắt đầu tiên được tháo gỡ là chính sách nới lỏng thị thực có hiệu lực từ ngày 15/08/2023 được kỳ vọng sẽ giúp thu hút nhiều khách quốc tế hơn, trong khi tháng Bẩy đã là tháng kỷ lục đón hơn 1 triệu khách kể từ sau dịch Covid-19.

dulich1

Ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, Việt Nam  © pxhere.com

Nếu nhìn vào thống kê số lượng và thành phần khách nước ngoài đến Việt Nam trong tháng 07, được trang Vietnamnet trích dẫn ngày 31/07, khách Châu Âu đứng đầu trong số các Châu lục, tăng 27% so với tháng 06. Các thị trường đóng góp chính là Anh, Pháp, Đức, tiếp theo phải kể đến Na Uy, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nga… Chính sách nới lỏng thị thực được kỳ vọng sẽ mở đường cho rất nhiều luồng khách mới, đặc biệt là khách tự đi, gia đình, nhỏ lẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, được trang Vietnamnet trích dẫn ngày 11/07, không phủ nhận là chính sách trên có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho khách quốc tế đến Việt Nam nhưng cái khó là làm thể nào để khách ở dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn. Theo ông, "nếu khách đến mà họ không thích thú, không chi nhiều tiên hơn, không ở dài ngày hơn thì việc thu hút về số lượng cũng không còn nhiều ý nghĩa".

Hiện tại, du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất là chi phí cao hơn so với một số thị trường trong khu vực, như Thái Lan, Lào, Cam Bốt… Vẫn theo trang Vietnamnet, "du lịch Việt Nam vẫn nghĩ ngắn, muốn thu tiền ngay lập tức, đưa ra mức giá thu đủ nên thường cao", thêm vào đó là sự thiếu gắn kết giữa các ngành nghề nên thường đẩy giá chi phí (vận chuyển, nhà hàng…) dẫn đến "kết cục vẫn bị mang tiếng là đắt".

Ngoài thách thức về cơ cấu, cách làm du lịch, Việt Nam cũng cần xem lại việc bảo tồn di sản, thiên nhiên, có đội ngũ nhân viên chuyên môn cao, tạo được những chương trình khám phá đa dạng cho du khách, có như vậy mới hy vọng "trở thành thị trường du lịch sang trọng, đón được những vị khách chi trả cao và ở dài ngày".

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư địa lý Jean-Yves Puyo, của Đại học Pau et des Pays de l'Adour (UPPA), tham gia giảng dạy chuyên ngành "Địa lý và Du lịch" ở Việt Nam trong nhiều năm, nhận định một số điểm về du lịch Việt Nam.

dulich2

Giáo sự Jean-Yves Puyo, Đại học Pau et des pays de l'Adour (UPPA).  © RFI / Puyo

RFI :Giáo sư Jean-Yves Puyo, ông là nhà địa lý học, nhà nghiên cứu của Đại học Pau et des Pays de l'Adour (UPPA). Ông giảng dạy chuyên ngành du lịch trong nhiều năm ở thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ hợp tác đại học. Tại đây, ông được đề xuất tập trung vào chương trình đào tạo các nhà quản lý du lịch vì Việt Nam bị thiếu. Xin ông giải thích thêm về điều này !

Jean-Yves Puyo : Tôi là nhà địa lý. Trong 10 năm, tôi là đồng phụ trách bộ môn "Địa lý và Du lịch" thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence universitaire de la Francophonie, AUF), lúc đó gọi là Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương, còn hiện giờ Vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng phụ trách với tôi lúc đó là bà Võ Sáng Xuân Lan, hiện làm trưởng Khoa Ngôn ngữ, Du lịch và Văn hóa Đại học Thái Bình Dương.

Nhờ hoạt động này, tôi đối mặt với những câu hỏi lớn, những vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam. Vấn đề đặt ra lúc đó là đào tạo sinh viên trẻ trong lĩnh vực này. Song song với hoạt động giảng dạy là hoạt động nghiên cứu nhằm tìm cách mang lại những hướng suy nghi khác nhau để thử dung hòa du lịch với những nhu cầu của các cộng đồng ở địa phương. Làm thế nào để du lịch cũng có thể giúp chống nghèo đói ? Trong khuôn khổ đó, chúng tôi đã tổ chức ba hội thảo quốc tế lớn từ năm 2008 đến 2011 và hiện vẫn có thể tìm thấy thông tin trên internet.

Trong khuôn khổ chương trình "Địa lý và Du lịch", rất nhiều lần chúng tôi đã tập trung các nhà hoạt động trong ngành du lịch, kể cả từ các đô thị lớn là thành phố Hồ Chí Minh, cũng như những người Pháp, Châu Âu phụ trách quản lý các tập đoàn lớn để hỏi về những nhu cầu của họ. Nhu cầu chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo du lịch là các nhà quản lý. Có nghĩa là những sinh viên ở trình độ cao học, chứ không phải là những hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ, như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp. Có thể thấy các tập đoàn khách sạn, dù lớn hay nhỏ, thiếu và thực sự cần tuyển dụng thanh niên Việt Nam ở cấp quản lý.

Xuất phát từ những nhu cầu trên, bà Võ Sáng Xuân Lan, đồng nghiệp của tôi, đã đào tạo hai nhà quản lý trẻ ở Đại học Văn Lang. Lúc đó, Tổ chức Đại học Pháp ngữ có nhiều chương trình học bổng đào tạo, hai sinh viên này đã được cấp học bổng sang Pháp học thạc sĩ chuyên ngành "Khách sạn và Quản lý", một người học ở Angers, một người ở Perpignan.

Nhu cầu về quản lý vẫn còn rất rõ cho đến những năm 2016-2017. Tôi biết là Việt Nam đã rất cố gắng về ngành đạo tạo này nhưng hiện giờ, trừ phi tôi nhầm lẫn, vẫn còn phải được phát triển.

RFI :Việt Nam có rất nhiều tiềm năng du lịch, nhưng dường như lại không được khai thác hết. Liệu có một số nguyên nhân giải thích cho việc này ?

Jean-Yves Puyo : Nguyên nhân có thể là do một phần hình ảnh mà Việt Nam mang lại cho hoạt động du lịch. Chúng ta biết là đa số các công ty lữ hành đề xuất "đi xuyên Việt" trong vòng 15 ngày, từ vịnh Hạ Long, Hà Nội, Huế, đến thành phố Hồ Chí Minh hay Bến Tre, đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Du khách mua "tour" kiểu này có cảm giác là họ đã đi hết Việt Nam trong 15 ngày. Dĩ nhiên là không phải như vậy ! Thế nên, tôi cho rằng khó khăn lớn nhất là khiến một người đã theo tour theo kiểu này quay trở lại. Thực vậy, chỉ trong 15 ngày, có rất nhiều địa điểm du lịch họ không đến, chẳng hạn họ không đi Đà Lạt hoặc không đến Phan Thiết hay Nha Trang…

Cho nên, phải thay đổi một chút cách nghĩ là họ có thể đi hết Việt Nam chỉ trong vài ngày. Phải nghĩ cách làm thế nào nâng giá trị những khu vực khác ? Làm thế nào để đề xuất nhiều chương trình du lịch dài hơn, ví dụ 15 ngày ở miền bắc, 15 ngày ở miền trung, 15 ngày ở miền nam, để sau chuyến đi đầu tiên, du khách muốn trở lại. Tôi nghĩ đến đồng hương Pháp của mình, những người luôn hào hứng được quay lại Việt Nam. Nhưng phải kích thích được mong muốn trở lại khám phá những địa danh khác.

Vì thế, có lẽ phải nghĩ đến các chương trình du lịch, không đề xuất "trọn gói" từ Bắc xuống Nam chỉ trong 15 ngày nữa vì điều đó khiến một du khách không đọc, hoặc không quan tâm, có cảm tưởng là họ đã xem được tất cả. Họ nghĩ là đã xong Việt Nam và giờ chuyển sang nước khác.

RFI :Ông nêu ở trên về du lịch, có thể gọi là "đại trà", nhưng cũng phải nhắc đến nhiều du khách phương Tây đánh giá cao du lịch bền vững, du lịch sinh thái ở Việt Nam. Tuy nhiên, người ta cũng thấy hiện tượng bê tông hóa, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Liệu đây có phải là một điểm tiêu cực hoặc làm giảm bớt sức hấp dẫn trong mắt họ không ?

Jean-Yves Puyo : Có. Đối với tôi, việc này hoàn toàn hiển nhiên. Đây là điểm cần rất nhiều thời gian để phân tích. Du khách đến Việt Nam là để tìm kiếm điều gì đó khác lạ, ví dụ một du khách Pháp có thể tìm thấy bãi biển đẹp gần nơi họ ở hơn rất nhiều là đến tận Việt Nam. Khi họ đến thành phố Hồ Chí Minh, họ không đến để nhìn thấy Bangkok mà họ đến vì một thành phố của Việt Nam.

Thế mà hiện giờ, chúng ta thấy gì ở những trung tâm lịch sử ? Dù là ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở Hà Nội, một số di tích ít nhiều được coi là di sản, phải thú nhận rằng chúng đã bị phá. Người ta chỉ giữ lại những địa danh biểu tượng nhất. Dĩ nhiên, ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ là sẽ không bao giờ người ta phá Nhà thờ lớn hay Bưu điện, người ta cũng sẽ không bao giờ phá khách sạn Majestic hoặc khách sạn Continental. Nhưng cũng ngay trong quận 1 trung tâm lịch sử này, những người biết đến lịch sử thành phố chỉ cần đi dạo một vòng cũng có thể lập được danh sách những tòa nhà có ý nghĩa quá khứ hoặc đại diện cho di sản văn hóa, di sản kiến trúc, đã bị phá. Và thay vào đó là gì ? Thay vào đó là những tòa nhà chọc trời. Đối với một du khách muốn khám phá góc di sản và lịch sử thì họ không muốn ngắm những tòa nhà mới đó.

Vì thế tôi cho rằng sức hấp dẫn đã giảm rõ rệt. Nếu theo cách nhìn bi kịch của tôi, những gì đã bị phá thì biến mất vĩnh viễn, không thể lấy lại. Đối với tôi, những dự án hiện đại hóa các khu trung tâm thành phố này đã phá hủy một di sản kế thừa có giá trị di sản cao. Đây thực sự là một điểm tiêu cực. Và phải nhắc lại rằng du khách không đến Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh để như lại nhìn thấy Bangkok với những tòa nhà chọc trời.

RFI :Hiện có những ý kiến cho rằng thiếu địa điểm, hoạt động giải trí ở các thành phố ở Việt Nam, như Hà Nội. "Thiếu sót" này nên được giải thích như thế nào ?

Jean-Yves Puyo : Các thành phố lớn có thiếu địa điểm giải trí không, nhất là ở Hà Nội ? Thực sự tôi nghĩ là không, bởi vì du khách quan tâm đến hoạt động về đêm chẳng hạn, họ sẽ không đến Việt Nam mà đến Ibiza ví dụ thế, hoặc phải đến một số địa điểm rất nổi tiếng để vui chơi suốt đêm hoặc đến các sàn nhẩy… Liệu Việt Nam có lợi thực sự khi thử lá bài này không ? Thật lòng mà nói, tôi không nghĩ vậy, bởi vì để cạnh tranh được với những địa điểm du lịch đã rất nổi tiếng về giải trí, thì sẽ vô cùng khó cho Việt Nam. Và liệu họ có muốn điều này không ? Tôi cũng nghĩ là không.

Nếu tôi ở vị trí đó, tôi sẽ nghĩ tổng quát hơn, ví dụ về việc làm thế nào để phát triển dòng du khách nước ngoài đến Việt Nam ? Tôi sẽ tập trung hơn vào các hạng mục di sản, văn hóa, môi trường và vẻ đẹp thiên nhiên. Và ở điểm này, có rất nhiều việc phải làm và theo tôi, nhiều việc hiện vẫn ít được phát triển. Tôi lấy ví dụ một đồng nghiệp của tôi, rất thích đi bộ dã ngoại và vừa đi du lịch Việt Nam về. Đáng tiếc là ông ấy có chút thất vọng về việc thiếu chương trình đi bộ dã ngoại và cũng hơi thất vọng về chuyến du lịch ở Việt Nam.

RFI : RFI tiếng Việt xin trân thành cảm giáo sư địa lý Jean-Yves Puyo, Đại học Pau et des Pays de l’Adour.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 07/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Jean-Yves Puyo , Thu Hằng
Read 8823 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)