Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/08/2023

Trí thức và Đảng cộng sản Việt Nam

Phạm Trần

"Chính trị độc tài" và "tư tưởng hẹp hòi" của Đảng cộng sản là hai nguyên nhân khiến trí thức thờ ơ với đất nước.

Nhận xét này không có gì là "đột phá" mà là căn bệnh di căn do đảng đẻ ra để tự hành hạ mình. Hãy lấy bài học "trí thức Việt kiều" ngại về giúp nước để suy nghĩ.

trithuc1

Đàng và Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam rất ý thức nhu cầu phát triển trí thức, nhưng họ chỉ nói miệng cho vui thôi chứ trong thực tế không làm gì hết

Việt kiều không thiêng !

Theo ước tính, có khoảng 70.000 trí thức Việt kiều, trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Họ là các chuyên gia, nhà khoa học kỹ thuật cao đang làm việc cho các đại công ty nước ngoài như Microsoft, Monsanto, Mitsubishi… hay dạy tại các đại học lớn ở Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật, v.v. Nhưng số người về giúp Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại sao ?

Theo một bài viết của Tạp chí Tia Sáng, do Công ty Luât trách nhiệm hữu hạn Đại Việt đăng lại từ 20 năm trước thì sau đây là những lý do :

- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong những điều kiện tốt nhất của nước sở tại.

- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên…) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước.

- Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước.

- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian.

- Tinh thần "vọng ngoại" của một số ít người trong nước vẫn thích "mắt xanh mũi lõ" dù rằng có nhiều khi "mắt xanh mũi lõ" lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều.

- Tính "địa phương" và "trong ngoài" còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.

Đến nay, sau gần 50 năm sau ngày quân đội cộng sản chiếm Sài Gòn năm 1975, tình hình "trí thức Việt kiều về giúp nước" càng nhạt nhẽo hơn, vì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn "tự cao tự đại" coi việc xây dựng đất nước là của riêng mình và coi thường vai trò của trí thức nói chung và "trí thức Việt kiều" nói riêng.

Trí thức trong nước

Đối với "trí thức trong nước", Giáo sư Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã viết trên Tạp chí Cộng sản ngày 29/07/2023 như sau :

"Bên cạnh thành tựu, ưu điểm, hoạt động của đội ngũ trí thức cũng còn một số hạn chế, bất cập. Đóng góp của đội ngũ trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước chưa được như kỳ vọng ; đội ngũ trí thức đầu ngành còn thiếu, đội ngũ kế cận có sự hẫng hụt ; cơ chế, chính sách thu hút nhân tài còn bất cập, thiếu đồng bộ, ít có tính đột phá ; nhà khoa học chủ yếu hưởng lương theo ngạch, bậc hành chính (chuyên viên, cán sự), mức lương thường rất thấp, chưa tương xứng với kết quả hoạt động khoa học và công nghệ ; cơ chế đãi ngộ còn thiếu tính động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học có thể tận tâm, tận hiến cho đất nước".

Từ những "bất cập" này, ngoài việc Đảng "không có chính sách lãnh đạo trí thức", bài viết của Giáo sư Lê Hữu Nghĩa còn vạch ra nguyên nhân của hạn chế, như :

- Nhận thức của một số lãnh đạo ở các cấp về phát huy vai trò của trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo còn chưa đúng mức, đúng tầm ; 15 năm qua chưa thực sự có những đột phá trong nhận thức và chính sách để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Đây chính là "điểm nghẽn" lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nghị quyết này quy định "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Về cách đối xử với Trí thức còn được ông Nghĩa cho biết :

- Sự quan tâm của các cấp, các ngành trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, đãi ngộ, tôn vinh đối với đội ngũ trí thức chưa đầy đủ ; chưa thực sự coi trí thức là "nguyên khí của quốc gia", gắn liền với vận mệnh của đất nước. Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo chưa được đẩy mạnh, hiệu quả chưa cao, còn sử dụng lãng phí nhân lực chất lượng cao.

- Do còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các địa phương nên việc xây dựng và thực hiện chính sách liên quan không đồng bộ, không tạo được động lực mạnh để phát triển cả đội ngũ trí thức. Thiếu các trung tâm nghiên cứu mạnh ở viện nghiên cứu, trường đại học.

- Chưa xây dựng và ban hành được quy chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên ông Nghĩa cũng không quên chỉ trích hiện tượng có "Một số cán bộ, đảng viên là trí thức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".

Suy thoái toàn diện

Nhưng, căn cứ vào những lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, và nhiều cấp lãnh đạo khác, tình trạng suy thoái tư tưởng và đạo đức lối sống không còn giới hạn ở bất cứ thành phần nào trong hệ thống cai trị mà đã lan ra rộng khắp, sang cả Quân đội và Công an, là hai lực lượng bảo vệ chế độ có kỷ luật cao.

Tại sao ? Vì nhiều lý do :

Về chính trị :

- Trí thức đã nhìn ra những sai lầm của Đảng trong lãnh đạo như tiếp tục kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước, trong khi nhân dân Nga và các nước cộng sản Đông Âu đã vứt vào sọt rác từ những năm 1988-1992. Do đó, trong bộ máy cầm quyền, Đảng và Chính phủ, chỉ những lãnh đạo "đỏ" mới được nắm giữ thực quyền và tuyệt đại đa số không có trình độ kiến thức cao, cfn những người có trình độ kiến thức cao thì bị dán cho cái nhãn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", v.v.

- Đảng vẫn độc quyền lãnh đạo, không tôn trọng quyền làm chủ đất nước của dân, đồng thời phủ nhận giá trị của một chính quyền dân chủ do dân bầu ra.

- Cũng hơn ai hết, trí thức đã thấy các cuôc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân từ trước tới nay chỉ là cuộc "đảng cử dân bầu", phản dân chủ và độc quyền thao túng của đảng.

- Ngoài ra, Đảng cũng không chấp nhận cho dân lập đảng chính trị, nói chi đến khả năng một đảng đối lập và các quyền tự do tối thiểu như quyền tự do phát biểu.

- Trong lĩnh vực truyền thông, Đảng cũng độc quyền một mình một chợ thao túng dư luận và kiểm soát báo chí để tuyên truyền.

Về môi trường làm việc và lương bổng

Ngoài lý do chính trị, các trí thức Việt kiều hay du học sinh từ trong nước theo học các ngành chuyên môn cao ở nước ngoài cũng "ngại" về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, còn có hai lý do khiến họ chần chừ : môi trướng làm việc và lương bổng.

Cũng nên biết nhiều giáo sư Việt kiều và giáo sư "du học" được trả lường 600.000 Mỹ kim/năm ở Mỹ (khoảng 14 tỷ đồng/năm).

Kỹ sư phần mềm Phạm Quang Vũ, 31 tuổi, tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Nanyang, Singapore và hiện đang làm việc tại công ty công nghệ Meta, Mỹ cũng cho biết : "Du học sinh Việt mới ra trường nếu làm trong nhóm "Big tech", các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, cũng hưởng mức lương 150.000 - 200.000 USD/năm (khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng/năm)" (Báo VietNam Express, ngày 19/09/2022).

Với những kỹ sư trẻ tài năng này thì họ được trả lương bao nhiêu nếu về Việt Nam làm việc ?

Báo VnExpress cho biết : "Theo báo cáo "Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin" thập niên 2010 - 2020 của VietnamWorks, tại Việt Nam, mức lương bình quân của kỹ sư phần mềm đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 16 triệu đồng/tháng lên 32 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến của ngành Công nghệ thông tin đạt từ 8,4 -27,4 triệu đồng/tháng, tùy từng doanh nghiệp.

Theo Adeco Việt Nam, mức lương cao nhất đối với vị trí kỹ sư phần mềm hiện nay là 150 triệu đồng/tháng tại Hà Nội và 160 triệu đồng/tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh".

Trước tình trạng "lương bèo" này, một tiến sĩ Việt kiều nói với báo VnExpress : "Không riêng kỹ sư phần mềm, đối với bất kỳ lĩnh vực nào, chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn, khó lòng thu hút được nhân tài về nước".

Trong khi đó, báo Nhân Dân ngày 25/07/2023 đã trích lời ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết : "Việc thu hút chưa thật sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày ; số người về làm việc lâu dài không nhiều ; chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ mà họ tham gia. Những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó được thực thi hiệu quả khi đi vào thực tế, số chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài thực sự được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi trong nước chưa nhiều…".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng : "Mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút lực lượng trí thức kiều bào, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế ; môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp".

Như vậy, cái "nút thắt" ở đâu ? Không đâu xa, nó nằm trong cái đầu "giáo điều, bảo thủ" của ông "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị do ông cầm đầu.

Những cái "đầu đất sét" này chỉ biết làm sao giữ được quyền lãnh đạo tuyệt đối mãi mãi cho Đảng. Ngoài ra họ không quan tâm đến những vấn đề cấp thiết của dân như dân chủ, nhân quyền, hay trao quyền kiến thiết đất nước cho trí thức, nhất là những người ngoài Đảng và Việt kiều ra đi từ năm 1975 và con cái của những Việt kiều này.

Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng ngày 11/04/2023 viết : "Theo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, Khoa học và Công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng trí thức còn tồn tại những hạn chế. Cụ thể là các chính sách đã được ban hành vẫn thiên về trọng đãi hơn trọng dụng, tức là chế độ đãi ngộ đã tương đối tốt nhưng cách sử dụng nhân tài thế nào cho hiệu quả thì nhiều nơi chưa chú trọng. Do đó, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài".

Tại sao họ "lại phải trở ra nước ngoài" ?

Dễ hiểu thôi, vì ở Việt Nam, người có "học hàm cao" nhưng không phải là "đảng viên" cũng không có quyền bằng một anh, hay chị "cán bộ dép râu" có thâm niên trong đảng, gọi là "trọng hồng hơn chuyên". Đối với những "cái đầu có nhiều sạn hơn não trạng" trong Đảng cộng sản Việt Nam thì chỉ có Đảng là nhất, Đảng là "thiên tài" và chỉ biết, như khẩu hiệu của lực lượng công an, "còn Đảng còn mình" !

Đó là lý do tại sao, đa số trong khoảng 200.000 du học sinh ở nước ngoài đã không về giúp nước sau khi tốt nghiệp.

Bằng chứng như tuyên bố của Tiến sĩ Phạm Thị Liên, thuộc Đại học Công nghệ Sydney. Bà nói : "100% du học sinh không muốn quay về. Và rất khó cho những người đã trở về áp dụng những gì được học vào thực tế tại Việt Nam" (BBC, ngày 24/09/2019).

Ngoài ra cũng phải kể đến "quốc nạn tham nhũng" và "quan hệ gia đình với các cấp lãnh đạo" trong lĩnh vực bổ nhiệm, lên chức.

Bằng chứng này đã được nêu lên trong báo Lao Động, số ra ngày 16/01/2014, theo đó dân gian có 4 câu vè :

"Thứ nhất hậu duệ

Thứ nhì quan hệ

Thứ ba tiền tệ

Thứ tư trí tuệ".

Tác giả bài báo (không nêu tên) viết : "Tôi biết, có không ít sinh viên học rất giỏi ở các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a,... nhưng không phải là "con, cháu các cụ" (4C) ; tiền không nhiều ; quan hệ lại không rộng rãi, không khôn khéo, hoặc không được những người thân, quen có địa vị cao trong xã hội giới thiệu thì vẫn cứ lang thang, thất nghiệp. Tài năng và trí tuệ của các em chẳng có nghĩa lý gì".

Rõ ràng những hành động này đã vi phạm Quy định 19 Điều cấm đảng viên trong không được làm do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 01/11/2011.

Tiêu biểu như Điều 10 viết, theo đó : "Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định".

Với tư duy thủ lợi hẹp hòi như vậy nên Đảng đã không chống nổi tham nhũng, thoái hóa và suy đồi đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Vì vậy mà tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng than phiền bấy lâu nay vẫn còn tồn tại nghiêm trọng.

Trước tình hình nhiễu nhương như thế thì hậu quả tất yếu là "trí thức tử tế" trong và ngoài nước đã không còn lựa chọn nào khác là "phải đứng ngoài" để cho Đảng tự tung tự tác.

Phạm Trần

(09/08/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 449 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)