Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2023

Phật giáo Hòa hảo luôn là cái gai trước mặt chế độ cộng sản

Lê Quang Hiển, Song Chi

Đạo Huynh Lê Quang Hiển : Phật giáo Hòa Hảo giống như "con cọp ngủ ngày" nhưng vẫn luôn luôn là một cái gai trong mắt nhà cầm quyền Cộng sản từ trước tới nay.

pghh1

Đại hội Đại biểu Phật giáo Hòa hảo cấp toàn đạo lần thứ IV nhiệm kỳ 2014-2019 - Ảnh minh họa

Phỏng vấn chuyên đề : "Chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt bao nhiêu năm của nhà nước cộng sản Việt Nam"

Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Đạo Huynh Lê Quang Hiển, Phó Hội trưởng thường trực kiêm Chánh thư ký Ban trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Thư ký Hội đồng Liên tôn, hiện cư trú tại Sài Gòn.

Song Chi : Thưa ông, ở Việt Nam có 5 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Trừ Công giáo, các tôn giáo khác như Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài đều có một hệ thống tổ chức đi theo đường lối của Mặt trận Tổ quốc và đảng Cộng sản Việt Nam, thường được gọi là là "tôn giáo quốc doanh" và một hoặc nhiều tổ chức độc lập, không chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước cộng sản Việt Nam. Ví dụ như Phật giáo có Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu sự kiểm soát của nhà nước, còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là tổ chức độc lập và không được nhà nước công nhận ; Tin Lành có Tin Lành Miền Bắc Việt Nam, Tin Lành miền Nam Việt Nam…chịu sự kiểm soát của nhà nước trong khi Tin Lành Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ, Tin Lành Đấng Christ… thì không ; Cao Đài có Cao Đài 1997 là quốc doanh, Cao Đài 1926 là tổ chức độc lập… Còn Phật giáo Hòa Hảo thì như thế nào ?

Lê Quang Hiển : Cũng vậy. Sau 4/1975 Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp, Giáo hội Phật giáo Hòa hảo bị đình chỉ hoạt động. Từ năm 1992 đến năm 1999 ông Lê Quang Liêm là cha tôi, khi đó là Hội trưởng trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo đứng lên đấu tranh tái phục hoạt giáo hội Phật giáo Hòa hảo.

Năm 1999 trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới, Việt Nam muốn hội nhập với thế giới thì phải cho tự do tôn giáo (nhưng là tự do tôn giáo trên giấy tờ thôi nghe), cho nên Cộng sản Việt Nam mới cho Phật giáo Hòa hảo phục hoạt lại nhưng nằm trong khuôn khổ Mặt trận Tổ quốc, và khuôn khổ của nhà nước. Họ lập ra Ban đại diện Phật giáo Hòa hảo năm 1999 gồm 12 đảng viên Cộng sản mà ông Trưởng Ban là một ông Đại tá từ ngoài Bắc vào.

Trước tình trạng đó anh em trong Giáo hội chúng tôi mới đứng lên đấu tranh đòi tự do tôn giáo, đòi được trả lại tài sản của Phật giáo Hòa hảo, được treo Phật kỳ, được nghe sấm giảng. Trong cuộc đấu tranh đó có 2 người tự thiêu, 16 người ở tù từ 6-11 năm. Hai người tự thiêu là bà Nguyễn Thị Thu (năm 2000), và Trần Văn Út tự Út Hòa Lạc (năm 2005).

Năm 2005 họ đổi lại Ban đại diện thành Ban trị sự trung ương, từ đó mới thành ra giáo hội Phật giáo Hòa hảo quốc doanh, trụ sở đặt tại An Hòa Tự. Từ đó chúng tôi phải thêm 2 chữ thuần túy : Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy để phân biệt, cũng như cô mới nói, bên Phật giáo có Giáo hội PGVN và Giáo hội PGVNTN để phân biệt bên nào là quốc doanh, bên nào là không phải.

Song Chi : Thưa ông, so với các tôn giáo kia thì Phật giáo Hỏa Hảo bị đàn áp nhẹ nhàng hơn hay nặng nề, hà khắc hơn ? Và tại sao ?

Lê Quang Hiển : Phật giáo Hòa hảo bị đàn áp nặng, luôn luôn là một cái gai trong mắt nhà cầm quyền Cộng sản kể từ ngày Đức Huỳnh Giáo chủ thành lập tôn giáo Phật giáo Hòa hảo (18 tháng 5 ÂL năm 1939).

Phật giáo Hòa hảo là một nền đạo xuất phát từ lòng dân tộc Việt Nam. Lấy giáo lý Học Phật Tu Nhân làm nền tảng căn bản. Trong phần tu nhân có tứ ân : Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân đồng bào và nhân loại. Ân Đất Nước được xem trọng, là bổn phận của một công dân. Giáo lý của Phật giáo Hòa hảo phục vụ cho dân tộc, cho đạo giáo, chống đối hoàn toàn với học thuyết Mác Lê của Cộng sản phục vụ cho quốc tế, học thuyết của họ là TAM-VÔ (vô Tổ Quốc, vô Gia đình, vô Tôn giáo). Chưa kể, trong thời kỳ kháng Pháp, Đức Huỳnh Phú Sổ đã lập ra Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng để kháng Pháp, giữ gìn quê hương, nên có mâu thuẫn với Việt Minh cũng kháng Pháp. Phật giáo Hòa hảo đã lãnh lấy mọi sự đàn áp khốc liệt nhất từ khi đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu lên nắm chính quyền năm 1945 đến nay.

Song Chi : Xin ông kể về sự đàn áp của chế độ Cộng sản đối với Phật giáo Hòa hảo ?

Lê Quang Hiển : Bắt đầu là 1945 đến 1954 :

- 9/1945, Cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền, họ đã có quyền sinh sát trong tay ; Ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ, sau đó hàng ngàn tín đồ Phật giáo Hòa hảo bị sát hại.

- Đỉnh điểm là sau biến cố ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ (16/4/1947 tức ngày 25 tháng 2 (ÂL), sự thanh trừng của Cộng sản Việt Nam vô cùng tàn bạo đối với khối đại quần chúng tín đồ Phật giáo Hòa hảo ; con số thống kê lên đến hơn năm chục ngàn người bị giết, đủ cách : neo nước dưới sông (gọi là cho đi mò tôm), đập đầu, chôn sống. Có hàng chục mồ chôn tập thể nằm rải rác ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, như tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ...

Hiện nay tại xã Phú Thuận còn lưu giữ một mồ chôn tập thể 467 thi thể lại có 468 oan hồn (vì trong đó có một phụ nữ mang thai hơn 7 tháng).

Rồi sau sự kiện cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam 30/4/1975, Cộng sản Việt Nam lại thẳng tay đàn áp : Giáo hội bị giải thể ; các chức sắc Giáo hội bị tù đày khổ sai, nhiều người đã phải chết trong tù ; huỷ bỏ địa danh từ vùng Thánh Địa Hòa Hòa ; cấm lưu hành giáo lý Phật giáo Hòa hảo…

Toàn bộ tài sản của Giáo hội bị chiếm đoạt gồm : 28 tu viện, chùa, trung tâm phổ giáo ; 468 độc giảng đường ; 452 hội quán ; 2878 văn phòng Ban Trị Sự trung ương, tỉnh, quận, xã và ấp.

Phật giáo Hòa hảo gần như bị xóa sổ.

Nhưng với tinh thần kiên định bảo vệ Đạo Pháp và tự tồn của quần thể tín đồ, tà không thể diệt chánh. Do vậy, không thực hiện được chính sách tiêu diệt tôn giáo theo chủ nghĩa Mác-Lê : nên họ đã thay đổi theo đường lối khác, đó là thành lập tổ chức Phật giáo Hòa hảo quốc doanh như vừa nói, nhầm để đồng hóa, đầu độc một số tín đồ nhẹ dạ cả tin. Đồng thời qua mặt quốc tế, đánh lừa dư luận quốc tế.

Hình thức là vậy nhưng bên trong tổ chức này là để khống chế và kiềm hãm sự phát triễn của Phật giáo Hòa hảo, sinh hoạt theo định hướng của nhà chức trách.

Riêng những ai không theo tổ chức quốc doanh thì họ xem là thành phần chống đối, an ninh luôn theo dõi. Những ai lên tiếng phản đối, nói lên sự thật, bảo vệ lý tưởng truyền thống tôn giáo của mình ... liền bị chụp mũ cho một số tội "Chống người thi hành công vụ", "Gây rối trật tự công cộng", "Lợi dụng quyền tự do dân chủ", "Tuyên truyền lật đổ nhà nước"…

Từ sau ngày thành lập tổ chức Phật giáo Hòa hảo quốc doanh năm 1999 gần 40 tín đồ, chức sắc Phật giáo Hòa hảo bị cầm tù và đã mãn hạn vào cuối 2016.

Nhưng các cuộc bách hại, sách nhiễu liên tục vẫn cứ diễn ra và từ cuối tháng 4 đến tháng 7 năm 2017 lại là đỉnh điểm, chỉ hơn hai tháng nhưng đã có nhiều biến cố dồn dập đến cho Phật giáo Hòa hảo :

1/ Hai kẻ lạ mặt đã đập mộ Đức Ông Đức Bà (thân sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ) làm rúng động niềm tin của người tín đồ Phật giáo Hòa hảo.

 2/ Cắt cổ một tín đồ Nguyễn Hữu Tấn khi đang hỏi cung tại phòng điều tra công an tỉnh Vĩnh Long.

3/ Bắt 15 tín đồ Phật giáo Hòa hảo, kết án tổng cộng gần 80 năm tù giam, gần 30 năm quản chế . Với những tội danh như vừa kể trên…

Đó là sự bách hại chung của Phật giáo Hòa hảo, còn riêng về Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, trong thời gian qua chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức và sinh hoạt tín ngưỡng :

1/ Sự đi lại bị cản trở : Có những sự kiện gì liên quan trong tôn giáo hoặc sự kiện chính trị trong nước, lực lượng công an canh giữ không cho các chức sắc Giáo hội ra khỏi nhà. Đặc biệt là các vị đứng đầu Giáo hội : cụ Hội Trưởng Nguyễn Văn Điền, Phó Hội Trưởng Lê Văn Sóc (Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy).

2/ Gửi giấy mời và giấy triệu tập đến các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy tùy tiện bất cứ lúc nào và ai, nội dung làm việc thường không nêu lý do.

3/ Tổ chức côn đồ hành hung và chọi mắm tôm, phân, đá…vào nhà các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy.

4/ Sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội bị ngăn cản :

Trong năm Phật giáo Hòa hảo có ba ngày đại lễ lớn : 25/2 Kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt, 18/5 Kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo chủ khai Đạo, 25/11 Kỷ niệm lễ đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ, Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy tổ chức đều bị ngăn cản, họ bao vây phong toả điểm lễ không cho ai đến, an ninh theo dõi canh giữ từng nhà chức sắc của Giáo hội, thậm chí một số người không cho ra khỏi nhà. Việc này xảy ra và lập đi lập lại trong suốt nhiều năm qua.

5/ Ngăn cản việc tụ họp đông người của Giáo hội, ngăn cấm Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy trong việc tổ chức các ngày lễ đạo. Điển hình mới nhất là ngày 25/6/2023, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh An Giang đã cho công an và an ninh cản trở và ngăn cấm phái đoàn của Ban Trị sự Trung ương do ông Nguyễn Văn Điền dẫn đầu đến trụ sở của Ban Trị sự Trung ương để làm lễ Cung Thỉnh và an vị chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ, tại lễ đài kỷ niệm năm thứ 84 ngày khai sáng tôn giáo Phật giáo Hòa hảo… Ngoài ra ngày 03/7/2023 nhà cầm quyền Cộng sản đã cho phong tỏa toàn bộ điểm lễ khi chỉ còn 2 ngày nữa là Đại Lễ ngày khai sáng tôn giáo Phật giáo Hòa hảo bắt đầu, nhằm không cho tín đồ và Trị sự viên các cấp của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy tham dự ngày Đại Lễ.

Trên đây chỉ là kể sơ qua là một số bách hại, đàn áp của Cộng sản đối với Phật giáo Hòa hảo nói chung và tổ chức Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy nói riêng.

Song Chi : Ông có thể kể về những trải nghiệm có tính cách riêng tư của người thân, và bản thân về việc bị nhà nước đàn áp, khống chế ?

Lê Quang Hiển : Cha tôi, cố Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy Lê Quang Liêm (1920 - 2015) đã bị cộng sản cầm tù nhiều năm từ sau ngày 30/4/1975 đến năm 1980, tiếp theo quản chế tại gia 2 năm. Tháng 3/2000, sau sự kiện Giáo hội dự định tổ chức tự thiêu tại công viên Lê Văn Tám để phản đối Công sản Việt Nam đàn áp Phật giáo Hòa hảo, một loạt trị sự viên bị bắt, riêng cha tôi bị bắt và bị đem về trường tiểu học Cổ Loa (quận Phú Nhuận, Sài Gòn) để đấu tố và bị quản thúc tại gia 4 năm.

Còn tôi, khi cha tôi còn sống, tôi là phụ tá, lúc đó cha tôi lớn tuổi rồi, gần 90 tuổi rồi, không đi đâu được nên mọi chuyện liên lạc tôi phải đi, tôi đi đâu là công an theo rần rần sau lưng, nhà cửa lúc nào cũng canh, ngôi nhà ở Phú Nhuận của chúng tôi họ để cái đèn 1000w ngay trước cửa nhà, ai tới nhà thì bị mời đi hết. Nghĩa là họ cô lập mình.

Song Chi : Xin ông cho một sự so sánh về chính sách tôn giáo của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây và nhà nước cộng sản Việt Nam bây giờ ?

Lê Quang Hiển : Khác nhau một trời một vực. Một bên thời Việt Nam Cộng Hòa được tự do hành đạo, truyền đạo, mở trường học, mở nhà thương, có cơ sở đủ hết. Có cả Viện Đại học Hòa Hảo ở Long Xuyên, sau 4/1975 họ tịch thu rồi lập trung tâm thương mại gì đó.

Nhưng tới thời Cộng sản họ cấm đoán mấy chuyện đó hết. Cho nên bây giờ dù là quốc doanh nhưng không có trường, không có nhà thương, không có cơ sở từ thiện nọ kia để giúp đỡ tín đồ. Họ chỉ lập Ban trị sự trung ương, Ban trị sự địa phương huyện xã…vậy thôi, chứ những vấn đề giáo dục, truyền bá giáo lý họ không chú trọng.

Song Chi : Thưa thời Đệ Nhứt Cộng hòa của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng bị mang tiếng đàn áp tôn giáo, thì Phật giáo Hòa Hảo lúc đó ra sao ?

Lê Quang Hiển : Hồi thời ông Ngô Đình Diệm mới về chấp chính năm 1956, lúc đó Phật giáo Hòa hảo chỉ có một số ít theo ông Ngô Đình Diệm còn thì không theo, cho nên ông không cho tổ chức Giáo hội Phật giáo Hòa hảo, nhưng sấm giảng vẫn được đọc, cờ vẫn được treo, lễ lạc mình vẫn làm được, mà sinh hoạt tôn giáo tại gia hay địa phương họ không chú ý đụng chạm tới. Còn bây giờ với Cộng sản thì khác, giai đoạn sau 4/1975 Phật giáo Hòa hảo gần như bị xóa sổ, ai cầm cuộn băng sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo chủ giống như là đồ quốc cấm vậy, gặp là họ bắt, tịch thu, phạt tiền. Khác xa lắm.

Đến thời Đệ nhị Cộng hòa, ông Nguyễn Văn Thiệu có ra đạo luật công nhận giáo hội Phật giáo Hòa hảo là một trong những tôn giáo chính của Việt Nam, được lập giáo hội, được sinh hoạt… cũng như Phât giáo, Công giáo…

Bây giờ bao nhiêu chức sắc, tín đồ bị bắt bớ, tù đày. Từ năm 2005 trở về 2008 bắt rất nhiều, tàn nhẫn là hai vợ chồng bắt hết, ví dụ hai vợ chồng Nguyễn Thanh Phong-Nguyễn Thị Hà, 2 vợ chồng ông Nguyễn Văn Thơ và bà Dương Thị Trọn, 1 người 6 năm, 1 người 9 năm tù, hai vợ chồng Võ Văn Bửu-Mai Thị Dung, 1 người 6 năm tù, 1 người 11 năm tù… Những trị sự viên lẻ tẻ bị bắt rất nhiều. Nhưng tội danh họ không để là tội danh tôn giáo mà là gây rối trật tự công cộng chẳng hạn và xử mút khung luôn.

Song Chi : So với giai đoạn chưa mở cửa hội nhập với thế giới (thập niên 80, 90 của thế kỷ XX), tình trạng đàn áp những năm gần đây ra sao thưa ông ?

Lê Quang Hiển : Giai đoạn chưa mở cửa thì họ cấm đoán triệt để, vừa lú lên là họ triệt rồi, lúc đó đâu có tổ chức nào nổi lên được để làm gì đâu. Từ ngày mở cửa hội nhập quốc tế thì họ khủng bố mạnh. Bởi vì tất cả các tôn giáo đều thấy phải làm như thế nào để thế giới thấy sự đàn áp của nhà nước cộng sản, phải đấu tranh, phải đòi hỏi, cho nên mới xảy ra như vậy.

Vài năm trở lai đậy họ đàn áp tinh vi hơn, họ kềm kẹp rất kỹ từ xa, ví dụ như thành phần trẻ muốn tham gia trở thành tín đồ Phật giáo Hòa hảoc thì công an tới nhà, động viên, mua chuộc, không được thì dùng biện pháp mạnh để người đó không tham gia, họ nói mình là một tổ chức phản động chống phá nhà nước. Với các tín đồ, chức sắc Phật giáo Hòa hảo thuần túy làm gì, đi đâu thì bị chặn từ xa, tại nhà. Thời đại internet vài phút là thế giới biết nên Cộng sản khôn khéo, khi họ chặn họ không mặc đồ công an mà bận đồ xi-vin, sao mình nói được, họ chối hết.

Song Chi : Có tình trạng tìm cách gây chia rẽ giữa các tôn giáo với nhau không thưa ông ?

Lê Quang Hiển : Tôi thấy có bên Phật giáo quốc doanh "nói xấu" Phật giáo Hòa hảo nhiều, gần đây là ông Thượng tọa Thích Nhật Từ ở chùa Giác Ngộ, quân 10 nói xấu Phật giáo Hòa hảo rất nhiều, nói Phật giáo Hòa hảo không phải là một tôn giáo, là một chi nhánh của Phật giáo, Đức Huỳnh Phú Sổ không phải là giáo chủ v.v… Tôi có lên trên mạng viết bài phản biện và nói nếu ông Thích Nhật Từ mà còn nói gì nữa thì tôi sẽ kiện ông Thích Nhật Từ ra tòa, cho nên từ đó tới giờ mới im đó.

Để tránh tình trạng bị nhà nước Cộng sản gây chia rẽ giữa các tôn giáo, năm 2013 chúng tôi thành lập Hội đồng Liên Tôn gồm 5 tổ chức tôn giáo độc lập không chịu sự chi phối của nhà nước là Công giáo, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tin Lành Lutheran Việt Nam-Hoa kỳ, Cao Đài 1926 và Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, đoàn kết tất cả các tôn giáo với nhau cùng chung một lập trường từ đó mình mới có tiếng nói chung các tôn giáo tại Việt Nam để hải ngoại hiểu thực trạng các tôn giáo tại Việt Nam, và những phái đoàn của chính phủ Anh, Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Hoa Kỳ… biết mà đến để tìm hiểu, trao đổi.

Song Chi : Còn tình trạng phát triển của Phật giáo Hòa Hảo ở hải ngoại thì sao thưa ông ?

Lê Quang Hiển : Phật giáo Hòa hảo ở hải ngoại cũng đông lắm, cũng chia nhiều giáo hội lắm. Những anh em ở bên đó nhiều người rất có tâm đạo, đã bỏ nước ra đi ai là kẻ thù của mình thì đã hiểu, nên những người như vậy không về Việt Nam được. Còn những tín đồ ở bên đó mà muốn về Việt Nam là không được phát ngôn chống nhà nước này. Mà mình là người Việt Nam lúc nào cũng nặng gia đình, phải về thăm, cho nên nhiều người ghét nhà nước này nhưng họ cũng không mở miệng phản kháng nhiều.

Song Chi : Thưa, Phật giáo Hòa hảo có tình trạng bị "biến tướng", tha hóa, như kinh doanh chùa, nhiều hoạt động mê tín dị đoan, nhiều nhà sư sống sung túc… như Phật giáo quốc doanh ?

Lê Quang Hiển : Phật giáo Hòa hảo là tu tại gia, là vô vi, theo thuyết của Đức Giáo chủ, lấy tâm làm gốc, không có cơ sở chùa chiền nên không có chuyện kinh doanh chùa, tha hóa mê tín như Phật giáo quốc doanh. Tuy nhiên, anh em tín đồ Phật giáo Hòa hảo dù bây giờ biết cái chỗ đó là quốc doanh, như trụ sở tại An Hòa Tự là cơ sở của Phật giáo Hòa hảo quốc doanh chẳng hạn, nhưng ngày lễ người ta vẫn đem đồ tới cúng kiếng, các ngày lễ cơm nước là miễn phí, tín đồ lo hết, người ta không phân biệt Phật giáo Hòa hảo quốc doanh hay không quốc doanh, miễn làm việc đạo là người ta đem hết sức, đem của cải ra làm để cho buổi lệ được viên mãn. Cho nên Phật giáo Hòa hảo khác với bên Phật giáo quốc doanh lợi lộc nhiều quá, mà theo tôi biết các ông sư cấp lớn toàn là đảng viên cộng sản hết.

Còn Phật giáo Hòa hảo có đảng viên cộng sản không ? Bây giờ thì ít rồi tại vì chúng tôi nêu tên từng người nào là đảng viên cộng sản ra cho nên họ cũng rút bớt nhưng họ lại đưa những thành phần khác, không phải cộng sản nhưng không theo đạo.

Song Chi : Thưa ông muốn làm "giả" linh mục rất khó vì phải Vatican thông qua, phải độc thân (vậy mà mới đây cũng lọt vào một trường hợp ông HHH làm dư luận xôn xao cả lên), "giả" Hòa thượng cũng khó, cũng phải độc thân. Còn với Phật giáo Hòa hảo tu tại gia, đời sống bình thường, đảng viên cài cắm lọt vô chắc là dễ hơn ?

Lê Quang Hiển : Lọt vô Ban trị sự trung ương hay tỉnh, quận rất dễ dàng. Mình chỉ có cách là nếu một ông cộng sản lọt vào thì anh em địa phương biết, cho hay, mình sẽ vạch mặt ra. Mặt trận Tổ quốc đưa ra người nào vào chức vụ nào thì mình nắm mình đi dò la, phanh phui lý lịch. Còn họ đưa là quyền của họ.

Song Chi : Thưa, sự đàn áp bao nhiêu năm của nhà nước cộng sản gây ra cái hại lớn nhất cho Phật giáo Hòa hảo là gì ?

Lê Quang Hiển : Thế hệ tiếp nối. Bây giờ những người hiện tại thì họ không làm gì được vì người ta đã làm việc đạo lâu quá rồi, người ta biết hết rồi, còn những người tiếp nối khó lắm.

Song Chi : Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy có kế hoạch chuẩn bị gì cho thế hệ tiếp nối, thưa ông ?

Lê Quang Hiển : Đây đang là vấn đề ưu tư hàng đầu của giáo hội chúng tôi, thì bây giờ giáo hội chúng tôi đang tổ chức những thành phẩn trẻ, đưa vào [giáo hội]từ nhỏ tới lớn để người ta hiểu về hoạt động giáo sự, hiểu giáo lý Phật giáo Hòa hảo, để tiếp nối mình chứ như tôi năm nay cũng 76 tuổi rồi đâu có ngồi mãi được. Mấy năm nay chúng tôi đã nhận thấy vấn đề đó rồi cho nên chúng tôi đã làm và đã tạo được một lớp trẻ rất tốt, có tài năng, đức độ, và nhất là tư tưởng phải thuần tôn giáo không có dính vô đảng Cộng sản-quan trọng lắm.

Song Chi : Còn về việc phát triển sách báo, viết sách, hoằng pháp cho đúng với đạo pháp, tôn chỉ ban đầu của Phật giáo Hòa hảo từ sau 4/1975 cho đến nay thì sao thưa ông ?

Lê Quang Hiển : Không có người viết. Những người lớn tuổi am hiểu sâu trong nước thì chết hết rồi, còn những thành phần lớn tuổi còn sống ở hải ngoại thì người ta cũng ít viết lắm vì cuộc mưu sinh. Ở trong nước chỉ viết sách nói về đạo thôi, ví dụ đức Huỳnh Giáo chủ nói câu này thì mình giải thích, triển khai ra để cho anh em người ta hiểu. Đó, chỉ có vậy thôi chứ còn viết lịch sử nọ kia thì chưa thấy.

Chính vì vậy, giáo hội chúng tôi có 3 mục tiêu :

- củng cố giáo quyền.

- thống nhất giáo hội.

- xiển dương giáo pháp

Song Chi : Theo ông, sự đàn áp của chế độ độc tài cộng sản đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo Hòa hảo nói riêng có thành công ?

Lê Quang Hiển : Cô không hiểu người tôn giáo họ khác, như tín đổ Phật giáo Hòa hảo ở ngoài hiền lành vậy đó, lo làm ăn chơn chất, làm lành lánh dữ, cứu giúp người nghèo khó, nói gì cũng nghe nhưng mà có chuyện là biết liền. Phật giáo Hòa hảo cũng như con cọp ngủ ngày. Nếu tôn giáo bị những cơn pháp nạn hay tổ quốc bị xâm lăng thì tín đồ Phật giáo Hòa hảo sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ, để làm tròn bổn phận là một tín đồ của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Cộng sản rất hiểu Phật giáo Hòa hảo cho nên họ sợ lắm. Trong các tôn giáo Phật giáo Hòa hảo là mũi nhọn của Cộng sản.

Tại vì Phật giáo Hòa hảo có tinh thần chống Cộng từ xưa tới giờ, Cộng sản đã giết hại đức Giáo chủ của Phật giáo Hòa hảo thì cũng như thù bất cộng đái thiên rồi. Ám hại đức thầy cũng giống như Cha mình, tín đồ sao chịu nổi. 25 tháng Hai Âm lịch ngày Đức Huỳnh Giáo chủ bị ám hại nhà nước không cho chúng tôi làm lễ, họ cấm, họ nói làm là khơi lại hận thù giữa Việt Minh và Phật giáo Hòa hảo, nhưng Phật giáo Hòa hảo thuần túy chúng tôi năm nào cũng làm hết, dù họ bắn họ giết chúng tôi vẫn làm vì chúng tôi là đệ tử của Đức Huỳnh Giáo chủ cho nên chúng tôi phải làm còn anh cho hay không cho là quyền của anh, vậy thôi.

Thứ hai, Phật giáo Hòa hảo có hệ thống tổ chức đi từ trung ương xuống quận chặt chẽ, song song với Giáo hội còn có đảng Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng gọi tắt là Dân Xã đảng, Đức Huỳnh giáo chủ là thủ lãnh. Đảng tuy ngưng, không còn hoạt động công khai nhưng vẫn còn.

Song Chi : Ngày 2/12/2022 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lai đưa Việt Nam vào "Danh sách theo dõi đặc biệt" (Special Watch List) và cũng có người cho rằng với những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua, lẽ ra Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC (tức là các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern) về Tự do tôn giáo, và có những biện pháp chế tài nghiêm khắc thì đúng hơn. Ông nghĩ thế nào về điều này ?

Lê Quang Hiển : Trong cuộc họp với Ủy ban Tự do tôn giáo Hoa Kỳ thì Hội đồng Liên tôn cũng nói rõ lập trường là yêu cầu đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ cũng vì lý do gì đó, ví dụ như tìm cách lôi kéo Việt Cộng để đối phó với Tàu Cộng mình cũng không biết được, nên chỉ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt thôi, Hoa Kỳ đã đưa vào diện theo dõi đặc biệt thì Việt Nam cũng quan ngại chớ, nếu đưa vào CPC là Việt Nam chết liền, kinh tế xuống liền.

Song Chi : Như ông vừa nói, vì lý do chính trị, Hoa Kỳ và phương Tây dường như cũng nới tay với nhà nước Việt Nam về mặt nhân quyền, tự do tôn giáo. Không thể trông chờ được ở thế giới thì mình phải làm gì thưa ông ?

Lê Quang Hiển : Tất cả các tôn giáo phải củng cố nội bộ, đoàn kết thật chặt với nhau. Một cây đũa thì bẻ gãy nhưng cả bó đũa thì khó. Ví dụ như họ đàn áp Phật giáo thì các tôn giáo khác đều lên tiếng, thế giới biết, họ cũng ngán. Hội đồng Liên tôn nếu dẹp được thì họ dẹp lâu rồi, như bây giờ thế giới đều biết cho nên họ sợ mang tiếng, sợ bị đưa vào danh sách CPC cho nên Hội đồng Liên tôn mới còn tồn tại tới bây giờ.

Song Chi : Xin chân thành cảm ơn ông.

Song Chi (thực hiện)

Nguồn : RFA, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Quang Hiển, Song Chi
Read 759 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)