Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/08/2023

Việt Nam có bao nhiêu Tô Lâm ?

Đồng Phụng Việt - RFA

Ông Tô Lâm "này" là ai ?

Đồng Phụng Việt, RFA, 09/08/2023

Vừa có một ông tên Tô Lâm, được giới thiệu là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an, ra lệnh như thế này : "Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" (*).

tolam1

"Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa". Ảnh minh họa

Ông Tô Lâm này ra lệnh đó khi dẫn một đoàn công tác về Hải Dương để "làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả quán triệt, triển khai các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng lực lượng công an nhân dân".

Có nhiều lý do để phải thắc mắc ông Tô Lâm "này" là ai. Thứ nhất, tại sao là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an nhưng ông lại không biết "làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" và thản nhiên chuyển "nhiệm vụ" mà chính ông thừa nhận là "nặng nề" ấy cho tỉnh Hải Dương bằng cách "yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu việc này" ?

Thứ hai, ngoài Hải Dương, Việt Nam còn 62 tỉnh và thành phố khác trực thuộc trung ương, nhìn một cách tổng quát, đâu có tỉnh, thành phố nào mà "dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa", nếu đó chỉ là "nhiệm vụ nặng nề" của các "Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Ban Thường vụ Thành ủy, Công an tỉnh, Công an thành phố" và nếu chỉ có những tổ chức, cơ quan đó phải "nghiên cứu", đồng thời phải làm được như vậy thì tại sao không giải tán "Đảng ủy Công an Trung ương", xóa sổ "Bộ Công an" ?

Thứ ba, tại sao ông Tô Lâm này lại trở thành "Đại tướng" của một trong những bộ phận cấu thành "lực lượng vũ trang" (công an) khi ngay cả điều được xem là sơ đẳng nhất của các lực lượng vũ trang ông cũng không rành ? Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, việc chào người khác theo cung cách lực lượng vũ trang phải tuân thủ nguyên tắc : Thuộc cấp phải chào trước, sau đó thượng cấp mới chào đáp lễ, chỉ khi thượng cấp bỏ tay xuống, thuộc cấp mới có quyền kết thúc chuyện chào.

Tại sao phải thế ? Rất đơn giản ! Tính chất của các lực lượng vũ trang đòi hỏi phải xây dựng, duy trì, đề cao "tôn ti trật tự" trong các lực lượng này. Cung cách chào của các lực lượng vũ trang không chỉ xác định đặc thù mà còn bảo vệ "tôn ti trật tự" – yếu tố quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của các lực lượng vũ trang. 

Tuy nhiên xem tấm ảnh mà tờ Thanh Niên đính kèm khi tường thuật về sự kiện ông Tô Lâm dẫn một đoàn công tác đến Hải Dương để ra lệnh như vừa đề cập, thiên hạ lại thấy ông vung tay chào một bầy thuộc cấp đang ngồi ngắm ông và vỗ tay hoan hô "Đại tướng" chào mình.

Tấm ảnh đó cho thấy, không những ông "Đại tướng" đã không biết gì và cũng chẳng thèm bận tâm về "quân phong, quân kỷ" mà thuộc cấp của ông cũng y như vậy. Chắc chắn dưới gầm Trời này, chỉ có Công an nhân dân Việt Nam - vốn được tổ chức, vận hành và hưởng các đặc quyền theo kiểu lực lượng vũ trang (ví dụ như cũng có đủ loại tướng) - mới vô tri rồi trở thành vô tư tới mức quái gở như thế ! Có thể kỳ vọng gì ở lực lượng tồn tại và hoạt động theo kiểu "quân hồi vô phèng" như vậy ?

Sans titre

Thiên hạ lại thấy ông Tô Lâm vung tay chào một bầy thuộc cấp đang ngồi ngắm ông và vỗ tay hoan hô "Đại tướng" chào mình.

***

Ngoài ông Tô Lâm "này" (như vừa kể), còn có một ông Tô Lâm "khác" cũng là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an. Có thể ông Tô Lâm "này" rất giống ông Tô Lâm "khác" về nhân diện, nhân dáng, thậm chí có thể các yếu tố sinh trắc học (như vân tay) hoàn toàn tương đồng song không thể xem cả hai ông Tô Lâm là một vì ông Tô Lâm "khác" là Tiến sĩ Luật học, Giáo sư Khoa học An ninh. 

Phàm đã học luật, học về khoa học an ninh thì đương nhiên phải học "Tội phạm học". "Tội phạm học" là một lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu – lý giải về những yếu tố liên quan đến tâm lý, xã hội dẫn đến hành vi phạm tội, các đặc điểm của tội phạm, cách thức kiểm soát. Đó cũng là lý do "Tâm lý học" và "Xã hội học" là những môn học mà tất cả cá nhân học luật, học về khoa học an ninh phải biết, phải chịu bị kiểm tra xem kiến thức có đạt yêu cầu căn bản hay không ?

Chắc chắn kiến thức về "Tội phạm học" hay "Tâm lý học" rồi "Xã hội học" của một Tiến sĩ Luật hay Giáo sư về Khoa học an ninh phải sâu và rộng hơn những người mà học vấn chỉ ở tầm Cử nhân. Thế nhưng hãy hỏi những cá nhân có học vị Cử nhân Luật, Cử nhân Khoa học an ninh hay Cử nhân Tâm lý, Cử nhân Xã hội học xem yêu cầu "làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" có phản khoa học hay không ?

Câu trả lời mà bạn nhận được có thể sẽ rất nặng nề vì chắc chắn trong số những người có kiến thức và được hỏi ý kiến sẽ có người bảo đó là đòi hỏi xuất phát từ sự ngu dốt hoàn chỉnh, không có chút hiểu biết nào về "Tội phạm học", "Tâm lý học", "Xã hội học". Lẽ nào một ông vừa là Tiến sĩ Luật, vừa là Giáo sư về Khoa học an ninh lại tệ như thế ?

Cũng cần nói thêm, sở dĩ kẻ viết bài phải thắc mắc ông Tô Lâm "này" là ai còn vì ông Tô Lâm "khác" đã là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an từ năm 2016 tới giờ. Ai cũng có thể trả lời câu hỏi : Bảy năm qua tình hình an ninh, trật tự của xã hội Việt Nam tốt hơn hay tệ hơn ? Dân chúng Việt Nam cảm thấy hài lòng hơn hay bất an hơn ? Cho nên, khi ra lệnh : "Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" và "yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu", ông Tô Lâm "này" không chỉ "bôi tro, trát trấu" vào chính ông ta mà còn thóa mạ ông Tô Lâm "khác" vô năng, bất tài, rõ ràng là đồ "ăn hại, đái nát". Thế mới đểu !

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 09/08/2023

Tham khảo

(*) https://thanhnien.vn/dai-tuong-to-lam-lam-the-nao-de-dan-di-vang-di-ngu-khong-phai-khoa-cua-185230808184142003.htm

************************

‘Dân ngủ không phải khóa cửa’- Bộ trưởng Tô Lâm mơ về thuở thái bình xa xưa ?

RFA, 09/08/2023

Lãnh đạo công an mới đây yêu cầu ‘làm sao để dân đi vắng, đi ngủ không phải khóa cửa’. Yêu cầu này có khả thi ?

Sans titre

Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương hôm 8/8/2023

Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương hôm 8/8/2023 đặt vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân đặt lên hàng đầu, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân. Cụ thể ông Lâm yêu cầu : ‘Làm thế nào để dân đi vắng, đi ngủ không phải khóa cửa’.

Ông T. – một người dân sống tại thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, nói với RFA hôm 9/8/2023 :

"Ông Tô Lâm nói theo kiểu hoang tưởng, mị dân, ý là xã hội chủ nghĩa sẽ được như thế, nhưng thật sự ngày càng tồi tệ, dân tình ngày càng khổ… Bây giờ tình hình an ninh trật tự như những người dân thường nói, cứ 100 mét vuông là có 20 tên ăn cướp ăn trộm, xã hội thực tế hiện nay là như vậy, hở ra là mất… Chính vì vậy có những vụ chết cháy rất thương tâm, vì người ta phải rào nhà kiểu như chuồng cu để chống trộm, từ chỗ đó khi có hỏa hoạn không thể thoát ra được và chịu chết trong nhà".

Theo ông T., đó là những cái chết thương tâm mà nguyên nhân là vì phải 'rào nhà- chống trộm'. Ông T. nói tiếp :

"Có câu là cùng khổ thì sẽ sinh ra tệ nạn, sẽ xảy ra trộm cướp nhiễu lọan cả xã hội. Ông Tô Lâm nói như vậy thì hầu như là không có và không thể xảy ra trong xã hội chủ nghĩa, đó là điều hoang tưởng nhưng người ta vẫn cứ đưa lên để mị dân".

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 40,97% trong năm 2022. Còn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng tại kỳ họp này cho biết, trong năm 2022 tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là tội phạm giết người tăng 13,17%.

Trở lại với yêu cầu của ông Tô Lâm ‘làm sao để dân đi vắng, đi ngủ không phải khóa cửa’… luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 9/8 nhận định với RFA :

"Ông Tô Lâm ở trên ghế bộ trưởng không đi sát với tình hình thực tế ở Hải Dương nói riêng, cũng như các địa phương trên cả nước nói chung. Qua mạng xã hội chúng ta đã thấy người dân Việt Nam ví dụ có trồng cây mít hay kể cả thùng rác thì họ đều phải dùng khóa để khóa tất cả lại… Cho nên việc ông Lâm yêu cầu công an Hải Dương phải trấn áp tội phạm tới mức mà người dân có thể đi ngủ không phải đóng cửa thì chỉ mang tính hoang tưởng, không có một chút thực tế nào so với điều kiện hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như vấn đề an ninh trật tự ở Việt Nam".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự cho người dân thì công an không đảm bảo, trong khi đó lĩnh vực bảo vệ quyền lực tuyệt đối của Đảng và chế độ thì Việt Nam làm rất triệt để. Gần như các tiếng nói bất đồng chính kiến đối lập ở Việt Nam hoặc các tổ chức xã hội dân sự độc lập gần như bị dập tắt và xóa sổ hoàn toàn. Ông Đài nói tiếp :

"Trong khi đó vấn đề tội phạm Việt Nam mỗi một năm đều có mức tăng trưởng khủng khiếp, từ 10% đến 20% tăng trưởng tội phạm hình sự hàng năm. Ở các nước tư bản thì những người đứng đầu như Bộ trưởng Tô Lâm không bao giờ cần thiết phải yêu cầu điều đó đối với cảnh sát địa phương. Bởi vì bất kể người nào khi bước chân vào nghề cảnh sát đều hiểu rõ trách nhiệm là đảm bảo một cách an toàn tuyệt đối cho người dân. Ở Việt Nam, giữa tội phạm và công an người dân Việt Nam đều nhìn thấy rõ có sự cấu kết với nhau. Nếu như không có tội phạm, thì công an không tồn tại được, không có tội phạm thì công an không được tăng ngân sách, không được tăng quân hàm…".

Theo luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, mối quan hệ giữa tội phạm và ngành công an Việt Nam là mối quan hệ cộng sinh với nhau.

tolam4

Hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị hộ tống tới phòng xử án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ vào ngày 30/11/2018. AP Photo.

Nhiều năm qua, có nhiều vụ bê bối của ngành công an bị đưa ra công luận. Nhiều tướng trong Quân đội và Công an Việt Nam bị kỷ luật vì tham nhũng, lợi dụng chức vụ- quyền hạn để làm những chuyện sai trái… Đơn cử như năm 2018, cựu trung tướng công an, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, bị tuyên chín năm tù, và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao bị phạt 10 năm tù vì những liên can đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên mạng.

Đến năm 2019, ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công An, bị tuyên tổng cộng 12 năm tù và ông Phan Hữu Bách, cựu Phó Cục Trưởng B61, Tổng Cục Tình báo, Bộ Công an cũng bị tuyên tổng cộng 11 năm tù. Cả hai đều bị kết tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.

Tuy nhiên nhiều nhân vật xuất thân từ công an hiện vẫn giữ những vị trí quan trọng trong Bộ chính trị và trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dù có nhiều bê bối nhưng dư luận vẫn cho rằng Đảng và Nhà nước luôn ưu ái cho ngành công an ?

Một cựu trung tá Công an ở Sài Gòn, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nói :

"Nói về năng lực thì công an Việt Nam là một trong những công an giỏi, không có tổ chức phản động nào tồn tại được ở Việt Nam, ngo ngoe là bắt liền. Nhưng cá nhân thì khác, như vừa rồi ba công an đi bắn dê là làm bậy, công an bảo vệ dân thì lại đi ăn cắp của dân. Hay mấy ông cảnh sát biển, thực chất là công an qua, tham nhũng 50 tỷ chia nhau và bị trừng trị".

Đó là những minh chứng rõ nét, lực lượng công an lâu nay không thực hiện chức năng chính của họ là giữ gìn an ninh, trật tự xã hội cho dân chúng.

Nguồn : RFA, 09/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đồng Phụng Việt, RFA tiếng Việt
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)