Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2023

Tại sao ASEAN khó đoàn kết trước sự hung hăng của Trung Quốc ?

Hoàng Việt

Hôm 5/8/2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp vận của Philippines. Đến nay, chưa có nước nào trong ASEAN lên tiếng và bản thân tổ chức này cũng chưa lên tiếng.

RFA trao đổi với Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh về khả năng đoàn kết của ASEAN trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. 

asean1

Hôm 8/8/2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5403 bật tín hiệu AIS và tuần tra 2 ngày trong EEZ của Việt Nam ngoài khơi bờ biển phía đông nam - Raymond Powell

RFA : Như ông đã biết, trong khối ASEAN, có nhiều nước có cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần với Trường Sa. Mặt khác, có nhiều nước trong khối có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn với nhau. Tháng 12 năm 2022, Việt Nam và Indonesia thông báo đã đạt được thỏa thuận về phân định EEZ chồng lấn. Hồi tháng 6/2023, Hoa Kỳ cũng lên tiếng ủng hộ các thỏa luận dựa trên Luật pháp quốc tế để phân định EEZ và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước Đông Nam Á, đánh giá đây là một trong những bước tiến quan trọng để tăng cường đoàn kết trong nội bộ ASEAN. Xin ông cho một nhận xét về vấn đề này.

Hoàng Việt : Rõ ràng chúng ta thấy là trong thế giới hiện đại, luật pháp quốc tế rất quan trọng. Trong đó, đối với quan hệ quốc tế liên quan đến biển và đại dương, Luật quốc Quốc tế đóng vai trò rất lớn.

Mặc dù UNCLOS có tuổi đời và hiệu lực chưa lâu (nó bắt đầu được kí kết từ năm 1982 và có hiệu lực từ 1994), nhưng từ khi ra đời, nó đã dẫn đến những hình thức chồng lấn và tranh chấp mới. Lý do là nó đặt ra những khái niệm về các vùng biển như lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, ngoài ra còn cả vấn đề thềm lục địa. Nhiều quốc gia ven biển có sự chồng lấn trong các vùng biển nêu trên. Các khu vực chồng lấn này sẽ tạo ra tranh chấp. 

Tranh chấp là một hiện tượng hết sức bình thường trong đời sống con người. Vấn đề chỉ là chúng ta giải quyết tranh chấp như thế nào. Hầu hết các quốc gia đều mong muốn giải quyết tranh chấp theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp quốc, đó là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật lệ. Điều 33 của Hiến chương Liên Hiệp quốc cũng liệt kê ra các biện pháp cụ thể mà các quốc gia nên áp dụng để giải quyết tranh chấp. Mục đích của giải quyết tranh chấp luôn luôn hướng tới hòa bình, công lý và sự công bằng.

RFA : Xin ông cho biết tình trạng tranh chấp và chồng lấn EEZ và thềm lục địa của Việt Nam với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông như thế nào ?

Hoàng Việt : Bản thân Việt Nam là một quốc gia ven Biển Đông nên cũng có nhiều khu vực chồng lấn với các nước khác. Việt Nam có chồng lấn với nhiều quốc gia hàng xóm, như với Campuchia trên Vịnh Thái Lan, với Malaysia, Philippines, Indonesia và cả Trung Quốc.

Với Indonesia, Việt Nam và Indonesia có một khu vực chồng lấn rất lớn. Hai bên đã thỏa thuận được từ năm 2003 một Hiệp định phân định thềm lục địa, nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế. Và cuối năm 2022, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã tuyên bố là kết thúc được các vòng đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vùng chồng lấn giữa hai bên.

Mới đây, Malaysia và Indonesia cũng vừa tuyên bố là họ đã kết thúc được các vòng đàm phán phân định vùng biển chồng lấn, để giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia này. Đó là những bước tiến rất quan trọng.

Trên khu vực biển Đông không chỉ có các quốc gia tranh chấp về chủ quyền mà còn còn tranh chấp đối với các vùng chồng lấn. Do đó, tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp. Nó hàm chứa rất nhiều kiểu tranh chấp khác nhau. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng nếu các nước Đông Nam Á có thể đàm phán, thỏa thuận, giải quyết được các tranh chấp với nhau, sau đó đoàn kết lại, thì họ sẽ mạnh hơn rất nhiều. 

RFA : Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc đàm phán hòa bình với các nước ASEAN là gì ? Vấn đề lớn nhất của ASEAN khi đối diện với chiến lược trên Biển Đông của Trung Quốc là gì ?

Hoàng Việt : Chúng ta biết rằng ASEAN hiện nay có 11 quốc gia. Trong một hội nghị chung giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2011, ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì đã nói thẳng rằng Trung Quốc là nước lớn, lớn hơn tất cả 10 quốc gia ASEAN cộng lại (lúc đó ASEAN có 10 quốc gia thôi). 

Hiện nay ASEAN và Trung Quốc vẫn đang đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử như vậy được đưa ra từ những năm 1990s nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành để thực thi. 

Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông này gần như bị bỏ phế suốt từ năm 2002 cho đến 2013, sau khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về các quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC). Tuyên bố này chỉ là một tuyên bố chính trị chứ không có tính pháp lý.

Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc vẫn đang đàm phán để thông qua được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng như trên đã nói, từ 2002 đến 2012, Trung Quốc gần như bất động. Chỉ đến năm 2013, khi Philippines bắt đầu cho việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực thì Trung Quốc mới thúc đẩy việc đàm phán lại về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Nhiều học giả đã chỉ ra một trong những vấn đề của ASEAN là sự chia rẽ trong nội bộ khối này. Khối ASEAN hiện có 11 quốc gia nhưng lợi ích liên quan đến Biển Đông không nhiều. Trong khối ASEAN có quốc gia thậm chí không có biển như Lào. Còn Campuchia không có lợi ích chủ yếu nào ở Biển Đông, chỉ có lợi ích ở khu vực Vịnh Thái Lan. Gần đây nước này có xu hướng thân Trung Quốc. Campuchia đã 2 lần đứng về phía Trung Quốc. Lần đầu tiên năm 2012, nước này sử dụng vị thế là chủ tịch ASEAN, ngăn cản hội nghị Bộ trưởng ngoại giao của ASEAN ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc. Lần đó Philippines yêu cầu đưa nội dung lên án Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012. Năm 2016, Philippines cũng muốn đưa nội dung phán quyết của Tòa PCA vào tuyên bố chung của ASEAN nhưng Campuchia với vai trò là thành viên đã ngăn cản nội dung này. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận tuyệt đối nên rất khó để họ ra một tuyên bố chung thỏa mãn yêu cầu của tất cả các thành viên. Như đã nói, nhiều nước có lợi ích kinh tế với Trung Quốc trong khi không có lợi ích ở Biển Đông đã ngăn cản các quyết định đó.

Trong khối này, chỉ có 3 quốc gia có lợi ích thực sự gắn liền với Biển Đông là Việt Nam, Malaysia và Philippines. Brunei cũng có nhưng ít thôi. Indonesia không liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng có liên quan đến đường chữ U chín đoạn của Trung Quốc. Nước này cũng là nước thường xuyên lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Chúng ta biết rằng đầu năm nay Indonesia đã cho khai thác Mỏ Cá Ngừ, nằm trong khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia mới phân định.

Chúng ta thấy là Trung Quốc lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại, trong khi ASEAN đã nhỏ nhưng lợi ích mỗi nước mỗi khác và chia rẽ nhau, thì rõ ràng họ bất lợi trong đàm phán với Trung Quốc. Vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng ASEAN nên giải quyết các bất đồng nội bộ, sau đó thống nhất lại với nhau rồi cùng nói chuyện với Trung Quốc thì sự đàm phán sẽ dễ dàng hơn.

RFA : Vậy theo ông, ASEAN có khả năng đoàn kết hay không ?

Hoàng Việt : Đây là vấn đề đã được các học giả bàn luận nhiều lần. Chúng ta hãy xem xét sự kiện hôm 5 tháng 8, 2023, Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp vận của Philippines, và phía Philippines đã quay clip và công bố trên truyền thông cũng như các mạng xã hội. Chúng ta còn nhớ là năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi đó, Trung Quốc đã thực hiện những chiến thuật như bắn vòi rồng, đâm tàu. Và bây giờ Trung Quốc thực hiện điều này với Philippines. Vậy các quốc gia khối ASEAN có thể làm gì ? 

Chúng ta thấy rằng các nước Đông Nam Á này lại chia làm hai nhóm. Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia là bốn quốc gia lớn trong ASEAN liên quan trực tiếp đến Biển Đông. Singapore là một quốc đảo, sự tồn vong của nước này gắn liền với các tuyến đường thông thương huyết mạch trên biển, trong đó có Biển Đông. Vì vậy, Singapore cũng là nước đặc biệt đề cao sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển Quốc tế. Còn Thái Lan thì liên quan đến Biển Đông rất ít. Gần đây, Thái Lan có nhiều chuyển động thân thiết với Trung Quốc hơn. Còn Miến Điện thì sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của Aung San Suu Kyi thì giới quân phiệt Miến Điện nắm quyền kiểm soát đất nước. Miến Điện hiện nay có vẻ đang gần như rơi vào một cuộc nội chiến. Nhóm quân phiệt này có vẻ cũng quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Ở Đông Dương thì Lào và Campuchia trước đây có quan hệ thân thiết với Việt Nam nhưng hiện nay đã ngả sang Trung Quốc. Đặc biệt, gần đây dư luận quốc tế cũng bàn luận nhiều về việc Campuchia đã cho Trung Quốc phát triển quân cảng Ream trên bờ vịnh Thái Lan.

Ở đây, rất khó để làm cho ASEAN đoàn kết. Do lợi ích quốc gia khác nhau, nên chính sách cũng khác nhau. 

Do vậy, có ý kiến cho rằng 4 quốc gia có lợi ích liên quan trực tiếp với Biển Đông là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines nên có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Năm 2022, Indonesia đã đề xuất là 4 quốc gia này nên có cuộc gặp của các cơ quan cảnh sát biển để bàn việc hợp tác. Nhưng sáng kiến này dường như vẫn chưa đi đến đâu. Ai cũng thấy ASEAN cần đoàn kết và hợp tác để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc nhưng đó điều không dễ thực hiện.

RFA : RFA xin chân thành cảm ơn Nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 10/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Việt
Read 230 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)