Tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, thăm Việt Nam, nhưng không dự thượng đỉnh ASEAN
Thu Hằng, RFI, 10/08/2023
Sau khi thông báo "sớm" thăm Việt Nam, theo dự kiến tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ấn Độ họp thượng đỉnh G20 vào ngày 09 và 10/09/2023. Tuy nhiên, nguyên thủ Mỹ có thể sẽ không tham dự thượng đỉnh ASEAN, dù nước chủ nhà Indonesia đã chủ ý tổ chức sớm cuộc họp từ ngày 04 đến 07/09. Việc này làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ để khống chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng.
(Ảnh minh họa) - Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại bang Maine, ngày 28/07/2023. © AFP / Brendan Smialowski
Một nguồn tin trích dẫn đại sứ một nước thành viên ASEAN ở Washington, hôm 09/08 cho Reuters biết là Indonesia đã được thông báo ngay từ thứ Hai 07/08 là ông Biden không đến dự ASEAN. Nhiều dân biểu Mỹ cũng khẳng định "có rất ít khả năng" nguyên thủ Mỹ có mặt ở Jakarta.
Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng từ chối xác nhận thông tin mà chỉ cho biết : "Chúng tôi vẫn đang xem xét… chúng tôi sẽ sớm thông báo". Còn theo người phát ngôn của Nhà Trắng, lịch trình đi Châu Á của tổng thống Mỹ vẫn chưa phải là chính thức chừng nào chưa được thông báo và vẫn có thể có thay đổi.
Theo Reuters, rất nhiều nhà ngoại giao của ASEAN cho rằng "sẽ thất vọng vô cùng nếu ông Biden không tới Jakarta" trong khi chính quyền của ông lại đặt trọng tâm vào mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đặc biệt là Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, đã cố tình tổ chức thượng đỉnh vào tháng 09, thay vì vào tháng 11 hàng năm, để sau khi tham dự thượng đỉnh ASEAN, nguyên thủ Mỹ sẽ đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20. Hơn nữa, ông Joe Biden cho biết là vào dịp này sẽ thăm Việt Nam, nằm ngay trong khu vực.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể sẽ thay ông Biden đến Jakarta. Đây không phải là lần đầu tiên nguyên thủ Mỹ khiến các nước ASEAN thất vọng. Tháng 11/2022, ông đã không dự thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh khi Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên.
Thu Hằng
************************
Trung Quốc "ve vãn" một ASEAN "thất vọng" vì bị tổng thống Mỹ "ngó lơ" ?
Thu Hằng, RFI, 10/08/2023
Đông Nam Á là điểm xuất ngoại đầu tiên của ông Vương Nghị, trong tư cách là tân ngoại trưởng Trung Quốc từ ngày 10 đến 13/08/2023 để khẳng định tầm quan trọng của các đối tác ASEAN. Thế nhưng, ASEAN rất có thể lại không được tổng thống Mỹ chọn họp thượng đỉnh vào tháng 09, trong khi khu vực vẫn được coi là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc.
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc ở Jakarta (Indonesia), ngày 13/07/2023 via Reuters - Pool
Khẳng định vai trò quan trọng của Đông Nam Á
Việc chọn Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị không khiến giới chuyên gia ngạc nhiên. Khu vực này luôn được đặt làm "trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chủ tịch Tập Cận Bình", theo nhận định với trang South China Morning Post của phó giáo sư Dylan Loh, chuyên về quan hệ Trung Quốc-ASEAN, Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.
Còn ba nước Singapore, Malaysia và Cam Bốt được chọn cũng nhằm mục đích bảo đảm thành công cho chuyến công du của ông Vương Nghị. Những nước này "không có tầm ảnh hưởng để yêu cầu Trung Quốc kiềm chế", nhưng phó giáo sư Dylan Loh cho rằng "chắc chắn sẽ có các cuộc trao đổi quan điểm cởi mở". Singapore luôn tìm cách giữ cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, còn Cam Bốt là một đồng minh của Bắc Kinh.
Với ba nước mà Bắc Kinh có quan hệ không quá căng thẳng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh đến mục đích "tăng cường truyền thông chiến lược" và "thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì hòa bình và ổn định."... Khẳng định như vậy nhưng chính Trung Quốc đang khiến tình hình an ninh ở Biển Đông thêm căng thẳng trong những ngày gần đây, sau khi lực lượng hải cảnh nước này chặn đầu quấy rối một tầu tiếp tế của Philippines cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, hôm 05/08.
Xoa dịu các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Để hạn chế và tránh những sự cố như vậy, Trung Quốc và ASEAN thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng vẫn bế tắc từ nhiều năm nay. Cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra từ 22-24/08 ở Manila, Philippines. Một bộ COC "hiệu quả và thực chất" như ASEAN kỳ vọng, sẽ rất khó thực hiện nếu Bắc Kinh tiếp tục áp đặt cách nhìn và những đòi hỏi chủ quyền, gạt mọi can thiệp của nước ngoài vào khu vực. Ý đồ của Bắc Kinh được giáo sư Chu Phong (Zhu Feng), chuyên về quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh, gián tiếp nhắc lại khi cho rằng "lợi ích chung của ASEAN là sự đối đầu an ninh và quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông cần được ngăn để tránh bị trầm trọng thêm".
Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh rằng an ninh, ổn định trong vùng là điều quan trọng cho phát triển kinh tế, bởi vì theo giải thích của giáo sư Trung Quốc, "tình hình Biển Đông tác động đến an ninh trong vùng và sự phát triển kinh tế của toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương". Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á cũng cần đến Mỹ để làm đối trọng với sức mạnh Trung Hoa.
Khai thác "thất vọng" của ASEAN vì Tổng thống Biden không dự thượng đỉnh ?
Việc tổng tống Mỹ có thể không tham dự thượng đỉnh ASEAN, dù Indonesia đã cố tình tổ chức sớm để phù hợp với lịch trình dự G20 và thăm Việt Nam của ông Joe Biden, có thể là cơ hội để Trung Quốc khai thác "nỗi thất vọng lớn" của các nước Đông Nam Á. "ASEAN và vai trò trung tâm" được Washington đặt làm trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, với mục đích chính là kiềm chế Trung Quốc, nhưng hai đời tổng thống Mỹ gần đây đều không tham gia họp thượng đỉnh với 10 nước.
Trong khi quyết định của Nhà Trắng có thể gây hàng loạt nghi vấn về cam kết của Mỹ ở trong vùng hoặc tầm quan trọng của ASEAN, thì Trung Quốc khẳng định muốn "nâng quan hệ lên một tầm cao mới" với ba nước đối tác. Chuyến công du của ông Vương Nghị cũng nhằm chuẩn bị cho Diễn đàn Vành đai và Con đường, dự kiến được tổ chức vào cuối năm. Sau bốn năm gián đoạn, Bắc Kinh trở lại và tái khẳng định cạnh tranh với những dự án đầu tư trong khuôn khổ các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của phương Tây, và nhất là thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Thu Hằng
Hôm 5/8/2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp vận của Philippines. Đến nay, chưa có nước nào trong ASEAN lên tiếng và bản thân tổ chức này cũng chưa lên tiếng.
RFA trao đổi với Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh về khả năng đoàn kết của ASEAN trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 8/8/2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5403 bật tín hiệu AIS và tuần tra 2 ngày trong EEZ của Việt Nam ngoài khơi bờ biển phía đông nam - Raymond Powell
RFA : Như ông đã biết, trong khối ASEAN, có nhiều nước có cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần với Trường Sa. Mặt khác, có nhiều nước trong khối có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn với nhau. Tháng 12 năm 2022, Việt Nam và Indonesia thông báo đã đạt được thỏa thuận về phân định EEZ chồng lấn. Hồi tháng 6/2023, Hoa Kỳ cũng lên tiếng ủng hộ các thỏa luận dựa trên Luật pháp quốc tế để phân định EEZ và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước Đông Nam Á, đánh giá đây là một trong những bước tiến quan trọng để tăng cường đoàn kết trong nội bộ ASEAN. Xin ông cho một nhận xét về vấn đề này.
Hoàng Việt : Rõ ràng chúng ta thấy là trong thế giới hiện đại, luật pháp quốc tế rất quan trọng. Trong đó, đối với quan hệ quốc tế liên quan đến biển và đại dương, Luật quốc Quốc tế đóng vai trò rất lớn.
Mặc dù UNCLOS có tuổi đời và hiệu lực chưa lâu (nó bắt đầu được kí kết từ năm 1982 và có hiệu lực từ 1994), nhưng từ khi ra đời, nó đã dẫn đến những hình thức chồng lấn và tranh chấp mới. Lý do là nó đặt ra những khái niệm về các vùng biển như lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, ngoài ra còn cả vấn đề thềm lục địa. Nhiều quốc gia ven biển có sự chồng lấn trong các vùng biển nêu trên. Các khu vực chồng lấn này sẽ tạo ra tranh chấp.
Tranh chấp là một hiện tượng hết sức bình thường trong đời sống con người. Vấn đề chỉ là chúng ta giải quyết tranh chấp như thế nào. Hầu hết các quốc gia đều mong muốn giải quyết tranh chấp theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp quốc, đó là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật lệ. Điều 33 của Hiến chương Liên Hiệp quốc cũng liệt kê ra các biện pháp cụ thể mà các quốc gia nên áp dụng để giải quyết tranh chấp. Mục đích của giải quyết tranh chấp luôn luôn hướng tới hòa bình, công lý và sự công bằng.
RFA : Xin ông cho biết tình trạng tranh chấp và chồng lấn EEZ và thềm lục địa của Việt Nam với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông như thế nào ?
Hoàng Việt : Bản thân Việt Nam là một quốc gia ven Biển Đông nên cũng có nhiều khu vực chồng lấn với các nước khác. Việt Nam có chồng lấn với nhiều quốc gia hàng xóm, như với Campuchia trên Vịnh Thái Lan, với Malaysia, Philippines, Indonesia và cả Trung Quốc.
Với Indonesia, Việt Nam và Indonesia có một khu vực chồng lấn rất lớn. Hai bên đã thỏa thuận được từ năm 2003 một Hiệp định phân định thềm lục địa, nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế. Và cuối năm 2022, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã tuyên bố là kết thúc được các vòng đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vùng chồng lấn giữa hai bên.
Mới đây, Malaysia và Indonesia cũng vừa tuyên bố là họ đã kết thúc được các vòng đàm phán phân định vùng biển chồng lấn, để giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia này. Đó là những bước tiến rất quan trọng.
Trên khu vực biển Đông không chỉ có các quốc gia tranh chấp về chủ quyền mà còn còn tranh chấp đối với các vùng chồng lấn. Do đó, tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp. Nó hàm chứa rất nhiều kiểu tranh chấp khác nhau. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng nếu các nước Đông Nam Á có thể đàm phán, thỏa thuận, giải quyết được các tranh chấp với nhau, sau đó đoàn kết lại, thì họ sẽ mạnh hơn rất nhiều.
RFA : Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc đàm phán hòa bình với các nước ASEAN là gì ? Vấn đề lớn nhất của ASEAN khi đối diện với chiến lược trên Biển Đông của Trung Quốc là gì ?
Hoàng Việt : Chúng ta biết rằng ASEAN hiện nay có 11 quốc gia. Trong một hội nghị chung giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2011, ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì đã nói thẳng rằng Trung Quốc là nước lớn, lớn hơn tất cả 10 quốc gia ASEAN cộng lại (lúc đó ASEAN có 10 quốc gia thôi).
Hiện nay ASEAN và Trung Quốc vẫn đang đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử như vậy được đưa ra từ những năm 1990s nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành để thực thi.
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông này gần như bị bỏ phế suốt từ năm 2002 cho đến 2013, sau khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về các quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC). Tuyên bố này chỉ là một tuyên bố chính trị chứ không có tính pháp lý.
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc vẫn đang đàm phán để thông qua được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng như trên đã nói, từ 2002 đến 2012, Trung Quốc gần như bất động. Chỉ đến năm 2013, khi Philippines bắt đầu cho việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực thì Trung Quốc mới thúc đẩy việc đàm phán lại về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Nhiều học giả đã chỉ ra một trong những vấn đề của ASEAN là sự chia rẽ trong nội bộ khối này. Khối ASEAN hiện có 11 quốc gia nhưng lợi ích liên quan đến Biển Đông không nhiều. Trong khối ASEAN có quốc gia thậm chí không có biển như Lào. Còn Campuchia không có lợi ích chủ yếu nào ở Biển Đông, chỉ có lợi ích ở khu vực Vịnh Thái Lan. Gần đây nước này có xu hướng thân Trung Quốc. Campuchia đã 2 lần đứng về phía Trung Quốc. Lần đầu tiên năm 2012, nước này sử dụng vị thế là chủ tịch ASEAN, ngăn cản hội nghị Bộ trưởng ngoại giao của ASEAN ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc. Lần đó Philippines yêu cầu đưa nội dung lên án Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012. Năm 2016, Philippines cũng muốn đưa nội dung phán quyết của Tòa PCA vào tuyên bố chung của ASEAN nhưng Campuchia với vai trò là thành viên đã ngăn cản nội dung này. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận tuyệt đối nên rất khó để họ ra một tuyên bố chung thỏa mãn yêu cầu của tất cả các thành viên. Như đã nói, nhiều nước có lợi ích kinh tế với Trung Quốc trong khi không có lợi ích ở Biển Đông đã ngăn cản các quyết định đó.
Trong khối này, chỉ có 3 quốc gia có lợi ích thực sự gắn liền với Biển Đông là Việt Nam, Malaysia và Philippines. Brunei cũng có nhưng ít thôi. Indonesia không liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng có liên quan đến đường chữ U chín đoạn của Trung Quốc. Nước này cũng là nước thường xuyên lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Chúng ta biết rằng đầu năm nay Indonesia đã cho khai thác Mỏ Cá Ngừ, nằm trong khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia mới phân định.
Chúng ta thấy là Trung Quốc lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại, trong khi ASEAN đã nhỏ nhưng lợi ích mỗi nước mỗi khác và chia rẽ nhau, thì rõ ràng họ bất lợi trong đàm phán với Trung Quốc. Vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng ASEAN nên giải quyết các bất đồng nội bộ, sau đó thống nhất lại với nhau rồi cùng nói chuyện với Trung Quốc thì sự đàm phán sẽ dễ dàng hơn.
RFA : Vậy theo ông, ASEAN có khả năng đoàn kết hay không ?
Hoàng Việt : Đây là vấn đề đã được các học giả bàn luận nhiều lần. Chúng ta hãy xem xét sự kiện hôm 5 tháng 8, 2023, Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp vận của Philippines, và phía Philippines đã quay clip và công bố trên truyền thông cũng như các mạng xã hội. Chúng ta còn nhớ là năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi đó, Trung Quốc đã thực hiện những chiến thuật như bắn vòi rồng, đâm tàu. Và bây giờ Trung Quốc thực hiện điều này với Philippines. Vậy các quốc gia khối ASEAN có thể làm gì ?
Chúng ta thấy rằng các nước Đông Nam Á này lại chia làm hai nhóm. Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia là bốn quốc gia lớn trong ASEAN liên quan trực tiếp đến Biển Đông. Singapore là một quốc đảo, sự tồn vong của nước này gắn liền với các tuyến đường thông thương huyết mạch trên biển, trong đó có Biển Đông. Vì vậy, Singapore cũng là nước đặc biệt đề cao sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển Quốc tế. Còn Thái Lan thì liên quan đến Biển Đông rất ít. Gần đây, Thái Lan có nhiều chuyển động thân thiết với Trung Quốc hơn. Còn Miến Điện thì sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của Aung San Suu Kyi thì giới quân phiệt Miến Điện nắm quyền kiểm soát đất nước. Miến Điện hiện nay có vẻ đang gần như rơi vào một cuộc nội chiến. Nhóm quân phiệt này có vẻ cũng quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Ở Đông Dương thì Lào và Campuchia trước đây có quan hệ thân thiết với Việt Nam nhưng hiện nay đã ngả sang Trung Quốc. Đặc biệt, gần đây dư luận quốc tế cũng bàn luận nhiều về việc Campuchia đã cho Trung Quốc phát triển quân cảng Ream trên bờ vịnh Thái Lan.
Ở đây, rất khó để làm cho ASEAN đoàn kết. Do lợi ích quốc gia khác nhau, nên chính sách cũng khác nhau.
Do vậy, có ý kiến cho rằng 4 quốc gia có lợi ích liên quan trực tiếp với Biển Đông là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines nên có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Năm 2022, Indonesia đã đề xuất là 4 quốc gia này nên có cuộc gặp của các cơ quan cảnh sát biển để bàn việc hợp tác. Nhưng sáng kiến này dường như vẫn chưa đi đến đâu. Ai cũng thấy ASEAN cần đoàn kết và hợp tác để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc nhưng đó điều không dễ thực hiện.
RFA : RFA xin chân thành cảm ơn Nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
"Tôi có nói với các nhà lãnh đạo Mỹ [rằng] ASEAN với lại nước Mỹ như là một cô gái đẹp với một chàng trai khoẻ mạnh cần nhau".
Ông Phạm Minh Chính phát biểu tại Harvard Ash Center.
Trong lúc đi tìm phản ứng của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam trước củ cà-rốt kinh tế mới của Hoa Kỳ, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mới được công bố, tình cờ tôi xem được video toàn bộ cuộc nói chuyện của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Đại học Havard.
Ông Chính phát biểu tại Trung tâm Ash về Quản trị dân chủ và Đổi mới của Đại học Havard, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 11-17/5.
Khả năng nói thay vì đọc diễn văn của ông thủ tướng, nhất là trong phần đầu bài nói chuyện, tương đối khá. Đây cũng là phần ông ví von về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối các nước đông nam Á ASEAN như đôi trai gái :
"Tôi có nói với các nhà lãnh đạo Mỹ [rằng] ASEAN với lại nước Mỹ như là một cô gái đẹp với một chàng trai khoẻ mạnh cần nhau.
"Tức là ASEAN rất năng động sáng tạo còn nước Mỹ thì hết sức là khoẻ mạnh, hết sức hùng mạnh về mặt kinh tế ; thế nên là một chàng trai khoẻ mạnh thì rất cần một cô gái đẹp và dịu dàng để chăm sóc và kết duyên với nhau".
Hoa Kỳ hùng mạnh về kinh tế là điều không phải bàn cãi nhưng liệu ASEAN có phải là "cô gái đẹp và dịu dàng" không thì còn phải tranh cãi nhiều.
Với việc Myanmar không có mặt tại thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN tại thủ đô Washington trong tháng Năm vì cuộc đảo chính của phe quân đội, dân chủ ở Thái Lan và Campuchia còn nhiều vấn đề trong khi Việt Nam vẫn có những chính sách vô cùng hà khắc với những ai dám công khai chỉ trích chính quyền, cô gái ASEAN khó có thể coi là dịu dàng.
Ngoài ra xem ảnh chụp lãnh đạo các nước ASEAN với Tổng thống Hoa Kỳ, người ta thấy toàn đàn ông cả, chẳng có nhà lãnh đạo nữ nào trong đó. Còn bản thân Việt Nam, tôi đã từng viết blog‘Đại hội 13 : Mười bảy ông sao có mỗi một bà’.
Trên thực tế lãnh đạo nữ có tiếng của Myanmar,bà Aung San Suu Kyi, đã bị phe quân đội lật đổ hồi tháng 2/2021. Bảy năm trước đó nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan cũng bị phe quân đội đảo chính.
Nhưng dù ASEAN chẳng phải gái đẹp dịu dàng, Hoa Kỳ vẫn cần tới khối này để duy trì vị trí hàng đầu của mình trên thế giới trong tương quan với Trung Quốc. ASEAN hiện là đối tác thương mại đứng thứ 10 của Hoa Kỳ và Washington muốn cải thiện quan hệ thương mại thêm nữa với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gọi tắt là IPEF.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng IPEF không béo bở gì với ASEAN vì nó không bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng của ASEAN vào Hoa Kỳ. Các nước ASEAN sẽ luôn cân nhắc lợi ích mà họ có được trong cuộc chơi với Washington và sự chọc giận Bắc Kinh khi tham gia các khuôn khổ kinh tế mà Trung Quốc bị cho ra rìa. Bởi vậy Việt Nam được cho là chưa muốn đẩy quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên thêm nữa trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine và giữa lúc củ cà-rốt IPEF chưa đủ to.
Trở lại cuộc gặp của ông Phạm Minh Chính tại Trung tâm Ash ở Đại học Havard, dù hết sức nhã nhặn nhưng chuyên gia David Dapice từ Chương trình Việt Nam tại Trường Kennedy cũng thúc giục Việt Nam dành không gian cho dòng chảy thông tin và thảo luận ở Việt Nam. Ông cũng nói khu vực tư nhân của Việt Nam nên được tham gia vào cả lĩnh vực phân phối điện để giảm tình trạng tiêu thụ điện lãng phí vào hàng nhất thế giới hiện nay của Việt Nam.
Một điều nữa cũng được ông Dapice cảnh báo là khả năng Việt Nam sẽ xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhiều hơn so với nhập khẩu chừng 100 tỷ đô la trong năm nay. Trong quá khứ việc Việt Nam xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ đã từng gây ra căng thẳng trong quan hệ.
Ngay trước chuyến thăm của ông Chính tới Hoa Kỳ, Hà Nộiđã trả tự do cho nhà hoạt động Hồ Đức Hoà, người khi đó đang thụ án 13 năm tù. Nhưng danh sách những người đang bị giam cầm vì thể hiện chính kiến của họ vẫn còn dài. Trongphần phát biểu khá ấn tượng của mình cũng tại cuộc gặp tại Trung tâm Ash, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói Việt Nam có tiếp thu lời khuyên từ các chuyên gia Hoa Kỳ rằng "chính sách của chính phủ phải mang lại hạnh phúc cho người dân". Có lẽ Việt Nam đã bổ sung thêm "trừ những người bất đồng chính kiến".
Mở đầu chuyến công du Đông Nam Á tại Singapore, hôm 23/08/2021 phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hội đàm với thủ tướng Lý Hiển Long và tổng thống Halimah Yacob. Nhân dịp này, bà Harris tái khẳng định cam kết của Washington nỗ lực làm việc với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris họp báo chung với thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Singapore, ngày 23/08/2021. Reuters – Evelyn Hockstein
Theo hãng tin Anh Reuters, nữ phó tổng thống Mỹ tuyên bố : "Hôm nay, chúng tôi có mặt tại Singapore để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với đất nước này và với khu vực này, đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Phó tổng thống Harris cho biết trong các buổi họp với các lãnh đạo Singapore, bà đã khẳng định trở lại "cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác xung quanh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương để nâng cao trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông".
Theo Reuters, Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với việc Washington bác bỏ những "yêu sách chủ quyền phi pháp" của Bắc Kinh ở vùng biển này. Một trong những nhiệm vụ của bà Harris nhân chuyến công du Đông Nam Á lần này là thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Singapore và Việt Nam về tính vững bền của cam kết của Washington đối với vùng Đông Nam Á, không giống như trường hợp Afghanistan.
Trước các cam kết của Mỹ, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng nhận thức về quyết tâm và cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực sẽ được xác định bằng "những gì mà Hoa Kỳ sẽ làm trong tương lai, cách Mỹ xác định lại chỗ đứng của mình trong khu vực, cách Mỹ thu hút bạn bè, đối tác và đồng minh của mình".
Dù không phải là đồng minh có hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ như Hàn Quốc và Philippines, Singapore là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này cũng tìm cách cân bằng các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc bằng cách không đứng hẳn về phía nào.
Là quốc gia có hải cảng lớn nhất vùng Đông Nam Á, Singapore luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải trong khu vực, nơi mà Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán - một mối quan tâm mà các quan chức Mỹ muốn giải quyết thông qua chuyến thăm của bà Harris tới Singapore và Việt Nam.
Hồ sơ an ninh rất được chú ý nhân chuyến thăm Singapore của nữ phó tổng thống Mỹ. Theo một tài liệu vừa được Nhà Trắng chia sẻ, hôm nay hai bên đã đạt được một số thỏa thuận an ninh nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực thông qua "việc triển khai luân phiên các máy bay trinh sát P/8 và tàu cận chiến duyên hải của Mỹ tới Singapore". Hoa Kỳ và Singapore cũng nhất trí mở rộng hợp tác an ninh mạng trong các lĩnh vực tài chính, quân sự và tăng cường trao đổi thông tin về các mối đe dọa mạng. Trong chương trình, bà Harris cũng sẽ thăm Căn Cứ Hải Quân Changi của Singapore và tham quan chiến hạm USS Tulsa trú đóng tại đấy.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 23/08/2021