Tại sao các nước giàu gấp trăm lần Việt Nam họ cũng chỉ có đến 1 phó, không bao giờ có 2 phó, nhưng nghèo như ta lại "chơi sang". Chỉ giải quyết riêng khâu này đã giảm được đến vài trăm "yếu nhân" và theo đó là giảm các chi phí phục vụ đi kèm. 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, mà có bộ tới 8 Thứ trưởng, nếu tính bình quân giảm 5, thì tổng số giảm được 110 vị.
Hồ Gươm thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 2020. Ảnh : Giang Huy
Nếu muốn tinh giảm biên chế…
Người dân trong nước vẫn chưa hết bàng hoàng bởi các đại án đã và vẫn đang được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân đốc thúc đưa ra xử tiếp, thì nay lại rơi vào một "cơn choáng toàn quốc" khác. Ngày 31/7/2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Lập tức tiếng ca thán "dậy đất". Chưa biết hay dở ra sao, dư luận đặt ngay dấu hỏi : Phải chăng ai đó có chủ trương muốn bỏ danh xưng "Hồ Trả Lại Kiếm" (Hoàn Kiếm) để xóa đi giữa trái tim Thủ đô một chứng tích lừng lẫy của tiền nhân từ thời chống phong kiến phương Bắc ? Có ý kiến an ủi, đây mới chỉ là thí điểm chứ chưa làm đại trà, vì ông Thị trưởng còn "nhấn nhá" : Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.Vậy ra Chủ tịch Hà Nội vẫn cần sự "đồng thuận" của người dân ?Vẫn muốn "cho dân mở miệng ?". Việc sáp nhập sẽ được xem xétcho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn địa phương, trong đó quan trọng là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa ? (1).
Mục đích Nghị quyết 35 là tinh giảm biên chế bộ máy để nhẹ quỹ lương. Chủ trương này không ai nỡ phản bác nhưng vấn đề là giải pháp ?
Nhưng rồi mãi về sau người dân mới biết, đây là "chủ trương lớn của Bộ Chính trị" tiếp tục công việc đang dang dở. Vẫn theo ông Thanh, giai đoạn 2019 – 2021, thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. Ông còn nói, sẽ không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Hóa ra trước đó, truyền thông nhà nước đã công khai : Trong buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hôm 25/7, được biết giai đoạn 2023 – 2030, có 1 quận và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Tại cuộc họp này, Hà Nội được đề nghị cần thực hiện sớm theo quy định tại Nghị quyết trước đó của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy thì lấy đâu ra "sự đồng thuận" mà ông Thanh vỗ về ở trên. Hóa ra, ngày 12/7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 35 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 (2).
Và ngày 19/7/2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báoKết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói trên. Theo Nghị quyết 35, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Nghị quyết 35 có hiệu lực thi hành từ ngày 19/7/2023. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại nghị quyết này bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), xã, phường, thị trấn (cấp xã). Các sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được chia làm hai đợt, 2023 – 2025 và 2026 – 2030 (3).
Trước tình huống "nóng" nói trên, các tổ chức xã hội dân sự đã kịp thời lên tiếng. Phải thừa nhận, không gian dân sự tưởng đã không còn đất sống sau các "đợt thanh tảo" mấy năm qua. Vậy mà trước mỗi sự kiện liên quan đến quốc kế dân sinh hay là thái độ đối với "bạn vàng phương Bắc" trên Biển Đông, các tổ chức xã hội dân sự tuy teo tóp vẫn kịp thời gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với toàn xã hội. Và lần này cũng vậy.Một thư ngỏ tập thể yêu cầu bãi bỏ Nghị quyết 35 nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan chủ trương nhập, tách các đơn vị hành chính gây tranh cãi và bị cho là "gây đảo lộn xã hội và lãng phí công sức và tiền bạc của người dân", đồng thời có thể "để lại những hậu quả tiêu cực lâu dài" đã được một nhóm nhân sĩ, trí thức và quần chúng kí tên và công bố hôm 13/8/2023.
Một trong những lý do phản biện là : Khi triển khai sẽ dẫn đến xâm phạm và mất mát về đời sống tinh thần, xáo trộn về đời sống vật chất của nhân dân, gây ra rất nhiều khó khăn và hệ lụy, tiền bạc và công sức, rõ ràng là lợi bất cập hại… (4).
Hội thảo khoa học với chủ đề: "Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương"
Sao không sáp nhập các Ban, Bộ trùng lặp ?
Thủ tướng Phạm Minh Chínhkhi còn ở ghế Trưởng BanTổ chứcTrung ươngtừng có một phát biểu đáng chú ý : "Nếu chúng ta giảm chi thường xuyên khoảng 1%, cả nước sẽ tiết kiệm được 10.000 tỷ". Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chúng ta có thể giảm chi thường xuyên lớn hơn như thế, nếu bộ máy cồng kềnh được tinh giảm. Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, mỗi năm chỉ tính riêng mốc đến 2021, chúng ta cần giảm biên chế khoảng 35.000 – 40.000 người/năm. Phó tổng Kiểm toán Đoàn Xuân Tiên dịp này đã đưa ra những con số biết nói : Qua những kiểm tra chuyên môn, cơ quan này đã phát hiện thừa tới 57.175 người trong biên chế tại các cơ quan năm 2017. Thế nhưng, giữa 2017 vẫn có 20/22 Bộ, Ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ đề xuất tăng biên chế : 11 địa phương không chịu tinh giản mà còn sử dụng vượt 7.951 biên chế được giao. Việc một Sở ở tỉnh Hải Dương có 46 công chức mà tới 44 người là lãnh đạo cấp phó phòng trở lên, không còn là câu chuyện hiếm gặp trong một xã hội đã quá quen thuộc với nhiều thứ phi lý nhưng vẫn cứ tồn tại (5).
Những năm qua chi thường xuyên quá nặng, trên 70%. Nay phải tinh giảm biên chế bộ máy để nhẹ quỹ lương. Chủ trương đúng đắn ấy không ai dám phản bác nhưng vấn đề là giải pháp ? Muốn thế tại sao không áp dụng các biện pháp khác vừa đảm bảo Đảng lãnh đạo toàn diện, vừa làm gọn lại bộ máy và phát huy năng lực thật sự của từng cá nhân.Nếu theo cách này, những kẻ bất tài vô tướng đi lên bằng tham nhũng, bằng đầu gối dễ lộ mặt, Đảng sẽ có cơ trong sạch trở lại. Những Ban, Bộ nào đảng và chính quyền cùng nhiệm vụ thì nên nhập lại giao cho một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách.Ban Tuyên giáo, gồm tuyên truyền, văn học nghệ thuật, giáo dục… thì các tổ chức này nên nhập vào các bộ "tương thích" bên chính phủ. Nghĩa là : Tuyên truyền vào Bộ Thông tin truyền thông : Văn học nghệ thuật vào Bộ Văn hóa : Giáo dục và Đào tạo vào Bộ Đại học và Giáo dục. Hoặc : Ban Tổ chức chính phủ nên nhập vào Ban Tổ chức đảng, vì đằng nào thì nhân sự cũng do Đảng quyết định. Đảng quyết xong rồi mời Chính phủ lên hiệp thương và ban hành nếu thuộc hệ chính phủ. Tương tự, tại sao không nhập Ban kinh tế Trung gương v ào Bộ Kế hoạch & Đầu tư : Ban Nội chính vào Bộ Công an : Mặt trận Tổ quốc vào Ban Dân vận : Bộ Tài chính ôm luôn Ban Tài chính. Cũng có một số địa phương đã sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống khá tinh gọn, hoạt động hiệu lực (6).
Tất cả các vị khi ngồi vào ghế Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay các Bộ trưởng thì toàn là các ông Bộ Chính trị hay Trung ương cả, do đó Đảng vẫn giữ thế thượng phong. Cho nên trong chính phủ cũng chỉ nên tối đa là 1 Phó Thủ tướng, trong mỗi Bộ chỉ nên có 1 Thứ trưởng. Nhiều Phó thủ tướng tạo ra cấp Bộ trưởng "siêu trọng" cũng như nhiều Thứ trưởng thì tạo ra các siêu phòng ban. Tại sao các nước giàu gấp trăm lần Việt Nam họ cũng chỉ có đến 1 phó, không bao giờ có 2 phó, nhưng nghèo như ta lại "chơi sang". Chỉ giải quyết riêng khâu này đã giảm được đến vài trăm "yếu nhân" và theo đó là giảm các chi phí phục vụ đi kèm. 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, mà có bộ tới 8 Thứ trưởng, nếu tính bình quân giảm 5, thì tổng số giảm được 110 vị. Giảm bớt nhiệm vụ cho một người để nâng cao hiệu suất công việc cho người đó cũng là một cách tinh giảm biên chế. Vì nếu bố trí 1 công việc cho một người chuyên sâu có kết quả hơn là 5, 6 ông chụm vào làm. Việc song trùng quyền lực này đã được bàn trong Đảng nhiều nhưng không thấy đi đến kết luận (7).
Một ông Ủy viên Trung ương Đảng (đồng hương) nhiều đời giữ chức Bí thư tỉnh, Chủ tịch HĐND từng than thở : "Ở tỉnh việc ngập đầu làm không xong, bắt đi họp, ra Hà Nội nhận một đống tài liệu, thì giờ đâu mà nghiên cứu, thế mà cứ phải giơ tay biểu quyết những chuyện mà mình chưa hiểu gì, hết sức mắc cỡ ! (Vị này còn kể, 1 năm ông mất những mấy tháng đi họp, suốt cả 3 nhiệm kỳ Trung ương liên tiếp, bí thư ở 2 tỉnh và 1 lần làm Phó ban Trung ương). Gần như đi họp chủ yếu là để biểu quyết, một hình thức hợp thức hóa một chủ trương nào đó của Trung ương mà đại biểu nhiều khi không biết đúng sai, cũng tương tự như khi đi họp Quốc hội".
Nghị quyết số 35 ký ngày 12/7/2023 và có hiệu lực thi hành 19/7/2023. Nghĩa là cử tri trong cả nước lẫn các đại biểu Quốc hội sẽ không kịp được hỏi ý kiến. Khi Nghị quyết Thường vụ Quốc hội chỉ trong thời gian 7 ngày đã có hiệu lực thì chỉ có Thường vụ Quốc hội và Bộ Chính trị quyết định mà thôi. Người viết bài này có dịp trao đổi với ông Tư Thân, cựu tù chuồng cọp Côn Đảo suốt 7 năm trời, được ông chia sẻ :"Nếu chịu khó thay đổi cách nghĩ, cách làm, cho dân mở miệng ra, thảo luận dân chủ thì sẽ có nhiều cách tinh giảm biên chế, giảm quỹ lương, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc Quốc hội phải chuẩn bị dự thảo luật mà không giao cho chính phủ sẽ tạo tiền đề để có thể xây dựng luật trung thực. Việc một người ôm nhiều chức hoặc một chức do nhiều người ôm, đều không bao giờ mang lại tính hiệu quả. Việc này chỉ có thể làm được, khi chúng ta từ bỏ lối suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu và đường mòn. Chỉ có đàn cừu mới đi theo đường mòn, đàn người muốn đi nhanh, đi đúng phải mở lối chưa có ai đi".
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 19/08/2023
(2) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=78074
(5) https://cafef.vn/thue-vat-long-vit-lang-phi-quyen-luc-va-lang-phi-cho-ngoi-20180416135219854.chn