Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/08/2023

Vì sao "Nhật ký trong tù" viết bằng Hán ngữ ?

Phú Nhuận

Hội thảo khoa học "80 năm Nhật ký trong tù – Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng" đã tránh trao đổi vì sao một tù nhân Việt Nam lại làm thơ bằng chữ Hán ?

vietchuhan01

"Bác muốn dùng chữ Hán để viết nhật ký, rèn trí nhớ, tư duy bởi mỗi chữ Hán là một bức tranh, ở đó người ta liên tưởng đến mây-nước-trăng-hoa-sông-suối cùng các mối quan hệ khác".

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo diễn ra chiều hôm 18/8, cho biết "tập nhật ký bằng thơ, gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành cách đây 80 năm, ghi lại quãng đời đầy gian lao, thử thách nhưng vô cùng cao đẹp của vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc trong 13 tháng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm".

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) là "tác phẩm có đời sống đặc biệt và giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh ; góp phần quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, nhân dân ta.

Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm Nhật ký trong tù là "Bảo vật quốc gia".

Cá nhân người viết bài này cho rằng cần trả lời bằng được vì sao tập thơ mang tên "Ngục trung nhật ký" không viết bằng chữ Quốc ngữ Việt Nam mà lại là Hán ngữ ?

Theo dõi tiểu sử của tác giả Ngục trung nhật ký, chúng ta có thể thấy rằng từ thời kỳ thanh thiếu nhi, cố nhiên tác giả đã được bồi dưỡng trong trường học chữ Hán của các nhà Nho cuối thế kỷ trước, nhưng một mặt nữa, cũng rất rõ là thời kỳ tác giả được bồi dưỡng trong Nho Học, trong văn chương cử tử (thơ, phú, văn, luận) chắc chắn chỉ độ 5, 7 năm là cùng.

Sau thời gian đó là thời kỳ đi học chữ Pháp, đi dạy tư, rồi từ giã quê hương đi tìm đường cách mạng cứu nước. Dấu chân của tác giả in lên khá nhiều đất nước xa lạ trên cả hai bán cầu Đông và Tây. Thời kỳ thanh niên của tác giả ở đất khách quê người không phải là những năm "du học", mà là những năm lao động vất vả.

Lao động để mà sống. Sống để làm cách mạng. Sống rất bận rộn, luôn luôn nguy hiểm. Thì giờ dành cho việc học tập văn thơ chữ Hán, chắc chắn rất ít. Tuy vậy, không có một trí thông minh đặc biệt thì với lứa tuổi ấy, người học sinh quyết không thể nắm vững được mọi qui cách văn học cổ điển, để sau này sử dụng ngòi bút mình một cách chủ động, mềm mại mà chắc chắn, như những gì ở Ngục trung nhật ký.

Theo tuyên truyền của báo chí cách mạng thì trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, ông Hồ Chí Minh đã ghi : "Biết các thứ tiếng : Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga". Và theo báo chí của Đảng thì, "những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới Việt Nam, chúng ta được biết Người còn sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ khác, như tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam…".

Về chuyện học ngoại ngữ thì "văn nói" và "văn viết" là hai nội dung khác biệt nhau : có thể ‘nói tiếng Pháp bồi’, nhưng khi viết báo thì không thể là ‘tiếng Tây bồi’. Để học bài bản một ngôn ngữ, dù là thiên tài thì cũng cần thời gian. Vậy thì một người vừa bôn ba hải ngoại cho mưu sinh, cho tìm kiếm con đường cứu nước, chắc hẳn quỹ thời gian của người đó không nhiều để mà trau giồi cả "nói" và "viết" đúng văn phạm một loạt ngôn ngữ Pháp – Anh – Trung Quốc – Ý – Đức – Nga.

vietchuhan0

Cách cầm bút như thế này chắc chắn Chủ tịch Hồ Chí Minh đang viết chữ Hán chứ không phải chữ Việt. Câu hỏi đặt ra là Hồ Chí Minh trong bức hình này là thật hay giả ?

Giải thích về vì sao "Ngục trung nhật ký" viết bằng tiếng Hán, một tham luận tại hội thảo chiều 18/8 nêu "có 5 lý do để Bác viết Nhật ký trong tù bằng chữ Hán.

Thứ nhất, Bác Hồ từ bé đã học tiếng Hán rất giỏi, năm 12 tuổi, Người từng có câu đối :

Chung sơn vượng khí thành kiên cố

Trắc Lĩnh đa vân thị lão niên

(Núi Chung khí vượng nên bền vững

Non Lĩnh nhiều mây ắt lâu đời).

Thứ hai, Bác có 10 năm hoạt động tại Trung Quốc và trong thời gian này luôn dùng chữ Hán. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc đã tổng hợp được 37 bài thơ chữ Hán, ngoài 133 bài trong tập Nhật ký trong tù, còn có Nguyên tiêu, Báo tiệp… rất nổi tiếng.

Thứ ba, hơn một năm bị giam hãm được hiểu như "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" (Một ngày trong nhà giam dài bằng nghìn năm ở bên ngoài). Đây cũng là thời gian đất nước trong vòng nô lệ, cần người tài giúp sức mà Bác ở tù, không thể làm gì… nên muốn gửi gắm tâm tư.

Thứ tư, giai đoạn này mọi liên hệ giữa Bác với quê nhà Việt Nam không có, cho nên đây có thể là một nguyên nhân phải bí mật, Bác cần giữ kín tung tích.

Thứ năm, Bác muốn dùng chữ Hán để viết nhật ký, rèn trí nhớ, tư duy bởi mỗi chữ Hán là một bức tranh, ở đó người ta liên tưởng đến mây-nước-trăng-hoa-sông-suối cùng các mối quan hệ khác".

Thời còn là sinh viên ở khoa văn của trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, "Ngục trung nhật ký" được thầy Lưu Khôn giảng dạy bằng Hán ngữ. Trong bài thơ Thụy Bất Trước (Không Ngủ Được) có câu : "Mộng hồn hoàn nhiễm ngũ tiêm tinh", phải dịch là "Sao năm cánh nhọn mộng hồn quanh", thay vì bản quen thuộc của sách giáo khoa là "Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh".

Điển tích ở đây là do câu thành ngữ Trung Quốc "ngũ tinh liên châu", hàm ý diễn tả chuyện lành báo trước, chuyện sum họp vui vẻ giữa vợ chồng. Dịch gượng cố nhét sao vàng vào đó để ca tụng là uy bị tù nhưng lúc nào cũng nghĩ đến non sông đất nước – nói theo cách dân dã, là ‘bợ đít’ nhân danh văn hóa.

Một trao đổi nghi vấn văn chương khác mà thế hệ chúng tôi từng được nghe thầy Lưu Khôn bình giảng : trong tập Ngục trung nhật ký có thi phẩm Thế lộ nan, với toàn bài thơ dược đọc bằng âm Hán – Việt như sau :

Tẩu biến cao sơn dữ tuấn nham,

Na tri bình lộ cánh nan kham.

Cao sơn lộ hổ chung vô dạng,

Bình lộ phùng nhân khước bị giam.

Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân,

Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân.

Vô nại phong ba bình địa khởi,

Tống dư nhập ngụ tác gia tân.

Trung thành ngã bản vô tâm cứu,

Khước bị hiềm nghi tố Hán gian.

Xử thế nguyên lai phi dị dị,

Nhi kim xử thế cánh nan nan.

Bốn câu kết cho rằng "hiếm nghi tố Hán gian" là điều khó hiểu, vì đúng ra phải là "Việt gian", vì tác giả bài thơ là người Việt.

Có thể vì Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang bị tù ở Trung Quốc nên rất có thể ông đã tạm quên Việt Nam đi trong tâm thức của mình chăng ?

Bài viết này chỉ là mạo muội của kẻ hậu bối viết trên tinh thần những nghi vấn văn chương chứ không có ý gì khác của chuyện ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’.

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 20/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phú Nhuận
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)