"Lương y phải như từ mẫu", ngày 27/2/2021, Nguyễn Thanh Long dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư Bộ trưởng "gửi cán bộ viên chức của ngành". 19 ngày trước đó, ông ta nhận 1 triệu USD từ Việt Á. Tôi nghĩ là ở thời điểm ấy, hàng vạn y, bác sĩ và nhân viên y tế không ai có thời gian đọc những "lời dạy" này, họ đang lăn xả vào tâm dịch, giành giật cho dân từng mạng sống.
Sáng 11/12/2021, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị, tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Thanh Long được giao kiêm nhiệm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến vừa bị miễn nhiệm. - Ảnh : TTXVN
Không chỉ các lương y thật sự, tôi tin là nhiều người Việt Nam sẽ không bao giờ hết bàng hoàng. Làm sao mà những kẻ mũ cao, áo dài, ăn nói như những "tấm gương" ấy, lại có thể chia chác trước ánh mắt tuyệt vọng của những người dân trên ranh giới của sự sống và cái chết.
Nhưng, xỉ vả những kẻ chia chác tiền bạc khi họ đã bị còng tay là rất dễ. Họ chưa chắc đã xấu hơn những kẻ háo danh, coi chống dịch như một cơ hội đánh bóng cho mình bộ cánh.
Đi cùng những tuyên bố vừa ngạo mạn vừa thiếu hiểu biết về Covid-19 sau khi thắng trong một vài "trận giả", là những chính sách vừa phản lại các nguyên tắc chống dịch [5K] vừa thiếu cơ sở pháp lý và đạo lý. Như chúng ta thấy, những quyết sách ấy đã vỡ trận ngay lập tức khi dịch thật tràn vào.
Vụ Việt Á đã không chỉ giật tung mặt nạ "mục tiêu kép". Không có chuyện tự lực sản xuất kittest, tự lực vaccine. Không những không có cái "cột điện" nào chạy sang tránh dịch ở Việt Nam mà nhiều người trong nước và người Việt tha hương còn trở thành nạn nhân của các chủ trương chống dịch.
Tối 28/9/2021, khi xem video clip ghi lại cảnh một phụ nữ ở chung cư Ehome 4, [Thuận An, Bình Dương] bị lực lượng chức năng phá khóa, giải đi lấy mẫu xét nghiệm, chúng ta chưa biết những người lãnh đạo Bộ Y tế có chia chác trong chủ trương "xét nghiệm đại trà". Nhưng chúng ta biết, cách tổ chức chống dịch ấy không chỉ vi phạm những quyền căn bản của người dân mà còn làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chủ trương "bao một tuyến đê 4.000 km" đã được triển khai một cách ấu trĩ. Thay vì tuân thủ hướng dẫn của WHO, tuân thủ "5K", chủ yếu là giữ khoảng cách thích hợp giữa người với người. Nhiều địa phương đã đào đường lập các phòng tuyến, thậm chí người ta còn xây một bức tường tôn ngăn cách ranh giới hai quận ở Thủ đô.
Các quyết sách thiếu hiểu biết này không chỉ tạo ra các khủng hoảng nhân đạo, khiến hàng vạn người dân phải tự gồng gánh đưa vợ con thoát khỏi các đô thị, có người phải đi bộ hàng ngàn km, mà còn làm phát sinh những đám đông [đễ lây dịch] ở các chốt kiểm soát, ở các văn phòng cung cấp các loại giấy phép ra đường.
Đặc biệt là chủ trương đưa những người bị coi là F1 chịu cách li cưỡng bức. Tập trung hàng ngàn, hàng chục ngàn con người vào những cơ sở tạm bợ, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, điều kiện tự chăm sóc này không chỉ tạo ra những ổ lây lan dịch mới mà còn để lại những chấn thương tinh thần cho những F1 may mắn không bị lây dịch bệnh.
Khi đặt hàng vạn F1 vào những khu cách li đầy rủi ro này, người ta đã nhân danh lợi ích cộng đồng. Để giảm nguy cơ lây dịch cho cộng đồng người ta sẵn sàng làm tăng nguy cơ thành F0 cho F1.
Ai xứng đáng được sống an toàn nhờ sự hi sinh của những người bị coi là F1 này.
Ngay cả những quốc gia giàu có cũng không ngăn được hàng triệu người chết vì Covid. Nhưng hãy nhìn vào tuổi của hơn một nghìn rưỡi trẻ mồ côi để thấy người tử vong ở Việt Nam bị trẻ hóa ra sao.
Những khu điều trị hoặc cách li tập trung ấy không những đã làm tăng nguy cơ bùng nổ dịch mà còn thu hút lực lượng nhân viên y tế một cách không cần thiết. Những khu tập trung ấy không chỉ tạo ra các khủng hoảng nhân đạo mà còn tạo ra các khủng hoảng về nguồn lực y tế. Các cơ sở y tế đã không thể hoạt động ở mức cần thiết để chăm sóc các loại bệnh thông thường.
Khi ca ngợi những chuyến bay "ngạo nghễ" người ta đã không tự hỏi, tại sao không có một quốc gia nào trên thế giới, giữa tâm dịch, ban hành những chính sách cản trở công dân tha hương của mình trở về.
Chỉ có chuyến bay VN-06 của Vietnam Airlines chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về Nội Bài hôm 29/7/2020 là có yếu tố giải cứu. Hàng trăm nghìn công dân Việt Nam khác đang học tập sinh sống ở nước ngoài đã bị rơi vào một thảm họa nhân đạo, không thể về nhà không chỉ bởi dịch bệnh mà còn bởi các chính sách chống dịch của chính nước mình.
Một cán bộ cấp cục thành viên của một định chế quốc tế, kẹt lại ở Châu Âu, gửi thư về cho bạn bè, trong đó có tôi, viết :
"Tôi [chỉ có thể về] khi xin được Công văn đồng ý của Chủ tịch UBND Thành phố cho cách ly ở Hà nội, Thông báo đồng ý của Bộ Ngoại giao sau khi họ đã xin ý kến của 5 bộ, giấy phép của Cục Hàng không cho phép chuyến bay của nước ngoài ghi rõ chở người có tên cụ thể, hướng dẫn cách li của sở y tế ở khách sạn cụ thể, biển số xe đón và tên người lãi xe đón từ sân bay cụ thể, giấy này cũng phải gửi cho hãng hàng không. Tất cả giấy tờ đó phải mất đến 3 tuần để có được. Nhưng, văn phòng của tôi vừa thông báo, rủi ro có thể xảy ra là chuyến bay chặng Hongkong – Hà Nội có thể bị hủy. Trong khi các giấy tờ nói trên chỉ xin cho một chuyến bay cụ thể".
Không ai có khả năng tự mình đáp ứng các loại giấy tờ như thế. Những quyết sách chống dịch ấy không chỉ ngăn cản hàng chục vạn người Việt thoát khỏi các tâm dịch về nhà, mà những ai có thể mua chỗ trên các "chuyến bay giải cứu", đã phải chi 2-3 nghìn USD, có người phải chi 5-7 nghìn USD để có thể bay từ Mỹ về Việt Nam, trong khi, cùng thời gian, người Campuchia [không được giải cứu] chỉ mất 650 USD cho một đường bay cùng loại.
Không phải ở thời điểm ấy mạng xã hội không lên tiếng. Thay vì càng những lúc hiểm nguy, càng cần những tư duy độc lập, càng cần những tiếng nói phản biện thì báo chí vẫn theo truyền thống, càng tích cực xưng tụng trong các dàn đồng ca.
Đành rằng, nếu Việt Nam vừa có khả năng tự bào chế vaccine, tự sản xuất kittest vừa có mô hình chống dịch "không nước nào làm" và thành công thì hào quang của những người chống dịch sẽ trở nên rực rỡ. Nhưng, một mô hình chống dịch đúng chỉ có thể dựa trên sự hiểu biết chứ không thể dựa trên sự ngạo mạn. Thực tế cho thấy, càng không học hỏi kinh nghiệm quốc tế được WHO đúc rút, càng cố gắng để trở nên "duy nhất", thảm họa cho dân càng trở nên khác thường nhất.
Từ tháng 9/2020, các hãng dược lớn đã thông báo cho các quốc gia là sắp có vaccine, nhưng, sau đó Việt Nam vẫn không có kế hoạch gì. Phải đến tháng 6/2021, khi một nước như Campuchia đã đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, Việt Nam mới thành lập Ban chỉ đạo tiêm vaccine toàn quốc.
Rất may là những tháng sau đó, Chính phủ đã sớm thay thế Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, tăng tốc cuộc đua phủ vaccine và linh hoạt điều chỉnh các chủ trương chống dịch.
Bảo vệ người dân trong nước và bảo hộ công dân ở nước ngoài là bổn phận của mọi chính phủ. Điều đơn giản nhất để tránh sai sót và ngăn chặn được tham nhũng là bất cứ quyết sách nào để thực hiện bổn phận ấy đều phải xem công dân được tạo điều kiện tốt hơn hay phải trả giá nhiều hơn. Không có chính sách nào đúng kể cả trong tình trạng khẩn cấp mà đẩy dân vào tình thế khó khăn hơn, bất chấp những quyền căn bản, bất chấp phẩm giá.
Những kẻ rắp tâm chia chác từ chính sách khi đất nước đang ở trong thảm họa và người dân đang trong hoạn nạn thì chỉ có thể ban hành những chính sách rất gần với tội ác. Nhưng, những kẻ háo danh, lấy việc thực hiện bổn phận để đánh bóng tên tuổi cũng không hơn gì bọn chia chác. Có những cuộc trình diễn chỉ sử dụng "cờ đèn kèn trống" ; có những cuộc trình diễn là xác người.
Huy Đức
Nguồn : fb.Osinhuyduc, 21/08/2023