Khiếm hụt mậu dịch giữa hai nước không phải là một thước đo để so sánh kinh tế nước nào mạnh hơn. Món võ thuế quan rất khó sử dụng vì đường dây cung cấp trong thương mại quốc tế ngày càng phức tạp, nối kết lòng vòng, lại chặt chẽ rất khó tháo gỡ.
Trung Quốc là nơi tinh lọc và biến chế chất gallium cần thiết trong việc chế hóa các chất bán dẫn cho hệ thống 5G, chiếm 94% thị trường thế giới.
Từ tháng 7/2018, chính phủ Mỹ bắt đầu đánh thuế quan (tariffs) trên các món hàng nhập cảng từ Trung Quốc trị giá tổng cộng 300 tỷ USD mỗi năm, nhắm giảm bớt số khiếm hụt mậu dịch. Chính sách đó được tiếp tục cho tới bây giờ, địa vị của Trung Quốc đã bớt quan trọng. Năm 2018, trong số hàng giá rẻ Mỹ nhập cảng từ các nước Châu Á, hai phần ba (66%) mua từ Trung Quốc ; năm 2022 chỉ còn bằng một nửa (51%), theo tạp chí Economist ngày 12/8. Trước đây Trung Quốc là nước giao thương nhiều nhất với Mỹ ; từ đầu năm 2023 đến nay, Canada và Mexico đã vượt qua.
Người tiêu thụ lúc nào cũng muốn mua hàng với giá rẻ. Nếu hàng mua từ Trung Quốc lên giá vì bị đánh thuế mới, các nhà nhập cảng Mỹ tìm mua chỗ nào bán rẻ hơn. Mỹ bớt mua hàng Trung Quốc, nhiều nước khác nhảy vào chinh phục thị trường. Công ty cố vấn Kearney cho biết : Năm 2018, Việt Nam chỉ chiếm được dưới 6% số hàng nhập cảng của nước Mỹ, năm 2022 đã lên gấp đôi, gần 12%. Đài Loan cũng tăng từ 5% lên gần 9%, Ấn Độ từ 6% lên 9%, Thái Lan từ hơn 3% lên hơn 5%.
Nhưng chính sách đánh thuế nhập cảng không đạt kết quả như mục đích ban đầu, là giảm bớt thâm thủng mậu dịch. Chúng ta có thể lấy năm 2018 làm mốc để so sánh. Theo tờ Economist, trong những năm từ 2013 đến 2016, cán cân mậu dịch Mỹ-Trung trung bình khiếm hụt mỗi tháng 40,7 tỷ đô la ; trong bốn năm sau vẫn cao hơn, lên tới 51,1 tỷ đô la. Trong khi đó, hàng Trung Quốc bán ra ngoài vẫn gia tăng ở những nơi khác. Trong tám tháng đầu năm 2022, số xuất cảng sang Mỹ giảm 3,6 phần trăm nhưng hàng bán qua Châu Âu tăng được 2,1%, bán qua các nước Đông Nam Á tăng 3,7%. Đó là ba thị trường lớn nhất, mua một nửa số lượng xuất cảng của Trung Quốc.
Khiếm hụt mậu dịch giữa hai nước không phải là một thước đo để so sánh kinh tế nước nào mạnh hơn. Món võ thuế quan rất khó sử dụng vì đường dây cung cấp trong thương mại quốc tế ngày càng phức tạp, nối kết lòng vòng, lại chặt chẽ rất khó tháo gỡ.
Chính phủ Mỹ đánh thuế quan trên hàng Trung Quốc cũng mong quan hệ giao thương giữa nước Trung Quốc và các nước thân thiện với mình giảm bớt. Nhưng hậu quả hoàn toàn trái ngược. Các công ty đưa cơ xưởng sản xuất từ Trung Quốc qua các nước khác, để hàng bán qua Mỹ khỏi bị đóng thuế nặng. Tự nhiên, các xí nghiệp Trung Quốc cũng thấy mở mang hoạt động ở các nước lân cận để xuất cảng qua Mỹ có lợi hơn, vì lương công nhân giờ rẻ hơn bên Trung Quốc. Nhưng khi các cơ xưởng mới ở Việt Nam hay Malaysia hoạt động, họ vẫn cần mua các bộ phận từ Trung Quốc. Công ty Apple đã mở nhà máy ráp điện thoại iPhone ở Việt Nam, được ưu đãi, trợ cấp, nhưng 9 trong số 25 cơ xưởng là từ bên Trung Quốc đưa qua, theo ghi nhận của báo chí.
Các nhà nhập cảng Mỹ đã mua hàng từ Mexico, Ấn Độ, đến các nước Đông Nam Á, để tránh thuế. Nhưng Mexico và các nước Đông Nam Á cũng là khách hàng của Trung Quốc. Họ cần mua các bộ phận từ Trung Quốc về để ráp thành sản phẩm cuối cùng vì giá cả rẻ nhất và nguồn cung ứng giàu kinh nghiệm, đáng tin cậy.
Trong số hàng do các nước trong khối ASEAN xuất cảng có 7% là đồ mua từ Trung Quốc về ráp lại, theo báo Economist. Các công ty xe hơi Mỹ sang Mexico lập nhà máy sản xuất vì lương công nhân thấp hơn. Mexico cũng mua bộ phận để ráp xe từ Trung Quốc, vì được giá rẻ nhất. Trong năm năm qua, số tiền mua các phụ tùng và bộ phận xe hơi Mexico mua từ Trung Quốc đã tăng gấp đôi, vẫn theo báo trên.
Trước miếng đòn thuế quan của Mỹ, các công ty Trung Quốc chuyển cơ xưởng qua các nước láng giềng : Việt Nam, Malaysia, Indonesia, vân vân ; để tiếp tục cung cấp cho thị trường Mỹ mà không bị đánh thuế quá nặng. Cán cân mậu dịch của Mỹ đối với các nước trên thâm thủng nhiều hơn. Các công ty bên Trung Quốc chỉ sử dụng các nước này làm nơi lắp ráp và đóng thùng các sản phẩm của họ, trước khi bán qua Mỹ và Châu Âu. Chính phủ Mỹ cũng biết và tìm cách đối phó.
Nhiều công ty Trung Quốc qua lập cơ xưởng ở Cambodia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Ngày thứ Sáu 18/8, Bộ Thương mại Mỹ công bố đánh thuế trên các "bàn hứng nắng" (solar panel) để làm điện mặt trời, đang nhập cảng từ các nước Đông Nam Á, theo tin Reuters. Các nước trên cung cấp 80% số bàn hứng nắng dùng trong nước Mỹ.
Trong thực tế, công việc trong cơ xưởng các nước này chỉ là lắp ráp các bộ phận từ Trung Quốc đưa qua. Muốn thoát loại thuế mới, các bàn hứng nắng và tế bào điện mặt trời không được dùng một số bộ phận quan trọng làm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sắc thuế mới chỉ đem thi hành từ giữa năm 2024, vì các nhà sản xuất trong nước Mỹ chưa thể cung cấp đủ nhu cầu trước thời hạn đó ! Điều này cho thấy các công ty Trung Quốc vẫn kiểm soát hầu hết các khâu trong đường dây cung cấp, không riêng về điện mặt trời mà trên nhiều thứ hàng hóa khác.
Ngoài ra, khi các công ty Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất đi chỗ khác, một hậu quả bất ngờ là nhiều nước bỗng nhiên giao thương với Trung Quốc hơn trước nhiều. Nhiều quốc gia dần dần được ràng buộc chặt chẽ hơn với kinh tế Trung Quốc dù vốn thân thiện với Mỹ.
Theo Economist, trước năm 2018, Trung Quốc chỉ xuất cảng 69 loại mặt hàng sang các nước ASEAN, năm nay đã tăng lên đến 97 thứ hàng hóa. Sản phẩm tăng lên đặc biệt là các hàng điện và điện tử, từ pin điện đến lò nướng, vân vân. Trong sáu tháng đầu năm nay, theo thống kê của báo chí, số loại hàng này bán cho Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines, lên tới $49 tỷ mỹ kim, tăng thêm 80% so với năm 2018. Vì các công ty Trung Quốc đổi địa chỉ cơ sở sản xuất, số đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước trên cũng tăng lên, cao hơn tiền đầu tư của các công ty Mỹ.
Ở Mexico, Hội các Nhà sản xuất Bộ phận Xe hơi (NANM) cho biết năm ngoái, số tiền nhập cảng bộ phận ráp xe mua của Trung Quốc lên tới 300 triệu đô la một tháng, gấp đôi con số trước năm 2018. Đến 40% số tiền đầu tư mới là do các nhà máy đưa từ Trung Quốc sang. Mexico quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong dây chuyền cung cấp.
Cảnh tượng này cũng diễn ra ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ La tinh khác. Tại các nước Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Slovenia, công nghiệp sản xuất xe đang phát triển mạnh. Trước năm 2018, các nước này chỉ mua 3% các bộ phận xe từ Trung Quốc. Đến nay, tỷ lệ này đã tăng gấp ba, lên 10%, cao nhất so với các nước khác ở ngoài Châu Âu. Đặc biệt trong loại xe chạy điện, Trung Quốc chế ngự thị trường, vì đã bắt đầu sớm nhất, chế pin điện chạy xe hơi nhiều nhất, mà giá lại rẻ hơn các nước khác.
Một lý do các nước vẫn còn tùy thuộc Trung Quốc là vì có những nguyên liệu chỉ có thể mua từ Trung Quốc, hoặc vì mua nơi khác quá đắt. Trung Quốc là nơi tinh lọc và biến chế chất gallium cần thiết trong việc chế hóa các chất bán dẫn, chiếm 94% thị trường thế giới. Từ lúc Bắc Kinh ra lệnh hạn chế việc bán gallium, từ đầu tháng 7 năm nay, giá đã tăng gấp đôi.
Trong thực tế, từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2020, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc tăng thêm 9,15%, theo báoSouth China Morning Post. Vẫn theo tính toán của tờ báo này, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc, là trị giá hàng xuất cảng nhiều hơn hàng nhập cảng từ Mỹ, đầu tháng Tám năm nay đã tăng thêm 27% so với 12 tháng trước.
Chính phủ Mỹ vẫn giữ nguyên chính sách đánh thuế hàng nhập cảng Trung Quốc vì được dư luận dân chúng ủng hộ, dù người tiêu thụ phải mua hàng đắt hơn, sau khi đóng thuế. Nhưng dùng đòn quan thuế không đủ làm kinh tếTrung Quốc yếu hơn. Giới lãnh đạo ở Washington cũng biết như vậy và bắt đầu sử dụng những món võ lợi hại hơn. Trong năm nay, bắt đầu cấm các công ty Mỹ không được bán và không được đầu tư vào Trung Quốc để sản xuất các chất bán dẫn tối tân nhất ; không được đóng góp vào các công nghiệp của tương lai như Trí khôn Nhân tạo (AI), máy vi tính lượng tử, và sinh học tân tiến. Những đòn mới này được thi thố sẽ làm cho nhịp độ phát triển lâu dài của Trung Quốc phải chậm lại.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 22/08/2023