Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/08/2023

Vụ Việt Á vẫn còn nhì nhằng chưa có kết luận

Nhiều tác giả

Xét xử "Giải cứu" và "Việt Á" : Vẫn chỉ là cướp

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/08/2023

Sau "Giải cứu"

Sau khi gọi là "xét xử" vụ chuyến bay giải cứu – một vụ án được dư luận xã hội trông đợi từ lâu – để xem sự nghiêm minh của luật pháp đến đâu, thì dân chúng đã chưng hửng bởi kết quả xét xử chỉ là việc "Cướp lại của bọn cướp".

vuvieta1

Phiên tòa xét xử vụ"chuyến bay giải cứu"

Vụ án "Chuyến bay giải cứu" được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi những lý do ai cũng biết là sự táng tận lương tâm của những cán bộ đảng viên, lợi dụng dịch bệnh kiếm ăn không chỉ trên dịch bệnh, nỗi đau mà là xương máu, tính mạng người dân.

Con số mà chính Bộ Công an đưa ra là hơn 2.000 chuyến bay, với hơn 4.000 tỷ đồng tiền dân đã bị cướp trắng trợn nhân danh sự nhân đạo, sự tử tế của chính quyền "Của dân, do dân, vì dân". Thế nhưng kết quả của vụ án chỉ xoay quanh con số hơn 162 tỷ đồng tiền hối lộ quan chức qua 500 lần hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp.

Và người ta đặt câu hỏi : Vậy thì số tiền còn lại hơn 3.800 tỷ đồng kia đã đi đâu và ai chịu trách nhiệm ? Phải chăng những con số đó là vô nghĩa và số tiền đó không đáng chý ý, không cần quan tâm ?

Quá trình xét xử vụ án, điều người dân ngạc nhiên là ở chỗ : Các quy định pháp luật về tội đưa, nhận hối lộ, tội cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trắng trợn của cán bộ đảng viên nhằm bóp nặn các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu công dân đều chỉ là thứ yếu. Quan tòa và hệ thống luật pháp chỉ chăm chăm số tiền thu lại được từ các bị cáo nộp lại là bao nhiêu.

Hài hước hơn nữa, là việc tòa tạm nghỉ để chờ các bị cáo nộp tiền rồi xử tiếp. Thế rồi số tiền thu được, đem sung công quỹ.

Những bị hại ở đây, là những người dân, những bộ hài cốt, những học sinh, người lao động, cô gái điếm… đã đi khắp nơi bán mình đem tiền về nuôi mình và nuôi đảng, nay bị trấn lột đã không hề được nhắc đến.

Vậy thì người bị hại ở đây là ai ? Người dân hay nhà nước ? Tại sao số tiền các bị cáo nộp lại không trả cho người bị hại mà lại sung quỹ nhà nước ?

Vậy phải chăng, đám cán bộ đảng viên hiện nguyên hình là lũ cướp đã hùa nhau bóp nặn người dân trong cơn nguy khốn, bây giờ nhà nước tổ chức lại những phiên tòa cướp lại những khoản tiền chúng đã cướp của người dân, nghĩa là "Cướp của cướp" ?

Đến "Việt Á" : Chống tham nhũng ?

vuvieta2

Những đối tượng liên quan vụ án. Ảnh: hanoimoi.vn 

Sau vụ "Giải cứu" nay lại đến vụ Việt Á. Đã bao lần tạm hoãn, lùi đi lùi lại theo hạn định mà quan chức lãnh đạo đảng, nhà nước đã hò hét, nay bắt đầu khởi động khi đã có kết luận điều tra của công an.

Báo chí Việt Nam đang được đà khai thác vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các quan chức các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước đã lợi dụng dịch bệnh để khai thác máu xương của người dân Việt bất chấp luật pháp, lương tri qua hồ sơ điều tra mà công an vừa công bố.

Hẳn nhiên, bản công bố của công an đưa ra, sau một quá trình dài và đã lùi thời hạn lần này đến lần khác có một ý nghĩa nhất định. Theo dư luận quần chúng, thì việc lùi thời hạn điều tra có nhiều ý nghĩa nhưng ý nghĩa lớn nhất vẫn là trong thời gian đó, những cuộc thi "Chạy việt dã" đằng sau hậu trường điều tra là rất nhộn nhịp và hiệu quả để dẫn đến bản kết luận hôm nay.

Ở đó, có những quan chức bị buộc tội là điều hiển nhiên khi mà cả hệ thống cứ đụng đâu thối đấy.

Nhưng lại có những quan chức kiếm tiền tỷ cứ như chuyện chơi, lại không hề bị khởi tố, chẳng hề hấn gì mà báo chí gọi là "thoát tội" chỉ bởi cách giải thích rằng "không vụ lợi". Điều này có ý nghĩa là những cái gọi là vụ án, là vi phạm luật pháp, là tòa án xử, là viện Kiểm sát truy tố… ngày nay chỉ nhằm mỗi mục đích là moi được tiền từ đám quan lại cướp bóc kia. Còn chuyện vi phạm luật nọ, luật kia, quy định này quy định khác… chẳng có ý nghĩa gì hết.

Bởi đơn giản là ở trong chế độ cộng sản, thì "Luật" không bằng "Lệ" và càng không bằng "Chỉ thị" của đảng.

Chuyện quan chức nhà nước cộng sản tham nhũng đã là chuyện trở thành điều hiển nhiên, tất nhiên, chỉ cần có điều kiện để tham nhũng thôi. Nếu có quan chức nào mà không tham nhũng khi có điều kiện mới là chuyện lạ, mới là chuyện cần nói. Người đó, sẽ là người thẳng lưng giữa đám gù, anh ta sẽ bị coi là kẻ khuyết tật. Hoặc một người mặc quần áo sẽ bị kết tội khiêu dâm giữa cộng đồng cởi truồng.

Cứ xem bất cứ vụ việc nào từ vụ "Chuyến bay giải cứu", cho đến "Đăng kiểm" rồi "Việt Á"… tất cả từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong… nghĩa là mọi người, mọi vị trí, mọi nơi, mọi lúc bất cứ chỗ nào cũng đều tham nhũng, bất cứ ở đâu, đồng tiền đều có thế bán, mua, điều khiển mọi mối quan hệ và hành vi xã hội cũng như hệ thống chính trị Việt Nam.

Bởi điều đơn giản là nếu không tham nhũng, không tham ô, không nhận hối lộ thì vào đảng làm gì, thì chạy chọt mua bán để làm quan mà làm gì.

Theo thống kê chưa đầy đủ. Chỉ riêng 10 năm trong hai nhiệm kỳ đầu của Nguyễn Phú Trọng, số đảng viên bị kỷ luật đã là 168.000. Và đi theo mỗi đảng viên này, là con số tiền tỷ, chục tỷ, thậm chí trăm, ngàn tỷ tiền dân.

Chỉ riêng nhiệm kỳ thứ 3 mà Nguyễn Phú Trọng "phải ngồi lại để chống tham nhũng", con số giật mình như sau :

Kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng, với 52.000 đảng viên. Trong đó có 17 ủy viên Trung ương, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 8 bí thư, nguyên bí thư Tỉnh, thành ủy, 18 thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, 25 chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh, thành phố, 3 trợ lý Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng cùng với 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Và đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng cán bộ trong cái bình chuột mang tên đảng.

Chuyện người cộng sản làm và lời cộng sản nói

Chuyện quan chức cộng sản tham ô, tham nhũng đã là chuyện không có gì lạ, điều lạ duy nhất với tư duy, với cách suy nghĩ của giống người, là những điều họ nói trước, trong và sau những việc họ làm.

Chỉ đơn cử một ví dụ về một Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Chúng ta thấy gì ?

Những thông tin báo chí và những thông tin từ Kết luận điều tra của công an cho biết :

Ngày 15/11/2020, tại Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, tại đây, anh ta lớn giọng thề hứa : "Nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ Nhân dân đối với cán bộ Ngành Y ; Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế ; Nâng cao vị thế xã hội của ngành y nhằm động viên, khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ thầy thuốc đối với Nhân dân".

Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tháng sau những lời thề hứa đó, vào tháng 12/2020, anh ta đã nhận hối lộ 200.000 đola (khoảng 4.3 tỷ đồng) từ công ty Việt Á.

Sau đó, anh ta thêm ba lần nhận hối lộ từ Công ty Việt Á bằng cách nhắn tin, vòi vĩnh số tiền hối lộ 2 triệu 50.000 đola. Tổng cộng anh ta đã nhận 2.250.000 đola tức là hơn 51 tỷ đồng.

Để có thể đòi số tiền đó từ công ty Việt Á, anh ta đã làm gì ?

Cơ quan điều tra xác định rằng, chi phí cho việc sản xuất, kinh doanh kist test của Công ty Việt Á được xác định giá thành chưa đầy 145.000 đồng đã bao gồm tất cả chi phí và cả lợi nhuận cho nhà sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, Bộ Y tế do Nguyễn Thanh Long làm bộ trưởng đã đặt giá là 470.000 đồng/chiếc. Nghĩa là cái giá này đắt hơn gấp 3.

Nguyễn Thanh Long cũng đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm Covid-19 cho Việt Á. Thậm chí, còn cho đăng lên website của Bộ Y tế mức giá này làm mẫu và giúp Việt Á bán hàng cho các địa phương. Mà khi Bộ trưởng đã chỉ thị, thì thử hỏi có địa phương, có quan chức nào dám không nghe lời. Cũng vì thế, dù nước ngoài chào hàng rẻ gấp nhiều lần vẫn bị bỏ qua.

Rồi với sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Thanh Long, công ty Việt Á đã đủ mọi trò lũng đoạn thị trường lúc dịch bệnh. Và con số của Bộ Công an, là 4.000 tỷ đồng tiền dân đã bị tập đoàn mafia này thò tay móc ra bằng đủ mọi cách, từ "thần tốc, truy vết" cho đến "chống dịch như chống giặc", xét nghiệm toàn diện… nhằm tiêu thụ càng nhiều càng tốt số kist test cho Công ty này.

Và với tư cách bộ trưởng, những hành động của anh ta gây ra cho dân chúng cả nước hậu quả hết sức nặng nề không thể thống kê được, đó cũng là sự góp phần để 43.000 người dân mất mạng với đủ mọi lý do trong đại dịch covid-19.

Những hành động bẩn thỉu, ám muội và là tội ác của Bộ trưởng Bộ Y tế này được thực hiện song song với những lời nói đầy tinh thần cách mạng, đầy tính đảng và tính chiến đấu, nói theo ngôn ngữ cộng sản.

Ngay cả khi vụ việc Việt Á được phát hiện, Nguyễn Thanh Long chưa bị sờ đến, hắn vẫn cứ tưởng rằng khoản tiền hàng chục tỷ đồng mà hắn đã nhận từ Việt Á không hề ai biết. Vì vậy, hắn vẫn đạo đức, vẫn răn dạy, vẫn tự cho mình là trong sạch, là cách mạng. Hắn nói : "Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới".

Và "Vi phạm của Công ty Việt Á là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Có cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Không chỉ có thế, người ta thấy ở Bộ trưởng này một thái độ rất "đau lòng và bất bình" với những tiêu cực đã xảy ra trong ngành Y tế. Cách anh ta hành xử cứ như là anh ta từ ngoài quả đất mới vào chứng kiến những tệ nạn của ngành Y tế Việt Nam.

Anh ta tỏ ra đau lòng khi loạt cán bộ ngành Y tế vướng vòng lao lý bởi những sai phạm trong đấu thầu và mua sắm thuốc. "Đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Mặc dù các quy định về đấu thầu đã có nhưng vẫn có vi phạm, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi lên án, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật" - Anh ta nói.

Với những thái độ, những lời lẽ đó, nếu như những người chưa từng hiểu thế nào là quan chức cộng sản, chưa chứng kiến thực tế lời nói và việc làm của người cộng sản, thì dám khẳng định rằng Chẳng ai lại đi nghi ngờ một con người "trong sáng, nhiệt tình và thẳng thắn như vậy"

Và người ta biết, khi chưa bị lộ, các quan chức cộng sản luôn luôn sạch sẽ, thẳng thắn, cương trực, nghị lực và những mỹ từ đều có thể không đủ để mô tả về họ.

Chỉ có đến khi chiếc mặt nạ rơi xuống bởi sự phản thùng của đồng đội, bởi sự truy lung gắt gao của phe phái khác nhau, bởi sự quá tham lam tạo ra thù hận giữa nội bộ, bởi sự ghen ăn tức ở của đồng đội tạo nên sự phản trắc và muôn vàn lý do khác.

Thì khi đó, bản chất người cộng sản mới thật sự lộ nguyên hình.

Và khi đó, người ta mới biết sự thật bản chất của người cộng sản.

Và người ta thấy tởm lợm với những lời lẽ đạo đức, tử tế ra rả từ những cái miệng ấy mà ra.

Và người ta kinh hoàng với những hành động trắng trợn hơn cả cướp giật của quan chức cộng sản.

Điều thể hiện rõ nhất qua những phiên tòa xét xử này về mục đích cũng như nội dung, người ta đọc được, đó là hành động "Cướp lại của bọn cướp".

Còn nạn nhân, mãi mãi vẫn là nạn nhân.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 25/08/2023

**************************

Tiền và thật nhiều tiền để mua án

Hương Giang, VNTB, 24/08/2023

Khoan hồng đối với những người đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước. 

vuvieta3

Chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng

Tại thời điểm này, vì nhiều yếu tố nội tại của quốc gia, Việt Nam chưa thể loại bỏ hoàn toàn chế tài về hình phạt tử hình ra khỏi luật hình sự.

Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV liên quan đến việc đề nghị nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong đó, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành Chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều, từ Điều 352 đến Điều 366. Các điều luật của chương này được chia thành hai mục, trong đó mục 1 quy định các tội phạm tham nhũng, mục 2 quy định các tội phạm khác về chức vụ và 1 điều về khái niệm tội phạm chức vụ.

Trong đó, có hai điều luật về tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354) quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình. Cụ thể, khoản 4 Điều 353 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Khoản 4 Điều 354 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

"Như vậy, Bộ luật Hình sự đã có quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên", Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Một ý kiến khác cho rằng nội dung trên là mang tính hình thức, không có giá trị răn đe, vì điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án với người bị kết án nếu thuộc trường hợp : Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cử tri cho rằng việc quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo "lỗ hổng" trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến hành vi tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn. Ngoài ra đưa đến ngờ vực có thể dùng tiền để mua một bản án nào đó. Từ nhận định trên, cử tri kiến nghị Bộ Tư pháp trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng quy định trên để thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình đã được khẳng định tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có.

Do vậy, điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định nêu trên.

Theo Bộ trưởng, quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phát tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Cạnh đó, quy định này chỉ được áp dụng với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm :

Chủ động nộp ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai, người bị kết án dù đã nộp đủ ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án.

Một quan chức Thanh tra Chính phủ đưa ra lập luận rằng việc nộp phạt đủ số tiền tương ứng với số tiền tham nhũng, thất thoát để miễn trách nhiệm hình sự có thể dẫn đến kiệt quệ kinh tế của bản thân và gia đình nên người có chức vụ, quyền hạn sẽ không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Do đó, việc áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước. Qua đó góp phần thu hồi tối đa tài sản tham nhũng cho Nhà nước, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát tài sản do tham nhũng mà có. Đồng thời, với quy định hiện hành đã thể hiện sự nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và ngăn ngừa đối với tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Ghi nhận trên thực tế từ vụ cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận va-ly 3 triệu đô la, đến cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận 2,25 triệu Mỹ kim cho thấy điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 thực chất chỉ mang ý nghĩa của căn cứ pháp lý cho chuyện ‘mua án’ mà thôi.

Hương Giang

Nguồn : VNTB, 24/08/2023

*************************

Em họ của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị đề nghị truy tố trong vụ án Việt Á

Hiếu Bá Linh, VNTB, 23/08/2023

vuvieta4

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị truất phế ngôi vị Chủ tịch nước và tước bỏ quyền bính, có phần "đóng góp" không nhỏ của cô em họ Nguyễn Thị Thanh Thủy.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ án sai phạm mua sắm kit test của công ty Việt Á. Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi, Trưởng ban Kế hoạch Marketing của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) và Nguyễn Bạch Thùy Linh (45 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings, kiêm sở hữu Công ty Giang San) (1).

Móc nối cho công ty nước ngoài mua 1 triệu test của Việt Á

Cuối tháng 3/2020, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh được một người phụ nữ (em họ của Thủy) trao đổi thông tin về việc Công ty Capitaland (một công ty Singapore đầu tư tại Việt Nam) sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trị giá 1 triệu USD. Khi đó, Thủy, Linh trao đổi cho người phụ nữ này biết công ty Giang San của Linh là Đại lý cấp 1 của công ty Việt Á. Đồng thời họ gợi ý, tư vấn người phụ nữ này báo cáo lãnh đạo, để Công ty Capitaland mua 1 triệu USD kit test Covid-19 do công ty Việt Á sản xuất xuất.

Công ty Capitaland đã đồng ý đề nghị trên với điều kiện phải có thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ.

Do không thực hiện được điều kiện công ty nước ngoài này đưa ra, Việt thống nhất với Thủy. Theo đó, công ty Việt Á sẽ chi cho Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Bạch Thùy Linh 40% giá trị Hợp đồng với công ty Capitaland để Thủy can thiệp, tác động đến lãnh đạo các Bộ, ngành để có Thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ của công ty.

Ngày 2/4/2020, Việt Á ký hợp đồng bán 40.000 test cho công ty Capitaland giá trị 23,58 tỉ đồng (tương đương 1 triệu USD).

Ngày 7/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận, tham dự buổi lễ có lãnh đạo của cơ quan này (Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và ông Nguyễn Thanh Long (khi đó là thứ trưởng thường trực Bộ Y tế) theo đúng yêu cầu của Capitaland, kết luận nêu.

vuvieta5

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (bìa phải) và Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Trần Thanh Mẫn (đứng giữa) trong lễ tiếp nhận.

Hai ngày sau buổi lễ, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên chuyển hơn 8 tỉ đồng tiền mặt chiết khấu hợp đồng cho nhân viên công ty của bà Linh. Sau đó, bà Linh đã chia lại 2 tỉ cho bà Thủy.

Tại Cơ quan Điều tra, bà Thủy khai đã điện thoại cho Nguyễn Thanh Long, nhắn tin cho một lãnh đạo UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, bàThủy còn điện thoại cho Nguyễn Huỳnh và vợ ông Long để nhờ nhắc lịch tham dự đúng ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khai biết Nguyễn Thị Thanh Thủy "có mối quan hệ rộng với người có chức vụ, quyền hạn" nên khi được bà này nhờ thì đã đồng ý có mặt tại buổi lễ trên.

Thỏa thuận chiết khấu 40% giá trị Kit test xuất khẩu của Việt Á

Cũng theo kết luận điều tra, lợi dụng mối quan hệ "khủng", khoảng giữa tháng 3-2020, Thủy và Linh đã chủ động gặp Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Việt Á) để thỏa thuận, đề nghị được làm đại lý cấp 1 độc quyền xuất khẩu kit xét nghiệm Covid-19.

Việt đồng ý để cho Thủy thông qua Công ty Giang San do bà Linh và chồng đứng tên chủ sở hữu là đại lý cấp 1 độc quyền xuất khẩu test của Việt Á. Việt sẽ chi cho Thủy 40% giá trị hợp đồng test xuất khẩu.

Đổi lại, Nguyễn Thị Thanh Thủy có trách nhiệm thúc đẩy, giúp công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit test Covid- 19, để công ty Việt Á đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu CE và Giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS, phục vụ việc xuất khẩu kit test.

Theo kết luận điều tra, mục đích việc tổng giám đốc Việt Á thỏa thuận và chi 40% giá trị test là vì bà Thủy "có mối quan hệ cá nhân, có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á thuận lợi trong việc được cấp số đăng ký lưu hành chính thức.

Đến ngày 4-12-2020, sau khi chi "lót tay" cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh, Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm.

Nguyễn Thị Thanh Thủy là ai ?

Theo điều tra của báo Tiếng Dân, Nguyễn Thị Thanh Thủy sinh năm 1967 tại Tuyên Quang, nhưng quê gốc ở Quế Sơn, Quảng Nam. Cha mẹ bà Thủy đều là lão thành cách mạng. Cha là ông Nguyễn Thung, huy hiệu 75 năm tuổi đảng ; mẹ là bà Vũ Thị Điển, huy hiệu 60 năm tuổi đảng. Hai ông bà hiện đang sống tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thung, tức Nguyễn Văn Thung là chú ruột của cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

vuvieta6

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy chụp với bố ruột Nguyễn Thung.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy trước công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Tuyên Quang, sau về Hà Nội sống và làm việc cho Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban Kế hoạch Markerting Nhà Xuất bản Giáo dục.

Tháng 3/2019, bà Thủy được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng, trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục. Công ty có trụ sở tại địa chỉ số 145 Lê Lợi, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

vuvieta7

Ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng chú ruột Nguyễn Thung trong ngày nhận Huy hiệu 75 năm tuổi đảng.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (DAD) được thành lập năm 2007, với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực in ấn, phát hành sách bổ trợ, sách giáo khoa, sách tham khảo và các ấn phẩm khác.

DAD là một trong ba đơn vị hàng đầu về cung cấp các loại sách bổ trợ, sách giáo khoa trong phạm vi 9 tỉnh miền trung : Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc.

Tháng 3/2021, bà Thủy xin từ nhiệm, thôi chức chủ tịch Hội đồng quản trị công ty DAD.

Ngoài ra, bà Thủy có con trai là Đậu Hải Nam, hiện là chuyên viên Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ. Đậu Hải Nam trước đây là chuyên viên Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngày 1/8/2021, Đậu Hải Nam được biệt phái sang công tác tại Vụ kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ .

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị truất phế ngôi vị Chủ tịch nước và tước bỏ quyền bính, có phần "đóng góp" không nhỏ của cô em họ Nguyễn Thị Thanh Thủy.

Hiếu Bá Linh

Nguồn : VNTB, 24/08/2023

Chú thích :

(1) https://baophapluat.vn/vu-kit-test-viet-a-nguoi-phu-nu-quyen-luc-can-thiep-duoc-cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-post485343.html

**************************

Kết luận điều tra đại án Việt Á : Biến khủng long thành chuột nhắt

Gió Bấc, RFA, 21/08/2023

Cơ quan điều tra đất nước "chiều nay" là những thiên tài có thể biến lương dân như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng thành tử tội giết người. Ngược lại họ cũng có thể biến hóa nhũng quan chức phạm tội trời không dung, đất không tha thành những thường phạm ngây thơ bị tác động, bị lợi dụng. Đặc biệt là hầu hết các vụ án này người dân, người bị xâm hại về tài sản, sức khỏe thậm chí là sinh mạng đã bị loại bỏ ra ngoài hồ sơ.

vuvieta8

Kết luận điều tra đại án Việt Á : Biến khủng long thành chuột nhắt

Đại án Chuyến bay giải cứu, quan chức chính phủ câu kết doanh nghiệp trục lợi từ hàng trăm ngàn người Việt ở nước ngoài trong đại dịch, chỉ tóm lại hành vi đưa nhận hối lộ,...

Đại án Việt Á là kế hoạch liên hoàn, bài bản để tiêu thụ Kit test Việt Á. Kẻ tung người hứng, bức hại hàng triệu người dân phải xét nghiệm, cách ly, phong tỏa. Hàng vạn F0, F1 chết cô độc, oan ức trong các trại tập trung, khu cách ly. Điều tra chỉ xem xét việc nâng khống giá Kit test. Hành vi, hậu quả tội phạm như con khủng long, kết luận điều tra rút gọn lại thành con chuột nhắt.

Bị lộ trong vụ án, gần 40 quan chức cấp cao trong đó có 3 Ủy viên Trung ương Đảng, cấp Thứ trưởng, Vụ trưởng hàng đàn hàng đống. Chưa kể đến Chủ tịch Nước, Phó Thủ tướng phải hạ cánh giữa nhiệm kỳ, hàng đống tướng tá bị kỷ luật. Số chưa bị lộ mà dư luận nhẵn mặt gọi tên thì đông như quân nguyên. Toàn là tầng lớp tinh hoa, những hạt giống đỏ dược guồng máy của đảng đào tạo, chọn lọc, rèn luyện theo đạo đức Hồ Chí Minh và tư duy chống âm mưu diễn biến hòa bình của Nguyễn Phú Trọng. Tất cả bị một tên oắt con 43 tuổi, quê đất Quảng Nôm của Bảy Phúc "thao túng" giật dây đồng loạt sập hầm quả là điều kỳ lạ. Trí tuệ bách chiến bách thắng của đảng quang vinh muôn năm sao thua đậm gả thanh niên mới rời tuổi trẻ trâu. Ai thao túng, ai tác động ai ?

Kết luận điều tra cho rằng đầu đuôi vụ án là do "Phan Quốc Việt đã câu kết, thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (khi đó là phó vụ trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ) với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm của bộ này, sau đó chiếm đoạt, biến kit xét nghiệm thành sản phẩm của Công ty Việt Á.

Từ đó Công ty Việt Á sản xuất kit xét nghiệm để tiêu thụ và thu lời

Kết quả điều tra xác định năm 2020, 2021, tổng doanh thu của Công ty Việt Á là hơn 4,2 ngàn tỉ đồng. Trong đó, Công ty Việt Á đã sản xuất tổng số 8,7 triệu kit xét nghiệm, tiêu thụ (bán, cho, tặng, ứng trước) cho các đơn vị, cơ sở y tế 8,3 triệu kit xét nghiệm, tổng trị giá hơn 3,9 ngàn tỉ đồng.

Kết quả điều tra xác định, từ việc nâng khống giá bán test xét nghiệm, tiêu thụ hơn 8 triệu test, Công ty Việt Á đã hưởng lợi trái phép số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 1.200 tỉ" (1).

Chỉ riêng đoạn này thôi đã thấy Công an nói dối không chớp mắt. Cứ làm như Việt Á tự sản xuất Kit test theo công nghệ của Học Viện Quân Y là có thật.

Ngay khi vụ án nổ ra, báo chí đã rần rộ điều tra, quay phim chụp ảnh và khẳng định : "Xưởng sản xuất cung ứng cả triệu kit test Covid-19 của Việt Á chỉ rộng 10m2". Báo chí đã mô tả điều trái khoáy "Được giới thiệu là đơn vị sản xuất kit test Covid-19 "lớn nhất nước", mỗi tháng cung ứng hàng triệu kit nhưng xưởng sản xuất của Công ty Việt Á chỉ rộng chừng 10m2….

Trụ sở chính mà Công ty Việt Á đăng ký hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh ở địa chỉ số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh là một ngôi nhà 3 tầng kín cổng cao tường, phía ngoài có gắn bảng hiệu Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, kèm theo số điện thoại liên hệ.

Theo chủ nhà nơi Công ty Việt Á đăng ký đặt trụ sở, công ty này chỉ đặt nhờ bảng hiệu từ năm 2007 đến nay, không có nhân viên cũng như không có bất cứ hoạt động gì" (2).

Với cơ xưởng và trụ sở quái dị như vậy, 8 triệu Kit test Việt Á được sản xuất ở đâu ? Chẳng lẽ sản xuất ngoài vũ trụ ?

Một tài liệu quan trọng của cơ quan chuyên ngành chỉ rõ địa chỉ, nguồn gốc Kit test Việt Á nhưng không được Cơ quan điều tra xem xét là : "Theo Tổng cục Hải quan, que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 được Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc có giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test).

Từ tháng 9 đến tháng 12-2021, mặt hàng thành phẩm là que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% được công ty nhập khẩu từ Trung Quốc là 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test), với tổng trị giá là 64,68 tỉ đồng.". ( 3)

Chuyện "Hồn Trương Ba da hàng thịt" hàng Tàu cộng sản xuất dán tem Việt Nam là quá phổ biến từ cái BPhone của anh Quảng Nổ, hàng điện tử của Asanzo đến ngay cả Vinfast gần đây nên chuyện Kit test Việt Á là hàng Tàu dán nhãn là chuyện tất yếu, bình thường.

Ấy nhưng Cơ Quan Điều Tra giả vờ không biết cũng có hậu ý là giảm nhẹ sự trâng tráo cho Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ, người đầu dây mối nhợ đẻ ra đề tài nghiên cứu khoa học Kit test chỉ bị "xác định gây thiệt hại gần 19 tỷ đồng và liên đới gây thiệt hại tài sản Nhà nước trong vụ Công ty Việt Á thu lời bất chính khi tiêu thụ kit xét nghiệm". 

Cả tập thể khoa học tài ba nghiên cứu tốn 19 tỉ đồng ngân sách để tìm ra giải pháp mua hàng Tàu dán nhãn Việt Á diệu võ giương oai quảng cáo rầm rộ là được WHO công nhận, xuất khẩu qua các nước EU thì tài năng, tâm huyết của Chu Ngọc Anh quả xuất chúng. 

Không chỉ tài năng mà còn đạo đức thanh bạch. Trong khi đồng vai vé Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 50 tỉ, Chu Ngọc Anh khai có nhận 200.000 USD từ Việt nhưng ''không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Việt phải đưa tiền''.

"Cơ quan điều tra xác định số tiền 4,6 tỷ đồng Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh là yếu tố "vì vụ lợi" theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 219 Bộ luật Hình sự và không đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ tội nhận hối lộ" (4)

Không chỉ đầu voi về tính chất, hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra cũng hồn nhiên hô biến số tiền phạm pháp nhỏ xuống 8 lần. Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô cho biết "Dòng tiền là yếu tố rất quan trọng để cơ quan điều tra tìm ra bản chất vụ việc. Trong một số vụ án, khi khám xét một số bị can đã phát hiện trong ngăn kéo có tới hơn 10 tỷ đồng. Ví dụ, như vụ Việt Á, đối tượng khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng. Rõ ràng đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra và mở rộng điều tra", Trung tướng Tô Ân Xô nói (5).

Ấy vậy mà sau gần một năm, Kết luận điều tra xác định "bị can Phan Quốc Việt, đã đưa hối lộ các quan chức tổng số tiền hơn 106 tỉ đồng, thu lợi bất chính 1.200 tỉ đồng’ (6).

Ai cũng biết rằng số tiền đưa hối lộ càng lớn thì tội càng nặng. 800 tỉ đồng là con số vượt mức án tử hình gấp nhiều lần. Phan Quốc Việt chẳng dại gì khoe khoang, khai khống với công an số tiền hối lộ ảo ! Vậy 700 tỉ đồng hối lộ còn lại đã đi đâu ?

Phải chăng có có một hoặc nhiều người nào đó đã nhận số tiền này nhưng cơ quan điều tra không tiện, không muốn điều tra nên bóp lại ở con số 106 tỉ đồng ?

Điều quan trọng hơn cả số tiền khổng lồ 700 tỉ mà công an đã bỏ qua, vấn đề quan trọng nhất là bản chất nguyên nhân và hậu quả của hành vi phạm pháp có tổ chức, có kế hoạch tinh vi này.

Nhà báo Huy Đức đã viết trên fb "Vụ Việt Á đã không chỉ giật tung mặt nạ "mục tiêu kép". Không có chuyện tự lực sản xuất kittest, tự lực vaccine. Không những không có cái "cột điện" nào chạy sang tránh dịch ở Việt Nam mà nhiều người trong nước và người Việt tha hương còn trở thành nạn nhân của các chủ trương chống dịch.

…Đặc biệt là chủ trương đưa những người bị coi là F1 chịu cách li cưỡng bức. Tập trung hàng ngàn, hàng chục ngàn con người vào những cơ sở tạm bợ, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, điều kiện tự chăm sóc này không chỉ tạo ra những ổ lây lan dịch mới mà còn để lại những chấn thương tinh thần cho những F1 may mắn không bị lây dịch bệnh.

Khi đặt hàng vạn F1 vào những khu cách li đầy rủi ro này, người ta đã nhân danh lợi ích cộng đồng. Để giảm nguy cơ lây dịch cho cộng đồng người ta sẵn sàng làm tăng nguy cơ thành F0 cho F1.

Ai xứng đáng được sống an toàn nhờ sự hi sinh của những người bị coi là F1 này.

Ngay cả những quốc gia giàu có cũng không ngăn được hàng triệu người chết vì Covid. Nhưng hãy nhìn vào tuổi của hơn một nghìn rưỡi trẻ mồ côi để thấy người tử vong ở Việt Nam bị trẻ hóa ra sao" (7).

Đặc điểm của Covid 19 là gây tử vong chủ yếu ở người già, người có bệnh nền. Những người chết trẻ trong các bệnh viện dã chiến đúng là nạn nhân, là hệ quả của chủ trương ngoáy mũi đại trà truy tìm, cách ly F0. Các chiến dịch tàn nhẫn này chính là cách tiêu thụ nhiều nhất, nhanh nhất các Kit test. Ai là người đứng đầu quyền lực nhất thúc đẩy chiến dịch ấy ? Ngoài cựu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bị thay ngựa giữa dòng, Thủ tướng "mướt mồ hôi" xây dựng pháo đài, chiến lũy đưa xe tăng, bộ đội vào Sài Gòn chống dịch đã luôn hô hào, thúc đẩy xét nghiệm hàng ngày. Một trong những chứng tích đó là "Sáng 15/8, chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm nhanh, khoanh vùng ổ dịch và quyết tâm tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian giãn cách Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương nếu xét nghiệm đại trà thì rất tốt" (8).

Chỉ xem xét vụ án ở khía cạnh thổi giá, đưa nhận hối lộ, cố ý làm trái, mà bỏ qua cái chết thương tâm của hàng ngàn người trẻ, nỗi khổ cùng cực của hàng chục triệu người dân cơ quan điều tra chỉ xem xét cái chân của con khủng long đường dây tội phạm Việt Á. Khi bóp số tiền đưa hối lộ từ 800 tỉ xuống còn 100 tỉ, Công an đã chỉ xem cái chân trong cái chân. Khi bỏ qua âm mưu nghiên cứu khoa học để hợp pháp hóa việc nhập Kist Tàu dán nhãn Việt Á là đã biến vụ án thành con chuột nhắt.

Chính phạm, ông trùm của vụ án và nhiều đồng phạm khác vẫn đang yên vị tiếp tục gieo tội ác với dân.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 21/082023

Tham khảo :

1. https://tuoitre.vn/tong-giam-doc-cong-ty-viet-a-thu-loi-bat-chinh-1-200-...

2. https://vtc.vn/xuong-san-xuat-cung-ung-ca-trieu-kit-test-covid-19-cua-viet-a-chi-rong-10m2-ar653060.html

3. https://tuoitre.vn/kit-xet-nghiem-nhanh-viet-a-nhap-tu-trung-quoc-chi-khoang-21-000-dong-2022012019404792.htm

4. https://vtc.vn/vi-sao-ong-chu-ngoc-anh-nhan-tui-qua-tien-ty-nhung-thoat-toi-nhan-hoi-lo-ar813922.html

5. https://vov.vn/phap-luat/tin-nong/vu-viet-a-doi-tuong-khai-kiem-lai-4000-ty-dong-va-boi-tron-800-ty-dong-post948309.vov

6. https://tuoitre.vn/tong-giam-doc-cong-ty-viet-a-thu-loi-bat-chinh-1-200-ti-hoi-lo-cac-quan-chuc-106-ti-20230818174832732.htm

7. https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02eNooiCGfjDm9GvXf4murKhm9koTri7ysvJpFnAjP1Fi8ePxUHS3paNoh5y4G6zsBl

8. https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-tach-bang-duoc-f0-ra-khoi-cong-dong-bang-xet-nghiem-20210815143757809.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh, Hương Giang, Hiếu Bá Linh, Gió Bấc
Read 157 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)