Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/08/2023

Sự lừng khừng của ASEAN làm phật lòng Mỹ

Tria Dianti & Shailaja Neelakantan, Nguyễn Đình Tú

Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung

Nguyễn Đình Tú, RFA, 29/08/2023

Đông Nam Á đang ngày càng trở thành đấu trường cạnh tranh quyền lực quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc vì vị trí và vai trò của nó trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một số học giả có quan điểm rằng "Đông Nam Á có tầm vóc lớn như một nơi thử nghiệm cho sự phát triển của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc và là cửa ngõ cho sự bành trướng toàn cầu của nước này trong tương lai" [1].

asean1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc tại cuộc họp bên lề Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN ở Jakarta, Indonesia hôm 13/7/2023 (minh họa) - AFP

Xu hướng quân sự hóa

Mặc dù cạnh tranh quyền lực lớn đã tồn tại ở khu vực này từ khá lâu nhưng hiện nay nó đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại vì điều này dẫn đến quá trình quân sự hóa nhanh chóng trong khu vực.

Một mặt, Trung Quốc vẫn đang dùng các lợi ích kinh tế trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để tăng cường ảnh hưởng, đồng thời, Bắc kinh cố gắng thể hiện nỗ lực hợp tác với các nước Đông Nam Á thông qua ký kết Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm giúp xoa dịu tình hình ở Biển Đông. Tuy nhiên, nước này vẫn đang tiếp tục những hành động hung hăng, hiếu chiến tại Biển Đông, với vụ việc gần đây nhất là việc Philippines cáo buộc lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc xịt vòi rồng vào một tàu Philippines đang tiếp tế cho binh lính nước này đang đồn trú tại Bãi Cỏ Mây [2].

Ngoài ra, đã từ lâu, truyền thông Mỹ đã đưa tin về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia [3]. Nhưng giờ đây, các hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ mà căn cứ hải quân Campuchia, tức là căn cứ hải quân Ream gần Sihanoukville trên Vịnh Thái Lan. Đã có báo cáo cho rằng căn cứ này có thể trở thành "tiền đồn nước ngoài thứ hai của Trung Quốc sau khi mở căn cứ ở quốc gia Đông Phi Djibouti vào năm 2017" [4]. Hình ảnh vệ tinh được công bố vào tháng 6/2023 cho thấy việc xây dựng một số tòa nhà, đường sá mới và một bến tàu lớn hơn nhiều so với kích thước cầu cảng ban đầu của căn cứ [5]. Báo cáo của Chatham House nêu rõ rằng chính phủ Campuchia trước đây đã trao cho Trung Quốc một khu đất rộng 157 ha để xây dựng các công trình phòng không, cơ sở chỉ huy chung và lắp đặt radar hải quân gần căn cứ [6]. Các phương tiện truyền thông Campuchia cũng được cho là đã đưa tin về các kế hoạch trong tương lai như xây dựng cơ sở lưu trữ mới, bệnh viện, ụ tàu và đường trượt tại Ream [7]. Mặt khác, Chính phủ Campuchia đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hiến pháp nước này không cho phép bất kỳ nước ngoài nào xây dựng căn cứ quân sự và đó chỉ là một trong nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang đầu tư vào Campuchia [8]. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào việc phát triển Sân bay Quốc tế Siem Reap-Angkor và có thông tin cho rằng 86% công việc đã được hoàn thành và kế hoạch là bắt đầu vận hành máy bay trên cơ sở thí điểm vào tháng 6 năm nay và vận hành chính thức tháng 10/2023 [9].

Để đối trọng lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ đang tăng cường quan hệ đối tác an ninh với đồng minh hiệp ước trong khu vực là Philippines. Vào tháng 2/2023, Philippines và Mỹ đã khôi phục Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (ECDA) [10]. Theo EDCA, Hoa Kỳ có quyền tiếp cận tổng cộng chín căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có 4 căn cứ bổ sung được xác định vào tháng 4/2023. Các căn cứ này nằm gần Đài Loan và cả Biển Đông. Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong các trường hợp xảy ra căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN ở Biển Đông.

asean2

Tàu hải cảnh của Trung Quốc bao vây tàu dân sự được Hải quân Philippines thuê để vận chuyển đồ tiếp tế ra tiền đồn ở Biển Đông hôm 22/8/2023. AFP

Thái độ của các nước Đông Nam Á

Phản ứng của các nước Đông Nam Á rất khác nhau. Trong khi các nước như Việt Nam và Indonesia lo ngại trước sự hiếu chiến của Trung Quốc, họ cũng đang thu được lợi ích từ cả Mỹ và Trung Quốc. Khi nói đến Indonesia, nước này vẫn có nhu cầu và mong muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng trong nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng thống Indonesia Jokowi vào tháng 7 năm 2023, ông đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về "một số chương trình nghị sự ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư hoặc các dự án chiến lược khác nhau của Indonesia và Trung Quốc, cùng với các lĩnh vực thương mại và y tế, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu khác" [11]. Ngoài ra, ông cũng đã gặp gỡ các doanh nhân và doanh nhân Trung Quốc để thảo luận về triển vọng đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia. Sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi, đã tuyên bố : "Trung Quốc phải là đối tác đáng tin cậy của ASEAN trong việc nuôi dưỡng một cấu trúc khu vực cởi mở và toàn diện. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đạt được sự hợp tác cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" [12]. Bà cũng nói thêm rằng cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc để thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ASEAN dự kiến được tổ chức vào tháng 9 năm 2023 [13].

Ngay cả khi Mỹ đang cố gắng hết sức để lấy lại ảnh hưởng đã mất trong khu vực thì đó cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vì Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Thương mại song phương đạt 975 tỷ USD [14]. Trung Quốc cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ tư vào ASEAN. Ký ức vẫn còn nguyên về việc Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) đã được chính quyền Biden đưa ra để giải quyết vấn đề bất thường này, nhưng có rất ít thông tin rõ ràng về loại hình tiếp cận thị trường mà các quốc gia Châu Á sẽ nhận được và nó sẽ mang lại lợi ích bao nhiêu cho các nước ASEAN. Một nghiên cứu gần đây của một think tank Mỹ đã đưa ra khuyến nghị : Nếu Mỹ phải khôi phục ảnh hưởng đã mất ở khu vực này thì cần phải đưa ra các sáng kiến chính sách thực sự có lợi cho khu vực chứ không chỉ xuất hiện như một cơ chế ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc [15].

Chưa kể, nhiều nhà quan sát đang đặt ra nghi ngờ về những cam kết lặp đi lặp lại của Washington với Đông Nam Á sau khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ bỏ qua hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta vào tháng tới và cử phó tổng thống đi thay [16] .

Những thách thức trong tương lai đối với ASEAN

Mặc dù ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các cường quốc và duy trì vai trò trung tâm trong khu vực, nhưng việc thực hiện các sáng kiến và sự hợp tác liên quan sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ :

Thứ nhất, vấn đề đoàn kết nội bộ. "Phương thức ASEAN", với đặc trưng là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tham vấn đồng thuận và chú ý đến sự thoải mái của các thành viên, có thể bị hoài nghi nhiều hơn. Cho đến nay, nhiều vấn đề mà ASEAN không thể giải quyết do ý kiến bất đồng.

Thứ nhất là vấn đề Myanmar. Thứ hai là vấn đề Biển Đông và COC. Một khi ASEAN mất đi sự đoàn kết nội bộ, vai trò trung tâm của hiệp hội này trong hợp tác khu vực Đông Á cũng sẽ bị ảnh hưởng, đây là điều mà ASEAN không thể chịu đựng được.

Thứ hai, vấn đề động lực và bảo đảm của hợp tác khu vực. Cùng với cuộc đọ sức nước lớn ngày càng gay gắt, sự bất đồng giữa các nước liên quan liên tục xuất hiện, việc làm thế nào để hàn gắn bất đồng giữa các nước lớn, tìm kiếm lợi ích chung giữa các bên và thúc đẩy một cách thiết thực hợp tác khu vực đã trở thành thách thức thực tế đối với ASEAN. Tại các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này, sự đối đầu giữa các nước lớn tại các hội nghị quan trọng như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS… khiến ASEAN cảm thấy bất lực. Sự bất đồng giữa các nước lớn trong các cơ chế liên quan của ASEAN có thể chỉ mới bắt đầu, trong tương lai ASEAN có thể sẽ phải đối phó với cuộc đọ sức nước gay gắt hơn, hợp tác khu vực cần phải tìm ra động lực và bảo đảm mới.

Thứ ba, vấn đề tự chủ chiến lược. Dưới áp lực của cạnh tranh Mỹ - Trung, sức ép buộc các nước ASEAN phải "chọn bên" sẽ tăng. Một khi các quốc gia thành viên "chọn bên", về cơ bản sẽ làm lung lay vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, hậu quả của việc này vô cùng tai hại. Ngay cả khi ASEAN có thể đối mặt với các nước bên ngoài bằng một tiếng nói chung, nhưng làm thế nào để thực sự giải quyết và điều tiết mối quan hệ giữa các nước lớn, và không trở thành người đại diện của cuộc đọ sức nước lớn cũng là một vấn đề nan giải, điều này thử thách trí tuệ chính trị của ASEAN.

Nguyễn Đình Tú

Nguồn : RFA, 29/08/2023

Tham khảo :

[1] https://www.brookings.edu/articles/the-testing-ground-chinas-rising-influence-in-southeast-asia-and-regional-responses/

[2] https://www.theguardian.com/world/2023/aug/06/philippines-accuses-china-of-water-cannon-attack-in-spratly-islands

[3] https://www.wsj.com/articles/secret-deal-for-chinese-naval-outpost-in-cambodia-raises-u-s-fears-of-beijings-ambitions-11563732482

[4] https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/china-secretly-building-foreign-base-in-cambodia/articleshow/92063493.cms ?from=mdr

[5] https://www.chathamhouse.org/publications/the-world-today/2023-08/china-building-military-base-cambodia

[6] https://www.chathamhouse.org/publications/the-world-today/2023-08/china-building-military-base-cambodia

[7] https://www.livemint.com/news/world/chinas-new-military-base-in-cambodia-threatens-indias-maritime-security-heres-why-11691234289762.html

[8] https://warontherocks.com/2019/05/hiding-in-plain-sight-chinese-expansion-in-southeast-asia/

[9] https://www.khmertimeskh.com/501251138/chinese-firm-to-promote-siem-reap-angkor-international-airport/#

[10] https://www.fpri.org/article/2023/06/us-philippines-enhanced-defense-cooperation-agreement-revived/

[11] https://kemlu.go.id/portal/en/read/5022/berita/president-jokowi-begins-working-visit-to-china#:~:text=Jakarta, Indonesia - In a bid,departed to PRC from Halim

[12] https://kemlu.go.id/portal/en/read/4956/berita/asean-china-agree-on-guidelines-to-accelerate-negotiations-for-the-code-of-conduct-in-the-south-china-sea#

[13] https://kemlu.go.id/portal/en/read/4956/berita/asean-china-agree-on-guidelines-to-accelerate-negotiations-for-the-code-of-conduct-in-the-south-china-sea#

[14] https://kemlu.go.id/portal/en/read/4956/berita/asean-china-agree-on-guidelines-to-accelerate-negotiations-for-the-code-of-conduct-in-the-south-china-sea#

[15] https://asiasociety.org/sites/default/files/2023-08/Prioritizing Southeast Asia in American China Policy_0.pdf

[16] https://www.eurasiareview.com/26082023-observers-question-us-commitment-to-southeast-asia-as-biden-to-skip-regional-summit/

**************************

Cam kết của Mỹ với Đông Nam Á bị nghi ngờ khi Biden bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh khu vực

Tria Dianti & Shailaja Neelakantan, RFA, 28/08/2023

Các nhà quan sát tỏ ý nghi ngờ những cam kết liên tiếp của Washington đối với khu vực Đông Nam Á sau khi Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Joe Biden sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta trong tháng 9 tới và cử Phó tổng thống Kamala Harris đi thay.

asean3

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (bên trái) đón chào Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một sự kiện trồng cây đước ở Rừng Ngurah Rai bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Denpasar, Indonesia, ngày 16/11/2022. Dita Alangkara/AP Photo/ Pool

Biden sẽ công du Châu Á vào đầu tháng 9 để tham dự Hội nghị G20 tại New Delhi nhưng sẽ bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á dự kiến diễn ra từ 5-7/9. Theo một số nhà phân tích, điều này có thể báo hiệu rằng Mỹ không tin cái gọi là "vai trò trung tâm của ASEAN" có thể giúp chống lại ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng Tổng thống Mỹ có thể sẽ không phớt lờ khu vực này một cách hoàn toàn. Theo Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam, tổng thống Mỹ sẽ đến thăm Hà Nội trong hai này 9 và 10/9 nhiều khả năng để nâng cấp mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam – một đồng minh hữu ích trong khu vực vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng.

Nhưng có mặt ở cuộc hội nghị có những giá trị riêng của nó và việc này không thể coi nhẹ - các nhà phân tích nói.

"Hiện diện trực tiếp và quan hệ giữa các nhà lãnh đạo và ngoại giao vẫn còn quan trọng trong lĩnh vực/chính sách đối ngoại" – ông Muhammad Waffaa Kharisma thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta nói với tờ BenarNews của Đài Á Châu Tự do.

"Những cam kết của Mỹ với Đông Nam Á liên tục bị đặt câu hỏi. Người ta đang so sánh sự tham dự của Biden ở các diễn đàn và hội nghị thượng đỉnh khác với các bạn hữu thân thiết như Nhật Bản và Hàn Quốc với sự không xuất hiện của ông ta ở hội nghị của ASEAN".

Ông Muhammad Waffaa cũng lưu ý rằng một số nước như Philippines – đồng minh lâu năm của Mỹ - đã nhận được sự đảm bảo riêng về sự hỗ trợ của Washington.

Về phần mình, Nhà Trắng cho rằng những can dự của chính quyền Biden với Đông Nam Á không chỉ mạnh mẽ mà còn hơn thế nữa.

Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ và các liên minh vững mạnh từ Đông Bắc Á tới Philippines, tới Australia và có quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với ASEAN – Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói hôm 22/8. Ngài tổng thống cũng đã hai lần cử Phó Tổng thống Kamala Harris tới Đông Nam Á, ông Sullivan nói.

"Tôi cho rằng những thành tựu và sự tham gia của chúng ta tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngang bằng với bất kỳ tổng thống Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong vòng hai năm rưỡi qua" – ông Sullivan nói với báo giới trong một cuộc họp.

Tuần trước, ông Biden đã gặp những người đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Camp David - nơi nghỉ dưỡng của tổng thống ở Maryland - để mở rộng quan hệ an ninh và kinh tế.

Trong một tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo nói rằng họ "toàn tâm khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự ủng hộ [của họ] đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt".

Họ cũng lưu ý về "những hành xử nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc nhằm hỗ trợ "những tuyên bố chủ quyền hàng hải bất hợp pháp" của nước này ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp. Các nhà lãnh đạo cũng nói rằng họ phản đối những hành động đi ngược với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - bốn trong số 10 thành viên ASEAN - có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù Indonesia không coi mình là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng Trung Quốc thường tuyên bố quyền lịch sử đối với một số khu vực biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

asean4

Tổng thống Mỹ Joe Biden, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres xem biểu diễn văn nghệ tại một buổi tiệc tối trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, ngày 12/11/2022. Ảnh : Kevin Lamarque/Reuters

Nhận thấy những lợi ích chồng chéo, ông Biden đã bắt đầu cố gắng thay đổi chiến lược Đông Nam Á của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Trump chỉ tham dự hội nghị Thượng đỉnh ASEAN một lần duy nhất vào năm 2017 tại Manila trong suốt thời gian bốn năm cầm quyền (2017-2021).

Ông Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh vào tháng 11 năm ngoái  khi Campuchia giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Ông cũng tham dự các hội nghị thượng đỉnh thường niên này được tổ chức trực tuyến vào năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tháng 5/2022, ông Biden đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ -ASEAN diễn ra tại Washington.

Bên cạnh đó, ông đã đưa ra chương trình Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  nhằm chống lại những ảnh hưởng kinh tế khổng lồ của Bắc Kinh ở Đông Nam Á mặc dù có rất nhiều người gièm pha chương trình này.

"Chỉ đơn giản là xuẩn ngốc"

Ông Biden lẽ ra nên duy trì đà phát triển đó – ông Jeffrey D. Bean thuộc Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên Mỹ  viết trên nền tảng mạng xã hội X, tên gọi mới của Twitter.

"Mỗi khi bạn nghĩ chính quyền Biden có được chính sách Châu Á tốt thì họ lại làm cái gì đó như thế này. Chỉ đơn giản là xuẩn ngốc khi Biden bỏ qua [Hội nghị thượng đỉnh Đông Á] và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN" – ông này nói.

Bỏ qua một sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, diễn ra đồng thời, sẽ khiến Washington có vẻ như "nói một đằng làm một nẻo" – ông Zack Cooper – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ viết trong một bài bình luận cho Tạp chí An ninh Quốc gia Texas.

"Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài bắt đầu tin rằng công khai chống lại Trung Quốc là tiêu chuẩn để có được sự tham gia/cam kết đáng kể của Mỹ" – ông Copper nói.

"Các nhà lãnh đạo Mỹ dường như có cách tiếp cận khu vực hai cấp độ : Hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia đang công khai đối trọng, chống lại Trung Quốc, nhưng dành ít thời gian cho những quốc gia có thái độ thận trọng. Nói tóm lại, Biden đang đầu tư vào những quốc gia có vai trò đối trọng, cân bằng, không phải là những quốc gia thận trọng".

Trung Quốc thường bị cáo buộc về những quan hệ mang tính giao dịch và Mỹ cần cẩn trọng để trông không giống như đang làm điều tương tự - ông Cooper nói.

Chuyến thăm bên lề tới Hà Nội ?

Tuy nhiên, chuyến công du tiềm năng đến Việt Nam của ông Biden sẽ cho thấy điều hoàn toàn ngược lại - Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu viết trong một status đăng trên nền tảng X.

"Chắc chắn sự vắng mặt của ông Biden trong cuộc họp ASEAN đặt ra câu hỏi về sự ủng hộ của Mỹ đối với [vai trò trung tâm] của ASEAN, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ ít cam kết hơn với Đông Nam Á. Thay vì đến Indonesia, ông ấy đang có kế hoạch đến Việt Nam để nâng cấp quan hệ song phương lên tầm chiến lược" – ông Vuving nói.

asean5

Logo của Hội nghị Cấp cao ASEAN 2023 được trưng bày tại Jakarta, ngày 10/8/2023. Ảnh : Yasuyoshi Chiba/AFP

Và như Peter Mumford từ công ty đánh giá rủi ro địa chính trị Eurasia Group lưu ý : "Ông Tập Cận Bình cũng rất hiếm khi tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và thường cử thủ tướng đi thay".

Ông Biden đang không thờ ơ với Đông Nam Á hay khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà chỉ không dựa hoàn toàn vào ASEAN trong chiến lược khu vực của mình - Vinsensio Dugis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Airlangga ở Surabaya, nói.

Theo ông Vinsensio, ông Biden đang sử dụng các cơ chế như AUKUS - một hiệp ước an ninh với Australia và Anh ; QUAD - một nhóm hợp tác giữa bốn nền dân chủ, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản và Australia ; và APEC - một diễn đàn dành cho 21 nền kinh tế Thái Bình Dương để theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington.

Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Kamala Harris, một người gốc Á, có thể mang tới cái nhìn khác biệt cho các vấn đề khu vực như biến đổi khí hậu, thương mại và an ninh – ông này nói.

"Chúng ta vẫn cần phải xem bà ấy mang những vấn đề gì và trình bày những vấn đề này như thế nào tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN" – ông nói. 

Tria Dianti & Shailaja Neelakantan (BenarNews)

Nguồn : RFA, 28/08/2023

Bài viết này đã được cập nhật thêm thông tin về chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam chứ không còn là đồn đoán nữa. Bản cũ viết sai chức danh của bà Kamala Harris là Phó Thủ tướng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tria Dianti & Shailaja Neelakantan, Nguyễn Đình Tú
Read 183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)