Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/08/2023

BRICS mở rộng : Một liên minh thống lĩnh thị trường nguyên nhiên liệu ?

Minh Anh

Ngày 24/08/2023, kết thúc thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi, nhóm BRICS – gồm năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – thông báo đón thêm sáu thành viên mới. Một số nhà quan sát cho rằng BRICS mở rộng còn đồng nghĩa với việc thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa và hình thành một liên minh thống trị thị trường dầu khí, nguyên nhiên liệu.

brics1

Từ trái sang phải : Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại thượng đỉnh BRICS, Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/08/2023. AP - Gianluigi Guercia

Kể từ ngày 01/01/2024, BRICS sẽ trở thành BRICS+, khi có thêm sáu thành viên mới là Argentina, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc ả rập thống thất, Ethiopia và Iran. Hầu hết giới chuyên gia đều có chung một nhận xét : Đây là một thắng lợi của Nga và nhất là của Trung Quốc.

Đây là hai nước quyết tâm mở rộng nhóm nhiều nhất. Với Bắc Kinh, sự mở rộng này đồng nghĩa với khả năng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với nhóm các nước phương Nam. Về phần Moskva, sự mở rộng này có thể hạn chế phần nào thế cô lập của Nga trên trường quốc tế vì cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Sự kiện cũng cho thấy ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong nhóm. Ấn Độ và Brazil lo sợ tầm ảnh hưởng của mình sẽ bị tan biến. New Dehli – đối thủ cạnh tranh của Bắc Kinh – cũng có tham vọng trở thành một trong những đầu tầu của những nước đang phát triển.

Một sự mở rộng quá nhanh và quá lớn có nguy cơ biến "BRICS thành một diễn đàn chống phương Tây để phục vụ trước hết các lợi ích của Trung Quốc và Nga", theo như lời một quan chức ngoại giao Ấn Độ được nhật báo Pháp Le Monde dẫn lại.

Raoul Delcorde, đại sứ danh dự của Bỉ, trả lời nhật báo kinh tế L’Echo (Bỉ) nhận định "Trung Quốc có thể ép buộc được các nước còn lại vì chỉ riêng nước này đã đóng góp đến 70% GDP của toàn bộ nhóm BRICS".

Thay đổi trật tự thế giới

Dù vậy, giữa các nước đều có chung một mẫu số : Cùng phản đối một trật tự kinh tế thế giới do phương Tây thiết lập và mong muốn hướng đến một thế giới đa cực. Mở rộng cửa đón các thành viên mới cho phép củng cố hơn nữa vai trò thay thế của BRICS trên bình diện địa chính trị, trước các định chế quốc tế do phương Tây thống trị.

Nhà kinh tế học Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, nhắc lại BRICS được thành lập năm 2009, sau khi cơn bão khủng hoảng tài chính của Mỹ quét qua, đẩy nhiều nước đang phát triển và nước nghèo lâm vào cảnh khốn khó trong vòng 5-10 năm liên tiếp.

BRICS cho rằng, bất chấp quy mô diện tích, dân số và kinh tế, nhóm này đã không được đại diện đầy đủ trong các định chế quốc tế. Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, giải thích vì sao dù có những khác biệt lớn về trọng lượng kinh tế nhưng nhiều nước vẫn được chọn để tham giam BRICS :

"Điều cốt lõi ở đây là vì những nước này bị gạt ra khỏi các định chế quốc tế lớn. Năm nước thành viên của BRICS chiếm khoảng 15% phiếu bầu ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi cả năm nước gộp lại có đến gần 3,5 tỷ dân và chiếm gần 25% GDP của toàn cầu. Đây là ý tưởng chính dẫn đến việc hình thành BRICS.

Từ quan điểm này, Saudi Arabia là cường quốc thứ chín trên thế giới và trên phương diện GDP tính theo đầu người, Saudi Arabia cũng không xa mấy các nước Châu Âu, nhưng trên bình diện chính trị, vai trò và quyền phủ quyết trong các tổ chức quốc tế lớn là không có. Do vậy, việc bày tỏ nguyện vọng tham gia nhóm BRICS còn nhằm mục đích làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới".

Nhưng BRICS có thêm thành viên mới không chỉ là mở rộng câu lạc bộ, mà đây còn là một liên minh mở rộng cho phép vạch lại mô hình tài trợ phát triển của các nước mới trỗi dậy, thống trị các thị trường dầu khí và nguyên liệu thiết yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các vương quốc Ả Rập : Những ông chủ ngân hàng mới

Và trong tầm nhìn này, Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi trước tiên. Trang mạng La Tribune (25/08/2023) nhận định việc mở rộng nhóm cho phép Trung Quốc tăng tốc dự án Những Con đường Tơ lụa Mới (BRI), được khởi động từ năm 2013, liên quan đến gần 70 nước, đông đến khoảng 4,4 tỷ dân, và chiếm đến khoảng 40% GDP toàn cầu, nhưng bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, BRICS có thể huy động thêm được nguồn vốn cho ngân hàng phát triển của nhóm – New Development Bank (NDB), được thành lập năm 2014 – để có thể tài trợ các dự án đầu tư cho các nước mới trỗi dậy mà không cần các khoản vay có điều kiện từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB).

Kinh tế gia Alexandre Kateb, chủ tịch Văn phòng tư vấn The Multipolarity Report, trên đài truyền hình tư nhân BFMTV, nhấn mạnh việc mở rộng BRICS cũng có nghĩa là phi đô la hóa :

"Đúng là phi đô la hóa và phát triển một đồng tiền trao đổi thay thế như nhân dân tệ chẳng hạn sẽ đi cùng với việc mở rộng nhóm. Ở đây thật sự có một lô-gic kết nối hai khía cạnh này với nhau. Theo tôi, điều này thể hiện rõ qua việc kết nạp hai nước Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, bởi vì đây là những nước có thể tài trợ cho một hệ thống tài chính mới dựa trên đồng tiền của BRICS hay một đơn vị tiền tệ dự trữ nào đó mà đồng tiền này được ấn định theo bản vị vàng hay dầu hỏa".

Về điểm này, nhà nghiên cứu thuộc IRIS, trên đài RFI lưu ý thêm rằng "ngân hàng NDB của BRICS vốn đang thiếu nguồn tài chính, bỗng nhiên có thêm hai chủ ngân hàng, giờ có thể cấp vốn cho các nước phương Nam nào có nhu cầu. Cho đến hiện tại, Trung Quốc là bên giữ vai trò này, tất cả các nước đều tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc ở trong nhóm. Do vậy, sự có mặt của hai nước Ả Rập là một sự tái cân bằng khá thú vị".

Liên minh BRICS và OPEC+ để thống lĩnh thị trường dầu lửa

Trong bối cảnh này, Nhà Trắng ra sức ngăn cản nhiều nước tham gia BRICS, khi cam kết giải ngân "khoảng 50 tỷ đô la tiền vay cho các nước có thu nhập trung bình và các nước nghèo", đồng thời mời gọi các nước đồng minh và đối tác tham gia đóng góp để nâng tổng số tiền hỗ trợ có sẵn là 200 tỷ đô la.

Liệu rằng Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ? Câu trả lời là Khó, vì giới quan sát cảnh báo thêm rằng đại đa số các nước thành viên khối OPEC Mở rộng, nhóm các nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa, cũng sẽ sớm gia nhập nhóm BRICS. Sự hội nhập này sẽ mang lại cho nhóm một vị thế vượt trội trên các thị trường dầu khí.

La Tribune ước tính tổ chức OPEC+ được hội nhập vào BRICS có thể sẽ chiếm đến hơn 60% sản lượng khai thác và 40% khả năng tinh lọc vàng đen của thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng quan trọng của các nước Vùng Vịnh. Việc bảo đảm nguồn cung dầu khí là mang tính sống còn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn dĩ một phần lớn nhập khẩu là để đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Ông Alexandre Kateb nhận định, việc nhiều nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa gia nhập BRICS cho thấy rõ một mục tiêu chiến lược khác : Giảm bớt sự phụ thuộc vào đô la trong việc niêm yết giá dầu trên thị trường thế giới.

"Đây thực sự là chất xúc tác cho sự chuyển đổi này và vai trò của nhân dân tệ trong việc thanh toán các hợp đồng dầu mỏ. Quá trình đã được bắt đầu với việc Saudi Arabia ký một thỏa thuận với Trung Quốc để thanh toán những hợp đồng xuất khẩu dầu lửa bằng nhân dân tệ. Rồi chuyển giao hàng khí hóa lỏng đầu tiên của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Trung Quốc cũng được trả bằng đồng nhân dân tệ.

Hơn nữa, chính hãng Total của Pháp là bên đưa ra sáng kiến giao dịch này. Và ngày nay chúng ta thấy rõ là có cả một phong trào nhằm thiết lập các giao dịch trong một khuôn khổ đa phương, nơi xuất phải cho ý tưởng về một loại tiền dự trữ cho BRICS, một loại đơn vị tiền tệ trao đổi đóng vai trò như là một đơn vị thanh toán cho tất cả các hoạt động giao dịch này và như vậy cũng sẽ cho phép gộp những nước khác mắc nợ Trung Quốc, cung cấp tài chính cho họ mà không dùng đến đồng đô la, như trường hợp của Argentina hiện nay".

Châu Âu và sự phụ thuộc vào BRICS trong tương lai ?

Cuối cùng, trong lĩnh vực nguyên liệu, mức độ tập trung còn quan trọng hơn và trở nên mang tính chiến lược cho nhiều nước mới trỗi dậy muốn tận dụng quá trình chuyển đổi năng lượng để có thể tự mình phát triển các chuỗi công nghiệp thế giới và hưởng lợi các chuỗi giá trị cao như kế hoạch IRA của tổng thống Mỹ Biden trị giá 370 tỷ đô la, hay của kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu, 750 tỷ euro.

Những nước muốn tham gia, hay đã là thành viên, đều là những quốc gia giầu khoảng sản, nhất là những nguồn đất hiếm như nickel, cobalt, platine hay palladium… Trọng lượng của những nước này (Nga, Indonesia, Cộng hòa Congo, Nam Phi, hay Trung Quốc…) trong lĩnh vực dầu khí và nguyên nhiên liệu, cũng như trữ lượng của chúng có khả năng thúc đẩy sự hội tụ lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nhóm BRICS trong tương lai.

Điều này có nguy cơ làm thay đổi cấu hình hiện tại của thị trường quốc tế và các chuỗi cung ứng. Đó cũng là những gì đã xảy ra cho dầu lửa và khí đốt khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, qua việc phát triển khai thác mỏ tại lục địa Châu Phi.

Nếu như Hoa Kỳ vẫn có thể trông cậy vào nguồn khai thác và sản xuất dầu khí ở trong nước và trong một chừng mực nào đó là các loại nguyên liệu hiếm từ Canada, rõ ràng là việc BRICS mở rộng nhưng dưới sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc có thể làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu. Khu vực này có nguy cơ bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu lửa từ nhiều nước thành viên tương lai của BRICS, chủ yếu ở vùng Trung – Cận Đông và Châu Phi.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 31/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 335 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)