Đan viện Thiên An bị tấn công, dọa 'đánh chết' đan sĩ (VOA, 28/06/2017)
Sáng ngày 28/6, Đan viện Thiên An, Huế, bị một nhóm khoảng 150 người tự xưng là "nhân dân đi thực thi công lý" cùng với một số lãnh đạo chính quyền mặc thường phục tấn công, đập phá nát thánh giá và hành hung, gây thương tích cho rất nhiều đan sĩ.
Đan viện Thiên An bị một nhóm khoảng 150 người tấn công vào sáng ngày 28/6/2017.
Kể lại sự việc với VOA vào tối cùng ngày, Đan sĩ Giuse Maria Chữ Mạnh Cường cho biết :
"Vào lúc khoảng 7g45, chính quyền họ đi vào trong khu vực của Đan viện Thiên An, kéo theo rất đông, các thầy áng chừng khoảng trên dưới 150 người, trong đó có rất nhiều hội đoàn mà chính các thầy đã nhìn tận mặt được. Họ không mặc quân phục, không vào làm việc với nhà dòng, mà cứ dẫn người vào để phá cây Thánh Giá".
Các đan sĩ cho biết cây thánh giá trên Đồi Khổ Nạn trong khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện, hai năm trước đã bị đánh cắp và đập phá, đã được các đan sĩ tìm thấy gần một con suối gần đó và dựng lại để khách hàng hương đến viếng.
Thánh giá trên Đồi Khổ Nạn từng bị tấn công, đánh cắp năm 2015.
Đan sĩ Cường cho biết nhóm người tấn công tỏ ra rất hung hãn dưới sự chỉ đạo của các giới chức chính quyền mặc thường phục, trong đó có trưởng, phó công an xã Hương Thủy, các ban ngành, các quan chức phụ trách về vấn đề đất đai…
"Họ điều khiển một khối lượng các côn đồ tay mang hung khí, rồi có cả hội phụ nữ nữa. Một mặt các thanh niên xô lên đạp đổ thánh giá. Các thầy thì cứ lặng lẽ lên để ôm thánh giá thôi chứ không làm gì cả. Trong lúc lên như vậy thì họ đánh, đạp, xô đẩy… Cảnh tượng rất hỗn loạn và các thầy bị đánh đập rất nhiều".
"Có khoảng 40 đan sĩ hiện diện lúc đó. Nhưng số lượng họ đông hơn và họ lại được phép đánh mình. Họ dùng cả gậy gộc, tuýp nước, lưỡi cưa nhỏ để cưa vào tay các thầy nếu các thầy ôm cây thánh giá".
"Các đan sĩ cảm nhận được là hôm nay các anh công an, bên chính quyền Cộng sản, họ bộc lộ hết tất cả những gì tồi tệ nhất mà họ có thể làm được là họ làm với các đan sĩ. Chính lãnh đạo của nhóm đó tuyên bố to trước mặt mọi người rằng ‘Bắt đầu từ bây giờ, một đan sĩ nào ra khỏi tu viện Thiên An là đánh cho chết".
Các đan sĩ cho biết vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, công an đã tụ tập xung quanh khu vực đan viện và ngăn cản, không cho bất cứ du khách hay bất cứ ai đi vào khu vực của đan viện.
Trong số những người tấn công, các đan sĩ Đan viện Thiên An nhận mặt được nhiều quan chức, lãnh đạo địa phương.
Đan sĩ Peter Monica Nguyễn Văn Chinh kể với VOA :
"Cùng một nhóm người đó chiều nay họ lại về uy hiếp Đan viện Thiên An để cho một xe múc mở thông một con đường [trong phần đất của đan viện], và bây giờ họ đã làm xong nửa con đường rồi. Họ phá trụi cây. Cây thông, cây tràm, cây keo của các thầy họ phá bỏ hết. Họ mở hẳn một con đường để khống chế Đan viện Thiên An".
"Bên này thì xe múc đào, còn phía bên kia đường thì họ cho xe vận tải cỡ lớn múc đất đổ ngay bờ ngăn nước của đan viện. Trên đó là hồ nước cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu của đan viện".
Đan viện Thiên An, được mệnh danh là "Đà Lạt trên đất Huế", tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu mà đan viện đã có từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền "tiếp quản" từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư.
**********************
Đan sĩ Thiên An bị hành hung (RFA, 28/06/2017)
Vào sáng ngày 28/6/2017, có khoảng 100 an ninh, công an và côn đồ đến Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, Huế đập phá và hành hung các tu sĩ trong lúc họ dựng thập tự giá. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi kể lại vụ việc đã xảy ra với RFA như sau :
Chốt cảnh sát giao thông chặn lối vào Đan viện Thiên An. Ảnh chụp ngày 28/06/2017 Courtesy : Tin Mừng Cho Người Nghèo
"Khoảng 8 giờ sáng hơn, lúc đó Cha Bề trên dẫn một số soeur đến thăm ra về thì bên an ninh, công an xã, công an huyện, công an tỉnh, xã đội, phụ nữ và một số côn đồ được thuê đến đập thánh giá, hạ xuống, không cho dựng. Nhưng các thầy kiên quyết ôm thánh giá. Những người này nắm tóc, xé áo lôi các thầy ra. Các thầy chống cự thì bị đập luôn. Có hai thầy bị đánh bầm đen mắt. Chúng tôi thấy khủng khiếp quá !"
Sau khi vụ hành hung diễn ra, một số chốt cảnh sát giao thông đã được dựng lên ngay trên đoạn đường dẫn vào Đan viện Thiên An. Các tu sĩ bị tịch thu xe gắn máy khi họ muốn ra khỏi đan viện.
Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi cho biết công an đã lập biên bản về những gì vừa xảy ra vào sáng ngày 28 tháng 6 với những người đến đập phá thánh giá, nhưng các tu sĩ của Đan viện Thiên An không được yêu cầu tham gia tường thuật vụ việc. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi khẳng định với Đài Á Châu Tự Do nhận diện được những công an cốt cán từ cấp xã đến cấp tỉnh tham gia vụ đập phá và hành hung :
"Tôi nhận diện cả tên và chức vụ : Trưởng Công an xã là Thượng úy Võ Trọng Nhơn. Phó Công an xã là Đại úy Dương Văn Hiếu. Công an bên tỉnh có ông Trần Công Quý. Công an huyện có ông Minh. Biết bao nhiêu công an mà kể nhưng họ mặc thường phục hết. Mình biết vì họ lên làm việc với mình nhiều rồi. Chỉ cần nhìn thì biết họ là công an".
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến đơn thư mà Đan viện Thiên An gửi đến Chính quyền Thừa Thiên-Huế cùng cơ quan báo đài để phản đối cũng như yêu cầu đính chính thông tin họ đã loan đi "một số đối tượng xấu trong trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng để lấn chiếm trái phép", Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi nói rằng các cơ quan truyền thông không hồi đáp và cũng không đính chính theo yêu cầu của Đan viện Thiên An. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế gửi thông báo xác nhận tỉnh đã nhận được những văn bản đơn thư và hẹn dàn xếp làm việc với Đan viện trong tháng 8 tới đây.
Trong thời gian chờ đợi làm việc với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đan viện Thiên An tiếp tục công việc chỉnh trang vườn tược, san ủi làm đường trên phần diện tích tích của đan viện.
Đan viện Thiên An cho biết công việc họ đang làm không bị gây cản trở từ phía chính quyền. Tuy nhiên, 3 lần thánh giá của Đan viện Thiên An được dựng lên trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2017 thì cả 3 lần đề bị an ninh, công an và côn đồ đến đập phá.
Hòa Ái, Phóng viên RFA
*****************************
Cấm xuất cảnh linh mục công khai chỉ trích nhà cầm quyền (RFA, 28/06/2017)
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội vào ngày 27 tháng 6 bị cấm xuất cảnh để đi du học tại Úc.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong - Courtesy Facebook Nguyễn Ngọc Nam Phong
Theo biên bản của Công an Cửa Khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài lập vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 27 tháng 6 thì lý do dừng xuất cảnh đối với linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong là vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong hiện là trưởng ban Công Lý - Hòa bình của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ông luôn lên tiếng bảo vệ cho những thành phần là nạn nhân của tình trạng bất công xã hội hiện nay.
Trong lĩnh vực tôn giáo, ông tham gia đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của nhiều người dân tại khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam. Đó là nơi mà nhiều người dân tộc thiểu số sống trong cảnh khó nghèo, lạc hậu và ông cũng tham gia giúp nâng cao đời sống vật chất cho họ.
Vào ngày 27 tháng 6, một trường hợp thân nhân của cựu tù chính trị cũng bị cấm xuất cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là trường hợp của bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm, chị của cựu tù nhân Đỗ thị Minh Hạnh.
Lý do cấm bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm xuất cảnh được nêu trong biên bản là căn cứ Nghị định 136 của chính phủ Việt Nam ban hành ngày 17 tháng 8 năm 2007 để "chưa giải quyết xuất cảnh" đối với cá nhân bà này.
Bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm lập gia đình từ năm 2011 và lâu nay sinh sống tại Ba Lan và Áo ; vừa qua về thăm gia đình ở Di Linh, Lâm Đồng nhưng khi ra phi trường để trở lại với gia đình tại Châu Âu thì bị cấm xuất cảnh.
*********************
Linh mục Giáo xứ Thái Hà bị cấm xuất cảnh (BBC, 28/06/2017)
Linh mục Giáo xứ Thái Hà, người bị dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia" nói với BBC rằng "chính quyền nên hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân".
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà thường được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội vào Chủ nhật mỗi cuối tháng.
Trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý - hòa bình hôm 25/6 tại Nhà thờ Thái Hà, bài giảng của linh mục Nam Phong có nội dung : "Cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong việc xây dựng đất nước thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ và văn minh ; Cầu nguyện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (người sẽ ra tòa hôm 29/6) được bình an, can đảm tuyên xưng đức tin và được xét xử đúng pháp luật".
Trả lời BBC hôm 28/6, ông cho hay : "Sự việc xảy ra vào chiều 27/6, tôi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Úc tham dự một khóa học của nhà dòng thì công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngăn lại".
"Biên bản của họ ghi lý do "bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".
"Tôi có nói lại với họ rằng việc ngăn tôi xuất cảnh là trái pháp luật và tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, cũng như không được tôn trọng".
"Bản thân tôi chưa từng bị chế tài hay bị lập biên bản về việc vi phạm pháp luật".
"Phía an ninh sân bay cũng chỉ nói loanh quanh rằng có chuyện gì đó khiến Công an Hà Nội không cho tôi xuất cảnh và họ chỉ làm theo yêu cầu từ đơn vị khác chứ không có trách nhiệm giải thích cho tôi biết lý do".
"Tôi đang cân nhắc chuyện khiếu kiện vì bị dừng xuất cảnh".
Đề cập về những bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Linh mục Phong nói : "Tôi rao giảng đúng với trách nhiệm của linh mục trước những vấn đề xã hội".
Biên bản dừng xuất cảnh đối với linh lục Nguyễn Ngọc Nam Phong
'Đấu tố'
"Lẽ ra với những trường hợp bị dừng xuất cảnh, cơ quan chức năng cần báo trước cho đương sự để họ khỏi lỡ dở công việc".
"Tôi đã phải sắp xếp công việc mục vụ cả năm cho chuyến đi này nhưng rồi không đi được".
Linh mục cũng cho hay ông là người thứ hai ở giáo xứ Thái Hà bị dừng xuất cảnh.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói ông đề nghị cấp hộ chiếu từ năm 1998 nhưng bị phòng Xuất nhập cảnh Công an Hà Nội từ chối vì "lý lịch không tốt".
"Mãi đến cuối năm 2014 tôi mới được cấp hộ chiếu và hôm qua là lần xuất cảnh đầu tiên của tôi nhưng không thành".
Ông cũng cáo buộc với BBC rằng thời gian qua, ông bị chính quyền Hà Nội dùng lực lượng cựu chiến binh để "đấu tố".
"Một nhà nước pháp quyền thì phải hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân, cũng như sử dụng những người thiếu hiểu biết pháp luật để tấn công nhắm vào các linh mục lên tiếng trước các vấn đề xã hội, môi trường như Formosa", linh mục Phong nói.
Trên mạng xã hội, một số trang ghi "Nhân dân cả nước hết sức phẫn nộ với nội dung Nguyễn Ngọc Nam Phong rao giảng trong ngày 30/4/2017. Đề nghị chính quyền Hà Nội xử lý tên phản động này, giữa thủ đô mà để những phần tử này làm loạn thế này sao ?".
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Năm 2011, báo chí trong nước đồng loạt công kích Giáo xứ Thái Hà 'bạo động và gây rối trong quá trình đòi đất'.
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Khoảng 30 linh mục và giáo dân bị chính quyền Hà Nội bắt và đưa đi sau buổi nộp đơn khiếu nại và tuần hành tháng 12/2011. Chính quyền đã thả họ sau khi kết tội 'Gây rối trật tự công cộng' và đe dọa sẽ trừng trị nếu tái diễn.